'Ao Cá Bác Hồ' - Mãi Xanh Từ Mạch Nguồn Tình Bác
Có thể bạn quan tâm
Được thăm ao cá Bác Hồ Chúng em mừng quá reo hò vỗ tay Cá mè, cá chép, cá chày Bỗng dưng rẽ nước bơi đầy mặt ao.
Em nghe mấy bạn thì thào Được gần bên Bác thảo nào cá ngoan. (NGƯT – nhà văn Nguyễn Ngọc Ký)
Câu chuyện về đàn cá ngoan được anh Nguyễn Văn Công - Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch kể với chúng tôi khi tìm đến anh tham khảo tư liệu về ao cá tại nơi Bác sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Kỷ niệm về Bác là những câu chuyện rất giản dị, nhẹ nhàng nhưng đầy tình yêu với con người, thiên nhiên và cuộc sống.
Đi theo những con đường rợp bóng cây dừa, cây bụt mọc bên ao cá, anh kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Bác. Sinh thời, Bác chăm đàn cá rất chu đáo. Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều là lúc Bác cho cá ăn. Thức ăn chủ yếu cho cá thường là cám, ngoài ra buổi sáng lúc ăn điểm tâm, Bác để lại một lát bánh mỳ, cơm được anh em phục vụ phơi khô đựng vào chiếc hộp để cạnh cầu ao.
Từ khi có ao cá, dù bận đến thế nào, sau giờ làm việc Bác cũng ra cầu ao gọi cá cho ăn. Những con cá dần quen với những tiếng vỗ tay của Bác. Chỉ sau một thời gian ngắn huấn luyện, đàn cá chỉ nổi lên mỗi khi nghe tiếng vỗ tay quen thuộc. Có lần, Bác đi công tác nước ngoài lâu ngày, những người phục vụ cho con cá ăn theo cách Bác vẫn làm. Khi về, Bác ra cầu ao gọi cá nhưng mãi không thấy cá đâu. Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác - xem tại sao không thấy con cá gáy đỏ của Bác về ăn như mọi khi. Bác bảo: “Chú ạ, có mấy con cá quen mà Bác vỗ tay gọi mãi chẳng thấy nó về. Chắc chú nào bắt mất rồi!”.
Bác nói vậy nhưng thực ra Bác biết ao cá vẫn còn nguyên, chỉ có điều lâu ngày không được huấn luyện nên cá không còn thói quen cũ. Bởi vậy, Bác nhắc với người phục vụ: “Con người ta cũng vậy, để tạo thói quen tốt phải đòi hỏi sự kiên trì và khổ công rèn luyện. Thói quen xấu thì tiếp thu nhanh lắm!”.
Yêu thương những gì gắn bó xung quanh mình, Bác còn chú ý bảo vệ đàn cá, những năm trời rét đậm, Bác nhắc anh em kiếm bèo tây về ngăn vào một góc ở hướng Bắc để che gió lùa và cho cá có nơi trú ẩn.
Một câu chuyện khác mà đến nay nhiều người vẫn thường nhắc, đó là chuyện Bác Hồ bày cách cân cá. Có lần bắt được con cá trắm đen nặng tới 24kg. Vì con cá quá to lại giãy rất khỏe nên nhiều người loay hoay mà không thể nào cân được.
Anh em cứ đặt lên cân thì cá lại nhảy xuống. Thấy vậy, Bác liền cười và bảo: “Một chú ôm con cá và đứng lên cân. Sau đó chú bỏ cá xuống, cân mình xem bao nhiêu cân rồi lấy tổng số trừ đi là ra”. Lúc ấy anh em mới chợt ồ lên vì cách giải quyết đơn giản thế mà chẳng ai nghĩ ra.
Cá Bác nuôi rất mau lớn, đàn cá rô phi sản lượng mỗi năm một tăng nên đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện bữa ăn. Cứ mỗi khi có khách trong nước hay ngoài nước được Bác mời cơm thì món ăn “cây nhà lá vườn” là cá Bác tự tăng gia. Hàng năm cứ vào những ngày lễ hoặc Tết cổ truyền, Bác lại nhắc anh em phục vụ bắt một số cá lên làm quà biếu các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời tặng anh em trong đơn vị bảo vệ cùng các gia đình trong cơ quan. Cá trong ao cũng được sử dụng mỗi khi Bác mời cơm các đoàn khách trong nước và quốc tế.
Ngày nay, mỗi khi vào Lăng viếng Bác xong, du khách thăm quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh không khỏi trầm trồ, thích thú với không gian xanh vườn cây, ao cá bên cạnh khu nhà sàn. Đàn cá dường như dạn người lúc nhảy lên vui đùa làm khuấy động không gian mặt nước xanh thẫm, lúc lại chen nhau ngoi lên mặt nước đớp mồi được thả xuống từ khu vực cầu ao cũ. Bao năm Người đi xa, nhưng những ký ức về lối sống giản dị của người bên vườn cây, ao cá; đạo đức, tình thương của Người vẫn lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Xem clip Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công chia sẻ về "Ao cá Bác Hồ" bên nhà sàn của bác:
Trình duyệt của bạn không hỗ trợ. Tải về: video/mp4
Anh Nguyễn Văn Công cũng cho biết về lịch sử hình thành khu ao cá bác hồ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ thời Pháp, khi xây dựng Phủ toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Chính phủ Pháp đã cho đào một chiếc ao với mục đích để chứa nước. Sau là chỗ để hươu nai trong vườn sau Phủ Toàn quyền (vườn Bách Thảo bây giờ) xuống uống nước.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, nơi này được chọn là nơi làm việc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, đồng thời là nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày về Thủ đô, sống và làm việc ở nhà sàn, Bác Hồ đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo nơi này thành ao nuôi cá vừa để cải thiện đời sống, vừa làm cho không khí thêm trong lành. Làn nước mát cũng giống như dòng nước sông quê chảy trong lòng mỗi người dân Việt. Nghe theo lời gợi ý của Bác, anh em bảo vệ đã tập trung làm. Chỉ sau một tuần, công việc nạo vét hồ đã hoàn thành.
Sau khi ao đã được dọn sạch, nạo vét và kè lại bờ thành ao nuôi cá, Trại cá giống Đình Bảng đã mang sang những giống cá tốt thả vào ao. Những cây dừa, bụt mọc, liễu… cũng được trồng lại như nhắc nhớ hình ảnh Bắc - Trung - Nam trong trái tim Người. Theo anh Công, ao rộng 3.320m2, độ sâu trung bình là 2m với 16 loài, 6 nhóm cá tung tăng bơi lội.
Cá được thả ở đây là cá rô phi, chép, mè, trôi, trắm cỏ… Trong hồ còn phát triển khá nhiều loại trai, nhiều con đã kết ngọc. Riêng cá trắm phát triển rất nhanh và có lần anh em đánh được con cá nặng 24kg. Bác nói rằng nuôi cá phải chọn loại dễ nuôi, mau lớn và sinh sản nhiều. Đó là những loại cá có giá trị kinh tế của nước ta. Phương châm đó của Người là một bài học lớn cho cán bộ ngành Thuỷ sản suy nghĩ trong công tác nghiên cứu của ngành mình gắn với quan điểm kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho phong trào sản xuất. Đó chính là khởi nguồn của phong trào “Ao cá bác Hồ” bắt đầu được phát động 10 năm sau ngày Bác mất.
Theo Giám đốc Khu Di tích Nguyễn Văn Công: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác đã sống, làm việc, dưỡng bệnh và sống những năm tháng cuối đời (1954 - 1969). Mỗi di tích, tài liệu, hiện vật nơi đây chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau là minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp cách mạng, hạnh phúc của nhân dân.
Sau khi Bác qua đời, tất cả cảnh quan, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời cần được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn nguyên trạng. Bởi vậy, toàn bộ không gian khu vực đã được định vị chính xác trên bản đồ cho từng ngôi nhà, gốc cây, mảnh vườn đến đường đi, lối mòn... và được quy hoạch chi tiết. Từng điểm di tích đều đánh dấu sự kiện đáng nhớ và mang ý nghĩa nhất định tại từng thời khắc quan trọng của Bác.
Từ năm 1970 đến nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phục vụ, đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách tham quan, trong đó có khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 8 tháng của năm 2019, Khu Di tích đã đón hơn 2 triệu lượt khách.
Tìm hiểu về phong trào “Ao cá Bác Hồ” đã từng lan rộng ra khắp cả nước và vẫn còn phát huy hiệu quả đến ngày hôm nay, chúng tôi đến gặp TS. Tạ Quang Ngọc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản tại ngôi nhà nhỏ của ông trên phố Huỳnh Thúc Kháng. “Phong trào Ao cá Bác Hồ là cơ sở phát triển nghề nuôi cá nước ngọt cũng như ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam hôm nay.” - người cán bộ lão thành đầy tâm huyết với ngành Thủy sản bắt đầu câu chuyện.
Sinh thời, Bác luôn chú trọng phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân. Trong di chúc của mình, Bác đã viết “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Theo lời Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, qua tư liệu mà ông dày công nghiên cứu, hành trình phong trào “Ao cá Bác Hồ” phát triển khắp cả nước một cách ngoạn mục với tốc độ đột phá.
Trước đó, vào tháng 5/1960, Hợp tác xã Yên Duyên - Yên Sở, Thanh Trì (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên được Bác gửi tặng 100 con cá rô phi giống lấy từ “Ao cá nhà Bác” để nuôi, từ đó sản lượng cá của địa phương tăng từ 50 tấn (năm 1962) lên 730 tấn cá (năm 1975) nhờ tận dụng tốt mặt nước sẵn có cũng như nguồn thức ăn phong phú sẵn có. Đến đầu năm 1969, khi một đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình ra Trung ương họp và được vào báo cáo với Bác về thành tích của tỉnh, khi Bác hỏi thăm về tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh, đồng chí cán bộ báo cáo đời sống của nhân dân khó khăn vì thu nhập chính của nhân dân là nghề cá thì bị địch phong tỏa bờ biển, không đủ cá giống để nuôi. Khi đó, Bác đã nói “Nếu thiếu giống thì Bác sẽ cho cá giống. Trong lúc cá biển gặp nhiều khó khăn, các chú cần đẩy mạnh nuôi cá để có thêm thức ăn bồi dưỡng sức dân”.
Mùa thu năm ấy, Bác đột ngột qua đời. Biến đau thương thành hành động, nhân dịp sinh nhật Bác 19/5/1970, đại diện tỉnh Quảng Bình đã đến Văn phòng Phủ Chủ tịch để nhận 1.200 con cá rô phi giống trong ao cá của Bác, quyết tâm nhân rộng giống cá trong ao cá Bác Hồ. Đoàn xe chở cá đã vượt 500km liên tục trong 3 ngày đưa cá về đến Quảng Bình.
Thực hiện lời căn dặn của Người và nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/11/1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Hải sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ”, lấy ao cá của Bác ở Phủ Chủ tịch làm kiểu mẫu, rồi từ đó phát động thi đua rộng khắp cả nước để thực hiện. Sau cuộc phát động, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch đã được gửi cho nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Hưng, Thanh Hóa, Hà Nội…
Ngày 18/12/1978, chiếc máy bay chở cá giống từ ao cá Bác Hồ đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Số cá giống này được nuôi tại Trung tâm cá giống Thủ Đức để cung cấp cá giống cho đồng bào miền Nam.
Trên khắp cả nước từ Bắc tới Nam, từ miền núi tới đồng bằng, nhiều hợp tác xã đã đầu tư hàng vạn ngày công cải tạo ao tù, đồng cớm thành khu “Ruộng cả ao liền” nhằm phát huy tiềm năng mặt nước phong phú trên khắp đất nước. Phong trào này đã thu hút được đông đảo các địa phương trong cả nước tham gia và gặt hái được những thành công lớn. Những "Ao cá Bác Hồ" trở thành những “kho thực phẩm” ở nông thôn giúp giải quyết hậu cận tại chỗ.
Trong bài nghiên cứu của mình, TS. Tạ Quang Ngọc ghi rõ “Phong trào “Ao cá Bác Hồ” bắt nguồn từ chính sự quan tâm, chăm lo của Bác tới người dân nói chung, người nông dân nói riêng, tuy nhiên, nó cũng là cơ sở phát triển nghề nuôi cá nước ngọt cũng như ngành nuôi trồng thủy sản nước ta hôm nay. Từ khi phát động phong trào (giữa tháng 11/1978) đến hết tháng 3/1979, cả nước có 594 “Ao cá Bác Hồ” với tổng diện tích mặt nước là 391,5 ha tại 18 tỉnh, thành phố với 120 huyện, thị xã, khu phố, trong đó có 394 điểm của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 70 điểm của lực lượng vũ trang, 89 điểm của cơ quan, xí nghiệp, trường học, 41 điểm của trạm trại, nông trường.
“Phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” vừa có ý nghĩa chính trị thiêng liêng, đời đời nhớ ơn Bác, vừa có hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc xây dựng các vành đai nuôi cá thực phẩm xung quanh các thành phố và khu công nghiệp lớn. Phong trào vừa mới phát động, khắp nơi đã nô nức hưởng ứng và triển khai hết sức tích cực…”.
Xem clip Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc chia sẻ về sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào "Ao cá Bác Hồ":
Trình duyệt của bạn không hỗ trợ. Tải về: video/mp4
Đáng chú ý, từ phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”, phương pháp nuôi tiên tiến và học tập những kinh nghiệm hay của nhân dân đã bắt đầu được đưa vào ứng dụng. Theo đó, ngành Thủy sản đặt ra yêu cầu củng cố tốt các cơ sở giống hiện có nhất là các cơ sở giống để phục vụ cho việc phát triển phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” và nghiên cứu để phát triển thêm những cơ sở cần thiết khác.
Từ phong trào này, nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo chặt chẽ, xây dựng yêu cầu nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả kinh tế thiết thực. Nhiều địa phương sau khi nhận cá giống từ “Ao cá Bác Hồ” đã kết hợp cùng một số cá giống tốt của địa phương để tạo nguồn cá giống chất lượng cung cấp cho cơ sở phát triển phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” cả về số lượng lẫn chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế thiết thực.
Rõ ràng, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản nước ta theo chiều sâu, gắn hiệu quả kinh tế với tăng năng suất. Đặc biệt trong thời kỳ tình hình khai thác thủy sản của nước ta gặp khó khăn, nước ta đã xác định đẩy mạnh nghề nuôi thủy sản cho tương xứng với vị trí, tầm quan trọng và tiềm năng của đất nước.
Từ những điểm "Ao cá Bác Hồ" ban đầu này đã mở ra rộng khắp thành phong trào thực sự lôi cuốn. Sự lôi cuốn của công việc trước hết là gắn với tình cảm của nhân dân với Bác.
Về lại “Ao cá Bác Hồ” trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để thấy những gần gũi, giản dị trong lối sống, trong đạo đức người Cách mạng của vị lãnh đạo. Bác thích trò chuyện, tiếp khách tại đây bởi không bị giới hạn bởi không gian và các nghi thức ngoại giao, con người dễ gần gũi với nhau hơn. Được Bác tiếp đón tại giàn hoa Phủ Chủ tịch hay ở tầng một nhà sàn là một kỷ niệm khó quên đối với những vị khách của Bác.
Vì thế, nếu khi xưa, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cũng là nơi Bác dành để tiếp đón các đoàn khách đặc biệt của mình thì nay đây cũng là người dân trong nước và quốc tế bao gồm cả những chính trị gia hàng đầu thế giới cũng tìm tới đây để thấy lại bóng dáng Người.
Trong những chuyến thăm chính thức Việt Nam, các vị lãnh đạo nhiều quốc gia đã dành thời gian trong lịch trình bận rộn của mình để đến bày tỏ lòng yêu kính Bác. Từ nơi đây, các chính khách không khỏi khâm phục đức tính giản dị mà gần gũi của Người.
Với khởi đầu của phong trào, đến nay, tại hầu khắp các địa phương, “Ao cá Bác Hồ” vẫn còn được duy trì và đã dần được tôn tạo, khôi phục lại những giá trị văn hóa, xã hội. Tại Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An), cùng với các di tích lịch sử quen thuộc, thu hút đông đảo nhân dân cả nước như Cụm di tích Hoàng Trù, Cụm di tích Làng Sen, khu lăng mộ bà Hoàng Thị Loan, “Ao cá Bác Hồ” tại Khu di tích Kim Liên cũng là một địa điểm thu hút du khách tới tham quan quê Bác. Ao cá nằm trên tuyến đường dẫn sang quê nội của Bác tại Làng Sen, được các nhân viên tại Khu di tích Kim Liên chăm sóc và tu bổ, tôn tạo. Đặc biệt, số cá chép nuôi trong ao được đưa về từ “Ao cá Bác Hồ” tại Khu di tích trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.
Tại Sơn La, “Ao cá Bác Hồ” vẫn được người dân, chính quyền địa phương bảo tồn và duy trì. Ao cá nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố Sơn La dọc theo Quốc lộ 6. Chính quyền Tỉnh đã có chủ trương cải tạo, chỉnh trang “Ao cá Bác Hồ” gắn liền với quần thể Quảng trường, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc và khu trụ sở hành chính của Tỉnh. Ao cá có hình dáng cách điệu cánh hoa ban đặc trưng của miền Tây Bắc, với diện tích mặt nước 13.552 m²; có đường dạo quanh ao rộng 3m, sân tưởng niệm, vỉa hè, khuôn viên trồng cây xanh, thảm cỏ, đài phun nước và hệ thống chiếu sáng hiện đại... và Tháp giếng nước lịch sử bên bờ ao vẫn được giữ nguyên.
Theo nhận xét của nhà văn Tố Hữu, việc phát triển “Ao cá Bác Hồ” có ý nghĩa quan trọng và tác dụng thiết thực về kinh tế và giáo dục tư tưởng. Xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của người dân với Bác, phong trào đã đáp ứng đúng yêu cầu tất yếu phát triển phong trào nuôi cá, với ý thức tự lực, tự cường, khai thác hết khả năng, nguồn lợi và lao động nghề cá. Chủ trương này được các địa phương, các đơn vị sản xuất, đơn vị quân đội lúc bấy giờ nhiệt liệt hưởng ứng.
Phong trào "Ao cá Bác Hồ" đã giúp nhân rộng và phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trên khắp cả nước, tận dụng tốt diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, nâng cao đời sống vật chất và đảm bảo sinh kế cho người dân. Đất nước ta được thiên nhiên ưu đãi “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Tận dụng tốt những nguồn lực này để phát triển nuôi trồng thủy sản giúp đem lại nguồn lợi lớn, không những phục vụ cho tiêu dùng trong nước mà giờ đây, nuôi trồng thủy sản còn phục vụ đắc lực cho mục tiêu xuất khẩu của quốc gia.
“Trên truyền thông, gần đây đưa khá nhiều tin tức về việc khôi phục hoặc xây dựng mới các "Ao cá Bác Hồ" ở một số địa phương và các hoạt động quanh những công trình đó. Tôi tin, một khi là những việc thiết thực, không hình thức thì đều được hoan nghênh vì đó là việc tốt, biểu tượng của tình cảm và lòng biết ơn với Bác Hồ kính yêu, là những việc làm mang lợi ích về môi trường sinh thái, nâng cao ý thức cộng đồng để giữ gình nét đẹp cảnh quan và bản sắc văn hóa, xây dựng nông thôn mới”, nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc tâm sự.
Đã hơn 50 năm Bác đi xa, hàng năm ao cá của Người vẫn được tu sửa nhằm tạo cảnh quan môi trường sinh thái vừa để phục vụ khách tham quan. Việc giữ gìn và phát triển đàn cá Bác Hồ vừa có ý nghĩa lịch sử vì nó gắn liền với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, để mỗi lần vào Lăng viếng Bác, thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và ngắm nhìn Ao cá Bác Hồ, mỗi chúng ta như lại thấy bồi hồi xúc động nhớ Bác qua những vần thơ của Tố Hữu:
“Con cá rô ơi chớ có buồn Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn Dừa ơi cứ nở hoa đơm trái Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn.” (Nhà thơ Tố Hữu)
Bài: Lê Sơn Ảnh, clip: Lê Sơn, TTXVN Trình bày: Đăng Tuệ Thy
19/05/2020 12:02
Từ khóa » Tỉnh Mang Cá Chép Biếu Bác
-
Chuyện Bác Hồ Với Những Người Nông Dân đảo Hà Nam
-
Kỷ Niệm đời Thường Về Sinh Nhật Bác Qua Lời Kể Người Cận Vệ Già
-
Những Câu Chuyện Kể Về Bác - Kỳ 4 - HĐND Tỉnh Bạc Liêu
-
Chuyện Về Ao Cá Bác Hồ - Ban Quản Lý Lăng
-
Những Chuyện Bác Hồ Cả Trăm Năm Chưa Dễ Thấu Ngọn Nguồn
-
Ao Cá Bác Hồ Trong Phủ Chủ Tịch - Thế Giới Di Sản
-
Ao Cá Bác Hồ - UBND Tỉnh Cà Mau
-
Ao Cá Bác Hồ: Những điều Chưa Biết - Gia đình
-
Bác Hồ Tặng 100 Con Cá Rô Phi Tại Yên Sở để Nuôi Năm 1959
-
Nếp ăn Bình Dị Của Bác Hồ
-
Ao Cá Bác Hồ | Tạp Chí Tuyên Giáo
-
Những Câu Chuyện Về Bác Và Bài Học Kinh Nghiệm ý Nghĩa
-
Cận Vệ Của Bác Hồ Và Câu Chuyện Bác 'lánh Nhà' Mỗi Dịp Sinh Nhật