Những Câu Chuyện Kể Về Bác - Kỳ 4 - HĐND Tỉnh Bạc Liêu
Có thể bạn quan tâm
Bác đang cùng bà con nông dân thử nghiệm máy cấy mới ở ngoại thành Hà Nội năm 1961
1. Đây là cánh cửa hoà bình
Năm 1958, Bác đi thăm Ấn Độ, Người rời Thủ đô Niu Đêli bằng xe lửa đặc biệt để thăm thành phố Bombay. Đông đảo đại diện ngoại giao các nước và quần chúng Thủ đô Niu Đêli ra tiễn Bác. Các thành viên của đoàn ta lên các toa trước để khi Bác đến là tàu có thể chuyển bánh được ngay.
Bác đến, rồi đi chào các đại diện ngoại giao đang xếp hàng ngang trong phòng khách của nhà ga. Khi ra sân ga chỉ có Bác, Thủ tướng Ấn Độ Nêru và ông Vụ trưởng Vụ lễ tân của Ấn Độ. Bước đến toa dành riêng cho Bác, Bác không vào ghế ngồi ngay mà đứng lại ở cửa, nói một vài câu chuyện với Thủ tướng Nêru. Khi còi tàu nổi lên báo hiệu tàu sắp chuyển bánh, Thủ tướng Nêru thân mật và ân cần nói với Bác:
- Chủ tịch hãy cẩn thận, tàu sắp chuyển bánh đó.
Tươi cười và rất hiền hoà, Bác Hồ nói với Thủ tướng Nêru:
- Ông bạn thân mến cứ yên tâm, đây là cửa của hoà bình.
Nghe Bác nói, Thủ tướng Nêru cười vui vẻ, cảm kích và trả lời Bác:
- Thưa Chủ tịch, cửa hoà bình luôn luôn rộng mở.
Câu chuyện rất thân mật này diễn ra giữa hai người đứng đầu hai quốc gia, đồng thời cũng là hai người bạn yêu chuộng hoà bình, luôn luôn đấu tranh cho hoà bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc đã làm cho các nhà báo Ấn Độ và nước ngoài có mặt hôm ấy rất chú ý.
Sáng hôm sau các báo lớn của Ấn Độ đăng lại cuộc đối thoại lý thú này và đã tạo dư luận rất tốt trong quần chúng. Nhiều báo nhắc lại câu nói của Bác: đây là cánh cửa hoà bình.
2. Tấm ván lát đường
Hôm ấy, một buổi chiều cuối hè 1958. Sau cơn mưa giông ngày hôm trước, trời vén mây cao tít, để lộ ra từng khoảng trời xanh biếc, đôi lúc có những lớp mây trắng bạc bập bềnh đuổi nhau. Đó là một buổi chiều đẹp trời, mát mẻ.
Lúc bấy giờ, khu tập thể của Nhà máy Cơ khí Hà Nội còn nghèo, chưa có nhà ba tầng, đường chưa lát đá như bây giờ. Trận mưa còn để lại những vũng lầy lội. Một chiếc ô tô màu xám nhạt đi rất êm, nhẹ, dừng lại bên hàng rào nứa cạnh chiếc quán lá bán quà sáng cho công nhân. Bác đến! Lúc đó nhiều anh chị em công nhân trông thấy Bác reo ầm lên, đổ xô cả lại. Vẫn bộ ka ki bạc màu, đôi dép cao su đen, quai to bản, đế mỏng, Bác nhanh nhẹn bước vào khu tập thể. Anh chị em công nhân theo Bác rất đông, trong đó có một số đồng chí lãnh đạo nhà máy. Khi sắp đến một vũng nước ngay giữa lối đi, đồng chí thư ký công đoàn nhà máy vội vàng đi lấy một tấm ván kê vào chỗ lội để Bác bước lên thềm hội trường. Bác xua tay, vén quần và cứ thế lội xuống nước cùng anh chị em công nhân bước lên thềm nhà. Sau đó, Bác dừng lại, quay về phía anh em công nhân, rồi nói với đồng chí thư ký công đoàn nhà máy:
- Các chú là người phụ trách, các chú cần phải để ý đến nơi ăn, chốn ở của công nhân hơn nữa. Không phải bắc ván chỉ cốt để Bác đi, mà phải làm sao đường sá được sạch sẽ, để khi anh chị em công nhân đi làm về khỏi phải đi vào chỗ lầy lội, bẩn thỉu…
3. Lời khuyên của một “lão nông”
Tháng 8-1958, với cương vị Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Nam Định, tôi được cùng các đồng chí trong Thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo Hội nghị phát động phong trào sản xuất đông xuân họp tại xã Yên Tiến (Ý Yên).
Đúng ngày họp, Bác về thăm. Đồng chí Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy ra tận đường đón Bác. Bác mặc áo bà ba nâu, hồng hào, mạnh khoẻ, tươi cười bước vào hội trường, đi từ dưới lên bắt tay nhiều đại biểu xã, huyện rồi mới bước lên bục nói chuyện.
Bác rút từ túi áo một tờ giấy ghi chép số liệu và nói về tình hình sản xuất trong toàn tỉnh, sự sút kém trong thu hoạch vụ chiêm và mức cấy chưa đạt kế hoạch vụ mùa. Bác phê phán bệnh chủ quan của cán bộ lãnh đạo và khen ngợi ba huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và một số bà con nông dân có nhiều cố gắng trong chăm bón lúa.
Bác dừng lại, nhìn xuống cuối hội trường và nhấn mạnh: Chúng ta làm ruộng, muốn lúa tốt, thu hoạch nhiều, phải hiểu thế nào là “nhất thì, nhì thục”, thế nào là “một nước, hai phân, ba cần, bốn cải tiến kỹ thuật?”. Phải có đủ mạ tốt và cấy đúng thời vụ; phải chăm sóc cây lúa từ lúc còn là cây mạ đến lúc thu hoạch, bón đủ phân và có đủ nước, thường xuyên chống sâu, chuột. Lời nói của Bác như lời khuyên của một cụ “lão nông tri điền”, vừa gần gũi vừa thiết thực. Bác quay lại nhắc các đồng chí trong tỉnh ủy phải đi sát nông thôn, trực tiếp giúp đỡ và lãnh đạo sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn tỉnh.
Trước khi ra về, Bác vào thăm một số gia đình nông dân và ra thăm cánh đồng xã Yên Tiến. Bác ngồi xuống bờ một thửa ruộng, dùng gang tay mình đo khoảng cách giữa 2 khóm lúa. Bác tỏ ra rất vui khi thấy lúa tốt và khen “cấy dầy vừa phải”.
Lần về thăm của Bác rất ngắn nhưng đã thôi thúc chúng tôi rất nhiều. Sau đó, cả Tỉnh ủy phân công nhau đi sâu xuống từng huyện, từng xã, dành thì giờ cùng nhân dân bàn việc làm phân xanh, đốn đốc việc cấy kịp thời vụ, chăm sóc lúa mùa và chuẩn bị vụ đông xuân.
4. Bác hồ với dân tộc Phù Lá
Tháng 8-1958, tôi (Phàn Phí Giá) được cử trong đoàn đại biểu nhân dân các dân tộc Tây Bắc đi dự lễ Quốc khánh ở Thủ đô Hà Nội. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ được gặp Bác Hồ, được tham quan Thủ đô, sẽ được thấy nhiều cái mới lạ; lo vì người Phù Lá chưa đi đâu hết Châu Mường Tè bao giờ mà nay lại đi đến tận đâu đâu… Tôi đi bộ thật nhanh, năm ngày về đến Lai Châu, được ngồi ô tô về khu, về Hà Nội. Sau đó, lại được ngồi ô tô về xem các thành phố Hải Phòng, Nam Định… Đến đâu chúng tôi cũng được đón tiếp niềm nở, được biết nhiều cái mới lạ mà trong đời mình chưa được thấy bao giờ. Sáng ngày thứ bảy, chúng tôi được tin là sắp được lên gặp Hồ Chủ tịch. Cả đoàn phấn khởi. Riêng tôi, tuy phấn khởi nhưng lại rất lo không biết mình sẽ phải làm gì. Tôi bồn chồn gặp các anh em đã từng đi Hà Nội, đã được gặp Bác để hỏi xem cách chào hỏi, đi đứng như thế nào.
Sáng hôm ấy, đoàn đại biểu Tây Bắc ai cũng ăn mặc rất đẹp, rồi lên ô tô đến Phủ Chủ tịch, và được dẫn vào phòng họp, ngồi vừa yên chỗ thì Bác đến. Mọi người chào. Bác giơ tay chào lại rồi ai nấy ngồi vào ghế. Bác hỏi đến dân tộc nào thì đại biểu dân tộc ấy đứng lên cho Bác thấy. Các dân tộc khác đều có hai hoặc ba đại biểu, riêng dân tộc Phù Lá thì chỉ có mình tôi. Tôi chưa biết tiếng phổ thông nên phải nhờ người dịch ra tiếng Quan Hoả mới hiểu được. Bác hỏi thăm sức khoẻ các đại biểu. Ăn ngủ ra sao? Bác khen đoàn có nhiều đại biểu các dân tộc, nhưng lại phê bình là đoàn ít đại biểu nữ quá… Bác hỏi thăm tình hình sức khoẻ, làm ăn, đoàn kết, trị an của các dân tộc anh em, Bác nói đại ý: Các dân tộc dù ít người dù nhiều người đều là anh em bình đẳng như nhau. Ngày xưa các dân tộc ít người bị thiệt thòi nhiều nhất, bây giờ cần cố gắng để tiến kịp các dân tộc anh em để được sống ấm no hạnh phúc, cần học văn hoá và tham gia các mặt công tác”.
Nói chuyện một lúc rồi Bác mời mọi người ăn kẹo, uống trà, phòng họp thật vui vẻ. Tôi ngồi im khoanh tay, không dám nhìn thẳng vào Bác, cũng không dám ăn uống gì. Bỗng có bàn tay khẽ vỗ vào vai tôi. Tôi ngẩng lên, bàng hoàng cả người: Bác Hồ! Chính Bác đang đứng sát bên tôi. Bác mỉm cười gật đầu hiền từ, thân mật khiến tôi bình tĩnh trở lại. Bác cầm tay tôi, chỉ vào phần chuối, kẹo vẫn còn nguyên vẹn trước mặt, Bác đưa tay làm hiệu, bày cách cho tôi ăn và bỏ cả kẹo vào túi tôi. Trước cử chỉ ân cần của Bác, tôi xúc động và chỉ biết làm theo.
Trước lúc chia tay, Bác ân cần chúc các đại biểu khoẻ mạnh, Bác dặn các đại biểu về địa phương phải nói lại với bà con những điều mắt thấy tai nghe trong dịp về thăm Thủ đô. Bác nhờ các đại biểu chuyển lời Bác hỏi thăm đồng bào các dân tộc, hỏi thăm các cụ già, các chị em phụ nữ và cả các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Khi Bác ở phòng họp sắp ra, một đại biểu nói: được gặp Bác thì mừng; xa Bác về địa phương lại nhớ Bác”. Bác cười “… Nhớ Bác thì nhớ lời Bác dặn các dân tộc phải thật sự đoàn kết giúp nhau tiến bộ, phải chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ…”
Sau ngày được gặp Bác, đoàn chúng tôi trở về địa phương, đem theo nhiều điều mới lạ. Về đến nhà, tôi kể chuyện được gặp Bác và chia quà của Bác cho mọi người thân thuộc. Hôm ấy, nghe kể chuyện Bác Hồ, chuyện tham quan Thủ đô và miền xuôi, gia đình tôi và bà con ai cũng vui như tết. Sau đó, tôi có dịp đi báo cáo cho bà con người Phù Lá mọi chuyện về Bác Hồ. Tôi nhớ kỹ lời Bác dặn, nhắc lại rành rọt lời Bác gửi thăm hỏi mọi người và căn dặn các dân tộc ít người hay nhiều người cũng bình đẳng như nhau, đều là anh em một nhà, phải đoàn kết giúp đỡ nhau, sao cho các dân tộc đều được ấm no, học hành tiến bộ.
5. Con đường tuổi trẻ
Chủ nhật ngày 16-10-1958, 100 học sinh các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương và Nguyễn Huệ đang lao động xây dựng mở rộng đường Cổ Ngư thì Bác đến.
Hồ Chủ tịch nói: “Hôm nay, Bác đến thăm các cháu tham gia lao động xây dựng thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bác rất vui mừng thấy ở đây có các cháu nam, nữ, các cháu miền Bắc, miền Nam đều khoẻ mạnh, hăng hái lao động, như thế là tốt…”
Bác dặn dò học sinh các trường thi đua nhau cùng làm tốt, phát huy sáng kiến tăng năng suất lao động… Bác sẽ đổi tên con đường này là đường Thanh niên.
Quan tâm tới công trường của tuổi trẻ thủ đô, ngày 6-6-1959, Hồ Chủ tịch lại đến thăm lần thứ hai giữa lúc học sinh nghỉ hè, tham gia lao động rất đông. Con đường hoàn thành, ngày 5-2-1961, Người đến trồng cây ở vườn hoa đường Thanh niên.
Được vinh dự tham gia trồng cây với Người có các đại biểu về dự Đại hội Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam Thành phố Hà Nội.
Nhân dịp này, Hồ Chủ tịch đã nói chuyện về lợi ích việc trồng cây: “Nếu mỗi thanh niên một năm trồng ba cây và chăm sóc thật tốt, 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây, 5 năm sẽ trồng 120 triệu cây. Nếu đem trồng số cây ấy trên đường nối liền Hà Nội - Mạc Tư Khoa thì con đường chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng xanh tươi”.
6. Đồng bào Thái Bình tăng gia thì khá nhưng tiết kiệm thì phải đánh dấu hỏi
Cuối thu năm 1958, Thái Bình thu hoạch một vụ mùa thắng lợi. Bác biết tin và nói với đồng chí Giang Đức Tuệ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình: “Bác sẽ về thăm đồng bào Thái Bình, nhưng các chú không nên làm cái gì phiền toái cho đồng bào vì đi lại đường xa, tàu xe không có”.
Ngày 26-10-1958, Thái Bình được đón Bác Hồ lần thứ ba. Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, gần 11 giờ trưa Bác ra sân vận động nói chuyện với bốn vạn đại biểu của nhân dân. Bác nói: “Trong kháng chiến, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là đánh giặc thực dân, nhờ có sự đoàn kết nhất trí chúng ta đã thắng. Hiện nay nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân là tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hai cái đó phải đi đôi, nếu không thì làm được chừng nào thì sài hết chừng ấy. Đồng bào Thái Bình tăng gia thì khá nhưng còn tiết kiệm thì phải đánh dấu hỏi. Đồng bào đã tiết kiệm chưa?”. Mọi người cùng trả lời: “Chưa ạ!”… Bác tin đồng bào, cán bộ có thể làm được những điều hứa với Bác. Trong vụ mùa này và vụ chiêm tới, đơn vị nào khá nhất huyện, huyện nào khá nhất tỉnh, sẽ có giải thưởng. Ai muốn có giải thưởng giơ tay!
Mọi người đều giơ tay. Và Bác bắt nhịp bài hát Kết đoàn.
7. Vườn rau ao cá của Bác
Dưới những vòm cây xanh phía sau Phủ Chủ tịch là một mái nhà sàn nho nhỏ, xinh xắn. Dòng người vào thăm lặng đi trong bồi hồi, xúc động. Căn phòng thanh bạch đơn sơ, thoảng mùi hương vườn. Tất cả như nói với đồng bào xa gần rằng Bác vừa đi công tác đâu xa, nhưng Người cũng còn kịp ra ao vỗ gọi cho đàn cá lên ăn. Nhìn đàn cá chen nhau tìm mồi, cạnh đó là vườn rau tươi tốt, dễ gợi cho mọi người nhớ về những ngày Bác sống ở chiến khu Việt Bắc.
Cuộc sống ở Việt Bắc khó khăn gian khổ nhiều. Tuy vậy dù bận đến đâu Bác cũng không quên nhắc nhở, động viên các cán bộ tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn. Ngày ngày, sau giờ làm việc lại thấy Bác đi tăng gia. Quanh khu vực Bác ở, mấy luống rau xanh, vài hốc bầu bí mọc lên là niềm vui, nguồn thúc đẩy anh em cùng làm theo Bác. Rau của Bác và các đồng chí cán bộ trồng tốt, nhiều khi ăn không hết, Bác lại nhắc đem sang tặng các cơ quan bên cạnh.
Khi về sống giữa Thủ đô, Bác vẫn giữ nếp quen lao động.
Năm đầu mới hoà bình có biết bao công việc bận rộn, nhưng Bác vẫn tranh thủ thời gian để tăng gia. Khu vườn trong Phủ Chủ tịch, lúc đầu, ngoài những chỗ trồng cây cũ còn có những khoảng đất bỏ trống, cỏ mọc um tùm. Thấy vậy, Bác bảo các đồng chí cán bộ:
- Bác cháu ta nên tổ chức khai hoang để lấy đất trồng rau ăn và trồng hoa cho đẹp.
Nghe lời Bác, buổi chiều nào mấy Bác cháu cũng vác cuốc ra vườn. Một thời gian sau, thay cho những đám cỏ hoang trước kia là những luống rau bắp cải, su hào xanh tươi mơn mởn. Trước ngôi nhà ở đã thấy các loại hoa khoe sắc, toả hương thơm ngào ngạt, trông thật vui mắt.
Cạnh nhà Bác ở còn có một ao tù cạn nước. Một lần, sau khi đi tưới rau về, Bác chỉ xuống ao vui vẻ bảo:
- Các chú sửa cái ao cạn này đi để nuôi cá thì rất tốt.
Theo ý Bác, mấy hôm sau các đồng chí cảnh vệ đã bắt tay vào sửa ao. Hàng ngày Bác thường ra động viên mọi người làm việc, Bác còn đem cả thuốc lá ra đưa tận tay cho từng người.
Công việc gần xong, Bác bảo:
- Ao đào sâu thế này Bác cháu ta sẽ thả được nhiều loại cá, như thế là tận dụng được thức ăn, không phí. Còn ở quanh ao, các chú thấy nên trồng cây gì cho đẹp?
Mọi người bàn tán sôi nổi. Người thì nêu ý kiến nên trồng hoa, người lại bàn trồng dừa, có người lại bảo trồng chuối… Mỗi người một ý. Nghe xong, Bác ôn tồn nói:
- Ý các chú đều hay cả, nhưng theo Bác thì ở xung quanh ta nên trồng râm bụt, cạnh bậc lên xuống ao trồng dừa, Bác cháu ta lại nhớ đến miền Nam.
Một thời gian sau, dừa và râm bụt đã lên xanh. Dưới ao, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Chiều chiều, sau giờ làm việc, Bác ra ao cho cá ăn. Sau tiếng vỗ tay nhè nhẹ của Bác, cá nổi lên tranh nhau đớp mồi.
Cá trong ao được Bác chăm sóc rất chóng lớn. Hàng năm cứ đến dịp Tết hoặc ngày lễ, Bác lại nhắc đánh cá để cho anh em cải thiện.
Đến thăm nhà Bác, đứng trước ngôi nhà, lòng ta bồi hồi xúc động bao nhiêu thì khi ra thăm vườn cây ao cá, thấy rau xanh tốt, cá trong ao vẫn sinh sôi nảy nở, từng đàn cá nổi đặc trên mặt ao đòi ăn rất đúng giờ, ta thấy vui vui. Và chính từ nơi đây, những chú cá xinh xinh ở ao Bác Hồ đã và đang được nhân ra trên khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu.
8. Người hai lần được may áo cho Bác Hồ
Ngày 8-1-1959, Xưởng May 10 (lúc đó thuộc Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.
Năm đó, Bác đã 69 tuổi nhưng đi lại vẫn nhanh nhẹn. Bác lần lượt đi thăm từng phân xưởng. Chúng tôi rất xúc động khi thấy chiếc áo ka ki đã bạc màu, sờn tay Bác vẫn mặc từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Không ai bảo ai, mọi người có mặt trong buổi đón Bác về thăm đều mong muốn được may biếu vị lãnh tụ kính yêu bộ quần áo.
Một cán bộ Xưởng May 10 đem ngay ý tưởng đó trao đổi với đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác. Suy nghĩ giây lát, anh Kỳ nói: “Bác sắp đi thăm Inđônêxia nhưng quần áo của Bác đã cũ hết cả rồi. Các cậu có thể may biếu Bác một bộ. Ngày mai tôi sẽ đưa bộ quần áo của Bác xuống làm mẫu nhưng với điều kiện là phải… hết sức bí mật. Đường kim mũi chỉ quần áo cũ của Bác thế nào, dù cong hay thẳng thì các cậu cứ may y như thế. Và phải làm sao cho vải cũ như màu quần áo của Bác. Nếu phát hiện thấy áo khác đi, áo mới may là “ông Cụ” không dùng đâu”.
Ngay hôm sau, nhận được bộ quần áo mẫu, anh chị em Xưởng May 10 lập tức bắt tay vào việc. Xưởng cử người sang X20 (cửa hàng may đo lúc đó ở Cửa Đông) lấy vải ka ki Trung Quốc, màu sắc vải tương tự màu áo của Bác. Nhóm 3 người thợ lành nghề gồm: Trần Văn Quảng, Nguyễn Công Thái và Phạm Huy Tăng được giao nhiệm vụ may bộ quần áo này. Để làm cho vải cũ đi, họ thay nhau giặt xà phòng đến vài ba chục lần, giặt xong dùng bàn là là khô. Khi hai mẫu vải giống nhau, các anh mới đem cắt may. Điều khó là khi đo cắt vải mới nhưng lại không được tháo rời bộ quần áo mẫu. Những người thợ bèn cắt theo phương pháp quy vuông: Trải vải mới chồng lên bộ cũ.
Đặc điểm bộ quần áo của Bác là đường may bị lệch và thân quần một bên to một bên bé, phải cắt làm sao khắc phục nhược điểm trên nhưng thật khéo léo để Bác không nhận ra. Cuối cùng, sau khi cắt rất nhiều mẫu, các anh chọn lấy hai mẫu giống nhất để may. Sau hơn một tháng, áo may xong, Xưởng lập tức gửi ngay cho đồng chí Vũ Kỳ và gửi thêm một bộ mới nữa.
Đồng chí Cù Văn Chước, người phục vụ Bác, sau này là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh lấy một bộ để lên chiếc bàn nhỏ kê ở góc nhà sàn. Hôm ấy sau khi Bác ăn cơm chưa về, đồng chí Chước thưa với Bác: “Anh chị em công nhân Xưởng May 10 tiết kiệm được vải, may biếu Bác bộ quần áo với tất cả tấm lòng thành, mong Bác vui lòng nhận cho”.
Bác Hồ cầm lên xem và khen may đẹp. Sau đó, Bác đánh máy bức thư gửi cán bộ, nhân viên Xưởng May 10, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần “… Cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo. Bác nhận rồi, nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy”.
Nhận thư Bác, một phong trào thi đua mới lập tức sôi nổi trong toàn xưởng may. Anh chị em nào cũng quyết tâm lập thêm thành tích để đền đáp lại tình cảm của Bác. Ngày ấy, mẹ mang con đứng dưới bàn may. Ngày nghỉ, nhiều công nhân trốn lãnh đạo, trèo tường vào nhà máy để sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “Ngày không giờ, tuần không thứ”…
Mọi người rất vui mừng vì Bác nhận một bộ áo song rất băn khoăn không biết Bác có mặc được không? Mấy hôm sau anh Vũ Kỳ cho biết, nhiều lần các đồng chí phục vụ đề nghị Người dùng bộ áo mới nhưng Bác đều từ chối. Cho đến dịp đi thăm Inđônêxia, áo của Bác bị đứt cúc. Lúc đó anh Vũ Kỳ mới đưa bộ áo mới của Xưởng May 10 biếu Bác, đề nghị Bác mặc với lý do “quên” không mang theo kim chỉ nên không đính lại cúc áo được. Bác cười và bảo: “Thế là chú cố ép Bác mặc áo mới nhưng chú nên nhớ rằng, mình phải biết tiết kiệm, dân mình đang còn nghèo lắm”.
Ngày 2-9-1969, tôi và anh Quảng là người được may bộ quần áo cuối cùng cho Bác. Ngay sau khi Bác từ trần, đồng chí Trường Chinh được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ may quần áo cho Người. Ngày đó, những hiệu may nổi tiếng nhất Hà Nội cùng được nhận sứ mạng lịch sử này. Song tất cả các sản phẩm đều không được phê duyệt do dùng vải quá sang, không hợp với đức tính giản dị của Bác. Sau khi cân nhắc, nhiệm vụ này được giao cho Xí nghiệp May 10. Tôi và anh Quảng lại được chọn thực hiện việc may áo để Bác mặc trong Lăng. Chúng tôi đã thức trắng đêm, vừa làm vừa khóc vì thương nhớ Bác. Hai ngày sau, công việc hoàn thành.
Chuyên gia Liên Xô và các cán bộ khoa học kỹ thuật chịu trách nhiệm gìn giữ thi hài Bác đã kiểm tra hết sức cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, từng sợi vải bằng nhiều loại máy móc hiện đại. Mọi thông số kỹ thuật đều đạt yêu cầu. Sản phẩm đã được Bộ Chính trị phê duyệt.
9. Bữa cơm trên tàu với Bác
Cuối tháng 3-1959, lần đầu Bác Hồ cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các đồng chí ở Trung ương về thăm quân chủng Hải quân đi thăm biển, các đảo thuộc vùng biển tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhiệm vụ đưa đón Bác và các đồng chí đại biểu, cấp trên tin tưởng giao cho cán bộ, chiến sĩ tàu 524. Lúc đó, không riêng gì tôi (Trần Bạch) mà tất cả cán bộ, chiến sĩ tàu 524 đều cảm thấy vinh dự và tự hào.
Hôm Bác đi thăm đảo Tuần Châu xong, Bác trở về tàu 524, đồng chí Tư Tường bàn với anh em trên tàu là sẽ mời Bác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các đồng chí cùng đi ở lại ăn cơm với cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Sau khi anh Tư Tường báo cáo nguyện vọng của anh em với Bác, Bác vui vẻ nhận lời và bảo: để Bác xem các chú nấu ăn có giỏi không?
Hôm đó tàu cử đồng chí Hiên là người khéo tay nhất làm bếp và trực tiếp nấu nướng. Tôi và các đồng chí cùng tham gia mỗi người một việc, từ vo gạo, nhặt rau… Ai nấy đều rất vui và chăm chú làm việc như muốn góp phần công sức của mình vào bữa ăn “chiêu đãi Bác”. Trong lúc anh em đang loay hoay nấu nướng thì Bác xuống bếp. Nhìn quanh một lượt, Bác khen bếp sạch, ngăn nắp. Bác đang xem ngăn để gia vị, hành tỏi, chợt quay lại bảo với Hiên:
- Chú nấu cơm khê rồi! Anh Tư Tường cũng quay lại. Hiên vội bớt lửa, rồi mở vung nồi ra kiểm tra. Khi đó anh em mới ngửi thấy mùi cơm khê. Anh Tư Tường và anh em trên tàu rất áy náy về việc nồi cơm bị khê. Tất cả không ai nói một lời và cảm thấy như mình có lỗi với Bác. Trong lúc mọi người chưa biết xử lý thế nào thì Bác bảo: Chắc các chú đói rồi, cơm hơi khê, không việc gì, ta ăn thôi.
Bác nói với giọng dịu dàng, khoan dung, làm xua tan đi nỗi băn khoăn, lo lắng của mọi người. Nghe theo lời Bác, mọi người vui vẻ cùng ngồi vào bàn ăn.
Lúc đó tôi không nghĩ mình được vinh dự ngồi ăn cơm với Bác. Khi nghe anh Tư Tường bảo: “Bạch lên cùng ăn cơm với Bác”, tôi xúc động không nói nên lời. Ngoài tôi ra còn có Trung sĩ Bùi Văn Đào là lính tín hiệu.
Hôm ấy danh nghĩa là tàu mời cơm Bác nhưng cũng chỉ có món thịt gà luộc, lòng gà xào miến và nước luộc gà nấu miến làm canh. Còn bàn ăn thì kê ngay ở mạn phải đuôi tàu. Bác ngồi ở phía ngoài, sát với cọc lan can. Nhìn Bác vui vẻ ăn, chúng tôi mới đỡ lo. Lúc đang ăn, Bác gọi xuống bếp: Thức ăn của ta đã nấu xong chưa hả chú? Đồng chí phục vụ trả lời: Thưa Bác xong rồi ạ! Mang lên đây góp cùng ăn với Hải quân. Đồng chí phục vụ Bác bê lên một đĩa bốn con cá rô phi rán. Nhìn đĩa cá, Bác bảo: ở giữa biển, Bác mời các chú ăn cá.
Sau này chúng tôi được biết bốn con cá rô phi là của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh biếu Bác, Bác dành cho bữa ăn với anh em ở tàu. Suy ngẫm về câu nói của Bác mới hay, phải chăng Bác muốn nhắc nhở sống ở khu vực có biển phải biết giăng lưới, thả câu bắt cá để cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với anh em trên tàu về bữa ăn hôm đó là khi sẻ thức ăn cho từng người, Bác bảo: Các chú ăn cơm với Bác hoặc ăn cơm phải ăn hết thức ăn, không được để thừa, thừa đổ đi thì lãng phí, để người khác ăn thừa của mình thì không được.
10. Bác hồ tới thăm các cháu đó!
Ngày 31-5-1959, Bác Hồ ra thăm đảo Cát Bà, vào một xóm chài. Một đoàn thuyền đi đánh cá đêm về vừa cập bến, cá trắng đầy khoang. Bác dừng lại giơ tay chào bà con rồi quay lại bảo đồng chí Bí thư Huyện ủy Cát Bà đi sau:
- Trời sa mù thường hay lắm cá.
- Vâng ạ.
- Mùa này thường nhiều cá đẻ phải không chú?
- Vâng ạ.
- Ở đây đã có thuyền lắp máy để đánh cá chưa?
- Dạ thưa Bác, chưa có ạ.
Bác nói:
- Rồi đây phải đưa máy móc vào nghề cá. Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thêm thuyền lưới tốt hơn.
Bác vào một gia đình đánh cá ở đầu xóm. Người lớn đi vắng cả, chỉ có một em gái nhỏ đang ngồi nấu cơm. Bác hỏi em nhỏ:
- Bố mẹ cháu đi đâu?
Em bé đứng dậy, lễ phép thưa:
- Bố cháu đi đánh cá, mẹ cháu ra chợ ạ.
Em bé ngước nhìn ảnh Bác Hồ treo trên vách rồi nhìn Bác, lại nhìn tấm ảnh, rồi lại quay nhìn Bác. Chợt mắt em sáng lên, em chạy lại gần Bác và reo lên:
- Bác Hồ!
Đồng chí bí thư Huyện ủy nói:
- Bác Hồ tới thăm gia đình cháu đó!
Bác ôm lấy em nhỏ, chỉ bếp lửa, quay lại nói với một đồng chí đi theo.
- Nồi cơm đang sôi, chú ra ghế giúp cháu bé kẻo khê.
Bác vừa cho em nhỏ kẹo vừa hỏi:
- Cháu mấy tuổi?
- Thưa Bác, cháu lên tám ạ.
Bác mỉm cười khen:
- Tám tuổi mà đã thổi được cơm giúp đỡ cha mẹ là ngoan.
Một thanh niên mình trần, da lấm tấm nước biển bước nhanh vào nhà. Thuyền anh vừa đến bến, nghe bà con nói Bác Hồ tới thăm gia đình anh, anh chạy vội về. Thấy Bác, anh đứng lại chào:
- Kính Bác ạ.
Rồi anh định với lấy cái áo treo trên vách mặc vào người. Bác biết ý, nắm lấy vai anh ngăn lại:
- Chú cứ đứng đây! - Bác ngắm khổ người vạm vỡ của anh thanh niên - Dân đánh cá phải mạnh khoẻ như chú hoặc hơn nữa mới được. Chú vào hợp tác xã có thấy dễ chịu hơn làm ăn riêng lẻ không?
- Dạ thưa Bác, vào hợp tác xã dễ chịu hơn ở ngoài ạ.
- Dễ chịu thế nào, chú nói nghe thử?
- Thưa Bác, bây giờ đi đánh cá có đoàn, có đội, gặp nguy hiểm có sức mà chống đỡ. Ngày nào cũng có cơm ăn no, vợ chồng con cái được học hành…
Bác gật đầu, rồi cúi xuống hỏi em bé:
- Cháu học lớp mấy rồi?
- Cháu học lớp hai ạ.
Bác tỏ vẻ hài lòng và bảo đồng chí đi theo lấy cho cháu một tờ Báo ảnh Việt Nam còn thơm mùi giấy và mực in, Bác đã đem từ Hà Nội ra đảo với ý định làm quà cho bà con ngoài này. Bác vỗ vai anh thanh niên:
- Thôi chú sửa soạn ăn cơm kẻo đói. Những chuyến sau đi biển cố đánh cho thật nhiều cá.
Theo 117 câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Từ khóa » Tỉnh Mang Cá Chép Biếu Bác
-
Chuyện Bác Hồ Với Những Người Nông Dân đảo Hà Nam
-
Kỷ Niệm đời Thường Về Sinh Nhật Bác Qua Lời Kể Người Cận Vệ Già
-
Chuyện Về Ao Cá Bác Hồ - Ban Quản Lý Lăng
-
Những Chuyện Bác Hồ Cả Trăm Năm Chưa Dễ Thấu Ngọn Nguồn
-
Ao Cá Bác Hồ Trong Phủ Chủ Tịch - Thế Giới Di Sản
-
Ao Cá Bác Hồ - UBND Tỉnh Cà Mau
-
'Ao Cá Bác Hồ' - Mãi Xanh Từ Mạch Nguồn Tình Bác
-
Ao Cá Bác Hồ: Những điều Chưa Biết - Gia đình
-
Bác Hồ Tặng 100 Con Cá Rô Phi Tại Yên Sở để Nuôi Năm 1959
-
Nếp ăn Bình Dị Của Bác Hồ
-
Ao Cá Bác Hồ | Tạp Chí Tuyên Giáo
-
Những Câu Chuyện Về Bác Và Bài Học Kinh Nghiệm ý Nghĩa
-
Cận Vệ Của Bác Hồ Và Câu Chuyện Bác 'lánh Nhà' Mỗi Dịp Sinh Nhật