Áp Dụng Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời Vào Ngày Nghỉ Có được Không?

Hỏi:

Trường hợp do tình thế khẩn cấp, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào 04 giờ 30 phút chiều ngày thứ sáu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 111 và khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ hay không?

Đáp:

Khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”.

Khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:

“Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là 48 giờ. Do thời hạn tính bằng giờ nên thời điểm kết thúc thời hạn cũng tính bằng giờ, không phụ thuộc thời điểm kết thúc thời hạn đó vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ. Vì vậy, nếu Tòa án nhận đơn và yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào 04 giờ 30 phút chiều ngày thứ sáu thì Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán để xem xét việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đảm bảo đúng thời hạn 48 giờ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Từ khóa » Khẩn Cấp Tạm Thời Trong Hình Sự