CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP ...

Căn cứ Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cáp tạm thời của Bộ luật tố tụng Dân sự do Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành có hiệu lực chính thức kể từ ngày 01/12/2020 (Sau đây gọi là “Nghị quyêt số 02/2020”). Theo đó:

1. Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền yêu cầu tòa án áp dụng một hoặc nhiều Biện pháp khẩn cấp tạm thời (“BPKCTT”) trong những trường hợp sau:

(i) Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự;

Ví dụ: A gây thương tích cho B. Tòa án đang giải quyết vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. B cần tiền ngay để điều trị thương tích tại bệnh viện nên B yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc A thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

 (ii) Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;

Ví dụ: A khởi kiện tranh chấp ranh giới bất động sản liền kề với B, A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, buộc B giữ nguyên hiện trạng mốc giới ngăn cách đất, không được di dời.

(iii) Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết;

Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, người vợ đứng tên sổ tiết kiệm tại ngân hàng, người chồng yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản đứng tên người vợ để bảo đảm cho việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng.

(iv) Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.

Ví dụ: A là nguyên đơn, yêu cầu Tòa án buộc B phải trả cho A 1.000.000.000 đồng tiền vay, để bảo đảm cho việc thi hành án nên A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản thuộc quyền sở hữu của B là ngôi nhà X trị giá 900.000.000 đồng.

2. Nghị quyết còn liệt kê các trường hợp không áp dụng BPKCTT. Ví dụ như áp dụng BPKCTT dẫn đến việc doanh nghiệp, hợp tác xã bị ngừng hoạt động; áp dụng BPKCTT đối với tài sản bị cấm lưu thông; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản của cá nhân như lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu…

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện trong ba (03) trường hợp sau đây:

(i) Do tình thế khẩn cấp, tức là cần được giải quyết ngay, không chậm trễ;

(ii) Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;

(iii) Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (hậu quả về vật chất hoặc về tinh thần).

Trân trọng./.

Từ khóa » Khẩn Cấp Tạm Thời Trong Hình Sự