Áp Dụng Pháp Luật Là Gì? Nguyên Tắc, đặc điểm áp Dụng Pháp Luật?

Áp dụng pháp luật là gì? Nguyên tắc, đặc điểm áp dụng pháp luật? Một trong những khái niệm được khá nhiều người quan tâm trong quá trình nghiên cứu pháp luật đó là áp dụng pháp luật. Trên thực tế, đây không phải là vấn đề quá phức tạp, tuy nhiên để thực hiện và áp dụng một cách hợp lý, đúng quy định đòi hỏi người có thẩm quyền phải nắm rõ bản chất của pháp luật, có cái nhìn thực tiễn sâu sắc và dựa trên những nguyên tắc luật định. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật Minh Gia xin gửi tới quý bạn đọc những kiến thức pháp luật qua bài viết sau.

Mục lục bài viết

  • 1. Áp dụng pháp luật là gì?
  • 2. Đặc điểm áp dụng pháp luật
    1. 2.1 Thứ nhất, áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước
    2. 2.2 Thứ hai, áp dụng pháp luật được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định
    3. 2.3 Thứ ba, áp dụng pháp luật là hoạt động cá biệt hoá quy phạm pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể
    4. 2.4 Thứ tư, áp dụng pháp luật là hoạt động có tính sáng tạo
  • 3. Nguyên tắc áp dụng pháp luật

1. Áp dụng pháp luật là gì?

Mỗi văn bản pháp luật sau khi ban hành và có hiệu lực cần phải được các chủ thể thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đôi khi các cá nhân, tổ chức trong xã hội vì nhiều lý do khác nhau mà không tuân thủ, chấp hành theo đúng quy định, ngoài ra còn có những thủ tục hành chính, pháp lý hay những quy định khác cần sự hỗ trợ, can thiệp của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để đảm bảo cho quá trình áp dụng diễn ra thuận lợi. Khi đó, các chủ thể có thẩm quyền phải tiến hành nhiều quy tắc xử sự khác nhau, thực hiện đầy đủ, đúng đắn trách nhiệm, quyền hạn của mình nhằm tạo ra quyền, nghĩa vụ cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội tuân theo. Theo đó, hình thức này được coi là áp dụng pháp luật.

Như vậy, khái niệm áp dụng pháp luật có thể hiểu như sau: Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành nhằm cá biệt hóa quy phạm pháp luật thành quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân, tổ chức trong các trường hợp cụ thể.

Theo đó, áp dụng pháp luật không chỉ là một hình thức thực hiện pháp luật mà còn là biện pháp bảo đảm cho pháp luật được thực hiện trong thực tế.

2. Đặc điểm áp dụng pháp luật

Từ định nghĩa nêu trên, quy định về áp dụng pháp luật có thể được khái quát qua 4 đặc điểm sau:

Thứ nhất, áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước

Hoạt động áp dụng pháp luật chỉ do các cơ quan nhà nước, tổ chức hay cá nhân có thẩm quyền tiến hành. Pháp luật là căn cứ để các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền hoặc tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền tiến hành áp dụng pháp luật. Hoạt động này là sự tiếp tục thể hiện ý chí nhà nước, thông qua hoạt động áp dụng pháp luật, ý chí nhà nước được thể hiện một cách cụ thể trong các trường hợp cụ thể.

Dựa trên những quy định của pháp luật, các chủ thể có thẩm quyền áp dụng có thể ban hành những mệnh lệnh, quyết định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với đối tượng áp dụng. Các quyết định áp dụng này luôn thể hiện ý chí đơn phương của chủ thể tiến hành áp dụng pháp luật trên cơ sở nhận thức và niềm tin của họ về bản chất của vụ việc và các quy định của pháp luật, đồng thời có ý nghĩa bắt buộc đối với chủ thể bị áp dụng pháp luật và chủ thể khác có liên quan. Khi cần thiết, quyết định này được đảm bảo bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước.

Thứ hai, áp dụng pháp luật được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định

Thực tế cho thấy, có nhiều vụ việc cần áp dụng pháp luật để giải quyết rất phức tạp, nhiều trường hợp, để có thể áp dụng pháp luật giải quyết một vụ việc cụ thể, cần có sự tham gia của những chủ thể khác nhau, hoạt động áp dụng pháp luật nhiều khi có ảnh hưởng lớn tới lợi ích của chủ thể được (bị) áp dụng pháp luật... Chính vì vậy, để đảm bảo hoạt động áp dụng pháp luật được thực hiện một cách đúng đắn, thống nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức được (bị) áp dụng pháp luật, đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của luật pháp, đòi hỏi hoạt động áp dụng pháp luật phải tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.

Thứ ba, áp dụng pháp luật là hoạt động cá biệt hoá quy phạm pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể

Áp dụng pháp luật là hoạt động giải quyết các vụ việc thực tế, cụ thể trên cơ sở các quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung, nó được đặt ra không phải dành cho một cá nhân, tổ chức cụ thể, cá biệt mà là dành cho một nhóm (loại) đối tượng nhất định. Mặt khác, cách xử sự được nêu ra trong quy phạm pháp luật trong nhiều trường hợp cũng không cố định. Khi áp dụng pháp luật, chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào quy phạm pháp luật, đưa ra cách xử sự cụ thể đối với chủ thể được (bị) áp dụng pháp luật, xác định cho họ được làm gì, không được làm gì, phải làm gì, làm như thế nào... một cách rất cụ thể.

Thứ tư, áp dụng pháp luật là hoạt động có tính sáng tạo

Các vụ việc cụ thể xảy ra trong cuộc sống hết sức đa dạng và phức tạp, trong khi đó pháp luật thường không mô tả tỉ mỉ từng tình tiết của sự việc, ngược lại nó thường chỉ dự liệu những điều kiện, hoàn cảnh có tính chất phổ biến, điển hình. Do vậy, khi áp dụng pháp luật, các chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải nghiên cứu kĩ vụ việc, so sánh, đối chiếu với các quy định của pháp luật, lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng sao cho đúng người, đúng sự việc, đúng mức độ, đúng quan điểm, tư tưởng mà quy phạm pháp luật đã nêu. Bên cạnh đó, trong thực tế, nhiều trường hợp xảy ra những vụ việc đòi hỏi cơ quan, nhà chức trách có thẩm quyền phải giải quyết nhưng không có quy định của pháp luật để áp dụng. Tất cả những trường hợp đó đều đòi hỏi chủ thể có thẩm quyền phải có ý thức pháp luật cao, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng thời phải linh hoạt, sáng tạo để giải quyết các vụ việc đã xảy ra trong thực tế cuộc sống một cách đúng đắn.

3. Nguyên tắc áp dụng pháp luật

Khi áp dụng pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải dựa trên những quy định của pháp luật để thực hiện và quyết định đối với tổ chức, cá nhân bị áp dụng. Do đó, nguyên tắc áp dụng pháp luật cũng chính là những nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015:

“Điều 156. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”

Như vậy, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tuân thủ các nguyên tắc nêu trên để đảm bảo quá trình áp dụng pháp luật diễn ra thuận lợi, đúng quy định.

Từ khóa » Các Văn Bản áp Dụng Pháp Luật Là Gì