Áp Lực Call Margin - Đầu Tư Chứng Khoán
Có thể bạn quan tâm
Trải nghiệm call margin của F0
Anh Nguyễn B.T, nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường được hơn nửa năm vừa có một trải nghiệm thót tim với giao dịch ký quỹ (margin). Cuối tháng 1/2022, anh T mua 10.000 cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình quanh mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó, nhà đầu tư này nghĩ rằng, cổ phiếu HBC sẽ tiếp tục tăng giá sau đợt điều chỉnh, nên mạnh dạn sử dụng margin với tỷ lệ 40%, lãi suất 9,9%/năm.
Nhưng diễn biến giá HBC không như kỳ vọng, mà giảm thêm, rồi dao động phổ biến trong vùng 26.000 - 28.000 đồng/cổ phiếu cho đến cuối tháng 3. Kể từ đầu tháng 4, giá cổ phiếu này lao dốc, đến ngày 21/4 xuống dưới 19.000 đồng/cổ phiếu.
Ban đầu, chứng kiến cổ phiếu HBC giảm xuống 26.500 đồng/cổ phiếu (ngày 9/2) rồi tăng lên 28.200 đồng/cổ phiếu (ngày 22/2), anh T vẫn có tâm lý lạc quan nên mua thêm 10.000 cổ phiếu để hạ giá vốn bình quân, theo chiến thuật bình quân giá xuống, gọi vui là “cưa chân bàn”.
Chỉ đến khi HBC bất ngờ “lau sàn” ngày 20/4, tụt xuống gần 20.000 đồng/cổ phiếu, anh T mới hoảng, nhất là khi nhận được thông báo của môi giới về việc bổ sung tiền ký quỹ, dù phiên trước đó, môi giới nói tài khoản của anh vẫn an toàn.
Để duy trì lượng cổ phiếu đã mua, đảm bảo tỷ lệ ký quỹ, anh T buộc phải nộp thêm 250 triệu đồng vào tài khoản. Trong khi đang tìm cách xoay tiền để bổ sung ký quỹ, thì phiên 21/4, cổ phiếu HBC tiếp tục lao dốc, thị giá về dưới 19.000 đồng/cổ phiếu, khiến số tiền phải nộp thêm gia tăng. Trong cơn hoảng loạn, nhà đầu tư này đã quyết định cắt lỗ, bán 5.000 cổ phiếu để có tiền trả nợ vay công ty chứng khoán.
“Đúng là mọi kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán đều phải mua bằng tiền”, anh T nói.
Còn chị L.B, một F0 khác sử dụng margin 50% để mua 20.000 cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội với giá 20.800 đồng/cổ phiếu trong tháng 1/2022 và hiện thực hóa lợi nhuận khi giá tăng lên 24.000 đồng/cổ phiếu.
Phấn khởi với khoản lãi nhân đôi từ 15% lên 30% nhờ margin, chị B tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính lúc giá SHB điều chỉnh xuống dưới 22.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng dư nợ giao dịch ký quỹ trên thị trường ở mức cao, ước tính đến cuối quý I/2022 đạt 230.000 tỷ đồng.
Giá sau đó giảm nhẹ nên chị chần chừ cắt lỗ như kế hoạch ban đầu, mà duy trì niềm tin giá sẽ tăng trở lại. Khi giá cổ phiếu bất ngờ giảm sâu, chị không đành lòng cắt lỗ, vì nghĩ rằng có thể sẽ bán đúng đáy, nên cố gắng cầm cự.
Đến ngày 20/4, giá SHB giảm còn 16.950 đồng/cổ phiếu, khiến công ty chứng khoán bán giải chấp một phần cổ phiếu để kéo tỷ lệ margin về mức quy định.
“Bây giờ tôi mới hiểu margin thực sự là con dao hai lưỡi như thế nào”, chị B nói và cho biết, nếu giá cổ phiếu hồi phục sẽ sớm bán ra để trả nợ vay và không sử dụng margin trong thời gian tới.
Áp lực cho thị trường và nhà đầu tư
Diễn biến thị trường trong 2 tuần gần đây cho thấy, kịch bản được lặp đi lặp lại trong đa số các phiên như sau: trong suốt phiên sáng và đầu giờ chiều, chỉ số VN-Index có những nhịp tăng, giảm đan xen, nhưng sau 14h bất ngờ xuất hiện những pha “rũ hàng” ồ ạt, đẩy thị trường xuống sâu, chỉ số mất 15 - 25 điểm/phiên.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều 21/4, VN-Index còn 1.370,2 điểm, mất gần 150 điểm so với phiên 6/4, tương đương giảm 10%, trong đó không ít mã giảm trên 20%, thậm chí có những mã mang tính đầu cơ giảm 40 - 50%.
Trong phiên 21/4, lực cầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu trụ cột, giúp nhiều mã duy trì được sắc xanh trong suốt phiên như BID, CTG, TCB, MBB, BVH, HPG, GEX…, song về cuối phiên, lực bán tăng vọt, nên thị trường lại chìm trong sắc đỏ, một loạt mã khác tiếp tục giảm giá sâu. Các mã thuộc dòng cổ phiếu đầu cơ như hệ sinh thái Louis (TGG, BII, SMT, VKC, AGM), hệ sinh thái Trí Việt (TVB, TVC), hay họ nhà FLC (FLC, ROS, HAI, ART, AMD, KLF) kéo dài chuỗi giảm giá sàn.
Phiên cuối tuần qua (22/4), thị trường bật tăng trong phiên sáng, cuối phiên chiều giữ được sắc xanh (tăng 9 điểm, đóng cửa tại 1.379,2 điểm), nhưng cũng có thời điểm lao dốc tương tự như những phiên trước.
Theo các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), các phiên giảm điểm mạnh liên tiếp vừa qua dẫn tới hiện tượng call margin (chủ yếu là bán ra cổ phiếu để có tiền bổ sung vào tài khoản nhằm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định) và tạo thêm áp lực bán lên thị trường vốn đã trong trạng thái tâm lý yếu, khiến thị trường bị bán mạnh, đặc biệt về cuối phiên giao dịch.
Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, chuỗi giảm liên tiếp của thị trường với cả trăm cổ phiếu ở mức giá sàn có thể là hiện tượng giải chấp cổ phiếu (công ty chứng khoán bán cổ phiếu của nhà đầu tư trong trường hợp không kịp bổ sung tiền ký quỹ).
Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn tiêu cực, dù theo phân tích kỹ thuật, chỉ số đã giảm sâu vào vùng quá bán và định giá theo P/E đang ở mức hấp dẫn, dưới 14 lần (đối với cả VN30 và VN-Index). Margin là câu chuyện mang tính vi mô, nhưng đặc biệt quan trọng đối với xu hướng ngắn hạn của thị trường, có thể khiến biến động giá trở nên khó lường.
Tại Talkshow “Chọn danh mục” do Báo Đầu tư tổ chức chiều 21/4/2022, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính, người từng có nhiều năm làm việc tại APS Asset Management ở Singapore cho rằng, thị trường giảm điểm liên tiếp bắt nguồn từ tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi câu chuyện xử lý sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán thời gian qua, trong khi tổng dư nợ giao dịch ký quỹ ở mức cao. Nền margin hiện vẫn cao, nếu thị trường vẫn giảm sẽ tiếp tục kích hoạt các đợt call margin mới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, call margin là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm mạnh liên tiếp trong 5 - 6 phiên gần đây.
“Hiệu ứng giảm điểm vào phiên chiều thường là do tình trạng call margin hoặc bán giải chấp cổ phiếu (force-sell) ở nhiều nhóm cổ phiếu. Trong bối cảnh sức cầu thị trường khá yếu, thanh khoản thấp, lượng lớn margin của các công ty chứng khoán bán ra đã tạo hiệu ứng domino giảm sốc ngay lập tức”, ông Minh phân tích.
Đáng lưu ý, từ cuối năm ngoái đến cuối tháng 3 năm nay, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng nóng, làm tăng nhu cầu margin. Nhưng với đợt điều chỉnh sâu trong tháng 4/2022, thanh khoản của nhóm này sụt giảm, có bán giải chấp cũng khó khăn, buộc các công ty chứng khoán phải mang cổ phiếu vốn hóa lớn của nhà đầu tư ra bán, khiến những cổ phiếu tốt cũng bị ảnh hưởng giảm sâu theo.
Trong bối cảnh hiện tại, SHS khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên hồi phục kỹ thuật để giảm tỷ trọng cổ phiếu, chỉ giữ lại những mã cổ phiếu chưa bị gãy nền giá và kiên nhẫn chờ đợi thêm cho đến khi thị trường hình thành vùng tích lũy ổn định mới thực hiện mua lại.
Hầu hết các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng margin, tốt nhất là về 0% để giảm thiểu rủi ro khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tạo đáy rõ ràng. Nếu thị trường tiếp tục giảm, nhà đầu tư vừa mất thêm tiền, vừa đối diện với rủi ro bị bán giải chấp cả cổ phiếu tốt với giá rẻ.
Từ khóa » Cách Trả Nợ Margin Mbs
-
Hỗ Trợ Tài Chính | MBS
-
Hỗ Trợ Tài Chính | MBS
-
[PDF] CHÍNH SÁCH DỊCH VỤ MARGIN - MBS
-
Gói ưu đãi Margin M68 Của MBS Tiếp Tục được Duy Trì Trong Năm 2022!
-
M68 - Gói Margin Tốt Nhất Thị Trường Kèm Công Cụ đăng Ký Online!
-
Hướng Dẫn Sử Dụng Margin (ký Quỹ ) Trên App MBS Mobile - YouTube
-
Khi Nào Phải Trả Khoản Vay Margin? - TCBS
-
[PDF] HƯỚNG DẪN THEO DÕI VÀ TRẢ NỢ MARGIN
-
Cách Thanh Toàn Margin MBS
-
Hướng Dẫn Vay Margin MBS
-
Hướng Dẫn Sử Dụng Dịch Vụ Giao Dịch Ký Quỹ Chứng Khoán Theo Sức ...
-
Hướng Dẫn Cách Vay Margin MBS Lãi Suất Thấp
-
[PDF] Tài Liệu Hướng Dẫn Sản Phẩm Giao Dịch Ký Quỹ (margin)
-
Doanh Nghiệp - CafeF