Áp Xe Cơ Cắn: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Giải phẫu vùng dưới cơ cắn
  • 2. Nguyên nhân gây áp xe cơ cắn
  • 3. Đặc điểm lâm sàng của áp xe cơ cắn
  • 4. Chẩn đoán tình trạng áp xe cơ cắn
  • 5. Chẩn đoán phân biệt
  • 6. Điều trị
  • 7. Tiên lượng

Áp xe cơ cắn là tình trạng khá ít gặp. Tuy nhiên, các triệu chứng khó chịu gần giống với rối loạn thái dương hàm như: khít hàm, sưng tấy mặt,… Áp xe cơ cắn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc điều trị áp xe quan trọng nhất là dẫn lưu mủ và điều trị nguyên nhân. Sau đây hãy cùng bác sĩ Trương Mỹ Linh tìm hiểu về giải phẫu vùng cơ cắn, nguyên nhân và cách điều trị trình trạng áp xe cơ cắn.

1. Giải phẫu vùng dưới cơ cắn

Vùng dưới cơ cắn là một không gian mô của vùng đầu mặt cổ. Đó là vùng nhỏ khu trú giữa cơ cắn và mặt ngoài cành cao xương hàm dưới; có ở 2 bên mặt.

Vùng dưới cơ cắn
Vùng dưới cơ cắn

Các ranh giới vùng dưới cơ cắn là:

  • Phía trước là bờ trước cơ cắn.
  • Phía sau là tuyến mang tai.
  • Trên là cung gò má.
  • Ở dưới là bờ dưới xương hàm.
  • Phía bên là cành đứng xương hàm dưới và cơ cắn.
Vùng dưới cơ cắn
Vùng dưới cơ cắn

Vùng dưới cơ cắn có chứa một ít tổ chức liên kết và thông thương với các khoang như:

  • Khoang má.
  • Khoang chân bướm hàm và mang tai.
  • Hố dưới thái dương.
  • Hố thái dương.

2. Nguyên nhân gây áp xe cơ cắn

Vi khuẩn xâm nhập vào khoang cơ cắn từ các nguồn sau:

  1. Các bệnh lý răng miệng như: viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy răng… là nguồn nhiễm khuẩn phổ biến nhất.
  2. Sau nhổ răng.
  3. Tai biến răng khôn: Viêm quanh thân răng khôn hoặc áp xe răng do sâu răng thường có thể được tìm thấy trong các trường hợp nhiễm trùng khoang cơ cắn; đặc biệt là khi răng khôn mọc ngầm lệch (răng khôn dưới) khi các chóp của răng nằm rất gần hoặc trong khoang.
  4. Tai biến khi gây tê.
  5. Chấn thương trực tiếp cơ cắn hoặc gián tiếp (gãy xương hàm dưới vùng góc hàm).
  6. Tai biến trong quá trình phẫu thuật (ví dụ, sau khi vạt sọ thái dương được thực hiện cho phẫu thuật thần kinh hoặc sau phẫu thuật chỉnh hình;  phẫu thuật khớp thái dương hàm hoặc nội soi khớp).
  7. Nhiễm trùng các khoang lân cận: Nhiễm trùng có thể lây lan từ khoang má,..
  8. Nhiễm trùng cơ cắn cũng có thể xảy ra do các vi sinh vật bên ngoài như: liên cầu, tụ cầu, Haemophilus, Proteus, và các sinh vật Pseudomonas.

3. Đặc điểm lâm sàng của áp xe cơ cắn

Các triệu chứng của áp xe cơ cắn ban đầu tương tự như rối loạn thái dương hàm. Đó là do áp xe làm ảnh hưởng  đến cơ cắn là cơ tham gia vào vận động hàm.

Tình trạng sưng tẩy có thể bị che khuất bởi thể tích cơ lớn
Tình trạng sưng tẩy có thể bị che khuất bởi thể tích cơ lớn
  • Há hạn chế rõ rệt (tức là khó mở miệng, do cơ cắn có tác dụng nâng xương hàm dưới bị giới hạn hoạt động) / Cứng hàm.
  • Nhạy cảm khi sờ chạm vùng cơ cắn.
  • Sưng tấy: Đây có thể không phải là dấu hiệu nổi bật của tình trạng áp xe cơ cắn. Trường hợp nhiễm trùng ở sâu có thể bị che khuất dấu hiệu bởi thể tích cơ lớn; làm ngăn cản sự quan sát được tình trạng sưng tấy. Điều này hoàn toàn trái ngược khi mà dấu hiệu sưng tấy là dấu hiệu cơ bản của tình trạng áp xe má.
  • Sốt, khó chịu, khó nuốt.

Trong một số trường hợp  ngoại lệ ở các bệnh nhân  bị ức chế miễn dịch,  có thể không biểu hiện các dấu hiệu viêm cổ điển hoặc các dấu hiệu độc nhất của áp xe cơ cắn.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Răng - Hàm - Mặt, tải ngay ứng dụng YouMed.

4. Chẩn đoán tình trạng áp xe cơ cắn

4.1 Lâm sàng

Khám và xác định các triệu chứng của nhiễm trùng vùng cơ cắn ngoài mặt và trong miệng. Khám tìm các răng nguyên nhân có liên quan.

4.2 Cận lâm sàng

Việc kiểm tra lâm sàng của khoang cơ cắn rất khó khăn . Vì vậy, các kỹ thuật hình ảnh rất cần thiết để phát hiện và xác định đặc điểm bệnh lý của khoang này. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) là các kỹ thuật được ưa chuộng và đều có độ tin cậy như nhau trong việc phát hiện các tổn thương.

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

CT tốt hơn MR trong việc phát hiện sự ăn mòn vỏ xương hàm dưới và cung cấp khả năng phát hiện các khối u. CT cũng tốt hơn trong việc mô tả các nguyên nhân gây viêm hoặc nhiễm trùng. Chẳng hạn như áp-xe răng hoặc sỏi tuyến nước bọt . Khi chụp CT đối với trường hợp áp xe cơ cắn sẽ thấy có khối thấu quanh ranh giới rõ ở vùng cơ cắn.

Cộng hưởng từ MRI

MRI có độ phân giải tương phản mô mềm cao hơn CT và mô tả tốt hơn sự xâm lấn cơ của khối u. Nó cũng cung cấp đánh giá tốt hơn về bệnh lý tủy hàm dưới và nhạy hơn để phát hiện sự lan rộng của khối u quanh màng cứng.

Gần đây, các kỹ thuật MR chức năng đã được áp dụng để nghiên cứu khoang nhai. Hình ảnh cân bằng khuếch tán có thể có giá trị trong việc phân biệt giữa khối u rắn lành tính và khối u ác tính; và quang phổ MRI có thể hữu ích trong việc phân biệt nhiễm trùng mãn tính với khối u ác tính trong khoang. Tuy nhiên , hiện nay giá trị lâm sàng của các kỹ thuật này vẫn chưa được chứng minh. Cần có thêm các nghiên cứu trước khi có thể xác định chắc chắn tính hữu ích của chúng.

5. Chẩn đoán phân biệt

  • Nhiễm trùng khoang má: vị trí áp xe ở vùng má và không có dấu hiệu khít hàm dữ dội.
  • Áp xe tuyến mang tai: vị trí áp xe ở vùng mang tai, có chảy mủ qua lỗ ống Stenon khi thăm khám và không có khít hàm.
  • Viêm xương vùng góc hàm hoặc cành lên xương hàm dưới: Ban đầu có thể làm mủ vùng cơ cắn. Trên X quang có thể thấy hình ảnh xương chết.
  • Các bệnh lý nha khoa.
  • Nhiễm trùng khoang nanh.
  • Viêm mô tế bào mặt.
  • Herpes zoster.
  • Chấn thương răng hàm mặt.
  • Khối u.
  • Nhiễm trùng vùng hầu họng.
  • Các bệnh lý tuyến nước bọt như: nang nhái, viêm tuyến mang tai, sỏi tuyến mang tai, viêm tuyến mang tai do virus…
  • Hội chứng tĩnh mạch chủ trên.

6. Điều trị

Đối với tình trạng áp xe cơ cắn, nguyên tắc điều trị quan trọng nhất là dẫn lưu mủ và điều trị nguyên nhân.

6.1 Điều trị nội khoa

Tình trạng nhiễm trùng cần được điều trị bằng kháng sinh toàn thân và nâng cao thể trạng.

6.2 Điều trị tại chỗ: Rạch dẫn lưu mủ

Để rạch dẫn lưu mủ áp xe cơ cắn, có thể tiếp cận từ trong miệng hoặc ngoài mặt.

Đối với đường trong miệng

Việc rách áp xe được tiến hành khi áp xe tiến triển ra dưới niêm mạc bờ trước cành lên xương hàm dưới. Rạch niêm mạc ở chỗ thấp nhất và phồng nhất của ổ áp xe. + Bộc lộ ổ áp xe và dẫn lưu mủ. Sau đó bơm rửa và đặt dẫn lưu trong vài ngày.

Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân khít hàm; phương pháp tiếp cận trong miệng có thể làm tổn thương đường thở sau phẫu thuật. Vì máu và mủ chảy dai dẳng và dẫn lưu trong miệng có thể khó duy trì.

Rạch áp xe đường trong miệng được tiến hành khi áp xe tiến triển ra dưới niêm mạc bờ trước cành lên xương hàm dưới
Rạch áp xe đường trong miệng được tiến hành khi áp xe tiến triển ra dưới niêm mạc bờ trước cành lên xương hàm dưới

Đường rạch ngoài mặt

Được áp dụng khi áp xe tiến triển ra phía da hoặc vào sâu phía trong cơ cắn (lan lên trên hoặc ra phía sau xương hàm dưới). Bác sĩ sẽ tiến hành rạch da vùng dưới hàm, cong theo bờ xương hàm dưới. Bóc tách da và mô dưới da. Dùng kẹp Kocher thâm nhập vào vùng áp xe để dẫn lưu mủ. Sau đó bơm rửa và đặt dẫn lưu.

Rạch áp xe đường ngoài mặt được áp dụng khi áp xe tiến triển ra phía da hoặc vào sâu phía cơ cắn
Rạch áp xe đường ngoài mặt được áp dụng khi áp xe tiến triển ra phía da hoặc vào sâu phía cơ cắn

6.3 Điều trị răng nguyên nhân

Thường là nhổ răng nguyên nhân.

7. Tiên lượng

Nếu được điều trị thích hợp thì tiên lượng bệnh tốt. Nhưng nếu không điều trị, áp xe có thể diễn tiến đến tình trạng viêm mô tế bào lan tỏa vùng hàm mặt và nhiễm trùng huyết.

Áp xe cơ cắn có thể dẫn đến các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng vùng hàm mặt  như: sưng tấy, sốt, đau, há giới hạn,… Hoặc cũng có thể không có triệu chứng rõ ràng. Để tránh tình trạng này, bạn cần thường xuyên khám răng miệng định kỳ để phát hiện các răng sâu, tổn thương viêm quanh răng, răng khôn mọc lệch để điều trị kịp thời. Đồng thời đến khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu điển hình của nhiễm trùng vùng hàm mặt.

Từ khóa » Khít Hàm Là Sao