AQ – Kẻ Mang Bản Năng Của Nhân Loại

Tự hiểu mình's Blog

Sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh

  • Home
  • Giới Thiệu
  • Tải Sách
  • Đọc Sách
  • Phật Giáo
  • Triết Học
  • Liên Kết
  • Lượm Lặt
AQ – kẻ mang bản năng của nhân loại
Lỗ Tấn
1. Lỗ Tấn là một tác gia lớn của văn học hiện đại Trung Quốc. Từ nhỏ ông đã say mê nghệ thuật dân gian. Lúc trưởng thành, ông đã lựa chọn con đường văn chương để cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của lực lượng tiến bộ. Tác phẩm của ông mang hơi thở nóng hổi của thời đại, là tiếng nói của hồn dân tộc. Không chỉ là nhà văn lớn của Trung Quốc, Lỗ Tấn kết đọng tinh hoa văn hóa nhân loại của thế kỉ XX. 2. AQ chính truyện là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn, được sáng tác năm 1921, nghĩa là trong giai đoạn thứ nhất trong cuộc đời cầm bút của nhà văn (1918 – 1925). Về hình tượng nhân vật AQ, từ trước đến nay, trên quan điểm giai cấp, vẫn coi đây là một hình tượng điển hình về người nông dân Trung Quốc chịu nhiều tổn thương nghiêm trọng về vật chất lẫn tinh thần trong bối cảnh là trước và sau cuộc cách mạng Tân Hợi. Để chứng minh cho luận điểm này thì người viết vẫn thường dẫn ra nguồn gốc, hoàn cảnh, phép thắng lợi tinh thần, con đường đến với cách mạng... của AQ. Điều này cũng phù hợp với ý đồ sáng tạo của Lỗ Tấn. 3. Trên góc độ văn hoá, tôi muốn tìm hiểu thêm về hình tượng AQ, với mục đích chứng minh rằng hình tượng AQ không chỉ bó hẹp trong ý nghĩa là nhân vật người nông dân điển hình trong một xã hội cụ thể, ở một hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà đó là hình tượng mang tầm nhân loại. 3.1. Trước hết, trên phương diện nguồn gốc, nhân vật AQ có nhiều điểm tương đồng với nhân vật trong truyện dân gian. Nhân vật trong truyện cổ có một số đặc trưng như: không có tên hoặc nếu có tên thì cái tên cũng rất chung chung. Ví dụ như họ thường được gọi là công chúa, hoàng tử, vua, hoàng hậu, cô gái, chàng trai, bác nông dân... nếu có tên thì những cái tên gắn liền với đặc điểm của nhân vật như: Bạch Tuyết (có da trắng như tuyết), Lọ Lem (vì ở trong bếp nên luôn lấm lem), nàng tiên Ống Tre (vì được sinh ra từ ống tre), chú bé Tí Hon (vì chú bé rất nhỏ), cô gái đẹp thì gọi là Tiểu Mĩ... Nhân vật sống trong một thời gian phiếm chỉ (Ngày xửa, ngày xưa, thuở ấy), không gian phiếm chỉ (ở một làng nọ, ở vương quốc nọ...). Đặc trưng này có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân nhưng trước hết nó liên quan đến phương thức lưu truyền của văn học dân gian là truyền miệng. Chính quá trình lưu truyền này, để tiện cho trí nhớ, người ta lược bỏ đi những chi tiết cụ thể không cần thiết, biến cái của người khác thành cái của mình. Đồng thời nó khiến cho nhân vật trở nên gần gũi, có thể bước từ không gian này sang không gian khác, từ thời đại này đến thời đại khác mà không bị hạn chế bởi một ranh giới không gian, thời gian cụ thể nào. Dường như nhân vật cổ tích cứ thấp thoáng trong cuộc sống hằng ngày của con người. Là sản phẩm sáng tạo của văn học thế kỉ XX nhưng AQ hoàn toàn khác với các nhân vật trong văn học viết đương thời. Nhân vật này lại có nhiều điểm tương đồng với nhân vật trong cổ tích. Cũng như nhân vật trong truyện cổ, nhân vật chính của AQ chính truyện không có một cái tên cụ thể, chỉ được định danh bằng hai kí tự Latin viết tắt: AQ. Trong lời tựa, chính tác giả cũng đã nói: “lệ thường phàm viết truyện, người ta vẫn hay mào đầu bằng mấy chữ: “Ông Mỗ, tự là Mỗ, người xứ nọ, xứ kia...” thế nhưng tôi lại không biết AQ họ gì hết. Có lần tưởng AQ họ Triệu nhưng đến ngày hôm sau thì không lấy gì làm chắc nữa. Và vì AQ họ gì chưa rõ lắm nên quê quán y ở đâu cũng không thể định được. Tiếng rằng bình sinh y vẫn trú ngụ ở làng Mùi nhưng y lại luôn luôn đi ngủ trọ đâu đâu. Thành thử không thể nói y là người làng Mùi được. “AQ không những tên họ, quê quán đều mập mờ mà đến hành trạng trước kia ra sao cũng không rõ ràng nốt”. Cuộc đời của nhân vật này tưởng như thực sự bắt đầu từ khi xuất hiện ở cái làng Mùi này. Điều này cũng tương tự như các nhân vật cổ tích thường được kể theo trật tự tuyến tính nên cuộc đời họ cũng bắt đầu được biết đến từ thời điểm câu chuyện được bắt đầu. Điểm đặc biệt này của nhân vật AQ chắc chắn không được nảy sinh từ phương thức truyền miệng của văn học dân gian nhưng nó lại có một hiệu quả tựa như nhân vật cổ tích vậy. Đó là nó khiến cho nhân vật AQ vừa là một AQ cụ thể trong nghệ thuật vừa lại có thể là bất cứ ai trong cuộc sống thực. Ở một nơi nào đó, một lúc nào đó, chúng ta có thể đã gặp AQ. Chính điều này khiến cho tầm khái quát, tính phổ biến của hình tượng này càng thêm sâu sắc. Như vậy, với sự lựa chọn cách giới thiệu nhân vật có nhiều điểm tương đồng với nhân vật trong cổ tích, Lỗ Tấn đã khiến cho nhân vật AQ có tầm phổ biến, khái quát rộng rãi. Người đọc có cảm tưởng như nhân vật như bước ra khỏi thế giới tượng tượng và hư cấu để hoá thân vào bất cứ ai trong cuộc đời. 3.2. Trên đây chỉ nói về nguồn gốc, hành tung của nhân vật. Sau đây xin được bàn về một đặc điểm nổi bật trong tính cách của AQ. Như ai cũng biết đó là “Phép thắng lợi tinh thần”. Theo như cách phân tích xưa nay, phép thắng lợi tinh thần của AQ được xem là sản phẩm của xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, in đậm dấu ấn của sự tủi nhục dân tộc. Trước sự công phá không ngừng trước làn sóng bành trướng của chủ nghĩa đế quốc, giai cấp phong kiến ngày càng lụn bại, hoàn cảnh thực tế đó buộc nó không biết phải làm như thế nào. “Phép thắng lợi tinh thần” là một biểu hiện của thứ tâm lí bệnh hoạn đó. Trong hoàn cảnh đó, người nông dân chịu ảnh hưởng của giai cấp thống trị là lẽ đương nhiên. Cộng với nhược điểm của bản thân giai cấp nông dân đã tạo điều kiện cho phép thắng lợi tinh thần phát triển. Khi viết về đặc tính này của nhân vật AQ, Lỗ Tấn nhằm phê phán những nhược điểm của quốc dân trong giai đoạn sau cách mạng Tân Hợi. Không thể không thừa nhận Lỗ Tấn đã rất thành công khi chỉ ra nhược điểm cơ bản, căn bệnh tinh thần trầm trọng khó cứu chữa của người Trung Quốc đương thời. Nhưng nếu chỉ dừng việc phân tích ở đó thì e rằng sẽ khiến cho ý nghĩa hình tượng giảm đi ít nhiều. Chúng ta thấy rằng nhân vật AQ mang căn bệnh tinh thần của thời đại, hơn nữa còn mang một suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc Trung Hoa - tự xem mình là tinh hoa trung tâm của văn hoá nhân loại, luôn xem mình là chuẩn mực. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nếu chỉ xem AQ là điển hình cho một thời đại, một dân tộc thì khi thời đại đó qua đi, hay đi đến một dân tộc khác, nó sẽ mất ý nghĩa. Nhưng thực sự không phải vậy. Cho đến nay và bất cứ ở đâu thì hình tượng AQ vẫn có một sức sống mãnh liệt. Một khi chúng ta gặp phải ai đó, có trạng thái tinh thần tương tự, mặc dù có sự khác biệt rất xa về căn bản, chúng ta cũng sẽ nghĩ ngay đến AQ và gọi tên AQ một cách không tự giác. Cũng như chính tác giả có lần từng kể: “Còn nhớ khi tôi viết AQ chính truyện đã từng có một chính khách và một viên quan nhỏ đùng đùng nổi giận, nhất định nói rằng là tôi đang châm chọc họ”. Qua đó, ta có thể khẳng định rằng nhân vật AQ không chỉ tiêu biểu cho một tầng lớp, một thời đại, một dân tộc mà còn mang tính nhân loại.
Jean-Paul Sartre
Nhà triết học hiện sinh Jean Paul Sartre đã chỉ ra bản năng tổng quát của con người là “khuynh hướng lấp đầy”: con người luôn luôn hướng ra thế giới bên ngoài, biến cái không thành cái có, luôn phủ định và sáng tạo ra bản thân để tạo nên những cá thể hoàn chỉnh. Nhà Tâm phân học K.Gustave Jung lại chỉ ra một trong những cổ mẫu được di truyền trong vô thức tập thể của nhân loại là mặt nạ nhân cách. Đó chính là tâm lí cầu đồng, muốn giống nhau của con người. Điều này khiến cho khi giao tiếp với khác, con người dễ dung hợp với nhân quần. Thuyết Âm Dương của Trung Quốc lại cho rằng, hai khí Âm và Dương vừa tương khắc vừa chuyển hóa là nguồn gốc sinh ra vạn vật. Âm và Dương luôn bổ sung cho nhau để đạt được thế cân bằng. Khuynh hướng lấp đầy mà triết học hiện sinh đã chỉ ra và cái tâm lí cầu đồng trong triết học của Jung chính là những biểu hiện khác nhau của sự vươn tới thế cân bằng giữa hai khí Âm Dương mà thuyết Âm dương đã bàn đến. Con người trong xã hội cũng tuân theo quy luật vận động của Âm Dương, tâm lí cầu đồng và bản năng lấp đầy ấy. Một trong những biểu hiện là con người luôn muốn hoàn thiện mình, bổ sung những khiếm khuyết, muốn đạt được điều mà người khác có mà mình chưa có, để mong đạt tới sự cân bằng. AQ cũng thế. Không có họ thì y khoa chân múa tay nói rằng mình họ Triệu, một họ danh giá ở làng Mùi lúc bấy giờ. Y không hơn được ai thì y cho rằng con cháu của y sẽ hơn người khác. Y không có sức mạnh để đánh kẻ khác thì lại cho mình là bố người khác: “Nó đánh mình khác gì đánh bố nó” và tự nhận thấy mình giỏi nhịn nhục bậc nhất mà Trạng nguyên cũng chỉ là người bậc nhất mà thôi... Bằng cách đó, AQ có được điều mình muốn, an ủi được mình và thế là sau mỗi thất bại, y vẫn có thể hớn hở, ra vẻ đắc thắng. Điều đáng nói là “sự hoàn thiện bản thân”, cái bản năng lấp đầy nhằm đạt được thế cân bằng của nhân vật này lại không có một cơ sở thực tế nào mà chỉ diễn ra trong thế giới tinh thần, trong tưởng tượng của y. Thế nên nó chỉ khiến cho y được an ủi về tinh thần, tạo ảo giác chứ không phải là thực tế. Đây cũng là một hiện tượng tinh thần phổ biến khi con người muốn lấp đầy những khiếm khuyết của bản thân mà không có năng lực thực tế nên chỉ đạt được nó trong tưởng tượng. Một khi sự tưởng tượng vượt ra khỏi sự kiểm soát của ý thức, đồng nhất tưởng tượng với hiện thực thì con người đó có biểu hiện tinh thần của AQ. Như vậy, phép thắng lợi tinh thần được Lỗ Tấn cụ thể hóa trong một thời đại, một dân tộc nhất định, nhưng nó lại có nguồn gốc sâu xa từ bản năng tổng quát, từ vô thức tập thể của con người và từ quy luật của vạn vật. Chính vì thế mà hình tượng AQ đã sống vượt qua không gian, xuyên qua thời gian để biểu hiện được cái muôn đời và trở nên bất tử. Hoài Thu Nguồn: phongdiep.net
    Share Me
  • Tweet
  • Share
  • Share
  • Share
  • Share
Previous Post Next Post

Welcome to MyBlog

(Loading...)

Bài đọc nhiều

  • Lắng lòng ngày cuối năm! Lắng lòng ngày cuối năm!
  • Nghĩ và cảm nhận về cuộc sống của mình Nghĩ và cảm nhận về cuộc sống của mình
  • Cuộc sống vốn không công bằng Cuộc sống vốn không công bằng
  • Sách của Krishnamurti Sách của Krishnamurti
  • Tự do đầu tiên và cuối cùng - J. Krishnamurti Tự do đầu tiên và cuối cùng - J. Krishnamurti
  • Sách của Friedrich Nietzsche Sách của Friedrich Nietzsche
  • Sách của Eckhart Tolle Sách của Eckhart Tolle
  • Sách của Osho Sách của Osho
  • Sách của Thầy Thích Thông Lạc Sách của Thầy Thích Thông Lạc
  • Sách của Dostoievski Sách của Dostoievski

Bài đọc khác

Từ khóa » Nhân Vật Aq Của Lỗ Tấn