BÀ BÓNG VÀ NHỮNG HỆ LỤY LỊCH SỬ - - Chùa Xá Lợi

BÀ BÓNG VÀ NHỮNG HỆ LỤY LỊCH SỬ

BÀ BÓNG VÀ NHỮNG HỆ LỤY LỊCH SỬ

LÊ HẢI ĐĂNG

Bà bóng trong giới hạn khái niệm được dùng ở đây nhằm chỉ người làm công việc thực hành nghi lễ trong tín ngưỡng Nữ thần Nam bộ, đồng thời họ cũng là những nghệ nhân của loại hình nghệ thuật tổng hợp Hát bóng rỗi phổ biến tại khu vực Nam Bộ. Đề cập tới tầng lớp đặc thù này dễ dẫn tới sự liên hệ trên một phạm vi rộng hơn về không gian văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta cần khu biệt giữa Bà bóng (hay Bà đồng, Bà cốt…) trong tín ngưỡng Tứ phủ phổ biến ở Bắc Bộ và Bà bóng hoặc Bóng trong tín ngưỡng Nữ thần Nam Bộ. Bà bóng trong tín ngưỡng Tứ phủ Bắc Bộ chỉ thuần túy đóng vai trò thực hành nghi lễ, còn Bà bóng trong Hát bóng rỗi Nam Bộ không chỉ có chức năng thực hành nghi lễ, mà còn sở đắc về nhiều loại hình nghệ thuật. Nói cách khác, Bà bóng Nam Bộ chính là một nghệ sĩ. Điều khiến cho đối tượng này trở thành “truyền nhân” của di sản âm nhạc dân gian thuộc vùng văn hóa phương Nam, không giống như Bà bóng Bắc Bộ, nhân vật trung tâm của tín ngưỡng Tứ phủ hóa thân trong nhiều vai trò (Giá) khác nhau, nhưng chưa bao giờ là nghệ sĩ cả!

1. Hiện thân của tín ngưỡng Saman

Tín ngưỡng Nữ thần vốn là hình thái sơ khai trong nhiều tôn giáo cổ xưa trên thế giới. Việc thờ cúng nguyên mẫu của vạn vật với năng lực sản sinh ra muôn loài được nhân cách hóa bằng hình ảnh người mẹ từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Ngay cả những tôn giáo hình thành vào thời kỳ xã hội loài người đã bước vào giai đoạn văn minh, yếu tố Saman vẫn tồn tại song hành, như đạo Thiên chúa chẳng hạn. Hình ảnh Đức mẹ Maria chính là hiện thân của tín ngưỡng Saman với điển tích hấp thu quyền năng siêu nhiên (Thánh linh) giáng sinh ra Đức Chúa Jesu1. Tín ngưỡng Saman trong phạm vi đặc định có liên quan mật thiết tới quan niệm vạn vật hữu linh và một biểu hiện dễ thấy là năng lực cộng thông hay hấp thu quyền năng ở bản thể người thực hành nghi lễ. Ở tín ngưỡng Nữ thần Nam Bộ, ngoài tập hợp đa chủng các vị thần có nguồn gốc tộc người khác nhau như Bà Thiên Hậu, Bà Kim Huê… (người Hoa), Bà Thiên Y A Na, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Tiên…(người Chăm), Cô Hồng, Cô Hạnh… (người Việt), còn có một bộ phận hóa thân từ quan niệm Ngũ hành, các bà Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi. Năm Bà này trở thành đối tượng thờ tự chính trong các ngôi miễu Ngũ Hành hay miếu Ngũ Hành Nương Nương, một dạng thiên thần, thần thiên nhiên được nhân cách hóa, trở thành thần bản nghiệp. Và Bà bóng, với tư cách là “tín đồ” duy nhất của tín ngưỡng Nữ thần đóng một vai trò không nhỏ trong việc gìn giữ vốn di sản văn hóa truyền thống gắn bó mật thiết với lịch sử của vùng đất phương Nam. Bà bóng ở Hát bóng rỗi tuy không được thừa nhận có năng lực cộng thông giữa thế giới siêu nhiên và con người như Bà đồng, Bà cốt trong tín ngưỡng Tứ phủ, nhưng thông qua hình thái tồn tại, dấu ấn của năng lực đó đã được cụ thể hóa thông qua âm nhạc và bằng âm nhạc. Sự thực về quyền năng cộng thông còn chưa thể kết luận. Nhưng, rõ ràng ở rất nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, đặc biệt như Đạo giáo, các vị Đạo trưởng, hay thầy Phù thủy – những người được thừa nhận khả năng cộng thông, thậm chí có thể huy động Âm binh – đều triển khai việc Pháp sự thông qua công cụ âm nhạc với hệ thống văn bản Kinh sám. Tất nhiên ngoài ngôn từ, âm nhạc, ở nhiều tôn giáo (như Phật giáo, Đạo giáo) còn nhờ sự trợ giúp của “ngôn ngữ hình thể” với ấn thủ, công cụ (đạo cụ) hỗ trợ như bùa chú, kiếm, pháp khí… Ở Hát bóng rỗi thông qua hình thái tồn tại cho thấy những mối liên hệ rõ rệt với tín ngưỡng Saman. Điều này bộc lộ trên nhiều khía cạnh, cấp độ và không ngọai trừ cả trên chính bản thể của Bà bóng.

2. Nhóm xã hội đặc thù

Có một điều từ lâu trở thành úy kỵ hoặc do tế nhị, nên không ai nói ra, kể cả những người làm nghiên cứu, đó là sự phổ biến về giới “trung tính”, “bán nam bán nữ” trong rất nhiều Bà bóng. Thậm chí, từ Bà dùng ở đây cũng chỉ mang tính chất phiếm chỉ. Trong nhiều trường hợp, chưa thể khẳng định đặc điểm về giới trong đại từ hay danh từ Bà này. Trong giới Hát bóng rỗi, người ta quen gọi Bóng gì đó. Có nghĩa là Bóng, rồi kèm theo tên người hát. Cũng có khi đích thị là bà người ta dùng Bà bóng… (kèm tên). Song, trong Bóng lại có cả ông và bà. Đó là tính bất phân về giới ở danh từ trên.

Ở Nam Bộ, có một dạo người ta quy kết những phần tử bán nam bán nữ vào tàn dư của chế độ thực dân. Trong khi khoa học hiện đại khẳng định về sự tồn tại lâu dài của loài lưỡng tính trong tự nhiên, đương nhiên có cả con người. Vậy, Gay hay Lesbian chẳng phải sản phẩm của nền văn hóa hay chế độ nào, mà chúng phổ biển trên toàn cầu. Có chăng, dưới sự chi phối của những điều kiện văn hóa xã hội cụ thể, mức độ phổ biến đó có thể kéo theo thái độ kỳ thị hay chấp nhận dưới nhiều cách biểu hiện khác nhau. Trong quá trình tiếp cận với Hát bóng rỗi, chúng tôi phát hiện thấy mức độ tập trung những thành phần “lưỡng tính” với mật độ khá cao. Đương nhiên, Gay và Lesbian đã phổ biến trên toàn cầu, vậy đối tượng này cũng sẽ xuất hiện một cách tương ứng trong đời sống xã hội. Có điều, tỉ lệ vượt trội ở những lĩnh vực cụ thể, như Hát bóng rỗi lại trở thành tâm điểm của sự chú ý. Để lý giải hiện tượng trên, chúng tôi thử tiếp cận từ những góc độ sau:

3.1. Chức năng đặc thù

Như đã đề cập, Bà bóng đóng vai trò thực hành nghi lễ trong tín ngưỡng Nữ thần thông qua biện pháp sử dụng âm nhạc. Trước hết, chúng ta cần có khái niệm sơ lược về Thần ở đây. Trong quan niệm thế tục, Thần, Thánh, Tiên, Phật… đều là những đối tượng thuộc tầng lớp Thượng giới! Tuy nhiên, xét về tín lý, các bậc Thượng giới trên có những khác biệt nhau. Ví dụ, Thánh là đẳng cấp tối cao của đạo Nho. Người theo đạo Nho đạt tới mức siêu phàm sẽ trở thành Thánh, như Khổng Tử là bậc Chí Thánh; còn Mạnh Tử là Á Thánh… Tiên lại là cảnh giới tuyệt đỉnh của người tu Đạo (Đạo giáo). Người tu Đạo với ước mơ Trường sinh bất tử, cho dù ước mơ đó còn chưa thể thành hiện thực, thì cảnh giới “Trường sinh bất tử” đã dành chỗ cho những người đạt Đạo để được thành Tiên. Còn tín đồ Phật giáo là những người theo đuổi con đường giải thoát, thoát khỏi sinh lão bệnh tử rồi nhập diệt giống như Đức Phật Thích Ca. Cuối cùng là Thần. Thần trong một phạm vi hẹp về ngữ nghĩa chính là người Phàm chuyển hóa sau khi chết với những dấu hiệu mang tính hiển linh (theo truyền thuyết) mà được người đời sùng kính, như Quan Công, Thiên Hậu trong tín ngưỡng người Hoa; Cô Hồng, Cô Hạnh trong tín ngưỡng Nữ thần Nam Bộ… và rất nhiều những vị thần thờ tại gia như: Thổ địa, Thần tài, Táo quân… khác.

Trong Tam giáo (Nho, Phật, Đạo), chúng ta thấy rõ thái độ “phòng ngừa” dục tính của người tu đạo ở nhiều cấp độ khác nhau. Đạo Nho chủ trương tiết dục, Đạo giáo quả dục, còn đạo Phật diệt dục. Vì, dục tính thể hiện một cách rõ rệt nhất những đặc trưng về giới. Còn Thần (chỉ bộ phận Nhân thần) vốn là người phàm, chưa thoát khỏi dục tính (trước khi thành Thần), nên về bản thể giới tính ở Thần vẫn được xác lập. Song, một ngày cái xác phàm biến thành cát bụi để chuyển hóa ra Thần, người trần lại không thể đối đãi với họ giống như người phàm. Ở những đối tượng này theo cách chuyển hóa tín lý, thái độ sùng kính khởi phát cho mọi hành vi trong mối quan hệ giữa đối tượng thờ tự và đối tượng hành lễ. Nói một cách dung tục, chúng ta không thể lấy một gã đàn ông phụng sự cho Nữ thần. Vì vậy, người có thể đảm đương vai trò này “ưu việt” hơn cả đó chính là bóng. Một thực thể “nửa vời”, “lưỡng tính”, “thoát tục”, đồng nhất với Thái cực, Hỗn mang… Ông Địa cũng là một nhân vật điển hình mang đặc thù “lưỡng thể” này! Xét về mặt tạo hình, tượng Ông Địa thường được tạo tác với bộ dạng nửa vời, mặt hơi giống đàn ông, thân hình y hệt đàn bà, bụng bự (tượng trưng cho khả năng sinh nở - bao gồm cả của cải, tiền tài…), ngực nở nang, trang phục chẳng khác nào Gay! Chúng ta có thể lý giải hiện tượng Ông Địa dưới góc độ chuyển hóa tín lý và cơ năng đối tượng thờ tự. Tín ngưỡng thờ Thổ địa cũng xuất phát từ việc thờ cúng Nữ thần Địa mẫu (Mẹ đất), sau mới phân hóa thành tín ngưỡng Thổ thần, thờ cúng vị thần cai quản về đất đai, những việc như động thổ, xây nhà, đào huyệt… (xin tham khảo cuốn: Tượng thần dân gian Trung Quốc của Tống Triệu Lâm, Nxb Học Uyển, Bắc Kinh, 1994). Vì, chuyển sang làm công tác quản lý và bị sàng lọc bởi lăng kính Nho giáo, nên Ông Địa đã bị chuyển hóa giới tính (từ bà sang ông), nhưng người đời hợm thay khi quên “giải phẫu” thẩm mỹ cả hình trạng cho ông. Để rồi, cái hình thù kỳ cục đó cứ hiện hữu giữa cuộc đời này như một sự chế nhạo! Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, tác giả cuốn “Ông Địa” đã nhiều lần nhắc đến khái niệm “Địa Bà bóng”, một dạng Địa nửa ông nửa bà. Và tiết mục Chặp bóng tuồng Địa Nàng cũng nằm trong những tiết mục không thể thiếu của Hát bóng rỗi. Qua đó cho thấy mối quan hệ giữa Bóng và những phần tử “nửa vời” dường như đã định hình từ rất lâu.

3.2. Năng lực đặc thù

Ở đây, chúng ta hãy thử xem xét năng lực phi phàm của Bóng rốt cuộc là gì? Bà bóng có nhiều năng lực, kỹ năng như cúng quải, lễ bái, múa, hát… nói chung khá đa tài. Tuy nhiên, năng lực đặc thù hay siêu phàm ở Bóng chính là khả năng cộng thông – có thể chuyển hóa thông điệp giữa cõi trên và cõi dưới, giữa con người và Thần linh… Với năng lực ấy chỉ có thể ký thác trên cơ thể của nhóm đối tượng ở “giữa” (khi đất trời, âm dương chưa phân) và Gay hay Lesbian có những điều kiện để thỏa mãn yêu cầu này! Cơ thể có khác thường người ta mới có được năng lực siêu phàm! Từ tín ngưỡng nguyên thủy đến tín ngưỡng Saman là cả một quá trình tiến hóa về chất, đặc biệt trên cơ sở chuyên môn hóa. Tín ngưỡng nguyên thủy chưa khu biệt ranh giới giữa tín đồ nói chung và người thực hành nghi lễ. Nói cách khác, trong tín ngưỡng nguyên thủy, việc thực hành nghi lễ có thể giao cho bất kỳ người nào. Bước sang tín ngưỡng Saman, việc thực hành nghi lễ đã được chuyên môn hóa cao đạt tới chỗ chỉ được thực hành bởi những người có năng lực siêu việt! Theo truyền thuyết, Bà Thiên Hậu (vốn là một cô đồng sống vào thời Bắc Tống, hiện trở thành vị Hải Thần tiêu biểu thờ tự khắp nơi có người Hoa sinh sống) có năng lực “xuất hồn” mà qua sự tích “Du hồn cứu phụ” (xuất hồn cứu cha) đã mô tả khá chi tiết. (xin tham khảo cuốn: “Tín ngưỡng mẹ tổ” của Lý Lộ Lộ, Nxb Học Uyển, Bắc Kinh, năm 1994). Bà bóng ở Hát bóng rỗi tuy không có năng lực cộng thông, nhưng theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, năng lực đó chỉ bị mai một từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ XX (Diễn xướng dân gian Gia Định – Sài Gòn). Ngược lại, trong đạo Tứ phủ không phải Bà đồng, Bà cốt nào cũng có năng lực cộng thông. Sự phổ biến đến mức quá lạm của tín ngưỡng đã dẫn tới nhiều người đội lốt Bóng, biến những màn “Lên đồng” thành hoạt động trình diễn Show. Còn ở Hát bóng rỗi, tính chất trình diễn từ lâu đã trở thành hoạt động công khai, “chính danh”, song ẩn sau nó vẫn còn dấu vết sơ khai của thời kỳ cộng thông giữa Bóng và thế giới quyền năng.

3.3. Nghề nghiệp đặc biệt

Nghệ thuật trong xã hội truyền thống không thuộc vào lọai nghề nghiệp nào. Xướng ca đã vô loài, mà xướng ca để phục vụ các vị thần càng vô chiêu hơn. Song, kỳ thực, cùng với thuyết Nghệ thuật bắt nguồn từ lao động, thuyết nghệ thuật xuất phát từ tôn giáo, tín ngưỡng cũng có những cơ sở khoa học của nó. Trong tác phẩm “Mỹ học” của Hegel có viết: “Xét về mặt đối tượng khách thể, nguồn gốc của nghệ thuật có liên quan mật thiết nhất với tôn giáo…”. Mặc dù hoạt động sản xuất vật chất chiếm vị trí trung tâm trong hoạt động sống của con người, nhưng không có nghĩa là duy nhất và hoạt động sản xuất tinh thần cũng quan trọng không kém. Với bản chất “sáng tạo ra mọi vật phẩm theo quy luật của cái đẹp” (Karl Marx), loài người đã sáng tạo ra nghệ thuật. Trong tôn giáo, xuất phát từ mục đích phục vụ nhu cầu giải trí của các đối tượng thờ tự mà con người thỏa mãn cả nhu cầu về nghệ thuật ở bản thân. Đây phải được coi là hai mặt của một thực thể, chứ không nên nhìn dưới góc độ tuyến tính, phân tách hai mặt ra thành hai tiến trình. Công việc thực hành nghi lễ bằng biện pháp trình diễn nghệ thuật có nguồn gốc xa xưa. Vì thế, đây phải được coi là một nghề nghiệp đặc biệt. Đặc biệt đến nỗi trong xã hội hiện đại vẫn chưa có trường lớp nào đào tạo, ngoại trừ môi trường tín ngưỡng. Ở môi trường này, người học là những đối tượng được truyền thừa, không giống như việc dạy dỗ thông thường. Hiện tại, đặc thù trên vẫn bảo lưu khá bền vững với tính chất khép kín và không truyền nghề một cách dễ dãi (cũng như rộng rãi) cho người ngoài. Vào thời kỳ phong kiến, rất nhiều người làm nghệ thuật đều thuộc phần tử “Thế tập”, hiểu là cha truyền con nối. Trong giới Bóng tuy không theo hướng “cha truyền con nối”, nhưng lại có đặc thù “phẩm chất tương đồng”, hiểu theo kiểu thầy nào trò nấy. Như trên đã trình bày, sự không thừa nhận trong văn hóa xã hội đối với nhóm người này đã khiến cho họ cố kết lại thành một nhóm xã hội. Tại Nha Trang, địa danh Xóm Bóng, cầu Xóm Bóng vẫn còn bảo lưu tới hiện tại. Trong quá khứ, chắc hẳn từng có nhóm người hoạt động theo loại hình nghề nghiệp đặc thù này sinh sống. Hiện tại ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều nhóm Bóng sống chung với nhau. Quá trình tương tác giữa những thành viên trong nhóm trở thành kênh giao tiếp chủ đạo của họ. Và ở đây, xu hướng lập thành những người có phẩm chất tương đồng thể hiện khá rõ. Thầy Gay chọn trò Gay, thầy Lesbian trọn trò Lesbian. Tất nhiên, không loại trừ cả những đối tượng cha truyền con nối và cá biệt.

Về các loại hình nghệ thuật hay kỹ năng mà Bà bóng sở đắc còn bao gồm: hát, múa và sử dụng nhạc cụ. Như trên đã trình bày về các tiết mục trong một chương trình Hát bóng rỗi. Ở Hát Chầu mời với loạt bài Chầu Ông, Chầu Bà, Chầu Cô, Chầu Cậu và Chầu Chiến sĩ đều do các Bà bóng trình diễn. Đây là một tập hợp bài bản được kết cấu dưới dạng “liên khúc”, bắt đầu bằng Rao (do đàn cò đảm nhiệm), rồi vào bài. Trong khuôn khổ bài luôn có sự chuyển đổi điệu thức (hoặc hơi) từ Xuân qua Ai, sau đó kết bằng điệu Lý. Việc kết bằng Lý từ lâu đã trở thành truyền thống trong hát Chầu Mời, nên có những bài Lý lấy tên là Lý bóng, Lý bóng rỗi hay Lý giọng bóng.

Nhạc cụ mà Bà bóng sử dụng trong khi hát là chiếc trống lệnh với một cây dùi. Trống lệnh làm chức năng tổ điểm hoặc “đỡ” cho giọng hát. Tiết tấu của trống lệnh thường xuất hiện đảo phách nhằm tạo ra sự tương phản với phách do một người khác (không phải Bà bóng) sử dụng với âm hình tiết tấu trì tục. Bênh cạnh chiếc trống lệnh do Bà bóng đảm nhận, còn có một số nhạc cụ khác tham gia vào quá trình diễn tấu, gồm đàn cò, phách, có khi thêm cả ghi ta phím lõm, trống cơm, kèn thau, đồ đường, thậm chí cả nhạc cụ điện tử…

Ngoài ra, Bà bóng còn rất giỏi múa với nghệ thuật Múa bóng. Múa bóng thường biểu diễn đi kèm với đạo cụ, như: lu, xe đạp, dao phay, ghế đẩu, trống chầu, lục bình, mâm… Lọai hình múa này đòi hỏi người biểu diễn phải có thể lực rất tốt. Múa bóng về cơ bản là loại múa thăng bằng, lấy cơ thể làm trục tựa để thực hiện các động tác xoay, uốn với đạo cụ trên đầu, vai, lưng, chân, tay… kiểu tạp kỹ. Phụ nữ bình thường thật khó có đủ thể lực để giữ thăng bằng trong những màn trình diễn đội trên đầu cả chiếc lu hay xe đạp… rất nặng. Chỉ có thân hình mềm mại của Gay cộng với sức mạnh tiềm tàng “một nửa” về “thể chất” ở họ mới đảm đương nổi. Ở đây, xin đừng so sánh nghệ thuật dân gian với nghệ thuật hàn lâm. Diễn viên múa Balet phải trải qua thời gian tập luyện lâu dài mới cộng tồn được cả sự khéo léo và sức mạnh. Còn ở Múa bóng, diễn viên vừa học vừa hành, chủ yếu nhờ thiên tư mà sớm được hành nghề. Không hề có một chương trình quy chuẩn nào yêu cầu Bà bóng phải thông qua. Tất cả đều theo quy luật “Thổ sinh thổ dưỡng”, “Tự sinh tự diệt” đặc thù của nghệ thuật dân gian và tùy thuộc vào “Căn duyên” của mỗi Bà bóng.

4. Tiểu kết

Nói tóm lại, Bà bóng không chỉ đơn thuần đảm trách vai trò thực hành nghi lễ, mà còn mang trong mình bản thể của quá khứ, những ràng buộc bất phân giữa lịch sử và hiện tại. Bóng tuy giống như bao người, nhưng thể chất chẳng giống ai! Cũng như các vị Thần, lúc sanh thời mang trong mình xác phàm, nhưng sau khi chết lại trở thành những “tinh linh” khó thể phân biệt. Để đảm trách vai trò thực hành nghi lễ, Bóng thoát xác trở thành một nhân vị khác, với những năng lực vừa tầm thường vừa phi phàm! Bất chấp những thay đổi khắc nghiệt của thời gian, Bóng vẫn tồn tại bền vững, đi từ quá khứ tới hiện tại để người đời phải nhìn nhận lại một hiện tượng đã trở thành bản chất trong văn hóa lâu rồi.

Bình luận bài viết

Tin tức khác

  • TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
  • TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
  • KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
  • TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
  • TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
  • TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)

Từ khóa » Bóng Chúa Là Gì