Ba Dạng "ông Chồng Nói Dối" - Tuổi Trẻ Online

Z9TmsWJt.jpgPhóng to
Đàn ông nói dối chỉ vì... sợ phụ nữ đau lòng, sợ họ cằn nhằn, sợ mất họ! Tất nhiên trên hành tinh này vẫn có không ít "kẻ nói dối chuyên nghiệp".

Nhà tâm lý học Willard F. Harley sau nhiều năm tư vấn ở lĩnh vực hôn nhân gia đình đã đúc kết được ba dạng ông chồng nói dối.

Chàng Cuội bẩm sinh

Lúc nhỏ, người đàn ông này thường xuyên nói dối những chuyện vặt vãnh, chẳng hạn nói mình bận đọc sách trong khi đang ngủ khò. Chàng luôn dựng chuyện trong quá khứ của mình và "bóp méo" sự thật một cách tinh vi mà không phải ai cũng nhận biết được. Chỉ cần kiểm tra lại đôi chút, người ta có thể dễ dàng nhận ra anh chàng nói dối này.

Khi bị "bắt bài", anh ta luôn biện hộ bằng cách đổ tội cho trí nhớ kém hay "dạo này stress quá nên nhiều khi chẳng nhớ đúng được chuyện gì!". Một anh chàng "nói dối kinh niên" hầu như không thể nào nói thật một cách nhất quán về mình được, thể nào anh ta cũng phải thêm thắt (hoặc cắt bớt) một số tình tiết nào đó.

Hành vi nói dối của những chàng Cuội này đã ăn sâu vào người nên các bà vợ đừng tìm cách thay đổi họ. Tới tuổi trung niên, một số anh chàng cảm thấy ân hận về sự thiếu trung thực của mình và cố gắng khắc phục.

Nói dối để tránh né rắc rối

Không phải lúc nào anh ta cũng nói dối, mà chỉ khi có áp lực hoặc gặp một vấn đề quan trọng.

Hai vợ chồng đã lên kế hoạch có một ngày chủ nhật dành riêng cho nhau: vợ dặn chồng nhờ chỗ giữ trẻ tư giữ giùm con họ. Nhưng cả tuần trôi qua mà anh chàng quên béng mất. Sáng thứ bảy, khi vợ hỏi: “Anh gọi điện dặn chỗ giữ trẻ chưa?", anh chồng trả lời tỉnh bơ: “Xong cả rồi, cưng à!” với suy nghĩ đơn giản là “sẽ gọi điện ngay và chỉ năm phút là xong”.

Nhưng rồi buổi sáng thứ bảy nhanh chóng trôi theo công việc và tới trưa một đám bạn kéo tới làm ý nghĩ gọi điện thoại ngay văng ra khỏi tâm trí anh lúc nào không biết. Sáng chủ nhật, vợ anh đưa con tới chỗ giữ trẻ thì họ nói là không có ai nhờ cả. Cô trở về chất vấn ông chồng, anh ta phải nói dối: “Anh gọi rồi mà. Chắc là họ quên thôi!”.

Những ông chồng nói dối để tránh né rắc rối thường ít khi nói dối một cách có tính toán, mà nói dối bất thần để đối phó mà thôi. Họ có điểm giống như những chàng Cuội bẩm sinh mà tâm lý học gọi là rối loạn tính cách. Họ bóp méo sự thật mà không ân hận gì cả, trừ phi bị phát hiện. Khi đó, họ sẽ làm ra vẻ ăn năn để được người khác tha thứ và quên đi.

Nhưng không giống những chàng Cuội bẩm sinh, những anh chàng nói dối vì sợ phải đối đầu với rắc rối chỉ nói dối khi có áp lực. Có thể làm cho những ông chồng nói dối thuộc dạng này trở nên trung thực nếu các bà vợ ý thức được kiểu stress nào sẽ kích hoạt phản ứng nói dối nơi họ. Cắt giảm tối đa những cách nói gây áp lực, người vợ sẽ nhận được những lời trung thực hơn của chồng.

Nói dối để “bảo vệ” nàng

Người chồng cho rằng tình hình thực tế là quá sức chịu đựng cho vợ mình nên anh nói dối để đỡ làm vợ khổ.

Có gia đình đang gặp khó khăn về tài chính nhưng chỉ mình anh chồng biết vì anh ta quản lý công việc làm ăn. Anh ta quyết định vay mượn tiền để giải quyết khó khăn mà không cho vợ biết vì lập luận rằng tại sao phải để vợ mình mất ngủ bởi những chuyện đó, tự mình xử lý được và nói dối vợ mọi chuyện đều ổn. Trong suốt cơn hoạn nạn đó, nhiều khi anh ta cảm thấy quá đơn độc và ráng chịu một mình.

Không giống hai dạng nói dối trên, ông chồng nói dối vì muốn "bảo vệ" vợ không bị rối loạn tính cách. Anh không bóp méo sự thật để giữ thể diện hay để chiếm được sự ngưỡng mộ của vợ và tránh cho vợ không phải khổ.

Đối với dạng ông chồng này, người vợ không hay biết gì về áp lực mà chồng mình đang chịu đựng. Nguy hiểm nhất là khi người chồng không kham nổi khó khăn nữa, cả gia đình sẽ đột ngột bị rơi vào khủng hoảng mà không ai được cảnh báo trước. Cảm giác an toàn mà người chồng tạo ra bằng những lời nói dối sẽ tan tành trong giây phút và hậu quả là những tác hại khó có thể phục hồi được tin cậy giữa vợ và chồng.

Sinh ra để làm người bảo vệ tổ ấm, hầu hết phụ nữ là những "nhà nhân cảm" bản năng. Nếu tâm lý học có không đề cập đến thì mọi người vợ vẫn biết rõ rằng trong thực tế, dạng “nói dối tổng hợp” phổ biến hơn: lúc thì để tránh né rắc rối, lúc thì vì... yêu cô mà nói dối đấy thôi!

Từ khóa » Cách Nói Dối Vợ