Bà Dương Thị Bạch Diệp: Từ đại Gia Sở Hữu Siêu Xe đến Bị Cáo Lừa ...
Có thể bạn quan tâm
Trước khi vướng vòng lao lý, bà Dương Thị Bạch Diệp là chủ sở hữu chính Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương, đồng thời sở hữu nhiều dự án, khu đất vàng tại trung tâm TP.HCM.
Theo dự kiến, hôm nay (15/3), TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Nguyễn Thành Tài (69 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM), bà Dương Thị Bạch Diệp và 8 đồng phạm do sai phạm trong việc hoán đổi nhà đất số 57 Cao Thắng (Q.3) lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng (Q.3, TP.HCM) gây thiệt hại của nhà nước hơn 186 tỉ đồng.
Trong đó, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (72 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại gia bất động sản thập niên 90
Trước khi vướng vòng lao lý, bà Bạch Diệp là một trong những đại gia bất động sản có tiếng tại TP.HCM. Nữ doanh nhân gốc Bình Định là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty, bao gồm Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Công ty TNHH Nam Nam Phương, Công ty TNHH Bất động sản Châu Sơn, Công ty TNHH Bất động sản Nam Đông Dương.
Bà Dương Thị Bạch Diệp bên cạnh xe sang Rolls-Royce Phantom nhập về Việt Nam năm 2008. Ảnh: AutoVina.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2019 (trước thời điểm bị khởi tố), 2 công ty Châu Sơn và Nam Đông Dương đã ngừng hoạt động, còn lại Diệp Bạch Dương và Nam Nam Phương.
Công ty Diệp Bạch Dương có trụ sở chính tại số 179Bis Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP.HCM với vốn điều lệ hơn 905,6 tỷ đồng. Trong đó, bà Diệp góp 57,54% vốn, tương đương 521 tỷ đồng. Phần còn lại do bà Nguyễn Thị Châu Hà (con gái bà Diệp) đang định cư tại Australia sở hữu.
Nữ doanh nhân này cho biết thông qua các công ty của mình, bà sở hữu 6 lô đất vàng tại TP.HCM bao gồm 4 dự án ở trung tâm quận 1, và 2 dự án ở trung tâm quận 3. Trong đó, khu đất 1.100 m2 trên đường Lê Văn Hưu (quận) 1 được sử dụng làm công ty, nơi ở và có thời gian dùng làm nhà hàng do chính bà Diệp điều hành.
Một số dự án bất động sản giá trị cũng thuộc sở hữu của bà Diệp bao gồm dự án khách sạn Diep Bach Duong’s Senla Boutique (Senla Boutique); dự án khách sạn, trung tâm hội nghị 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3); 7 mặt bằng tại 31 Lê Duẩn (quận 1)... Bà Diệp cũng là đại diện sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng, nhưng sau đó đã mang thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập vào Sacombank).
Cuối năm 2014, bà Diệp cho biết tổng tài sản trên giấy tờ của mình đạt gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chính của các công ty chủ yếu đến từ tiền cho thuê nhà và một phần tiền của cá nhân, con cái cho công ty mượn vốn để hoạt động.
Ngoài các bất động sản giá trị, bà Diệp còn sở hữu xe sang Rolls-Royce Phantom biển số 77L - 7777. Bà cho biết đây là món quà của các con bà Diệp mua tặng vào năm 2008 chứ không phải tiền vay. Tổng số tiền thời điểm đó gia đình bà Diệp chi ra để mua xe về Việt Nam vào khoảng 1,4 triệu USD.
Thời điểm này, giá vàng thế giới mới dao động trong khoảng 800 USD/ounce, nếu quy đổi theo tỷ giá USD/ounce vàng hiện tại, 1,4 triệu USD của bà Diệp khi đó tương đương khoảng 3,4 triệu USD hiện tại.
Khoản nợ xấu nghìn tỷ
Với việc kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, bà Diệp cũng như doanh nghiệp của mình phải thực hiện nhiều hợp đồng tín dụng với ngân hàng để có dòng tiền đầu tư dự án.
Một số khoản vay trong đó đã trở thành nợ xấu và đang nằm trong vụ án điều tra của Bộ Công an, nổi tiếng nhất là vụ Công ty Diệp Bạch Dương vay 81.000 lượng vàng tại Agribank chi nhánh TP.HCM năm 2008.
Cụ thể, tháng 10/2008, Công ty Diệp Bạch Dương đã vay 14.000 lượng vàng SJC của Agribank TP.HCM để mua căn nhà 57 Cao Thắng, quận 3. Khoản vay này có hạn trả nợ là tháng 10/2009, nhưng công ty đã đề nghị và được Agribank đồng ý gia hạn nợ đến tháng 10/2010. Tuy vậy, đến tháng 1/2011 công ty mới trả xong nợ.
Trong giai đoạn từ tháng 12/2008 đến tháng 1/2009, Công ty Diệp Bạch Dương đã vay thêm 67.000 lượng vàng SJC thông qua 3 hợp đồng tín dụng tại Agribank, cả 3 hợp đồng đều không trả nợ đúng hạn.
Theo Agribank TP.HCM, tổng số tiền công ty này trả nợ từ khi vay đến thời điểm chuyển đổi dư nợ sang tiền VNĐ là hơn 6.000 lượng vàng. Toàn bộ dư nợ gốc còn lại hơn 66.600 lượng được 2 bên thống nhất chuyển đổi sang tiền VNĐ trị giá 2.928 tỷ đồng. Sau một vài lần thanh toán, nợ gốc và lãi đến ngày 30/4/2017 lần lượt là 2.912 tỷ và 1.848 tỷ đồng.
Đại diện ngân hàng cho biết số nợ lãi phát sinh nói trên do từ thời điểm vay vốn công ty Diệp Bạch Dương mới trả lãi vay đến ngày 5/1/2010, thời gian chưa trả lãi đến 30/4/2017 lên tới 7 năm 4 tháng. Vì vậy, số nợ lãi còn tồn đọng chưa trả là hơn 9.100 lượng vàng và 1.514 tỷ đồng, tương đương 1.848 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Diệp Bạch Dương cho rằng việc quy đổi dư nợ sang VNĐ tại thời điểm giá vàng cao khiến công ty khó khăn trong việc trả nợ.
Công ty này đề xuất một số phương án trả nợ gốc theo dư nợ chuyển đổi là 2.928 tỷ nhưng xin miễn toàn bộ lãi vay. Tuy nhiên, đến nay 2 bên vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết và đã chuyển đổi thành nợ xấu.
Năm 2014, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra vi phạm của Agribank TP.HCM trong việc giải ngân cho Công ty Diệp Bạch Dương vay hơn 3.700 tỷ đồng dư nợ đến ngày 31/12/2012.
Do hoạt động kinh doanh bất động sản gặp khó khăn từ năm 2011-2012 cũng như việc vướng vào nhiều khoản nợ nghìn tỷ với ngân hàng, bà Diệp đã phải bán đi nhiều tài sản giá trị của mình.
Trong đó, năm 2014, Công ty Diệp Bạch Dương đã nhượng lại dự án khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp tại số 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3) cho Công ty TNHH Phan Thành.
Thiết kế ban đầu của dự án gồm 2 tầng hầm, 2 tầng lửng và 25 tầng lầu, tổng vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Đến giữa tháng 10/2014, Công ty Phan Thành khởi công xây dựng trung tâm mua sắm Saigon Square 3 trên diện tích đất nói trên.
Năm 2016 bà Diệp cũng đã rao bán dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique tại số 111 Hai Bà Trưng (quận 1) tọa lạc trên khu đất 789 m2 với giá 900 tỷ đồng. Cuối năm 2017, chủ đầu tư mới của dự án được công bố là Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang.
Khu đất tại số 31 Lê Duẩn (quận 1) được UBND quận 1 xác định nằm trong phần mở rộng của dự án Tòa nhà Hữu nghị Việt Nam - Slovakia do Công ty CZ Slovakia thực hiện.
UBND quận đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với mức giá 220 triệu đồng/m2 nhưng Công ty Diệp Bạch Dương không đồng ý vì cho rằng mức giá chưa tương xứng với giá trị khu đất.
Không chỉ vướng vào các khoản nợ ngân hàng, doanh nghiệp của bà Diệp còn thường xuyên phát sinh các khoản nợ thuế hàng chục tỷ đồng tại Cục Thuế TP.HCM.
Trong đó, giữa năm 2019, Cục Thuế TP.HCM đã bêu tên Công ty Diệp Bạch Dương là một trong những doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất địa bàn thành phố. Trong đó, công ty này nợ tới 36 tỷ đồng tiền thuế và nhiều lần bị bêu tên nhưng chưa chịu thanh toán.
Trong suốt thời kỳ 2014 - 2019, trước hàng loạt tin tức bất lợi về nợ nần, bà Diệp luôn tự tin vào khả năng thanh toán của mình.
"Ngoài tài sản trên giấy tờ gần 10.000 tỷ đồng, doanh thu chính lâu nay của tôi còn từ cho thuê nhà và một phần tiền của cá nhân và con gái cho công ty mượn vốn để hoạt động", bà Diệp nói năm 2014.
Thậm chí, nữ đại gia còn cho biết ngay trong năm đó sẽ bán bớt tài sản tại Việt Nam, nghỉ ngơi và dự định cuối năm 2015 qua định cư với con, cháu ở nước ngoài.
Về chiếc siêu xe biển số tứ quý 7, nữ doanh nhân gốc Bình Định cho biết vài năm sau khi mua xe, bà dần ít sử dụng vì quá nhiều điều tiếng xung quanh. Năm 2014, chủ nhân cho biết xe chủ yếu nằm trong garage ở nhà riêng trên đường Lê Văn Hưu.
"Sau khi giải quyết mọi việc, làm thủ tục ra nước ngoài định cư, tôi sẽ tiến hành đấu giá chiếc xe này lấy tiền làm từ thiện", bà Diệp nói khi đó.
Mới đây, Bộ Công an đã tách vụ án Agribank TP.HCM cho Công ty Diệp Bạch Dương vay vàng để điều tra riêng. Theo cơ quan điều tra, hiện với dư nợ 5.244 tỷ đồng trong khi tài sản đảm bảo chỉ có giá 2.168 tỷ, Agribank TP.HCM không có khả năng thu hồi hàng nghìn tỷ và có dấu hiệu mất vốn.
...Đến bị cáo lừa đảo hàng trăm tỷ đồng
Tháng 9/2020, theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bà Dương Thị Bạch Diệp (sinh năm 1948, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Khu đất số 185 Hai Bà Trưng từng là trụ sở của Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM
Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Công ty Diệp Bạch Dương có trụ sở tại 179 bis Hai Bà Trưng (phường 6, quận 3, TP. HCM) do hai thành viên Dương Thị Bạch Diệp và con gái (ở Úc) góp vốn thành lập. Công ty hoạt động chính trong kinh doanh khách sạn, cho thuê nhà xưởng, xây dựng... Lúc này, bà Diệp nổi danh là đại gia bất động sản do sở hữu quỹ đất lớn nằm vị trí đắc địa tại TP. HCM.
Nằm gần đó, số 185 đường Hai Bà Trưng là trụ sở Trung tâm ca nhạc nhẹ. Do cơ sở vật chất tại đây xuống cấp, năm 2007, trung tâm liên hệ một số công ty xây dựng để hợp tác và nâng cấp cải tạo, trong đó có Công ty Diệp Bạch Dương.
Bà Diệp đã đề xuất ông Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ) hoán đổi trụ sở Trung tâm ca nhạc nhẹ lấy khu đất khác, hỗ trợ xây dựng trung tâm có quy mô lớn, hiện đại hơn.
Sau đó, bà sẽ hợp nhất trụ sở công ty mình và nhà hát thành khu đất rộng hơn trên đường Hai Bà Trưng, xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao. Thấy phương án này khả thi hơn việc cải tạo Trung tâm ca nhạc nhẹ nên ông Vy Nhật Tảo ủng hộ.
Bà Diệp sau đó tìm mua được nhà đất số 57 Cao Thắng, phường 3, quận 3, phù hợp với yêu cầu hoán đổi. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc hoán đổi, bà Diệp dùng tư cách Công ty Diệp Bạch Dương làm đơn đề nghị UBND TP. HCM thực hiện việc này.
Với đơn xin hoán đổi tài sản của Công ty Bạch Diệp Dương, ông Vy Nhật Tảo đã tổ chức nhiều cuộc họp nội bộ, thống nhất trình phương án báo cáo lên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, với đơn xin hoán đổi tài sản này, lãnh đạo thành phố không chấp nhận vì không có cơ sở pháp lý giải quyết.
Sau diễn biến trên, bà Diệp tiếp tục vận động, thuyết phục các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để thực hiện việc hoán đổi.
Đơn xin hoán đổi tài sản kèm theo đề xuất kinh phí sửa chữa, tu bổ Trung tâm ca nhạc nhẹ 20 tỷ đồng và chuyển đến ông Nguyễn Thành Tài, khi đó là Phó chủ tịch thường trực UBND TP. HCM.
Sau khi đối chiếu với các quy định của pháp luật, UBND TP HCM từ chối đề xuất của bà Diệp. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Thành Tài chỉ đạo Văn phòng UBND TP HCM ký công văn chỉ đạo, giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở VHTT&DL, nghiên cứu và có ý kiến đề xuất vì cho rằng phương án này có lợi cho thành phố.
Ngày 18/1/2010, sau hai lần tổ chức cuộc họp với các sở ngành bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 09, có nhiệm vụ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP HCM) đã ký đề xuất hoán đổi vì cho rằng đây là "sự việc đã rồi".
Quá trình họp bàn lãnh đạo các sở ngành không ai yêu cầu bà Diệp xuất trình bản chính giấy chứng nhận quyền sỡ hữu đối với khu đất 57 Cao Thắng. Thực tế, bất động sản này đã được nữ đại gia đem thế chấp cho ngân hàng trước đó để vay hàng nghìn lượng vàng.
Đến ngày 5/3/2010 ông Nguyễn Thành Tài ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.
Kết luận điều tra nêu rõ trong quan hệ hoán đổi, bà Diệp và ông Tảo đã có sự thống nhất. Mặc dù UBND TP. HCM, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chưa có ý kiến, nhưng ông Tảo đã nhiều lần họp lãnh đạo, ký nhiều văn bản đề xuất thực hiện phương án.
Ông Tảo còn mời ông Nguyễn Thành Rum (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. HCM) xuống thực địa khu đất 57 Cao Thắng để thăm quan và giới thiệu sẽ cải tạo nhà này theo công năng là Trung tâm ca nhạc nhẹ, thuyết phục việc này có lợi cho trung tâm.
Ông Rum sau đó tổ chức họp ban giám đốc sở, thống nhất chủ trương, ra thông báo để Trung tâm ca nhạc nhẹ thực hiện.
Bà Diệp dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp khu đất 57 Cao Thắng để làm căn cứ hoán đổi nhưng không bàn giao. Tiếp đó, bà dùng giấy tờ khu đất này thế chấp cho Ngân hàng Agribank TP. HCM vay 21.860 lượng vàng SJC mà không thông báo cho ông Tảo biết.
Cuối năm 2011, do bất đồng quan điểm với thành phố về việc định giá công trình 57 Cao Thắng, số tiền bù khi hoán đổi và cho rằng thành phố gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với khu đất 185 Hai Bà Trưng nên bà Diệp yêu cầu huỷ bỏ thỏa thuận. Sau nhiều lần họp bàn phương án giải quyết, cuối cùng thành phố phải nhượng bộ không thu thêm từ công ty của bà Diệp khoản tiền chênh lệch hơn 4 tỷ đồng còn thiếu.
Sở Tài nguyên - Môi trường được giao làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương. Bà Diệp sau đó đã bàn giao công trình xây dựng cho TTCNN xây mới trên khu đất 57 Cao Thắng. Đến lúc này vẫn không ai phát hiện chủ quyền nhà đất đã được thế chấp ngân hàng.
Đầu năm 2013, Bà Diệp tiếp tục đem khu đất 185 Hai Bà thế chấp cho ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank) vay 160 tỷ đồng. Hiện, bà không có khả năng trả nợ.
Mấy tháng sau, khi UBND TP HCM đề nghị xác lập quyền sở hữu nhà nước tại địa chỉ 57 Cao Thắng cho TTCNN sử dụng thời gian lâu dài thì mới biết bà Diệp đã thế chấp cho ngân hàng.
Cơ quan công tố xác định Nhà nước đã mất quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng, không xác lập được quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 57 Cao Thắng. Bà Diệp đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt khu nhà đất 185 Hai Bà Trưng trị giá 352 tỷ đồng (giá năm 2019).
Trong vụ án này, Nguyễn Thành Tài cùng 8 đồng phạm bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”
Qúa trình điều tra, ông Nguyễn Thành Tài cho biết là Phó chủ tịch thường trực nhưng không được phân công quản lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước. Khi nghe Vy Nhật Tảo và bà Diệp trình bày về đề nghị hoán đổi đã bị thuyết phục, vì bà Diệp xây khách sạn 5 sao sẽ mang lại lợi ích cho thành phố. Do không thuộc lĩnh vực mình phụ trách, ông Tài báo cáo Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân và được chấp thuận. Ông Quân giao ông Tài trực tiếp chỉ đạo việc hoán đổi này.
Theo ông Tài, bản thân nhận thức được quyền sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, thế chấp đối với nhà 57 Cao Thắng của Công ty Diệp Bạch Dương là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để thực hiện việc hoán đổi, nhưng ông lại thiếu sót khi không chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý. Bởi ông tin tưởng TTCNN và Ban chỉ đạo 09 sẽ làm việc này.
Ông Tài cho rằng mình không vụ lợi, hay có động cơ cá nhân. Nhưng là người chấp nhận chủ trương và chỉ đạo giải quyết việc hoán đổi, ông sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả đã xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Dương Thị Bạch Diệp: Nữ đại gia thoát tội… “quá tam ba bận”?
05:00, 28/01/2019
Từ khóa » Diệp Bạch Dương Siêu Xe
-
Xe Siêu Sang Rolls-Royce Tứ Quý 7 Của Bà Dương Thị Bạch Diệp
-
Những Thăng Trầm Của Nữ đại Gia Siêu Xe - VietNamNet
-
Nữ đại Gia Dương Thị Bạch Diệp - VietNamNet
-
Dương Thị Bạch Diệp, Bầu Kiên Số Phận đại Gia đi Siêu Xe Rolls ...
-
Dương Thị Bạch Diệp: Từ Nữ đại Sở Hữu Siêu Xe Rolls Royce Biển ...
-
Dương Thị Bạch Diệp: Một Nữ đại Gia Sở Hữu Siêu Xe Rolls Royce ...
-
Đại Gia Bất động Sản Dương Bạch Diệp: Từ Siêu Xe Rolls-Royce ...
-
Siêu Xe Rolls-Royce Của Bà Dương Thị Bạch Diệp 77L-7777
-
Bà Dương Bạch Diệp Từng Nói Gì Về Siêu Xe Rolls Royce Phantom ...
-
Nữ Doanh Nhân Dương Thị Bạch Diệp: Từ đại Gia Xe Roll-Royce ...
-
Những Dự án 'đất Vàng' Của Bà Dương Thị Bạch Diệp
-
Vì Sao Rolls-Royce Của Bà Bạch Diệp Là độc Nhất Vô Nhị? - Zing
-
Nữ đại Gia Dương Thị Bạch Diệp Trước Khi Bị Truy Tố Giàu Cỡ Nào?