BÁC ÁI LÀ HÀNH ĐỘNG TRAO BAN - Giáo Phận Vĩnh Long

Có dịp ngồi nhìn lại chút bối cảnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long và của Giáo phận nhà, tôi chợt nhớ đọc đâu đó câu hỏi của một tác giả trong bài báo: “Nguyên nhân gì gây ra đói nghèo, phân biệt chủng tộc, chênh lệch kinh tế, thiếu công bằng đã xâm nhập vào hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và đối xử thiếu trách nhiệm với thiên nhiên?” Và tác giả đưa ra câu trả lời làm tôi phải suy nghĩ: “Là thái độ cá nhân. Đúng! Nhưng sự bất công vẫn là kết quả của xã hội, kinh tế, những chính sách chính trị. Bất cứ mặt nào khác của chúng đều giúp tạo ra điều kiện để phát sinh sự nghèo đói, bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, đặc quyền, thiếu quan tâm chu đáo tới không khí mà chúng ta đang thở.”

Trên phương diện con người, khi nhìn thấy nỗi đau của người khác chúng ta cũng cảm thấy mình đau. Có những người chúng ta chưa bao giờ gặp gỡ, hoặc họ ở những nơi chúng ta chẳng thể nào thăm viếng, nhưng tự nhiên chúng ta cảm thấy niềm đau xót của họ chính là nỗi đau của chúng ta. Từ đó, thôi thúc trong chúng ta lời của Chúa Giêsu: “Hãy yêu người thân cận như chính mình.” (Mc 12,31). Tình yêu mời gọi chúng ta trao hiến và phục vụ. Mỗi khi chúng ta giúp đỡ ai đó, cho dù là bạn bè hay một người xa lạ, trái tim chúng ta vẫn ngập tràn hoan lạc, và chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa của điều răn mới Chúa Giêsu để lại cho chúng ta, đó là “yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người thân cận như chính mình.”

Thật vậy, có thể nói nét chính yếu nhất của việc sống đạo, đó là thực thi lòng mến Kitô giáo. Mười điều răn Đức Chúa Trời được tóm lại trong hai điều nhưng chỉ là một: trước kính mến một Đức Chúa Trời, sau lại yêu người. Mến Chúa yêu người luôn là giới răn quan trọng nhất. Thánh Phaolô đã tóm tắt trong câu ngắn ngủi này, “Yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10). Thánh Gioan cũng nhấn mạnh, “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 7). Chúng ta vẫn thường tự hào nói rằng “Đạo Công giáo là đạo yêu”. Điều đó rất chính xác. Vậy ai tin theo Chúa thì không thể bỏ sót việc thực thi nhiệm vụ bác ái đối với tha nhân được. Vì Chúa Giêsu cũng đã khẳng định chỉ những người yêu anh em mình thì mới xứng đáng là môn đệ của Chúa (x. Ga 13, 34-35). Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh, “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8).

Tuy nhiên cũng cần phải can đảm nhìn nhận một thực tế rằng: đôi khi chúng ta sống yêu người – nhất là những người đau khổ – là cho đi “một cái gì” đó. Sự phục vụ qua việc cho “một cái gì” chỉ là giải quyết vấn đề ngay trước mắt mà không giải quyết được nguyên nhân gây nên những đau khổ kia. Câu chuyện sau đây cho chúng ta thấy điều đó:

Có một thị trấn đã được xây dựng bên cạnh một con sông, nhưng nó nằm ở một khúc cua vì vậy người dân chỉ thấy một phần con sông giáp với thị trấn của họ. Một ngày nọ, vài đứa trẻ đang chơi bên cạnh con sông thì chúng thấy năm người nổi trên mặt nước. Chúng nhanh chóng chạy đi tìm sự giúp đỡ và người dân trong thị trấn đã nhanh nhẹn làm những điều mà bất kỳ người có trách nhiệm nào cũng sẽ làm trong trường hợp đó. Họ săn sóc những người được tìm thấy. Đặt họ nằm trên bờ sông, người dân nhận ra hai trong số đó đã chết, họ mai táng người chết. Ba người vẫn sống. Trong đó, có một đứa trẻ, họ nhanh chóng tìm ra nhà nuôi dưỡng, một người phụ nữ bị ốm nặng, người ta gửi bà vào bệnh viện, và một chàng trai trẻ, người ta tìm cho anh một công việc và một chỗ ở.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Ngày hôm sau, nhiều người khác xuất hiện và lần nữa, người dân thị trấn cũng làm như trước. Chăm sóc những người được tìm thấy, chôn xác kẻ chết, gửi những người ốm vào bệnh viện, tìm nhà nuôi dưỡng cho những đứa trẻ, tìm công việc và chỗ ở cho những người trưởng thành. Và trong vòng vài năm, việc chăm sóc những người họ tìm thấy mỗi ngày trở thành một đặc điểm bình thường của cuộc sống họ và trở thành một phần trong giáo hội và cộng đoàn của họ. Một vài người làm vì lòng vị tha thúc đẩy đến nỗi họ lấy việc chăm sóc những cơ thể đó làm công việc của cuộc đời họ.

Nhưng… vấn đề là đây, không một ai đi lên đầu nguồn sông để tìm xem từ đâu và lý do vì sao những người đó vẫn xuất hiện mỗi ngày như thế. Họ chỉ ở lại trong sự bác ái và rộng lượng trong cách phản ứng đối với những người mà họ đã tìm thấy ở thị trấn.

Ngày nay, nhiều người tốt lành, nhân ái, sẵn sàng bác ái từ thiện – cho người khác “một cái gì” đó khi họ cần. Nhưng tình yêu của chúng ta cũng chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta thường nhân ái đủ để chúng ta sẽ (nói theo nghĩa đen), cởi chiếc áo sơ-mi của chúng ta để cho người đang cần nó, ngay cả khi chúng ta từ chối nhìn lại xem tại sao căn phòng của chúng ta đầy ắp mọi thứ trong khi nhiều người không có nổi một chiếc áo sơ-mi. Sự cảm thông cá nhân là tốt lành và đạo đức, nhưng nó không thay đổi cách cần thiết các vấn đề xã hội. Chăm sóc hay giúp đỡ người khác khi họ cần là điều cần thiết, tốt đẹp, thể hiện lòng bác ái. Nhưng còn có một việc khác cũng cần thiết, tốt đẹp, cũng thể hiện lòng bác ái của người Kitô hữu là lên đầu nguồn để cố gắng thay đổi những nguyên nhân gây ra cho những người trên sông đó. Đó là sự khác biệt giữa bác ái nhân từ và hành động cho công lý xã hội.

Trong thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI, đã ân cần nhắc nhở: “Phải xem các hoạt động bác ái là phương thế thể hiện tình yêu để thế giới được nhân bản và tốt đẹp hơn. Nhưng khi thực hành các hoạt động bác ái không làm hạ phẩm giá người nhận nhưng là giúp họ phát triển toàn diện. Tuy họ cần sự hỗ trợ vật chất nhưng quan trọng hơn là điều họ ước muốn.” Bác ái vẫn là đức hạnh tối hậu, thỉnh thoảng, điểm khác biệt tích cực duy nhất chúng ta có thể tạo ra trong thế giới chúng ta, cách chính xác là một người đối với một người, yêu thương và kính trọng dành cho nhau. Sự tốt lành cá nhân của chúng ta đôi khi chỉ là ngọn nến nhưng nó mang chúng ta tới ánh sáng.

Trong số các hoạt động bác ái, việc giúp đỡ người nghèo là một trong những chứng từ chủ yếu cho tình bác ái huynh đệ, đó cũng là một việc làm của đức công bằng cho nên “điều gì phải làm theo sự công bằng thì không được biếu như quà của lòng bác ái”

Từ thiện bác ái nghĩa là tốt bụng, nhưng chúng ta cần có những chính sách đúng đắn cho bác ái là điều gì đó cao hơn. Chính sách ấy đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng để đảm bảo rằng xã hội, kinh tế, hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và đối xử có trách nhiệm với thiên nhiên được đáp ứng trong việc từ thiện.

Mỗi người chúng ta hãy chọn nhìn vào cuộc sống, nhìn vào con người – nhất là những người đang đau khổ, nhìn vào môi trường. Nhìn như thế chúng ta sẽ thấy gì? Chúng ta sẽ thấy trách nhiệm của chúng ta đối với những người đang thiếu thốn và những người đang bị tổn thương và đối với thiên nhiên. Từ đó, chúng ta sẽ bao dung hơn, nhẫn nại hơn, thấu cảm hơn để chung tay với nhau không chỉ là cho “một cái gì” khi người khác cần tìm ra một chính sách đúng đắn cho bác ái, góp phần làm cho tình yêu của Thiên Chúa được lan tỏa.

Nhưng Đức Giáo hoàng Benêđictô XVI, kêu gọi chúng ta đừng quên căn cội hoạt động của mình, nó bắt nguồn từ mối quan tâm bảo tồn phẩm giá con người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa. Ngài nói: “Nếu những căn cội thiêng liêng ấy bị phủ nhận hoặc lu mờ, và tiêu chuẩn cộng tác của chúng ta hoàn toàn theo lợi ích, thì điều làm cho hoạt động của anh chị em khác với các dịch vụ khác có nguy cơ bị mất đi, và gây thiệt hại cho toàn thể xã hội”.

Caritas Vĩnh Long

2058 21-10-2018

Từ khóa » Việc Bác ái Là Gì