Lòng Bác Ái Chân Thật - Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp
Có thể bạn quan tâm
Xã hội ngày nay càng phát triển, càng hiện đại thì càng xuất hiện những trào lưu mới. Những trào lưu cuốn hút con người nhập cuộc để có thể trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn tùy theo tính chất của nó. Một trong những trào lưu đang nở rộ và thu hút đông đảo giới trẻ tham gia là “làm việc từ thiện” hay còn được gọi là làm việc bác ái xã hội. Những kế hoạch, những chương trình, những dự thảo cho các công trình vì người nghèo này cũng đang được xã hội và Giáo hội quan tâm với những chuyến đi thiện nguyện khắp đó đây. Song trước những trào lưu nở rộ ấy của xã hội, chúng ta cần dừng lại để nhận định xem: Thế nào là một lòng bác ái chân thật, và liệu có thực sự tồn tại một tình yêu chân thật qua những công việc bác ái xã hội ấy không? Thật thế, trước những “kiếm tìm” của thời đại, lòng bác ái của người người Kitô hữu được mời gọi phải là lòng bác ái gắn liền với những hành động cụ thể và thật sự phát xuất từ tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
Lòng bác ái được cụ thể hóa bằng hành động
Thánh Giacôbê tông đồ đã nhắc nhở: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18). Những lời này đã được thánh tông đồ diễn tả bằng một mệnh lệnh mà không một người Kitô hữu nào có thể tránh né. Đã đến lúc phải loại bỏ đi lối sống giả tạo với những lời nói trống rỗng huênh hoang qua môi miệng, và dấn thân hơn nữa vào những hành động cụ thể mà chúng ta được mời gọi thực hành, vì tình yêu không chấp nhận viện cớ thoái thác.
Thực tế cho thấy người ta rất dễ dàng nói những lời hay ý đẹp để thể hiện lòng bác ái với người khác, nhất là với những người nghèo, nhưng để thể hiện lòng thương xót ấy bằng những hành động cụ thể thì còn quá khó khăn. Thế giới ngày nay đầy rẫy những người nghèo đang cần đến bàn tay quảng đại, mở ra, trao ban và chia sẻ. Nhưng thật đáng tiếc nếu tất cả chỉ dừng lại trên lý thuyết mà chưa đi đến thực hành. Chúng ta còn nghe thánh Giacôbê diễn giải điều này cách cụ thể hơn: “Hỡi anh em, nếu một người nói là mình có đức tin mà lại không có việc làm thì có ích gì. Đức tin ấy có thể cứu vớt được họ sao? Nếu một người anh em hay chị em không có y phục hay thiếu lương thực hằng ngày và một người trong anh em lại nói với họ: “Hãy ra đi bình an, hãy mặc ấm và ăn uống no đầy”, nhưng lại không cho họ những gì cần thiết cho thân xác thì như vậy có ích gì? Đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm thì đó chỉ là đức tin chết” (Gc 2,5-6.14-17). Thật vậy, người môn đệ chân chính theo tinh thần Tin Mừng được kiểm chứng qua việc thực thi đức bác ái. Chúng ta chỉ có thể thực sự gặp gỡ được Chúa Giêsu Thánh Thể khi chúng ta đụng chạm đến thân mình Ngài trong thân thể tàn tạ của những người nghèo đầy những vết thương. Thân Mình Chúa Kitô được bẻ ra trong thánh lễ tìm được trong đức bác ái chia sẻ nơi những khuôn mặt và nơi những anh chị em yếu thế và nghèo hèn nhất.
Thánh Gioan Kim khẩu cũng nói: “Nếu anh chị em tôn kính Mình Chúa Kitô thì đừng coi rẻ Ngài khi Ngài trần trụi, đừng tôn kính Chúa Kitô với phẩm phục bằng tơ lụa trong khi bên ngoài đền thờ anh chị em lơ là với Chúa Kitô khác đang chịu sầu khổ vì lạnh lẽo và trần trụi”. Vì thế, chúng ta được kêu gọi giang tay ra với những người nghèo, gặp gỡ họ, nhìn họ tận mắt, ôm lấy họ để làm cho họ cảm thấy hơi ấm của tình thương.
Chúng ta nhìn vào mẫu gương tuyệt vời này của Mẹ Têrêsa Calcutta. Mỗi sáng, Mẹ Têrêsa đi ra ngoài đường phố tìm kiếm những người hấp hối bị bỏ rơi, đưa họ về nhà lưu trú để tắm rửa, cho họ áo mặc, cho ăn xứng với cái chết của một con người. Mẹ Têrêsa nhắn nhủ mọi người: “Hãy ở lại nơi bạn đang ở và tìm Calcutta riêng của bạn ở đó. Hãy tìm kiếm người đau ốm, người đau khổ ngay nơi bạn ở, trong nhà hay trong gia đình của bạn, nơi bạn đang làm việc và nơi trường học,… Bạn có thể tìm gặp Calcutta khắp nơi trên thế giới này nếu bạn biết mở mắt ra để nhìn. Khắp nơi bạn có thể tìm gặp những người không được ai quan tâm, không được yêu thương, không được chăm sóc, những người bị bỏ rơi. Bởi ngoài những người bị trần truồng vì không có áo mặc, còn có những người “trần trụi” vì không có bạn bè hay gia đình, bị lãng quên hay bị bỏ rơi, không có một ai liên hệ. Họ chẳng khác gì nạn nhân trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, không chỉ bị lột sạch, mà còn bị đánh nhừ tử, bỏ rơi nửa sống nửa chết. Đáng ngạc nhiên là nhiều người đi qua mà không một ai giúp đỡ “cho kẻ rách rưới ăn mặc”, như thể không trông thấy nạn nhân”. Mẹ Têrêsa không nói nhiều, nhưng cả cuộc đời của Mẹ hoàn toàn dành cho người nghèo và người bần cùng, khốn khổ nhất xã hội với những hành động cụ thể đầy tình yêu thương. Tất cả đã diễn tả về Mẹ cách tuyệt vời và trọn vẹn nhất.
Còn Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 30/6/2016, Ngài nhắc nhở cho các tín hữu rằng: “Lòng thương xót nếu không có việc làm thì tự nó chết”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bày tỏ lòng thương xót qua các công việc cụ thể. Điều làm cho lòng thương xót sinh động chính là động thái liên lỉ đáp ứng nhu cầu và sự cần thiết của những người nghèo khổ về tinh thần và vật chất. “Lòng thương xót có mắt để thấy, có tai để nghe, có đôi tay để nâng đỡ”. Đức Thánh Cha nhắc đến bao nhiêu khía cạnh của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta và Ngài nói: “Cũng vậy, bao nhiêu người tìm đến chúng ta để được lòng từ bi thương xót. Ai đã cảm nghiệm trong cuộc sống của mình lòng thương xót của Chúa Cha thì không thể không nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em mình. Những công việc từ bi thương xót không phải là những đề tài lý thuyết, nhưng là những chứng tá cụ thể, đòi chúng ta phải xắn tay áo lên để thoa dịu những đau khổ của nhân loại”. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Trong thế giới toàn cầu hóa, một số nạn nghèo đói vật chất và tinh thần gia tăng, vì thế chúng ta cần có tinh thần sáng tạo về đức bác ái để đề ra những hình thức hành động mới. Nhờ đó con đường thương xót sẽ luôn trở nên cụ thể hơn”. Vậy ai muốn trở nên giống như Chúa thì phải noi gương Chúa, yêu như Chúa yêu, yêu thương hết mọi người và yêu đến tận cùng, đặc biệt là những người nghèo khổ.
Lòng bác ái phát xuất từ tình yêu
Thánh Phaolô tông đồ đã nhấn mạnh: “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ” (Rm 12,9). Nhiều khi trong cuộc sống chúng ta dễ bị cám dỗ đánh giá việc từ thiện bác ái dựa vào những con số. Chúng ta quyên góp nhiều tiền, nhiều đồ cứu trợ, tiến hành nhiều dự án, xóa đói giảm nghèo cho nhiều người, đưa nhiều cháu đến trường,… Nhưng thiết tưởng ta nên hỏi lại mình, qua những “thành tích” đó, ta có được “lòng mến Chúa yêu người” là linh hồn của việc thực hành bác ái không? Chúng ta cũng nên tự hỏi: Tôi có đang tìm hư danh cho bản thân, cho tập thể hay cho một tổ chức xã hội nào đó qua hành động bác ái này không?
Thánh Phaolô còn nói trong bài ca đức ái như sau: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Còn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” số 2, đã từng nói: “Mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều được định hình bởi tình yêu ấy, và mọi sự đều qui hướng về tình yêu ấy”. Như chúng ta đã nghe, Chúa Giêsu đã để lại bài giảng về tinh thần làm việc bác ái thật rõ ràng. Trước hết, Ngài xin chúng ta đừng làm việc bác ái để được khen, được ngưỡng mộ vì lòng quảng đại của mình nhưng phải làm thế nào để “tay trái không biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Không phải chỉ bác ái bên ngoài nhưng cốt lõi phải là bác ái bên trong, bác ái mà không có tình yêu thương chỉ là bác ái giả tạo nhằm che giấu một mục đích vụ lợi, ích kỷ nào đó mà thôi.
Mỗi người chúng ta hãy tự vấn: Tôi có thực sự trao ban tình yêu cho tha nhân qua việc bác ái này không? Bác ái không phải nơi đồng tiền mình vội vàng cho, nhưng không ngừng lại được một giây, không nói chuyện với họ để hiểu họ đang cần gì. Tuy cùng một lúc chúng ta có thể thực hiện được nhiều việc bác ái, nhưng đó chưa hẳn là giúp người nghèo thật sự. Đối với Mẹ Têrêsa, Kitô hữu làm việc bác ái không phải như những nhân viên công tác xã hội, nhưng là những chứng nhân tình yêu Thiên Chúa, những người đem tình yêu Thiên Chúa đến cho người anh em và đem người anh em về với Thiên Chúa. Trong khi các tổ chức xã hội lấy tiêu chí lượng giá là số lượng vật chất họ ban phát, còn Mẹ Têrêsa tuy vẫn dồn sức lực để cho ‘kẻ đói ăn, cho người khát uống’ nhưng Mẹ đặt trọng tâm của sứ vụ bác ái vào việc trở nên “sự hiện diện, tình yêu thương, lòng thương xót của Chúa” cho anh em.
Tóm lại, việc bác ái là một hành vi yêu thương, làm kín đáo mà chỉ có Chúa biết và hiểu giá trị của việc mình làm. Việc bác ái chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ tình yêu, yêu Chúa trong người anh em cùng khổ và yêu thương anh em như chính mình (Mt 22,39).
Với lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Chính anh em hãy là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48), Ngài đã ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các tông đồ, và ngày nay, Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy ra đi và thi hành sứ mạng ấy qua việc thực thi lòng bác ái chân thật với tha nhân. Sâu xa chúng ta hãy ý thức rằng, làm việc bác ái để loan báo Tin Mừng và loan báo Tin Mừng bằng cách làm việc bác ái, một lòng bác ái được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực và phải xuất phát từ tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
Maria Diệu Huyền
Từ khóa » Việc Bác ái Là Gì
-
Làm Sao Bác ái được Thực Thi đúng Nghĩa…?
-
Bác ái – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lạm Bàn Về Việc Làm Bác ái - Giáo Phận Long Xuyên
-
Làm Việc Bác ái Cách Nào Thì Có Giá Trị Cứu Rỗi?
-
Làm Việc Bác Ái | GIÁO PHẬN MỸ THO
-
Vài Suy Nghĩ Về Bác ái | Giáo Phận Vinh
-
Các Việc Bác ái Là Trọng Tâm Của đời Sống đức Tin
-
HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CỦA HỘI THÁNH - SimonHoaDalat
-
Việc Bác ái, đôi điều Suy Nghĩ - Huynh Đoàn Đa Minh
-
Sống Bác ái - HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
-
Đức Bác Ái Kitô Giáo Là Gì Và Quan Trọng Ra Sao?
-
BÁC ÁI LÀ HÀNH ĐỘNG TRAO BAN - Giáo Phận Vĩnh Long
-
Bác ái Là Tình Yêu - Giáo Phận Vĩnh Long
-
TÍNH BỔ TRỢ, TÌNH LIÊN ĐỚI VÀ LÒNG BÁC ÁI TRỔ SINH HOA TRÁI