Bác Sĩ CKII Diêu Hà Lam: Mình Làm Tốt Công Việc Cấp Cứu Của Mình ...

Khoa Cấp cứu là bộ phận đóng vai trò rất quan trọng trong bất kỳ bệnh viện nào. Bởi lẽ, chính bác sĩ, điều dưỡng tại phòng cấp cứu là những người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân, phán đoán tình trạng bệnh, nhanh chóng xử lý và tiến hành cấp cứu trước khi chuyển bệnh nhân đến các khoa lâm sàng khác. Áp lực, căng thẳng, vất vả là vậy nhưng bác sĩ Diêu Hà Lam vẫn chọn gắn bó với Khoa Cấp cứu tại nhiều bệnh viện khác và nơi công tác hiện tại là Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

"Tôi từng thấy nhiều bác sĩ đến công tác tại Khoa Cấp cứu rồi lại đi. Công việc cấp cứu khá đặc thù, làm việc theo ca kíp nên thời gian dành cho việc cá nhân khó lòng sắp xếp. Môi trường giao tiếp giữa bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng có nhiều phức tạp. Nếu không khéo léo và nhẫn nhịn sẽ dễ xảy ra xung đột không đáng có khi tinh thần người bệnh và người nhà đang trong tình trạng lo lắng và hoảng loạn. Bên cạnh đó, thu nhập cũng là bài toán nan giải cho những người công tác trong Khoa Cấp cứu nói chung" - Bác sĩ Diêu Hà Lam tâm sự.

Bác sĩ Diêu Hà Lam trong chuyến khám chữa bệnh từ thiện tại Lào vào tháng 9/2019 (Ảnh: NVCC) Bác sĩ Diêu Hà Lam trong chuyến khám chữa bệnh từ thiện tại Lào vào tháng 9/2019 (Ảnh: NVCC)

Chứng kiến từng người đến rồi lại đi, bác sĩ Diêu Hà Lam vẫn quyết tâm một lòng ở lại với Khoa Cấp cứu chỉ bởi một điều duy nhất: "Mình làm tốt công việc cấp cứu của mình sẽ cứu sống được rất nhiều người". Với kiến thức chuyên môn trải rộng, phản ứng nhanh nhạy, dứt khoát cùng thái độ kiên nhẫn là chìa khóa then chốt để bác sĩ, nhân viên Khoa Cấp cứu xử lý kịp thời cho các bệnh nhân nguy kịch, thực hiện hồi sức và ổn định để điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn cấp tính. Đó là việc làm thiết thực của bác sĩ Diêu Hà Lam và điều dưỡng Khoa Cấp cứu nói riêng, cũng như tập thể đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh nói chung nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lương y như từ mẫu".

Bác sĩ Diêu Hà Lam chia sẻ: "Tôi luôn nói với các em trong Khoa rằng phải "coi bệnh nhân là người thân, người nhà". Có như vậy khi gặp trường hợp bệnh nhân, người nhà phản ứng hoặc thiếu hợp tác; hay gặp bệnh phức tạp, hiểm nghèo; ca bệnh khó khăn trong chẩn đoán thì khi thực hiện nhiệm vụ sơ-cấp cứu, cán bộ y tế phải giữ vững tinh thần và nhẫn nại giải thích, động viên để việc xử lý cấp cứu diễn ra nhanh chóng và kịp thời".

Với quá trình công tác và kinh nghiệm làm việc cũng như những khó khăn, vất vả đã trải qua, khi đảm nhận vị trí Trưởng khoa Cấp cứu, bác sĩ Diêu Hà Lam thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và luôn tạo điều kiện cho thế hệ bác sĩ trẻ có cơ hội trau dồi nghề, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Là người theo sát bác sĩ Diêu Hà Lam trong công tác chuyên môn, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh – Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh cho biết: bác sĩ Diêu Hà Lam là người được đào tạo chính quy, bài bản; công tác chuyên môn luôn được thực hiện một cách nghiêm túc; đặc biệt là tinh thần “lấy chất lượng, sự an toàn của người bệnh làm trọng tâm”. Trong công việc, anh nhạy bén, lăn xả và hết lòng vì người bệnh. Trong công tác quản lý Khoa Cấp cứu, bác sĩ luôn giữ vững thái độ cầu thị, gần gũi, quan tâm và chia sẻ với anh em trong khoa. Bên cạnh đó, bác sĩ Diêu Hà Lam còn tham mưu cho Ban Giám đốc nhiều sáng kiến phục vụ việc xây dựng cơ quan, đơn vị.

Bác sĩ Diêu Hà Lam tại phòng khám sàng lọc bệnh viêm đường hô hấp (Ảnh: NVCC) Bác sĩ Diêu Hà Lam tại phòng khám sàng lọc bệnh viêm đường hô hấp (Ảnh: NVCC)

Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận khoảng 100-120 trường hợp nhập viện. Số bệnh nhân cần nhập viện điều trị nội trú vào khoảng 30-40 ca/ngày. Do tình hình dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu giảm nhiều (khoảng 25%), nhưng việc có bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong cộng đồng làm cho công việc khám sàng lọc, cấp cứu càng rất phức tạp; việc để "lọt" bệnh nhân nghi nhiễm ở cấp cứu rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, tập thể Khoa cùng lãnh đạo, phòng ban của Bệnh viện nghiêm túc triển khai quy trình khám sàng lọc, cấp cứu sàng lọc theo quy định của Sở Y tế TPHCM. Bản thân bác sĩ Diêu Hà Lam còn tham gia chỉ đạo, khám, cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 và khám chữa bệnh cho người dân bị cách ly tại nhà.

"Một hành động hơn ngàn lời nói" là điều mà bác sĩ CKII Diêu Hà Lam đã và đang thực hiện để là tấm gương cho tập thể bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Cấp cứu noi theo, theo đúng tinh thần trách nhiệm lớn lao trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong "Thư gửi cán bộ Hội nghị y tế" ngày 27/2/1955.

Từ khóa » Nhiệm Vụ Của Bác Sĩ Khoa Cấp Cứu