Quy Chế Cấp Cứu, Hồi Sức Tích Cực Và Chống độc (Phần 2) | BvNTP

Chức năng, nhiệm vụ khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc

Là khoa lâm sàng có nhiệm vụ tiếp tục điều trị và chăm sóc tích cực những người bệnh của các khoa lâm sàng trong bệnh viện chuyển đến.

Tham gia cấp cứu ngoài bệnh viện và tại bệnh viện trong tình huống xảy ra cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm hoạ.

Phối hợp và hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa khác trong bệnh viện.

Trường hợp người bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn thì hội chẩn, mời tuyến trên hỗ trợ hoặc chuyển người bệnh.

Nhiệm vụ, quyền hạn cá nhân khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc

Trưởng khoa khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc

Ngoài nhiệm vụ và quyền hạn chung của trưởng khoa lâm sàng còn có nhiệm vụ:

Tổ chức cho khoa làm việc 24/24 giờ theo ca hoặc theo chế độ thường trực tuỳ theo tình hình cụ thể, tổ chức dây chuyền làm việc hiệu quả;

Phân loại người bệnh theo mức độ nặng, tính chất bệnh;

Chịu trách nhiệm về chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh của khoa. Nếu bệnh tiến triển xấu hoặc sau 48 giờ chưa có chẩn đoán xác định, phải tổ chức hội chẩn;

Bố trí mặt bằng, huy động nhân lực, trang thiết bị trong trường hợp xảy ra cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm hoạ;

Thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học - kỹ thuật của cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các bác sĩ và điều dưỡng của khoa;

Chỉ đạo, triển khai công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong công tác.

Bác sĩ khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc có nhiệm vụ:

Tiếp nhận người bệnh từ các khoa lâm sàng khác chuyển đến;

Thăm khám người bệnh, chỉ định xét nghiệm, điều trị và thực hiện các thủ thuật chuyên khoa theo đúng các quy định. Ghi chép đầy đủ tình trạng người bệnh và các y lệnh vào bệnh án và bảng theo dõi của bác sĩ;

Báo cáo tình hình người bệnh với lãnh đạo khoa khi giao ban, đi buồng, xin ý kiến lãnh đạo khoa trong các trường hợp khó, mời hội chẩn khi cần;

Thực hiện các quy trình chẩn đoán, điều trị, thủ thuật cấp cứu và hồi sức;

Bàn giao người bệnh và y lệnh giữa các ca phải chính xác, đầy đủ và có sổ bàn giao;

Thường xuyên học tập để cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên khoa và tay nghề. Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến.

Điều dưỡng viên khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc có nhiệm vụ:

Thực hiện các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật bệnh viện;

Tiếp nhận, bảo quản và sử dụng các thuốc men, dụng cụ, phương tiện, theo quy định, sẵn sàng phục vụ người bệnh;

Khẩn trương thực hiện y lệnh. Theo dõi và ghi chép đầy đủ diễn biến bệnh, việc thực hiện y lệnh vào bảng theo dõi của điều dưỡng;

Báo cáo ngay bác sĩ, điều dưỡng trưởng khi người bệnh có diễn biến bất thường hoặc có khó khăn trong việc thực hiện y lệnh, chăm sóc người bệnh;

Bàn giao đầy đủ việc chăm sóc người bệnh cho ca làm việc sau.

Các nhân viên khác của khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc

Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng khoa.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc

Cơ sở vật chất, trang thiết bị

Khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc được bố trí liên hoàn và hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc và điều trị tích cực người bệnh;

Khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực- Chống độc có: buồng bệnh thông thường, buồng bệnh cách ly, buồng bệnh vô khuẩn, buồng thủ thuật, buồng để các phương tiện, máy móc, dụng cụ, nơi chuẩn bị đồ ăn cho người bệnh, nơi rửa dụng cụ…

Thuốc, trang bị thiết bị y tế, phương tiện phục vụ người bệnh:

Hệ thống cung cấp oxy trung tâm;

Hệ thống khí nén và hút trung tâm;

Điện ưu tiên và nguồn điện dự phòng;

Hệ thống nước sạch, vô trùng, nước nóng;

Giường bệnh chuyên dùng cho hồi sức cấp cứu có hệ thống báo gọi;

Hệ thống máy theo dõi liên tục;

Các phương tiện phục vụ chẩn đoán, theo dõi tại giường (máy chụp X quang, điện tim, siêu âm, xét nghiệm nhanh, đèn gù...);

Các phương tiện phục vụ điều trị (máy truyền dịch, bơm tiêm điện, máy hô hấp nhân tạo xâm nhập và không xâm nhập, bóng Ambu, hệ thống hút liên tục, máy sốc điện, máy tạo nhịp tim, các máy lọc máu ngoài thận, nội soi: phế quản, thực quản dạ dày...);

Phương tiện vận chuyển bệnh nhân (xe cáng, xe đẩy, bình oxy nhỏ, máy thở dùng trong vận chuyển,...);

Thuốc hồi sức cấp cứu theo danh mục được giám đốc phê duyệt.

Nhân lực

Đội ngũ cán bộ bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý được đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc;

Cán bộ làm công tác cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc thường xuyên được đào tạo bổ sung và cập nhật kiến thức mới.

Chức năng và nhiệm vụ Khoa Chống độc

Cấp cứu - hồi sức - giải độc- điều trị nội trú, ngoại trú cho người bệnh ngộ độc cấp, mãn và các bệnh nội khoa khác;

Làm xét nghiệm nhanh phát hiện độc chất phục vụ chẩn đoán và điều trị, nghiên cứu khoa học;

Đào tạo bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên cho tuyến trước trong lĩnh vực chống độc;

Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng chống ngộ độc;

Hợp tác với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước trong lĩnh vực phòng chống độc;

Thực hiện các nhiệm vụ về thông tin truyền thông, tư vấn về phòng chống nhiễm độc cho mọi đối tượng trong và ngoài bệnh viện.

Nhiệm vụ, quyền hạn cá nhân Khoa Chống độc

Trưởng Khoa Chống độc

Ngoài nhiệm vụ và quyền hạn chung của Trưởng Khoa lâm sàng còn có nhiệm vụ:

Tổ chức cho Khoa làm việc 24/24 giờ theo ca hoặc theo chế độ thường trực tuỳ theo tình hình cụ thể, tổ chức dây truyền làm việc hiệu quả;

Phân loại người bệnh theo mức độ nặng của ngộ độc cấp và cấp cứu theo thứ tự ưu tiên;

Chịu trách nhiệm về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh ngộ độc. Nếu bệnh tiến triển xấu hoặc sau 48 giờ chưa có chẩn đoán xác định, phải tổ chức hội chẩn;

Trường hợp người bệnh tự tử hoặc nghi ngờ tự tử cần hội chẩn với chuyên khoa Tâm thần để không bỏ sót nguyên nhân;

Khi nghi ngờ có đầu độc cần báo cáo Ban Giám đốc Bệnh viện và các cơ quan hữu quan để phối hợp điều tra làm rõ;

Bố trí mặt bằng, huy động nhân lực, trang thiết bị trong trường hợp xảy ra cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm hoạ;

Thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật của cán bộ, có kế hoạch đào tạo cho các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và kỹ thuật viên của khoa;

Chỉ đạo, triển khai công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong công tác.

Bác sĩ Khoa Chống độc có nhiệm vụ, quyền hạn:

Tiếp nhận người bệnh từ ngoài vào hoặc từ các khoa lâm sàng khác chuyển đến, trừ các trường hợp nghi ngờ tiêu chảy cấp nhiễm khuẩn.

Thăm khám người bệnh, chỉ định xét nghiệm, điều trị và thực hiện các thủ thuật chuyên khoa theo đúng các quy định. Ghi chép đầy đủ tình trạng người bệnh và các y lệnh vào bệnh án và bảng theo dõi của bác sĩ;

Báo cáo tình hình người bệnh với lãnh đạo khoa khi giao ban, đi buồng, xin ý kiến lãnh đạo khoa trong những trường hợp khó, mời hội chẩn khi cần;

Thực hiện quy trình chẩn đoán, điều trị, thủ thuật câp cứu và hồi sức;

Bàn giao người bệnh và y lệnh giữa các ca phải chính xác đầy đủ và có sổ bàn giao;

Thường xuyên học tập để cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên khoa và tay nghề. Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến.

Điều dưỡng viên có nhiệm vụ, quyền hạn:

Thực hiện các quy chế chuyên môn, qưy trình kỹ thuật bệnh viện;

Tiếp nhận, bảo quản các thuốc men, phương tiện theo quy định, sẵn sàng phục vụ người bệnh;

Khẩn trương thực hiện y lệnh. Theo dõi và ghi chép đầy đủ diễn biến bệnh, việc thực hiện y lệnh vào bảng theo dõi của điều dưỡng;

Báo cáo ngay bác sĩ, điều dưỡng trưởng khi người bệnh có diễn biến bất thường hoặc có khó khăn trong việc thực hiện y lệnh, chăm sóc người bệnh;

Bàn giao đầy đủ việc chăm sóc người bệnh cho ca làm việc sau.

Các nhân viên khác của khoa Chống độc

Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng khoa

Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực Khoa Chống độc

Cơ sở vật chất, trang thiết bị

Một đơn vị lâm sàng với ít nhất là 5 giường đồng thời làm nhiệm vụ thông tin chống độc;

Một đơn vị xét nghiệm độc chất riêng hoặc nằm trong Khoa Sinh hoá của bệnh viện, chủ yếu làm các xét nghiệm nhanh và xét nghiệm định tính.

Nhân lực

Đội ngũ cán bộ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên được đào tạo về chuyên môn cấp cứu ngộ độc và xét nghiệm độc chất.

Chức năng nhiệm vụ Trung tâm Chống độc

Ngoài chức năng, nhiệm vụ như khoa Chống độc, trung tâm Chống độc còn có chức năng, nhiệm vụ sau:

Tham mưu cho Bộ Y tế trong công tác phòng, chống độc;

Tư vấn thông tin phòng chống nhiễm độc cho mọi đối tượng, bằng nhiều hình thức, trọng tâm là qua điện thoại 24/24 giờ;

Thu thập, xử lý, báo cáo và lưu trữ thông tin; chủ trì việc xây dựng kho dữ liệu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu phòng chống độc;

Tham gia hội nhập các hội Chống độc trong vùng và quốc tế.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực trung tâm Chống độc

Cơ sở vật chất, trang thiết bị

Trung tâm Chống độc gồm có:

Một khoa lâm sàng có ít nhất 10 giường để cấp cứu hồi sức ngộ độc cấp, ngộ độc hàng loạt; các phương tiện cấp cứu giống như khoa hồi sức tích cực; ngoài ra còn có các phương tiện tẩy rửa độc chất và có các thuốc giải độc;

Một phòng xét nghiệm độc chất riêng có thiết bị để làm các xét nghiệm nhanh, xét nghiệm định tính và định lượng (các độc tố, hoá chất, khí độc, thuốc);

Một đơn vị thông tin độc chất.

Nhân lực:

Đội ngũ cán bộ bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo về chuyên môn cấp cứu ngộ độc và xét nghiệm độc chất.

Nhiệm vụ, quyền hạn cá nhân trong trung tâm Chống độc

Giám đốc trung tâm Chống độc

Giám đốc trung tâm Chống độc ngoài nhiệm vụ như Trưởng khoa Chống độc còn có nhiệm vụ:

Tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng mạng lưới phòng, chống độc trong toàn quốc;

Tổ chức triển khai kế hoạch chỉ đạo tuyến về lĩnh vực chống độc;

Phối hợp với mạng lưới cấp cứu hồi sức, công an tổ chức cấp cứu ngộ độc hàng loạt.

Các nhân viên khác của trung tâm Chống độc

Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc trung tâm.

Sự phối hợp công tác cấp cứu người bệnh trong bệnh viện

Yêu cầu chung

Các khoa trong bệnh viện có sự phối hợp chặt chẽ và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh do khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu- Hồi sức- Chống độc, trung tâm Chống độc và khoa Chống độc chuyển đến;

Người bệnh đang điều trị nội trú có diễn biến nặng lên hoặc người bệnh chuyển đến có tình trạng cấp cứu các khoa phải khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp cứu thích hợp với tình trạng người bệnh, trường hợp cần thiết mời bác sỹ chuyên khoa hỗ trợ;

Người bệnh có chỉ định chuyển khoa phải bảo đảm vừa vận chuyển vừa thực hiện các biện pháp cấp cứu hồi sức.

Khoa lâm sàng có buồng cấp cứu phải đảm bảo:

Có biển buồng cấp cứu, ban đêm phải có đèn báo cấp cứu, có đầy đủ ánh sáng, có điện hoặc chiếu sáng dự phòng;

Có phiếu ghi chép, theo dõi người bệnh nặng;

Có giường bệnh và các trang thiết bị, phương tiện, thuốc theo danh mục quy định phù hợp với chuyên khoa và từng loại bệnh viện.

Người bệnh cấp cứu phải chuyển tuyến

Bác sĩ thường trực cấp cứu có trách nhiệm:

Thông báo cho bệnh viện tuyến trên để chuẩn bị tiếp nhận người bệnh;

Kiểm tra tình trạng người bệnh trước khi chuyển và chuẩn bị sẵn sàng phương tiện dụng cụ để cấp cứu người bệnh trên đường vận chuyển;

Ghi chép đầy đủ vào hồ sơ bệnh án chuyển viện: chẩn đoán bệnh, thuốc đã dùng, tình trạng người bệnh, những diễn biến mới nhất, lý do chuyển viện và ghi rõ họ, tên chức vụ người làm hồ sơ bệnh án chuyển viện;

Đối với người bệnh nặng phải có bác sỹ, điều dưỡng cấp cứu đi kèm để tiếp tục cấp cứu người bệnh trên đường vận chuyển; không chuyển viện khi người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Tuyến dưới có nhiệm vụ tiếp nhận lại bệnh nhân cấp cứu từ tuyến trên chuyển xuống sau khi người bệnh đã ổn định.

Bác sĩ hoặc điều dưỡng vận chuyển người bệnh có nhiệm vụ:

Thực hiện y lệnh, chăm sóc, theo dõi người bệnh trên đường vận chuyển;

Nhận và bàn giao hồ sơ bệnh án chuyển viện, tư trang của người bệnh, giải quyết các thủ tục cần thiết liên quan đến việc tiếp nhận người bệnh ở tuyến trên. Người vận chuyển bệnh nhân chỉ được ra về sau khi người bệnh được bệnh viện nơi đến tiếp nhận ký vào phiếu hoặc sổ chuyển người bệnh.

Bác sĩ cấp cứu ở bệnh viện tuyến trên có nhiệm vụ:

Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện, nhân lực để cấp cứu người bệnh theo tình trạng người bệnh đã được thông báo;

Tiếp nhận người bệnh và thực hiện ngay các biện pháp cấp cứu phù hợp;

Thông báo ngay cho bệnh viện tuyến dưới biết kết quả cấp cứu, điều trị người bệnh và những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Đề nghị tuyến trên về hỗ trợ cấp cứu

Đề nghị tuyến trên về hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp:

Vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật; tình trạng người bệnh cấp cứu rất nặng có thể tử vong trên đường vận chuyển;

Không có phương tiện vận chuyển cấp cứu;

Có quá đông người bệnh do bệnh dịch hoặc có cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm họa.

Bệnh viện tuyến dưới đề nghị hỗ trợ cấp cứu

Thông báo cho gia đình người bệnh biết những khó khăn của cơ sở và việc xin hỗ trợ cấp cứu từ tuyến trên;

Thông báo rõ tình trạng người bệnh và mời bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cấp cứu;

Trong khi chờ tuyến trên hỗ trợ phải tiếp tục cấp cứu người bệnh theo khả năng cao nhất của cơ sở.

Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cấp cứu cho tuyến dưới

Bệnh viện tuyến trên có nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu cho bệnh viện tuyến dưới. Khi nhận được yêu cầu hỗ trợ cấp cứu, bệnh viện phải bố trí phương tiện, thuốc và cử cán bộ hỗ trợ cho tuyến dưới. Sau khi cấp cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch, để người bệnh tiếp tục điều trị ở tuyến dưới với sự hỗ trợ về chuyên môn của tuyến trên hoặc chuyển người bệnh về bệnh viện chuyên khoa điều trị tiếp./.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Nhiệm Vụ Của Bác Sĩ Khoa Cấp Cứu