Bác Sĩ Giải đáp: Đốt Cuốn Mũi được Chỉ định Khi Nào? - Medlatec

1. Tìm hiểu cấu tạo, vai trò của cuốn mũi

Cuốn mũi là một trong những phần cấu tạo quan trọng trong mũi, trong 1 bên khoang mũi sẽ có 3 cuốn mũi bao gồm:

  • Cuốn mũi dưới là phần xương mặt riêng biệt, có khớp để nối với xương vòm miệng và xương hàm trên cùng bên tương ứng.

  • Cuốn mũi trên và cuốn mũi giữa: 2 phần này đều là một phần của xương sàng.

Đốt cuốn mũi để điều trị các trường hợp bị phì đại cuốn mũi

Đốt cuốn mũi để điều trị các trường hợp bị phì đại cuốn mũi

Bên trên tất cả các cuốn mũi nằm bên trong khoang mũi đều được bao phủ bởi lớp biểu mô đường hô hấp, gồm nhiều tuyến tiết chất nhầy. Bên dưới lớp niêm mạc là hệ thống mạch máu dày đặc, phân bố rộng rãi để cuốn mũi có thể cứng hơn khi cần thiết.

Vai trò của cuốn mũi với hoạt động hô hấp của mũi là làm ấm không khí và lọc bỏ một phần bụi bẩn cùng với các lông mũi. Ngoài ra, cuốn mũi còn có tác dụng như một lớp miễn dịch bảo vệ mũi trước nguy cơ gây hại từ không khí hít thở hàng ngày và các tác nhân gây bệnh trong đó.

Cuốn mũi có vai trò quan trọng trong chức năng trao đổi khí của mũi

Cuốn mũi có vai trò quan trọng trong chức năng trao đổi khí của mũi

Để thực hiện các chức năng này, các cuốn mũi sẽ hoạt động theo chu kỳ và phối kết hợp với nhau. Cụ thể, chúng sẽ thu nhỏ và sung huyết luân phiên nhau dựa trên hoạt động của các mạch máu dưới niêm mạc. Khi cuốn mũi xung huyết, khoang mũi sẽ thu hẹp lại, giảm lưu thông không khí và ngược lại, khi cuốn mũi xẹp thì không khí lưu thông dễ dàng hơn. Từ hoạt động của cuốn mũi mà cơ thể có thể điều chỉnh hoạt động hít thở của các khoang mũi dễ dàng hơn.

2. Một số bệnh lý thường gặp ở cuốn mũi

Một số bệnh lý do tổn thương hoặc hoạt động bất thường của cuốn mũi gây ra thường gặp như:

2.1. Dị ứng

Khi cơ thể quá mẫn với dị nguyên nào đó từ môi trường, khi tiếp xúc với chúng, niêm mạc trên cuốn mũi sẽ phản ứng dị ứng khiến các cuốn mũi xung huyết và phồng to. Đây là nguyên nhân khiến những người bị dị ứng thường bị khó thở, ngứa mũi, tăng tiết dịch mũi.

2.2. Cảm lạnh

Cảm lạnh thông thường sẽ gây sung huyết cuốn mũi quá mức, hậu quả là tình trạng nghẹt mũi, tăng tiết dịch mũi xảy ra ở 1 hoặc cả hai bên mũi.

2.3. Xoang hơi

Xoang hơi là bệnh xảy ra khi trong các cuốn mũi xuất hiện túi khí bất thường. Túi khí này sẽ khiến việc dẫn lưu trong khoang mũi bị cản trở, hậu quả là tắc nghẽn và nhiễm trùng.

Hình ảnh khi 1 bên cuốn mũi bị phì đại

Hình ảnh khi 1 bên cuốn mũi bị phì đại

2.4. Chứng ngưng thở khi ngủ

Một trong những nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở khi ngủ là do kích thước quá lớn hoặc rối loạn vận mạch tại chỗ của cuốn mũi.

2.5. Hẹp van mũi

Cuốn mũi dưới là cuốn mũi có kích thước lớn nhất nên khi sưng phồng sẽ gây ra tình trạng hẹp van mũi. Hẹp van mũi càng nặng nề hơn, cản trở hoạt động thở nếu kết hợp với chấn thương, nâng mũi, vách ngăn mũi bị lệch,…

Với các bệnh lý do cuốn mũi sưng phồng lớn hoặc liên quan đến cuốn mũi này, để điều trị thì thường bác sĩ sẽ can thiệp vào cuốn mũi cùng các nguyên nhân gây bệnh khác.

3. Vậy cụ thể khi nào cần đốt cuốn mũi?

Khi cuốn mũi sưng quá mức gây nhiễm trùng, nghẹt mũi và nhiều vấn đề sức khỏe khác, can thiệp đốt cuốn mũi thường được chỉ định. Cụ thể trong các trường hợp sau:

  • Ngưng thở khi ngủ nhưng khó đeo mặt nạ CPAP mũi do tắc nghẽn tại mũi với nguyên nhân là cuốn mũi.

  • Nghẹt mũi do phì đại niêm mạc cuốn mũi kết hợp với lệch vách ngăn mũi.

  • Nghẹt mũi và chảy nước mũi quá mức do nguyên nhân hoặc có liên quan đến phì đại cuốn mũi.

  • Viêm mũi không đáp ứng điều trị nội khoa.

  • Phì đại cuốn mũi và có hiện tượng ứ đọng chất nhầy sau phẫu thuật nâng mũi, sửa mũi, nội soi qua đường mũi hoặc cắt bỏ vách ngăn.

Trong các trường hợp này, đốt cuốn mũi bằng tần số vô tuyến là phương pháp có ưu điểm vượt trội hơn cả so với các can thiệp khác, cho phép can thiệp hiệu quả với số lần tối thiểu. Với sự hỗ trợ của tần số vô tuyến, bác sĩ có thể can thiệp xâm lấn tối thiểu nhất nhưng vẫn đạt được mong muốn thu hẹp cuốn mũi.

Đốt cuốn mũi để thu hẹp cuốn mũi bị phì đại

Đốt cuốn mũi để thu hẹp cuốn mũi bị phì đại

Bệnh nhân đốt cuốn mũi bằng tần số vô tuyến thực hiện nhanh chóng, ít đau đớn, ít gây chảy máu và tổn thương các mô xung quanh, vượt trội hơn nhiều so với đốt cuốn mũi truyền thống. Sau điều trị, chức năng của niêm mạc mũi vẫn được đảm bảo.

4. Những lưu ý sau khi đốt cuốn mũi

Sau can thiệp đốt cuốn mũi, cần thời gian để tổn thương có thể phục hồi. Người bệnh có thể bị sưng phù nhẹ trong mũi với mức độ từ nhẹ đến trung bình, đôi khi kèm theo tắc nghẽn thông khí do chất nhầy tiết ra quá mức. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh và người nhà theo dõi tình trạng sưng phù và tắc nghẽn này, thường nó sẽ được cải thiện sau tuần phẫu thuật đầu tiên.

Nếu tình trạng sưng phù, nghẹt mũi sau đốt cuốn mũi không được cải thiện và có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng hơn, nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra. Trong và sau đốt cuốn mũi, vẫn có nguy cơ chảy máu nhưng hầu hết không nghiêm trọng và nhanh chóng lành sẹo.

Khi tình trạng sưng phù hết, tổn thương đã lành, chất lượng đường thở của người bệnh sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên vẫn cần đi khám để được kiểm tra, đánh giá phục hồi sau phẫu thuật và phát hiện sớm nếu có dấu hiệu bệnh tái phát hoặc tổn thương mới xuất hiện. Hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc nghỉ ngơi, vệ sinh đường thở cũng như tái khám định kỳ.

Sau khoảng 1 tuần các triệu chứng sau đốt cuốn mũi sẽ thuyên giảm

Sau khoảng 1 tuần các triệu chứng sau đốt cuốn mũi sẽ thuyên giảm

Đốt cuốn mũi không phải là phẫu thuật khó nhưng nên lựa chọn thực hiện tại cơ sở y tế uy tín, trang thiết bị hiện đại với bác sĩ giàu kinh nghiệm để giảm đau đớn, hạn chế xâm lấn và điều trị hiệu quả không tái phát. Nếu cần tư vấn thêm về phương pháp điều trị này, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Từ khóa » Bóng Khí Cuốn Mũi