Bác Sĩ Một Tay Xoa Bóp Tim Một Tay Khâu Mạch Máu Bệnh Nhân

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu khuya 17/12 với triệu chứng đau ngực khó thở. Bác sĩ Khoa Nội Tim mạch chẩn đoán ông bị thuyên tắc phổi gần như toàn bộ hai bên kèm huyết khối trong nhĩ phải, tiền sử mắc Covid tự điều trị tại nhà, không dùng thuốc kháng đông.

Các bác sĩ quyết định đưa ngay bệnh nhân vào phòng mổ tim vì tình trạng thuyên tắc quá nặng, không thể điều trị thuốc tiêu sợi huyết hay hút huyết khối bằng catheter. Hầu hết ca thuyên tắc gần như hoàn toàn động mạch phổi cả hai bên, bệnh nhân thường không qua khỏi vì diễn tiến nhanh, bác sĩ khó trở tay kịp. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận nhiều bệnh nhân thuyên tắc phổi nặng được cứu thành công.

Tại phòng mổ, bệnh nhân khó thở, tím tái, độ bão hòa oxy máu (SpO2) chỉ còn 79%, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt sâu. Nhận định người bệnh dễ rơi vào suy hô hấp và tuần hoàn cấp, các bác sĩ khẩn trương gây mê để phẫu thuật. Trong khi đang gây mê, bệnh nhân ngưng tim.

"Ê kíp nhồi bóp tim ngoài lồng ngực ngay, đồng thời tiêm adrenaline liên tục vào đường tĩnh mạch trung tâm. 10 phút trôi qua, dùng đã 32 ống adrenaline nhưng tim vẫn không đập lại", tiến sĩ Bùi Minh Thành (Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim) nói và thêm rằng nếu không mở ngực cấp cứu, bệnh nhân cầm chắc cái chết. Điều nan giải là vị trí mở ngực lại trùng với nơi xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Thời gian mở ngực là tim bệnh nhân ngừng đập hoàn toàn, đòi hỏi động tác cưa xương ức phải thực hiện cực kỳ nhanh.

Trong vòng chưa tới một phút, bác sĩ Thành mở ngực bệnh nhân thành công qua đường cưa xương ức. Một tay vừa xoa bóp tim trực tiếp, một tay bác sĩ đồng thời đặt các mũi khâu lên động mạch chủ và hai tĩnh mạch chủ để khởi động hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể nhanh nhất có thể nhằm cứu vãn tình thế thiếu máu não, tim và các tạng trong cơ thể người bệnh. Vị bác sĩ với 25 năm kinh nghiệm mổ tim, thuận tay phải nhưng có thể thao tác cùng lúc cả hai tay, từng vài lần xử trí song song hai động tác cứu bệnh nhân trong những tình huống nguy cấp, vùng mổ (còn gọi là phẫu trường) hẹp khó phối hợp hai người cùng lúc.

Ảnh huyết khối lấp đầy các động mạch phổi của bệnh nhân được mổ lấy ra (độc giả cân nhắc khi xem).

Sau khi hạ thân nhiệt, liệt tim bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành thủ thuật lấy huyết khối lấp đầy hai động mạch phổi trái, phải và các nhánh, kiểm tra huyết khối trong các buồng tim. Chính các huyết khối này đã lấp và ngăn không cho dòng máu lên phổi để trao đổi oxy, gây nên tình trạng thiếu oxy máu trầm trọng và suy tim cấp ngay sau đó, dẫn đến bệnh nhân trụy tim mạch và tử vong nhanh.

Sau 4 giờ phẫu thuật và hỗ trợ tuần hoàn hô hấp bằng máy tuần hoàn ngoài cơ thể, bệnh nhân được theo dõi và điều trị tiếp tục tại hồi sức tim sau mổ. Bệnh nhân tỉnh dần, được rút nội khí quản sau 24 giờ. 72 giờ sau, bệnh nhân ổn định về hô hấp tuần hoàn nhưng vẫn còn ngủ nhiều và giảm trí nhớ. Khoảng 96 giờ sau mổ, bệnh nhân mới phục hồi gần như hoàn toàn.

Thuyên tắc - huyết khối tĩnh mạch được xem là kẻ sát nhân thầm lặng vì không có triệu chứng rõ, thường bị xem nhẹ và không chú ý chẩn đoán cho đến khi xảy ra biến cố thuyên tắc phổi, tử vong. Một số yếu tố nguy cơ thường gặp là bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật, chấn thương nặng, bất động nằm lâu, người ung thư, lớn tuổi, hút thuốc, béo phì, mang thai sinh nở, bệnh lý di truyền...

"Bệnh nhân này trước đây không mắc các bệnh gây tăng đông máu như bệnh ác tính, không có rung nhĩ, cũng không tìm thấy nguyên nhân gây tăng đông ngoài tiền sử tăng huyết áp và mắc Covid-19 cách đây hơn một tháng", bác sĩ Thành nói.

Bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt sau ca mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt sau ca mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Thành, khi mắc Covid-19, bệnh nhân gặp tình trạng tăng đông máu, nhất là hệ thống mạch máu phổi, gây thuyên tắc (tắc nghẽn) các mạch máu nhỏ rồi các mạch máu lớn, đi kèm với tình trạng thương tổn các phế nang, độc tố gây viêm nhiễm xuất tiết... Điều này dẫn đến suy hô hấp nhanh và trầm trọng rồi tử vong sau đó nếu không được can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Thành cho rằng bệnh nhân hậu Covid-19, tình trạng tăng đông vẫn còn, giảm so với trước đó nhưng vẫn có khả năng hình thành các cục máu đông trong lòng mạch dẫn đến tình trạng thuyên tắc mạch máu chi, mạch máu tạng và mạch phổi... nguy hiểm tính mạng. Gần đây, một số báo cáo trên thế giới ghi nhận bệnh nhân thuyên tắc phổi sau Covid-19, nhờ tình trạng nhẹ nên đáp ứng với thuốc tiêu sợi huyết.

"Tôi nghĩ trường hợp này đặt ra vấn đề sau nhiễm Covid-19, có thể tính đến việc nghiên cứu áp dụng liệu trình kháng đông", bác sĩ Thành chia sẻ.

Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân đã mắc Covid-19 nên cảnh giác với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở mặc dù trước đó chưa từng bị mắc bệnh tim. Đa số bệnh nhân thuyên tắc phổi mức độ nặng dễ tử vong do bệnh diễn tiến quá nhanh, vào viện cấp cứu trễ. Nhiều trường hợp bác sĩ chưa kịp phán đoán phát hiện bệnh, thậm chí trong lúc đang hội chẩn, chưa kịp đưa lên phòng mổ thì bệnh nhân đã qua đời. Một số ít bệnh nhân được mổ nhưng tử vong giữa chừng do đây là loại phẫu thuật nhiều nguy cơ.

  • Suýt chết vì máu đông gây tắc cả hai bên phổi
  • Dấu hiệu cảnh báo bệnh thuyên tắc phổi

Lê Phương

Từ khóa » Xoa Bóp Tim