Bạch đàn: Tinh Dầu Kỳ Diệu Từ Thiên Nhiên

Nội dung bài viết

  • 1. Giới thiệu về Bạch đàn
  • 2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
  • 3. Cách dùng và liều dùng
  • 4. Lưu ý khi dùng Bạch đàn
  • 5. Một số cách chữa cảm với Bạch đàn

Bạch đàn không chỉ là loài cây trồng lấy gỗ, làm bóng mát mà còn được sử dụng để làm dược liệu trong điều trị. Đặc biệt, tinh dầu từ cây là vị thuốc chữa cảm, sát trùng, trị ho hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

1. Giới thiệu về Bạch đàn

Tên thường gọi: Khuynh diệp, Bạch đàn xanh, cây Dầu gió, An thụ…

Tên khoa học: Eucalyptus globulus Labill.

Họ khoa học: họ Sim (Myrtaceae).

Bộ phận dùng: lá và tinh dầu – Folium et Oleum Eucalypti.

Ở Việt Nam du nhập khoảng 10 loại Bạch đàn và những loại Bạch đàn này được phân bố khá rõ ràng, phù hợp với tính chất địa hình, đất đai và khí hậu của từng nơi. Ví dụ:

  • Eucalyptus camaldulensis – Bạch đàn đỏ, thích hợp vùng đồng bằng.
  • Eu.alba – Bạch đàn trắng, thích hợp vùng gần biển.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Bạch đàn vốn xuất xứ ở châu Úc nhưng từ lâu được di thực vào nhiều nước trên thế giới từ châu Âu đến châu Á, châu Mỹ, châu Phi. Vì cây có bộ rễ ăn sâu, rộng, lại mọc nhanh, có khả năng hút nước trong đất rất mạnh, cho nên thường được trồng ở những vùng lầy, ẩm thấp để cải tạo và làm giảm tỉ lệ bệnh sốt rét. Mùi thơm của lá cũng có tác dụng xua đuổi muỗi.

Ngoài ra, đây là loại cây trồng chủ yếu để lấy gỗ và làm cây bóng mát. Giống cây này được nhiều người ưa chuộng bởi rất thích hợp để trồng thành rừng, trồng xen kẽ từ vùng đồng bằng đến cao nguyên. Bạch đàn không kén đất và dễ dàng thích nghi với nhiều loại khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới.

Tại nước ta, cây Bạch đàn được trồng nhiều nhất để phủ xanh những đồi trọc tỉnh trung du như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Cạn, Thái Nguyên…

Bạch đàn là loại cây không chỉ để lấy gỗ, tạo bóng mát mà còn dùng làm vị thuốc.
Bạch đàn là loại cây không chỉ để lấy gỗ, tạo bóng mát mà còn dùng làm vị thuốc

1.2. Mô tả toàn cây

Loài Bạch đàn nói chung rất mau lớn, tán lá hẹp thưa, trồng trong vòng 5, 6 năm thì có chiều cao trên 10m và đường kính thân cây khoảng 9 – 10cm. Cây gỗ lớn, vỏ nhẵn, màu nhợt, nhánh vuông.

Trên cành non, lá mọc đối, gần như không cuống. Phiến lá hình trứng hoặc hình trái tim, màu lục, mỏng, như có sáp, dài 10 – 15cm, rộng 4 – 8cm. Lá ở nhánh già mọc riêng biệt, so le, hình liềm, cuống ngắn, cong. Phiến lá hẹp dài 16 – 25cm, rộng 2 – 5cm, xếp đứng theo thân và có hai mặt giống nhau. Cành già tròn, không cạnh. Phiến lá soi lên sáng thấy rõ những điểm trong trong, đó là những túi tinh dầu.

Từ kẽ lá có những nụ hoa hình núm, cuống ngắn, có 4 cạnh tương ứng với 4 lá đài. Nhị dài 1,5cm.

Quả nang hình chén to 2,5cm, phía trên có 4 ngăn. Bên trong chứa 2 loại hạt: loại đen sinh sản, loại nâu không sinh sản.

Mùa hoa tháng 5. Thu hái lá vào mùa hạ, khi lá tươi tốt, cắt lấy lá đem về cất tinh dầu. 

1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế

Ngoài công dụng trồng để lấy gỗ, bóng mát, người ta đã bắt đầu khai thác Bạch đàn để lấy lá dùng làm thuốc và cất tinh dầu. Để có thể sử dụng nhiều lá, theo kinh nghiệm của Trung Quốc, vào năm thứ 3 và thứ 7 chặt cây để lấy toàn bộ lá và gỗ nhỏ. Sau đó, những chồi mọc ra ta cũng sẽ cắt lấy lá và chỉ dể lại 2 nhánh cho phát triển. Cuối cùng cũng chỉ còn lại một chồi để thay thế cây cũ.

Để lấy làm thuốc, thường hái lá gần mùa hè, phơi trong râm, đến khô rồi đựng trong lọ hay túi kín. Chỉ những lá hình lưỡi liềm được dùng làm thuốc. Nên tránh hái lá non mặc dù tỉ lệ tinh dầu trong lá non cao hơn. Phương pháp chiết xuất đem lại loại tinh dầu tốt nhất là sử dụng CO2. Các phương pháp khác như chưng cất hơi nước thường không đem lại hiệu quả cao.

Khi vò lá sẽ có mùi thơm đặc trưng mạnh mẽ. Vị thơm nóng, hơi đắng chát, sau có cảm giác mát và dễ chịu. Tinh dầu phải trong, màu hơi vàng đục, mùi thơm đặc biệt, trung tính, không lắng cặn.

>> Ngoài Bạch đàn, nhiều dược liệu khác cũng được dùng để sản xuất tinh dầu. Đọc thêm: Tràm và tinh dầu tràm: Hương liệu pháp tự nhiên.

Tinh dầu Bạch đàn phải trong, màu hơi vàng đục mùi thơm đặc biệt, trung tính, không đục, không lắng cặn
Tinh dầu phải trong, màu hơi vàng đục, mùi thơm đặc biệt, không lắng cặn

1.4. Bảo quản

Bảo quản nơi thoáng mát, khô ráo, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. 

2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

2.1. Thành phần hóa học

Lá Bạch đàn chứa tinh dầu, chất vô cơ, tanin, chất nhựa, chất đắng, acid phenol (acid galic, acid cafeic), hợp chất flavonoid là heterosid của querceton, eucalyptin, heterosid phenolic. Hàm lượng tinh dầu là 1 – 3%. Thành phần chính của tinh dầu là xineola, (hay eucalyptol) 70 – 80%, còn có pinen, piperiton, phellandren, butyraldehyd, capronaldehyd…

Xineola, hoạt chất chính của tinh dầu là một chất lỏng, không màu. Tỉ lệ xineola quyết định giá trị của tinh dầu nên các Dược điển thường hay quy định những phuơng pháp định lượng xineola. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta cất tinh dầu từ nhiều loài rất khác nhau, do đó thành phần tinh dầu Bạch đàn cũng thay đổi.

Ngoài ra, về phương diện khai thác tinh dầu thường phân thành 3 nhóm, dựa vào thành phần chính:

  • Xineola (có hàm lượng trong tinh dầu > 55%): cho tinh dầu được gọi là Oleum Eucalypti như loài Eucalyptus globulus Lab (80 – 85%), E. camalduleusis (60 – 70%)…
  • Citronelal: cho tinh dầu Oleum Eucalipti Citriodorae như loài E. citriodora Hook.f. Tinh dầu chứa citronelal (trên 70%), ngoài ra còn có citronelol (5,6%).
  • Piperiton: đại diện là E. piperita Sm. với hàm lượng piperiton 42 – 48%. Từ piperiton, người ta chế thành mentola và tymola.

2.2. Tác dụng 

Y học hiện đại:

  • Lá và cành non sắc hoặc ngâm rượu pha uống có tác dụng trợ tiêu hóa, chữa cảm cúm, hạ nhiệt, trừ đờm, trị ho, giảm đau, chống viêm, sát trùng.
  • Dùng ngoài da, nước sắc lá Khuynh diệp để rửa vết thương lên mủ, vết loét, làm liền sẹo kết quả tốt. Hoặc dùng để xoa bóp chữa đau nhức cơ xương khớp, tê thấp do lạnh.
  • Bên cạnh đó, một số cây Bạch đàn cho chất gôm màu đỏ gọi là Red-gum hay Kino do chứa tanin nên dùng trong công nghệ thuộc da trắng.
  • Tinh dầu còn được dùng trong sản xuất nước hoa và các loại chất thơm khác.

Y học cổ truyền:

  • Chữa cảm, sát trùng, long đờm.
  • Trị ho, bụng đầy trướng, đau tức ngực.
  • Thấp khớp dạng thống phong.

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau: 

  • Lá Bạch đàn dùng dưới dạng thuốc hãm 20g trong 1 lít nước.
  • Sirô: làm thuốc bổ (do tanin) chữa ho, giúp sự tiêu hoá (do tinh dầu).
  • Cồn thuốc còn dùng để xông mũi, chữa cảm sốt (nhỏ 2ml đến 10ml cồn thuốc vào nước sôi).
  • Tinh dầu dùng bôi xoa ngoài da hay pha với dầu làm thuốc nhỏ mũi.

Sử dụng thảo dược trong các trường hợp:

  • Bệnh đường hô hấp, viêm phế quản cấp và mạn, cảm cúm, hen suyễn, ho…
  • Làm ấm ngực và long đờm.
  • Tinh dầu xoa bóp giảm đau cơ, đau khớp.
  • Ðau nửa đầu, suy nhược.
  • Dùng ngoài, đắp lên vết thương, bỏng.
  • Xua đuổi muỗi và côn trùng.
Tinh dầu Bạch đàn xông hơi chữa cảm rất hiệu quả.
Tinh dầu Bạch đàn xông hơi chữa cảm cúm, trị ho rất hiệu quả

4. Lưu ý khi dùng Bạch đàn

Cảm nắng và sốt nóng thì không dùng.

5. Một số cách chữa cảm với Bạch đàn

Dùng các tinh dầu nhẹ làm ra mồ hôi như Bạch đàn, Hương nhu trắng, Sả, Bạc hà phối hợp với một số tinh dầu nặng như Hồi, Quế.  Hỗn hợp này có tác dụng làm ấm bụng, chống lạnh.

Dùng 10 – 15 giọt với nước nóng rồi xoa mũi ngực, đầu gáy và dọc hai bên sống lưng. Sau đó, đắp chăn làm cho ra mồ hôi để giải cảm có ớn lạnh, trị đau bụng lạnh do khó tiêu hoặc nôn đầy. Uống mỗi ngày 5 – 6 giọt, ngày 3 lần và xoa trên và dưới rốn.

Hoặc dùng vài ba vị thuốc lá sau đây: Bạch đàn, Cúc tần, Sả, lá Bưởi, lá Chanh, lá Chàm, Hương nhu, Kinh giới, Tía tô. Mỗi thứ vài nắm cho vào nồi, đổ nước ngập , đậy vung kín, đun sôi rồi bắc xuống cho vào bát úp đĩa lại. Rồi cho người bệnh xông cho ra mồ hôi. Lau khô mình rồi cho uống bát thuốc, nằm nghỉ, đợi ra thêm một tí mồ hôi là được.

Bạch đàn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Từ khóa » Cây Bạch đàn Có Nguồn Gốc ở Châu Lục Nào