Bạch đồng Nữ Chữa Bệnh Phụ Nữ - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

(SKDS) - Cây bạch đồng nữ, hay còn gọi là mò trắng, trên thực tế ở nước ta có 2 loài được gọi là bạch đồng nữ; đó là cây mò mâm xôi hay còn gọi là cây mấn trắng [Cledendrum chinense var. Simplex (Mold.)S.L.] và cây mò trắng [Clerodendrum petasites (Lour.) Moore], cùng họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Theo YHCT, bạch đồng nữ có vị hơi đắng, tính mát, vào 2 kinh tâm và tỳ. Với công năng thanh nhiệt giải độc, khu phong trừ thấp, tiêu viêm. Được dùng chủ yếu với các bệnh của phụ nữ như khí hư bạch đới, viêm loét tử cung, kinh nguyệt không đều. Có thể sử dụng dưới dạng thuốc uống hoặc thuốc rửa, với liều 12-16g/ngày.
Bạch đồng nữ chữa bệnh phụ nữ 1

Một số cách dùng vị thuốc bạch đồng nữ thích hợp cho chị em.

Trị kinh nguyệt không đều, kinh sớm kỳ, lượng máu nhiều, thấy kinh đau bụng: Dùng lá bạch đồng nữ với lượng 12-16g hãm hoặc sắc uống, ngày một lần. Uống hằng ngày hoặc để tăng công hiệu, có thể phối hợp với các vị thuốc khác, như vị ngải cứu (chích rượu), hương phụ (tứ chế), ích mẫu sao vàng, đồng lượng 12 - 16g. Ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn và sau kỳ sạch kinh 1 tuần. Uống liền 2-3 tuần. Nghỉ chờ sau khi sạch kinh 1 tuần của kỳ kinh lần sau lại uống tiếp liệu trình khác.

Trị viêm gan, viêm mật vàng da: Bạch đồng nữ phối hợp với nhân trần, diệp hạ châu, chi tử đồng lượng 12-16g, ngày một thang dưới dạng thuốc sắc. Uống liền 3 - 4 tuần đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Trị dị ứng, mụn nhọt, ngứa lở ngoài da hoặc ngứa lở âm nang: Dùng hoa tươi hoặc khô, hãm uống hoặc sắc uống 12g/ngày (nếu khô thì 6g). Uống liền nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm; hoặc lấy khoảng 20-30g hoa, sắc nước rửa, ngày một lần.

Trong khi sử dụng cần lưu ý, chi Clerodendrum còn có một số cây cũng có tác dụng điều trị giống hoặc gần giống bạch đồng nữ, như cây ngọc nữ thơm (Clerodendrum fragrans Vent.) và cây xích đồng nam...

GS. TS. Phạm Xuân Sinh

Từ khóa » Cây Bạch đồng Nữ