Bài 1: Kênh Vĩnh Tế được đào Trong Bao Lâu?

  • Không nên để Lịch sử là môn học tự chọn

Theo các sử liệu cũ, kênh Vĩnh Tế (An Giang – Kiên Giang) được đào mới trong 5 năm mới hoàn tất. Tuy nhiên, những phát hiện mới đây cho thấy sự thật không phải vậy?

bai1-1.jpg -0
Hoàng hôn trên kênh Vĩnh Tế

Từ những tài liệu liên quan đến Thoại Ngọc Hầu

Đến nay, vẫn có rất nhiều người hiểu và tin, công trình kênh Vĩnh Tế được đào mới và thi công trong suốt 5 năm. Cụ thể là bắt đầu từ năm 1819 và kết thúc vào 1824.

Có lẽ điều này bắt nguồn từ những công trình nghiên cứu, biên khảo liên quan đến danh thần Thoại Ngọc Hầu, tức Nguyễn Văn Thoại (1761- 1829), được hoàn thành cách nay trên dưới nửa thế kỷ. Điển hình là tác phẩm “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” của học giả Nguyễn Văn Hầu, xuất bản lần đầu năm 1973 (tái bản, bổ sung năm 1999). Trong đó, tác giả viết: “Kênh Vĩnh Tế được khởi đào từ ngày Rằm tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) do ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy với sự phụ lực của Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Điều bát Nguyễn Văn Tồn”.

Ông Nguyễn Văn Hầu cũng đề cập việc 3 lần tạm hoãn đào kênh. Thế nhưng có lẽ do điều kiện tư liệu thời điểm đó có hạn, nên như chính ông thừa nhận: “Việc tạm ngưng không rõ được bao lâu” và “lấy làm khó khăn khi muốn biết rõ được tất cả các thời gian ngừng nghỉ, tiếp nối của công tác vĩ đại này” (trang 188 - sách tái bản năm 1999). Vì thế, ông Hầu đã chốt hạ thời gian thực hiện là 5 năm: “Từ tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) cho tới tháng 5 năm Thân (1824) với sự tham gia của trên 80.000 người, mới hoàn tất” (trang 190-199).

Theo tác giả, phần lớn kênh Vĩnh Tế được đào mới, bắt đầu từ vàm kinh ở bờ Hậu Giang (Châu Đốc - An Giang) đến cửa Giang Thành (Hà Tiên – Kiên Giang) với tổng chiều dài là 98.300m. Để minh chứng cho nội dung “đào mới” trong 5 năm dai dẳng, ông viết: “Để con kênh được ngay thẳng, người ta đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào cao rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây “sào lửa” ấy cho thật ngay hàng, người ta cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua, phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí” (trang 188).

Vì thế, theo ông Hầu, công việc đào kênh này rất cực nhọc. Ông viết: “Tương truyền, trong thời gian sưu dịch, muốn cho mau rồi, nhà chức trách có khi phải bắt dân binh làm việc thâu đêm... Công việc lâu ngày mòn mỏi, lại buồn ngủ vì thức đêm, nên nhiều khi ngủ gục, người ta đập chài vồ vào đầu nhau đến vỡ sọ mà chết” (trang 191-199). 

Cứ liệu này đã ảnh hưởng lớn không chỉ cho người dân mà cả đến giới nghiên cứu. Năm 2009, trong các bài viết gởi đến Hội thảo khoa học “Danh nhân Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại” do UBND tỉnh An Giang phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại TP Châu Đốc, các nhà nghiên cứu như: TS Đinh Văn Liên, TS Trần Thuận... đều trích dẫn như sự đồng tình với con số thời gian đào đắp kênh Vĩnh Tế là 5 năm. Thậm chí, ngay trong Địa chí An Giang, do tỉnh An Giang tổ chức thực hiện vào những năm đầu thế kỷ XXI, nhóm biên soạn cũng đồng tình với nhận định này, viết rằng: “Kênh Vĩnh Tế được khởi đào vào năm 1819 và hoàn thành vào năm 1824... Trong 5 năm trời, các quan triều đình phải huy động đến hơn 80.000 dân binh cho việc đào con kênh này”

Bài 1: Kênh Vĩnh Tế được đào trong bao lâu? -0
Tượng Thoại Ngọc Hầu tại khu vực lăng của ông

Những nhận định mới về thời gian

Thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử triều Nguyễn và danh thần Thoại Ngọc Hầu đã đưa ra nhiều nhận định mới về kênh Vĩnh Tế. Bằng các phương pháp làm việc khoa học, đối chiếu nhiều nguồn sử liệu tin cậy, các công trình nghiên cứu mới đây đã chứng minh thời gian thực đào kênh Vĩnh Tế không kéo dài 5 năm dai dẳng như sử liệu cũ. Tuy có sự khác nhau về thời gian giữa các lần tạm ngưng, nhưng cơ bản, các nghiên cứu có cùng quan điểm kiểu này đều có chung ghi nhận là: Kênh Vĩnh Tế chỉ thực đào trong 10 tháng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong tác phẩm “Cố đô Huế bí ẩn và khám phá” (1997) cho biết thời gian thực đào khoảng 10 tháng. Theo ông Xuân, có 2 giai đoạn đào kênh: Khởi công ngày 15-12 Kỷ Mão (1819) với 10.500 nhân công, đến ngày 15-3 Canh Thìn (1820) thì xong đợt đầu. Đầu năm Minh Mạng thứ 5 (1824), 24.700 người lại đào tiếp trong vòng 5 tháng nữa thì hoàn tất” (trang 75).

Còn theo TS Châu Hữu Hầu, Giám đốc Bệnh viện Nhật Tân (TP Châu Đốc - An Giang) trong công trình nghiên cứu khá dài hơi: “Thoại Ngọc Hầu và công trình đào kênh Vĩnh Tế” từng được giới nghiên cứu đánh giá cao khi trình bày tại hội thảo khoa học cấp quốc gia về Thoại Ngọc Hầu tổ chức tại Châu Đốc – An Giang vào năm 2009, đã đưa ra nhận định: “Tổng thời gian đào kênh là 10 tháng với 79.500 lượt nhân công làm việc”. Thông qua việc đối chiếu lịch vạn niên, TS Châu Hữu Hầu cho biết kênh được khởi công vào ngày 15-12-1819 và kết thúc vào tháng 5-1824, tức 4 năm 5 tháng. Tuy nhiên, theo TS Châu Hữu Hầu, thời gian thực đào chỉ 10 tháng. Nguyên nhân cơ bản là trong thời gian này, có đến  4 lần tạm hoãn. “Căn cứ vào ghi chép tại Đại Nam thực lục, việc đào kênh Vĩnh Tế tạm hoãn 4 lần với tổng thời gian là 43 tháng”- TS Châu Hữu Hầu viết. Cụ thể, hoãn lần thứ nhất từ 3-1820 đến 1-1821 với nguyên nhân chính là do Vua Gia Long băng hà và Vua Minh Mạng vừa lên ngôi. Theo TS Châu Hữu Hầu, ngay sau khi lên ngôi thay cha, Vua Minh Mạng ban 16 điều ân điển. Việc hoãn đào kênh Vĩnh Tế cũng nằm trong chính sách của vị vua mới lên ngôi.

Hoãn lần thứ hai từ 1-1821 đến 3-1822 do xuất hiện dịch bệnh mà ngày nay, các tài liệu y học thế giới ghi nhận là trùng hợp với đại dịch. “Trong sử sách không mô tả triệu chứng của người bệnh dịch, nhưng căn cứ vào các tài liệu y khoa hiện đại, xác định đây là bệnh dịch tả và trùng hợp với đại dịch lần thứ nhất xảy ra trên toàn thế giới, kéo dài trong 4 năm (1817-1823). Trên cơ sở nguồn sử liệu nhà Nguyễn cộng với phương pháp xác suất thống kê hiện đại, TS Châu Hữu Hầu đưa ra con số người tử vong do trận dịch năm đó trong cả nước lên đến 3-4% dân số. “Năm 1820, dịch bệnh phát ra từ mùa Thu đến mùa Đông, số người chết thống kê được là 206.835 người, chưa kể trai gái, già trẻ ngoài sổ hộ tịch”.

“Căn cứ vào số liệu dân số Việt Nam rất hiếm hoi được ghi nhận trong tác phẩm “Việt Nam, quốc hiệu và cương vực qua các thời đại” của Nguyễn Đình Đầu, vào năm đầu triều Gia Long (1802) ước đạt 5.780.000 người và dân số cả nước vào cuối triều Minh Mạng (1840) ước đạt 7.764.128 người, chúng ta có thể đưa ra ước đoán dân số vào năm 1820 khoảng 6.500.000 người. So với số được thống kê, số người chết do dịch tả năm ấy lên đến 3-4%, một tỷ lệ khủng khiếp”. TS Châu Hữu Hầu còn chứng minh thêm: Đại Nam thực lục cũng dẫn lời dụ của vua năm đó rằng: “Nay dịch bệnh lưu hành, đáng nên để cho quân dân nghỉ ngơi, đình bãi các công tác”. TS Châu Hữu Hầu cũng cho biết, việc đào kênh phải hoãn lần thứ ba (từ 3-1822 đến 2-1823) do Gia Định bùng phát dịch bệnh. Và hoãn lần thứ tư (4-1823 – 2-1824) do ảnh hưởng lũ trên sông Cửu Long.

Những con số không thể giữ “im lặng”

Không chỉ chứng minh kênh Vĩnh Tế thực đào trong thời gian 10 tháng, các nghiên cứu mới đây còn đưa ra những con số đủ để nhiều người không thể giữ “im lặng” với sử liệu được nhiều người tin tưởng và lưu truyền trước đó.

Bài 1: Kênh Vĩnh Tế được đào trong bao lâu? -0
Lăng Thoại Ngọc Hầu bên triền Núi Sam (Châu Đốc – An Giang)

Trên cơ sở sử liệu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, TS Châu Hữu Hầu đã chứng minh: Kênh Vĩnh Tế chỉ thực đào trong 3 đợt, bao gồm: đợt 1 (15-12-1819 – 15-3-1821); đợt 2 (2-1823- 4-1823) và đợt 3 từ tháng 2-1824 đến tháng 5-1824. Cụ thể, trong đợt 1, có 10.500 lượt người tham gia, bắt đầu phía bờ sông Hậu phía sau Đồn Châu Đốc kéo dài về hướng Nam. Tuy chỉ đào đắp được 9.072m, đạt 32,3% kế hoạch, nhưng lúc này con kênh đã có thể tạm lưu thông được từ Châu Đốc đến Hà Tiên.

Vẫn bám sát nội dung “Gia Định thành thông chí” cộng với việc ứng dụng các phương pháp tính toán khoa học hiện đại, TS Châu Hữu Hầu xác định rõ: “Tổng chiều dài thực đào kênh Vĩnh Tế là 37.190m để nối vào sông Giang Thành, 42.500m còn lại thực tế là khơi sông sẵn có. Vì vậy sau khi kết thúc đào đợt 1, con kênh đã có thể tạm lưu thông được từ Châu Đốc đến Hà Tiên”. Cụ thể, theo TS Châu Hữu Hầu, tổng chiều dài của con kênh là 87.340m, nhưng trừ đi Náo khẩu Ca Âm (vùng bùn lầy nhiều có tên là Ca Âm) dài 7.650m và sông Giang Thành dài 42.500m, nên cần phải đào là 37.190m mà thôi”. Trong đợt 2, diễn ra từ tháng 2-1823 đến tháng 4-1823, có 45.000 lượt người tham gia đào đắp 32.000m, đạt 86,1% kế hoạch. Đợt 3 diễn ra từ tháng 2-1824 đến tháng 5-1824 với 24.000 lượt người tham gia, đào đắp 5.190m.

 Vẫn trên nền tảng phối, kết hợp sử liệu nhà Nguyễn với các phép tính hiện đại, TS Châu Hữu Hầu đã chứng minh một cách thuyết phục tổng số người tham gia đào kênh Vĩnh Tế trong 3 đợt là 79.500 người. “Căn cứ vào số lượng phương gạo (1 phương tương đương 18-20kg) đã cấp cho người tham gia đào kênh đến lần đào thứ 2 là 99.400. Trong đó lần thứ 1 là 18.805 phương gạo trong 3 tháng, thì mỗi tháng chỉ có 6.268 lượt người tham gia. Và đợt thứ 2 là 80.595 phương gạo trong 3 tháng, thì mỗi tháng chỉ có 26.865 người đào đắp”, TS Hầu nhấn mạnh.

TS Châu Hữu Hầu cũng thận trọng cho rằng, do “Đại Nam thực lục” thường chỉ ghi tháng, rất ít khi ghi ngày nên rất khó để tính đúng số ngày đào trong một đợt. Vì thế, có thể con số này có sự chênh lệch, nhưng biên độ dao động không lớn quá và có điều chắc chắn là không thể có chuyện “có đến 80.000 người có mặt cùng lúc trên công trường” như có tài liệu đã ghi.

Kênh Vĩnh Tế là con kênh đào nổi tiếng, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, giao thông và cũng là một chiến tuyến phòng thủ cho bờ cõi nước Việt trong vùng xung yếu. Việt Nam không có con kênh đào nào có đầy đủ những trọng trách như thế cả...

Nếu trước Công nguyên, nhà Tần xây Vạn Lý Trường thành để ngăn chặn người Hung Nô ở phương Bắc Trung Quốc, thì đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đào kênh Vĩnh Tế để giữ biên giới Tây Nam cho người Việt định cư phát triển kinh tế vùng Châu Đốc - Hà Tiên. Đến nay, Vạn Lý Trường thành chỉ còn là di tích lịch sử, nhưng kênh Vĩnh Tế thì như nhận định của Vua Minh Mạng “lợi ức muôn năm vô cùng về sau”.  (Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân).

  • Lịch sử không bất biến

Từ khóa » Thuyết Minh Kênh Vĩnh Tế