Kênh Vĩnh Tế - Công Trình Đáng Tự Hào Của Người An Giang

Được xem là công trình gắn liền với quá trình mở cõi vùng đất phương Nam, kênh Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ. Kênh Vĩnh Tế thuộc tỉnh An Giang, là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch không chỉ bởi vẻ đẹp thanh bình mà còn ở bề dày lịch sử hình thành của nó. Hành trình tìm đến Kênh Vĩnh Tế - công trình đáng tự hào của người dân vùng đất An Giang sẽ được thể hiện qua bài viết sau đây của Viet Fun Travel.

1. Vĩnh Tế - con kênh được đào bởi hơn 80.000 người

Kênh Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất vùng Tây Nam Bộ, dài gần 100 km nối liền hai thành phố du lịch nổi tiếng của miền Tây là thành phố Châu Đốc - tỉnh An Giang và thành phố Hà Tiên - tỉnh Kiên Giang.

Nằm ở vùng biên giới phía Tây Nam Việt Nam, con kênh này là công trình có ý nghĩa quan trọng trên lĩnh vực kinh tế quốc phòng, gắn liền với tên tuổi của Thoại Ngọc Hầu – một danh tướng thời nhà Nguyễn.

kenh vinh te o an giang

Kênh Vĩnh Tế - An Giang

Kênh Vĩnh Tế bắt đầu được đào vào ngày rằm tháng Chạp năm Kỹ Mão (1819). Con kênh này xuất phát từ bờ Tây sông Châu Đốc, chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, nối tiếp với sông Giang Thành.

Được biết, quá trình đào kênh Vĩnh Tế được thực hiện dưới sự chỉ huy của Thoại Ngọc Hầu cùng với 2 ông Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Điều Bát Nguyễn Văn Tồn. Về sau, có thêm sự trợ giúp của Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt, Phó Tổng trấn thành Gia Định Trương Tấn Bửu, Phó Tổng trấn thành Gia Định Trần Văn Năng, Thống chế Trần Công Lại.

Để đào kênh Vĩnh Tế, ngay trong đợt đầu Thoại Ngọc Hầu đã huy động hơn 10.000 nhân công bao gồm: 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn Uy Viễn, 5.000 dân là người Khmer.

Quá trình đào kênh không hề thuận lợi, gặp rất nhiều trở ngại khó khăn, một phần do thời tiết khắc nghiệt, một phần do thiếu nhân lực. Hơn nữa, con kênh lại đi qua nhiều chỗ đất rất cứng vì thế mà việc đào kênh bị gián đoạn và được chia làm nhiều đợt.

Năm 1820, ngay sau khi lên ngôi vua Minh Mạng lập tức ra lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định là Lê Văn Duyệt huy động thêm nhiều dân binh ở các đồn Uy Viễn, Vĩnh Thanh, Định Tường. Tổng số nhân công được huy động đào kênh lúc bấy giờ hơn 39.000 người. Trong số đó binh và dân người Khmer là 16.000 người, chia làm 3 phiên, đào đắp bằng tay với dụng cụ thô sơ, thay nhau thi công suốt ngày đêm.

Có thể nói, để hoàn thành được con kênh Vĩnh Tế đã có hơn 80.000 dân binh đào hàng triệu mét khối đất đá trong khoảng thời gian 5 năm. Tổng chiều dài của kênh sau khi hoàn thành được đo là 205 dặm rưỡi (91km), rộng 7 trượng 5 thước (25m) và sâu 6 thước (3m).

kenh vinh te o an giang

Dòng kênh gắn liền với tên tuổi của danh tướng Thoại Ngọc Hầu

Để có được một công trình vĩ đại có giá trị to lớn tồn tại cho đến ngày nay, rất nhiều người trong quá trình đào kênh đã mãi mãi nằm xuống do không chịu được thời tiết khắc nghiệt và công việc vất vả. Đặc biệt, nhắc đến kênh Vĩnh Tế thì công lao to lớn nhất thuộc về Thoại Ngọc Hầu. Có lẽ cũng vì điều đó mà triều đình nhà Nguyễn đã dùng tên vợ của ông để đặt tên cho con kênh này.

Đã tồn tại gần 200 năm, kênh Vĩnh Tế không chỉ giúp phương tiện đường thủy lưu thông tiện lợi mà còn làm rất tốt vai trò gìn giữ biên cương xã tắc. Đồng thời con kênh cũng góp một phần không nhỏ trong việc đưa nước ngọt của sông Cửu Long vào tháo chua, rửa phèn cho ruộng đồng ngày một thêm màu mỡ.

Nhờ có kênh Vĩnh Tế mà làng Vĩnh Tế rồi thành phố Châu Đốc mỗi ngày thêm sầm uất và phát triển. Và đúng như mục đích của việc đào kênh, Châu Đốc ngày nay đã trở thành một thành phố phồn thịnh, tiếp đón hàng triệu lượt khách đến tham quan du lịch mỗi năm.

2. Những giá trị to lớn của con kênh Vĩnh Tế

Là công trình vĩ đại được dựng xây bởi bàn tay con người, kênh Vĩnh Tế chứa đựng những giá trị to lớn mà cho đến tận bây giờ nó là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Châu Đốc – An Giang. Nó chính là niềm tự hào lớn lao của người dân An Giang.

Kênh Vĩnh Tế đã đem lại những lợi ích không nhỏ cho miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là trong việc trồng trọt của vùng tứ giác Long Xuyên. Nhờ có con kênh Vĩnh Tế mà hàng triệu hecta đất đai phèn chua ở vùng này được tháo rửa, nâng cao năng suất trồng trọt cho bà con nông dân.

kenh vinh te o an giang

Kênh Vĩnh Tế góp phần nâng cao năng suất trồng trọt cho bà con nông dân

Giờ đây, ngày càng có nhiều con kênh nhân tạo được đào nối với kênh Vĩnh Tế nhằm tạo sự thuận lợi trong việc tưới tiêu cho những cánh đồng ở An Giang. Nước ngọt chảy đến đâu, đất “trở mình” đến đấy. Nhà cửa bà con nơi đây giờ đã khang trang và tiện nghi hơn, đời sống cũng được nâng lên một tầm cao mới.

Không chỉ giúp ích trong việc tưới tiêu đồng áng, kênh Vĩnh Tế còn mang lại những thuận tiện trong việc giao thông vận tải đường thủy.

Đặc biệt dòng kênh Vĩnh Tế còn chảy qua thị trấn Xuân Tô thuộc huyện Tịnh Biên biến nơi đây trở thành nơi giao thương, buôn bán tấp nập. Hàng hóa từ khắp nơi được đưa về đây làm cho phiên chợ biên giới Xuân Tô rộn ràng quanh năm suốt tháng. Bên cạnh mặt hàng nông sản, thủy hải sản thì ở đây còn xuất hiện thêm các mặt hàng "độc lạ" như bọ rầy, bọ cạp Bảy Núi, rết núi…

Sự phồn thịnh của thị tứ Xuân Tô khẳng định phần nào những giá trị to lớn mà kênh Vĩnh Tế mang lại cho vùng đất An Giang nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung.

Nhanh tay liên hệ với Viet Fun Travel qua số điện thoại 19006749 để đặt tour tham quan khám phá kênh Vĩnh Tế và những điểm du lịch đặc sắc ở miền Tây

3. Du ngoạn kênh Vĩnh Tế mùa nước nổi

Tham quan dòng kênh Vĩnh Tế là một trong những trải nghiệm thú vị mà du khách nên thử nếu có dịp đến với An Giang, đặc biệt là vào mùa nước nổi.

Vào mùa nước lên, nước từ kênh tràn vào đồng ruộng chảy cuồn cuộn. Ðây cũng là thời điểm cá từ biển hồ xuôi về sông Hậu, theo kênh Vĩnh Tế chảy lên các cánh đồng mùa nước nổi. Du lịch kênh Vĩnh Tế mùa này du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những cánh đồng trắng xóa mênh mông, ngắm nhìn những người nông dân lênh đênh trên chiếc xuồng nhỏ giăng lưới đánh bắt cá mưu sinh.

kenh vinh te o an giang

Kênh Vĩnh Tế mùa nước nổi

Con kênh Vĩnh Tế không những mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng rộng hàng ngàn hécta mà còn đem về nguồn lợi dồi dào nuôi sống người dân nơi đây. Người ta ví kênh Vĩnh Tế như cái túi cá, nước tới đâu cá tới đó, tha hồ đánh bắt.

Vào những ngày này thuyền bè ngược xuôi trên dòng kênh đông như trẩy hội. Xuồng chài, xuồng câu lưới đậu san sát nhau, người người thay nhau đánh bắt, tiếng nói cười giòn giã không dứt tạo nên khung cảnh làng quê thanh bình nhưng hồ hởi.

Cá đánh bắt về nếu ăn và bán không hết, người dân thường làm mắm để dự trữ. Ðó cũng là nguyên do khiến miệt này trở thành "thủ phủ" mắm cá của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các thương hiệu mắm ở Châu Ðốc nổi tiếng khắp cả nước nhờ cách ủ mắm thơm ngon, nhất là độ ngọt của cá đồng đánh bắt được trên dòng kênh Vĩnh Tế.

Dòng kênh Vĩnh Tế năm nào vẫn nằm đó chứa đựng những giá trị to lớn mà thế hệ các bậc tiền nhân đã dựng xây. Mặc dù không phải là điểm du lịch đặc sắc nhất nhưng có thể nói đây là điểm đến lí tưởng để chúng ta ngược dòng thời gian tìm về những năm tháng mở cõi xa xưa của nước Việt.

Viet Fun Travel

Từ khóa » Thuyết Minh Kênh Vĩnh Tế