Bài 11. Xây Dựng Và Bảo Vệ Chủ Quyền Lãnh Thổ, Biên Giới Quốc Gia
Có thể bạn quan tâm
Câu hỏi: Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới Quốc gia
Trả lời:
Mục lục nội dung I - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1.1 Mục đích:1.2 Yêu cầu:II - NỘI DUNG 2.1: XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ QUỐC GIA.2.2: XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA2.3: QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA VỀ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ, BIÊN GIỚI QUỐC GIAIII - CÂU HỎI ÔN TẬPI - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1.1 Mục đích:
Trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những nội dung chủ yếu về xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của nước ta trong tình hình hiện nay.
1.2 Yêu cầu:
Hiểu đúng đủ nội dung của bài Nâng cao lòng tự hào yêu nước và ý thức trách nhiệm công dân trong việc góp phần xây dựng, bảo vệ và giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
II - NỘI DUNG
Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Lãnh thổ Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất, bất khả xâm phạm, với diện tích đất liền là 331.689 km2, với 4.550 km đường biên giới, là nơi sinh sống của trên 84 triệu dân thuộc 54 dân tộc anh em đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức. Các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ, gây mất ổn định chính trị - xã hội, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước ta.
Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là một nội dung đặc biệt quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ”.
2.1: XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ QUỐC GIA.
2.1.1: Chủ quyền lãnh thổ quốc gia:
Quốc gia là thực thể pháp lí bao gồm ba yếu tố cấu thành: lãnh thổ, dân cư và quyền lực công cộng. Quốc gia là chủ thể căn bản nhất của luật quốc tế. Chủ quyền quốc gia là đặc trưng cơ bản, quan trọng nhất của quốc gia. Theo luật pháp quốc tế hiện đại, tất cả các quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền.
Quốc gia có khi được dùng để chỉ một nước hay đất nước. Hai khái niệm đó có thể được dùng thay thế cho nhau.
Lãnh thổ quốc gia là phạm vi không gian được giới hạn bởi biên giới quốc gia, thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của một quốc gia. Lãnh thổ quốc gia Việt Nam bao gồm : vùng đất quốc gia, vùng biển quốc gia (nội thuỷ và lãnh hải), vùng trời quốc gia, ngoài ra còn gồm lãnh thổ quốc gia đặc biệt.
Vùng đất quốc gia (kể cả các đảo và quần đảo) là phần mặt đất và lòng đất của đất liền (lục địa), của đảo, quần đảo thuộc chủ quyền một quốc gia ; bộ phận quan trọng nhất cấu thành nên lãnh thổ quốc gia, làm cơ sở để xác định vùng trời quốc gia, nội thuỷ, lãnh hải. Vùng đất quốc gia có thể gồm những lục địa ở những điểm khác nhau (tách rời nhau), nhưng các vùng đất đó đều thuộc lãnh thổ thống nhất của quốc gia ; hoặc cũng có thể chỉ bao gồm các đảo, quần đảo ở ngoài biển hợp thành quốc gia quần đảo. Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, ven biển Thái Bình Dương, có vùng đất quốc gia vừa là đất liền, vừa là đảo, vừa là quần đảo, bao gồm từ đỉnh Lũng Cú, Hà Giang đến mũi Cà Mau ; các đảo như Phú Quốc, Cái Lân... và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Việt Nam có ba mặt trông ra biển: Đông, Nam và Tây Nam, với bờ biển dài 3.260 km, từ Móng Cái đến Hà Tiên. Phần Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía Đông và Đông Nam, có thềm lục địa, các đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc. Riêng Vịnh Bắc Bộ đã tập trung một quần thể gần 3.000 hòn đảo trong khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; các đảo Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vĩ; xa hơn là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phía Tây Nam và Nam có các nhóm đảo Côn Sơn, Phú Quốc và Thổ Chu.
Nội thuỷ là vùng biển nằm ở phía trong của đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải. Đường cơ sở là đường gãy khúc nối liền các điểm được lựa chọn tại ngấn nước thuỷ triều thấp nhất dọc theo bờ biển và các đảo gần bờ do Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định và công bố1. Vùng nước thuộc nội thuỷ có chế độ pháp lí như lãnh thổ trên đất liền. Nội thuỷ của Việt Nam bao gồm: Các vùng nước phía trong đường cơ sở; vùng nước cảng được giới hạn bởi đường nối các điểm nhô ra ngoài khơi xa nhất của các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của hệ thống cảng.
Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở, có chế độ pháp lí như lãnh thổ đất liền. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển. Trong lãnh hải, tàu thuyền của các quốc gia khác được hưởng quyền qua lại không gây hại và thường đi theo tuyến phân luồng giao thông biển của nước ven biển. Lãnh hải của Việt Nam bao gồm lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo. Nước ta có thềm lục địa rộng lớn, là vùng đất và lòng đất đáy biển kéo dài tự nhiên từ lãnh thổ đất liền ra đến bờ ngoài của rìa lục địa, giới hạn 200 hải lí tính từ đường cơ sở lãnh hải. Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với thềm lục địa; chủ quyền của nước ta đối với thềm lục địa là đương nhiên, không phụ thuộc vào việc có tuyên bố hay không.
Lãnh thổ quốc gia đặc biệt là loại lãnh thổ đặc thù của một quốc gia tồn tại hợp pháp trong lãnh thổ một quốc gia khác hoặc trên vùng biển, vùng trời quốc tế. Ví dụ như trụ sở làm việc và nơi ở của cơ quan đại diện ngoại giao.
Vùng trời quốc gia là khoảng không gian phía trên lãnh thổ quốc gia; là bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia và thuộc chủ quyền hoàn toàn của quốc gia đó. Việc làm chủ vùng trời quốc gia trên vùng lãnh thổ quốc gia đặc biệt được thực hiện theo quy định chung của công ước quốc tế.
Chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ một cách độc lập, toàn vẹn và đầy đủ về mọi mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp của một quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Quốc gia thể hiện chủ quyền của mình trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao.
Tất cả các nước, không tính đến quy mô lãnh thổ, dân số, chế độ xã hội, đều có chủ quyền quốc gia. Chủ quyền quốc gia là đặc trưng chính trị và pháp lí thiết yếu của một quốc gia độc lập, được thể hiện trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong hệ thống pháp luật quốc gia. Tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc khẳng định nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; không một quốc gia nào được can thiệp hoặc khống chế, xâm phạm chủ quyền của một quốc gia khác.
Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là một bộ phận của chủ quyền quốc gia, khẳng định quyền làm chủ của quốc gia đó trên vùng lãnh thổ của mình. Mỗi nước có toàn quyền định đoạt mọi việc trên lãnh thổ của mình, không được xâm phạm lãnh thổ và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Chủ quyền lãnh thổ quốc gia dừng lại ở biên giới quốc gia; mọi tư tưởng và hành động thể hiện chủ quyền quốc gia vượt quá biên giới quốc gia của mình đều là hành động xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác và trái với công ước quốc tế. Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là tuyệt đối, bất khả xâm phạm; tôn trọng chủ quyền lãnh thổ quốc gia là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ và luật pháp quốc tế.
2.1.2: Nội dung xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia
Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thực hiện tổng thể các giải pháp, biện pháp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh nhằm thiết lập và bảo đảm quyền làm chủ một cách độc lập, toàn vẹn và đầy đủ về mọi mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ, bao gồm vùng đất, vùng trời, nội thuỷ, lãnh hải và lãnh thổ đặc biệt của quốc gia. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là sử dụng tổng hợp các lực lượng và biện pháp chống lại sự xâm phạm, phá hoại dưới mọi hình thức để giữ gìn toàn vẹn chủ quyền nhà nước đối với lãnh thổ quốc gia. Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam là yêu cầu tất yếu, là nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nội dung của việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam gồm :
- Xây dựng, phát triển mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh của đất nước.
- Xác lập và bảo vệ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của Việt Nam trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong phạm vi lãnh thổ của mình.
- Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bao gồm vùng đất, vùng trời, nội thuỷ, lãnh hải và lãnh thổ đặc biệt của Việt Nam; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại, vi phạm chủ quyền, xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam.
- Bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ của đất nước, thống nhất về quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Đấu tranh làm thất bại mọi hành động chia cắt lãnh thổ Việt Nam; mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch cả bên trong lẫn bên ngoài hòng phá hoại quyền lực tối cao của Việt Nam.
Nội dung xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia gắn bó chặt chẽ và đặt trong tổng thể chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là trực tiếp góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2.2: XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA
2.2.1: Biên giới quốc gia
Luật biên giới quốc gia của Việt Nam năm 2004 xác định: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt phẳng thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Biên giới quốc gia của Việt Nam được xác định bằng hệ thống các mốc quốc giới trên thực địa, được đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ và thể hiện bằng mặt phẳng thẳng đứng theo lãnh thổ Việt Nam. Biên giới quốc gia Việt Nam bao gồm biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không, trong lòng đất.
Biên giới quốc gia trên đất liền là phân định lãnh thổ trên bề mặt đất liền của vùng đất quốc gia. Trong thực tế, biên giới quốc gia trên đất liền được xác lập dựa vào các yếu tố địa hình (núi, sông, suối, hồ nước, thung lũng...); thiên văn (theo kinh tuyến, vĩ tuyến); hình học (đường lối liền các điểm quy ước). Biên giới quốc gia trên đất liền được xác lập trên cơ sở thoả thuận giữa các quốc gia có lãnh thổ tiếp giáp với nhau và được thể hiện bằng các điều ước hoạch định biên giới giữa các quốc gia liên quan. Việt Nam có đường biên giới quốc gia trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Campuchia ở phía Tây, phía Đông giáp Biển Đông.
Biên giới quốc gia trên biển là phân định lãnh thổ trên biển giữa các quốc gia có bờ biển liền kề hay đối diện nhau; là ranh giới phía ngoài của lãnh hải. Biên giới quốc gia trên biển của quốc gia quần đảo là đường BGQG phân định lãnh thổ quốc gia với biển cả. Đối với các đảo của một quốc gia nằm ngoài phạm vi lãnh hải của quốc gia, biên giới quốc gia trên biển là đường ranh giới phía ngoài của lãnh hải bao quanh đảo.
Biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam, được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
Biên giới quốc gia trên không là biên giới phân định vùng trời giữa các quốc gia liền kề hoặc các vùng trời quốc tế, được xác định bởi mặt phẳng thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên trên vùng trời. Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển, việc xác lập biên giới quốc gia trên không có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền đối với vùng trời quốc gia. Đến nay chưa có quốc gia nào quy định độ cao cụ thể của biên giới quốc gia trên không.
Biên giới quốc gia trong lòng đất là phân định lãnh thổ quốc gia trong lòng đất phía dưới vùng đất quốc gia, nội thuỷ và lãnh hải, được xác định bởi mặt phẳng thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất. Độ sâu cụ thể của biên giới trong lòng đất được xác định bằng độ sâu mà kĩ thuật khoan có thể thực hiện. Đến nay, chưa có quốc gia nào quy định độ sâu cụ thể của biên giới trong lòng đất.
Khu vực biên giới là vùng lãnh thổ tiếp giáp biên giới quốc gia có quy chế, quy định đặc biệt do Chính phủ ban hành nhằm bảo vệ an toàn biên giới. Khu vực biên giới Việt Nam bao gồm: khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia Việt Nam trên đất liền; khu vực biên giới quốc gia Việt Nam trên biển được tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo; khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng mười kilômét tính từ biên giới Việt Nam trở vào.
2.2.2: Nội dung xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia
Xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là thực hiện tổng thể các biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên, môi sinh, môi trường, lợi ích quốc gia trên khu vực biên giới; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Do vị trí địa lí và chính trị, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, việc xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia luôn là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển đất nước. Xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là một nội dung của xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là một biện pháp hiệu quả chống lại sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Trong hoà bình, bảo vệ biên giới quốc gia là tổng thể các biện pháp mà hệ thống chính trị, xã hội, các lực lượng vũ trang khu vực biên giới áp dụng nhằm tuần tra, giữ gìn nguyên vẹn, chống lại sự xâm phạm biên giới quốc gia. Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách và làm nòng cốt trong bảo vệ biên giới quốc gia. Khi có xung đột hoặc chiến tranh, các biện pháp bảo vệ biên giới quốc gia được thể hiện rõ qua các trạng thái sẵn sàng chiến đấu: thường xuyên, tăng cường và cao.
Luật biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2004 xác định: “Xây dựng, quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là sự nghiệp của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lí. Nhà nước và nhân dân thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại”. Xây dựng, bảo vệ bao gồm các nội dung sau:
- Ưu tiên đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; có chính sách ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khu vực biên giới định cư ổn định, phát triển và sinh sống lâu dài ở khu vực biên giới; điều chỉnh dân cư theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.
- Tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại các cấp trên khu vực biên giới; phát triển kinh tế đối ngoại, tăng cường hợp tác nhiều mặt nhằm xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng.
- Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Sử dụng tổng hợp các lực lượng và biện pháp của Nhà nước chống lại sự xâm phạm, phá hoại dưới mọi hình thức để giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia.
- Bảo vệ tài nguyên, môi sinh, môi trường. Sử dụng tổng hợp các biện pháp đấu tranh ngăn chặn mọi hành động xâm phạm tài nguyên, đặc biệt là xâm phạm tài nguyên trong lòng đất, trên biển, trên không, thềm lục địa của Việt Nam. Ngăn chặn, đấu tranh với mọi hành động phá hoại, huỷ hoại, gây ô nhiễm môi sinh, môi trường khu vực biên giới, bảo đảm cho người Việt Nam, nhân dân khu vực biên giới có môi trường sinh sống bền vững, ổn định và phát triển lâu dài.
- Bảo vệ lợi ích quốc gia trên khu vực biên giới. Thực thi quyền lực chính trị tối cao (quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp) của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên khu vực biên giới ; chống lại mọi hành động xâm phạm về lợi ích kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước trên khu vực biên giới. Bảo đảm mọi lợi ích của người Việt Nam phải được thực hiện ở khu vực biên giới theo luật pháp Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định mà Việt Nam kí kết với các nước hữu quan.
- Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đập tan mọi âm mưu và hành động gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới quốc gia. Đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành động chia rẽ đoàn kết dân tộc, phá hoại sự ổn định, phát triển khu vực biên giới.
- Phối hợp với các nước, đấu tranh ngăn chặn mọi hành động phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước láng giềng. Trấn áp mọi hành động khủng bố, tội phạm xuyên biên giới quốc gia.
2.3: QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA VỀ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ, BIÊN GIỚI QUỐC GIA
2.3.1: Quan điểm
- Xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là một nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được hình thành và phát triển trong quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự kế thừa và phát triển mới Tổ quốc, đất nước, dân tộc và con người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước trong điều kiện mới.
Lãnh thổ và biên giới quốc gia Việt Nam là một bộ phận hợp thành quan trọng, không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lãnh thổ và biên giới quốc gia là yếu tố cơ bản bảo đảm cho sự ổn định, bền chắc của đất nước Việt Nam. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, bao gồm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong phạm vi lãnh thổ, gồm cả vùng đất, vùng trời, nội thuỷ, lãnh hải và lãnh thổ đặc biệt của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là một nội dung đặc biệt quan trọng của xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không thể thành công nếu chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia không được xây dựng và bảo vệ tốt, bị xâm phạm.
- Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
Lãnh thổ quốc gia Việt Nam là nơi sinh ra và lưu giữ, phát triển con người và những giá trị của dân tộc Việt Nam. Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu mới xây dựng nên, mới giữ gìn, bảo vệ được lãnh thổ quốc gia toàn vẹn, thống nhất và tươi đẹp như ngày hôm nay. Nhờ đó mà con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có thể tồn tại, sinh sống, vươn lên và phát triển một cách độc lập, bình đẳng với các quốc gia, dân tộc khác trong cộng đồng quốc tế; những giá trị, truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam được khẳng định, lưu truyền và phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu.
Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là kết quả đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử. Từ thủa Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh, đứng trước những kẻ thù to lớn và hung bạo, dân tộc Việt Nam luôn có ý thức và quyết tâm bảo vệ. Dù phải trải qua hàng chục cuộc chiến tranh lớn nhỏ, phải chịu dưới ách đô hộ của các thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc, người Việt Nam luôn phất cao hào khí anh hùng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong dựng nước và giữ nước, xây dựng và giữ gìn biên cương lãnh thổ quốc gia, xây dựng và BVTQ. Tư tưởng “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, của ông cha ta được tiếp nối, khẳng định và nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia Việt Nam là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam. Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ gìn và bảo vệ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đó. Luật biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước”.
- Xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định ; giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán hoà bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau.
Xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định là vấn đề đặc biệt quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và luật pháp của Việt Nam, phù hợp với công ước và luật pháp quốc tế, cũng như lợi ích của các quốc gia có liên quan. Đảng và Nhà nước ta coi việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của đất nước.
Trong giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, biên giới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau.
Về những vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên bộ, trên biển do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Việt Nam luôn sẵn sàng thương lượng hòa bình để giải quyết một cách có lí, có tình”. Việt Nam ủng hộ việc giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng trong khu vực thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Nhưng Việt Nam cũng sẵn sàng tự vệ chống lại mọi hành động xâm phạm lãnh thổ đất liền, vùng trời, vùng biển và lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, quan điểm nhất quán của Việt Nam là: Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lí về vấn đề này. Tuy nhiên, vì lợi ích an ninh chung của các bên hữu quan, Việt Nam sẵn sàng đàm phán hoà bình để giải quyết, trước mắt là đạt tới sự thoả thuận về “Bộ quy tắc ứng xử” trong khi tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
-.Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang là nòng cốt.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thống nhất quản lí việc xây dựng, quản lí, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; có chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.
2.2.2: Trách nhiệm công dân trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Mọi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia Việt Nam.
Trách nhiệm của công dân Việt Nam đối với xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia Việt Nam được Nhà nước ban hành cụ thể trong Hiến pháp và luật. Điều 44, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi) quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Công dân phải làm đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định”. Điều 1, Luật nghĩa vụ quân sự chỉ rõ: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân”. Điều 10, Luật biên giới quốc gia cũng xác định: “Xây dựng, quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là sự nghiệp của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lí”.
Thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, mọi công dân Việt Nam phải :
- Mọi công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hoá, nơi cư trú đều có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi) nêu rõ: “Mọi âm mưu và hành động chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều bị nghiêm trị theo pháp luật”. Đồng thời phải luôn nâng cao ý thức quốc phòng, an ninh, xây dựng ý thức, thái độ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc; có những hành động thiết thực góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, trước hết thực hiện nghiêm và đầy đủ Luật Quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quân sự, thực hiện nghiêm chỉnh các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. “Công dân phải trung thành với Tổ quốc, làm nghĩa vụ quân sự, được giáo dục về quốc phòng và huấn luyện về quân sự; tham gia dân quân tự vệ, phòng thủ dân sự ; chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền khi đất nước có tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng”.
2.2.3:Trách nhiệm của sinh viên trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia
- Sinh viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt, hiểu biết sâu sắc về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; từ đó xây dựng, củng cố lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự chủ, tự lập, tự cường, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
- Thấy rõ ý nghĩa thiêng liêng, cao quý và bất khả xâm phạm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xác định rõ vinh dự và trách nhiệm của công dân trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Thực hiện tốt những quy định về chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh đối với sinh viên trong Học viện; hoàn thành tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời gian học tập tại Học viện.
- Sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi Nhà nước và người có thẩm quyền huy động, động viên. Sau khi tốt nghiệp, sẵn sàng tự nguyện, tự giác tham gia quân đội nhân dân, công an nhân dân khi Nhà nước yêu cầu. Tích cực, tự giác, tình nguyện tham gia xây dựng và phục vụ lâu dài tại các khu kinh tế - quốc phòng, góp phần xây dựng khu vực biên giới, hải đảo vững mạnh, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thực hiện nghiêm chỉnh Luật biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Mọi công dân Việt Nam đều có nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Là sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia đối với sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, học tập tốt, thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tại Học viện, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
III - CÂU HỎI ÔN TẬP
1.Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là gì ? Nội dung xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia như thế nào ?
2. Biên giới quốc gia là gì? Nội dung xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là như thế nào ?
3. Trình bày quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia ? Liên hệ trách nhiệm của công dân ?
Từ khóa » Nội Dung Xây Dựng Bảo Vệ Biên Giới Quốc Gia
-
Biên Giới Quốc Gia Là Gì? Nội Dung Và Vai Trò Xây Dựng Và Bảo Vệ ...
-
Xây Dựng, Quản Lý, Bảo Vệ Biên Giới Quốc Gia, Khu Vực Biên Giới
-
Quan điểm Của Đảng, Nhà Nước Về Biên Phòng Và Sự Vận Dụng ...
-
Xây Dựng Thế Trận Lòng Dân Trong Sự Nghiệp Quản Lý, Bảo Vệ Biên ...
-
Bài 8 XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO, BIÊN GIỚI ...
-
[PDF] Phê Duyệt - Trung Tâm Giáo Dục Quốc Phòng Và An Ninh - Đại Học Huế
-
Toàn Dân Tham Gia Bảo Vệ Chủ Quyền, Lãnh Thổ Biên Giới Quốc Gia ...
-
Chung Tay Bảo Vệ Chủ Quyền Lãnh Thổ, An Ninh Biên Giới Quốc Gia
-
Luật Biên Giới Quốc Gia 2003, Mới Nhất 2021 - LuatVietnam
-
Truyền Thông Xã Hội Trong Tuyên Truyền Bảo Vệ Chủ Quyền, An Ninh ...
-
Một Trong Những Nội Dung Bảo Vệ An Ninh Biên Giới Là Gì? - Luật Sư X
-
[DOC] BIÊN GIỚI QUỐC GIA VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIÊN GIỚI
-
Giải Quyết Các Vấn đề Biên Giới, Lãnh Thổ Của Việt Nam