Bài 2: Cầu Vượt Sông Hồng: Tạo Diện Mạo đột Phá Cho Thủ đô

Bài 2: Cầu vượt bắc qua sông Hồng: Góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Ảnh: VGP/Diệu Anh

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.

Tạo các "mạch nối" duy trì sự liên thông giữa khu vực hai bên sông Hồng

Thưa ông, ông nhận định như thế nào về hệ thống cầu vượt sông Hồng của Hà Nội hiện nay ?

Ông Nguyễn Trúc Anh: Sông Hồng chảy qua địa bàn TP. Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 120 km, trong đó đoạn chảy qua khu vực đô thị trung tâm (giới hạn bởi đường vành đai 4) có chiều dài khoảng 40 km.

Hiện có 6 cây cầu bắc qua sông (Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì) với chiều dài cầu từ 1,7 km (Long Biên, Chương Dương) cho đến hơn 3 km (Vĩnh Tuy, Thanh Trì). Trong đó, có 2 cầu được sử dụng chung cho đường bộ và đường sắt (Thăng Long và Long Biên).

Các cây cầu qua sông Hồng được xây dựng và hình thành gắn với quá trình phát triển đô thị của Thủ đô, trong đó cầu Long Biên được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX (năm 1898), đã qua 5 lần cải tạo sửa chữa.

Ngoài các cây cầu mới được đầu tư xây dựng trong thời gian gần đây (như cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy – đang triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2), các cây cầu còn lại về cơ bản đang phục vụ ở mức độ quá tải, không đáp ứng nhu cầu đi lại. Trong đó, cầu Long Biên và Thăng Long không bảo đảm yêu cầu về cao độ tĩnh không thông thuyền theo quy định hiện hành.

Quy mô chiều rộng các cây cầu này cơ bản nhỏ hơn so với các tuyến đường mới được đầu tư xây dựng 2 đầu cầu nên là một trong các nguyên nhân gây ùn tắc. Vị trí các cây cầu có khoảng cách khá xa nhau làm giảm khả năng kết nối giữa các khu vực 2 bên bờ sông Hồng.

Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hà Nội sẽ tập trung vào việc khép kín các vành đai, bổ sung kết nối các tuyến hướng tâm và đặc biệt là xây dựng thêm một số cây cầu vượt sông Hồng. Theo ông, những cây cầu này sẽ có động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và diện mạo đô thị của Thủ đô như thế nào?

Ông Nguyễn Trúc Anh: Trong định hướng cấu trúc phát triển không gian đô thị của Thành phố trung tâm, sông Hồng đã xác định là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.

Cùng với việc đầu tư phát triển tại khu vực đô thị hiện hữu phía nam sông Hồng, tại khu vực Bắc sông Hồng (Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm) gắn với sân bay Nội Bài và hành lang kinh tế dọc đường 18, Quốc lộ 3... sẽ từng bước hình thành các trung tâm mới có chức năng dịch vụ - thương mại - tài chính, với hạt nhân là các khu đô thị Mê Linh, Đông Anh; và các chức năng dịch vụ hỗ trợ, phát triển công nghệ cao, logistic... dọc hành lang kinh tế Hà Nội-Hải Phòng. Tổng diện tích phát triển đô thị khoảng 23.500 ha (dân số dự kiến khoảng 2 triệu dân).

Cùng với các chương trình, kế hoạch, đề án dự án đầu tư phát triển hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật khung trên địa bàn Thành phố thì việc đầu tư xây dựng để hình thành các cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống chính là việc tạo các mạch nối để bảo đảm duy trì sự kết nối liên thông giữa các khu vực hai bên sông Hồng; góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo diện mạo mới có tính đột phá về phát triển cho các khu vực phía bắc sông Hồng theo đúng định hướng quy hoạch.

Bài 2: Cầu vượt bắc qua sông Hồng: Góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô - Ảnh 2.

Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo được đặt tên Infinity Hanoi, mang ý nghĩa "Hà Nội Không giới hạn" đoạt giải Nhất cuộc thi tuyển chọn vừa diễn ra.

Cần đáp ứng công năng, tính thẩm mỹ

Theo bản Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mới công bố, Hà Nội sẽ có thêm 6 cây cầu mới bắc qua sông Hồng. Việc đầu tư xây dựng thêm các cầu vượt sông Hồng, theo ông cần chú ý những yếu tố nào?

Ông Nguyễn Trúc Anh: Trong khu vực đô thị trung tâm, ngoài 6 cây cầu đường bộ hiện có (Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì), Thành phố sẽ tiếp tục từng bước đầu tư xây dựng mới 6 cầu đường bộ (Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở và mở rộng hoặc xây mới cầu Thăng Long) cùng với 5 cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng (theo các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 4, 7, 8) theo quy hoạch.

Các cây cầu vượt sông dự kiến xây dựng mới sẽ được nghiên cứu thiết kế, đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, phương án kiến trúc của cầu, giải pháp quy hoạch các nút giao thông đầu cầu sẽ được tổ chức thi tuyển bảo đảm đáp ứng các tiêu chí về kiến trúc, công nghệ, kỹ thuật, kinh tế... được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.

Các cây cầu vượt sông Hồng khi đầu tư xây dựng cần chú ý nhất đến các vấn đề về công năng (cần bảo đảm đa chức năng, đa mục tiêu, có thể xem xét kết hợp các cầu đường sắt với cầu đường bộ, khai thác cảnh quan, du lịch khu vực bãi giữa, dọc hai bên bờ sông...) và tính thẩm mỹ (có ý tưởng thiết kế kiến trúc độc đáo, riêng biệt tạo điểm nhấn về kiến trúc trong không gian cảnh quan của khu vực).

Về quy mô cầu cần đáp ứng yêu cầu sử dụng trong thời gian dài vì việc mở rộng kết cấu công trình cầu qua sông không dễ dàng.

Trong quá trình thiết kế xây dựng các cây cầu thì yếu tố thẩm mỹ, mỹ quan cũng rất quan trọng. Vậy ông có nhìn nhận như thế nào về yếu tố này cho những cây cầu sắp tới như cầu Trần Hưng Đo, cầu Tứ Liên…?

Ông Nguyễn Trúc Anh: Yêu cầu về thiết kế kiến trúc công trình cầu là một trong 6 yêu cầu (quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật, giải pháp công nghệ, duy tu bảo dưỡng, hiệu quả kinh tế) đặt ra khi xem xét, phê duyệt nhiệm vụ thiết kế các cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống.

Các cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên đã được UBND Thành phố tổ chức thi tuyến phương án kiến trúc là những cây cầu có vị trí đặt tại các khu vực có ý nghĩa lịch sử, kết nối các khu vực quan trọng, không gian lớn nên yêu cầu về kiến trúc cũng đã xác định bảo đảm các yếu tố, đó là:

Là công trình kiến trúc tiêu biểu, điểm nhấn về cảnh quan, có biểu tượng và tạo dựng thương hiệu của TP. Hà Nội.

Hài hòa với cảnh quan dọc hai bên sông Hồng, có ý tưởng đặc biệt, có bản sắc riêng khác với công trình cầu khác trên sông Hồng, không trùng lặp với các ý tưởng và phương án thiết kế của các cầu hiện có tại Việt Nam và thế giới.

Chú trọng tính hình tượng: Độc đáo – Biểu tượng – Truyền thống và có tính khả thi cao, hiệu quả kinh tế, có bố trí chiếu sáng trang trí nổi bật, tạo điểm hút du lịch...

Tùy theo vị trí, tính chất, chức năng và quy mô của từng cây cầu vượt sông Hồng trong phạm vi khu vực Thành phố trung tâm sẽ có các yêu cầu thiết kế cụ thể khác nhau, nhưng xuyên suốt sẽ vẫn là các yêu cầu về tính thẩm mỹ, độc đáo của phương án kiến trúc để xem xét đánh giá, chấm chọn phương án kiến trúc trong quá trình nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng theo đúng các quy định hiện hành.

Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa việc biến ý tưởng xây dựng đô thị hiện đại hướng ra sông Hồng, soi bóng xuống sông Hồng… điều mong mỏi này là tất yếu. Vậy ông kỳ vọng như thế nào về những cây cầu mới này?Thành phố đang sẽ có những chỉ đạo như thế nào để những cây cầu này nhanh chóng đi vào xây dựng và hoàn thiện?

Ông Nguyễn Trúc Anh: Các cầu vượt sông Hồng là các công trình có chức năng quan trọng trong hệ thống giao thông khung của Thủ đô như đã phân tích ở trên. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu vượt sông là một trong những tiền đề để bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội đồng bộ giữa các khu vực trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, bảo đảm yêu cầu kết nối phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân giữa các khu vực Thành phố hai bên sông và cần sớm được triển khai đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, các công trình cầu vượt sông là những công trình có quy mô và nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thi công lâu (nhưng rất thuận lợi về mặt bằng). Nguồn lực đầu tư công của Thành phố hiện nay là rất hạn chế, phải phân bổ cho nhiều công trình, dự án đầu tư quan trọng khác trên địa bàn Thành phố nên việc đề xuất nguồn vốn, mô hình đầu tư, khai thác sử dụng là rất quan trọng, cần được sớm quan tâm, xem xét.

Trân trọng cảm ơn ông!

Diệu Anh (thực hiện)

Từ khóa » Cầu Mới Bắc Qua Sông Hồng