Bài 2: Chủ Nghĩa Tư Bản Vẫn Chưa Vượt Qua được Những Thách Thức ...

3. Thất nghiệp trở thành căn bệnh kinh niên của chủ nghĩa tư bản

Hơn bốn thế kỷ qua cho đến nay, đầu thế kỷ XXI, chưa bao giờ các nước tư bản chủ nghĩa dù là phát triển nhất có thể giải quyết vấn nạn thất nghiệp. Nhìn lại những chương trình tranh cử của các chính khách, hầu hết họ đều cố gắng đưa ra lời hứa giảm tỉ lệ thất nghiệp từ 0,5 đến 1% mà thôi.

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong số 200 triệu người thất nghiệp trên toàn thế giới, có tới 73,3 triệu là thanh niên. ILO cũng cảnh báo về một thế hệ trẻ bị tổn thương do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thanh niên không được đào tạo, không tìm được các việc làm phù hợp, có chất lượng và thực trạng việc làm bấp bênh tại các quốc gia phát triển, cũng như sự gia tăng số lao động nghèo tại các nước đang phát triển.

Tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên cộng với chất lượng việc làm không cao kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Thứ nhất, làm suy yếu đáng kể tiềm lực kinh tế quốc gia. Khi thất nghiệp gia tăng, chính phủ các nước phải chi một khoản tiền khổng lồ để trợ cấp thất nghiệp, giúp người thất nghiệp thoát khỏi những khó khăn trước mắt về kinh tế. Tuy nhiên, đó chỉ là các gói hỗ trợ ngắn hạn, tạm thời cho người thất nghiệp khi chưa tìm được việc làm, với điều kiện người lao động trước đó tự nguyện đóng bảo hiểm thất nghiệp, không có một nền kinh tế nào có thể trả lương thất nghiệp lâu dài và thường xuyên cho người lao động. Do vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao là một thách thức to lớn cho ngân sách, an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Thứ hai, làm gia tăng nguy cơ bất ổn trong xã hội; đồng thời, làm suy yếu sự liên kết giữa gia đình và xã hội, cũng như lòng tin đối với các chính sách của chính phủ. Thất nghiệp ở thanh niên không chỉ là vấn đề của thanh niên mà là của cả cộng đồng. Khi không có việc làm hoặc thiếu việc làm, thanh niên phải sống phụ thuộc vào gia đình và sự trợ cấp thất nghiệp của nhà nước. Việc làm và thu nhập của thanh niên không ổn định là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự bất ổn trong gia đình, thậm chí dẫn đến nạn bạo hành gia đình và trong cộng đồng; và đây cũng được cho là nguyên nhân thất nghiệp cao trong thanh niên làm gia tăng tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút,...

Theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới – Xu hướng năm 2022 của ILO, mặc dù số liệu dự báo mới nhất này cho thấy tình hình có cải thiện hơn so với năm 2021 nhưng tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước Covid-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019. Báo cáo của ILO cũng lưu ý rằng tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể so với những gì được thể hiện bởi những con số này do nhiều người đã rời khỏi lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Còn tại nước Mỹ, tỷ lệ người bị rơi vào cảnh thất nghiệp của quốc gia có nền kinh tế số 1 thế giới vẫn ở mức cao.

Ngày 8/5/2020, Bộ Lao động Mỹ thông báo tỉ lệ thất nghiệp trung bình toàn nước Mỹ trong tháng 4 là 14,7% với 20,5 triệu việc làm bị mất.

4. Chủ nghĩa tư bản độc quyền không thể giải quyết được vấn đề khủng hoảng môi trường toàn cầu

Kinh doanh tư bản chủ nghĩa bao giờ cũng đặt lợi nhuận cao hơn vấn đề bảo vệ môi trường. Các công ty tư bản sẵn sàng phá hủy môi trường sinh thái để có được lợi nhuận. Sự phát triển của khoa học công nghệ ngày càng cho thấy rõ nguy cơ về môi trường là vấn đề toàn cầu và thủ phạm gây ô nhiễm chủ yếu chính là các tập đoàn tư bản lớn.

Môi trường toàn cầu đang có chiều hướng ngày càng xấu đi và có ảnh hưởng nhất định đến sự tồn vong của con người. Và con người đang đứng trước những vấn nạn lớn về môi trường toàn cầu.

Vấn nạn thứ nhất: ô nhiễm đất

Trên toàn thế giới đang có xu hướng tăng hiện tượng đất bị ô nhiễm, bởi: một là, do con người quá lạm dụng hoặc do tác động phụ của việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng khác. Mỗi năm, trên thế giới có hàng nghìn hóa chất mới được đưa vào sử dụng trong khi con người vẫn chưa hiểu biết hết tác động phụ của chúng đối với hệ sinh vật. Hai là, không xử lý đúng kỹ thuật các chất thải công nghiệp và sinh hoạt khác của người và súc vật, hoặc các xác sinh vật chết gây ra... Ô nhiễm đất làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng, hủy diệt sự sống một số sinh vật trong những khu vực ô nhiễm nặng, đồng thời còn đe dọa đến sức khỏe con người thông qua vật nuôi, cây trồng, thậm chí gây ra những biến dạng sinh thái và di truyền nặng nề cho hệ sinh sống.

Vấn nạn thứ hai: ô nhiễm nguồn nước

Sự ô nhiễm các nguồn nước đang gia tăng do thiếu biện pháp xử lý cần thiết các loại rác thải sinh hoạt và công nghiệp; do các hóa chất dùng trong nông nghiệp và các nguồn nhiễm xạ, nhiễm bẩn từ các nguyên vật liệu khác dùng trong sản xuất; ô nhiễm do các loài thực vật nổi trên mặt nước sinh sôi mạnh làm động vật biển chết hàng loạt do thiếu ô xy.

Hiện nay, có từ 40-50% lưu lượng ổn định của các dòng sông trên quả đất bị ô nhiễm. Độ ô nhiễm nguồn nước trên thế giới có thể tăng 10 lần trong vòng 25 năm tới. Bên cạnh đó, theo ước tính của giới khoa học thì, có khoảng 96,5% nước trên quả đất là nước mặn nằm trong các đại dương. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng nước sạch ngày càng tăng nhanh do sự gia tăng dân số và yêu cầu phát triển sản xuất. Có thể nói, sau nguy cơ về dầu mỏ, loài người đã, đang và sẽ phải đối mặt với nguy cơ phổ biến là thiếu nguồn nước sạch cần thiết để duy trì và phát triển đời sống kinh tế - xã hội của mình.

Vấn nạn thứ ba: ô nhiễm không khí

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, hiện có tới 50% dân số thànhthị trên thế giới sống trong môi trường không khí có mức khí SO2 vượt quá tiêu chuẩn và hơn 1 tỉ người đang sống trong môi trường có bụi than, bụi phấn vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Sự ô nhiễm không khí có thể trực tiếp giết chết hoặc hủy hoại sức khỏe các sinh vật sống, gây ra “hiệu ứng nhà kính” và các trận mưa a xít không biên giới làm biến dạng và suy thoái môi trường, hủy diệt hệ sinh thái.

Vấn nạn thứ tư: tài nguyên biển đang bị khai thác bừa bãi, rừng bị thu hẹp dần cùng với sự gia tăng đất bị sa mạc hóa

Biển càng ngày càng trở thành cái thùng rác lớn nhất của quả đất nên ngày càng bị ô nhiễm nặng. Thêm vào đó là sự khai thác bừa bãi, mù quáng quá mức cho phép của con người. Cùng với biển, rừng đang ngày càng bị thu hẹp dần. Tốc độ phá rừng ở nhiều quốc gia trên thế giới đang ở mức độ chóng mặt. Rừng bị thu hẹp kéo theo những tai họa khổng lồ mang tính chất toàn cầu như làm biến dạng hệ sinh thái, tăng nguy cơ khan hiếm nước, thay đổi khí hậu và gia tăng các tai họa thiên nhiên.

Tình trạng sa mạc hóa kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm phóng xạ, bức xạ, sự mất ổn định về khí hậu... đều gây hại trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe và di truyền của sinh vật, thực vật sống, trong đó có con người. Hậu quả thật khủng khiếp và khó lường.

Gần đây, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước chung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) – từ 31/10 đến 13/11/2021 tại Vương quốc Anh đã khép lại gần 2 tuần đàm phán căng thẳng, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow. Theo đó, các bên khẳng định lại mục tiêu dài hạn để khống chế nhiệt độ trung bình trên toàn cầu tăng ở ngưỡng dưới 20C và theo đuổi các nỗ lực hạn chế ở mức tăng 1,50C (so với mức thời kỳ tiền công nghiệp). Mục tiêu này sẽ giúp giảm đáng kể những rủi ro và tác động mà biến đổi hậu gây ra.

Dù vậy, theo Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres: "Kết quả của COP26 là một sự thỏa hiệp, phản ánh những mối quan tâm, mâu thuẫn và quyết tâm chính trị trên thế giới ngày nay. Đây là một bước tiến quan trọng, song vẫn chưa đủ. Đã đến lúc phải kích hoạt chế độ khẩn cấp”. Có thể khẳng định, thế giới vẫn đang đứng bên bờ vực thảm họa - một thách thức mà chủ nghĩa tư bản chưa thể vượt qua.

Thay thế chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản ra đời, phát triển là một bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại. Hơn 400 năm chủ nghĩa tư bản đã tạo ra khối lượng của cải vật chất gấp nhiều lần so với các chế độ xã hội trước đó cộng lại. Tuy nhiên để tồn tại, hơn 400 năm dù đã luôn cố gắng điều chỉnh, thay đổi để bước qua những khó khăn, vấn nạn nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn chưa vượt qua được những thách thức tự thân của nó. Những mâu thuẫn trong chính chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết nếu không phủ định nó.

Nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty viết: “Mâu thuẫn then chốt của chủ nghĩa tư bản: một nền kinh tế thị trường dựa trên tài sản tư nhân, nếu để tự nó vận hành, sẽ chứa đựng những lực tác động mạnh mẽ dẫn đến sự hội tụ, đặc biệt là liên quan đến sự truyền bá kiến thức và kỹ năng; nhưng nó cũng chứa đựng lực tác động mạnh mẽ gây phân hóa, và đây cũng là những tác động có tiềm năng đe dọa đến các xã hội dân chủ và các giá trị công bằng xã hội vốn là nền tảng của những xã hội đó”[1].

Phạm Đức Hải

______________

[1] Thomas Piketty, Tư bản thế kỷ 21, Nhà xuất bản Trẻ, 2021, trang 721.

Bài 1: Khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, sự phân hóa giàu - nghèo trở nên không thể khắc phục

Từ khóa » Trong Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì