Chủ Nghĩa Tư Bản Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa - Tạp Chí Cộng Sản
Có thể bạn quan tâm
TCCS - Chủ nghĩa tư bản thực hiện được một bước phát triển thì cũng tạo ra những gì không dung được với chính nó. Từ góc nhìn này, chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa thực sự là "chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa tư bản", là "chủ nghĩa tư bản hướng tới hậu tư bản, phi tư bản".
Chủ nghĩa tư bản độc quyền quốc tế
Từ đầu thập niên 80 thế kỷ XX đến nay, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa thúc đẩy chủ nghĩa tư bản hiện đại chuyển sang giai đoạn độc quyền quốc tế (độc quyền xuyên quốc gia). Nó triệt để tận dụng ưu thế về thực lực mọi mặt nhằm bành trướng thế lực trên quy mô toàn cầu với mục đích cố hữu là thu lợi nhuận độc quyền cao. Thực tế cho thấy, bình quân tỷ suất chiếm đoạt lợi nhuận trong các nước tư bản phát triển là 300%, cá biệt có những nơi lên tới 700% - 800%. Do đó về thực chất, "nhà nước phúc lợi", "chủ nghĩa tư bản nhân dân", "chủ nghĩa tư bản xã hội"... không phải là biện pháp đổi mới triệt để chất lượng cuộc sống người lao động, xóa bỏ nghèo khổ, mà là để duy trì sự nghèo khổ trong trật tự. Xã hội tư bản hiện đại luôn có từ 15% - 20% dân cư nghèo khổ, cho dù chính phủ luôn tuyên bố "tấn công" vào nghèo đói. Đây là một mô hình cơ cấu tự nhiên của xã hội tư bản chứ không phải là điều nhất thời. Chương trình phúc lợi không phải để giảm nghèo túng mà để chịu được cảnh nghèo túng(1).
Trào lưu chủ nghĩa tự do mới ra đời (các đại diện tiêu biểu là R. Ri-gân và M. Thát-chơ), trở thành căn cứ lý luận để chủ nghĩa tư bản (CNTB) lũng đoạn quốc tế bành trướng ra toàn cầu. Sự bùng nổ mạng lưới các công ty xuyên quốc gia và internet làm cho thị trường toàn cầu trở thành công xưởng toàn cầu, tạo cơ sở vật chất to lớn để CNTB thực hiện tham vọng lũng đoạn, khống chế toàn cầu. Chủ trương cơ bản của chủ nghĩa tự do mới là tư nhân hóa mạnh mẽ tất cả những gì tư nhân làm có lợi hơn là chính phủ làm; giảm thuế, tài trợ kích thích tư nhân đầu tư; giảm mạnh chi tiêu phúc lợi xã hội, tạo điều kiện tăng lợi nhuận cho giới tư nhân kinh doanh. Qua đó, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ mới, tạo ra sự nhảy vọt của lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế tri thức ở các nước tư bản phát triển. Sự bành trướng của CNTB độc quyền quốc tế ra phạm vi toàn cầu càng được đẩy mạnh sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan vỡ. Khái niệm chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa xuất hiện để chỉ sự phát triển CNTB trong điều kiện toàn cầu hóa và nó được biểu hiện trên các mặt chủ yếu sau:
Thứ nhất, làn sóng tư bản hóa lan khắp toàn cầu, đẩy chủ nghĩa tư bản chuyển nhanh sang giai đoạn lũng đoạn quốc tế và toàn cầu.
Thứ hai, kinh tế thị trường hóa lan ra toàn cầu, các nước phương Tây ra sức hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường, các nước khác đua nhau xác lập nền kinh tế thị trường.
Thứ ba, trong tiến trình tự do hóa kinh tế thì tự do hóa tài chính được chú ý nhất, trở thành đòn bẩy để tư bản lũng đoạn quốc tế khống chế kinh tế toàn cầu. Tự do hóa về tài chính bao gồm những vấn đề như: thực hiện tự do hóa hoàn toàn về lãi suất, đa nguyên hóa nghiệp vụ ngân hàng, mở cửa thị trường tài chính đối ngoại, tự do hóa giao dịch ngoại hối...
Thứ tư, nhất thể hóa toàn cầu nhằm thống nhất toàn cầu của tư bản về thể chế kinh tế, chính trị và văn hóa, mà thực chất có người coi đó là Mỹ hóa và phương Tây hóa.
Các chủ trương của chủ nghĩa tự do mới được thực hiện mạnh mẽ đem lại một bước phát triển mới trong CNTB, song những mâu thuẫn vốn có của nó lại bộc lộ trầm trọng thêm. Chẳng hạn, chi phí của Chính phủ Mỹ không giảm mà tăng lên nhiều, R. Ri-gân chưa lên cầm quyền thì Nhà nước Mỹ nợ mấy trăm tỉ USD, nhưng kết thúc nhiệm kỳ thì nợ hơn 4 nghìn tỉ. Ngân sách quân sự từ 192 tỉ năm 1981 tăng lên 370 tỉ năm 1988, đến thời G.W Bu-sơ (con) tăng lên gần 600 tỉ USD năm 2008, cùng với việc Mỹ sa lầy trong cuộc chiến ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan... Điều này đã làm "méo mó" nền kinh tế và đời sống xã hội Mỹ. Giảm phúc lợi công cộng đi đôi với tăng đóng góp của người lao động, gây ra bất bình lớn trong xã hội. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trầm trọng bắt đầu từ nước Mỹ (từ tháng 8-2007) lan rộng ra toàn cầu trong mấy năm qua làm nổi rõ những bất ổn trong cấu trúc kinh tế tư bản và những nan giải mà các định chế kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Nó cho thấy sự phá sản của chủ nghĩa tự do mới, khi quá nhấn mạnh "bàn tay vô hình, vạn năng" điều tiết của thị trường tự do, đồng thời phản ánh sự bất cập không chỉ trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, mà cả lĩnh vực sản xuất của CNTB. Hầu như tất cả các nước tư bản phát triển từ năm 2008 đến nay đều quay trở lại nhấn mạnh vai trò điều tiết của nhà nước, tung ra hàng loạt gói kích cầu rất lớn để giải cứu, vực dậy nền kinh tế. Điều đó thực chất không thể nào khác là cứu nguy cho giới chủ tư bản, bằng cách chủ yếu dùng ngân sách từ nguồn thu thuế của người dân lao động. Đây là điểm thuộc bản chất không thay đổi của nhà nước trong CNTB nói chung, CNTB toàn cầu hóa nói riêng.
Chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa được coi là giai đoạn mới của CNTB độc quyền quốc tế, nó có những cách thức tồn tại và hình thức thống trị mới nhưng không thay đổi về bản chất. Tính chất phức tạp và gay gắt của đấu tranh giai cấp trong xã hội tư bản đương đại có nhiều nét mới, nhưng trọng tâm vẫn xoay quanh mối quan hệ giữa lao động làm thuê và giới chủ tư bản. Đối diện với khối nhân dân lao động trí óc và chân tay đông đảo là giai cấp các nhà tư bản. Giai cấp này vẫn là giai cấp thống trị, là giới chủ trong xã hội, có vai trò chi phối nhà nước, nhưng nó cũng có sự phân tầng theo một cách mới, không hoàn toàn giống với nửa đầu thế kỷ XX. Mối quan hệ giữa lao động và tư bản về bản chất mang tính chất đối kháng. Giai cấp tư sản cầm quyền hiểu rất rõ điều này và luôn tìm cách điều chỉnh, hướng chủ yếu là "xả van an toàn", ngăn chặn khả năng bùng nổ các đối kháng, tạo ra một sự ổn định xã hội tương đối cho trật tự tư bản chủ nghĩa. Tận dụng được cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và do những nguyên nhân khác nữa, CNTB toàn cầu hóa giải quyết được một số vấn đề nhất định về việc làm và thu nhập cho người lao động. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế- tài chính toàn cầu hiện nay cho thấy rõ: việc bảo đảm cho người lao động có công ăn việc làm ổn định, yên tâm đối với cuộc sống tương lai theo thân phận người lao động của mình thì CNTB toàn cầu hóa không thể làm được. Nỗi lo lắng cho ngày mai trở thành nỗi lo lắng thường trực hơn, không chỉ đối với người lao động chân tay, mà cả đối với người lao động trí óc. Điều đó có liên quan đến đặc điểm của khủng hoảng kinh tế, cái tất yếu kinh tế của CNTB.
Vẫn diễn ra các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ
Trong CNTB toàn cầu hóa, các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ vẫn diễn ra tuy không kéo dài như trước nhưng diễn biến lại phức tạp hơn, ranh giới giữa giai đoạn tiêu điều và phục hồi không thật rõ rệt. Vật giá leo thang ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tiêu điều, còn trong giai đoạn phục hồi thì mức tăng của sản xuất cũng rất thấp, tình trạng ngưng trệ hầu như diễn ra dài hơn... Với chu kỳ tái sản xuất ngắn hơn nên nạn thất nghiệp trở nên thường xuyên hơn, sự bần cùng hóa tuyệt đối luôn diễn ra với một bộ phận không nhỏ công nhân và lao động làm thuê. Ngoài khủng hoảng kinh tế chu kỳ, trong CNTB hiện còn song hành khủng hoảng cơ cấu và khủng hoảng thể chế quản trị - điều tiết kinh tế. Những hình thức của khủng hoảng cơ cấu là sự mất cân đối nghiêm trọng nền kinh tế do các nhân tố không có tính chất chu kỳ tạo ra như: khủng hoảng năng lượng, nguyên liệu (giá tăng vọt), khủng hoảng tài chính - tiền tệ thế giới, khủng hoảng tín dụng, nợ nần quốc tế, lạm phát mang tính thế giới... Trong hầu như tất cả các nước tư bản hàng đầu hiện nay đều lâm vào tình trạng nợ và lạm phát nghiêm trọng. Từ thực tế này, tạp chí BusinessWeek vừa đưa ra danh sách những nước có tỷ lệ nợ so với GDP và thâm hụt ngân sách dự kiến ở mức nguy hiểm trong năm 2010, trong đó, Nhật Bản có tỷ lệ nợ so với GDP (năm 2009) là 227%, thâm hụt ngân sách 2010 (dự kiến): -10,2%; các tỷ lệ tương ứng được dự kiến của Mỹ là: 93,6% và -9,9%, của Đức là: 84,5% và -4,6%, của Pháp là: 82,6% và -7,1%, của I-ta-li-a là: 120,1% và -5,6%, v.v...(2) Mặt khác, trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ và toàn cầu hóa, không chỉ những công nhân lớn tuổi mới bị đẩy vào đội ngũ thất nghiệp thường xuyên, mà ngay cả những công nhân, những người lao động trí óc trung niên, có bằng cấp, còn sức khỏe vẫn có nguy cơ thất nghiệp hoặc khó kiếm việc làm mới. Đây là tình trạng lao động bị tha hóa và cũng chính là một nguồn gốc lớn của mâu thuẫn trong xã hội tư bản đương đại.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay thêm một lần nữa cho thấy rõ, khủng hoảng vẫn luôn là bạn đồng hành của kinh tế tư bản chủ nghĩa với biên độ ngày càng dầy hơn. Lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin về CNTB, chủ nghĩa đế quốc vẫn giữ nguyên giá trị và là cơ sở khoa học để phân tích làm rõ nhiều vấn đề mang tính bản chất của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay. Toàn cầu hóa ngày càng phát triển thì càng đẩy nó mâu thuẫn với các thể chế quản trị - điều tiết kinh tế quốc gia hiện hành. Cuộc khủng hoảng hiện nay đặt ra đòi hỏi phải có những luật chơi và thể chế quản trị toàn cầu tương ứng, không bị trói buộc bởi những thể chế quản trị quốc gia vốn rất khác biệt, thậm chí trái ngược và xung đột nhau. Khủng hoảng thể chế quản trị nền kinh tế toàn cầu cũng có thể xem là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu(3).
CNTB toàn cầu hóa vì mục đích lợi nhuận đã khách quan thúc đẩy, phát triển nền văn minh, song đồng thời cũng đẩy tới sự tiêu dùng vật chất đến mức đe dọa ngay chính sự tồn tại hợp lý của con người. Đã có những nhà tư tưởng phương Tây nhận thức ra sự tha hóa lối sống trong xã hội tư bản đương đại và đề xướng trào lưu "Hãy sống đơn giản hơn". CNTB trong kỷ nguyên toàn cầu hóa cũng đang làm nảy sinh tâm trạng bi quan về khoa học ngày càng tăng, bởi mỗi bước tiến của khoa học đều đặt các nhà khoa học trước trách nhiệm đối với cuộc sống con người. Đó là sự tha hóa của khoa học, sự tha hóa ấy không phải lỗi từ khoa học, mà từ việc sử dụng khoa học của CNTB toàn cầu hóa.
Mối quan hệ với các nước đang phát triển
Khi xem xét CNTB toàn cầu hóa, người ta quan tâm nhiều tới mối quan hệ của nó đối với các nước đang phát triển. Ngày nay, hầu như không còn sự độc chiếm và bóc lột siêu kinh tế ở thuộc địa kiểu như trước đây. Mặc dù CNTB toàn cầu hóa không có hệ thống thuộc địa, nhưng vẫn có chủ nghĩa thực dân của nó. Cuộc đấu tranh của các dân tộc đang phát triển chống lại ách áp bức bóc lột ngoại bang trong điều kiện toàn cầu hóa đã không "tắt dần" để nhường chỗ cho một quan hệ bình đẳng hợp tác và phát triển, mà vẫn tồn tại, thậm chí có mặt còn sâu sắc hơn. Cuộc đấu tranh cho những lợi ích sống còn của các dân tộc đang phát triển chỉ di chuyển nội dung, thay đổi hình thức chứ không mất đi. Trước đây, nội dung chủ yếu của cuộc đấu tranh là chính trị và quân sự để giành độc lập dân tộc, thì ngày nay là kinh tế, chính trị, văn hóa để đi tới chấm dứt sự áp bức bóc lột về kinh tế, để giữ vững nền độc lập trong xu thế toàn cầu hóa, đấu tranh vì một sự bình đẳng, hợp tác phát triển lâu dài và bền vững, vì một toàn cầu hóa nhân bản hơn và cho đại đa số nhân dân lao động. CNTB toàn cầu hóa đem đến cho các nước đang phát triển nhiều thách thức. Khu vực Mỹ La-tinh, cái "sân sau" của Mỹ, do thực hiện mô hình "chủ nghĩa tự do mới" với việc tư nhân hóa tràn lan và tự do hóa kinh tế một cách thái quá, nên có đến 44% dân số sống dưới mức nghèo khổ, số người thất nghiệp tăng gấp hai lần trong thập niên 90 thế kỷ XX. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bùng nổ trào lưu cánh tả tại khu vực này trong giai đoạn hiện nay.
Chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa không cần đến những hình thức bóc lột siêu kinh tế như thời áp đặt chế độ thuộc địa trước đây, mà bằng những hình thức mới, chỉ bằng những quan hệ ràng buộc về kinh tế vẫn bảo đảm cho nó những lợi nhuận siêu ngạch. Đó cũng chính là lý do làm xuất hiện một phong trào đấu tranh rộng lớn trên thế giới đương đại chống lại mặt trái của toàn cầu hóa. Nhưng không chỉ có vậy, trong quan hệ với các nước đang phát triển, khi không đạt được lợi ích bằng con đường ràng buộc kinh tế và khi có điều kiện, thì các thế lực đế quốc hiếu chiến không từ bỏ hình thức áp đặt bằng bạo lực. Với cuộc chiến ở áp-ga-ni-xtan và I-rắc, chủ nghĩa đế quốc đã làm tái hiện trở lại không chỉ những quan hệ của chủ nghĩa thực dân mới, mà còn cả của chủ nghĩa thực dân cũ: đó là chiến tranh xâm lược, sự chiếm đóng của quân đội viễn chinh, bình định lãnh thổ mới bị chiếm, thiết lập bộ máy cai trị do viên toàn quyền nước ngoài đứng đầu, độc chiếm và khai thác tài nguyên thuộc địa... Tình hình đó tất yếu sẽ làm cho vấn đề dân tộc, độc lập dân tộc và giải phóng dân tộc trong thế giới hiện đại trở nên phức tạp, quyết liệt hơn.
Trong mối quan hệ giữa các nước tư bản phát triển với nhau, những mâu thuẫn nổi lên cũng không kém phần phức tạp, gay gắt sau khi trật tự thế giới hai cực chấm dứt. Tuy nhiên, hình thức đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn đã có nhiều thay đổi, chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, thương mại và đầu tư... Điều này làm xuất hiện ảo tưởng về một CNTB hòa bình, có thể đem lại cho nhân loại ổn định, hợp tác và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thế nhưng, liệu điều đó có thể xảy ra khi vẫn hiện hữu, thậm chí gia tăng khuynh hướng cường quyền, áp đặt với nhiều biến thái mới của các thế lực đế quốc, khi mâu thuẫn giữa các trung tâm quyền lực của CNTB vẫn tiếp tục gay gắt, quyết liệt như hiện nay?
Bước vào thế kỷ XXI, bên cạnh vấn đề chiến tranh và hòa bình, thì vấn đề môi trường cũng là vấn đề toàn cầu bức xúc hàng đầu của sự sống trên hành tinh. Xoay quanh vấn đề này diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt, mà nguyên nhân của nó cũng chủ yếu liên quan đến CNTB toàn cầu hóa. Kết quả rất hạn chế của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đối khí hậu cuối năm 2009 vừa qua tại Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) cho thấy rõ các nước tư bản phát triển vẫn chưa sẵn sàng gánh vác những trách nhiệm tương xứng trước vấn nạn khủng hoảng môi trường, trước hết là sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã trở nên gay gắt nhất.
Từ sự biến đổi về chính trị và kinh tế của CNTB toàn cầu hóa, có thể rút ra vài nhận xét sau:
Một là, CNTB trong xu thế toàn cầu hóa còn khả năng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chuyển sản xuất sang chiều sâu như hiện nay. Sở hữu tư nhân, lợi ích tư nhân vẫn còn là động lực lâu dài của phát triển kinh tế nói chung trong CNTB.
Hai là, sự thích ứng của CNTB thông qua những điều chỉnh về nhiều mặt, không vượt được giới hạn lợi ích tư sản. Kinh tế - xã hội phát triển được một bước thì mâu thuẫn tư bản và lao động lại bộc lộ ra có quy mô rộng lớn hơn và đi vào chiều sâu hơn, không thể có cách giải quyết triệt để trong khuôn khổ CNTB.
Ba là, CNTB toàn cầu hóa tạo ra được nền kinh tế tri thức, chuyển mạnh được sản xuất ở trình độ cơ khí sang tin học hóa và từ đây quá trình toàn cầu hóa kinh tế ngày càng phát triển. Nhưng toàn cầu hóa, bên cạnh mặt tích cực, thì do sự gia tăng khống chế của CNTB lũng đoạn toàn cầu với mạng lưới đồ sộ vươn rộng khắp hành tinh của các tổ chức tư bản độc quyền xuyên quốc gia, thực sự là một quá trình đầy mâu thuẫn, hàm chứa sự bất bình đẳng mà phần bất lợi đang thuộc về các nước đang phát triển với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.
Bốn là, CNTB thực hiện được một bước phát triển thì cũng tạo ra những gì không dung được với chính nó. Từ góc nhìn này, CNTB toàn cầu hóa thực sự là "chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa tư bản", là "chủ nghĩa tư bản hướng tới hậu tư bản, phi tư bản". Chiến tranh, môi sinh, bất bình đẳng, phát triển vì con người... biết bao nhiêu vấn đề có tính sống còn phải khắc phục trong các lĩnh vực trên, và sự khắc phục này về cơ bản là khắc phục chính CNTB toàn cầu hóa.
Như vậy, những biện pháp điều chỉnh của CNTB không làm thay đổi bản chất của nó. Tuy nhiên, xu hướng vận động khách quan của CNTB trong xu thế toàn cầu hóa tiếp tục chuẩn bị tiền đề không chỉ vật chất - kỹ thuật, mà cả những nhân tố hợp lý trong thiết chế chính trị, nhà nước cho chủ nghĩa xã hội. Trên góc nhìn này, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng chính là sự hiện thực hóa cái lô-gic phát triển của lực lượng sản xuất và nền văn minh mà nhân loại đạt được trong CNTB. Toàn bộ tình hình như đã nêu làm cho việc thay thế chế độ tư bản để mở đường cho sự phát triển xã hội trở thành vấn đề thời sự của lịch sử đương đại. Bước đi tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể, nhưng đó là xu thế lịch sử không thể đảo ngược./. _____________________________________________________________________________________________(1) Xem: Edwad Greenberg: Chủ nghĩa tư bản và chính trị Mỹ, MF. Sharper Inc, New York, 1987, tr 48
(2) Mười quốc gia có nguy cơ chết chìm trong nợ, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, cập nhật 16-1-2010
(3) Xem: Đỗ Hoài Nam: “Một số lý thuyết kinh tế và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, Tạp chí Cộng sản điện tử, cập nhật ngày 06-10-2009
Từ khóa » Trong Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì
-
Chủ Nghĩa Tư Bản – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tư Bản Là Gì? Bản Chất Và Các Hình Thái Của Chủ Nghĩa Tư Bản?
-
Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì? Đặc điểm Và Vai Trò Của Chủ Nghĩa Tư Bản?
-
Chủ Nghĩa Tư Bản (capitalism) Là Gì ? - Luật Minh Khuê
-
Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì? - VietnamFinance
-
Tư Bản Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Bài 2: Chủ Nghĩa Tư Bản Vẫn Chưa Vượt Qua được Những Thách Thức ...
-
Bản Chất, đặc điểm, Xu Hướng Vận động Của Chủ Nghĩa Tư Bản Hiện đại
-
Tư Bản - Wiktionary Tiếng Việt
-
Quan Hệ Sản Xuất Của Chủ Nghĩa Tư Bản đương đại Những Giới Hạn ...
-
[PDF] Độc Quyền Nhà Nước Trong Nền Kinh Tế Tư Bản Chủ Nghĩa Ngày Nay
-
Vai Trò Lịch Sử Của Chủ Nghĩa Tư Bản - StuDocu
-
Nhận Thức Về Bản Chất Của Chủ Nghĩa Tư Bản Cần được Quán Triệt ...
-
[PDF] Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì?