Bài 2: Lũ Quét đáng Sợ Như Thế Nào?

Lũ quét không xuất hiện ở khu vực đồng bằng hay có sông lớn, vì ở khu vực đồng bằng không có độ dốc cho nước chảy hoặc rất ít khiến cho nước từ cao đổ xuống bị mất tốc độ chỉ có thể gây ngập chứ không cuốn được bất cứ thứ gì.

Ở khu vực có sông lớn cũng giống như ở đồng bằng, con sông sẽ nhận và điều tiết lượng nước này, nếu quá nhiều thì sẽ tràn bờ gây ra những đợt lũ thông thường chứ không tạo thành lũ quét vì nước di chuyển với tốc độ chậm hơn nhiều so với lũ quét. Tuy nhiên Lũ quét cũng có thể xuất hiện trên diện rộng do đặc điểm phân tán hợp thủy từ các triền dốc tỏa rộng của địa hình, nhưng diện tích lũ quét càng rộng thì mức tàn phá sẽ càng kém do khối lượng nước bị phân tỏa ra chứ không tập trung gây thiệt hại.

Khi đường thoát nước của lũ quét bị chặn bởi các chướng ngại vật có độ lớn chặn dòng đáng kể -như đê kè hay các công trình xây dựng, lấn chiếm dù không bít hết dòng thì khối lượng nước khổng lồ với tốc độ cao bị dội ngược lại thành một vùng vòng xoáy tụ nước cả chiều đứng và chiều ngang trước khi có thể chảy tiếp, cũng làm cho mực nước dâng nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Khối lượng nước bị dội lại sẽ va vào khối lượng nước đang đổ về gây ra nhiều tụ xoáy hỗn loạn nhấn chìm mọi thứ. Các xoáy nước này cũng có thể hình thành dưới mặt nước rút mọi thứ xung quanh nó vào, nên ngay cả khi có áo phao, người bị rơi vào loại lũ này vẫn có thể bị nhấn chìm gây rất nhiều khó khăn cho việc cứu hộ.

Càng đáng sợ hơn khi đi cùng lũ quét thường là nhiều trận lở đất, trượt bùn cùng những thứ đất đá, bùn, cây cối, rác rưởi, vụn công trình,…mà nó cuốn theo, khiến cho lũ quét càng trở nên nguy hiểm khi mà khối lượng di chuyển không chỉ có nước.

Tính chất cơ bản của lũ quét

Lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đều có chung một đặc điểm là xuất hiện sau những cơn mưa lớn và đến nhanh, đi nhanh, không kịp trở tay cảnh báo khẩn cấp. Lũ quét còn mang những đặc điểm tính chất cơ bản như sau:

1. Tính bất ngờ

Khoảng thời gian từ khi xuất hiện sự gia tăng mực nước trong dòng chảy, suối và sông nhỏ chảy tràn, hội tụ đến khi đạt đỉnh lũ là rất ngắn, thường chỉ trong vòng vài giờ. Do vậy thường khó khăn trong dự báo, cảnh báo lũ quét một cách hiệu quả ở trình độ chuyên môn và điều kiện kỹ thuật hiện nay.

2. Tính chớp nhoáng, ác liệt

Lũ quét thường đến và tồn tại trong thời gian rất ngắn, thường kết thúc sau 10-18 giờ, rất ít khi quá 1 ngày. Nước lũ lớn xói mòn, rửa trôi khối lượng rất lớn vật chất rắn từ các sườn núi dốc rồi trở thành dòng hỗn hợp bùn – nước – vật rắn tập trung hầu như đồng thời và cùng di chuyển, do đó có tốc độ rất nhanh, tổng khối lượng lớn và đỉnh lũ rất cao -khác hẳn lũ thường trong điều kiện mưa tương đương (có khi gấp 2-5 lần) do cơ chế hình thành và vận động khác hẳn.

Do bạo phát nên bạo tàn, lũ quét đến nhanh cũng chấm dứt nhanh. Như thế, để giảm hoặc loại trừ tính ngắn hạn của lũ quét, các biện pháp phải hướng vào động thái chủ yếu ở thời gian lũ lên – mà căn bản là hướng vào giai đoạn tập trung dòng lũ ở lưu vực phía thượng nguồn, từ đó cũng giảm hẳn tính ác liệt của lũ (giảm đỉnh lũ, tần suất lũ lên, xuống, lưu tốc dòng chảy sông suối)…

3. Tính đậm đặc

Dòng lũ quét khác hẳn dòng lũ nước thường bởi tỷ lệ vật chất rắn rất lớn. Trong quá trình hình thành và vận động, tỷ lệ vật rắn trong dòng lũ quét không ngừng tăng lên, tăng mạnh nhất ở khu vực 2 – khi chuyển động từ trên núi cao (giai đoạn qua triền dốc) xuống thung lũng. Lượng chất rắn thường chiếm 3-10%, thậm chí trên 10% trong dòng lũ để trở thành dạng lũ bùn đá.

Một dòng chảy như vậy, xét về bản chất hình thành và động lực của nó đã khác biệt về chất so với lũ nước thông thường. Dòng lũ quét là pha trung gian giữa vật thể lỏng và rắn. Đặc tính và tác động này do bề mặt lưu vực bị xói mòn, sạt, trượt, làm tăng lượng vật chất rắn trong lũ và quá trình chuyển động trượt…

4. Tính “Domino”

Một trong những đặc tính cơ bản của quá trình hình thành và phát triển lũ quét là Tính Đomino của nó. Nghĩa là, trong quá trình diễn biến của bất cứ cơn lũ nào cũng xảy ra hiện tượng sụp đổ dây chuyền khi dòng lũ hình thành và tác động lên các vật liệu trên đường đi của nó. Vì vậy mà tính khốc liệt của nó càng tăng, tính chớp nhoáng của nó tăng theo. Động năng dòng chảy được chuyển hóa tối đa cho đến khi thế năng đã triệt tiêu hoàn toàn ở một hồ đầm, hay thung lũng, hay dòng sông lớn nó đổ vào và dừng lại.

5. Tính tăng tốc

Vận tốc ban đầu của lũ không cao lắm nhưng gia tốc tăng rất nhanh theo thời gian. Ví dụ, trong một lưu vực nhỏ, dòng lũ có thể đạt đỉnh cao nhất 1 cách cực kỳ nhanh chóng; còn ở lát cắt ngang dòng chảy giữa kênh có thể đạt gần 20 m3 /giây.

Phân loại lũ quétPhân loại lũ quét được dựa trên sự đồng nhất về quy luật hình thành và phát triển. Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và phân loại các loại lũ quét như sau :

Lũ quét nghẽn dòng

Là loại hình lũ xảy ra với cường suất và vận tốc lũ tương đối lớn, biên độ lũ với độ sâu ngập lụt lớn và mang theo rất nhiều vật chất khác nhau (rác rưởi, bùn cát). Loại lũ này được hình thành trên thung lũng sông, trũng hợp thủy giữa núi hoặc cánh đồng… với dòng nước lũ bị tắc nghẽn do nhiều nguyên nhân sinh ra.

Thí dụ như các trận lũ quét nghẽn dòng xảy ra tại TP Điện Biên Phủ (1996), Thị xã Sơn La (1989), trên suối Nam Cường (Bắc Cạn, 1981), Thị xã Lạng Sơn (1986), Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh, 2002, 2007), nhiều trận lũ quét xảy ra gần đây ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Lũ quét sườn

Là loại hình lũ với tốc độ dòng chảy rất lớn, lên xuống nhanh mang theo nhiều vật chất của sườn đồi núi, thành lưu vực. Lũ quét sườn xảy ra chủ yếu trên sườn dốc tại các vùng tập trung nước mặt. Các trận lũ quét sườn đã xảy ra ở Quảng Ninh, Hoàng Liên Sơn, Bắc Trung Bộ.

Lũ bùn đá

Là một loại hình lũ quét sườn đặc thù với dòng nước có lượng vật chất đậm đặc bùn đá và động năng lớn. Lũ bùn đá phát sinh từ thượng nguồn các suối nhỏ, hầu hết là phụ lưu bậc I, II, nơi đất đá bị trượt lở mạnh và tuôn chảy ra các cửa suối.

Thí dụ như những trận lũ bùn đá lớn đã xảy ra tại Thị trấn Mường Lay (Lai Châu, 1996), Du Tiến (Hà Giang, 2004),…. Theo phân loại kỹ thuật và truyền thống, chỉ khi mật độ đất đá trong dòng nước lớn hơn 60%, mới gọi là lũ bùn đá.

Lũ quét hỗn hợp

Là loại hình lũ xảy ra vận tốc dòng chảy lớn, cường suất lũ rất lớn và chiều sâu ngập tương đối lớn. Lũ quét hỗn hợp có đặc trưng trung gian của lũ quét nghẽn dòng và lũ quét sườn. Có thể kể ra các trận lũ quét hỗn hợp tại Quân Cây (Thái Nguyên, 1969); Nậm Cuổi (2000); xã Trường Sơn (Quảng Bình, 1993)…. Đây là loại hình lũ quét xảy ra phổ biến ở miền núi và thường gây ra tổn thất lớn về người và của.

Một đặc điểm cơ bản là lũ quét hỗn hợp xảy ra trên trũng hợp thủy giữa núi đồi có kích thước vừa và nhỏ hoặc thềm tích tụ nằm trên lòng dẫn sông có độ dốc lớn. Chú ý rằng từ lũ quét hỗn hợp ở đây khác với kiểu hỗn hợp mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nó là tổng dạng của lũ quét và lũ bùn đá.

LÊ HÙNG – Tổng hợp

Nguồn Bài 1: http://thegioimoitruong.vn/bai-1-hieu-sao-ve-lu-quet.html

Từ khóa » đặc điểm Của Lũ Quét Lũ Bùn đá