BÀI 43 – NGUYỄN NGỌC HÀ – DÂN CHƠI LAN

NHỆN ĐỎ, BỌ TRĨ, KIẾN, RỆP, RUỒI VÀNG, CUỐN CHIẾU, SÊN NHỚT GÂY HẠI TRÊN LAN. THUỐC PHÒNG TRỊ VÀ CÁCH TỰ LÀM THUỐC ĐỊA CHỈ BÁN THUỐC Bài 43

Bạn hãy xem qua hình ảnh 1 lượt, sau đó đọc bài để so sánh với lan trong vườn nhà bạn. Hãy CHIA SẺ để sau này cần chỉ việc vào trang của bạn là tìm thấy bài này. Danh sách kết bạn của tôi đã đạt giới hạn, số bạn chờ kết bạn cũng quá đông, vì thế bạn nào không chơi lan, xin hãy hủy kết bạn với tôi. Trang cá nhân này chỉ giành cho HOA LAN mà thôi, mong bạn thông cảm vì lời đề nghị hơi khiếm nhã của tôi. Cảm ơn các bạn.

Chuẩn bị hình ảnh cho bài này của tôi hết gần 1 năm trời, và những vấn đề trong bài ngoài kiến thức khoa học ra, còn là kinh nghiệm về cách làm và sự quan sát của cá nhân tôi. Nếu bạn có kinh nghiệm khác hay hơn, xin hãy chia sẻ cho tôi và cộng đồng, đừng ném đá hay dìm hàng vì hậu quả của việc ném đá sẽ rất thê thảm cho bạn. Tôi luôn lắng nghe và lâu lâu cũng sẽ hiểu ra, dĩ nhiên là những góp ý chân thành nhẹ nhàng mang tính chất xây dựng.

Có lẽ giàn tôi quá chật, thậm chí phải rẽ lan ra mới có lối đi, có chỗ treo ba bốn tầng lan nên vấn đề sâu hại và bệnh tật trên lan rất là nhiều. Cũng chính vì thế, mà hầu như tất cả các vấn đề mà các bạn gặp tôi đều trải qua. Nên thực ra mà nói, toàn là kinh nghiệm phải trả bằng thời gian và rất nhiều tiền bạc, công sức. Xin chia sẻ cùng các bạn!

1. NHỆN ĐỎ: Kẻ thù số 1 của vườn lan

Nhện đỏ (có nhiều giống nhện đỏ chứ không phải 1 giống)

Chừng nào bạn bị thiệt hại hàng ngàn giò lan từ mức độ nhẹ tới rất nặng, thì khi đó bạn mới thấm thía được tác hại kinh khủng của nhện đỏ như tôi.

Lá cây lan cứ từ từ bạc, trắng đi rồi chuyển sang vàng rồi rụng. Quan sát kĩ phía dưới mặt lá bánh tẻ và lá già ta thấy các vết lõm vào, rất gồ ghề và thô ráp, lá cây lan từ từ mỏng đi và mềm hơn. Đấy chính là nhện đỏ dùng vòi như cây kim đâm vào các mô và các tế bào hút nhựa sống của cây lan.

Khi số lượng nhện nhiều ta có thể thấy 1 lớp màng tơ trắng phủ mặt lá. Nhện đỏ chỉ nhỏ bằng đầu cây kim khâu hoặc nhỏ hơn sợi tóc và thường tấn công mặt dưới của lá (số lượng quá lớn mới tấn công lên mặt trên). Chính vì vị trí hiểm yếu và kích thước mang tầm chiến lược (bằng đầu cây kim khâu), nên hầu như chúng ta không phát hiện ra chúng cho tới khi nhìn thấy biểu hiện trên lá lan đã nghiêm trọng.

Chúng thường sinh sôi phát triển vào mùa khô từ khoảng tháng 1 âm lịch tới tháng 5 âm lịch là mạnh mẽ nhất. Tốc độ sinh sản rất nhanh và phá hoại trên TẤT CẢ CÁC LOẠI LAN (các loại lan đơn thân lá mọng thường ít bị hơn một chút).

Có những giò kiều đang đẹp long lanh rực rỡ, chỉ sau vài ba tháng đã hư hại toàn bộ bộ lá. Hoặc những giò Ý Ngọc hoặc Giả Hạc chỉ sau 1-2 tháng đã có cảm giác như muốn rụng hết lá.

Kéo theo hệ lụy bị nhện đỏ phá hoại đó là nấm bồ hóng (những mảng đen bán dưới bẹ lá hoặc trên giả hành hoặc dưới mặt lá). Nấm bồ hóng sản sinh sau khi sử dụng chất thải của nhện đỏ (dịch mật) bám kín bề mặt lá gây mất thẩm mỹ, giảm quang hợp…

Ngoài ra, từ các vết chích hút, có những vết rách, xước và các mô tổn thương, chính là chỗ cho nấm và vi khuẩn xâm nhập, đặc biệt là thối nhũn, thối nâu, đốm đen và thối đen…

Thật ra nhện đỏ không hẳn phải là màu đỏ, nó còn có thể trong xanh, xanh hoặc hơi tối màu…

Biện pháp phòng trừ:

– Giải pháp cho lan ít và nhà có trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai:

15ml dầu ăn pha chung 2ml nước rửa chén Sunlight pha 2 lít nước lắc đều và phun thật đẫm mặt trên và đặc biệt là mặt dưới lá lan. Vừa lắc vừa phun. Sau khoảng 15-30 phút nên lấy vòi nước tưới rửa lại toàn bộ lan sao cho trôi hết tất cả những gì bạn đã xịt lên lan. Cứ làm liên tục 3-5 lần, 3 – 5 ngày 1 lần khi trị nhện, còn phòng nhện thì 10-20 ngày 1 lần.

Bạn có thể thay dầu ăn bằng dầu dùng trong nông nghiệp, thay nước rửa chén bằng sữa tắm, dung dịch vệ sinh Dạ Hương, nước tẩy rửa đa công dụng Amway… miễn là an toàn cho da là dùng cho cây được. Tuyệt đối không dùng dầu hỏa và không dùng bột giặt (OMO, ABa, Vì Dân, Tiger…)

Tưới nước thốc từ dưới lên vào bẹ lá cũng là 1 cách giảm số lượng nhện. Cung cấp đủ nước, lân và kali + trung vi lượng cũng là cách tốt để giảm thiệt hại do nhện gây ra.

– Giải pháp trên quy mô lớn:

Sử dụng một trong các loại thuốc như SK Enspray 99EC hoặc Pesieu… phun ít nhất 3 lần, 5 ngày 1 lần khi trị nhện, phòng nhện thì 15-30 ngày 1 lần. Phải phun trúng nhện mới chết, vì thế bạn cố gắng luồn lách vòi phun nhé!

Nhện đỏ có khả năng kháng thuốc cao, nên khi phát hiện bệnh nặng thì nên sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học sau để ngăn nhện hình thành tính kháng: Comite 73EC, Danitol 10EC – Danitol- S50SC, Ortus 5 EC, Pegasus 500SC…, Nissorun 5EC, Microthiol 80WP, Kelthane 18,5EC, Alfamite 15EC, NilMite 550SC, Takare 2EC, dầu khoáng DC- Tron Plus, SK Spray 99EC

– Khắc phục sự cố:

Sau khi bị nhện phá hoại lan, bạn cần kiểm tra xem lan có bị thối nâu hay đốm đen không? Nếu có thì phun thuốc trị nấm và khuẩn cho lan luôn.

Rồi sau đó phục hồi lại lá lan và tăng sức chịu đựng của lan bằng phân NPK+TE.

Ví dụ lan bị nhện đỏ, sau đó bị đốm đen và thối nâu, kết hợp cây lan suy nhược và lá lan èo uột vàng vọt thì quy trình sẽ như sau:

Ngày 1 phun Pesieu (hoặc thuốc trị nhện khác)

Ngày 3 phun Kasumin+TopsinM hoặc các BỘ ĐÔI TRỊ NẤM KHUẨN

Ngày 5 phun NPK+Te (liều 2/3 hướng dẫn trên bao bì) pha chung Nano Đồng + Chế phẩm Hùng Nguyễn

Ngày 7 lặp lại quá trình trên. Lặp lại ít nhất 3 lần.

Các bạn chịu khó đọc lại bài 27 và 29 nhé!

Đôi khi lan nhà bạn bị nhện, bạn nhìn thấy biểu hiện mà cũng không nghĩ là nó bị nhện đỏ đâu. Vì vậy, bạn hãy xem từng hình trong bài nhé!

2. RỆP

Tổng họ : Coccoidea – Bộ : Homoptera

THÀNH PHẦN GIỐNG GÂY HẠI Nhóm này bao gồm những loài nói chung có kích thước rất nhỏ, gây hại bằng cách chích hút dịch cây lan (trên lá, nụ hoa, giả hành, thân). Có nhiều loài Rệp Sáp hiện diện trên hoa, có thể chia Rệp Sáp ra làm 2 nhóm: nhóm Rệp Sáp Dính với các giống phổ biến như Lepidosaphes, Aonidiella, Coccus và Saissetia và nhóm Rệp Sáp Bông với các giống và loài phổ biến như Pseudococcus, Planococcusvà Icerya purchasi.

Có hàng chục loại rệp gây hại trên lan như rệp sáp, rệp vảy, rệp vảy ốc, rệp bông, rệp vừng, rệp sáp nắp vỏ trai….

MỘT SỐ ÐẶC ÐIỂM HÌNH THÁI, SINH HỌC, GÂY HẠI

Tất cả các loài này đều có đặc điểm chung là cơ thể tiết ra một lớp sáp che chở cho cơ thể, lớp này hình thành nên một lớp vỏ cứng, có hình dạng, mầu sắc và kích thước khác nhau (Rệp Sáp Dính) hoặc lớp phấn trắng (Rệp Sáp Phấn). Lớp vỏ của nhóm Rệp Sáp Dính có thể tách ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng như ở nhóm Aonidiella, Lepidosaphes hoặc tạo thành vách da không thể tách khỏi cơ thể như ở nhóm Coccus hoặc Lecanium.

Quá trình phát triển của Rệp Sáp rất phức tạp, chúng có loài có thể di chuyển và có loài không di chuyển, ở nguyên 1 vị trí và chích hút.

Các loài Rệp Sáp đều có chu kỳ sinh truởng ngắn (đa số dưới 1 tháng), khả năng sinh sản cao, có loài đẻ trứng, có loài đẻ con, nếu điều kiện môi trường thích hợp sẽ có khả năng bộc phát nhanh. Gây hại bằng cách chích hút (ấu trùng và thành trùng Cái) lá, giả hành, nụ hoa, cuống hoa, thân. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng, giả hành bị khô, teo tóp lại và chết, nếu trong quá trình tạo nụ, chúng tấn công nụ có thể sẽ tạo ra những bông hoa dị dạng, kém chất lượng. Bên cạnh đó từ vết chích hút của rệp còn là nguồn gốc của bệnh Thối nâu do vi khuẩn và thậm chí là cả virut.

  

Gây hại chủ yếu vào mùa nắng. Mật ngọt do rầy tiết ra còn hấp dẫn nấm bồ hóng phát triển làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây lan. Bạn muốn biết cách xử lý đám muội đen như bồ hóng bám ở lá lan, bẹ lá lan thì mời bạn quay lại bài Nấm Ký Sinh, Nấm Hoại Sinh đọc nhé!

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ

Bạn cần phải thường xuyên theo dõi, quan sát cây lan nhà bạn. Đặc biệt là các kẽ lá, vòi nụ, mặt trên mặt dưới lá… để phát hiện sớm rệp tấn công lan nhà bạn.

Nếu bạn thấy ít ít thì có thể dùng nước rửa chén sunlight pha loãng với nồng độ 1ml pha 1 lít nước rồi phun vào rệp. Đối với các giống rệp di chuyển được khi dính nước xà phòng rửa chén sẽ chết vì ngộp thở, còn các giống rệp có vảy nằm im 1 chỗ thì phải kết hợp bàn chải đánh răng lông mềm mà chải đi hoặc chịu khó lấy móng tay cạo bỏ rệp đi.

Có những khoảng thời gian tôi có hơn hai chục giò Hoàng Lạp bị rệp vảy bám kín cả lá và giả hành, dùng bàn chải đánh răng đánh mất cả 1 ngày mới xong lũ rệp. Cách này thực sự không triệt để, sau 1 thời gian lũ rệp lại phát triển như cũ.

Nhiều kết quả khảo sát cho thấy một số loại thuốc hóa học gốc Lân hữu cơ tỏ ra có hiệu quả đối với Rệp Sáp khi không sử dụng liên tục một loại nhất định, nên sử dụng thuốc phối hợp thuốc hóa học với Dầu khoáng (0,5%), tuy nhiên để tránh ảnh hưởng của Dầu khoáng đối với cây trồng, phải tôn trọng nồng độ khuyến cáo khi sử dụng.

Hiện nay, trên thị trường tôi nhận thấy có sự kết hợp của hai loại thuốc là Movento pha chung với SK Enspray 99EC

Giới thiệu đôi nét về hai loại thuốc trên để các bạn nắm được thông tin:

 SK Enspray 99EC Dầu khoáng SK Enspray 99EC được dùng như thuốc trừ nhện, trừ các loại sâu hại (phổ rộng), đồng thời hạn chế một số bệnh hại và còn được dùng như chất hỗ trợ cho thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Đối với sâu hại, dầu khoáng có tác dụng gây ngạt (do bịt lổ thở), thối trứng và thay đổi tập tính (ăn, đẻ trứng). Đối với bệnh hại, dầu ngăn cản sự nẩy mầm của bào tử, hạn chế sự phát tán và phá vở màng tế bào bào tử. Dầu khoáng SK Enspray 99EC là thuốc phổ rộng, hiệu quả cao trừ nhện, rệp sáp, các loại rầy, sâu vẽ bùa, ruồi trắng, rầy chổng cánh trên cây ăn trái, cây công nghiệp, rau, cây cảnh, cây trồng trong nhà lưới. Dầu khoáng SK Enspray 99EC không gây hiệu ứng kháng thuốc, thuộc nhóm độc IV, không độc hại cho cây trồng, an toàn cho người, tôm, cá, ít hại thiên địch, không để lại dư lượng trên nông sản, phù hợp cho chương trình IPM và sản xuất nông sản sạch. Thời gian cách ly: 2 ngày. Sử dụng: Dầu khoáng SK Enspray 99EC pha nước với nồng độ 0,5% (80 ml cho 1 bình 16 lít nước). Phun ướt đều lên mặt dưới lá, kẽ lá và mặt trên lá, phủ đều lên rệp, nhện đỏ…

 Movento 150 OD

– Movento là thuốc trừ sâu thế hệ mới, tác động vị độc, lưu dẫn hai chiều. Thuốc có hiệu quả cao, kéo dài trên côn trùng chích hút & các loại côn trùng khác (rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ…).

– Moventon có tính chuyên biệt cao, chỉ diệt côn trùng khi thuốc đã được cây trồng hấp thu & côn trùng chích hút hoặc ăn các bộ phận của cây trồng. Do đó, Movento rất thân thiện với môi trường & ít ảnh hưởng đến các lọoại thiên địch. Thuốc được đăng ký sử dụng trên rau, cây ăn trái…tại Mỹ, Châu Âu & nhiều nước trên thế giới.

Công dụng và lợi ích:

– Thuốc có khả năng tìm diệt côn trùng gây hại ẩn núp hoặc khi phun không trúng thuốc (phun trên tán lá diệt được côn trùng gây hại ở phần rễ hoặc trên ngọn xa tầm phun thuốc)

– Giảm được chi phí & công phun do hiệu quả cao và kéo dài.

– Phun trên tán lá diệt côn trùng phá hoại ở phần rễ, nên không cần phải đổ thuốc xuống gốc.

– Thuốc không gây hại kiến vàng nên rất phù hợp cho quản lý dịch hại (IPM) trên cây bưởi (cây có múi)

Hai loại thuốc trên đều không mùi, độc rất nhẹ. Phù hợp cho việc phòng trừ côn trùng cho lan khi trồng lan trong khuôn viên sân vườn sát nơi ở.

Có một số bạn bảo thuốc không có tác dụng? Thật ra là tác dụng chậm. Phải phun nhiều lần mới hiệu quả.

Tuần phun 1 lần, ít nhất 3-6 lần khi trị rầy, rệp, sâu và nhện… Khi phòng bệnh thì nên nửa tháng phun 1 lần vào lúc chiều mát. Không nên phun sáng!

Nhân thể bài này, tôi chia sẻ các bạn cách nhận biết độ độc của thuốc BVTV qua bao bì thông qua các ký hiệu:

Vạch màu đỏ trên bao bì là thuốc độc nhóm I, thuộc loại rất độc và độc Vạch màu vàng trên bao bì là thuốc độc nhóm II, thuộc loại độc trung bình. Vạch màu xanh trên bao bì xanh da trời là thuốc độc nhóm III, thuộc loại ít độc. Vạch màu xanh lá cây trên bao bì là thuốc độc nhóm IV, thuộc loại độc rất nhẹ.

Tôi gợi ý cách dùng thuốc như vậy, còn trên thị trường hiện nay có hàng triệu loại thuốc khác nhau, bạn thích chọn lựa như thế nào là quyền của bạn. Bạn chỉ cần nhận biết được tên của loại côn trùng đang hại lan nhà bạn, sau đó bạn ra nhà thuốc Bảo Vệ Thực Vật (BVTV) hỏi thuốc thì kiểu gì cũng có thứ bạn cần (còn thứ bạn muốn đôi khi lại không kiếm được).

3. BỌ TRĨ (bù lạch, rầy lửa).

Thật đau khổ khi chuẩn bị mang lan đi thi thì thấy các cánh hoa bị đốm và thậm chí là thủng, các viền cánh bị teo lại. Bình thường được ngắm lan cả tháng, nay chỉ được vài ba ngày đã bị tàn mất.

1. Đặc điểm hình thái, sinh học và triệu chứng gây hại của bọ trĩ:

a. Đặc điểm hình thái, sinh học: – Trưởng thành: Có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 0,8 – 1mm, màu nâu đen, râu đầu dài, chiếm 1/3 thân, 2 đuôi cánh hẹp, cánh trước ở phần giữa thắt lại. Trưởng thành đẻ trứng rải rác trong mô lá. – Trứng: Kích thước nhỏ, mới đẻ màu trắng sữa, gần nở có màu vàng nhạt. – Ấu trùng: Cơ thể giống trưởng thành nhưng không có cánh, màu vàng cam, trên thân có nhiều lông nhỏ. – Vòng đời: + Trứng: 3 – 4 ngày + Ấu trùng: 10 – 14 ngày + Trưởng thành: Có thể sống đến 3 tuần. Ban ngày bọ trĩ hoạt động tương đối nhanh nhẹn. Khi bị khua động chúng lẩn tránh sang lá khác hoặc giả chết rơi xuống đất, chúng thường ẩn nấp trong lá non, trong gốc cây lan, hoặc ẩn lấp dưới lớp vỏ của gỗ làm giá thể trồng lan… do không ưa ánh sáng trực xạ. Khi trời râm mát chúng bò ra ngoài.

b. Triệu chứng gây hại Cả thành trùng và ấu trùng đều gây hại. Trên cây lan, chúng gây hại trên lá non và hoa. Bọ trĩ có thể gây hại trong tất cả các giai đoạn phát triển của cây lan. Bọ trĩ thường phát triển gây hại nặng trong điều kiện ấm nóng và khô. + Trên lá: Chúng giũa hút làm cho lá chậm phát triển, lá ít xanh, bị nặng có thể quăn queo. + Trên hoa: Chúng giũa hút nhựa làm cho cánh hoa bị thâm đen, nhụy hoa chảy nhựa. Nếu bị gây hại nặng sẽ làm cho hoa rụng hàng loạt. Làm hoa nhanh tàn. Nếu bạn muốn mang lan đi thi, thì bọ trĩ chính là khắc tinh của các giải thưởng. + Trên rễ có thể gây thắt rễ của cây lan. + Bọ trĩ cũng tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm đen lá, đen giả hành. Mặc dù không gây chết cây nhưng cây sinh trưởng phát triển kém làm cho ra hoa kém, cây dễ bị thối nâu, thối đen, thối nhũn, đốm đen do nấm và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập từ các vết giũa hút.

2. Biện pháp phòng trừ bọ trĩ: a. Biện pháp cơ học:

– Duy trì ẩm độ trong mùa khô trên 65% (bạn nên tham khảo lại bài Kỹ thuật kiểm soát độ ẩm và Tiểu khí hậu giàn lan). – Dùng vòi nước mạnh tưới lên cây (tránh giai đoạn cây đang nở hoa) hoặc áp dụng kỹ thuật tưới phun trên tán trong mùa khô kết hợp tưới nước cũng giúp hạn chế dịch hại. (Nhớ mức độ mạnh nhẹ còn lựa cơm gắp mắm kẻo lợi bất cập hại).

– Xử lý giá thể thật kỹ, các loại giá thể có vỏ tốt nhất nên bóc bỏ vỏ đi, vừa làm giá thể lâu mục, vừa là đỡ 1 nơi ẩn nấp cho sâu hại và côn trùng.

– Bổ sung đầy đủ cân đối dinh dưỡng cho lan như bài 6 để có thể chống chịu lại sâu côn trùng và bệnh hại ít bị thiệt hại nhất.

b. Biện pháp hóa học:

Bọ trĩ có tính kháng thuốc rất cao nên luân phiên các loại thuốc có hoạt chất như Spinetoram (Radiant 60SC,…) , Imidacloprid (Confidor 100SL,…), Carbosulfan (Marshal 200SC,…) phun vào lúc cây ra đọt non và ra nụ. Bọ trĩ không ưa ánh sáng trực xạ, khi trời râm mát chúng sẽ bò ra ngoài, vì vậy nhà vườn nên phun thuốc vào buổi chiều tối để đạt hiệu quả tối đa.

Thật ra thì dùng Movento 150 OD với SK Enspray 99EC cũng đã đủ để diệt đám bọ trĩ này rồi.

4. KIẾN

Kiến rất ít khi gây hại trực tiếp cho lan (có đôi khi chúng cũng cắn đầu rễ và lá lan), nhưng nếu chúng bu kín cả vòi nụ và tha rệp lên cây lan để nuôi rệp lấy mật thì lại là chuyện khác. Nếu vòi nụ bị kiến bu thì khi nở ra chắc chắn sẽ có nhiều bông hoa bị tàn phế quăn queo lồi lõm. Kiến cũng là một trong các nguyên nhân gián tiếp gây các loại bệnh do nấm, vi khuẩn và vi rút trên lan.

Diệt kiến với một trong các loại thuốc sau:

– FENDONA Quy cách: Chai 50ml; chai 500ml; chai 1 lít; vỉ 5ml, tấm 4 vỉ x 5ml Hoạt chất: Alpha – Cypermethrin 10% Nguồn gốc: Sản phẩm của Basf (Đức) – Tập đoàn hóa chất hàng đầu thế giới. Đối tượng diệt trừ: Muỗi, kiến, gián, ruồi, bọ chét, bọ xít hút máu, bọ đậu đen, kiến 3 khoang, rận, rệp,… Đặc tính và công dụng: • Hiệu lực phun tồn lưu kéo dài từ 4 – 6 tháng trên nhiều bề mặt phun khác nhau: gạch, đất, vôi, sơn nước, xi măng, gỗ,… • Tẩm mùng (màn) hiệu lực kéo dài từ 10 – 12 tháng • Không mùi, không để lại vết bẩn trên bề mặt sau khi phun • An toàn cho sức khỏe người và môi trường

– Regent 800 WG – hãng Bayer (Trị nhện gié, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, bọ xít, bọ trĩ , rệp, kiến…)

Tôi không nói nhiều về thuốc này, nhưng thuốc bên trên (Fendona) được 9 điểm thì thuốc này được 10 điểm. Còn tại sao lại vậy thì bạn tự tìm đọc “Những đặc điểm nổi trội của thuốc Regent 800 WG” trên google.com nhé. Thuốc của Đức, giành cho nông nghiệp sạch.

Quan điểm cá nhân của tôi: Khi bắt buộc phải dùng thuốc, thuốc của hãng BAYER luôn là ưu tiên số 1. Trừ khi BAYER không có, tôi mới dùng thuốc của hãng khác. Lý do chỉ nằm ở hai yếu tố: CHẤT LƯỢNG và AN TOÀN.

5. CUỐN CHIẾU

– Ngoài việc ăn những lá cây rụng, mục nát, cuốn chiếu còn có ăn luôn cả rễ và mầm non của lan. Vậy nên, đối với lan, cuốn chiếu cần bị loại trừ. Dấu hiệu của sự phá hại của cuốn chiếu là các lớp vỏ ngoài cây non bị bong tróc cùng những thương tổn bất quy tắc trên lá non và ngọn cây lan.

Trước hết, bạn cần biết một điều rằng cuốn chiếu rất dễ sinh sôi trong môi trường ẩm của đất trồng, nên chúng ta sẽ không thể nào loại bỏ tuyệt đối khả năng xuất hiện của cuốn chiếu. Tuy nhiên, vẫn có một số cách hạn chế sự xuất hiện của cuốn chiếu.

– Nói chung khi giá thể nhiều mùn hoặc bón phân chuồng thì khả năng có cuốn chiếu là rất cao. Bên cạnh đó rễ lan mục, gỗ làm giá thể bị mục cũng là thức ăn của cuốn chiếu.

– Dùng thuốc diệt côn trùng Pesguard 161 hoặc Permecide 50EC hoặc Fendona 10SC để diệt cuốn chiếu.

6. RUỒI VÀNG

Còn gì đau khổ hơn khi ta nâng niu từng chiếc lá trong bao nhiêu năm tháng, vậy mà vào một sáng thức dậy đi ngắm giàn lan, ta lại thấy lá bị những quầng vàng, đốm vàng nâu trên lá của cây lan. Đặc biệt là những giống lan đơn thân đếm lá tính tiền như Ngọc Điểm (Đai Châu), Vanda, Sóc Lào, Đuôi Chồn, Sóc Ta, Hải Yến…

Có đôi khi chúng đẻ vào vòi hoa hoặc nụ làm teo vòi hoa và rụng nụ.

Thật ra, rất khó để có thể khẳng định một cách chính xác rằng vết bệnh đó có phải do ruồi vàng chích và đẻ trứng hay không. Bắt buộc bạn phải ngồi rình xem có ruồi vàng xuất hiện trong vườn không mà thôi.

Đặc điểm sinh học và sinh thái của loài ruồi vàng: Vòng đời của ruồi vàng: 22-28 ngày và trải qua 4 giai đoạn: Trứng – Ấu trùng (Dòi) – Nhộng và Ruồi trưởng thành:

– Trứng: 2-3 ngày. Trứng ruồi có hình dạng quả dưa chuột, dài khoảng 1mm, lúc mới đẻ có màu trắng sữa, khi sắp nở có màu vàng nhạt. Khi giòi nở vỏ trứng tách ra theo một đường dọc.

– Ấu trùng (Dòi) : 8-10 ngày. Ấu trùng non mới nở dài khoảng 1,5mm, miệng có một móc cứng đen, đẫy sức dài khoảng 6-8 mm, màu vàng nhạt. Khi dòi đẫy sức chui ra ngoài hóa nhộng.

– Nhộng: 7-12 ngày. Vỏ nhộng (kén giả) hình trứng dài, lúc đầu có màu vàng nâu, lúc ruồi sắp vũ hóa chuyển sang màu nâu đỏ.

– Ruồi trưởng thành đẻ trứng sau 5-7 ngày và có thể sống hàng tháng. Một con ruồi vàng cái có thể đẻ 150-200 trứng. Ruồi trưởng thành hoạt động ban ngày, thường là sáng sớm hoặc chiều mát..

Cách xử lý diệt ruồi vàng

– Biện pháp vật lý: Làm nhà kính cho giàn lan, hoặc ngoài lớp lưới xanh đen của Thái quây xung quanh giàn, bạn nên quây thêm 1 lớp lưới bằng sợi cước trắng mắt nhỏ để ngăn cản hoàn toàn ruồi và các loại côn trùng khác bay vào vườn.

– Biện pháp hoá học: Hiện nay, trong danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có loại thuốc nào đăng ký phòng trừ ruồi vàng hại trên cây lan. Tuy nhiên, để kịp thời hạn chế và phòng trừ ruồi phát tán gây hại mạnh trên diện rộng, cùng với các biện pháp nêu trên các bạn có thể dùng bẫy ruồi đến để tiêu diệt bằng một trong các loại thuốc như: Methyl Eugenol 75 % + Dibrom 25 % (Ruvacon 90L, Vizubon D) Methyl Eugenol 60% + Propoxur 10% (Vizubon – P) Methyl Eugenol 90% + Naled 5% (Flykil 95EC) Protein thuỷ phân (Ento-Pro 150DD) + Regent Đặt 25 – 30 bẫy/ha. Chú ý: Có thể mua dụng cụ bẫy bán sẵn trên thị trường (bạn cứ ra nhà thuốc BVTV bảo họ bán cho dụng cụ và thuốc bẫy ruồi vàng là được) hoặc tự chế bằng cách dùng chai nhựa sẫm màu (tốt nhất là chai nhựa có màu vàng) khoét 2 lỗ nhỏ đối diện đầu chai và đáy chai khoảng 2 x 2,5 cm. Dùng dây thép cột bông gòn đã tẩm thuốc BVTV đưa vào đáy chai, đầu kia của dây thép đâm thủng đáy chai cột vào thân cây (treo ngược chai để tránh nước mưa làm trôi thuốc) sau đó đóng nắp chai lại để theo dõi được mật số ruồi trưởng thành vào bẫy. Bẫy được treo trên cây, nơi đầu gió và râm mát (không treo bẫy ngoài nắng vì thuốc sẽ giảm hiệu lực nhanh), cách mặt đất khoảng 1,5 – 2 mét để dẫn dụ ruồi bay vào. Mỗi bẫy đặt cách nhau khoảng 50 m và mỗi góc vườn nên có 01 bẫy, thay bông mới sau 15 ngày hoặc khi thấy ruồi không vào bẫy.

Có vài sự tranh cãi về việc đặt bẫy sẽ dụ nhiều ruồi tới hơn, tuy nhiên bạn cũng không cần lo lắng về điều này, vì bẫy chính là cách tốt nhất hiện nay rồi. Bạn nên đặt bẫy ngoài giàn lan, các góc v ườn, không nên đặt trong vư ờn.

Nếu lan đã bị ruồi vàng chích và đẻ trứng, sau đó từ vết chích vi khuẩn và nấm xâm nhập gây ra các vết đốm vàng hoặc nâu thì ta nên làm gì?

Bạn có thể pha Regent 800WG với Kasumin liều cao (3ml/1 lít nước) rồi dùng kim tiêm chích thẳng vào chỗ ruồi vàng chích và đẻ trứng. Hoặc nếu bị ít, bạn có thể pha sền sệt Kasumin+Regent rồi bôi lên hai mặt vết bệnh. Làm như vậy 3-5 lần, 3-5 ngày 1 lần. Thay Regent bằng thuốc Fendona 10SC cũng được.

Sau khi dùng thuốc bạn nên hồi sức cho lan với phân NPK+te (20-20-20+TE) pha chung với chế phẩm Hùng Nguyễn 6 trong 1. Liều lượng 2 thìa sữa chua gạt ngang (1 gam) NPK+te với 20 giọt (1ml) chế phẩm Hùng Nguyễn pha 1 lít nước. Phun sáng sớm hoặc chiều mát.

7. GIÁN

Gián tấn công rễ non và chồi non của lan, hút chất dinh dưỡng của lan. Để phòng chống chúng bạn có thể đặt băng phiến để xua đuổi chúng hoặc có thể phun Fendona 10SC

8. SÊN, ỐC SÊN VÀ NHỚT

Bài 1 tôi đã trình bày rồi nên tôi chỉ trình bày lại sơ sơ như sau:

Sên và nhớt có sức phá hoại rễ non và mầm non rất khủng khiếp, vì vậy bạn nên rải BẢ SÊN vào mỗi buổi chập tối. Bả sên chính là giải pháp tận gốc và triệt để nhất. Nên rải bả sên ít nhất 1 tháng 1 lần. Rắc bả vào chậu lan, rắc vào nền vườn…

Các cách thức đặt bẫy khác bạn có thể đọc lại bài 1. Tôi tin rằng tất cả các cửa hàng thuốc BVTV đều bán bả sên (gọi nôm na là thuốc diệt ốc sên).

9. CÁC LOẠI KHÁC

Ve, muỗi, các loại bọ có cánh, chuột, rầy, thiêu thân (chuyên hại cho lan mới ra chai mô)… đều gây hại cho lan, tuy nhiên nếu phun phòng côn trùng với các loại thuốc bên trên thì bạn có thể an tâm là một mũi tên trúng được nhiều đích.

Ngoài ra có một cách khác rất an toàn và làm côn trùng chán nản không muốn mò vào vườn nhà bạn đó là:

Thuốc diệt và XUA ĐUỔI sâu bọ côn trùng làm từ ớt, tỏi, gừng

– Tác dụng: Ớt, tỏi, hành, gừng… chứa hàm lượng a-xit có tác động đến các bộ phận như mắt, da của những loài sâu bọ hại cây lan và có thể tiêu diệt, xua đuổi chúng.

– Cách pha chế: Để tự tạo thuốc trừ sâu thảo mộc, bạn cần chuẩn bị một số nguyên liệu: 1 kg tỏi, 1 kg ớt, 1 kg gừng và 3 lít rượu. Bạn giã tỏi, ớt, gừng. Sau đó đem ngâm trong các chum hoặc thùng kín, đổ khoảng rượu vào và bịt kín. Trong qua trình ngâm không nên để thùng ngâm ở những nơi quá nắng nóng, hoặc để hở, tránh làm bay mất hơi rượu.

– Thời gian ngâm nguyên liệu ớt, tỏi, gừng với rượu là 15 ngày, với mục đích cho các chất gây cay có trong nguyên liệu trộn đều vào rượu. Như vậy, tỷ lệ các chất gây cay trong dung dịch ngâm sẽ có nồng độ đậm đặc nhất, tốt cho việc tiêu diệt sâu hại.

Sau khi ngâm 15 ngày bạn nên lọc lấy nước cốt, cho vào chai và bảo quản nơi khô mát. Hạn sử dụng nếu bảo quản tốt có thể là nửa năm.

Pha 15ml dung dịch thuốc trên với 1 lít nước và phun khắp giàn, tuần phun 1 lần.

  

THAY LỜI KẾT

Ngày nào cũng có hơn chục bạn hỏi tôi kỹ thuật chăm sóc và bệnh tật trên lan, nhưng có một vấn đề rất đáng quan ngại đó là thuốc tôi kê, không phải chỗ nào cũng có bán. Mà có chỗ bán thì các bạn lại nói rằng không tin rằng đó là thuốc thật. Bên cạnh đó có những loại thuốc được sản xuất theo kiểu NANO NHÀ LÀM, CHẤT LƯỢNG NHÀ LÀM. Nhìn nhãn mác là hết dám tin.

Không chia sẻ chỗ bán thuốc cho các bạn thì tội các bạn, mà chia sẻ thì sẽ có kẻ đâm chọc bảo tôi maketting, giới thiệu sản phẩm ăn hoa hồng, bài viết sẽ mất đi tính KHÁCH QUAN… vân vân đủ kiểu vấn đề.

Tôi vẫn biết rằng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người được, nhưng mục đích của tôi là phục vụ số đông các bạn mới chơi và chơi lan theo kiểu lãng tử với một số các nhà vườn nhỏ…. Người Mỹ họ nói: “Nếu bạn muốn làm vừa lòng tất cả mọi người thì đừng làm gì cả và đừng là ai hết, hãy trở về làm người quét rác”. Rác ở đây bạn nên hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ai tới nhà tôi và gặp tôi thì mới hiểu được tôi như thế nào. (Haizzz, có khi sau bài này, nhãn hàng nước rửa chén Sunlight sẽ trả hoa hồng cho tôi cũng nên, hay mấy cô mấy chị bán tỏi ớt gừng cho tôi chục ký ăn cả năm cũng nên…)

1. Địa chỉ bán tất cả các loại giá thể: Thái Văn Dũng – nick Facebook Vỏ Cây Thông, số điện thoại 0932617079.

2. Chế phẩm Hùng Nguyễn, web chính thức aikeutuido.com Toàn bộ bài viết của tôi nằm trong mục CHĂM SÓC LAN.

3. Tất cả các loại phân (tan chậm cho tới kích hoa kích rễ của Đài Loan hay Nhật, của hãng Growmore…) Các loại chế phẩm có uy tín trên thị trường Việt Nam Các loại thuốc từ phòng tới trị bệnh, diệt côn trùng tới ký sinh trùng cho lan… Nói chung là hơn 50 các thể loại… Bạn hãy nhấn vào đường link:

https://www.facebook.com/Vuonlanthuyduong/?fref=ts

Đồng Thuỳ Dương, số điện thoại 0966852886

4. Dĩ nhiên tôi khuyên các bạn nếu mua được phân thuốc gần nhà là tốt nhất, không tội gì phải tốn thêm một khoản tiền ship cả. Các hãng phân thuốc tôi đang dùng bao gồm: Công nghệ Nano của hãng AHT, các loại phân chì của Đài Loan và Nhật, các loại phân phun của hãng Growmore, các loại thuốc của hãng Bayer, Syngenta, Lúa Vàng, Sumitomo, Hợp Trí, Châu Á Thái Bình Dương, Arysta….v.v

Hãy CHIA SẺ để lan tỏa kiến thức tới cộng đồng.

Tài liệu tham khảo: www.aos.org https://staugorchidsociety.org https://nonghoc.com/ https://vidanvn.com https://www.trongtrot.lamnghenong.com.vn https://baovecaytrong.com https://bvtvld.gov.vn https://forum.caycanhvietnam.com

Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng.

Từ khóa » Cuốn Chiếu Có Hại Lan Không