Bài 5. ĐỜI SỐNG TÌNH CẢM CỦA CON NGƯỜI - Anh-Tourguide
Có thể bạn quan tâm
- Home
- Đăng Tin Rao Vặt
- Đăng Nhập
- Đăng Ký
- Thế Giới Rao Vặt 24h
Bài 5. ĐỜI SỐNG TÌNH CẢM CỦA CON NGƯỜI
Bài 5. ĐỜI SỐNG TÌNH CẢM CỦA CON NGƯỜI Các nội dung chính 1. Khái niệm về đời sống tình cảm của con người 2. Các mức độ của đời sống tình cảm 3. Các đặc điểm và quy luật của tình cảm 4. Cơ chế và sự biểu hiện của cảm xúc1. Khái niệm về đời sống tình cảm của con người 1.1. Phản ánh cảm xúcTrong sự tác động qua lại giữa con người với thế giới khách quan, con người không chỉ nhận thức thế giới mà còn tỏ thái độ của mình đối với nó nữa. Chẳng hạn, chúng ta vui mừng khi gặp lại bạn cũ, đau buồn khi phải chia tay với một người thân, thỏa mãn khi ngắm nhìn một tác phẩm hội họa… Hình thức phản ánh tâm lý đặc biệt này được gọi phản ánh cảm xúc hay gọi chung là cảm xúc (1). Cảm xúc là một hình thức đặc biệt của sự phản ánh quá trình thực tế tác động lẫn nhau giữa con người và môi trường xung quanh. Loại phản ánh tâm lý này khác với các hình thức phản ánh nhận thức như cảm giác, tri giác, tư duy… Các quá trình nhận thức là những quá trình trong đó các sự vật hiện tượng khách quan được phản ánh cùng với các tính chất và quy luật của mình dưới hình thức các cảm giác thành phần, các hình ảnh, biểu tượng hay khái niệm. Sự phản ánh ở đây, mặc dù mang tính chủ thể, nhưng là khá khách quan. Khác với các quá trình nhận thức, trong phản ánh cảm xúc chỉ phản ánh những mặt của hiện thực khách quan gắn liền với nhu cầu, động cơ của con người. Mọi sự vật, hiện tượng tác động vào giác quan của chúng ta ít nhiều được chúng ta nhận thức (ở mức độ đầy đủ, sáng tỏ khác nhau), song không phải mọi tác động vào giác quan đều được ta tỏ thái độ, mà chỉ có những sự vật hiện tượng nào liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu hoặc động cơ của con người mới gây nên cảm xúc. Nghĩa là phạm vi phản ánh của cảm xúc có tính lựa chọn. Sự phản ánh diễn ra dưới hình thức những rung động thể hiện thái độ chủ quan của con người đối với các sự vật hiện tượng hay đối với các mặt của chúng. Tính chủ thể, do vậy, trong phản ánh cảm xúc là rất đậm nét. Trong nhiều trường hợp nhận thức buộc phải giống nhau (cùng phản ánh những thuộc tính, quy luật của sự vật hiện tượng khách quan), nhưng tình cảm có thể khác nhau. Cảm xúc là chủ quan theo nghĩa là nó luôn biểu thị thái độ tích cực hay tiêu cực (thích hay ghét, đồng tính hay phản đối, vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ…) đối với hiện thức khách quan. Đồng thời, cảm xúc cũng biểu hiện trạng thái bên trong của con người do chỗ con người rung cảm khi tác động tương hỗ với môi trường xung quanh. Đặc tính của các rung động cảm xúc là chúng phong phú và đa dạng không chỉ về mặt nội dung của các hiện tượng nó có liên quan tới, mà còn theo các đặc điểm về chất của mình và theo vô số các sắc thái cảm xúc tương tự.Ví dụ một người có thể rung động bởi sự đau khổ, vui sướng hay sợ hãi với vô số sắc thái và mức độ khác nhau căn cứ vào các nguyên nhân gây nên các rung động đó, căn cứ vào các điều kiện hoạt động do con người tiến hành, vào các sự kiện đã qua, vào ý nghĩa của các hiện tượng đối với người đó, vào đặc điểm cá nhân của người đó… Toàn bộ các hình thức, các mức độ, các sắc thái khác nhau của cảm xúc gộp chung lại tạo thành đời sống tình cảm của con người. Sự biểu hiện cảm xúc của con người thường có liên quan tới nhu cầu của nó. Những đối tượng đáp ứng nhu cầu của con người thì con người có thái độ vui mừng, phấn khởi, yêu thích. Ngược lại, đối tượng không đáp ứng nhu cầu của con người làm cho con người có thái độ buồn chán, giận dữ. Các thái độ trên có khi thì sâu lắng, lâu dài (tình cảm), có khi lại ồn ào phô trương nhưng chỉ thoảng qua (xúc cảm). Đời sống tình cảm của con người rất phong phú, đa dạng, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ở nhiều mức độ khác nhau, có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ hoạt động học tập, lao động và giao tiếp của con người. 1.2. Vai trò của cảm xúc Cảm xúc có vai trò to lớn trong cuộc sống của con người cả về mặt tâm lý và sinh lý. Con người không có cảm xúc thì không còn là người bình thường nữa, mà chỉ là người bị bệnh tâm thần hoặc bị chứng vô cảm mà thôi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự “đói tình cảm” cũng ảnh hưởng sâu sắc tới tâm lý và sức khỏe như là sự “đói cảm giác” vậy. Ở những con người sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm dễ xuất hiện chứng vô cảm, buồn chán, sơ hãi trong không gian khép kín, nhưng lại dễ bị kích động, cáu gắt, hung dữ… Khả năng hoạt động tâm lý cũng bị hạn chế, kém thông minh, thiếu ý chí … Cảm xúc có liên quan mật thiết với hoạt động nhận thức. Mối quan hệ này có tính hai chiều. Cảm xúc thúc đẩy nhận thức, tạo động cơ cho nhận thức, kích thích sự tìm tòi khám phá trong nhận thức. Ngược lại, nhận thức là cơ sở của cảm xúc, là cái “lý” của cảm xúc. Nhận thức định hướng cho xảm xúc. “Điếc không sợ súng” là một ví dụ điển hình về mối quan hệ này – con người đầu tiên nhận thức sự vật rồi sau đó mới thể hiện cảm xúc với nó. Cảm xúc có vai trò quan trọng trong hoạt động của con người. Nó làm tăng nghị lực, tăng sức mạnh, củng cố niềm tin trong hoạt động… Cảm xúc là một trong những động lực cơ bản đối với việc thực hiện một hành vi nào đó và những lực kích động đó thường trở thành động cơ hoạt động của con người. Một con người khô khan, dửng dưng, thờ ơ với tất cả mọi công việc thì không thể đề ra và giải quyết những nhiệm vụ quan trọng, không có khả năng đạt tới những thắng lợi to lớn. Vì vậy sự thành công của hoạt động thường có sự góp phần của cảm cảm xúc. Thực tế có rất nhiều hiện tượng chứng minh cho điều này. Việc tạo động cơ cảm xúc của hành vi và hoạt động có ý nghĩa to lớn trong điều kiện các hành vi ý chí đồi hỏi phải khắc phục khó khăn trên đường đạt mục đích. Tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ, tính tập thể, vinh dự với tư cách các phản ánh cảm xúc sẽ kích thích đấu tranh vượt khó khăn trở ngại, kích thích nỗ lực ý chí, giúp lựa chọn cách giải quyết. Cảm xúc ảnh hưởng đến xu hướng của hứng thú và thiên hướng của con người. Trong giao tiếp các cảm xúc đóng vai trò truyền đạt quan trọng. Cảm xúc mang lại cho ngôn ngữ tính truyền cảm – thông qua điệu bộ, cử chỉ, nét mặt… do đó gây nên phản ứng đáp lại của người khác. Cảm xúc có ý nghĩa đặc biệt trong hoạt động sáng tạo. Các nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, nghệ sĩ … sáng tạo ra tác phẩm mới, công trình mới đều trên cơ sở “cảm hứng dâng trào” niềm say mê khoa học và tình yêu cuộc sống. Như V.I.Lênin đã viết: “Nếu không có những cảm xúc của con người thì trước đây, hiện nay và mãi sau này sẽ không có và không thể có sự tìm kiếm của con người về chân lý” Tóm lại, cảm xúc vừa có chức năng tín hiệu (thể hiện thái độ, các đặc điểm cá nhân…), vừa có chức năng điều chỉnh (động cơ thúc đẩy hành vi). Cũng như các hiện tượng tâm lý khác, cảm xúc của con người không tự nhiên có, nó hình thành và phát triển qua một quá trình. Trong quá trình sống, học tập và làm việc chúng ta không chỉ hình thành tri thức và hiểu biết cho bản thân mà còn phải chú ý đến hình thành những tình cảm đúng đắn, trong sáng và cao đẹp cho người khác, đặc biệt cho trẻ em. Nhà giáo dục Nga A.X.Macarencô nói: “Giáo dục tính cách Bônsêvich chân chính là giáo dục tình cảm một cách đúng đắn. Tôi tin rằng chúng ta không giáo dục tình cảm một cách đúng đắn thì cũng có nghĩa là chúng ta chẳng giáo dục gì cả”.2. Các mức độ của đời sống tình cảm Đời sống tình cảm (phản ánh cảm xúc) của con người vô cùng phong phú và đa dạng. Điều đó được thể hiện không chỉ ở nội dung muôn màu muôn vẻ của xúc cảm và tình cảm mà còn ở các mức độ khác nhau của đời sống tình cảm. Người ta phân biệt các hình thức phản ánh cảm xúc theo các mức độ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp theo các thông số như tính ổn định, tính trọn vẹn, tính khái quát và tính có ý thức. Theo cách phân biệt này người ta nói đến: màu sắc xúc cảm của cảm giác, xúc cảm, tình cảm và tình cảm mang tính chất thế giới quan. 2.1. Màu sắc xúc cảm của cảm giácĐây là mức độ thấp nhất của đời sống tình cảm. Nó là một sắc thái xúc cảm đi kèm với một cảm giác nào đó. Ví dụ: cảm giác về màu xanh da trời cho ta cảm xúc dễ chịu, mát mẻ; cảm giác về màu đỏ rực cho ta sự rạo rực, nhức nhối; nghe giọng giảng của thầy trầm ấm, khoan thai... ta có cảm giác ấm áp, trìu mến. Trong tiếng Việt có một loạt các từ mô tả hiện tượng này như “đỏ lòm”; “xanh lè”; “inh tai nhức óc”… Màu sắc xúc cảm của cảm giác mang tính chất cụ thể, nhất thời, không mạnh mẽ, đi liền với một cảm giác nhất định và không được chủ thể ý thức một cách rõ ràng, đầy đủ. Màu sắc xúc cảm của cảm giác nảy sinh do sự tác động của một hay một vài đặc điểm bên ngoài của sự vật, hiện tượng khách quan. Những hiểu biết về màu sắc xúc cảm của cảm giác được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. 2.2. Xúc cảm Đây là mức độ phản ánh cảm xúc cao hơn. Xúc cảm là những rung động (xúc động) của con người trước một sự vật hiện tượng cụ thể nào đó đang trực tiếp thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu, động cơ con người. Xúc cảm cũng là sự thể nghiệm trực tiếp của một tình cảm nào đó. Tình cảm thể hiện ra ngoài thông qua các xúc cảm. Xúc cảm là những rung cảm xảy ra nhanh chóng nhưng mạnh mẽ và rõ rệt hơn, mang tính khái quát hơn và được chủ thể ý thức rõ hơn so với màu sắc xúc cảm của cảm giác. Nếu như màu sắc xúc cảm của cảm giác nảy sinh do sự tác động của một hay một vài đặc điểm bên ngoài của sự vật, hiện tượng khách quan thì xúc cảm nảy sinh do sự tác động của những sự vật, hiện tượng trọn vẹn. Tùy theo cường độ và tính ổn định (thời gian tồn tại), người ta lại chia xúc cảm thành 2 loại: xúc động và tâm trạng. Xúc động là một dạng của xúc cảm có cường độ rất mạnh, xảy ra trong một thời gian ngắn như là một quá trình (theo từng cơn) và khi xảy ra xúc động con người thường không làm chủ được bản thân mình. Ví dụ “ Cơn tức giận” “Cơn ghen” và khi người ta tức giận như vậy thì “Cả giận mất khôn”, không ý thức được hậu quả của hành vi của mình (2). Tâm trạng là một dạng xúc cảm có cường độ vừa phải hoặc tương đối yếu nhưng tồn tại trong thời gian tương đối lâu hơn so với xúc động (có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng, hàng năm). Ví dụ: tâm trạng vui mừng phấn khởi hoặc là tâm trạng lo lắng, buồn chán, sợ hãi. Tâm trạng có thể bao trùm lên toàn bộ hoạt động của con người và ảnh hưởng lên các hoạt động đó, làm nền cho các hoạt động diễn ra. Stress cũng là một trạng thái căng thẳng đặc biệt của xúc cảm. Đây là những trạng thái cảm xúc nảy sinh trong những tình huống nguy hiểm, những tình huống khi con người phải chịu đựng những gánh nặng về thể lực hay tâm lý hay khi phải đưa ra các quyết định quan trọng. Stress có thể có cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến hoạt động của con người. 2.3. Tình cảm Tình cảm là những thái độ cảm xúc ổn định của con người đối với những sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, phản ánh ý nghĩa của chúng trong mối liên hệ với nhu cầu và động cơ của họ. Tình cảm là một thuộc tính ổn định của nhân cách, là sản phẩm cao cấp của sự phát triển những quá trình cảm xúc trong điều kiện xã hội. Tình cảm hình thành trên cơ sở khái quát hóa, động hình hóa những xúc cảm cùng loại. Những xúc cảm cùng một loại lặp đi lặp lại sẽ dần trở thành các thuộc tính tâm lý ổn định, thành tình cảm. Tình cảm được hình thành và biểu hiện qua xúc cảm. Tuy nhiên xúc cảm và tình cảm không đồng nhất với nhau. Tình cảm hình thành trong thời gian tương đối dài trên cơ sở khái quát nhiều xúc cảm, nếu chỉ có thời gian ngắn tình cảm không dễ xuất hiện ngay được mà chỉ có thể có xúc cảm. Tình cảm cũng là nguyên nhân của xúc cảm và biểu hiện qua xúc cảm. Mối quan hệ của xúc cảm và tình cảm là mối quan hệ nhân quả. So với màu sắc xúc cảm của cảm giác và xúc cảm thì tình cảm: ổn định hơn, nảy sinh do sự tác động của một loạt sự vật hiện tượng (chứ không phải do một sự vật hiện tượng đơn lẻ), và được chủ thể ý thức một cách đầy đủ (chủ thể biết mình có tình cảm gì, với ai hay với cái gì). Xúc cảm và tình cảm đều biểu thị thái độ của con người đối với thế giới, nhưng xúc cảm và tình cảm cũng có những điểm khác nhau. Xúc cảm: - Có ở người và động vật - Là một quá trình tâm lý - Xuất hiện trước trong sự phát sinh cá thể - Có tính nhất thời, đa dạng, phụ thuộc vào tình huống… - Chủ yếu thực hiện chức năng sinh học (giúp cơ thể định hướng và thích nghi với môi trường bên ngoài với tư cách một cá thể) - Gắn liền với phản xạ không điều kiện, bản năng, với hệ thống tín hiệu thứ nhất. Tình cảm: - Chỉ có ở người - Là một thuộc tính tâm lý của nhân cách - Xuất hiện sau - Có tính xác định, khái quát và ổn định - Thực hiện chức năng xã hội (giúp con người định hướng và thích nghi với xã hội với tư cách một nhân cách) - Gắn liền với phản xạ có điều kiện, với định hình động lực thuộc hệ thống tín hiệu thứ hai - Được chủ thể ý thức một cách rõ ràng sâu sắc. Dựa theo cường độ của tình cảm người ta phân biệt một loại tình cảm có cường độ rất mạnh, tồn tại lâu dài và được chủ thể ý thức một cách rõ ràng. Đó là sự say mê. Sự say mê lại được phân loại thành say mê tích cực và say mê tiêu cực dựa theo tính chất xã hội của đối tượng của sự say mê. Nếu đó là một đối tượng có ý nghĩa xã hội tiêu cực (cờ bạc, rượu chè...) thì sự say mê ấy là tiêu cực. Ngược lại, nếu đó là một đối tượng có ý nghĩa xã hội tích cực (nghệ thuật, khoa học...) thì sự say mê ấy là tích cực. Sự say mê thường thúc đẩy con người hoạt động một cách mạnh mẽ. Tình cảm hình thành dựa trên sự thỏa mãn hay không thỏa mãn những nhu cầu khác nhau của con người. Do chỗ các nhu cầu của con người được phân cấp thành những nhu cầu bậc thấp hơn (nhu cầu sinh lý-cơ thể) và nhu cầu bậc cao (nhu cầu xã hội), nên người ta cũng phân loại tình cảm thành tình cảm cấp cao và tình cảm cấp thấp. Tình cảm cấp thấp là những tình cảm liên quan đến nhu cầu sinh lý cơ thể, nó có ý nghĩa sinh học to lớn – báo hiệu về trạng thái sinh lý của cơ thể. Tình cảm cấp cao là những tình cảm mang ý nghĩa xã hội rõ rệt – nói lên thái độ của con người đối với những hiện tượng khác nhau của đời sống xã hội. Tình cảm cấp cao gồm có: tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ, tình cảm hành động. Tình cảm đạo đức là những tình cảm liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu đạo đức của con người. Tình cảm đạo đức thể hiện thái độ của con người đối với những người khác, đối với tập thể, cộng đồng và đối với trách nhiệm xã hội của bản thân. Tình cảm đạo đức có các hình thức như tình yêu thương con người, tình cảm nghĩa vụ, tình bạn bè... Tình cảm trí tuệ là những tình cảm nảy sinh trong quá trình hoạt động trí tuệ, liên quan đến những quá trình nhận thức và sáng tạo – đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu nhận thức và sáng tạo của con người. Những tình cảm trí tuệ, ví dụ lòng ham hiểu biết, sự hoài nghi, sự ngạc nhiên... , phản ánh thái độ của con người đối với các tư tưởng, các quá trình và kết quả của hoạt động trí tuệ. Tình cảm thẩm mỹ là những tình cảm liên quan đến nhu cầu thẩm mỹ. Tình cảm thẩm mỹ thể hiện thái độ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực (tự nhiên, xã hội, lao động và bản thân con người), thể hiện thị hiếu thẩm mỹ và được thể nghiệm trong những trạng thái khoái cảm nghệ thuật đặc trưng. Loại tình cảm này, cùng với những loại tình cảm cấp cao khác, được nảy sinh trong đời sống xã hội, bị quy định bởi xã hội và thể hiện trình độ phát triển về mặt xã hội của cá nhân. Tình cảm hoạt động là sự thể hiện thái độ của con người đối với một hoạt động nhất định, liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu đối với việc thực hiện hoạt động đó. Ở đây bản thân hoạt động của con người là đối tượng của một thái độ nhất định của cá nhân. Lòng yêu lao động, sự tôn trọng các giá trị lao động, ham thích thể thao... là những hình thức của tình cảm hoạt động. 2.4. Tình cảm mang tính chất thế giới quan Đây là mức độ cao nhất của phản ánh cảm xúc. Ở mức độ này, tình cảm rất bền vững và ổn định, do một loại hay một phạm trù các sự vật hiện tượng gây nên, có tính khái quát cao. Tình cảm mang tính chất thế giới quan có tính tự giác và tính ý thức rất cao, nó trở thành nguyên tắc trong thái độ và hành vi của cá nhân. Tình cảm mang tính chất thế giới quan có các hình thức như: tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính giai cấp...3. Các đặc điểm và quy luật của cảm xúc 3.1. Những đặc điểm đặc trưng của cảm xúcCảm xúc với tư cách mặt đặc trưng nhất, đậm nét nhất của bản chất người (3) , có các đặc điểm đặc trưng sau. Tính nhận thức: cảm xúc được nảy sinh trên cơ sở quá trình nhận thức đối tượng. Nhận thức định hướng cho xảm xúc - con người đầu tiên nhận thức sự vật rồi sau đó mới thể hiện cảm xúc với nó. Nói cách khác, yếu tố nhận thức, rung động và phản ứng là tiền đề làm nảy sinh cảm xúc. Trong đó, nhận thức được xem là “cái lý” của cảm xúc, nó làm cho cảm xúc có tính đối tượng xác định. Những nguyên nhân gây nên cảm xúc thường được chủ thể nhận thức rõ ràng, ngoại trừ trường hợp mức độ phản ánh - mầu sắc xúc cảm của cảm giác. Tính xã hội: tình cảm chỉ có ở con người, nó mang tính xã hội, thực hiện chức năng xã hội và được hình thành trong môi trường xã hội, chứ không phải là những phản ứng sinh lý đơn thuần. Các xúc cảm của con người cũng khác với xúc cảm ở động vật. Xúc cảm ở người mang tính xã hội – nảy sinh do những đối tượng xã hội và hướng vào điều chỉnh hành động của con người cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Tính khái quát: đây là đặc điểm đặc trưng cho tình cảm. Tình cảm xuất hiện do một loại hay một phạm trù các sự vật hiện tượng tác động gây nên, chứ không phải do một sự vật hiện tượng đơn lẻ nào. Tình cảm, do vậy, có tính khái quát cao, nhất là những tình cảm mang tính chất thế giới quan. Tính ổn định: nếu xúc cảm là thái độ nhất thời, có tính tình huống thì tình cảm là những thái độ ổn định của con người đối với hiện thực xung quanh và đối với bản thân. Chính vì vậy mà tình cảm là một thuộc tính tâm lý, một đặc trưng quan trọng của nhân cách con người, dựa vào nó ta có thể đưa ra những nhận định đánh giá về con người. Tính chân thực: tính chân thực của cảm xúc được thể hiện ở chỗ, cảm xúc phản ánh chính xác nội tâm thực của con người, ngay cả khi con người cố che giấu bằng những “động tác giả”. Tính đối cực (tính hai mặt): cảm xúc có tính đối cực vì nó gắn liền với sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu của con người. Trong một hoàn cảnh nhất định, một số nhu cầu được thỏa mãn, còn một số nhu cầu bị kìm hãm hoặc không được thỏa mãn – tương ứng với điều đó, cảm xúc của con người được phát triển và mang tính đối cực: yêu – ghét; vui – buồn; sợ hãi – can đảm … 3.2. Các quy luật của đời sống tình cảm Đời sống tình cảm của con người vô cùng phong phú và đa dạng. Tâm lý học đã phát hiện một loạt quy luật vận hành của đời sống tình cảm của con người. Những quy luật này được vận dụng vào việc giải thích những sự kiện phức tạp trong đời sống con người. Đồng thời, các quy luật này cũng được sử dụng vào việc điều khiển và tự điều khiển đời sống tình cảm của con người. Quy luật lây lan: Cảm xúc (xúc cảm và tình cảm) của con người có thể lan truyền, “lây lan” từ người này sang người khác một cách không chủ ý. Trong đời sống hàng ngày có hiện tượng vui lây, buồn lây, đồng cảm... là biểu biện của quy luật lây lan cảm xúc. Nền tảng của quy luật này là tính xã hội của cảm xúc của con người. Bầu không khí tâm lý của tập thể, tâm trạng xã hội... được hình thành trên cơ sở của quy luật này. Quy luật thích ứng: Cũng giống như trong cảm giác, nếu một xúc cảm, một tình cảm nào đó cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần một cách đơn điệu thì nó sẽ bị suy yếu dần và bị lắng xuống. Hiện tượng này gọi là “chai dạn” cảm xúc. Đó chính là sự thích ứng. Hiệng tượng “gần thường xa thương” là do quy luật này tạo nên. Quy luật tương phản(hay cảm ứng): Giống như cảm giác, xúc cảm, tình cảm cũng có sự tương phản. Đó là sự tác động qua lại giữa xúc cảm, tình cảm âm tính với xúc cảm và tình cảm dương tính thuộc cùng một loại. Cụ thể là một xúc cảm, tình cảm này có thể làm tăng cường một xúc cảm, tình cảm khác đối cực với nó. Đó là sự cảm ứng hay tương phản trong tình cảm. “Có thức khuya mới biết đêm dài, có khóc mới thấy cười sung sướng” hay “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay” là biểu hiện của quy luật này. Quy luật pha trộn: Trong đời sống tình cảm của cá nhân, nhiều khi hai xúc cảm hay tình cảm đối cực nhau xảy ra cùng một lúc, nhưng chúng không loại trừ nhau mà pha trộn vào nhau. Ví dụ: Giận mà thương, vừa mừng vừa lo… Quy luật này cho thấy sự phức tạp, nhiều khi mâu thuẫn của đời sống tình cảm của con người. Nó phản ánh tính phức tạp, đa dạng và mâu thuẫn có thực trong đời sống, trong thực tại khách quan. Quy luật di chuyển: Xúc cảm, tình cảm của con người có thể di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác. Bởi vậy cho nên người ta có lúc “giận cá chém thớt, vơ đũa cả nắm …”. Quy luật này nhắc nhở chúng ta phải chú ý kiểm soát thái độ cảm xúc của mình, làm cho nó mang tính có chọn lọc tích cực. Quy luật về sự hình thành tình cảm: Xúc cảm là cơ sở của tình cảm. Những xúc cảm đồng loại được tổng hợp hóa, động hình hóa, khái quát hóa thành tình cảm. Ví dụ tình cảm yêu mến, kính trọng cha mẹ của con cái là do tổng hợp hóa, động hình hóa, khái quát hóa những xúc cảm của con cái có được khi thường xuyên được nhận sự chăm sóc của cha mẹ. Nhưng khi đã hình thành thì tình cảm lại thể hiện qua các xúc cảm và chi phối các xúc cảm. Như vậy, muốn hình thành tình cảm của con người thì phải đi từ xúc cảm, đảm bảo sự lặp lại và động hình hóa những xúc cảm này.4. Cơ chế và sự biểu hiện của cảm xúc 4.1. Các cơ chế của cảm xúcCó một số lý thuyết giải thích cơ chế của cảm xúc, trong đó đáng chú ý là thuyết vỏ não của I.P.Pavlov; thuyết sinh học của P.K.Anokhin và thuyết thông tin của P.V.Ximonov. Thuyết vỏ não của I.P.Pavlov cho rằng sự thể nghiệm cảm xúc là kết quả của sự phối hợp hoạt động giữa vỏ não và các trung khu dưới vỏ, trong đó vỏ não giữ vai trò chủ đạo. Khi ta tri giác một sự vật, hiện tượng quá trình hưng phấn nảy sinh theo phương thức phản xạ không điều kiện và có điều kiện trên vỏ não, trong những điều kiện nhất định hưng phấn sẽ lan rộng xuống các trung khu dưới vỏ vàqua đó xuống hệ thần kinh thực vật và tạo ra những biến đổi tương ứng trong cơ thể và gây nên những biểu hiện tương ứng ở bên ngoài của cảm xúc. Khi sự kiểm soát và ức chế của vỏ não bị suy yếu thì con người dễ xúc động với bất cứ lý do nào và không thể kiền chế được những xúc cảm đó. Thuyết sinh học của P.K.Anokhin (4) cho rằng cảm xúc là một sản phẩm của sự tiến hóa, là một phương thức thích nghi trong đời sống của thế giới động vật. Về mặt tiến hóa quá trình sống là một sự thay đổi luân phiên giữa hai trạng thái cơ bản của cơ thể - hình thành và thỏa mãn nhu cầu. Giai đoạn hình thành nhu cầu trùng với xúc cảm âm tính. Xúc cảm này có tác dụng huy động những khả năng của cơ thể để đạt được những hiệu quả thích ứng. Giai đoạn thỏa mãn nhu cầu trùng với xúc cảm dương tính – xúc cảm này khẳng định và củng cố những hành vi có kết quả. Như vậy cảm xúc là công cụ tối ưu hóa quá trình sống, thúc đẩy sự bảo toàn cá thể và toàn bộ giống loài. Về mặt sinh lý, cảm xúc liên quan đến kiến trúc trọn vẹn của hành vi. Bất kỳ một hành động nào của con người cũng đều có một cấu trúc sinh lý trọn vẹn bao gồm: 1) những bộ phận làm nhiệm vụ lập chương trình hành động; 2) những bộ phận làm nhiệm vụ của cơ quan nhận cảm hành động. Khi cơ quan nhận cảm hành động nhận tín hiệu ngược về kết quả hành động thì có sự đối chiếu kết quả với chương trình hành động. Nếu chưa có sự ăn khớp thì xuất hiện trạng thái xúc cảm âm tính, kích thích cơ thể tìm kiếm những hành động cho kết quả phù hợp với chương trình dự định. Nếu có sự ăn khớp thì nảy sinh xúc cảm dương tính, khẳng định và củng cố những hành động đã thực hiện. Thuyết thông tin của P.V.Ximonov (5) cho rằng xúc cảm là do sự thiếu hoặc thừa những thông tin cần thiết cho cơ thể đạt được mục đích – thỏa mãn nhu cầu.Nếu thừa thông tin thì nảy sinh cảm xúc dương tính, ngược lại – cảm xúc âm tính. Mô hình của thuyết này là X = N (Tcc – Thc) trong đó X là cảm xúc, N là nhu cầu, Tcc là thông tin cần có và Thc là thông tin hiện có. Các lý thuyết trên đều có những đóng góp nhất định cho việc ứng dụng trong thực tiễn lý giải và điều khiển cảm xúc của con người. 4.2. Sự biểu hiện của cảm xúc Sự biểu hiện bên ngoài của cảm xúc bao gồm: 1) Những động tác biểu hiện ra bên ngoài (nét mặt, điệu bộ, cử chỉ, vận động thân thể, ngôn ngữ); 2) những thể hiện đa dạng của thân thể (trong hoạt động và trạng thái của các nội quan); 3) những biến đổi sâu về thể dịch (trong thành phần hóa học của máu và các dịch khác, trong trao đổi chất) . (5) Các nhà bác học Liên xô Những hình thức biểu cảm trên tạo ra “tiếng nói” của cảm xúc nhờ đó con người có thể truyền đạt, trao đổi cho nhau những tâm tư, tình cảm của mình. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng thứ “tiếng nói” này khác nhau ở những dân tộc khác nhau, trong các thời đại lịch sử khác nhau, ở những nhóm khác nhau. Các động tác biểu hiện cảm xúc rất đa dạng và đa nghĩa. Những hình ảnh bên trên là một số ví dụ về biểu hiện bên ngoài của các cảm xúc khác nhau. Muốn đọc được “ngôn ngữ” biểu hiện này cần có kinh nghiệm sống và cần được đào tạo./. Chú thích: (1) Trong ngôn ngữ Latinh là emoxio – tôi cảm động, tôi xúc động. (2) Lúc này hoạt động của bộ phận dưới vỏ não hoạt động mạnh hơn hoạt động của vỏ não, làm cho sự kiểm soát của vỏ não bị suy yếu. (3) “Không có cái gì – không một từ nào, một ý nghĩ nào, thậm chí một hành vi nào của chúng ta lại biểu thị bản thân ta và thái độ của ta với thế giới một cách rõ ràng và hoàn toàn như cảm xúc của chúng ta” - K.Đ.Ushinxki, Con người là đối tượng của giáo dục, t.2, M., 1950, tr. 117. (4) Viện sĩ Liên Xô (5) Nhà bác học Liên Xô Câu hỏi ôn tập 1. Phản ánh cảm xúc là gì? Phân biệt phản ánh cảm xúc và phản ánh nhận thức. 2. Phân tích vai trò của cảm xúc trong đời sống con người. 3. Phân biệt các mức độ của đời sống tình cảm của con người. 4. Những tình cảm bậc cao của con người bao gồm những loại nào? 5. Cảm xúc có những đặc điểm đặc trưng nào? Cho ví dụ minh họa. 6. Trình bày các quy luật của đời sống tình cảm của con người. 7. Trình bày cơ chế của cảm xúc. 8. Nêu những dấu hiệu biểu hiện của cảm xúc và hướng vận dụng những hiểu biết này. Nhãn: Tam Ly Hoc Dai CuongNo comments:
Post a Comment
Newer Post Older Post Home Subscribe to: Post Comments (Atom)Tin Mới Nhất - TIN RAO VẶT
Loading...Từ khóa » Ví Dụ Về Quy Luật Của đời Sống Tình Cảm
-
Phân Tích Các Quy Luật Của đời Sống Tình Cảm - StuDocu
-
Các Quy Luật Của đời Sống Tình Cảm đầy đủ Nhất - TopLoigiai
-
Tâm Lý Học - Thứ Làm Nên Tất Cả - Spiderum
-
CÁC QUY LUẬT CỦA ĐỜI SỐNG TÌNH CẢM - Tài Liệu Text - 123doc
-
Các Quy Luật Của Tình Cảm - Tài Liệu Text - 123doc
-
ĐỜI SỐNG TÌNH CẢM - Health Việt Nam
-
Tình Cảm Là Gì? Đặc điểm, Mức độ, Quy Luật
-
Ví Dụ Về Quy Luật Lây Lan Trong Tình Cảm - Hàng Hiệu
-
Các Quy Luật Của Tình Cảm - Web Bases
-
Phân Tích Các Quy Luật Của Tình Cảm
-
Các Quy Luật Của đời Sống Tình Cảm - Kipkis
-
Quy Luật Lây Lan Trong Tâm Lý Học Xã Hội
-
[PPT] 3. Quy Luật “cảm ứng” Hay “tương Phản” *Định Nghĩa