Bài 59: ĐIỀU RĂN VIII. TÔN TRỌNG SỰ THẬT

"Hễ 'có' thì phải nói 'có', 'không' thì phải nói 'không'. Thêm thắt điều gì là do ác quỉ" (Mt 5,37).

1. H. Điều răn thứ tám dạy ta những gì?

T. Điều răn thứ tám dạy ta sống thành thật, làm chứng cho sự thật và tôn trọng danh dự mọi người.

2. H. Vì sao ta cần sống thành thật?

T. Ta cần sống thành thật vì ba lẽ này:

Một là vì Thiên Chúa là Đấng Chân thật và là chính Sự thật,

Hai là vì sự thành thật làm tăng giá trị con người,

Ba là vì sự thành thật rất cần cho đời sống chung.

3. H. Có những tội nào nghịch với điều răn thứ tám?

T. Có những tội này:

Một là làm chứng gian dối và bội thề,

Hai là làm mất thanh danh người khác như: nói hành, nói xấu, và vu khống, cáo gian.

Ba là nói dối,

Bốn là tán dương người khác khi họ làm điều xấu.

Năm là không làm chứng cho sự thật.

4. H. Làm chứng gian dối và bội thề là gì?

T. Làm chứng gian dối là nói sai sự thật về người hay việc nào đó cách công khai trước những người có thẩm quyền xét xử. Khi lời nói dối kèm theo lời thề thì gọi là bội thề hay thề gian.

5. H. Nói hành, nói xấu là gì?

T. Nói hành, nói xấu là tỏ cho người khác biết những tật xấu hay lỗi lầm của tha nhân khi không có lý do chính đáng.

6. H. Nói dối là gì?

T. Nói dối là nói sai sự thật với ý định đánh lừa người ta. Tội nói dối nặng hay nhẹ tùy theo mức độ sự thật bị bóp méo, các hoàn cảnh, ý tưởng của người nói và thiệt hại gây ra.

7. H. Có được phép tiết lộ những điều phải giữ kín không?

T. Không được, trừ khi ích chung quan trọng bắt buộc ta phải nói ra. Tuy nhiên cha giải tội tuyệt đối giữ kín bí mật của Bí tích Hòa Giải.

8. H. Kẻ làm thiệt hại danh giá người ta có phải đền trả không?

T. Phải đền trả danh thơm tiếng tốt cho người ta và nếu có gây thiệt hại vật chất thì cũng phải bồi thường nữa.

9. H. Có những nguyên tắc nào hướng dẫn việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội không?

T. Có những nguyên tắc này:

Một là các phương tiện truyền thông phải phục vụ lợi ích chung, nghĩa là tôn trọng sự thật, tự do, công bình và tình liên đới.

Hai là những người lãnh đạo có trách nhiệm bảo vệ và bênh vực sự tự do đích thực và chính đáng trong việc thông tin.

Chia sẻ kinh nghiệm sống đạo:

1) Cấm xuyên tạc sự thật trong mối tương quan khi giao tiếp với tha nhân / Là xúc phạm đến chân lý => là sự bất trung căn bản đối với Thiên Chúa và đi tới sự phá hủy Giao Ước.

2) Thiên Chúa là Đấng Chân Thật (Rm 3, 4) / là nguồn mạch mọi chân lý, nên Chúa kêu gọi mọi người phải sống trong chân lý.

3) Chân lý được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô / Người là Đấng đầy tràn ân sủng và chân lý, là ánh sáng thế gian (Yn 8, 12) / Ai tin vào Người thì không còn ở trong bóng tối / Chúa Yesus dạy các môn đệ phải yêu mến chân lý / Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không (Mt 5, 37).

4) Một khía cạnh của chân lý là sự ngay thẳng trong hành động và trong lời nói mà ta gọi là sự thành thật / Tránh xa lối sống hai mặt, dối trá, đạo đức giả!

5) Con người không thể sống chung với nhau nếu không tin nhau / Nhân đức chân thật trả lại cho người khác cách công bằng điều mà ta mắc nợ / Chân lý bao gồm sự thành thật và sự kín đáo / là giữ sự trung dung chính đáng giữa điều được phép nói ra và điều phải giữ kín.

6) Người môn đệ Chúa phải sống trong chân lý, nghĩa là sống đơn sơ phù hợp với mẫu gương của Chúa Yesus và ở lại trong chân lý của Ngài.

7) Nếu chúng ta nói: chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô mà chúng ta lại đi trong bóng tối là chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật (thư 1 Yoan 1, 6).

Đúc kết:

- Tử đạo là làm chứng cao cả nhất cho chân lý đức tin.

- Nói dối là nói điều sai sự thật với ý định đánh lừa kẻ khác.

- Ai lỗi phạm nghịch đến chân lý thì buộc phải đền bù.

- Không được làm chứng gian hại người (Xh 20, 16).

Từ khóa » Những Tội Nghịch điều Răn Thứ 8