Điều Răn Thứ Tám: TÔN TRỌNG SỰ THẬT. Suy Tư 10 Giới Răn ...
Có thể bạn quan tâm
TÔN TRỌNG SỰ THẬT (x. SGLC từ 2464 đến 2513).
"Ngươi không được làm chứng dối chống lại đồng loại". (Xh 20,16). "Thầy bảo cho anh em biết: Đừng thề chi cả... Nhưng hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ". (Mt 5,33). "Ai yêu thương, người ấy chu toàn lề luật" (Rm 13,8). Nhưng tình yêu đích thực phải được hướng dẫn và soi sáng bởi chân lý, và chỉ có chân lý mới giải thoát chúng ta. (x.Ga 8,32). I. Sống trong sự thật và làm chứng cho sự thật. Con người không thể sống với nhau nếu không tin tưởng lẫn nhau và thành thật với nhau. Không có sự thành thật, cuộc sống chung sẽ rất nặng nề, vì người ta phải thường xuyên cảnh giác và lo sợ. Đối với người Kitô hữu, lời mời gọi sống theo sự thật được bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Cựu Ước xác quyết rằng Thiên Chúa là nguồn mọi sự thật. Lời Ngài là chân lý. Vì Thiên Chúa là chân lý, nên dân của Ngài được mời gọi sống trong sự thật (Rm 3,4). Nơi Đức Giêsu Kitô, toàn bộ chân lý của Thiên Chúa được bày tỏ. Đức Giêsu là chân lý (Ga 14,6), đến trong thế gian để làm ánh sáng cho cuộc đời. Bước theo Đức Giêsu là sống trong "Thánh Thần chân lý", Đấng dẫn đưa chúng ta vào "tất cả sự thật" (Ga 16,13). Vì thế, người môn đệ Đức Giêsu phải là người yêu mến sự thật "có thì nói có, không thì nói không" (Mt 5,33); nghĩa là thành thật, chân thành trong lời nói cũng như trong việc làm, không giả hình, không gian dối. Không những sống trong sự thật, Kitô hữu còn được mời gọi làm chứng cho sự thật, theo gương Đức Giêsu, Đấng "đã đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật" (Ga 18,37). Vì Chúa Kitô chính là sự thật, nên làm chứng cho sự thật cũng là làm chứng cho Chúa Kitô, cho niềm tin vào Ngài, cho Tin Mừng của Ngài "Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta " (2Tm 1,8). Các vị Tử Đạo là những chứng nhân tuyệt vời. Các ngài đã làm chứng cho Chúa Kitô chết và sống lại, cho chân lý đức tin, và các ngài đã làm chứng bằng chính mạng sống của mình. Chính vì thế, Hội Thánh tôn kính các vị Tử Đạo cách đặc biệt, và ân cần lưu giữ bút tích về chứng tá của các ngài. II. Tội phạm chống lại sự thật. Người Kitô hữu được mời gọi "mặc lấy con người mới... để sống thật công chính và thánh thiện. Và khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận" (Ep 4,24-25). Tuy nhiên trong thực tế, ta có thể sống không phù hợp với sự thật bằng nhiều cách khác nhau: 1. Thề gian, làm chứng dối:
Những hành động nầy gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác, vì ảnh hưởng đến phán quyết của tòa án, dẫn đến chỗ kết án người vô tội, hoặc gia tăng hình phạt cho phạm nhân; hay ngược lại, đồng lõa với tội phạm. 2. Không tôn trọng danh dự người khác:
Phán đoán liều lĩnh là kết tội người khác khi không có đủ bằng chứng. Để tránh tội nầy, phải rất cẩn thận và phải giải thích tốt hết sức có thể, tư tưởng và hành vi của người khác. Nói hành nói xấu là phơi bày lỗi phạm của người khác cho người chưa biết, mà không có lý do gì vững chắc. Vu khống, cáo gian làm thiệt hại thanh danh người khác, và dẫn đến những phán đoán sai về họ. Những lỗi phạm nầy hủy hoại danh thơm tiếng tốt của người khác, và vì thế, đi ngược lại đức công bằng và bác ái. 3. Nói dối:
Đây là lỗi phạm thường xuyên nhất. Nói dối là nói ngược với sự thật, khiến người khác bị lầm lạc, đang khi họ có quyền được biết sự thật. Mức độ tội phạm có thể khác nhau, tùy theo bản chất lời nói dối, hoàn cảnh và ý định của người nói dối, cũng như thiệt hại mà lời đó gây nên cho người khác. Vì thế ở tự nó, nói dối chỉ là tội nhẹ, nhưng trong một số trường hợp, nó trở thành tội nặng vì đi ngược lại đức công bằng và đức ái. Tất cả những lỗi phạm đi ngược lại đức công bằng và đức ái, đòi hỏi phải được đền bù, kể cả khi người có tội đã được tha thứ. Khi không thể đền bù cách công khai, phải đền bù cách kín đáo. Đó là đòi hỏi của lương tâm. III. Tôn trọng và phục vụ sự thật. 1. Tôn trọng sự thật:
"Bác ái trong sự thật và sự thật trong bác ái". Ta có bổn phận phải nói sự thật, nhưng đồng thời, trong một vài trường hợp cụ thể. Đức Ái đòi buộc ta phải cẩn trọng xem xét có nên nói sự thật cho người khác không, vì có thể dẫn đến những hậu quả không tốt. Ích lợi và an ninh của người khác, tôn trọng đời tư, công ích: đó là những lý do đủ để ta có thể im lặng, không nói điều không nên nói, hoặc nói tránh đi. Không ai bị bó buộc phải nói cho người khác điều mà họ không có quyền biết. Chính ở đây, xuất hiện tầm quan trọng của bí mật tòa giải tội. Ấn tòa giải tội là bí mật bất khả xâm phạm. Vì thế sẽ là trọng tội nếu cha giải tội phản bội hối nhân, bằng lời hay cách thế nào khác và vì bất cứ lý do gì (x. Giáo luật 983). Ngoài ra còn có những bí mật về nghề nghiệp, hoặc những tâm sự đòi hỏi được giữ kín. Chỉ được phép nói ra vì những lý do nghiêm trọng và cân xứng, hoặc vì tai nạn có thể xãy ra nếu không nói. 2. Những phương tiện truyền thông:
Trong thời đại hiện nay, những phương tiện truyền thông phát triển rất nhanh, và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc thông tin, đào tạo và phát triển văn hóa. Những phương tiện truyền thông đó phải nhằm mục đích phục vụ công ích, đặt nền tảng trên sự thật, tự do, công bằng và tình liên đới. Trong thực tế, vì ảnh hưởng của lợi nhuận kinh tế và những động lực chính trị, người ta đã bóp méo sự thật, và làm cho nhiều người mất đi khả năng đón nhận chân lý (Đức Gioan Phaolô II). Vì thế, người tín hữu phải tự tạo cho mình một kỷ luật và khả năng phán đoán, dựa trên thang giá trị của Tin Mừng, để biết đánh giá đúng mức và tiếp thu những gì tốt đẹp qua các phương tiện truyền thông (x. TT 10). 3. Mỹ thuật Thánh:
Ngôn ngữ là một trong những phương thế diễn tả và truyền thông chân lý, nhưng không phải là phương thế duy nhất. Hơn thế nữa, có những chân lý mà ngôn ngữ con người không sao diễn tả nổi, nhất là chân lý về Thiên Chúa "Đấng ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, vô phương đạt thấu". Vì thế, còn có nhiều phương thế khác để diễn tả chân lý, đặc biệt là Mỹ Thuật mà Hội Thánh quan tâm đề cao "Trong những hoạt động cao quý nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo, mà tột đỉnh của nghệ thuật nầy chính là nghệ thuật Thánh" (PV 122). Vì thế, từ việc xây cất nhà thờ, trưng bày ảnh tượng hay những tác phẩm tôn giáo, phải quan tâm xem xét để tất cả phục vụ cho chân lý Đức Tin "góp phần tích cực vào việc đạo đức, là hướng tâm người ta về cùng Chúa" (PV 122). IV. Trong cuộc sống hôm nay. 1. Do ảnh hưởng của sinh hoạt xã hội, và nhiều khi do cả nền giáo dục chuộng hình thức, sự gian dối đã trở thành quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt. Sự gian dối đó không những hủy hoại mối quan hệ người với người trong xã hội, mà còn hủy hoại chính ơn gọi làm người để "sống trong sự thật" (Rm 3,4). Vì thế cho dẫu khó khăn, người Kitô hữu phải cố gắng và can đảm sống ngay thẳng, thành thật, chân thành với chính mình và với mọi người. 2. Từ năm 1966, Hội Thánh Công Giáo đã chọn lễ Thăng Thiên hàng năm làm ngày Quốc Tế về Truyền thông. Việc Đức Giêsu về trời gắn liền với sứ mạng trao ban cho Hội Thánh: Ra đi loan báo Tin Mừng. Trong thời đại bùng nổ thông tin nầy, Hội Thánh phải tận dụng mọi phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng (x.TT 3): Báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình. Phần đông anh chị em tín hữu ở Việt Nam là những người đón nhận chứ không phải là người sử dụng các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên vai trò của cha mẹ rất quan trọng "Phải nhớ mình có bổn phận tận tâm coi sóc, kẻo kịch ảnh, sách báo và những thứ cùng loại, trái nghịch với Đức Tin, trái thuần phong mỹ tục, lại lọt vào ngưỡng cửa gia đình; cũng đừng để con cái gặp những thứ đó ở nơi khác" (TT 10).
ĐIỀU RĂN THỨ BẢY SỐNG CÔNG BẰNG (x. SGLC từ 2401 đến 2463).
"Ngươi không được trộm cắp" (Xh 20,15) (Mt 19,8). "Những chênh lệch quá đáng về kinh tế và xã hội, giữa những thành phần hay giữa những dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại, thực là gương xấu và đi ngược với công bằng xã hội" (MV 29). "Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13,8). Nhưng tình yêu đích thực phải được xây dựng trên nền tảng công bằng. Vì thế, điều răn thứ bảy cấm không được ăn trộm, ăn cắp của người khác; và trong Kinh Thánh, còn có nghĩa là cấm bắt cóc, lường gạt và dụ dỗ người khác, để chiếm hữu cho mình hoặc bán làm nô lệ. Đây là một vấn đề rất thiết thực và quan trọng trong cuộc sống hôm nay. I. Của chung và của riêng. Trong lịch sử nhân loại, người ta chứng kiến hai khuynh hướng đối nghịch nhau: Một đàng nhấn mạnh đến quyền làm chủ tập thể, đến nỗi khước từ quyền tư hữu, làm mất đi tự do và sáng kiến cá nhân. Đàng khác đề cao quyền tư hữu đến độ đánh mất ý thức về người khác, tạo ra tình trạng bất bình đẳng trong xã hội càng ngày càng lớn. Dựa vào Kinh Thánh, người Kitô hữu hiểu rằng "Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người, và của mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người cách hợp lý, theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái" (MV 69). Đồng thời "Mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình" (MV 69). Quyền tư hữu là đòi hỏi hợp pháp nhằm bảo vệ tự do, bảo đảm những nhu cầu căn bản, và có thể phát triển tình liên đới tự nhiên. Hai yếu tố nầy gắn bó với nhau và bổ túc cho nhau, tạo mối quan hệ hài hòa giữa người với người trong cuộc sống chung. II. Tôn trọng tha nhân và sở hữu của họ. 1. Tôn trọng sở hữu của tha nhân:
Trên nền tảng đó, điều răn thứ bảy cấm không được trộm cắp, nghĩa là tước đoạt của cải người khác ngược với ý muốn của họ. Và bởi vì con người có liên hệ mật thiết đến cuộc sống chung trong xã hội, nên tội phạm đến điều răn nầy còn là: lấy của công làm của riêng, đầu cơ tích trữ, buôn gian bán lận, trốn tránh những thuế vụ chính yếu... Người ta cũng không được biến người khác thành món hàng để trao đổi, mua bán như dịch vụ mãi dâm, buôn bán bào thai và trẻ em, dùng người để buôn hàng lậu... Ngoài ra những giao kèo mua bán, thuê mướn lao động phải được tôn trọng và không được vi phạm. Đức công bằng đòi hỏi phải đền bù những thiệt hại đã gây cho người khác, bằng cách trả lại đồ vật đã lấy, hoặc trả lại số tiền tương đương. Những người không trực tiếp trộm cắp, nhưng có tham gia bằng cách nào đó: điều khiển, phụ giúp hay mua lại của ăn cắp, cũng phải đền bù cân xứng. Tuy nhiên có những trường hợp lấy của người khác mà không phải là trộm cắp. Đó là trường hợp "những người sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ có quyền lấy ở của cải người khác những gì cần thiết cho mình" (MV 69), hoặc phỏng đoán được rằng người khác chấp thuận hành động của mình. 2. Tôn trọng thiên nhiên:
Ngày nay, ô nhiễm môi sinh đã trở thành vấn đề quan trọng của cả nhân loại. Khoáng sản, thực vật, động vật là những tài nguyên Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi người. Vì thế, một đàng con người được phép khai thác những tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống, nhưng đàng khác phải tôn trọng thiên nhiên là của cải chung, cho con người hôm nay và cho cả những thế hệ mai sau. III. Công bằng xã hội và hoạt động kinh tế. Càng ngày kinh tế càng chiếm vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống con người, đến nỗi "trong các quốc gia theo kinh tế tập sản, cũng như trong các quốc gia khác, hầu như cả đời sống cá nhân cũng như xã hội của họ, đều bị thấm nhiễm một thứ chủ nghĩa duy kinh tế" (MV 63). Vì thế, Hội Thánh đưa ra những hướng dẫn về đời sống kinh tế, nhằm phục vụ con người vốn là "tác giả, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế xã hội" (MV 63). 1. Sinh hoạt kinh tế:
Phát triển kinh tế nhằm mục đích mục vụ nhu cầu của con người. Vì thế "phải cổ võ tất cả những yếu tố góp phần vào việc phát triển ấy" (MV 64). Tuy nhiên, mục đích căn bản của sản xuất không chỉ là gia tăng sản lượng, lợi tức hay quyền lợi, mà chính là để phục vụ con người, và là con người toàn diện. Cho nên "dù theo phương pháp và lề luật riêng, vẫn phải nằm trong giới hạn của trật tự luân lý" (MV 64). Đó là hướng dẫn căn bản cho sinh hoạt kinh tế con người. Trong sinh hoạt đó, nhà nước có trách nhiệm bảo đảm an ninh, tự do của cá nhân, quyền tư hữu và sự ổn định tiền tệ... là những điều kiện cần thiết cho sự phát triển. Các chủ xí nghiệp và các nhà đầu tư cần có được lợi nhuận để bảo đảm việc đầu tư và cung cấp việc làm cho công nhân, nhưng họ cần quan tâm đến lợi ích của con người, chứ không chỉ đến lợi nhuận. 2. Việc làm:
Đối với Kitô giáo, lao động có một giá trị cao cả: không những để nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn liên kết với tha nhân và phục vụ họ, cộng tác vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, và tham gia vào công cuộc cứu độ của Chúa Kitô qua những lao công vất vả của mình (x.MV 67). Vì thế mỗi người có quyền đòi hỏi việc làm, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, phái tính hay giai cấp nào. Khi làm việc, con người cũng cần có được đồng lương xứng đáng "đủ khả năng xây dựng cho mình và gia đình một đời sống xứng hợp cả về phương diện vật chất, xã hội, văn hóa cũng như tinh thần" (MV 67). Để bảo đảm cho quyền lợi chính đáng của mình, công nhân có quyền đình công, khi không còn phương thế nào khác, và sự thực mang lại lợi ích tương xứng (x.MV 68). 3. Liên đới giữa các dân tộc:
Ngày nay người ta chứng kiến sự cách biệt rất lớn giữa các nước giầu và các nước nghèo. Đang khi một số quốc gia càng lúc càng giàu hơn, thì nợ nần của các nước nghèo lại gia tăng. Và nhiều khi một quốc gia giàu có là vì đã tước đoạt tài nguyên thiên nhiên của các nước nghèo, bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì thế, Hội Thánh kêu gọi xây dựng công bằng thế giới, và tình liên đới giữa các dân tộc. Sự liên đới ấy không chỉ thể hiện bằng cách giúp đỡ trực tiếp, nhưng còn phải cải tổ cả cơ cấu của nền kinh tế thế giới, và phải hướng đến việc phát triển toàn diện của gia đình nhân loại. IV. Yêu thương người nghèo. Tiếng gọi của Thiên Chúa không chỉ ngưng lại ở đòi hỏi công bằng, mà còn đi xa hơn đến chỗ: yêu thương người nghèo. Ngay trong Cựu Ước, Dân Chúa đã có những biện pháp cụ thể để nâng đỡ người nghèo. Năm Toàn Xá với việc tha thứ nợ nần, trả lại đất đai. Đến thời Tân Ước, tiếng gọi ấy càng khẩn thiết hơn: Đức Giêsu công bố hạnh phúc cho người nghèo, chính Ngài đã sống nghèo giữa những người nghèo, để chăm sóc cho họ, và Ngài vẫn hiện diện trong những người nghèo (x.MT 25,31-36). Vì thế, trong suốt lịch sử của mình, Hội Thánh luôn dành cho người nghèo tình yêu thương đặc biệt, không chỉ nghèo vật chất mà cả về tinh thần và tôn giáo. Là người Kitô hữu, ta không thể không mang tâm tư của Đức Giêsu (x.Kh 2,5). Lòng yêu thương ấy được thể hiện qua cuộc sống tiết độ, không tham lam của cải, không tiêu xài lãng phí. Tích cực hơn, ta góp phần làm vơi đi nỗi khổ của những anh chị em nghèo khổ hơn, về tinh thần cũng như về vật chất: an ủi, khích lệ, khuyên bảo, dạy dỗ; đồng thời cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc, cho kẻ không nhà được náu thân, vì "Nếu con không cho người đói khát ăn uống tức là con đã giết họ" (Các Giáo Phụ). Những công việc đó làm cho ta được nên giống Cha trên trời là Đấng nhân từ và giàu lòng thương xót.
ĐIỀU RĂN THỨ IX THANH KHIẾT TRONG TÂM HỒN (x. SGLC từ 2514 đến 2533).
"Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa hay bất cứ vật gì của người ta" (Xh 20,7). "Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5,28). "Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13,8). Trong quan hệ nam nữ, tình yêu đòi hỏi sống thanh khiết, nghĩa là nhìn người khác như một con người mình tôn trọng, chứ không chỉ là dụng cụ, phương thế cho ta thỏa mãn những ham muốn thấp hèn. Điều răn thứ chín nhấn mạnh: Sự thanh khiết ấy phải bắt nguồn từ chiều sâu tâm hồn. Muốn được như thế, phải chấp nhận chiến đấu với chính bản thân, mỗi ngày và suốt đời. I. Thanh tẩy con tim. Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu công bố "Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8). Tâm hồn là nơi quyết định tính chất luân lý của hành vi, vì "Tự lòng người phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống" (Mt 15,19). Tâm hồn ấy phải thanh khiết, nghĩa là phải biết qui hướng về Chúa, là Đấng tuyệt đối thanh khiết. Những người có tâm hồn thanh khiết được hứa là "sẽ nhìn thấy Thiên Chúa". Như vậy, sự thanh khiết trong tâm hồn là điều kiện để được hưởng nhan thánh Chúa. Ngay từ bây giờ, tâm hồn ấy đã có thể giúp ta nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Chúa, nhìn thân xác mình và thân xác người khác như Đền thờ của Thánh Thần, biểu lộ vẻ đẹp của Thiên Chúa, chứ không phải cái nhìn dung tục dẫn đến tội lỗi. II. Cuộc chiến đấu nội tâm. Trong thực tế, là tinh thần nhập thể trong một thân xác, và do ảnh hưởng của tội lỗi, "tất cả cuộc sống con người đều biểu hiện như một cuộc chiến bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm" (MV 13). Phải chấp nhận bước vào cuộc chiến đấu, mỗi ngày và suốt đời. 1. Trong đời sống cá nhân:
Ai cũng có kinh nghiệm về những dục vọng xấu nội tại tâm hồn mình. Những dục vọng ấy là hậu quả của tội nguyên tổ. Bí tích Thánh Tẩy tha thứ mọi tội lỗi, nhưng những dục vọng xấu vẫn còn đó, và ta phải cố gắng chống lại bằng cách:
- Thanh tẩy ý hướng: xác định rõ cứu cánh đích thực của đời người là ở nơi Chúa, từ đó thi hành thánh ý Chúa trong mọi sự.
- Thanh tẩy cách nhìn bên ngoài cũng như bên trong: làm chủ tư tưởng, khước từ những tư tưởng xấu khiến ta xa Chúa.
- Cầu nguyện, vì "không ai có thể sống khiết tịnh nếu không được Chúa ban ơn" (Âu Tinh).
- Sống đoan trang, thể hiện trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử với người khác.
2. Trong đời sống xã hội:
Môi trường xã hội hôm nay đầy rẫy những quyến rũ dâm ô: phim ảnh, báo chí, sách vở, hộp đêm... Thêm vào đó là chủ trương phóng túng về luân lý ngày càng phổ biến. Tất cả đều lôi kéo con người vào đường tội lỗi hơn là sống thánh thiện. Muốn giữ được tâm hồn thanh khiết, người Kitô hữu phải có can đảm xa lánh những dịp tội, những dịp vui chơi giải trí không lành mạnh. Hơn thế nữa, còn phải góp phần với mọi người thiện chí, để xây dựng một bầu khí xã hội lành mạnh hơn, như Hội Thánh mong muốn: "Phúc Âm của Chúa Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người đã sa ngã, chống đối và khử trừ các sai lầm và tai họa phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi luôn luôn đe dọa" (MV 58).
ĐIỀU RĂN THỨ X CHỚ THAM CỦA NGƯỜI (x. SGLC từ 2534 đến 2557).
"Ngươi không được ham muốn bất cứ vật gì của người ta" (Xh 20,17). "Của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó" (Mt 6,21). Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, cướp đoạt và gian lận. Bổ túc cho đòi hỏi nầy, điều răn thứ mười nhắm đến lòng tham, như nguồn gốc của những tội lỗi trên. Như vậy, cả hai điều răn thứ chín và thứ mười nhắm đến ý hướng trong lòng, và tóm kết tất cả các giới răn. I. Ham muốn bất chính. Ai đói cũng thèm ăn, ai lạnh cũng mong được sưởi ấm. Ở tự nó, những ham muốn nầy là tốt, vì giúp bảo vệ sự sống. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy con người không giữ được mức độ hợp lý trong những ham muốn nầy. Vì không giữ được mức độ hợp lý nên sinh ra tham lam và ghen tị. Tham lam: là ham mê của cải, và thế lực do của cải đem lại; từ đó có thể làm điều bất công hại đến tài sản người khác. Kinh Thánh còn ghi lại câu chuyện về một người giàu, tuy có vô số chiên cừu, nhưng lại đi bắt con chiên duy nhất của người nghèo để làm tiệc đãi khách (x.2Sm 12,1-4). Cuộc sống hôm nay vẫn đầy dẫy những con người tham lam như thế: những nhà buôn mong hàng hóa khan hiếm và đắt đỏ, những kẻ mong người khác gặp hoạn nạn để thu lợi... Ghen tị: là buồn phiền khi thấy người khác có của cải và ước ao chiếm đoạt. Thánh Âu Tinh coi ghen tị là tội quỉ quái nhất, vì "ghen tị sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác được may lành". Thánh Gioan Kim Khẩu nói quyết liệt hơn: "Chúng ta đấm đá nhau chỉ vì ghen tị... Nếu mọi người đều xâu xé nhau như vậy thì thân thể Chúa Kitô sẽ ra sao? Chúng ta đang làm tan nát Thân Thể Chúa Kitô". II. Để vượt qua những ham muốn bất chính. 1. Điều chỉnh những ước muốn:
Ở tự nó, ước muốn không phải là điều xấu. Vấn đề là phải điều chỉnh những ước muốn cho đúng đắn. Phải cảnh giác trước sự quyến rũ của những thực tại "ăn thì ngon, trông đẹp mắt và đáng quý" (St 3,6), nhưng lại ẩn chứa bên trong nọc độc của tội lỗi và sự chết. Điều mà người Kitô hữu phải ước muốn là sự toàn thiện, và đặt mình trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Thánh Phaolô nói người tín hữu là người "đã đóng đinh xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê" (Gl 5,24), và ước muốn những điều hợp ý Chúa Thánh Thần (x.ra 8,27). 2. Sống tinh thần nghèo khó:
Mối phúc đầu tiên được Đức Giêsu công bố là "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó" (Mt 5,3), và Ngài thường xuyên cảnh giác con người trước mối nguy hiểm của tiền bạc (x.Lc 6,24). Sống tinh thần nghèo khó là chọn Chúa làm gia nghiệp của mình, đặt Chúa trên hết mọi sự, và vì thế saün sàng từ bỏ mọi sự vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng (x.Mc 8,35). Nhờ đó, trong cuộc sống hằng ngày, người tín hữu "điều khiển tâm tình cho đúng đắn, để việc sử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo (GH 42). Biết ao ước hạnh phúc đích thực, ta được giải thoát mọi ràng buộc bất chính với của cải trần thế. Và cuối cùng, được chiêm ngắm nhan thánh Chúa và hưởng hạnh phúc bên Ngài
ĐIỀU RĂN THỨ VI SỐNG TRONG SẠCH (x. SGLC từ 2331 đến 2400).
"Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5, 27-28). I. Giá trị của giới tính. "Thiên Chúa là tình yêu. Người sống nơi chính bản thân mình mầu nhiệm hiệp thông và yêu thương. Khi tạo dựng con người có nam có nữ giống hình ảnh Người (...) Người khắc ghi trong họ ơn gọi, nghĩa là khả năng và trách nhiệm tương ứng, để sống yêu thương và hiệp thông" (PC 11). Như thế loài người có hai giới nam và nữ. Mỗi giới có những đặc tính riêng gọi là giới tính. Giới tính chi phối mọi khía cạnh của con người cả hồn lẫn xác, đặc biệt là khía cạnh cảm xúc, khả năng yêu thương và sinh sản, nói tổng quát hơn là khả năng nối kết những quan hệ để hiệp thông với người khác. Mỗi người nam và nữ phải hiểu biết và chấp thuận giới tính của mình đó là những đặc tính vừa khác biệt vừa bổ túc cho nhau về thể xác, luân lý và tinh thần, cốt để mưu ích cho hôn nhân và phát huy đời sống gia đình. Sự hòa hợp trong đời sống lứa đôi và đời sống xã hội, tùy thuộc một phần vào cách sống của hai người nam nữ biết bổ túc cho nhau, biết nâng đỡ nhau và nương tựa lẫn nhau. Nam hay nữ đều có phẩm giá bình đẳng như nhau, nhưng mỗi giới phản ánh quyền năng và tình âu yếm của Thiên Chúa cách khác nhau. Đức Giêsu đã đến khôi phục mọi tạo vật trong sự tinh tuyền nguyên thủy của chúng. Người đã dạy: "Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5, 27-28). "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, con người không được phân ly" (Mt 19,6). Và truyền thống Hội Thánh hiểu rằng, điều răn VI bao gồm toàn bộ những gì thuộc giới tính con người. II. Ơn gọi khiết tịnh Khiết tịnh có nghĩa là con người hòa nhập giới tính cách tốt đẹp nơi bản thân mình, nhờ có cả xác hồn được thống nhất từ bên trong. Giới tính cho thấy con người phải lệ thuộc vào thể xác và sinh lý; nhưng khi giới tính được hòa nhập trong tương quan giữa người với người, trong việc người nam người nữ hiến dâng trọn vẹn và mãi mãi cho nhau, thì giới tính lại mang giá trị cao quý. Như thế đức khiết tịnh bao gồm việc con người sống thanh khiết toàn vẹn và hiến dâng trọn vẹn. 1. Sống thanh khiết toàn vẹn:
Người khiết tịnh là người duy trì được sự sống và tình yêu của mình toàn vẹn liêm khiết, làm cho bản thân được thống nhất, chống lại những gì là giả hình gian dối. Muốn thế, phải tập tự chủ, tập hướng dẫn tự do của mình, không để mình nô lệ các đam mê, các bản năng hoặc áp lực bên ngoài (x.MV 17). Muốn tập phải dùng các phương tiện như: biết mình tự kiềm chế cho phù hợp hoàn cảnh sống, vâng theo luật Chúa, siêng năng cầu nguyện, tập các nhân đức, đặc biệt là nhân đức tiết độ, giúp ta dùng lý trí chi phối các đam mê và thèm muốn tình cảm. Việc tập tự chủ phải là công trình dài hạn không chỉ một lần là đủ, mà ở tuổi đời nào cũng phải tập đi tập lại (x.Tt 2,1-6), và phải tập khẩn trương hơn trong tuổi nhân cách đang thành hình, như tuổi trẻ và tuổi thiếu niên. Đức khiết tịnh cũng theo những định luật tăng trưởng, nghĩa là phải trải qua lúc bất toàn và nhiều khi còn tội lỗi nữa. Đức khiết tịnh được coi là chuyện riêng tư của bản thân, nhưng nó cũng đòi hỏi một số gắng phát triển văn hóa, vì "sự thăng tiến của nhân vị tùy thuộc ở sự phát triển của xã hội" (MV 25,1). Xã hội có giúp con người được biết và được giáo dục, thì họ mới dễ dàng tôn trọng các giá trị luân lý. Sau hết, đức khiết tịnh là một ơn của Chúa, là hoa trái của Thánh Thần (x. Gl 5,23). 2. Hiến dâng trọn vẹn:
Việc tự chủ bản thân để duy trì đức khiết tịnh dẫn đến việc hiến dâng, làm cho ta trở thành nhân chứng cho người khác về lòng trung tín và tình âu yếm của Thiên Chúa. Nhờ ảnh hưởng của đức ái, đức khiết tịnh được coi là trường dạy hiến dâng. Đức khiết tịnh nảy nở trong tình bạn hữu, nó giúp ta biết noi theo bắt chước Chúa Kitô. Đấng đã chọn ta làm bạn hữu Người (x.Ga 15,15) và tận hiến cho ta để ta được làm con cái Thiên Chúa. Đức khiết tịnh được bày tỏ nhất là trong tình bạn hữu với người thân cận, dù là nam hay nữ, tình bạn ấy được coi là một ích lợi lớn lao cho mọi người, nó dẫn đến sự hiệp thông trong tâm hồn. "Đức khiết tịnh làm cho ta tổ chức lại bản thân, đem đến chỗ hiệp nhất mà ta đã đánh mất vì chính ta đã phân tán" (Âu-tinh, tự thuật 10,29). Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi sống khiết tịnh trong bậc sống của mình. "Người thì khiết tịnh trong bậc đồng trinh hay bậc độc thân được thánh hiến, là phương thế trổi vượt để dễ dàng hiến dâng cho Thiên Chúa một con tim không chia sẻ: người khác thì khiết tịnh theo luật luân lý ấn định chung cho mọi người trong bậc sống vợ chồng hoặc ở vậy (độc thân) ". (CDF 11). Những người đã đính hôn cũng được mời gọi sống khiết tịnh bằng việc tiết dục. Việc tiết dục giúp họ tôn trọng nhau, tập giữ lòng chung thủy, và hy vọng được Chúa giúp chấp nhận nhau. Họ giúp nhau lớn lên trong khiết tịnh. III. Những tội nghịch đức khiết tịnh. Tội dâm ô là một ước muốn hỗn loạn chỉ tìm hướng khoái lạc nhục dục mà không nhằm mục đích sinh sản và hiệp nhất với nhau. Ước muốn như vậy trái luân lý. Tội thủ dâm là cố tình kích thích cơ quan sinh dục để tìm khoái lạc nhục dục, ngoài mục đích yêu thương và hiến dâng trọn vẹn cho nhau, để sinh sản con cái (x.CDF Persona Humana 9). Trong mục vụ, để xét đoán cho đúng tội nầy, cần lưu ý đến tình trạng chưa trưởng thành về tình cảm, đến sức mạnh của thói quen đã mắc phải, đến tình trạng xao xuyến và các nhân tố tâm lý hay xã hội làm giảm tội, và thậm chí còn xóa bỏ tội về mặt luân lý. Tội tà dâm là quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân giữa một người nam và người nữ. Tội nầy nghịch nặng với nhân phẩm và tính dục của con người, vì tính dục hướng tới lợi ích của vợ chồng, cũng như sinh sản và giáo dục con cái. Tội nầy gây gương xấu nặng khi phạm với thanh thiếu niên. Tội khiêu dâm là trình bầy cho người khác những hành vi tính dục đã làm thật hoặc chỉ giả vờ. Nó làm biến chất hành vi vợ chồng hiến dâng thân mật cho nhau. Nó xúc phạm phẩm giá của những người lao mình vào nó: diễn viên, con buôn, dân chúng, vì người nầy trở thành một trò chơi thô lỗ và một mối lợi bất chính cho người kia. Nó dìm cả đôi bên trong ảo tưởng về một thế giới giả tạo. Đó là một lỗi nặng. Chánh quyền cần nghiêm cấm sản xuất và phổ biến các sản phẩm khiêu dâm. Tội mãi dâm là xúc phạm đến phẩm giá của người hành nghề mãi dâm, vì họ chỉ là trò vui nhục dục cho người khác. Người mua dâm phạm tội nặng đến chính mình vì lỗi đức khiết tịnh đã cam kết khi được Rửa tội, và làm ô uế thân thể mình là đền thờ Chúa Thánh Thần. Đây là một tai họa trong xã hội, thường liên hệ đến phụ nữ, nhưng cũng liên hệ đến cả đàn ông, trẻ em hoặc thiếu niên. Với giới trẻ này, người ta còn phạm tội làm gương xấu nữa. Tuy nhiên sự nghèo khổ và áp lực xã hội có thể giảm đi trách nhiệm. Tội hiếp dâm là dùng bạo lực cưỡng bức người khác phải quan hệ tình dục. Tội nầy phạm đến đức công bằng và đức ái, nghĩa là đến quyền được tôn trọng, quyền tự do và sự toàn vẹn thanh khiết cả thân xác lẫn tinh thần của con người. Nó có thể gây thương tổn nặng cho nạn nhân phải chịu ảnh hưởng suốt đời. Tội nầy đặc biệt nặng nề khi do cha mẹ hay các người giáo dục phạm đến những trẻ được trao phó cho mình. Tội đồng tính luyến ái là tội của những nam hay nữ bị cám dỗ về tình dục, nhưng chỉ với người cùng giới với mình thôi. Kinh Thánh vẫn lên án việc nầy là "việc suy đồi trầm trọng" (x.St 19,1-29; Rm 1,24-27) và truyền thống luôn coi đó là hành vi thác loạn, trái với luật tự nhiên, nghịch với việc trao ban sự sống, không phải là để bổ khuyết tình cảm và tính dục thực sự. Tuy nhiên đa số những người phạm tội nầy không tự chọn tình trạng đồng tính luyến ái, họ cần được đối xử kính trọng, thông cảm và tế nhị, tránh kÿ thị họ cách bất công. Họ có thể nhờ sự tự chủ để tập luyện cho mình được tự do nội tâm, nhờ bạn hữu nâng đỡ, nhờ cầu nguyện và lãnh các bí tích để trở về với đời sống Kitô hữu trọn hảo. IV. Giá trị hôn nhân. Trong hôn nhân sự kết hợp thể xác của vợ chồng là dấu chỉ và đảm bảo cho sự hiệp thông tinh thần. "Những hành vi thể hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của vợ chồng là những hành vi đức hạnh và xứng đáng, chúng bày tỏ và giúp vợ chồng hiến thân để làm cho nhau thêm phong phú trong niềm vui và biết ơn". (MV 49,2). Nhờ sự phối hợp mà vợ chồng thể hiện được mục đích kép của hôn nhân, đó là lợi ích của chính vợ chồng và việc sinh sản. Đây là hai ý nghĩa và hai giá trị của hôn nhân mà ta không thể tách rời. Tách rời là gây thiệt hại cho đời sống thiêng liêng của vợ chồng, và đe dọa lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình. Hôn nhân đòi vợ chồng phải chung thủy và sinh sản con cái. Chung thủy giữa vợ chồng: Vợ chồng làm thành "một cộng đồng thân mật để sống và yêu, theo những lề luật do Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và trao ban. Cộng đồng nầy được thiết lập trên giao ước giữa hai vợ chồng, nghĩa là trên sự ưng thuận của mỗi người và không thể rút lại được" (MV 48,1). Giao ước nầy đòi họ phải duy trì một vợ một chồng và không được tháo gỡ (Giáo luật 1056). "Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly" (Mc 10,9). Sự chung thủy giữa vợ chồng chứng tỏ lời họ hứa đã được duy trì bền vững. Sinh sản con cái: Sinh con là một ân huệ và là mục đích của hôn nhân. Đứa con là hoa trái và là thành tựu do tình yêu hiến dâng của vợ chồng, và vợ chồng được dự phần vào quyền sáng tạo và tình yêu phụ tử của Thiên Chúa (x.MV 50,2). Vợ chồng vừa truyền thông sự sống, vừa là người giáo dục, đó là sứ mệnh riêng của họ. Họ biết rằng chính mình cộng tác viên của Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa và là thông ngôn của Người (MV 50,2). Nhưng trách nhiệm sinh sản con cái đòi hỏi vợ chồng phải điều hòa việc sinh sản, nghĩa là nếu có lý do chính đáng, vợ chồng có thể cách quãng việc sinh con, nhưng không được chiều theo lòng ích kỷ, mà phải theo lòng quảng đại của bậc cha mẹ có trách nhiệm. Muốn điều hòa việc sinh sản, họ phải theo những phương pháp phù hợp với luân lý như: chế dục định kỳ, phương pháp điều hòa dựa trên việc tự quan sát bản thân, và phương pháp dựa vào thời kÿ không thụ thai. Các phương pháp nầy tôn trọng thân xác vợ chồng, khích lệ tình âu yếm nhau và giúp họ tập luyện tự do đích thực. Do đó, "mọi hoạt động nào diễn ra trước hoặc đang khi vợ chồng ăn ở với nhau, hoặc là sau đó trong diễn tiến và phát triển các hiệu quả tự nhiên của nó, nếu được dùng như mục đích hay phương tiện để làm cho không thể sinh sản được, đều là xấu tự bản chất" (HV 14). Đứa con không phải là "cục nợ", nhưng là "hồng ân tuyệt nhất của hôn nhân". Đứa con có những quyền thực sự của nó, đó là "quyền được là hoa trái cả hành vi do tình yêu hôn nhân của cha mẹ, và quyền được tôn trọng như một nhân vị ngay từ lúc mới thụ thai" (CDF Donum Vitae 2,8). Kinh Thánh và truyền thống coi những gia đình đông con là dấu hiệu Thiên Chúa chúc phúc và cha mẹ có lòng quảng đại (x.MV 50,2). Phúc Âm cho thấy việc son sẻ không con cái không phải là bất hạnh tuyệt đối (SGLC 2379). Những kỷ thuật tân tiến ngày nay như thụ tinh nhân tạo do tinh và noãn không phải của chồng hay vợ, đều là việc bất chính nghiêm trọng (CDF Don vit 2,1) Cả khi thụ tinh nhân tạo do tinh của chồng cũng không thể chấp nhận về mặt luân lý, vì nó tách biệt hành vi tính dục với hành vi sinh sản. "Kitô hữu phải ý thức rằng sự sống con người và trách nhiệm truyền sinh không bị giới hạn ở phạm vi đời nầy, và không thể đạt được đầy đủ mọi chiều kích cũng như đầy đủ ý nghĩa ở đời nầy, nhưng chúng luôn luôn phải được qui chiếu về mệnh vĩnh cửu của mọi người" (MV 51,4). V. Những vi phạm phẩm giá hôn nhân. Ngoại tình có ý chỉ sự bất trung giữa vợ chồng. Khi ít là một trong hai người nam nữ đã có vợ chồng, mà lại quan hệ tình dục với nhau, dù chỉ chóng qua thôi, họ đã phạm tội ngoại tình. Chúa Kitô đã lên án tội ngoại tình dù chỉ là trong ước muốn (x.Mt 27-28). Điều răn thứ VI và Tân Ước tuyệt đối cấm ngoại tình (x.Mt 5,32; 19,6) là bất công, là lỗi lời cam kết và giao ước trong hôn nhân, xúc phạm đến quyền lợi của người bạn đời, và của cơ chế hôn nhân, gây nguy hại cho nhân loại và cho các trẻ em đang cần sự hiệp nhất bền vững của cha mẹ. Ly dị. Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến ý định của Đấng Tạo Hóa muốn hôn nhân bất khả phân ly (x.Mt 5, 31-32). Người hủy bỏ những dung thứ đã lọt vào trong luật cũ (x.Mt 19,7-9). Giữa hai người công giáo, khi đã kết hôn và ăn ở với nhau (hòa hợp) rồi thì không quyền năng nào của loài người, và không lý do nào có thể tháo gỡ, trừ sự chết (CIC luật 1141). Ly dị vi phạm nặng luật tự nhiên, và còn xúc phạm đến giao ước mà Bí tích Hôn phối là dấu hiệu. Nếu người đã ly dị còn kết hôn nữa, thì họ ở trong tình trạng ngoại tình công khai và thường xuyên. Ly dị còn vô luân nữa, vì nó gây xáo trộn trong gia đình: người bạn đời bị bỏ rơi, con cái bị tổn thương vì cha mẹ chia ly, còn trong xã hội, nó như một vết thương dễ lây nhiễm. Ly thân giữa vợ chồng, nhưng vẫn giữ dây hôn phối, đó là điều hợp pháp trong một số trường hợp giáo luật đã dự trù, chẳng hạn một trong hai vợ chồng: 1. Gây nguy hiểm nặng nề hoặc về hồn hay xác cho người kia và cho con cái. 2. Làm cho đời sống chúng trở nên cơ cực, (CIC luật 1153). Đa thê là tình trạng không hợp luân lý. Thật là một thảm kịch khi người đa thê muốn trở thành Kitô hữu, họ buộc lòng bỏ một hay nhiều vợ đã cùng nhau chia sẻ đời sống vợ chồng lâu năm. Dù trở thành Kitô hữu, họ bị buộc nặng phải giữ nghĩa vụ đã giao kết với các người vợ khác, và các con cái của mình. Loạn luân có ý chỉ những quan hệ xác thịt giữa những người có máu hoặc là sui gia ở cấp bậc mà luật không cho phép kết hôn với nhau. Tội nầy phá hủy quan hệ gia đình và biểu lộ một sự thoái hóa hướng về thú tính. Người lớn phạm tội loạn luân với thiếu niên hay trẻ con được gởi gấm cho mình thì còn tội gấp đôi, vì gây gương xấu và làm cho người trẻ mang dấu vết suốt đời, và còn vi phạm trách nhiệm giáo dục nữa. Tự do kết hôn là hai người nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không tuân theo một hình thức pháp lý và công cộng nào. Nó gồm nhiều tình trạng như: có vợ bé, không muốn có hôn nhân, không có khả năng cam kết sống chung lâu dài (x.FC 81). Các tình trạng nầy đều xúc phạm phẩm giá của hôn nhân, trái luật luân lý, và là một tội nặng không được rước lễ. Hôn nhân thử nghiệm là hai bên đã có ý kết hôn nên có những quan hệ tình dục để thử, trước khi dứt khoát kết hôn với nhau. Việc thử như vậy "không bảo vệ cho họ chống lại những ngông cuồng và thói thất thường" (CDF Per Hum 7). Tình yêu con người không cho phép "thử", nó đòi hiến thân trọn vẹn và dứt khoát. (x.FC 80).
Điều răn thứ 5
TÔN TRỌNG SỰ SỐNG
I. LỜI CHÚA "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hoả ngục thiêu đốt" (Mt 5,21-22).
II. GHI NHỚ 1. H. Điều răn thứ năm dạy ta những gì? T. Điều răn thứ năm dạy ta quý trọng thân xác và sự sống của mình cũng như của người khác, và do đó, cấm mọi hình thức xâm phạm đến thân xác và sự sống của con người. 2. H. Tại sao ta phải tôn trọng và giữ gìn sự sống? T. Vì sự sống con người là ơn huệ linh thánh Thiên Chúa ban. Do đó chỉ có một mình Thiên Chúa là chủ sự sống. 3. H. Có những tội nào nghịch với điều răn thứ năm? T. Có những tội này: - Một là cố sát, nghĩa là cố ý giết người cách trực tiếp hoặc gián tiếp. - Hai là làm chết êm dịu. - Ba là tự tử. - Bốn là phá hoại thân xác hoặc gây nguy hiểm cho sức khoẻ của mình và của người khác. 4. H. Ta phải làm gì để giúp cuộc sống chung tốt đẹp? T. Mỗi người cần dẹp bỏ tính ích kỷ, nóng giận, trả thù; Cần luyện tập sự dịu hiền và quan tâm đến người khác; đồng thời ra sức loại trừ chiến tranh và xây dựng hoà bình đích thực.
III. THỰC HÀNH Không gây gổ, đánh lộn.
IV. CẦU NGUYỆN Xin cho mọi người biết tôn trọng thân xác và mạng sống của bản thân và của tha nhân.
ĐIỀU RĂN THỨ TƯ THẢO KÍNH CHA MẸ “ Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.” ( Xh 20,12) “Người hằng vâng phục các ngài.” ( Lc 2,51) “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.” ( Ep 6,1)
Điều răn thứ tư mở đầu phần thứ hai trong bản mười điều răn - Yêu tha nhân- cho thấy trật tự của đức ái: sau Thiên Chúa, Ngài muốn mỗi người, trước hết, phải tôn kính-yêu mến cha mẹ và tất cả những người mà Thiên Chúa đã trao quyền bính để làm ích cho mỗi người chúng ta. Điều răn này nói đến những bổn phận mà mỗi người phải chu toàn đối với cha mẹ. Và điều răn này là một trong những nền móng của học thuyết xã hội của Giáo Hội. BẢN CHẤT GIA ĐÌNH TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA Khi sáng tạo con người, có nam và nữ, Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của đôi vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Trong gia đình, các thành viên có những mối liên hệ cá nhân và những trách nhiệm hàng đâu. Gia đình Ki-tô giáo – mà Thiên Chúa đã thiết lập- là Giáo Hội tại gia vì là một cộng đoàn của đức tin, đức cậy và đức mến. Gia đình Ki-tô giáo này bao gồm một sự hiệp thông giữa những thành viên, là dấu ấn và hình ảnh của sự hiệp thông nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Việc sinh sản và giáo dục con cái là phản ảnh cuộc sáng tạo của Chúa Cha, được kêu mời tham dự vào cuộc hiến tế của Chúa Ki-tô qua việc cầu nguyện và hy sinh của mọi người trong gia đình. Cùng nhau đọc kinh, đọc và cầu nguyện bằng Lời Chúa mỗi ngày là những phương thế để củng cố đức ái trong gia đình. Gia đình Ki-tô giáo là người loan báo Tin Mừng và là người thừa sai. Gia đình là một cộng đoàn được đặc ân để thực hiện “ sự cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ, phương thế, cùng nhau giáo dục con cái. GIA ĐÌNH XÃ HỘI Gia đình là tế bào nguyên thủy của sinh hoạt xã hội, có trước bất kỳ sự công nhận nào của chính quyền. Các nguyên tắc và giá trị của gia đình tạo thành nền tảng cho xã hội. Do vậy, gia đình là cộng đoàn, để ngay từ tuổi thơ, con người học được những giá trị luân lý, bắt đầu biết tôn thờ Thiên Chúa và sử dụng tự do của mình. Vì tầm quan trọng của gia đình đối vói sự sống còn của xã hội, nên đòi buộc xã hội phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc nâng đỡ và củng cố hôn nhân nhân và gia đình, bảo vệ bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, bảo vệ nền luân lý công cộng và hỗ trợ cho sự thịnh vượng của cuộc sống gia đình. NHỮNG BỔN PHẬN CỦA CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH. BỔN PHẬN CỦA CON CÁI Thảo kính cha mẹ: Sự tôn kính cha mẹ của con cái - dù còn nhỏ hay đã trưởng thành- được nuôi dưỡng do bởi sự âu yếm tự nhiên giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, sự tôn kính đó còn là một điều răn của Chúa[2]. Biết ơn cha mẹ: Con cái phải có tình cảm tri ân đối với các vị đã ban sự sống, đã yêu thương, đã nuôi dưỡng, giáo dục họ với tất cả bao công lao khó nhọc, hy sinh cho con cái “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng.” ( Hc 8,27-28) Vâng lời cha mẹ: Sự thảo kính cha mẹ được bày tỏ qua sự thuần phục và vâng lời chân thành đối với các ngài “ Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo và cổ để ghi nhớ đêm ngày..”( Cn 6,20-21) . “ Kẻ làm con, hãy vâng lời trong mọi sự, vì đó là điều làm đẹp lòng Chúa.” ( Cl 3,20). Tuy nhiên, nếu trong trường hợp lời truyền dạy của cha mẹ- xét thấy là chắc chắn- là trái lương tâm, con cái phải có trách nhiệm giải thích để cha mẹ hiểu, và không buộc phải vâng theo. Giúp đỡ cha mẹ: Khi các ngài già yếu, bệnh tật, nghèo túng, cô đơn con cái phải có bổn phận giúp đỡ về cả tinh thần lẫn vật chất cho các ngài. Khi thảo kính cha mẹ, làm tròn những bổn phận người con, thì khi đó, hòa khí trong gia đình, giữa các thành viên với nhau sẽ được nuôi dưỡng, làm cho mọi người trong gia đình yêu thương nhau hơn. Tri ân với những người đưa hồng ân đức tin cho chúng ta: Ngoài cha mẹ, người Ki-tô hữu còn phải tri ân đặc biệt đối với những người đã đưa hồng ân đức tin, ân sủng phép Rửa tổi và đời sống trong Giáo Hội đến cho mình. BỔN PHẬN CỦA CHA MẸ Vì được tham gia vào tình phụ tử của Thiên Chúa nên quyền và bổn phận giáo dục là những quyền lợi và bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ, Cha mẹ phải có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái là những những nhân vị và con cái Thiên Chúa, giáo dục con cái vâng lời qua mẫu gương vâng phục thánh ý Chúa của chính bậc làm cha, làm mẹ. Cha mẹ là những người có trách nhiệm đầu tiên trong việc giáo dục con cái, qua việc tạo dựng một cuộc sống gia đình, lấy sự dịu dàng, tha thứ, tôn trọng, trung thành và tận tâm phục vụ làm luật lệ. Cha mẹ hướng dẫn cho con cái học biết giáo lý, giáo dục đức tin cho con cái, dạy con biết cầu nguyện và tập các nhân đức, giúp con cái có đời sống trưởng thành về nhân cách và đức tin. Tuy nhiên, để những lời dạy, việc giáo dục con cái có hiệu quả, cha mẹ phải trở thành tấm gương tốt trước con cái. Với khả năng có thể, cha mẹ có bổn phận cung cấp cho con cái những nhu cầu về thể lý và tinh thần, chọn lựa cho con cái những trường học thích hợp, cho con cái những lời khuyên khôn ngoan để giúp con cái chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống. Cha mẹ phải tôn trọng, hướng dẫn, và trợ giúp ơn kêu gọi của con cái, dạy cho con cái biết tiếng gọi đầu tiên của người Ki-tô hữu là theo Chúa Giê-su. CÔNG DÂN VÀ DÂN SỰ BỔN PHẬN CHÍNH QUYỀN DÂN SỰ: Phải thi hành quyền bính như những người phục vụ, nhờ tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người, một bậc thang giá trị đúng đắn, các luật lệ, sự công bằng phân phối và nguyên lý hỗ trợ. Khi thi hành quyền bính, phải dựa trên lợi ích tập thể, chứ không phải của cá nhân. Các quyết định của họ phải dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới. BỔN PHẬN NGƯỜI CÔNG DÂN ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN DÂN DỰ: Coi cấp trên như là người đại diện Thiên Chúa, cùng cộng tác với họ làm cho xã hội được tốt đẹp, thi hành một số phận vụ của riêng mình. Tuy nhiên, theo lương tâm, người công dân không được vâng phục những mệnh lệnh của chính quyền dân sự, khi chúng đi ngược lại các đòi hỏi của trật tự luân lý “ Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người” ( Cv 5,29). Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
[1] x.Sách GLCG số 2197 - 2257 [2] x. Xh 20, 12.Điều răn thứ 3 THÁNH HOÁ NGÀY CHÚA NHẬT
I. LỜI CHÚA "Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần" Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho các con!". Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa" (Ga 20,19-20).
II. GHI NHỚ 1. H. Điều răn thứ ba dạy ta những gì? T. Điều răn thứ ba dạy ta thánh hoá ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc. 2. H. Ngày Chúa Nhật có những ý nghĩa nào? T. Ngày Chúa nhật có những ý nghĩa này: - Một là nhắc nhớ việc sáng tạo mới, được thực hiện nhờ sự Phục sinh của Chúa Kitô vào ngày "thứ nhất trong tuần". - Hai là hoàn tất ý nghĩa ngày lễ nghĩ Do Thái và hướng tới sự nghỉ ngơi muôn đời nơi Thiên Chúa. 3. H. Ta phải làm gì để thánh hoá những ngày ấy? T. Ta phải tham dự Thánh lễ, nghỉ việc xác và nên làm thêm các việc lành, như tham dự các giờ kinh chung, làm các việc bác ái và tông đồ. 4. H. Ta phải tham dự thánh lễ Chúa nhật như thế nào? T. Phải tích cực tham dự thánh lễ từ đầu đến cuối, trừ khi được miễn chuẩn vì lý do chính đáng. Nếu ai cố tình bỏ lễ thì mắc tội trọng. 5. H. Luật buộc nghỉ ngày Chúa Nhật mang ý nghĩa gì? T. Luật này là một đóng góp quý báu cho con người, vì giúp mọi người có thì giờ để nghỉ ngơi và để chăm lo đời sống gia đình, xã hội và tôn giáo.
III. THỰC HÀNH Quyết tâm tham dự trọn vẹn Thánh lễ ngày Chúa nhật.
IV. CẦU NGUYỆN Xin cho mọi tín hữu biết giá trị của Thánh lễ ngày Chúa Nhật, để tham dự các ý thức, linh động và tích cực.
Điều răn thứ 2 TÔN KÍNH DANH CHÚA
I. LỜI CHÚA "Ngươi không được kêu tên Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, mà làm điều bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ kêu tên Người mà làm điều bất xứng" (Xh 20,7).
II. GHI NHỚ 1. H. Điều răn thứ hai dạy ta sự gì? T. Điều răn thứ hai dạy ta bổn phận tôn kính tên Chúa, vì "Danh Người là Thánh". 2. H. Có những tội nào nghịch điều răn thứ hai? T. Có những tội này là : kêu tên Chúa cách bất xứng, không giữ điều thề hứa nhân danh Chúa, nói phạm đến Chúa và Hội thánh, thề gian, lỗi lời khấn. 3. H. Khi nào ta được lấy danh Chúa mà thề? T. Khi có việc hệ trọng hoặc do bề trên đòi buộc, ta mới được lấy tên Chúa mà thề, lúc đó ta buộc phải giữ đúng lời thề. 4. H. Khấn là gì? T. Khấn là tự nguyện cam kết hiến thân cho Thiên Chúa, hoặc là hứa với Chúa sẽ làm một việc lành. 5. H. Để tôn vinh Danh Chúa trong mọi sự, ta nên làm gì? T. Ta nên làm dấu Thánh giá khi khởi đầu ngày sống, khởi đầu mọi kinh nguyện cũng như mọi việc làm.
III. THỰC HÀNH Em không kêu Danh Chúa cách bất kính.
IV. CẦU NGUYỆN Lạy Thiên Chúa là Đấng Thánh, Chúa đã dạy chúng con phải tôn kính Danh Chúa. Xin giúp chúng con sống thánh thiện để mọi người nhìn thấy việc lành nơi chúng con mà ngợi khen Thánh Danh Chúa.
Điều răn thứ nhất THỜ PHƯỢNG VÀ KÍNH MẾN THIÊN CHÚA
I. LỜI CHÚA "Đức Giêsu đáp: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi" (Mt 22,37).
II. GHI NHỚ 1. H. Điều răn thứ nhất dạy ta những gì? T. Điều răn thứ nhất dạy ta thờ phượng một mình Thiên Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự. 2. H. Ta phải thờ phượng Thiên Chúa thế nào? T. Ta phải tin tưởng, trông cậy, yêu mến, cầu nguyện, thực hiện những điều đã khấn hứa và luôn dâng lên Thiên Chúa những hy sinh làm dấu chứng lòng tôn thờ. 3. H. Ta phải tin kính Thiên Chúa như thế nào? T. Ta phải tin kính Thiên Chúa với tất cả lòng thành, không nghi ngờ hoặc chối bỏ những gì Thiên Chúa đã mạc khải và Hội Thánh dạy phải tin. 4. H. Ta phải trông cậy Thiên Chúa như thế nào? T. Ta phải trông cậy vững vàng, luôn phó thác mọi sự trong tay Chúa và cầu xin Chúa ban cho ta mọi phúc lành đời này và đời sau. 5. H. Ta phải yêu mến Thiên Chúa như thế nào? T. Ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, và mau mắn vâng theo ý Chúa, để đáp lại tình Chúa yêu ta. 6. H. Những tội nào nào nghịch lại điều răn thứ nhất? T. Có những tội này: Mê tín dị đoan, thờ thụ tạo, bói toán, phạm sự thánh, chối đạo.
III. THỰC HÀNH Em luôn tỏ lòng kính mến Chúa khi cầu nguyện và làm việc.
IV. CẦU NGUYỆN Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con phải hết lòng tôn thờ Chúa. Xin giúp chúng con thực thi điều Chúa dạy hôm nay.
Sưu tầm.Từ khóa » Những Tội Nghịch điều Răn Thứ 8
-
Bài 15 : Điều Răn Thứ Tám - SimonHoaDalat
-
Tội Phạm điều Răn Thứ 8 - Radio Lòng Chúa Thương Xót
-
Bài 59: ĐIỀU RĂN VIII. TÔN TRỌNG SỰ THẬT
-
Bài 47: Điều Răn Thứ Tám - Giáo Phận Vĩnh Long
-
Mục 8: Điều Răn Thứ Tám (2464–2513) - Augustino
-
Điều Răn Thứ 8: Từ Tin Giả đến Tin Mừng
-
Đâu Là Những Tội Nghịch điều Răn Thứ Năm Phải Tránh?
-
GIÁO LÝ CẤP III - SỐNG ĐẠO - Tin Vui Xuân Lộc
-
Mục 8 Ðiều Răn Thứ Tám
-
ĐIỀU RĂN THỨ VIII - Cai Mon
-
Giáo Huấn 48 – Điều Răn Thứ Tám (2): “Chớ Làm Chứng Dối”
-
Mười điều Răn – Wikipedia Tiếng Việt