Bài Cuối: Ký ức Của Các Cựu Tù Chính Trị Côn Đảo - Công An Nhân Dân

Bước chân đã chậm, mắt không còn sáng rõ nữa, những câu chuyện về quãng đời ở tù lúc nhớ, lúc quên…nhưng mỗi lần hội ngộ của các cựu tù sinh sống tại Côn Đảo vẫn thật ấm áp. Trong cuộc hội ngộ ấy, 5 cựu tù Côn Đảo cùng ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, ôn lại quá khứ hào hùng của một thời hoa lửa, khi những người Cộng sản, những nhà yêu nước biến đau thương thành hành động cách mạng, biến “địa ngục trần gian” thành “trường học cách mạng”…- Bác Bảy Oanh, tức Phan Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến Côn Đảo, Bí thư Chi bộ khu 6 Côn Đảo, bùi ngùi kể lại với Đoàn chúng tôi.

Mỗi cuộc hội ngộ, họ đều tràn niềm vui, bởi vì là những cựu tù may mắn còn sống, may mắn được làm việc, sinh sống trên chính mảnh đất Côn Đảo – từng gọi là “địa ngục trần gian” này. Nhưng trong những lần hội ngộ, quá khứ đau thương lại ùa về, day dứt, ám ảnh với những đòn roi tàn ác của quân thù, với những lần chứng kiến các bạn tù hy sinh… lại khiến cựu tù thêm một lần rơi lệ… nguyện sống có ích và giáo dục con cháu nên người, cống hiến nhiều cho xã hội.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm với các cựu tù Côn Đảo.

Tìm hiểu về thành tích của các cựu tù, chị Đỗ Thị Hòa- thư ký của Hội Người tù kháng chiến Côn Đảo đã đưa cho chúng tôi báo cáo vẻn vẹn chỉ có mấy dòng. Ông Lê Văn Bảnh bị giam ở Trại 7 (Trại Phú Bình) Côn Đảo. Sau giải phóng, công tác tại Ty Công an Côn Đảo, sau đó chuyển sang Hạt Kiểm lâm – Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ông Nguyễn Văn Ước bị đày ra Côn Đảo đến ngày 30/4/1975. Sau giải phóng làm Thuyền trưởng tàu vận tải đường biển. Bà Nguyễn Thị Ni, bị giam ở Côn Đảo, ngày 5/3/1974 được trao trả tại Lộc Ninh, sau đó chuyển ra Côn Đảo sinh sống.

Ông Nguyễn Xuân Viên, cựu tù Côn Đảo, sau giải phóng làm cán bộ văn hóa Bảo tàng huyện Côn Đảo, sau chuyển qua Giao thông công chánh. Ông Phan Hoàng Oanh, còn gọi là Bảy Oanh bị giam tại nhiều nhà giam ở Côn Đảo, sau giải phóng công tác tại Ban Quản lý rừng cấm huyện Côn Đảo, Ban Văn hóa - Thông tin huyện Côn Đảo, Chánh Văn phòng Huyện ủy Côn Đảo, Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo. Hiện làm Bí thư Chi bộ khu 6 Côn Đảo... Biết tôi muốn đến nhà thăm từng bác cựu tù, chị Hòa cho biết, các cụ ở rải rác, có cụ ở mãi khu vực sân bay Cỏ Ống, rất khó để gặp. Sáng mai, nhân có Đoàn đến thăm, tặng quà và giao lưu, nghe các cựu tù kể chuyện… chị hẹn tôi đến quán ngay sát Nhà Chúa Đảo.

Khi tôi đến nơi, các cựu tù Côn Đảo đã có mặt đầy đủ. Bác Bảy Oanh và các cựu tù đang say sưa kể lại những năm tháng chiến đấu của mình và đồng đội trong các trại tù, cũng như trả lời những thắc mắc của đoàn khách hành hương về đất thiêng Côn Đảo. Bác Bảnh tâm sự, tôi và bác Ước ở tận sân bay Cỏ Ống. Muốn ra trung tâm phải đi xe ôm hơn 12km. Giờ chân yếu, phải chống gậy, mỗi lần đi thắp hương, con cháu phải chở xe máy ra sát đường ven các mộ. Nhưng thắp được nén nhang rồi, mới thấy lòng thanh thản, không còn thấy mệt nhọc gì...

Kể chuyện đón ngày 30/4, bác Bảy Oanh cho biết, cứ mỗi dịp 30-4, cựu tù chúng tôi xốn xang lắm. Ngoài tham gia các hoạt động tình nghĩa, về nguồn của huyện, chúng tôi lại cùng nhau đi thắp nhang khắp các nghĩa trang, đó là sự tri ân với đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Không chỉ có vậy, các bác còn trở thành những thuyết minh viên, vui vẻ trò chuyện với các đoàn cựu tù từ mọi miền Tổ quốc, trò chuyện với khách du lịch trong và ngoài nước về quãng đời hoạt động cách mạng của các bác; thời gian sống và chiến đấu trong ngục tù…

Có nhiều cựu tù, thân nhân cựu tù từ xa tới, điều kiện kinh tế khó khăn đã được các cựu tù Côn Đảo đón về nhà, lo ăn, ở và đưa đi thăm quan, thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo... chu đáo. Bác Bảy Oanh cho biết thêm, trong năm 2013, Hội Người tù kháng chiến Côn Đảo đã tham gia giao lưu, gặp mặt truyền thống với hơn 40 đơn vị và hàng nghìn cá nhân đến Côn Đảo.

Với ý thức trách nhiệm và những trải nghiệm sâu sắc, các cựu tù Côn Đảo đã nói lên sự hà khắc của ngục tù thời thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong 113 năm; khẳng định sự kiên trung, bất khuất của các cựu tù; sự lạc quan, đoàn kết của tù nhân trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, vì nền độc lập tự do của đất nước. Những câu chuyện của các cựu tù cũng đã truyền lửa cho các thế hệ trẻ yêu nước, góp phần làm nên Côn Đảo - một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.

Giữa trưa nắng gắt, đã hết giờ làm việc, chị Nguyễn Thị Thu Yến, Phó phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý di tích huyện Côn Đảo đang định ra về thì bất chợt thấy một ông cụ đội mũ tai bèo tần ngần đứng trước khuôn viên Ban Quản lý. Đoán hẳn cụ từ xa tới, chị Yến ân cần hỏi thăm xem có giúp gì được cụ không. Ông cụ cho biết, ông tên là Lê Văn Lùng, 60 tuổi, trú tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Trải qua 4 ngày vừa đi xe đò, vừa đi tàu biển ông mới tới được Côn Đảo. Vừa tới nơi, quên cả mệt nhọc, ông vội tìm đến Ban Quản lý di tích huyện Côn Đảo nhờ giúp đỡ.

Qua cuộc trò chuyện của ông Lùng và chị Yến, tôi được biết, ông Lùng có vợ là bà Bẩy, năm nay cũng đã 60 tuổi. Bà Bẩy là con cựu tù Côn Đảo nhưng chưa một lần có điều kiện ra thăm Côn Đảo, thắp hương cho ba mình. Thấy vợ sức khỏe yếu, ông Lùng quyết tâm khăn gói ra Côn Đảo tìm mộ ba vợ để thắp nén nhang cho ông già, thỏa ý nguyện của vợ. Ông chỉ biết bố vợ tên Lê Văn Phát, quê ở Kiên Giang… Sau khi hỏi cặn kẽ thông tin, chị Yến nói với ông Lùng rằng, ông cứ về ăn uống, nghỉ ngơi, để lại số điện thoại, mọi người trong Ban Quản lý sẽ dốc sức tìm nơi chôn cất của cựu tù Lê Văn Phát…

Trong chuyến đi này, sẽ là thiếu sót nếu tôi không nhắc đến những thuyết minh viên tại Côn Đảo. Tại các điểm thuyết minh, bất kể thời tiết nắng nóng của Côn Đảo, chúng tôi đã gặp những chàng trai trong chiếc mũ tai bèo, những cô gái trong tà áo dài thướt tha lòng đầy say mê, tràn đầy nhiệt huyết và kiến thức sâu rộng về lịch sử Côn Đảo phục vụ làm thuyết minh viên cho các đoàn khách đến Côn Đảo. Đó là chị Nguyễn Ngọc Như Xuân, học chuyên ngành du lịch đã nối nghiệp của mẹ là bác Trần Thị Đông, nguyên là thuyết minh viên ở Côn Đảo. Đó là chàng trai Nguyễn Văn Tính, quê gốc Hà Nội tình nguyện viết đơn vào Côn Đảo công tác từ năm 2007 tới giờ. Chính Tính là hướng dẫn viên cho Đoàn chúng tôi.

Qua sự thuyết minh của Tính, Đoàn Văn phòng Bộ Công an đã có những giây phút thật ý nghĩa trong những ngày về nguồn tại Côn Đảo. Rồi chàng trai Phí Văn Tuấn, quê Hưng Yên đã gắn bó với mảnh đất thiêng 20 năm tròn. Tôi nhớ mãi hình ảnh, trong ánh sáng lung linh của vô vàn ngọn nến thắp ở nghĩa trang, Tuấn cần mẫn túc trực, hướng dẫn khách thắp hương tại mộ nữ Anh hùng CAND Võ Thị Sáu vào đúng 12 giờ đêm. Khi khách hành hương vô ý để ni lon, bao đựng đồ lễ khắp nơi, cũng chính Tuấn là người đi gom nhặt vào thùng rác để giữ vệ sinh môi trường sạch đẹp ở nghĩa trang Hàng Dương. Hay chị Nguyễn Thị Thu Yến, người con quê lúa Thái Bình cũng đã ở Đảo 14 năm trời, xây dựng gia đình, sinh con và gắn bó với mảnh đất này...

Trong 3 tháng đầu năm 2014, Ban Quản lý di tích Côn Đảo đã đón 2.349 đoàn khách với 12.273 lượt khách. Trong đó, khách Việt Nam là 2.018 đoàn với 11.435 lượt; khách ngoại quốc là 331 đoàn với 838 lượt người. Càng gần ngày 30-4 thì từ quản lý đến nhân viên đều không có thời gian nghỉ. Ngoài thuyết minh cho khách ban ngày, ban đêm, nhân viên vẫn phục vụ tại nghĩa trang Hàng Dương, điểm đến tâm linh của du khách. Và có rất nhiều cựu tù, thân nhân cựu tù tìm đến Ban Quản lý nhờ giúp đỡ. Trong thành tích đó, đóng góp của lực lượng thuyết minh viên là rất quan trọng, họ chính là những mầm xanh mới, cống hiến cho Côn Đảo ngày càng xanh tươi, phát triển

Từ khóa » Kể Chuyện Tù Chính Trị