Bài Giảng Luật Dân Sự 2 | Hoa_dại
Có thể bạn quan tâm
(bài giảng Luật dân sự 2 – VB 2, ĐH Luật Hà Nội, 2016)
Đại học Luật Hà Nội
Lớp: K14CCQ – 2015
BÀI GIẢNG LUẬT DÂN SỰ 2
Thời lượng: 45 tiết
Ngày 10/01/2016
Giảng viên: cô Kiều Thị Thuỳ Linh
Tài liệu:
- Luật dân dự 2005 (tham khảo Luật Dân sự 2015)
- Giáo trình Luật Dân sự II đại học luật Hà Nội
- Hướng dẫn học Luật Dân sự (thầy Tuyết)
- Tư vấn tại tổ bộ môn Dân sự: sáng thứ 5 hàng tuần, có giáo viên trực tư vấn
Câu hỏi:
– Đi sửa xe, không đủ tiền trả, chủ cửa hàng sửa xe giữ xe. Hỏi có đúng luật ?
Trả lời: Theo điều 416 về Cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ thì bên có quyền đang chiếm giữ tài sản hợp pháp được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận.
– Trong thỏa thuận mua hàng hóa, nếu các bên không thỏa thuận về địa điểm giao hàng thì hàng sẽ được giao ở đâu ?
Trả lời: Luật quy định trong trường hợp các bên không thỏa thuận về địa điểm giao tài sản thì địa điểm giao tài sản sẽ là nơi cư trú của bên có quyền hoặc trụ sở chính của tổ chức pháp nhân.
– Trình bày phân loại tài sản (không có trong Giáo trình)
Trả lời: tùy vào tiêu chí phân loại
+ theo thời hình thành: tài sản đã hình thành, tài sản hình thành trong tương lai
+ theo đăng ký: tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu
+ …
– Phân tích quyền định đoạt của các chủ thể trong quan hệ PL dân sự ?
Chú ý: tránh nhầm lẫn với quyền sở hữu.
Nội dung Dân sự 2:
– Nghĩa vụ dân sự:
(nghĩa vụ là gốc, quyền là ngọn. Khi đã thực hiện nghĩa vụ thì đương nhiên có quyền. Ngược lại khi bị xâm phạm quyền thì sẽ phải xem xét từ nghĩa vụ các bên để xem vi phạm từ đâu)
+ Các quy định chung về nghĩa vụ dân sự
+ Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (7 biện pháp: cầm cố, thế chấp, ký cược, ký quỹ, …)
– Hợp đồng dân sự:
+ các quy định chung về hợp đồng dân sự
+ quy định riêng cho từng nhóm hợp đồng. Dựa vào đối tượng của hợp đồng:
- đối tượng là tài sản:
- Chuyển giao quyền sở hữu: mua bán, trao đổi, tặng cho
- Chuyển giao quyền sử dụng: thuê, mượn
- đối tượng là công việc (7 loại): hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển (vận chuyển hành khách, vận chuyển tài sản), hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng bảo hiểm (luật Dân sự 2015 bỏ hợp đồng bảo hiểm, vì đã có Luật Kinh doanh bảo hiểm riêng)
– Nghĩa vụ ngoài hợp đồng: các bên không thỏa thuận nhưng được quy định trong luật.
+ thực hiện công việc không có ủy quyền. VD: hàng xóm đi vắng dài ngày, sắp có bão to, bếp nhà hàng xóm có nguy cơ bị tốc mái, sụp ==> gọi thợ đến gia cố giúp ==> khi chủ nhà về, có quyền đòi chi phí sửa chữa (Điều 593)
+ hứa thưởng
+ nghĩa vụ hoàn lại:
- Khi chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ PL
- Được lợi về tài sản không có căn cứ PL : VD con gà nhà ông A, ăn, ngủ ở nhà ông A, nhưng lại chạy sang nhà ông B đẻ trứng ==> ở đây B không chiếm hữu con gà, nhưng lại được lợi từ con gà ==> khi đó luật quy định 2 trường hợp:
- Nếu ngay tình: chỉ phải hoàn trả lại hoa lợi (ở đây là trứng) từ thời điểm biết được đó không phải do tài sản của mình tạo ra (ở đây là biết không phải do gà nhà mình đẻ)
- Nếu không ngay tình: phải hoàn trả lại toàn bộ cho A
– Bồi thường ngoài hợp đồng :
(chú ý cần phân biệt giữa nguyên nhân và động cơ, điều kiện gây ra thiệt hại. VD: một cô gái xinh đẹp đi trên đường làm nhiều người lái xe ngoái lại nhìn và đâm vào nhau, hỏi cô gái có phải chịu trách nhiệm ? Trả lời: không, vì hành vi gây ra thiệt hại là việc không làm chủ được tay láy của người lái xe, cô gái chỉ là điều kiện)
Phải có đủ 4 điều kiện :
+ phải có thiệt hại thực tế xảy ra. VD một người dắt con bò đi trên đường, con bò đang mang thai, bị xe ô tô tông chết, người chủ con bò nói con bò đang mang thai 1 con bò cái, và con bò cái sẽ đẻ ra một con bò nữa, vì vậy người lái xe phải đền 3 con bò ==> theo luật thì người lái xe chỉ phải bồi thường 1 con bò, vì phải có thiệt hại thực tế xảy ra
+ phải có hành vi trái PL gây thiệt hại: cần phân biệt với hành vi gây thiệt hại nhưng được PL cho phép (trong tình thế cấp thiết, PL cho phép được gây ra 1 thiệt hại nhỏ để tránh gây ra 1 thiệt hại lớn hơn. VD thấy có đám cháy, lại thấy bể nước nhà hàng xóm, thì có thể phá khóa nhà hàng xóm để đến bể nước lấy nước dập lửa)
+ có mỗi quan hệ nhân quả giữa hành vi trái PL với hậu quả xảy ra
+ phải có lỗi: trong dân sự là lỗi suy đoán. Có những trường hợp luật quy định không có lỗi cũng phải bồi thường (Điều 623, 624)
Nội dung:
+ các quy định chung về trách nhiệm bồi thường hợp đồng
+ các trường hợp cụ thể về bồi thường hợp đồng: do hành vi của con người gây ra, do tài sản gây ra (VD do gia súc gây ra)
Chương 1: Những quy định chung về Nghĩa vụ dân sự
1. Khái niệm nghĩa vụ dân sự (Điều 280)
– Nghĩa vụ dân sự là một quan hệ PL dân sự mà theo đó, bên có nghĩa vụ phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của bên có quyền.
Bên có nghĩa vụ:
+ chuyển giao: vật, quyền, giấy tờ có giá; trả tiền
+ thực hiện / không thực hiện: công việc nhất định
VD: A ký hợp đồng mua tài sản của B, khi đó phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa A và B: A có nghĩa vụ trả tiền cho B, và B có nghĩa vụ chuyển giao tài sản cho A
VD: A thỏa thuận trả một khoản tiền cho B (là hàng xóm của A) để B không làm công việc gò hàn gây ồn ào vào buổi trưa để cho bố mẹ của A được ngủ trưa.
2. Đặc điểm
– Nghĩa vụ dân sự là 1 quan hệ PL dân sự ==> có đủ 3 yếu tố:
+ chủ thể: các bên tham gia
+ khách thể: mục đích của quan hệ (mang lại lợi ích gì)
+ nội dung: là quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể
– Nghĩa vụ dân sự là quan hệ tương đối: bên có quyền và bên có nghĩa vụ được xác định cụ thể. Trong nghĩa vụ dân sự, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Tức là mối quan hệ này không liên quan đến chủ thể thứ 3 ngoài bên có quyền và bên có nghĩa vụ xác định.
Chú ý: có trường hợp quyền và nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ dân sự có liên quan đến bên thứ 3, như trường hợp bên thứ 3 bảo lãnh cho việc thực hiện hợp đồng (như ngân hàng), tuy nhiên bên thứ 3 cũng phải xác định cụ thể trước.
– Quan hệ nghĩa vụ là quan hệ trái quyền nên quyền dân sự của các chủ thể là quyền đối nhân: quyền của bên này được thực hiện thông qua hành vi của chủ thể phía bên kia. Tức là quyền của bên này chỉ được đáp ứng khi bên kia đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên có quyền có thể sử dụng các phương thức được PL quy định để yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện, tức là tác động vào “con người” chứ không phải tác động vào tài sản của họ.
3. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự (Điều 282)
Gồm 02 loại đối tượng:
– Với tài sản: cần thỏa mãn 2 điều kiện:
+ luôn xác định
+ được phép lưu thông: gồm:
- tự do lưu thông, hoặc
- hạn chế lưu thông
– Với công việc: cần thỏa mãn 3 điều kiện:
+ luôn xác định: phải nêu được cụ thể, chi tiết công việc
+ phải có năng lực thực hiện:
- Nhóm công việc có điều kiện: VD bác sỹ, luật sư, …
- Nhóm công việc không có điều kiện: cần xem năng lực có thực hiện được hay không (VD quét vôi tường nhà, sửa chữa thiết bị điện gia dụng, … thì không phải ai cũng làm được, nhưng không cần phải có điều kiện theo quy định của PL)
+ không bị PL cấm hoặc trái đạo đức XH: VD môi giới mại dâm, mua bán vũ khí
4. Phân loại nghĩa vụ dân sự
– Căn cứ vào số lượng người tham gia vào quan hệ nghĩa vụ dân sự:
+ quan hệ ít người: bên có quyền là 1 người, bên có nghĩa vụ là 1 người
+ quan hệ nhiều người: có 3 trường hợp:
- Bên có quyền 1 người, bên có nghĩa vụ nhiều người
- Bên có quyền nhiều người, bên có nghĩa vụ 1 người
- Bên có quyền nhiều người, bên có nghĩa vụ nhiều người
Trong quan hệ nhiều người, có:
- nghĩa vụ riêng rẽ: ai hoàn thành nghĩa vụ của mình thì sẽ chấm dứt quan hệ nghĩa vụ dân sự đó. VD: ông A vay tiền của B, C, D và vay độc lập với từng người, khi A trả hết tiền cho B thì quan hệ nghĩa vụ dân sự giữa A với B chấm dứt, quan hệ nghĩa vụ dân sự giữa A với C và A với D vẫn còn
- nghĩa vụ liên đới: quan hệ nghĩa vụ chỉ chấm dứt khi toàn bộ nghĩa vụ được thực hiện xong. VD: ông A cần 1 khoản tiền và đến nhờ B, C, D giúp đỡ, B C D bàn nhau và cùng góp tiền cho A vay, khi đó thì dù A có trả hết khoản tiền B đã góp để A vay thì khi đó A vẫn chưa hết nghĩa vụ dân sự với B và B vẫn có quyền đòi A trả hết số tiền mà B C D cùng góp cho A vay.
Câu hỏi: Phân biệt nghĩa vụ dân sự riêng rẽ với nghĩa vụ dân sự liên đới.
– Căn cứ vào thời điểm phát sinh nghĩa vụ:
+ nghĩa vụ gốc
+ nghĩa vụ phái sinh:
- Nghĩa vụ hoàn lại: VD: A vay tiền của B C D , B đứng ra nhận tiền A trả lại, sau đó B có nghĩa vụ hoàn lại cho C và D
- Nghĩa vụ bổ sung: để hoàn thiện thêm nghĩa vụ gốc. VD: A mua hàng của B, sau đó A lại yêu cầu thêm việc B vận chuyển hàng đến địa điểm A yêu cầu
– Căn cứ vào việc có phân được nghĩa vụ theo từng phần hay không (theo sự thỏa thuận của các bên chủ thể):
+ nghĩa vụ từng phần: VD thuê xây nhà, chia thành các hạng mục như xây móng, xây thô, cất mái, …
+ nghĩa vụ toàn bộ: VD hợp đồng trọn gói
Chú ý: có những công việc không thể chia theo phần, đó thường là những công việc có điều kiện, VD: đỡ đẻ, cấp cứu bệnh nhân
———————
Ngày 17/01/2016
Giảng viên: cô Lê Thị Giang
Vấn đề 2: Căn cứ xác lập, chấm dứt nghĩa vụ dân sự, thực hiện nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm nghĩa vụ dân sự
I. Căn cứ xác lập, chấm dứt nghĩa vụ dân sự
1. Căn cứ xác lập nghĩa vụ dân sự (Điều 281)
Nghĩa vụ dân sự được xác lập thông qua các căn cứ sau:
a. Hợp đồng dân sự
– Là sự thỏa thuận giữa 2 hay nhiều bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự
VD về hợp đồng làm thay đổi nghĩa vụ dân sự: 1 người ký hợp đồng thuê nhà với giá 5 tr/tháng, sau 1 năm do biến động thị trường, hai bên thỏa thuận tăng giá thuê lên 5.5tr/tháng
– Nghĩa vụ của các bên trong quan hệ nghĩa vụ phát sinh cùng với thời điểm hợp đồng có hiệu lực PL: chú ý phải xem xét kỹ điều khoản có hiệu lực của hợp đồng và tuân thủ quy định của PL.
VD: điều khoản quy định hợp đồng có hiệu lực sau 5 ngày kể từ ngày 2 bên ký, hoặc vào 1 ngày cụ thể (phải sau ngày ký HĐ)
VD: hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thì sau khi 2 bên ký cần phải có công chứng và chứng thực của cơ quan có thẩm quyền (đây là quy định của PL)
Câu hỏi: Hai bên ký hợp đồng mua bán ma túy, phụ nữ, trẻ em. Hỏi đây có phải là hợp đồng ?
Trả lời: Đây vẫn là hợp đồng, nhưng vì hợp đồng này vi phạm theo điểm c khoản 1 điều 122 nên nó bị vô hiệu.
Câu hỏi : Nếu hợp đồng bị coi là vô hiệu thì hai bên có nghĩa vụ phải thực hiện không ?
– Hợp đồng dân sự vô hiệu không được coi là căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự, khi đó các bên có nghĩa vụ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Chú ý: nghĩa vụ hoàn trả là theo quy định của PL, không phải do các bên thỏa thuận nên không được coi là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng vô hiệu.
b. Hành vi pháp lý đơn phương
– Là sự thể hiện ý chí của 1 bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự. VD: lập di chúc, hứa thưởng
Chú ý: ý chí thể hiện phải không trái PL và đạo đức XH
c. Thực hiện công việc không có ủy quyền
– Là việc 1 người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc khi người có công việc không biết hoặc biết nhưng không phản đối.
VD: mượn xe của người khác, phát hiện ra xe bị hỏng, đi sửa xe hộ cho chủ xe (sau đó có quyền yêu cầu chủ xe hoàn trả chi phí)
– Điều kiện:
+ người thực hiện công việc không có nghĩa vụ phải thực hiện công việc
Một người có nghĩa vụ thực hiện công việc theo các căn cứ sau:
- theo thỏa thuận,
- do PL quy định,
- theo bản án của tòa hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền
+ người thực hiện công việc phải hoàn toàn tự nguyện
Tự nguyện được hiểu là sự thống nhất giữa ý chí bên trong và sự thể hiện ý chí ra bên ngoài. Trái ngược là bị ép buộc, hoặc do nhầm lẫn (VD: đi làm cỏ ruộng lúa, do nhầm lẫn nên làm cỏ cho nhà hàng xóm)
+ người thực hiện công việc phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc
Lưu ý: nếu công việc không được thực hiện thì có thể sẽ có thiệt hại xảy ra với người có công việc
VD: nhà hàng xóm phơi thóc, lại đi vắng, trời sắp mưa, sang thu dọn thóc hộ
+ người có công việc không biết hoặc biết nhưng không phản đối.
– Nghĩa vụ của người có công việc và người thực hiện công việc
+ Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền (Điều 595):
- thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.
- phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.
- phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có uỷ quyền không biết nơi cư trú của người đó.
- trong trường hợp người có công việc được thực hiện chết thì người thực hiện công việc không có uỷ quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.
- trong trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.
+ Nghĩa vụ của người có công việc (Điều 596):
- phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có uỷ quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.
- phải trả cho người thực hiện công việc không có uỷ quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có uỷ quyền từ chối.
d. Chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ PL (Điều 599 -> 603)
Lưu ý: xem lại phần Chiếm hữu / Sử dụng không có căn cứ PL trong Dân sự 1
– Nghĩa vụ:
+ liên quan đến tài sản gốc: người chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ PL phải hoàn trả lại tài sản gốc
+ với hoa lợi, lợi tức: (VD: trâu, bò, gà đẻ con)
- Nếu ngay tình: được hưởng hoa lợi, lợi tức cho đến khi biết hoặc phải biết về việc chiếm hữu, sử dụng, được lợi là không có căn cứ PL
- Nếu không ngay tình: phải trả lại toàn bộ
e. Gây thiệt hại do hành vi trái PL
– Điều kiện:
+ phải có thiệt hại xảy ra: 2 loại:
- Thiệt hại vật chất
- Thiệt hại tinh thần
+ hành vi gây thiệt hại phải là hành vi trái PL, thể hiện bởi:
- Hành động
- Không hành động: không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
+ có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại phát sinh
– Bồi thường thiệt hại:
+ do vi phạm hợp đồng
+ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
f. Những căn cứ khác do PL quy định
– Là các trường hợp nghĩa vụ dân sự phát sinh theo bản án của tòa án hoặc quyết định của cơ quan NN có thẩm quyền
VD: người nhận di sản thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Câu hỏi: Hợp đồng dân sự là 1 loại nghĩa vụ dân sự, đúng hay sai ?
Trả lời: Sai. Vì hợp đồng dân sự (và 6 loại trên) chỉ là căn cứ để xác lập nghĩa vụ dân sự chứ không phải là nghĩa vụ dân sự.
2. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự
a. Nghĩa vụ được hoàn thành (Điều 375)
– Trường hợp 1: hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ
– Trường hợp 2: bên có nghĩa vụ mới thực hiện được 1 phần, phần còn lại được bên có quyền miễn
b. Theo thỏa thuận của các bên (Điều 377)
– Là trường hợp nghĩa vụ chưa hoàn thành nhưng bên có quyền và bên có nghĩa vụ thỏa thuận về việc chấm dứt nghĩa vụ
c. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ
– Việc miễn hay không miễn phụ thuộc vào ý chí của người có quyền.
Lưu ý: miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho người khác nhưng không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. VD: A gây tai nạn cho B làm B mất khả năng lao động, B có thể miễn việc bồi thường của A đã gây ra thiệt hại cho bản thân mình, nhưng B không thể miễn cho trách nhiệm bồi thường để nuôi dưỡng con chưa thành niên của A.
d. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác (Điều 379)
– Bên có quyền và bên có nghĩa vụ cùng nhau thỏa thuận, thống nhất để thay thế 1 nghĩa vụ dân sự này bằng 1 nghĩa vụ dân sự khác. VD: A vay tiền của B, A đến hạn không trả được, A và B thỏa thuận A sẽ làm việc cho B để trừ nợ.
– Khi đó, nghĩa vụ cũ chấm dứt, nghĩa vụ dân sự mới phát sinh.
Lưu ý: trong 1 số trường hợp không được quyền thay thế nghĩa vụ (khoản 3 Điều 379: Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các nghĩa vụ khác gắn liền với nhân thân không thể chuyển cho người khác được thì không được thay thế bằng nghĩa vụ khác.)
e. Nghĩa vụ được bù trừ (Điều 380)
– Điều kiện để bù trừ nghĩa vụ:
+ cả 2 bên cùng có nghĩa vụ đối với nhau
+ các nghĩa vụ về tài sản cùng loại (có thể quy ra tiền, không nhất thiết phải cùng 1 loại tài sản)
+ các nghĩa vụ đều cùng đến hạn
– Các trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ dân sự: (Điều 381)
+ nghĩa vụ đang có tranh chấp
+ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín
+ nghĩa vụ cấp dưỡng
+ các trường hợp khác do PL quy định
VD: A bán đất cho B, đồng thời A cũng đang nợ B một khoản tiền, khi đó A và B thỏa thuận bù trừ nghĩa vụ cho nhau, nếu có chênh lệch thì bên nhận chênh lệch nhiều hơn sẽ hoàn trả lại cho bên kia.
VD: A làm việc tại Công ty N, A do không cẩn thận đã làm hỏng một thiết bị đắt tiền của công ty, công ty N bỏ tiền ra để sửa chữa thiết bị đó, sau đó Công ty N trừ dần vào tiền lương của A.
f. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm 1 (Điều 282)
– Ban đầu, bên có quyền và bên có nghĩa vụ là các chủ thể khác nhau, sau đó bên có quyền và bên có nghĩa vụ lại là cùng 1 chủ thể theo một cách nào đó.
VD: sáp nhập, thừa kế
VD: Công ty B nợ công ty A 2 tỷ, sau đó công ty A sáp nhập công ty B, khi đó công ty B không còn, và công ty A vừa có quyền vừa có nghĩa vụ với khoản nợ 2 tỷ, do đó nghĩa vụ mặc nhiên được chấm dứt
Chú ý: trường hợp công ty A hợp nhất với công ty B thì sẽ trở thành công ty AB, tức là tạo thành 1 chủ thể mới, khi đó nghĩa vụ trả nợ của công ty B với công ty có thể vẫn còn (tùy theo quan điểm)
VD: A là bố, B là con, B vay của A một khoản tiền, A chết, di chúc để lại toàn bộ tài sản cho B, khi đó B vừa có quyền và vừa có nghĩa vụ đối với khoản tiền đó ==> triệt tiêu nghĩa vụ
Chú ý: trường hợp chị A vay của anh B một khoản tiền, sau đó chị A và anh B kết hôn, thì nghĩa vụ trả tiền của chị A với anh B vẫn còn (anh B không đòi nữa thì đó là trường hợp miễn nghĩa vụ dân sự)
g. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết (Điều 283)
– Thời hiện miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ
– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự phải có tính liên tục kể từ thời điểm nghĩa vụ bắt đầu đến khi chấm dứt
VD: nếu gặp gia súc bị thất lạc, sau khi nuôi giữ 6 tháng mà không có người đến nhận, thì gia súc đó thuộc về người đó
h. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà nghĩa vụ phải do chính những chủ thể đó thực hiện (Điều 384)
Câu hỏi: Nếu 1 bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự chết, thì nghĩa vụ mặc nhiên chấm dứt, Đúng hay Sai?
Trả lời: Người có nghĩa vụ chết không đương nhiên làm nghĩa vụ chấm dứt. Nghĩa vụ chỉ chấm dứt trong trường hợp nghĩa vụ phải do chính người có nghĩa vụ thực hiện
VD: A bán cho B chiếc xe máy, B đã trả tiền, đang chờ A giao xe máy thì A chết, khi đó những người thừa kế của A sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ giao chiếc xe máy cho B
VD: Cô A đến gặp ông họa sỹ nổi tiếng B và thỏa thuận ông họa sỹ B sẽ tự tay vẽ bức chân dung cho cô A, đang vẽ dở thì ông B chết, khi đó nghĩa vụ chấm dứt vì theo thỏa thuận chính ông B phải là người thực hiện nghĩa vụ (vì người thừa kế không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ)
– Trường hợp 1: Bên có nghĩa vụ chính là người phải thực hiện nghĩa vụ theo PL.
VD cấp dưỡng: anh A và chị B ly hôn, anh A có nghĩa vụ cấp dưỡng để chị B nuôi con đến khi đủ 18 tuổi, đến khi đứa con 14 tuổi thì anh A chết, khi đó nghĩa vụ cấp dưỡng cũng chấm dứt theo cho dù anh A có người thừa kế thì người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đó.
– Trường hợp 2: Bên có nghĩa vụ và bên có quyền thỏa thuận về việc nghĩa vụ phải do chính người có nghĩa vụ thực hiện. Thường là những công việc phải do “nghệ nhân” hoặc người có năng lực đặc biệt thực hiện (mà người khác không thể thực hiện được).
VD: anh A đến cửa hàng cắt may và thỏa thuận rõ bộ quần áo phải do chính tay người chủ cửa hàng thực hiện (không để người khác thực hiện), khi đang làm dở thì người chủ cửa hàng cắt may chết, khi đó nghĩa vụ chấm dứt.
– Trường hợp 3: Người có quyền chính là người được tiếp nhận các lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ mà người có quyền chết thì nghĩa vụ cũng chấm dứt
VD: Ông A thuê cô y tá đến chăm sóc cho mình trong 12 tháng, chăm sóc được 3 tháng thì ông A chết, khi đó nghĩa vụ chăm sóc của cô ý tá cũng chấm dứt
i. Phá sản (Điều 387)
– Là trường hợp pháp nhân chấm dứt do tuyên bố phá sản, khi đó sẽ chấm dứt nghĩ vụ dân sự trong những trường hợp mà PL về phá sản quy định.
VD: công ty A ký hợp đồng lao động 3 năm với anh B, làm được 1 năm thì công ty A phá sản, khi đó hợp đồng lao động với anh B mặc nhiên chấm dứt
j. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ dân sự không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác (Điều 386)
– Vật đặc định là vật duy nhất, không thể thay thế, VD đồ cổ, kỷ vật. Khi đó sẽ được thỏa thuận để thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác
Chú ý: khi vật đặc định không còn thì chỉ là chấm dứt nghĩ vụ giao đúng vật, không phải là chấm dứt toàn bộ nghĩa vụ dân sự (hai bên thỏa thuận bồi thường thiệt hại hoặc thay thế bằng vật khác)
II. Thực hiện nghĩa vụ dân sự
1. Khái niệm
– Là việc 1 bên chuyển giao vật, trả tiền, giao giấy tờ có giá, thực hiện 1 công việc, hoặc không thực hiện 1 công việc nhằm thỏa mãn lợi ích cho bên kia
2. Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 283)
– Bên có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách:
+ trung thực: các bên phải nói rõ cho nhau về tình trạng và đặc tính của đối tượng, nếu che dấu khuyết tật nhằm mục đích tư lợi mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường
+ theo tinh thần hợp tác: trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, các bên cần tương trợ, giúp đỡ và thông tin cho nhau để đảm bảo lợi ích các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự
+ đúng cam kết: đúng đối tượng, đúng thời gian, đúng địa điểm, … như đã cam kết
+ không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
3. Nội dung thực hiện nghĩa vụ dân sự
a. Thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng địa điểm (Điều 284)
– Theo thỏa thuận
– Nếu không có thỏa thuận thì:
+ nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự là bất động sản thì phải giao tại nơi có bất động sản
+ nếu là động sản thì giao tại nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền
Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
b. Thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn (Điều 285, 286, 287, 288)
– Thực hiện đúng thời hạn được hiểu là bên có nghĩa vụ thực hiện theo đúng nghĩa vụ vào thời gian mà các bên đã thỏa thuận
– Nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện bất kỳ lúc nào, và bên có nghĩa vụ cũng được thực hiện bất kỳ lúc nào nhưng phải báo trước cho nhau 1 khoảng thời gian hợp lý
Lưu ý: trường hợp thực hiện nghĩa vụ trước và sau thời hạn:
+ trước thời hạn: phải được bên có quyền đồng ý và tiếp nhận sự thực hiện, khi đó nghĩa vụ dân sự được coi là thực hiện đúng thời hạn
+ sau thời hạn: nếu bên có nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ đứng thời hạn thì cần thỏa thuận với bên có quyền để kéo dài thời hạn, khi đó nghĩa vụ được hoàn thành trong thời hạn kéo dài cũng được coi là thực hiện đúng thời hạn
c. Thực hiện đúng đối tượng
– Đối tượng gồm:
+ vật
+ công việc: thực hiện / không thực hiện
– Trong nghĩa vụ chuyển giao vật, phân biệt thành 2 trường hợp:
+ vật cùng loại
+ vật đặc định: phải giao đúng vật đã thỏa thuận
d. Thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ 3 (Điều 293)
– Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể uỷ quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Câu hỏi: Phân biệt việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba
+ VD chuyển giao nghĩa vụ dân sự: A cho B vay 500 triệu, B không trả mà thỏa thuận với A chuyển giao việc trả nợ cho C, khi đó nghĩa vụ trả nợ 500 triệu được chuyển cho C, B không còn nghĩa vụ đó nữa. Nếu C không trả được nợ thì A cũng không được quyền đòi B
+ VD thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ 3: A cho B vay 500 triệu, B phải đi công tác đúng vào thời điểm phải trả nợ cho A, B đưa 500 triệu cho C và nhờ C trả giúp cho A, khi đó nghĩa vụ trả nợ của B vẫn còn, nếu C không đưa 500 triệu cho A thì A có quyền đòi B (thực chất ở đây có 2 hợp đồng: hợp đồng vay nợ, và hợp đồng ủy quyền)
e. Thực hiện nghĩa vụ dân sự có điều kiện (Điều 294)
– Là trường hợp các bên đã thỏa thuận hoặc PL đã quy định về các sự kiện là điều kiện để thực hiện nghĩa vụ, theo đó bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi sự kiện đó đã phát sinh
VD: mua sổ số, bên phát hành sổ số chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thưởng khi bên mua sổ số trúng giải
VD: bên bán bảo hiểm chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra
f. Thực hiện nghĩa vụ dân sự có đối tượng tùy ý lựa chọn (Điều 295)
– Là trường hợp đối tượng của nghĩa vụ dân sự là 1 trong nhiều tài sản hoặc công việc khác nhau mà bên có nghĩa vụ có thể tùy ý lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ.
VD: bên mua thỏa thuận có thể trả bằng tiền mặt VNĐ, ngoại tệ, hay bằng vàng
g. Thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế được (Điều 296)
– Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện 1 nghĩa vụ khác nếu được bên có quyền chấp nhận.
VD vay tiền không trả được thì có thể thực hiện một số công việc khác
Chú ý: phân biệt với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự có đối tượng tùy ý lựa chọn (Điều 295) là các đối tượng của nghĩa vụ được thỏa thuận ngay từ đầu
h. Thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng rẽ (Điều 297)
– Là trường hợp nhiều người cùng thực hiện 1 nghĩa vụ dân sự nhưng được xác định là nghĩa vụ riêng rẽ thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình, không cần quan tâm đến việc thực hiện nghĩa vụ của người khác.
i. Thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới (Điều 298, 299)
– Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
– Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
– Trong trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
– Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.
j. Thực hiện nghĩa vụ dân sự chia được theo phần (Điều 300)
– Là trường hợp đối tượng của nghĩa vụ dân sự có thể được thực hiện theo từng phần, miễn là tổng hợp lại đúng với đối tượng đã thỏa thuận.
VD: A mua của B 100 tấn gạo và thỏa thuận trong vòng 5 ngày phải giao đủ hàng, mỗi ngày B giao cho A 20 tấn và sau 5 ngày B giao cho A đủ 100 tấn gạo
k. Thực hiện nghĩa vụ dân sự không chia được theo phần (Điều 301)
– Là trường hợp đối tượng của nghĩa vụ dân sự không thể chia được, khi đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc.
VD: A đặt hàng B may 1 bộ vec-ton thì B không thể chỉ giao áo hoặc quần được mà phải giao đủ cả áo + quần vec-ton thì mới hoàn thành nghĩa vụ.
III. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự
1. Khái niệm, đặc điểm
– Khi một nghĩa vụ dân sự được xác lập thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ đó, nếu 1 bên vi phạm (không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ) thì sẽ phải chịu hậu quả.
– Khái niệm: Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự là sự quy định của PL về việc người vi phạm nghĩa vụ buộc phải tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình gây ra cho phía bên kia.
– Đặc điểm:
+ trách nhiệm dân sự là 1 loại trách nhiệm pháp lý, nên có các đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý:
- chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm PL
- là 1 hình thức cưỡng chế của NN và do cơ quan NN có thẩm quyền áp dụng
- luôn mang đến 1 hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm pháp luật
+ đặc điểm riêng:
- Biểu hiện của hành vi vi phạm PL trong trách nhiệm dân sự là việc không thực hiện, thực hiện không đúng, hoặc không đầy đủ nghĩa vụ
- Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự luôn gắn liền với tài sản: vì khách thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự luôn mang tính chất tài sản, do đó trách nhiệm dân sử của người vi phạm là bù đắp lợi ích vật chất cho bên bị vi phạm
- Trách nhiệm dân sự được áp dụng với người có hành vi vi phạm, nhưng cũng có thể được áp dụng đối với người khác (trong trường hợp người đại diện cho người chưa thành niên)
- Hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu là việc bắt buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại cho người bị vi phạm.
2. Phân loại trách nhiệm dân sự
– Trách nhiệm dân sự gồm 2 loại:
+ Trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ dân sự: người vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền, nếu không thực hiện thì bên có quyền có quyền yêu cầu cơ quan NN có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế bắt buộc. Loại trách nhiệm này gồm:
- Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ giao vật (Điều 303)
- Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc (Điều 304)
- Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 305)
- Trách nhiệm dân sự do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 306)
+ Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 307): xuất hiện khi hành vi vi phạm nghĩa vụ đã gây ra thiệt hại, căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
- Có hành vi trái PL: là hành vi không thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, ngoại trừ 2 trường hợp nghĩa vụ dân sự không thể thực hiện được do:
- lỗi của người có quyền
- sự kiện bất khả kháng
- Có thiệt hại xảy ra trong thực tế: gồm 2 loại
- Thiệt hại trực tiếp: tài sản bị mất, bị hủy hoại, hư hỏng, giảm sút giá trị
- Không thu được hoa lợi, lợi tức vì tài sản bị hủy hoại
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm PL và thiệt hại xảy ra
- Có lỗi của người vi phạm nghĩa vụ dân sự (Điều 308): gồm 2 loại
- Lỗi cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra
- Lỗi vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Chú ý: cần phân biệt trách nhiệm và nghĩa vụ. VD: A cho B vay 100 triệu từ ngày 1/1 đến ngày 30/1, trong khoảng thời gian đó B có nghĩa vụ phải trả tiền cho A, đến quá ngày 30/1 mà B không trả được nợ thì gọi là B có trách nhiệm trả tiền cho A.
==> nghĩa vụ là sự thỏa thuận, trách nhiệm xuất hiện khi có sự vi phạm
– Trách nhiệm được hình thành trên cơ sở có sự vi phạm nghĩa vụ:
+ không thực hiện nghĩa vụ
+ thực hiện nghĩa vụ không đúng
+ thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ
IV. Thay đổi chủ thể trong nghĩa vụ dân sự
1. Chuyển giao quyền yêu cầu
– VD: A cho B vay 100 triệu, khi đó A là người có quyền đòi nợ và B là người có nghĩa vụ trả nợ. A chuyển giao quyền đòi nợ cho C, khi đó C là người có quyền đối với khoản nợ 100 triệu của B, và B có nghĩa vụ phải trả cho C mà không cần phải trả cho A, tức là nghĩa vụ dân sự của B với A chấm dứt và chuyển thành nghĩa vụ của B với C. Khi B không trả được nợ thì A cũng không có quyền đòi B mà chỉ có C mới có quyền đòi B.
– Việc chuyển quyền có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói, trừ trường hợp PL có quy định khác.
A có thể chuyển quyền cho C mà không cần hỏi ý kiến của B. A phải thông báo việc chuyển quyền cho B bằng văn bản. Nếu A không thông báo cho B thì B có quyền từ chối nghĩa vụ với C là người thế quyền.
– Chú ý: không được chuyển giao quyền yêu cầu nếu quyền đó gắn với nhân thân của bên có quyền như quyền yêu cầu cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín
– Phân biệt Chuyển giao quyền yêu cầu với Thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba:
Chuyển giao quyền yêu cầu | Thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba | |
Tên gọi | Người thế quyền | Người được ủy quyền yêu cầu |
Nội dung | Chuyển quyền yêu cầu từ người này sang người khác | Ủy quyền cho người thứ ba nhân danh mình thực hiện quyền yêu cầu đối với người có nghĩa vụ |
Tư cách tham gia | Người thế quyền là người có quyền thực sự đối với nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ | Người được ủy quyền chỉ được nhân danh người có quyền để yêu cầu |
Cơ sở thực hiện | Văn bản chuyển giao quyền | Hợp đồng ủy quyền |
Phạm vi quyền yêu cầu | Toàn bộ nghĩa vụ dân sự | Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền |
Sự ràng buộc nghĩa vụ | Người có nghĩa vụ chỉ chịu trách nhiệm trước người thế quyền | Người có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước người được ủy quyền và người có quyền |
Biện pháp bảo đảm kèm theo (nếu có) | Chuyển cho người thế quyền và người thế quyền trở thành bên nhận bảo đảm mới | Vẫn giữ nguyên tại người có quyền, không được chuyển cho người được ủy quyền |
2. Chuyển giao nghĩa vụ
– VD: A cho B vay 100 triệu, khi đó A là người có quyền đòi nợ và B là người có nghĩa vụ trả nợ. B thỏa thuận với A là C sẽ thay B trả nợ cho A, khi đó C là người có nghĩa vụ trả nợ 100 triệu cho A, và B không còn nghĩa vụ phải trả nợ cho A nữa, tức là nghĩa vụ dân sự của B với A chấm dứt và chuyển thành nghĩa vụ của C với B. Khi CB không trả được nợ thì A cũng không có quyền đòi B mà chỉ có quyền đòi C.
– Việc chuyển nghĩa vụ có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói, trừ trường hợp PL có quy định khác.
Việc chuyển giao nghĩa vụ thực chất là thỏa thuận tay ba, B bắt buộc phải được sự đồng ý của A mới có thể chuyển giao nghĩa vụ cho C.
– Phân biệt Chuyển giao nghĩa vụ với Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba:
Chuyển nghĩa vụ | Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba | |
Tên gọi | Người thế nghĩa vụ | Người được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ |
Nội dung | Chuyển nghĩa vụ từ người này sang người khác | Ủy quyền cho người thứ ba nhân danh mình thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền |
Tư cách tham gia | Người thế nghĩa vụ là người có nghĩa vụ thực sự đối với bên có quyền | Người được ủy quyền chỉ được nhân danh người có nghĩa vụ để thực hiện nghĩa vụ theo sự ủy quyền |
Phạm vi nghĩa vụ | Toàn bộ nghĩa vụ dân sự | Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền |
Sự ràng buộc nghĩa vụ | Người thế nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm trước người có quyền | Người có nghĩa vụ vẫn phải chịu trách nhiệm trước người có quyền nếu người thế nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ |
————————–
Ngày 24/01/2016
Giảng viên: thầy Nguyễn Văn Hợi
Vấn đề 3: Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
– Quan hệ nghĩa vụ dân sự là quan hệ trái quyền, tức là trong quan hệ nghĩa vụ luôn tồn tại sự đối lập giữa quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể với nhau, và quyền của bên mang quyền không thể tự thỏa mãn mà phụ thuộc vào sự thực hiện nghĩa vụ của bên đối lập ==> nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của bên có quyền
==> phải có biện pháp bảo đảm để ngăn chặn sự vi phạm
I. Những quy định chung
1. Khái niệm các biện pháp bảo đảm
– Là các biện pháp mang tính dự phòng nhằm để ngăn chặn, khắc phục những tổn thất khi có sự vi phạm
– Đặc điểm:
+ được hình thành trên cơ sở có sự thỏa thuận, VD thế chấp khi vay vốn ngân hàng, đặt cọc khi mua bán.
Chú ý: trong một số trường hợp PL bắt buộc phải có bảo đảm, VD việc bắt buộc phải ký quỹ khi người lao động ra nước ngoài (để bảo đảm không ở lại nước ngoài sau khi hết thời hạn)
+ là biện pháp mang tính dự phòng
Chú ý: dự phòng >< dự phạt
- Dự phạt: dự trù 1 khoản phạt khi nghĩa vụ không được thực hiện đúng hạn, tuy nhiên nếu bên có nghĩa vụ cố tình không thực hiện thì cũng không có cách nào bắt buộc được
- Dự phòng: nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ thì sẽ có biện pháp khác thay thế
+ chỉ được áp dụng / thực hiện khi vi phạm nghĩa vụ chính
– Mục đích:
+ nhằm hạn chế sự vi phạm
+ bảo vệ cho bên có quyền khi có sự vi phạm xảy ra
+ là hợp đồng phụ, có thể được xác lập 1 cách độc lập hoặc được ghi vào hợp đồng chính
2. Đối tượng của biện pháp bảo đảm
– Đối tượng của biện pháp bảo đảm là cái gì được dùng để bảo đảm, gồm 3 loại: tài sản, công việc, uy tín
– Đối tượng của biện pháp bảo đảm là những lợi ích vật chất, vì theo quy luật ngang giá chung thì chỉ có lợi ích vật chất mới bù đắp được các lợi ích vật chất, và do đó không thể dùng quyền nhân thân làm đối tượng cho biện pháp bảo đảm
a. Tài sản
– Là đối tượng của 5 biện pháp bảo đảm: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ
– Điều kiện để tài sản được mang ra bảo đảm:
+ tài sản bảo đảm phải được phép giao dịch
Chú ý: tài sản được phép giao dịch >< tài sản được phép kinh doanh
- Giao dịch là chuyển chuyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác
- Kinh doanh là hoạt động mua đi bán lại để kiếm lợi nhuận
Câu hỏi: Tài sản được phép giao dịch có đương nhiên là tài sản được phép kinh doanh ?
Trả lời: Sai, VD ma túy có thể được giao dịch nhưng không được phép kinh doanh
+ tài sản bảo đảm phải được xác định 1 cách cụ thể
+ tài sản bảo đảm phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm, trừ 2 trường hợp:
- Tài sản bảo đảm là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tại thời điểm mang đi bảo đảm đang làm thủ tục chuyển quyền sở hữu (theo Nghị định 11/2012 về 3 loại tài sản hình thành trong tương lai: loại đang được tạo lập, loại đang làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, tài sản hình thành từ vốn vay)
- Tài sản thuê nhưng thỏa mãn 3 điều kiện (Nghị định 163)
- Hợp đồng thuê từ 1 năm trở lên
- Tàu sản thuê không thuộc nhóm phải đăng ký quyền sở hữu
- Bên cho thuê là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh
– Một tài sản có thể bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ, và ngược lại có thể dùng nhiều tài sản để bảo đảm cho 1 nghĩa vụ.
b. Công việc
– Là đối tượng của 1 biện pháp bảo đảm là bảo lãnh
– Phải có các điều kiện sau:
+ phải được xác định cụ thể
+ phải có tính khả thi
+ không vi phạm điều cấm của PL và trái đạo đức XH
c. Uy tín
– Là đối tượng của 1 biện pháp bảo đảm là tín chấp.
– Chỉ có duy nhất tổ chức chính trị XH mới có thể dùng uy tín của mình để bảo đảm. (Điều 372)
Có 6 tổ chức chính trị XH: mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn TNCS, liên đoàn lao động, hội nông dân, hội cựu chiến binh.
VD: Hội phụ nữ đứng ra bảo đảm để thành viên của hội là những phụ nữ ở nông thôn, miền núi gặp khó khăn vay vốn ngân hàng chính sách XH để thực hiện xóa đói giảm nghèo.
Câu hỏi: có bao nhiêu biện pháp bảo đảm có đối tượng là tài sản ?
Trả lời: có tất cả 7 biện pháp bảo đảm là cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược, bảo lãnh, tín chấp .Trong đó có 5 biện pháp bảo đảm có đối tượng là tài sản, gồm cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược.
Đối tượng của bảo lãnh không phải tài sản. VD: A vay ngân hàng, B bảo lãnh cho A bằng tài sản của B, khi đó B sẽ ký với ngân hàng hợp đồng thế chấp bằng tài sản, thế chấp này bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh, tức là tài sản của B là để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh của B với ngân hàng chứ không phải bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của A với ngân hàng. ==> đối tượng của bảo lãnh không phải tài sản, mà là cam kết trả nợ thay cho bên có nghĩa vụ.
3. Thời hạn và phạm vi bảo đảm
– Thời hạn: do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận thì sẽ chấm dứt khi nghĩa vụ bảo đảm chấm dứt.
Chú ý: chấm dứt >< hoàn thành
Vì có trường hợp nghĩa vụ dù chưa hoàn thành nhưng đã chấm dứt.
VD: A cho B vay 500 triệu trong 1 năm, B ký hợp đồng bảo đảm với A thế chấp bằng căn nhà của B cũng với thời gian 1 năm trùng với thời gian vay 500 triệu. Sắp hết 1 năm B xin gia hạn hợp đồng vay 3 tháng và A đồng ý, nhưng 2 bên không gia hạn hợp đồng bảo đảm. Khi hết 3 tháng gia hạn, B vẫn không trả được nợ, hỏi A có xử lý tài sản bảo đảm của B được không ?
Trả lời: A không thể xử lý tài sản bảo đảm của B vì B không hề vi phạm để A có thể xử lý tài sản bảo đảm: do khi hết 1 năm thì hợp đồng vay của B không bị vi phạm (vì đã được gia hạn) và hợp đồng bảo đảm chấm dứt khi thời hạn đã hoàn thành (là 1 năm)
==> (kinh nghiệm) khi yêu cầu bảo đảm, chỉ cần nêu là bảo đảm cho nghĩa vụ nào, không cần nêu thời hạn của bảo đảm.
– Phạm vi bảo đảm: do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì được hiểu là bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ.
Chú ý: Biện pháp bảo đảm có thể được bảo đảm cho nghĩa vụ hiện có hoặc nghĩa vụ trong trương lai. VD đặt cọc là biện pháp bảo đảm cho hợp đồng mua / thuê tài sản sẽ ký kết sau đó (vì tại thời điểm đặt cọc, nghĩa vụ chưa tồn tại)
4. Về giao dịch bảo đảm
– Chủ thể:
+ bên bảo đảm: là bên có nghĩa vụ, hoặc là người thứ 3
+ bên nhận bảo đảm: bên có quyền
– Hiệu lực: giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ 2 trường hợp:
+ các bên có thỏa thuận khác về thời điểm biện pháp bảo đảm có hiệu lực
+ PL có quy định, có 2 trường hợp:
- Với cầm cố: thời điểm có hiệu lực là thời điểm giao nhận tài sản cầm cố
- Với giao dịch phải đăng ký: thời điểm có hiệu lực là thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký
– Đăng ký giao dịch bảo đảm: các trường hợp bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan có thẩm quyền (theo Nghị định 11/2012):
+ thế chấp bằng quyền sử dụng đất hoặc rừng sản xuất là rừng trồng
+ cầm cố, thế chấp tàu bay
+ thế chấp tàu biển
Chú ý: ngoài các trường hợp PL quy định bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm, nếu các bên có yêu cầu thì vẫn có thể đến cơ quan NN có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm.
Nơi đăng ký giao dịch bảo đảm:
- Quyền sử dụng đất, rừng: phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở tài nguyên môi trường
- Tàu bay: Cục hàng không dân dụng VN
- Tàu biển: Cục hàng hải VN
- Các trường hợp khác: Cục đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm, thuộc bộ Tư pháp
– Ý nghĩa pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm:
+ xác định hiệu lực của giao dịch bảo đảm trong trường hợp PL quy định
+ nhằm xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi bị xử lý tài sản bảo đảm
+ có giá trị đối kháng đối với người thứ 3: là trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc sở hữu của bên đăng ký bảo đảm, VD trường hợp tài sản của người cho thuê, hoặc bán theo hình thức trả góp
+ là căn cứ để NN quản lý sự biến động của các loại bất động sản và tài sản trên thị trường
5. Xử lý tài sản bảo đảm và vấn đề ưu tiên thanh toán
a. Các trường hợp xử lý tài sản đảm bảo
– Khi bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ: không thực hiện nghĩa vụ, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ
– Chưa đến thời hạn xử lý tài sản đảm bảo (tức là chưa có vi phạm nghĩa vụ) nhưng phải xử lý tài sản đảm bảo để đảm bảo cho 1 nghĩa vụ khác đã đến hạn: VD A thế chấp tài sản để vay B (thế chấp không cần giao tài sản, chỉ cần giao giấy tờ), sau đó A lại dùng chính tài sản đó để cầm cố vay của C (cầm cố phải giao tài sản), thời hạn trả nợ cho B là 1/1/2016, thời hạn trả nợ cho C là 1/2/2016, khi đến ngày 1/1/2016 A không trả được thì tài sản thế chấp được mang đi xử lý, khi đó mặc dù nghĩa vụ với C chưa đến hạn nhưng trong trường hợp này được coi như đã đến hạn, B và C sẽ cùng xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ với B, khi xử lý xong nghĩa vụ với B, nếu nghĩa vụ của A với C vẫn còn tiếp tục thì A và C sẽ thỏa thuận biện pháp bảo đảm mới.
– Chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ nhưng bên có nghĩa vụ vi phạm. VD sử dụng tài sản bảo đảm sai mục đích (chẳng hạn vay tiền để phục vụ sản xuất nhưng lại sử dụng tiêu dùng), khi đó bên cho vay có quyền thu hồi khoản vay trước thời hạn và nếu không trả được thì sẽ bị xử lý tài sản bảo đảm.
– Các bên có thỏa thuận dù chưa đến hạn: VD A vay của B với thế chấp bằng tài sản, mặc dù chưa đến hạn nhưng A thấy không có khả năng trả nợ cho B nên A và B cùng thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm trước thời hạn.
b. Ai có quyền xử lý tài sản bảo đảm
– Bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm, nếu tài sản được bảo đảm cho nhiều bên thì các bên nhận bảo đảm sẽ cùng xử lý tài sản bảo đảm đó.
– Cách xử lý tài sản bảo đảm thông thường là bán đấu giá.
Câu hỏi: Ai sẽ là người có quyền định giá khởi điểm cho tài sản đấu giá ?
Trả lời: Hai bên (bên nhận bảo đảm và chủ sở hữu) cùng tham gia định giá khởi điểm cho tài sản đảm bảo khi đấu giá bán thanh lý (quy định trong Nghị định 163/2006)
c. Phương thức xử lý tài sản bảo đảm
– Do các bên thỏa thuận: VD hai bên thỏa thuận nếu bên vay không trả được nợ thì tài sản bảo đảm sẽ thuộc về bên cho vay; hoặc bên cho vay có quyền mang tài sản đi bán thanh lý
– Nếu không thỏa thuận, tài sản bảo đảm được bán đấu giá, trừ trường hợp cầm cố tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu mà giá của tài sản đó được xác định cụ thể trên thị trường thì sẽ được bán trực tiếp với giá đó chứ không được bán đấu giá. VD: vàng, ngoại tệ
d. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm
– Khi 1 tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ: (Điều 325)
+ nếu tất cả đều được đăng ký: bên nào đăng ký trước sẽ được thanh toán trước
+ nếu có bên đăng ký và bên không đăng ký: ưu tiên cho bên có đăng ký giao dịch bảo đảm
+ nếu tất cả các bên đều không đăng ký: bên nào xác lập giao dịch bảo đảm trước sẽ được ưu tiên
– Thứ tự ưu tiên khi tài sản bảo đảm đang bị cầm giữ: theo Nghị định 163 thì bên cầm giữ được ưu tiên thanh toán trước.
VD: A thế chấp chiếc ô tô vay tiền ngân hàng, A vẫn sử dụng ô tô bình thường, xe hỏng, A mang ra cửa hàng sửa chữa của C, sửa xong A không có tiền trả, C liền cầm giữ (theo Điều 416 thì C được cầm giữ ô tô của A cho đến khi A thanh toán hết tiền sửa chữa), đến hạn trả nợ ngân hàng (lúc này xe vẫn do C cầm giữ), ngân hàng yêu cầu C giao xe ô tô của A để ngân hàng xử lý, sau khi bán thanh lý, C sẽ được ưu tiên thanh toán trước ngân hàng (mặc dù ngân hàng có đăng ký giao dịch bảo đảm, trong khi C không đăng ký giao dịch bảo đảm).
==> lý do: vì bên cầm giữ đã bỏ ra chi phí để sửa chữa tài sản, tức là để giữ gìn giá trị của tài sản, và vì thế nên tài sản bảo đảm đó mới bán đấu giá được giá trị đó, do đó bên cầm giữ phải được ưu tiên thanh toán trước
– Thứ tự ưu tiên trong trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc sở hữu của bên bảo đảm, đó là trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản thuê hoặc tài sản bán trả chậm, trả dần:
+ nếu hợp đồng thuê / hợp đồng trả chậm, trả dần được đăng ký trong 15 ngày: ưu tiên thanh toán cho chủ sở hữu (tức là bên thứ 3)
+ nếu ngoài 15 ngày: ưu tiên thanh toán cho bên đăng ký trước
II. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
1. Cầm cố và thế chấp
Cầm cố | Thế chấp | |
Khái niệm | Điều 326: Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. ==> chuyển giao bản thân tài sản | Điều 342: Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. ==> chuyển giao giấy tờ của tài sản |
Đặc điểm | – Mọi tài sản dù có đăng ký hay không đăng ký đều có thể cầm cố được, gồm: + vật + giấy tờ có giá | – Tài sản thế chấp phải có giấy tờ đi kèm: giấy đăng ký quyền sở hữu (sổ đỏ, giấy đăng ký xe, …), giấy tờ khác như Giấy chứng nhận nguồn gốc (kim cương, đá quý), gồm: + vật + giấy tờ có giá + quyền tài sản |
– Chuyển giao tài tài sản: bên cầm cố chỉ chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản (không chuyển giao quyền sử dụng và quyền định đoạt) | – Không chuyển giao tài sản | |
– Tài sản cầm cố phải là tài sản đang hiện hữu | – Tài sản thế chấp là tài sản hiện hữu hoặc tài sản đang hình thành | |
– Trong suốt thời gian cầm cố, tài sản không phát huy được giá trị (vì không bên nào được sử dụng) | – Trong thời gian thế chấp, tài sản vẫn được sử dụng theo công dụng bình thường | |
Hình thức | Được xác lập bằng văn bản | |
Thời điểm có hiệu lực | Thời điểm giao tài sản | Thời điểm các bên giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hoặc PL có quy định thế chấp phải đăng ký thì sẽ có hiệu lực từ thời điểm đăng ký |
Xử lý tài sản và ưu tiên thanh toán | Xem phần chung bảo đảm |
Tình huống: A mang xe máy cầm cố ở cửa hàng B để vay tiền, sau đó A phát hiện ra B sử dụng chiếc xe máy của mình. Khi đó B đã sử dụng tài sản không có căn cứ PL, và theo quy định của PL thì đây không phải là căn cứ để chấm dứt biện pháp cầm cố, nhưng lại là căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu. Tuy nhiên do tài sản đang được cầm cố nên không thể lấy lại được. Làm thế nào để bên nhận cầm cố không sử dụng được tài sản của mình ?
==> mang tài sản cho bên thứ 3 quản lý, chi phí sẽ do B trả (vì B vi phạm quy định về cầm cố)
Tình huống: A cầm cố tài sản để vay tiền của B, ngày giao tài sản là 1/1 nhưng không ký giấy tờ, đến ngày 4/1 hai bên mới làm văn bản cầm cố. Hỏi thời điểm có hiệu lực của cầm cố là ngày 1/1 hay ngày 5/1 ?
==> (mặc dù luật quy định không rõ ràng, xem điều 122, 134, 127, 401), tuy nhiên ở tình huống này thì thời điểm có hiệu lực là ngày 1/1, thời điểm ngày 5/1 được coi là ngày hoàn thiện về hình thức đối với cầm cố. (tức là ở đây ngày 5/1 là hoàn thiện một cái đã tồn tại (từ 1/1) chứ không phải xác lập 1 cái mới)
2. Đặt cọc
– Khái niệm (Điều 358): là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác
– Đối tượng:
+ tiền
+ vật (phải là vật có giá trị thanh khoản cao như vàng, bạc, đá quý)
– Hình thức: phải bằng văn bản (không bắt buộc công chứng hay chứng thực), trong văn bản phải xác định khoản tài sản mà các bên giao nhận là tài sản đặt cọc, nếu không có sự xác định là khoản đặt cọc thì được coi là tiền trả trước.
Nghị định 163/2006, điều 29: Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.
– Chủ thể:
+ bên đặt cọc:
- Là bên đã giao cho bên kia 1 khoản tiền hoặc vật để đảm bảo cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự
- Bên đặt cọc có quyền yêu cầu bên nhận đặt cọc ngừng việc sử dụng tài sản nếu tài sản đặt cọc là vật mà việc sử dụng đó có nguy cơ làm mất hay giảm sút giá trị
+ bên nhận đặt cọc:
- Là bên nhận tài sản do bên đặt cọc giao để đảm bảo việc giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hợp đồng
- Bên nhận đặt cọc có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc
- Bên nhận đặt cọc không được khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc, không được xác lập giao dịch đối với tài sản đặt cọc, trừ trường hợp bên đặt cọc đồng ý
- Bên nhận đặt cọc có quyền sở hữu tài sản đặt cọc, nếu bên đặt cọc không thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng đã thỏa thuận
– Mục đích:
+ bảo đảm giao kết hợp đồng: nếu đặt cọc được lập trước khi giao kết hợp đồng
+ bảo đảm thực hiện hợp đồng: nếu đặt cọc được lập sau khi giao kết hợp đồng
– Tính chất: đặt cọc có tính 2 chiều:
+ một chiều có tính dự phòng: đối với bên nhận đặt cọc, để đảm bảo bên đặt cọc phải giao kết hoặc thực hiện hợp đồng
+ một chiều có tính dự phạt: đối với bên đặt cọc, để đảm bảo bên nhận đặt cọc phải giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (tuy nhiên thực tế thường không áp dụng dự phạt được)
– Thời điểm có hiệu lực của đặt cọc:
+ theo thỏa thuận của các bên trong văn bản đặt cọc
+ nếu các bên không có thỏa thuận thì đặt cọc có hiệu lực từ kể từ khi bên sau cùng ký vào văn bản đặt cọc (nếu việc đặt cọc không cần công chứng hay chứng thực)
+ với trường hợp văn bản đặt cọc cần công chứng, chứng thực thì đặt cọc có hiệu lực kể từ khi văn bản đặt cọc được công chứng, chứng thực
– Xử lý vi phạm:
+ bên đặt cọc vi phạm: bị mất khoản đặt cọc về bên nhận đặt cọc
+ bên nhận cọc vi phạm: phải hoàn trả lại khoản đặt cọc và phải chịu 1 khoản phạt theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì chịu 1 khoản bằng số đặt cọc đã nhận
3. Ký cược và ký quỹ
a. Ký cược
– Khái niệm (Điều 359): là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc vật có giá trị khác (gọi là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.
– Chỉ áp dụng với hợp đồng thuê động sản. VD thuê xe máy
Câu hỏi: tại sao ký cược không áp dụng với hợp đồng thuê bất động sản ?
Trả lời: ký cược là nhằm tránh cho bên thuê “tẩu tán” tài sản, bất động sản không thể “tẩu tán” được, nên không cần ký cược
– Chủ thể:
+ bên ký cược: là bên thuê tài sản
+ bên nhận ký cược: là bên cho thuê tài sản
– Hình thức: có thể bằng
+ lời nói
+ văn bản: thường áp dụng với tài sản ký cược có giá trị lớn
+ là 1 điều khoản trong hợp đồng thuê tài sản được lập thành văn bản
– Nội dung:
+ nếu tài sản thuê được trả lại thì bên thuê nhận lại được tài sản ký cược sau khi tiền thuê được thanh toán
+ nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê:
- Nếu tài sản ký cược là vật thì các bên thực hiện nghĩa vụ với nhau như hợp đồng trao đổi tài sản sau khi tiền thuê được thanh toán
- Nếu tài sản ký cược là tiền thì các bên thực hiện nghĩa vụ với nhau như hợp đồng mua bán tài sản sau khi tiền thuê được thanh toán
– Đặc điểm:
+ ký cược được hình thành để làm đảm bảo cho hợp đồng cho thuê tài sản là động sản
+ đối tượng của tài sản phải là tài sản hữu hình: vì phải chuyển giao tài sản ký cược cho bên cho thuê
+ giá trị của tài sản ký cược phải lớn hơn hoặc ngang bằng với giá trị tài sản thuê
+ nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê, tức là coi như bên thuê đã mua tài sản đó (nếu ký cược bằng tiền) hoặc trao đổi tài sản đó (nếu ký cược bằng vật)
b. Ký quỹ
– Khái niệm (Điều 360): là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
– Ký quỹ thường được sử dụng trong thương mại khi mua bán hàng hóa nhiều lần và thanh toán theo kiểu “gối đầu”, hoặc kinh doanh xuất nhập khẩu (mở L/C)
– Đặc điểm:
+ ngân hàng có được sử dụng tài sản mà bên ký quỹ gửi vào không ?
Trả lời: ngân hàng được sử dụng, trừ khi tài sản gửi vào là vật đặc định
+ người mở tài khoản ký kỹ có được nhận tiền lãi không ?
Trả lời: Có, với lãi suất là lãi tiền gửi không kỳ hạn
+ bên ký quỹ sẽ phải trả cho ngân hàng 1 khoản gọi là phí ký quỹ
+ A ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ với B, nếu khoản phí ký quỹ + số tiền phải trả cho B lớn hơn khoản ký quỹ, thì ai sẽ được ưu tiên thanh toán trước, B hay ngân hàng ?
Trả lời: ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán trước
+ số tiền bên ký quỹ phải trả cho ngân hàng là số tiền phải trả cho hoạt động gì của ngân hàng, có phải là tiền phí gửi giữ tài sản ?
Trả lời: không phải hợp đồng giữ, mà là hợp đồng dịch vụ thanh toán, tức là nếu bên ký quỹ không hoàn thành nghĩa vụ thì ngân hàng sẽ thanh toán số tiền ký quỹ cho bên có quyền.
4. Bảo lãnh và tín chấp
Bảo lãnh | Tín chấp | |
Khái niệm | Là việc người thứ ba (gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình | Tổ chức chính trị – xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho thành viên của mình là cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ. |
Đặc điểm | Nếu bên được bảo lãnh không trả được nợ thì bên bảo lãnh sẽ trả thay Có thể nhiều người cùng bảo lãnh cho 1 nghĩa vụ: + nếu có thỏa thuận về phần nghĩa vụ thì từng người sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh + nếu không có thỏa thuận phần nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm liên đới: bên nhận bảo lãnh có thể yêu cầu bất kỳ người nào trong số những người cùng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh | Nếu bên vay không trả được thì tổ chức chính trị – xã hội đó sẽ không trả thay. Vì sao ? Trả lời: vì tổ chức chính trị – xã hội là 1 pháp nhân, mà pháp nhân có tài sản độc lập với các thành viên của pháp nhân ==> trách nhiệm của pháp nhân chỉ trong phạm vi tài sản của mình, không chịu trách nhiệm cho thành viên của pháp nhân ==> không phải trả nợ thay cho thành viên |
Tính chất bảo đảm của tín chấp thể hiện ở chỗ: tổ chức chính trị – xã hội đứng ra bảo đảm có nghĩa vụ phải theo sát việc sử dụng tài sản vay, đảm bảo việc sử dụng tài sản vay đúng mục đích và có hiệu quả, nếu phát hiện việc sử dụng tài sản không đúng mục đích hoặc không hiệu quả thì phải thông báo ngay cho ngân hàng để ngân hàng có biện pháp thu hồi vốn sớm ==> tức là nghĩa vụ của bên tín chấp là thực hiện trước khi có vi phạm (chứ không phải đợi đến khi vi phạm thì mới thực hiện như các biện pháp bảo đảm khác) |
————————————————————————————————-
Ngày 31/01/2016
Giảng viên: thầy Nguyễn Văn Hợi
Vấn đề 4: Những quy định chung về hợp đồng dân sự
1. Khái niệm, phân loại (Điều 388)
a. Khái niệm (Điều 388)
– Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
VD về hợp đồng 3 bên hay nhiều bên:
+ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa nhiều chủ thể, gọi là tổ hợp tác, phải có ít nhất 3 thành viên trở lên, và cùng ký thỏa thuận về hợp tác kinh doanh, và hợp đồng này phải có chứng thực của UBND cấp xã
+ hợp đồng liên doanh giữa nhiều đối tác, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ từng bên
Chú ý: phân biệt với hợp đồng hỗn hợp: trong 1 hợp đồng có nhiều hợp đồng “con”, nhiều bên cùng ký vào hợp đồng đó
Câu hỏi: Hợp đồng là sự thỏa thuận, vậy có phải mọi sự thỏa thuận đều là hợp đồng ?
Trả lời: Hợp đồng dân sự theo điều 122 quy định phải đáp ứng đủ 3 điều kiện:
+ Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự
+ Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội
+ Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện
Và phải làm phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự
==> Như vậy chỉ cần thiếu 1 trong các điều trên sẽ không là hợp đồng dân sự
2. Phân loại
– Căn cứ vào sự phụ thuộc giữa các loại hợp đồng:
+ hợp đồng chính: hiệu lực phát sinh một cách độc lập
+ hợp đồng phụ: hiệu lực phát sinh phụ thuộc vào hợp đồng chính
VD: A cho B thuê nhà, B cho C thuê lại, khi đó hiệu lực của hợp đồng giữa B và C phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng giữa A và B
VD: A cho B vay, B thế chấp bằng tài sản của mình, thì hợp đồng thế chấp là hợp đồng phụ của hợp đồng vay
– Căn cứ vào mối liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ:
+ hợp đồng song vụ: là các bên đều có nghĩa vụ với nhau. VD hợp đồng mua bán, thuê, …
+ hợp đồng đơn vụ: chỉ 1 bên có nghĩa vụ, bên kia có quyền. VD hợp đồng tặng cho
– Căn cứ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng:
+ hợp đồng thực tế: hiệu lực phát sinh tại thời điểm chuyển giao tài sản. VD hợp đồng tặng cho, hợp đồng cầm cố (theo luật Dân sự mới 2015 thì hợp đồng cầm cố phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm 2 bên giao kết ==> chuyển thành hợp đồng ưng thuận)
+ hợp đồng ưng thuận: hiệu lực phát sinh tại thời điểm giao kết hoặc tại 1 thời điểm do các bên thỏa thuận
VD: A và B ký kết hợp đồng mua bán và thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm bên bán giao tài sản cho bên mua ==> hợp đồng ưng thuận, vì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sau khi thỏa thuận (chỉ có 2 loại là hợp đồng tặng cho và hợp đồng cầm cố mới là hợp đồng thực tế)
– Căn cứ vào tính chất có đi có lại về lợi ích (3 loại):
+ hợp đồng luôn có đền bù: gồm 7 nhóm hợp đồng: mua bán tài sản, trao đổi tài sản, thuê tài sản, dịch vụ, vận chuyển, gia công, bảo hiểm
+ hợp đồng luôn không có đền bù: gồm hợp đồng tặng cho tài sản, mượn tài sản
+ hợp đồng có thể có hoặc không có đền bù: gồm hợp đồng vay tài sản (khi phải trả lãi thì mới có đền bù), gửi giữ tài sản, ủy quyền (có hoặc không có thù lao được quy định trong hợp đồng)
– Căn cứ vào đối tượng hợp đồng (2 nhóm):
+ hợp đồng có đối tượng là tài sản (2 loại, căn cứ vào mục đích xác lập hợp đồng):
- Mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản: gồm hợp đồng mua bán, vay, tặng cho, trao đổi tài sản
- Mục đích chuyển quyền sử dụng tài sản: gồm hợp đồng thuê, mượn tài sản
+ hợp đồng có đối tượng là công việc phải thực hiện: gồm hợp đồng dịch vụ, vận chuyển, gia công, gửi giữ, bảo hiểm, ủy quyền
Câu hỏi: Hãy phân tích đặc điểm pháp lý của hợp đồng A (hợp đồng cụ thể nào đó)
Trả lời: Dựa vào các căn cứ phân loại trên để xác định A thuộc loại hợp đồng:
+ song vụ hay đơn vụ,
+ thực tế hay ưng thuận,
+ có đền bù hay không có đền bù hoặc vừa có vừa không có đền bù
Câu hỏi: Phân tích đặc điểm pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản.
Trả lời: Đây là loại hợp đồng :
+ song vụ
+ ưng thuận
+ luôn có đền bù
+ có đối tượng là tài sản
+ có mục đích chuyển sở hữu tài sản
– Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. VD hợp đồng cha mẹ mua bảo hiểm cho con nhỏ
– Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. VD hợp đồng mua con ngựa đua nếu con ngựa đó giành chiến thắng trong cuộc đua ngựa
– Hợp đồng dân sự hỗn hợp: chứa nội dung của nhiều hợp đồng khác nhau,
VD hợp đồng du lịch trọn gói sẽ gồm nhiều hợp đồng như hợp đồng vận chuyển (đi bằng máy bay hay ô tô), hợp đồng ăn uống, hợp đồng dịch vụ khách sạn, hợp đồng thăm quan thắng cảnh, …
VD đến hiệu may chọn vải và đặt hàng may quần áo, đây cũng là hợp đồng hỗn hợp gồm hợp đồng mua bán vải và hợp đồng thuê gia công
2. Nội dung hợp đồng (Điều 402)
– Nội dung hợp đồng là tất cả những gì mà các bên thỏa thuận với nhau. Điều 402 quy định nội dung hợp đồng có thể gồm:
(1) Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm
(2) Số lượng, chất lượng
(3) Giá, phương thức thanh toán
(4) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng
(5) Quyền, nghĩa vụ của các bên
(6) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
(7) Phạt vi phạm hợp đồng
(8) Các nội dung khác.
Không phải hợp đồng nào cũng có đủ các nội dung trên, VD trong hợp đồng vay sẽ không có giá cả
– Nội dung hợp đồng được chia làm 3 nhóm điều khoản:
+ Nhóm điều khoản cơ bản:
- là các điều khoản quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng
- có thể do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định (VD điều khoản về sự kiện bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm có thể do các bên thỏa thuận hoặc do PL quy định)
- khi giao kết hợp đồng mà thiếu điều khoản cơ bản thì hợp đồng không hình thành được
Chú ý: điều khoản về đối tượng là yêu cầu bắt buộc của mọi hợp đồng, và đều do các bên thỏa thuận, không bao giờ do PL quy định
+ Nhóm điều khoản không cơ bản: là các điều khoản không bắt buộc phải thỏa thuận khi giao kết hợp đồng, gồm 2 nhóm:
- điều khoản thông thường: là các điều khoản trong luật đã có sẵn (nếu các bên không thỏa thuận thì sẽ theo quy định của PL), VD hai bên ký hợp đồng vay, trong hợp đồng có điều khoản bên vay phải trả lãi, nhưng không nói cụ thể lãi bao nhiêu, khi đó sẽ áp dụng mức lãi suất cơ bản theo quy định của PL
- điều khoản tùy nghi: là các điều khoản không bắt buộc nhưng các bên có thỏa thuận ghi trong hợp đồng, VD A cho B vay 100 triệu, lãi suất thỏa thuận 1% / tháng, khi đó điều khoản về lãi suất là điều khoản tùy nghi, tức là có thể có hoặc không
Như vậy ngoài điều khoản cơ bản thì điều khoản trong hợp đồng có thể là thông thường hoặc tùy nghi, VD điều khoản về giá trong hợp đồng mua bán có thể là thông thường hoặc tùy nghi, vì PL quy định giá của tài sản trong hợp đồng mua bán do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì sẽ lấy mức giá trên thị trường của tài sản đó vào thời điểm giao kết.
3. Hình thức của hợp đồng
– Điều 401 quy định hình thức của hợp đồng:
(1) Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
(2) Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Chú ý: một số loại hợp đồng bắt buộc phải bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực; tuy nhiên việc công chứng, chứng thực hợp đồng không phải là 1 hình thức hợp đồng mà chỉ là thủ tục xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về giao dịch giữa các chủ thể.
Chú ý: trường hợp chuyển nhượng đất mà không làm hợp đồng có công chứng, chứng thực, tức là đã vi phạm hình thức của hợp đồng, thì vẫn có thể được công nhận nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện:
+ bên nhận chuyển nhượng đã làm nhà, xây các công trình xây dựng, hoặc trồng cây lâu năm trên đất
+ bên chuyển nhượng không phản đối về việc sử dụng đất này
+ việc sử dụng đất không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
4. Giao kết hợp đồng dân sự
a. Các nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự (Điều 389)
– Điều 389 quy định 2 nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự:
+ Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội
+ Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng
b. Trình tự giao kết hợp đồng dân sự
– Bước 1: đề nghị giao kết hợp đồng:
+ là sự thể hiện ý chí của 1 bên chủ thể với mong muốn giao kết hợp đồng với bên kia
+ Ba dấu hiệu của đề nghị giao kết:
- bên đề nghị phải thể hiện rõ mong muốn giao kết hợp đồng
- trong nội dung lời đề nghị phải chứa đựng điều khoản cơ bản của hợp đồng
- lời đề nghị phải hướng đến chủ thể nhất định
+ Hình thức đề nghị giao kết hợp đồng:
- đề nghị trực tiếp: gặp trực tiếp, hoặc thông qua điện thoại để đề nghị. Thông thường trả lời ngay hoặc sau 1 khoảng thời gian thỏa thuận
- đề nghị gián tiếp: gửi thư đề nghị, thời gian trả lời do bên đề nghị đưa ra. Chú ý trường hợp bên đề nghị đưa ra điều khoản ‘‘nếu quá thời hạn mà không nhận được ý kiến phản hồi thì chúng tôi coi như lời đề nghị được chấp thuận’’
+ tính rằng buộc của lời đề nghị (Điều 390 khoản 2): Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh. ==> chỉ áp dụng duy nhất trong trường hợp đối tượng của hợp đồng là duy nhất (là vật đặc định), VD bất động sản, tác phẩm nghệ thuật (không áp dụng với hàng hóa thông thường)
+ thay đổi, rút khỏi lời đề nghị (Điều 392): bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
- a) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị
- b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
Như vậy, chỉ có thể rút lại lời đề nghị khi bên nhận chưa nhận được lời đề nghị hoặc nhận được cùng với thông báo rút lại, do đó đề nghị trực tiếp không bao giờ rút lại được.
VD: A gửi cho B đề nghị giao kết hợp đồng về cung cấp hàng hóa, trong đó có điều khoản quy định giá của hàng hóa là 10.000 đồng/sản phẩm, kèm theo thỏa thuận : ‘‘trường hợp hợp đồng chưa được giao kết mà giá thị trường tăng lên thì chúng tôi xin được điều chỉnh giá tăng lên theo giá thị trường’’ ==> bên đề nghị đã nêu rõ về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị là khi điều kiện nào đó phát sinh
+ hủy bỏ lời đề nghị (Điều 393): Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền huỷ bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
VD: A gửi cho B đề nghị, A chỉ có thể hủy bỏ lời đề nghị khi B chưa chấp thuận
Câu hỏi: so sánh việc rút lại và hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng
Trả lời:
Giống nhau: kết quả cùng là không còn giao kết
Khác nhau: khác nhau về điều kiện
- Rút lại được khi lời đề nghị chưa đến bên nhận hoặc đến cùng với thời điểm nhận được đề nghị
- Hủy được khi bên nhận đề nghị chưa trả lời chấp thuận, mặc dù đã nhận được đề nghị
– Bước 2: chấp nhận đề nghị:
+ là thể hiện ý chí của bên nhận đề nghị với lời đề nghị
+ Ba dấu hiệu của chấp nhận đề nghị:
- bên chấp nhận phải trả lời chấp nhận toàn bộ lời đề nghị
- bên chấp nhận không được đặt ra bất kỳ điều kiện gì khác: nếu đặt ra điều kiện khác thì sẽ là thỏa thuận mới và sẽ cần xác định lại xem ai mới là người đề nghị
- việc trả lời phải trong thời hạn chờ chấp nhận
————————————————————————————————-
Ngày 28/02/2016
Giảng viên: cô Hoàng Thị Loan
Vấn đề 4: Những quy định chung về hợp đồng dân sự (tiếp)
Nói thêm về hợp đồng dân sự
a. Thời điểm hợp đồng có hiệu lực
– Điều 405: Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
– Ý nghĩa của việc xác định thời điểm hợp đồng có hiệu lực: để xác định thời điểm quyền và nghĩa vụ của các chủ thể phát sinh, từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các chủ thể được phép xử sự như đã thỏa thuận, nếu 1 bên không tuân theo, thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan NN có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
– Các căn cứ để hợp đồng có hiệu lực:
(1) theo thời điểm giao kết hợp đồng: là thời điểm bên nhận được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng, gồm các trường hợp sau:
- Nếu HĐ được giao kết bằng lời nói thì thời điểm có hiệu lực của HĐ là thời điểm các bên đã thỏa thuận xong các nội dung cơ bản của HĐ. VD mua chai nước, người mua hỏi giá bao nhiêu, người bán trả lời 10k, người mua đồng ý ==> thỏa thuận xong, và HĐ có hiệu lực (chú ý HĐ được giao kết xong thì mới bắt đầu đến giai đoạn chuyển giao, tức là ở giai đoạn thực hiện HĐ)
- Nếu HĐ được giao kết bằng văn bản viết thì thời điểm có hiệu lực của HĐ là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản
- Nếu HĐ phải đăng ký theo quy định của PL thì thời điểm có hiệu lực của HĐ là thời điểm hoàn thành việc đăng ký
- Nếu các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp thuận giao kết thì thời điểm có hiệu lực của HĐ là thời điểm kết thúc thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng
(2) theo thỏa thuận của các bên: gồm 2 trường hợp :
- HĐ có hiệu lực từ ngày cụ thể được các bên xác định
- HĐ có hiệu lực vào thời điểm xảy ra sự kiện là điều kiện phát sinh hiệu lực của HĐ
(3) theo quy định của PL: VD hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực sau khi hợp đồng được công chứng tại cơ quan NN có thẩm quyền
– Thứ tự ưu tiên của các căn cứ : (3) ==> (2) ==> (1)
b. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng
– Điều 412: Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
- Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác
- Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau
- Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. – Ý nghĩa của nguyên tắc
+ nguyên tắc ‘‘trung thực’’: VD trong hợp đồng tặng cho tài sản, bên tặng cho có nghĩa vụ phải thông báo đầy đủ tình trạng của tài sản, các khuyết tật của tài sản cho bên được tặng cho biết, nếu bên tặng cho không thông báo mà để cho bên được tặng cho sử dụng tài sản gây ra thiệt hại cho họ hay cho người khác thì bên tặng cho sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.
Chú ý: Luật dân sự 2015 bỏ đi phần các nguyên tắc, tuy nhiên bổ sung thêm 1 quy định mới rất có giá trị là ‘‘Tòa án không được phép từ chối thụ lý các vụ việc dân sự, ngay cả khi không có quy phạm để giải quyết’’
c. Thực hiện hợp đồng dân sự
– Thực hiện hợp đồng đơn vụ: chỉ 1 bên có nghĩa vụ
– Thực hiện hợp đồng song vụ: 2 bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau
+ hợp đồng cầm giữ: bên đang cầm giữ tài sản của bên kía có quyền tiếp tục cầm giữ tài sản đó cho đến khi bên kia thực hiện xong nghĩa vụ. VD sửa xe, cửa hàng sửa xe được quyền cầm giữ chiếc xe sau khi sửa xong và chỉ giao lại cho người chủ xe khi chủ xe đã thanh toán xong tiền sửa xe
+ hợp đồng vì quyền lợi của người thứ 3 (Điều 419): hai bên trong quan hệ hợp đồng có nghĩa vụ với nhau, nhưng lợi ích lại dành cho người thứ ba, và quyền của người thứ ba được PL quy định đặt lên hàng đầu. VD cha mẹ mua bảo hiểm cho con
+ hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm: PL cho phép hai bên được quyền thỏa thuận về việc phạt vi phạm nếu 1 trong 2 bên vi phạm thỏa thuận của mình
+ hợp đồng mẫu: hợp đồng được 1 bên soạn thảo sẵn, bên kia không được phép thay đổi. VD hợp đồng dịch vụ điện, nước
d. Hợp đồng dân sự vô hiệu
– Hợp đồng dân sự vô hiệu khi không đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (Điều 122):
+ điều kiện về chủ thể: phải có năng lực hành vi dân sự
+ điều kiện về mục đích và nội dung: không vi phạm điều cấm của PL, không trái đạo đức XH
+ điều kiện về sự tự nguyện: người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện
+ điều kiện về hình thức: đáp ứng các điều kiện về hình thức trong trường hợp PL có quy định
+ trường hợp đối tượng của hợp đồng không còn thì hợp đồng có thể được tuyên vô hiệu
e. Sửa đổi và chấm dứt hợp đồng
– Sửa đổi hợp đồng dân sự (Điều 423):
+ là sự thỏa thuận các bên về việc thay đổi một số nội dung của hợp đồng
+ hình thức sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng. VD hợp đồng phải công chứng chứng thực thì việc sửa đổi cũng phải công chứng, chứng thực
+ phần không bị sửa đổi của hợp đồng vẫn có hiệu lực PL nên các bên vẫn thực hiện phần đó, phần bị sửa đổi không còn hiệu lực và các bên thực hiện theo sự thay đổi.
– Chấm dứt hợp đồng: căn cứ để chấm dứt (Điều 424):
+ nghĩa vụ đã được hoàn thành
+ theo thỏa thuận của các bên
+ một bên trong hợp đồng không tồn tại: cá nhân chết mà hợp đồng phải do chính cá nhân đó thực hiện ; pháp nhân chấm dứt sự tồn tại. VD công ty A ký hợp đồng quảng cáo với B là 1 người nổi tiếng, khi đó nếu B chết thì hợp đồng quảng cáo đương nhiên chấm dứt
+ hợp đồng bị hủy bỏ (Điều 425): khi bị hủy bỏ thì hợp đồng sẽ không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận (tức là coi như hợp đồng chưa từng tồn tại). Nếu có thiệt hại xảy ra thì bên có lỗi làm cho hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường.
+ hợp đồng bị đơn phương chấm dứt (Điều 426): điều khoản về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng thường được ghi vào trong hợp đồng. Hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên này, kể từ đó các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, bên nào đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán, bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.
Câu hỏi: phân biệt hợp đồng bị hủy bỏ với hợp đồng bị đơn phương chấm dứt.
Trả lời:
+ đơn phương chấm dứt: nghĩa vụ chấm dứt tại thời điểm thông báo đơn phương chấm dứt, những nghĩa vụ đã thực hiện trước đó vẫn được công nhận
+ hủy bỏ: coi như hợp đồng chưa từng tồn tại, các bên trở lại điểm ban đầu và hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận
+ căn cứ để đơn phương chấm dứt có thể từ sự vi phạm của 1 bên hoặc do 1 sự kiện nào đó không phải là sự vi phạm của bên kia ; còn hủy bỏ bắt buộc phải căn cứ vào sự vi phạm nghĩa vụ của 1 bên
+ giống nhau: đều phải thông báo cho bên kia, và bên nào có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia
f. Thời hiệu khởi kiện vi phạm hợp đồng (Điều 427)
– Thời hiệu hiện tại là 2 năm (đến luật Dân sự 2015 là 3 năm) kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị vi phạm
Câu hỏi: nếu quá thời hiệu mà không đi kiện, thì giải quyết thế nào ?
Trả lời: hiện tại luật chưa có quy định cụ thể.
Luật dân sự 2015 đã giải quyết triệt để với vấn đề thời hiệu khởi kiện đối với chế định thừa kế (các chế định khác chưa giải quyết), quy định : Hết thời hiệu khởi kiện thừa kế, những người thừa kế mà không khởi kiện thì ai đang là người quản lý trực tiếp di sản đó trở thành chủ sở hữu của di sản.
Vấn đề 5 : Hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản
I. Hợp đồng mua bán tài sản
1. Khái niệm và đặc điểm
– Khái niệm (Điều 428): Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.
– Đặc điểm:
+ là hợp đồng song vụ: hai bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau
+ là hợp đồng có đền bù: có tính chất đền bù tương đương
+ là hợp đồng ưng thuận: hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận xong với nhau những nội dung cơ bản của hợp đồng, như đối tượng mua bán, giá cả, phương thức thanh toán, …
2. Hình thức của hợp đồng mua bán
– Luật không quy định hình thức của hợp đồng mua bán ==> có thể xác lập bằng miệng, văn bản, hành vi, văn bản có công chứng
– Với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì hình thức phải bằng văn bán có công chứng
3. Nội dung cơ bản của hợp đồng mua bán
– Đối tượng của hợp đồng mua bán (Điều 429): là tài sản
+ được phép giao dịch
+ là vật, hoặc quyền tài sản: nếu là vật thì phải được xác định cụ thể, nếu là quyền tài sản thì phải có giấy tờ chứng minh tư cách chủ sở hữu tài sản đó
+ thuộc sở hữu của bên bán: luật quy định bên bán phải đảm bảo tính sở hữu của tài sản cho bên mua (tức là sau khi bán cho bên mua sẽ không có tranh chấp, nếu có bên thứ 3 tranh chấp thì bên mua được quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ hợp đồng)
+ không phải là đối tượng của các biện pháp bảo đảm, trừ trường hợp PL có quy định khác: tài sản đã được mang ra làm đối tượng của các biện pháp bảo đảm (như thế chấp, cầm cố, ký cược, …) thì không được mua bán. Tuy nhiên vẫn có trường hợp tài sản vừa là đối tượng của biện pháp bảo đảm, vừa là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản, đó là trường hợp tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, VD siêu thị nhập lô hàng điện máy, có thể dùng chính lô hàng đó để thế chấp vay tiền ngân hàng, và lô hàng đó vẫn được bán cho người tiêu dùng
– Giá trong hợp đồng mua bán: là lượng tiền nhất định do các bên thỏa thuận tương ứng với giá trị của tài sản bán, việc xác định giá có thể:
+ theo thỏa thuận của các bên
+ nhờ người thứ 3 định giá
+ do cơ quan NN có thẩm quyền ấn định: VD giá xăng, giá vàng, ngoại tệ
+ áp dụng hệ số trượt giá: các bên có thể thỏa thuận hệ số trượt giá nếu có biến động về giá. VD với hợp đồng mua hàng hóa dài hạn, hoặc hợp đồng thuê nhà dài hạn, có thể thỏa thuận mức trượt giá theo các năm
+ áp mức giá và phương thức xác định giá: có thể căn cứ vào giá thị trường đối với tài sản cùng loại. Nếu các bên tranh chấp nhau mà không thể áp dụng mức giá trị trường thì tòa án sẽ thành lập hội đồng thẩm định giá.
– Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán (Điều 432):
+ theo thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì:
- Với chuyển giao tài sản: bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý
- Với thanh toán: bên mua phải thanh toán ngay khi nhận tài sản
– Địa điểm giao tài sản (Điều 433):
+ theo thỏa thuận
+ nếu không có thỏa thuận thì:
- Với động sản: tại nơi cư trú của bên mua, hoặc trụ sở của bên mua nếu là tổ chức
- Với bất động sản: tại nơi có bất động sản
– Phương thức thực hiện hợp đồng mua bán:
+ với việc chuyển giao tài sản: theo thoả thuận, nếu không có thoả thuận về phương thức giao tài sản thì tài sản do bên bán giao một lần, giao trực tiếp cho bên mua
+ với việc thanh toán tiền: theo thỏa thuận, có thể bằng tiền mặt hay chuyển khoản, trả hết 1 lần hay chia làm nhiều lần, trả trực tiếp hay thông quan bên thứ 3, …
– Quyền và nghĩa vụ của các bên:
+ bên bán:
- Có nghĩa vụ:
- Chuyển giao tài sản đúng theo thỏa thuận
- Cung cấp thông tin đầy đủ về tài sản, hướng dẫn sử dụng tài sản cho bên mua
- Đảm bảo quyền sở hữu cho bên mua
- Bảo hành: theo thỏa thuận, hoặc theo quy định của PL (trường hợp nhà chung cư từ 9 tầng trở lên thì theo luật Nhà ở chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành trong ít nhất 5 năm). Chú ý: bên bán thường không phải là bên thực hiện việc bảo hành, mà trách nhiệm bảo hành thuộc về nhà sản xuất, tài các trung tâm bảo hành
- Có quyền:
- Yêu cầu bên mua thanh toán giá trị của tài sản
- Yêu cầu hủy bỏ hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có)
+ bên mua: có quyền và nghĩa vụ tương ứng với bên bán
– Thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản (Điều 439):
+ với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu: là thời điểm chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc PL có quy định khác
+ với tài sản phải đăng ký: là thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu
+ trường hợp tài sản mua bán chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên bán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
– Thời điểm chịu rủi ro (Điều 440):
+ đối với tài sản không phải đăng ký, nếu không có thỏa thuận khác thì:
- bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua
- bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản
+ đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, nếu không có thỏa thuận khác thì:
- bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký
- bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản
4. Hợp đồng mua bán nhà ở
Xem: – Luật nhà ở
-Nghị định 99/2015 hướng dẫn luật Nhà ở
5. Một số quy định khác về hợp đồng mua bán tài sản
a. Bán đấu giá tài sản
– Khái niệm: (theo Nghị định 17/2010) là trường hợp bán tài sản 1 cách công khai để cho nhiều người cùng tham gia trả giá lên
– Bán đấu giá phải theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và phải được thực hiện theo trình tự nhất định.
Lý do: vì theo điều 258, người mua được tài sản trong phiên bán đấu giá là người ngay tình, và trở thành chủ sở hữu của tài sản đó mà không cần quan tâm đến nguồn gốc của tài sản đó.
– Đặc điểm:
+ nhiều người cùng tham gia
+ giá khởi điểm chưa phải là giá của hợp đồng mua bán
+ không có ai trả giá cao hơn giá khởi điểm thì bán với giá khởi điểm
+ người tham gia đấu giá phải nộp 1 khoản tiền đặt trước (bằng từ 1 – 15% giá khởi điểm)
- Nếu mua được tài sản thì giá mua được trừ đi khoản đặt trước
- Nếu không mua được tài sản thì được trả lại
- Nếu không tham gia phiên đấu giá thì bị mất khoản đặt trước
– Thông báo đấu giá:
+ trước 7 ngày đối với động sản, trước 30 ngày đối với bất động sản
+ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng
– Chủ thể:
+ người có tài sản cần bán đấu giá: có thể là:
- chủ sở hữu của tài sản
- cơ quan NN có thẩm quyền: đối với tài sản bị tịch thu, bị đem bán đấu giá sung công quỹ
+ người bán đấu giá: có thể là:
- Trung tâm bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh
- Doanh nghiệp có ngành nghề bán đấu giá
+ người mua tài sản: đủ năng lực hành vi dân sự, theo Nghị định 17/2010 quy định người không được tham gia đấu giá như người thân thuộc hàng thừa kế thứ 1 của thành viên hội đồng bán đấu giá
– Bán đấu giá: trình tự và thủ tục (xem Nghị định 17/2010)
– Hình thức: phải bằng văn bản, có chữ ký của các chủ thể tham gia, trong đó phải có ít nhất 2 người tham gia đấu giá
b. Hợp đồng trả chậm, trả dần (Điều 461)
– Là trường hợp các bên có thể thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận vật mua.
– Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác
– Hình thức: phải bằng văn bản
Chú ý: phân biệt với mua trả góp:
+ mua trả góp là trường hợp mua bán tài sản thông thường, quyền sở hữu tài sản thuộc về bên mua ngay sau khi chuyển giao
+ mua trả chậm, trả dần thì quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán, chỉ đến khi bên mua trả hết tiền thì quyền sở hữu tài sản mới thuộc về bên mua
c. Mua sau khi dùng thử (Điều 460)
– Là trường hợp bên mua được dùng thử tài sản trong một thời hạn do bên bán đưa ra (hoặc theo thỏa thuận các bên), hết thời hạn dùng thử, bên mua có quyền trả lại tài sản mà không bắt buộc phải mua
– Rủi ro đối với tài sản thuộc về bên bán, nếu bên mua gây ra thiệt hại cho tài sản thì phải bồi thường
d. Mua bán có chuộc lại (Điều 462)
– Là trường hợp bên bán thỏa thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.
– Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thoả thuận nhưng không quá một năm đối với động sản và năm năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm giao tài sản. Trong thời hạn này bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, nếu không có thoả thuận khác.
– Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, phải chịu rủi ro đối với tài sản
————————————————————————————————-
Ngày 06/03/2016
Giảng viên: thầy Phạm Văn Tuyết
Vấn đề 5: Hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản (tiếp)
Nói thêm về Các loại hợp đồng mua bán tài sản đặc biệt
a. Bán đấu giá
Câu hỏi: Tại sao bán đấu giá lại là 1 trường hợp riêng của hợp đồng mua bán tài sản ?
Trả lời: Bán đấu giá là 1 loại hợp đồng mua bán tài sản, có sự dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác, tuy nhiên bán đấu giá phải theo 1 thủ tục và trình tự đặc biệt ==> là trường hợp riêng
– Chủ thể: bao gồm 4 chủ thể:
+ người có tài sản bán đấu giá: có thể là
- Chủ sở hữu tài sản: người có tài sản và mong muốn bán tài sản bằng hình thức đấu giá
- Bên nhận tài sản bảo đảm: gồm bên nhận cầm cố tài sản, bên nhận thế chấp tài sản, bên nhận bảo lãnh tài sản trong trường hợp bảo lãnh bằng vật, có quyền yêu cầu bán đấu giá khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình
- Cơ quan thi hành án dân sự: yêu cầu bán đấu giá tài sản của chủ thể vi phạm PL để thi hành án
- Cơ quan có thẩm quyền đối với tài sản công: VD bán đấu giá đất công, xe công
- Cơ quan đã ra quyết định tịch thu tài sản: sau khi tịch thu có quyền yêu cầu bán đấu giá tài sản đó, VD hải quan tịch thu hàng buôn lậu
+ người bán đấu giá: theo quy định của PL thì người bán đấu giá không thể là cá nhân mà phải là tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc do cơ quan NN lập ra trong các trường hợp đặc biệt, gồm:
- Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở tư pháp cấp tỉnh
- Doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản
- Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện: bán đấu giá tài sản bị tịch thu
- Hội đồng bán đấu giá đặc biệt: bán đấu giá tài sản công như đất công, xe công, …
+ người tham gia đấu giá: mọi người từ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự, đều được quyền đăng ký tham gia phiên bán đấu giá, và phải nộp lệ phí theo quy định
+ người mua tài sản bán đấu giá: là 1 trong những người tham gia đấu giá, là người trả giá cao nhất và giá mua không được thấp hơn giá khởi điểm (nếu giá cao nhất lại thấp hơn giá khởi điểm thì buổi bán đấu giá không thành)
Câu hỏi: Tại sao nói bán đấu giá là hình thức bán tài sản có thủ tục đặc biệt ?
Trả lời: Đặc biệt ở chỗ:
+ phải thực hiện 2 hợp đồng:
- Người có tài sản bán đấu giá ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá trong đó ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá đứng ra bán tài sản đó
- Sau khi đã chọn được mua qua phiên đấu giá, thì người mua và người bán sẽ ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
+ khác với mua bán thông thường trong đó bên bán ký giấy tờ chuyển quyền sở hữu cho bên mua, với trường hợp bán đấu giá tài sản do bị tịch thu, bị cưỡng chế thi hành án, bị mất tài sản bảo đảm do không thực hiện được nghĩa vụ thì người chủ sở hữu của tài sản đó thường có thái độ không hợp tác với tổ chức bán đấu giá, rất khó để họ ký giấy tờ chuyển quyền sở hữu cho bên mua. Vì vậy cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản sẽ không cần chủ tài sản phải ký vào các giấy tờ chuyển quyền sở hữu tài sản mà dựa vào hợp đồng vay (hợp đồng tín dụng) và hợp đồng này có thể thay thế cho giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
VD: A bị tịch thu ô tô, cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá ô tô của A, khi đã xác định được người mua và đăng ký quyền sở hữu cho người mua, thường thì A sẽ không hợp tác giao giấy tờ xe, khi đó Quyết định tịch thu tài sản sẽ có ý nghĩa thay thế cho giấy tờ xe và việc mua bán, đăng ký quyền sở hữu vẫn diễn ra bình thường.
b. Hợp đồng trả chậm, trả dần
– Trả chậm >< Trả dần
+ trả chậm: thỏa thuận sau 1 thời gian mới trả tiền
+ trả dần: thỏa thuận sẽ trả dần từng khoản cho đến khi hết
VD: hình thức thuê mua tài chính
– Đặc điểm: bên bán có quyền bảo lưu quyền sở hữu:
+ là việc quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên bán cho đến khi bên mua thực hiện xong nghĩa vụ
+ bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, ở đây thực chất chỉ là bảo lưu quyền định đoạt tài sản, còn quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đã thuộc về bên mua
+ cách thức bảo lưu:
- Với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu: bên bán chưa chuyển quyền sở hữu cho bên mua
- Với tài sản không phải đăng ký: bên bán có quyền truy đòi tài sản
c. Hợp đồng mua bán có chuộc lại
– Thường áp dụng với vật đặc định (kỷ vật, đồ cổ, …): các bên thỏa thuận bên bán có quyền chuộc lại tài sản đã bán trong một thời hạn, nhưng không quá 1 năm đối với động sản và 5 năm với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản
– Trong thời hạn thỏa thuận, bên mua là chủ sở hữu của tài sản, nhưng bị hạn chế quyền: không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản đó, và bên mua phải chịu rủi ro đối với tài sản
– Trong thời hạn thỏa thuận, bên bán có quyền chuộc lại tài sản bất kỳ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua, giá chuộc lại là giá thỏa thuận hoặc theo giá thị trường tại thời điểm chuộc lại
– Bản chất là cầm cố tài sản, khác ở chỗ không tính lãi mà sẽ hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá mua với giá bán lại tài sản
d. Hợp đồng mua bán sau khi dùng thử
– bản chất là 1 hình thức khuyến mãi, thường áp dụng với vật không tiêu hao, VD sử dụng thử thiết bị điện tử (laptop, điện thoại, …); hoặc với vật tiêu hao thì dùng thử với 1 lượng nhất định, VD gói nhỏ dầu gội đầu, …
– Các bên thỏa thuận về việc bên mua được dùng thử tài sản muốn mua trong 1 thời hạn. Trong thời hạn dùng thử, tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán, bên bán vẫn phải chịu rủi ro đối với tài sản cho bên mua dùng thử và không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời có mua không.
– Trong thời gian dùng thử, bên mua có thể đồng ý mua hoặc không mua. Nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời, thì coi như đã chấp nhận mua tài sản đó.
– Nếu bên dùng thử trả lời không mua thì phải trả lại tài sản cho bên bán và phải bồi thường cho bên bán nếu làm mất, hư hỏng
– Bên dùng thử không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn thông thường do việc dùng thử gây ra và không phải hoàn trả lại hoa lợi do việc dùng thử mang lại.
II. Hợp đồng trao đổi tài sản
Giống với Hợp đồng mua bán tài sản, chỉ khác ở chỗ dùng vật đổi vật chứ không dùng tiền đổi vật ==> các quy định về hợp đồng mua bán tài sản cũng được áp dụng với hợp đồng trao đổi tài sản
– Khái niệm: hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau
– Đặc điểm:
+ là hợp đồng có đền bù: mỗi bên đều nhận được tài sản của bên kia. Nếu tài sản chênh lệch về giá trì thì các bên phải thanh toán cho nhau phần giá trị chênh đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc PL có quy định khác
+ là hợp đồng song vụ: các bên đều có nghĩa vụ giao cho bên kia 1 tài sản theo thỏa thuận
+ có thể là hợp đồng ưng thuận, có thể là hợp đồng thực tế:
- Nếu có thỏa thuận hợp đồng chỉ có hiệu lực khi các bên đã chuyển giao tài sản cho nhau thì là hợp đồng thực tế
- Nếu không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm hợp đồng được giao kết ==> hợp đồng ưng thuận
III Hợp đồng cho vay tài sản
1. Khái niệm (Điều 471)
– Là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc PL có quy định.
– Đặc điểm:
+ là hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu tài sản 1 cách tạm thời: bên vay được toàn quyền định đoạt tài sản vay trong thời hạn vay
+ có thể là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù:
- Có đền bù nếu các bên thỏa thuận về lãi
- Không có đền bù nếu không có lãi
+ có thể là hợp đồng thực tế hoặc ưng thuận:
- Thực tế: các bên thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực là thời điểm giao tài sản
- Ưng thuận: khi các bên không thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm hợp đồng được giao kết
+ có thể là hợp đồng song vụ hoặc đơn vụ:
- Song vụ: tương ứng với trường hợp hợp đồng cho vay là ưng thuận, kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên đều có nghĩa vụ phải thực hiện đối với nhau: bên cho vay phải có nghĩa vụ chuyển giao tài sản, bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn
- Đơn vụ: tương ứng với trường hợp hợp đồng cho vay là thực tế, kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, chỉ có 1 bên có nghĩa vụ, bên còn lại có quyền: tức là tài sản đã được chuyển giao cho bên vay thì hợp đồng mới có hiệu lực, khi đó chỉ có bên vay có nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay không còn nghgiã vụ gì mà có quyền đòi nợ
VD: hợp đồng tín dụng ngân hàng là hợp đồng song vụ
2. Lãi suất và lãi trong hợp đồng vay
– Lãi suất: là tỷ lệ % so với dư nợ vay được xác định theo 1 đơn vị thời gian nhất định
– Lãi: là tài sản dôi ra so với vốn gốc được tính trên cơ sở lãi suất nhân với thời gian vay
VD: vay 100 triệu, lãi suất 1% / tháng, thời gian vay 3 tháng thì
[lãi] = 100 triệu x 1% x 3 = 3 triệu
– Lãi trong hạn: là khoản lãi được tính theo lãi suất nhân với nợ gốc trong thời hạn hợp đồng vay
– Lãi quá hạn (lãi phạt): là phần lãi tính trên nợ gốc nhân với lãi quá hạn theo thỏa thuận (thường bằng 150% so với lãi trong hạn), nếu không thỏa thuận thì xác định bằng dư nợ cuối cùng nhân với lãi suất cơ bản do ngân hàng NN công bố nhân với thời gian chậm trả (Điều 474).
VD: A thỏa thuận cho B vay 100 triệu trong 6 tháng, từ tháng 1 đến tháng 6, lãi suất 1% / tháng. Đến hết 6 tháng B không trả được nợ và kéo dài đến hết tháng 12, lãi suất cơ bản của ngân hàng NN là 0.8% / tháng. Hãy xác định khoản lãi mà B phải trả cho A sau 12 tháng.
[tổng lãi] = [lãi trên dư nợ gốc] + [lãi phạt]
= [100 tr x 1% x 12] + [100 tr x 0.8% x 6]
= 12 tr + 4.8 tr
= 16.8 tr
– Lãi trên dư nợ gốc: là lãi trên số tiền đã vay ban đầu nhân với thời gian vay.
– Lãi trên dư nợ giảm dần: là lãi trên số tiền thực tế còn nợ sau khi đã trừ ra phần tiền gốc đã trả trước đó
VD: vay 100 triệu trong 10 tháng, mỗi tháng sẽ trả bớt nợ gốc 10 triệu, như vậy:
+ tháng 1: lãi được tính trên 100 tr, trả bớt nợ gốc 10 tr
+ tháng 2: lãi được tính trên 90 tr, trả bớt nợ gốc thêm 10 tr
+ tháng 3: lãi được tính trên 80 tr, trả bớt nợ gốc thêm 10 tr
+ …
Chú ý: với cùng số tiền lãi thì với cách tính lãi trên dư nợ giảm dần sẽ cao hơn mức tính lãi trên dư nợ gốc
3. Thực hiện hợp đồng vay tài sản
Căn cứ vào kỳ hạn và lãi, có 4 trường hợp (Điều 477, 478):
– Hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi: bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác.
– Hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi: các bên đều có quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng vào bất kỳ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau 1 khoảng thời gian hợp lý, và bên vay chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ. VD gửi tiền vào ngân hàng được hưởng lãi suất không kỳ hạn.
– Hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi: bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
– Hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi: bên vay có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, bên cho vay chỉ được quyền đòi nợ trước hạn nếu được bên vay đồng ý.
Chú ý: thời gian hợp lý là thời gian để bên thực hiện nghĩa vụ có thể thực hiện được nghĩa vụ của mình (thường do các bên thỏa thuận)
4. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản
– Bên cho vay có các nghĩa vụ sau (Điều 473):
+ giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận
+ bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó
+ không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn
– Bên vay có các nghĩa vụ sau (Điều 474):
+ trả nợ đủ và đúng thời hạn như đã thỏa thuận. Nếu tài sản vay là vật thì phải trả vật cùng loại, đúng số lượng, chất lượng. Nếu bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo giá trị của vật đã vay nếu được bên cho vay đồng ý
+ việc trả nợ được thực hiện tại nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nếu trước thời hạn trả nợ mà bên cho vay đã chuyển địa điểm cư trú, trụ sở đến nơi khác và đã báo trước cho bên vay, thì bên vay phải trả tài sản tại địa chỉ mới của bên cho vay. Nếu có chi phí phát sinh của việc trả nợ tại điểm mới so với địa điểm cũ thì bên cho vay phải chịu thanh toán.
+ trường hợp cho vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có thể yêu cầu bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất do ngân hàng NN công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm trả nợ.
+ trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả được hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do ngân hàng NN công bố tại thời điểm trả nợ
IV. Hợp đồng tặng cho tài sản
1. Khái niệm (Điều 465)
– Là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.
– Đặc điểm:
+ không có đền bù: đây là loại hợp đồng nằm ngoài quy luật trao đổi ngang giá, trong đó 1 bên trao cho bên kia 1 khoản lợi ích vật chất mà không yêu cầu bên kia phải trao lại cho mình 1 lợi ích vật chất khác.
+ luôn là hợp đồng thực tế: dù 2 bên có sự thỏa thuận cụ thể (bằng văn bản) về đối tượng tặng cho, điều kiện và thời hạn giao tài sản tặng cho, nhưng nếu bên tặng cho chưa giao tài sản cho bên được tặng cho thì hợp đồng tặng cho tài sản chưa được coi là xác lập, và các bên không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện hợp đồng.
==> việc hứa tặng không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho, bên được hứa tặng không có quyền yêu cầu bên tặng cho phải giao tài sản đã hứa tặng cho
– Hình thức: luật không quy định hình thức hợp đồng tặng cho, riêng với trường hợp tặng cho bất động sản thì bắt buộc phải lập văn bản có công chứng, chứng thực, hoặc đăng ký tài sản cho người được tặng cho
2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho
– Nếu là tài sản không phải đăng ký: thời điểm chuyển giao tài sản
– Nếu là tài sản phải đăng ký: thời điểm hoàn thành đăng ký quyền sở hữu cho bên nhận
Chú ý: thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho không tuân theo quy định chung về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng quy định tại Điều 405.
Tại sao ? Vì 2 lý do:
- Là loại hợp đồng nằm ngoài quy luật trao đổi ngang giá
- Chỉ được xác lập và thực hiện chừng nào giữa các bên chủ thể còn tồn tại yếu tố tình cảm
3. Trách nhiệm của bên tặng cho tài sản
– Trường hợp tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình: Nếu cố ý tặng cho tài sản của người khác và bên được tặng cho cũng không biết thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí làm tăng giá trị tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.
Chú ý: chủ sở hữu chỉ được lấy lại tài sản của mình mếu thỏa mãn Điều 257. Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
VD: A mượn điện thoại của B trị giá 5 triệu, A tặng chiếc điện thoại đó cho C, C mang điện thoại đó đi nâng cấp (ví dụ thêm RAM, thẻ nhớ, …) làm tăng giá trị chiếc điện thoại thành 7 triệu. B phát hiện ra và đòi lại chiếc điện thoại. Khi đó A phải thanh toán cho C chi phí làm tăng giá trị tài sản là [7 – 5 = 2 triệu]
Chú ý: trong ví dụ này C là người chiếm hữu ngay tình (vì điện thoại không phải đăng ký quyền sở hữu), và hợp đồng tặng cho của A với C là hợp đồng không có đền bù, nên B là chủ tài sản có quyền đòi lại theo Điều 257.
– Phải thông báo khuyết tật của vật tặng cho, phải bồi thường thiệt hại do vật có khuyết tật gây ra (nếu đã biết vật có khuyết tật).
VD: A có chiếc ô tô, A biết chiếc ô tô của mình sắp bị hỏng phanh, A tặng ô tô cho B, B không biết xe bị hỏng phanh nên gây tai nạn, khi đó nếu B chứng minh được là A biết chiếc xe bị hỏng phanh thì A sẽ phải bồi thường thiệt hại do B dùng xe được A tặng gây ra.
————————————————————————————————-
Ngày 13/03/2016
Giảng viên: thầy Nguyễn Văn Hợi
(tiếp bài trước)
4. Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện (Điều 470)
-Là việc bên tặng cho đặt ra một số điều kiện, bên được tặng cho phải hoàn thành các điều kiện đó để được nhận tài sản tặng cho.
VD: Bố ra điều kiện tặng 1 chiếc xe máy cho con là con phải thi đỗ đại học
– Điều kiện trong hợp đồng tặng cho có điều kiện phải thỏa mãn:
+ điều kiện tặng cho mang lại lợi ích trực tiếp cho người được tặng cho.
Chú ý: nếu điều kiện mang lại lợi ích cho người tặng cho thì đó không phải là hợp đồng tặng cho có điều kiện mà là hợp đồng mua bán, trao đổi, hoặc dịch vụ, VD A hứa sẽ tặng B 1 chiếc điện thoại nếu B trông nhà cho A trong thời gian A đi công tác.
+ nếu điều kiện tặng cho là 1 công việc phải thực hiện thì công việc đó không được vi phạm PL và điều cấm của XH
+ điều kiện tặng cho không nhằm hạn chế quyền và nghĩa vụ của người khác
Chú ý: nếu điều kiện tặng cho theo kiểu ‘‘Tặng cho đất nhưng không được bán’’ thì điều kiện tặng cho không có giá trị (ngay cả khi được công chứng, chứng thực), vì sau khi được chuyển quyền sử dụng đất thì người được tặng cho là chủ sở hữu và có quyền định đoạt với mảnh đất đó.
– Thời điểm thực hiện điều kiện: có thể được thực hiện trước hoặc sau khi chuyển giao tài sản
+ nếu điều kiện là thực hiện trước: khi điều kiện hoàn thành bên tặng cho không bắt buộc phải trao tài sản, vì khi chưa chuyển giao tài sản thì hợp đồng chưa có hiệu lực
+ nếu điều kiện là thực hiện sau: bên được tặng cho buộc phải hoàn thành điều kiện, nếu không hoàn thành điều kiện thì phải hoàn trả lại tài sản, và phải bồi thường thiệt hại nếu có
Vấn đề 6: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng tài sản
1. Hợp đồng thuê tài sản
a. Khái niệm và đặc điểm
– Khái niệm (Điều 480): Hợp đồng thuê tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải trả tiền thuê.
– Đặc điểm:
+ luôn có đền bù
+ song vụ: từ thời điểm có hiệu lực, các bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau
+ ưng thuận: có hiệu lực theo sự thỏa thuận của các bên. Chú ý: ngay cả khi các bên ghi trong hợp đồng thuê là ‘‘Hợp đồng thuê tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài tài sản’’ thì đây vẫn là sự thỏa thuận ==> vẫn là ưng thuận
+ là loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng tài sản
b. Các nội dung chủ yếu của hợp đồng thuê tài sản
– Đối tượng của hợp đồng thuê tài sản:
+ là loại tài sản không tiêu hao
+ là tài sản được phép giao dịch : không thuộc hoàng hóa cấm giao dịch như ma túy, vũ khí quân dụng
+ thuộc sở hữu của bên cho thuê, trừ trường hợp cho thuê lại
+ tài sản không có tranh chấp về quyền sở hữu
+ không là tài sản đang bị kê biên để chờ thi hành án
Chú ý : tài sản đang là đối tượng của các biện pháp bảo đảm vẫn có thể cho thuê được trong trường hợp bảo lãnh, nhưng không thể cho thuê được trong trường hợp cầm cố
Chú ý: điều khoản về đối tượng là điều khoản cơ bản của (mọi) hợp đồng, và phải được thỏa thuận đầu tiên
– Giá thuê tài sản:
+ do các bên thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì giá thuê sẽ theo giá thị trường tại thời điểm giao kết hợp đồng.
+ trong trường hợp PL quy định có khung giá thì giá thuê sẽ không được phép thỏa thuận vượt ra ngoài khung giá (VD giá cho thuê quyền sử dụng đất).
+ trong 1 số trường hợp NN áp giá thì các bên không được thỏa thuận về giá, VD với nhà ở xã hội do ngân sách NN đầu tư thì UBND tỉnh sẽ quy định mức giá bán, giá thuê cho những đối tượng được ưu đãi.
– Thời hạn thuê:
+ do các bên thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì sẽ xác định theo mục đích thuê: hợp đồng sẽ hết hạn vào thời điểm bên thuê đã đạt được mục đích. VD A thuê nhà ở để thi đại học thì hợp đồng sẽ hết hạn vào thời điểm kết thúc kỳ thi đại học đó
Chú ý: trong trường hợp không xác định được mục đích thuê, thì mục đích thuê sẽ được xác định theo công dụng chính của tài sản do nhà sản xuất đưa ra.
Chú ý: với trường hợp mục đích thuê không có hạn định, như “thuê để kinh doanh”, “thuê để ở” thì mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê, miễn là thông báo trước cho bên kia 1 khoảng thời gian hợp lý
– Thời hạn trả tiền thuê:
+ theo thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì bên thuê sẽ trả tiền thuê vào thời điểm trả lại tài sản thuê
– Quyền và nghĩa vụ của các bên: Điều 484 đến Điều 490
Lưu ý: về nghĩa vụ sửa chữa tài sản thuê. Theo luật thì bên cho thuê phải có nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng và giá trị sử dụng của tài sản, như vậy nếu có hư hỏng xảy ra với tài sản mà không có lỗi của bên thuê, thì bên cho thuê phải có nghĩa vụ sửa. Tuy nhiên nếu sửa chữa với giá trị ‘‘lớn’’ thì bên cho thuê chịu, còn nếu là sửa chữa ‘‘ nhỏ’’, thì bên thuê sẽ chịu. VD thuê nhà ở, nếu bóng đèn điện bị cháy thì bên thuê sẽ chịu, nếu tường bị nứt thì bên cho thuê sẽ chịu.
c. Hình thức của hợp đồng thuê
– Hình thức của hợp đồng thuê: phụ thuộc vào đối tượng tài sản cho thuê:
+ bằng miệng,
+ bằng văn bản, trong trường hợp PL có quy định thì có thể phải công chứng, chứng thực
2. Một số quy định riêng về hợp đồng thuê tài sản
a. Hợp đồng thuê nhà ở (Điều 492 đến Điều 500)
– Đối tượng: một phần hoặc toàn bộ ngôi nhà
– Hình thức: phải bằng văn bản, có thể công chứng nếu các bên thấy cần thiết
Chú ý: luật Dân sự 2005 quy định với hợp đồng thuê nhà thời hạn từ 6 tháng trở lên phải có công chứng, chứng thực và phải đăng ký. Hiện nay quy định này đã được bãi bỏ để giảm thiểu thủ tục hành chính.
b. Hợp đồng thuê khoán tài sản (Điều 501 đến Điều 511)
– Khái niệm (Điều 501): là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản đó và có nghĩa vụ trả tiền thuê.
==> khác với hợp đồng thuê ở điểm:
- hợp đồng thuê: khai thác công dụng của tài sản
- hợp đồng thuê khoán: khai thác công dụng của tài sản + hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản
– Mục đích thuê:
+ khai thác công dụng
+ hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản
– Đối tượng: phải là tư liệu sản xuất, VD đất nông nghiệp, rừng, cơ sở sản xuất, ao hồ, gia súc, …
Với hợp đồng thuê thì đối tượng thuê là bất kỳ tài sản nào.
– Giá thuê: thường thông qua đấu thầu, VD đấu giá cho thuê khoán mặt bằng của trường học để làm cang-tin
Với hợp đồng thuê thì giá thuê thường do các bên thỏa thuận.
– Thời hạn thuê:
+ thường kéo dài nhiều năm
+ thời gian thuê khoán do các bên thỏa thuận, nhưng phải phù hợp với chu kỳ sản xuất, khai thác tài sản. VD thuê ruộng lúa để sản xuất trong 10 vụ
– Nghĩa vụ trả tiền:
+ trường hợp bên thuê bị mất từ 1/3 số hoa lợi do khách quan (thiên tai, tai nạn, sự kiện bất khả kháng) thì sẽ được giảm hoặc miền tiền thuê khoán
+ đối với thuê khoán gia súc, trong thời gian thuê sinh ra gia súc con thì bên thuê khoán sẽ được 1/2 tài sản sinh thêm đó
Khác với thuê thông thường thì tài sản phát sinh thêm trong thời gian thuê sẽ thuộc về bên cho thuê.
c. Hợp đồng mượn tài sản (Điều 512 đến Điều 517)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
– Đặc điểm:
+ không có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
+ thuộc loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng tài sản
– Đối tượng: tài sản là vật không tiêu hao, không có tranh chấp
Vấn đề 7: Hợp đồng có đối tượng là công việc
1. Hợp đồng dịch vụ (Điều 518 đến Điều 526)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
– Đặc điểm:
+ có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Đối tượng: là công việc, thỏa mãn những điều kiện sau:
+ xác định cụ thể
+ có tính khả thi
+ không vi phạm điều cấm của PL và trái đạo đức XH
– Thời hạn:
+ do các bên thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận thì thời hạn sẽ là khi công việc được hoàn thành
2. Hợp đồng gia công (Điều 547 đến Điều 558)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
– Đặc điểm:
+ có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Đối tượng: là công việc đáp ứng 3 điều kiện giống với Hợp đồng dịch vụ, khác ở chỗ kết quả của việc thực hiện hợp đồng dịch vụ không tạo ra sản phẩm mới, không được vật chất hóa; nhưng đối tượng của hợp đồng gia công được vật chất hóa bằng sản phẩm cụ thể.
Chú ý: Điều 548 quy định “Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.” là không đúng, ở đây đối tượng của hợp đồng gia công là công việc.
– Bên thuê gia công không quan tâm đến người thực hiện công việc (điều này khác với hợp đồng dịch vụ) mà chỉ quan tâm đến sản phẩm đạt chất lượng, số lượng như đã thỏa thuận.
==> tức là chỉ quan tâm đến kết quả công việc, không quan tâm đến quá trình thực hiện công việc (khác với hợp đồng dịch vụ quan tâm đến quá trình thực hiện công việc)
– Thời hạn:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận, sẽ tính theo thời hạn trung bình để gia công sản phẩm cùng loại trên thị trường tại thời điểm giao kết
– Giá:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận, sẽ tính theo giá trung bình để gia công sản phẩm cùng loại trên thị trường tại thời điểm giao kết
– Trách nhiệm chịu rủi ro (Điều 553):
+ cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác
+ khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
+ khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.
==> xuất phát từ nguyên tắc rủi ro được quy định trong Điều 166. Chịu rủi ro về tài sản: Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu huỷ hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Chú ý: rủi ro ở đây là do điều kiện khách quan gây ra, không phải là lỗi của bất kỳ bên nào (nếu có lỗi thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại)
3. Hợp đồng vận chuyển (Điều 527 đến Điều 546)
– Khái niệm: gồm 2 loại:
+ hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thoả thuận, còn hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
+ hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thoả thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
– Đặc điểm:
+ có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Đối tượng: là công việc vận chuyển hành khách / tài sản từ địa điểm này sang địa điểm khác
Câu hỏi: + Đối tượng của hợp chuyển hành khách không chỉ là hành khách mà còn bao gồm cả hành lý của hành khách trong giới hạn quy định.
+ Đối tượng của hợp đồng vận chuyển tài sản là tài sản có thể thuộc hoặc không thuộc sở hữu của bên thuê vận chuyển.
Trả lời: Cả 2 câu đều Sai. Vì đối tượng của hợp đồng vận chuyển hành khách / tài sản phải là công việc vận chuyển hành khách / tài sản, chứ không phải bản thân hành khách / tài sản
– Hình thức:
+ với hợp đồng vận chuyển hành khách: có thể giao kết bằng lời nói, hoặc văn bản. Vé (vé xe, vé tàu, vé máy bay, …) là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, tuy nhiên:
- Vé không phải là hợp đồng (vì vé là văn bản nhưng 2 bên không ký, trong khi PL quy định hợp đồng bằng văn bản có hiệu lực khi bên cuối cùng ký vào văn bản hợp đồng)
- Vé không bắt buộc phải có (tùy theo yêu cầu của bên cung cấp dịch vụ vận chuyển)
+ với hợp đồng vận chuyển tài sản: có thể giao kết bằng lời nói, hoặc văn bản. Vận đơn là bằng chứng của việc giao kết giữa các bên.
– Giá:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận sẽ tính theo mức trung bình của thị trường.
Trường hợp PL có quy định khung giá vận chuyển thì phải tuân theo khung giá đó.
4. Hợp đồng gửi giữ tài sản (Điều 559 đến Điều 566)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
– Đặc điểm:
+ có đền bù hoặc không có đền bù: VD gửi xe tại nhà hàng, khách sạn thường không lấy tiền
+ song vụ
+ ưng thuận
– Hình thức: bằng lời nói hoặc bằng văn bản
– Giá:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thoả thuận thì áp dụng mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công
+ nếu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì vẫn phải trả đủ tiền công và thanh toán chi phí cần thiết phát sinh từ việc bên giữ phải trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
+ nếu bên giữ yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì bên giữ không được nhận tiền công và phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
5. Hợp đồng bảo hiểm (Điều 567 đến Điều 580)
(xem Luật bảo hiểm)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
– Đặc điểm:
+ có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm: là công việc bảo hiểm (gánh chịu rủi ro khi xảy ra sự kiện bảo hiểm)
– Đối tượng của bảo hiểm: là người (bảo hiểm nhân thọ), tài sản, hay trách nhiệm dân sự
– Hình thức: phải bằng văn bản
– Phí bảo hiểm: là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho bên bảo hiểm.
– Sự kiện bảo hiểm: là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc PL quy định mà khi xảy ra thì bên bảo hiểm phải có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm
– Các loại hợp đồng bảo hiểm :
+ theo đối tượng :
- Bảo hiểm con người: bảo hiểm nhân thọ
- Bảo hiểm tài sản
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: VD khi mua xe máy, ô tô phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; công ty kinh doanh xe khách phải mua bảo hiểm hành khách; cửa hàng bán gas, xăng dầu phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (do có nguy cơ gây nguy hiểm cho cộng đồng cao)
+ theo tính chất :
- Bảo hiểm bắt buộc: bảo hiểm trách nhiệm dân sự
- Bảo hiểm tự nguyện
6. Hợp đồng ủy quyền (Điều 581 đến Điều 589)
– Khái niệm: là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
– Đặc điểm:
+ có đền bù hoặc không có đền bù
+ song vụ
+ ưng thuận
– Thời hạn ủy quyền:
+ do thỏa thuận
+ nếu không thỏa thuận và PL không quy định thì thời hạn có hiệu lực của hợp đồng ủy quyền là 1 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền
————————————————————————————————-
Ngày 20/03/2016
Giảng viên: thầy Nguyễn Minh Tuấn (TS)
Vấn đề 8: Nghĩa vụ bồi thường
I. Các vấn đề chung
1. Khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
– Các khái niệm đồng nghĩa:
+ trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng
+ trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng
+ nghĩa vụ bồi thường ngoài hợp đồng
– Khái niệm: là trách nhiệm của cá nhân, pháp nhân phải bồi thường vì hành vi của mình hoặc tài sản của mình gây ra.
– Trách nhiệm = bắt buộc phải bồi thường: thông thường các bên sẽ thỏa thuận để bên gây ra thiệt hại tự nguyện bồi thường theo yêu cầu của người bị hại, nếu không thỏa thuận được thì mới bị cưỡng chế thực hiện bồi thường.
Chú ý: cho dù người gây ra thiệt hại có bị chết thì vẫn phải bồi thường bằng tài sản của mình, bồi thường xong mới được chia thừa kế. VD lái xe gây tai nạn, lái xe chết, nhưng vẫn phải bồi thường, vì hành vi gây ra thiệt hại diễn ra khi anh vẫn còn sống.
– Thời điểm phát sinh trách nhiệm: là thời điểm bắt đầu có hành vi gây thiệt hại.
– Hình thức BTTH: khắc phục thiệt hại, sửa chữa, thay thế, hoặc bồi thường bằng khoản tiền
– Chủ thể nhận bồi thường:
+ người bị hại,
+ người được cấp dưỡng: là thân nhân của người bị hại mà người bị hại đang nuôi dưỡng, cấp dưỡng (con nhỏ, cha mẹ già)
+ người thân thích: nhận bồi thường về tổn thất tinh thần khi thiệt hại đến tính mạng của người bị hại
+ người đã bỏ tiền ra cứu chữa, chăm sóc cho nạn nhân: có quyền đòi người gây thiệt hại thanh toán chi phí
2. Đặc điểm của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng
– Phát sinh giữa các chủ thể không có quan hệ hợp đồng, hoặc có hợp đồng nhưng không liên quan đến hành vi gây thiệt hại.
VD: thuê thợ điện lạnh đến nhà để sửa tủ lạnh, thợ sửa lợi dụng sơ hở của chủ nhà ăn trộm điện thoại ==> có hợp đồng (sửa tủ lạnh) nhưng hợp đồng không liên quan đến hành vi gây thiệt hại (ăn trộm điện thoại)
VD: A vào cửa hàng của B mua chiếc lọ thủy tinh:
+ trường hợp 1: A hỏi giá, B nói 500k, A nói đắt, đang xem kỹ chiếc lọ thì làm rơi, lọ vỡ
+ trường hợp 2: A hỏi giá, B nói 500k, A mặc cả 400k, B đồng ý, A làm rơi, lọ vỡ
Hỏi A phải bồi thường bao nhiêu ?
+ với trường hợp 1, hợp đồng chưa giao kết, A sẽ phải bồi thường chiếc lọ theo giá thị trường của chiếc lọ đó
+ với trường hợp 2, hợp đồng đã giao kết, A sẽ phải bồi thường 400k
– Nếu PL quy định thì ngay cả không có lỗi vẫn phải bồi thường: là trường hợp cha mẹ BTTH do con chưa thành niên gây ra, hoặc chủ gia súc BTTH do gia súc của mình gây ra (như trâu bò húc người)
Trừ trường hợp:
+ bất khả kháng, không lường trước được, hoặc có lường trước được nhưng không thể ngăn chặn được;
+ do nạn nhân cố ý, VD vì muốn tự tử nên cố ý chạy ra đường đâm vào xe ô tô
Chú ý: luật Dân sự 2015 có những thay đổi rất cơ bản về tính chịu trách nhiệm của NN:
+ trước kia, chỉ dân phải chịu trách nhiệm bồi thường, NN được miễn hầu hết trách nhiệm, VD cây cối của dân đổ, gãy rơi vào xe người khác thì phải bồi thường, nhưng nếu cây của NN thì không phải bồi thường; dân săn bắn voi rừng thì lập tức bị khép tội, trong khi voi rừng xuống phá nhà cửa, thậm chí làm chết người thì dân không được ai bồi thường (trong khi đó là lỗi của NN vì không quản lý được)
+ luật Dân sự 2015 quy định NN cũng phải chịu trách nhiệm như người dân, VD dân có quyền kiện nếu cơ quan NN không làm tròn bổn phận của mình, như không cung cấp đủ nước sạch, đủ điện, …
– Trách nhiệm BTTH phát sinh giữa người phải bồi thường và người bị hại.
Chú ý: người phải bồi thường có thể không phải là người gây ra thiệt hại (như đã phân tích ở trên). VD lái xe cơ quan gây thiệt hại, thì cơ quan sẽ bồi thường chứ không phải lái xe (sau đó cơ quan có thể yêu cầu lái xe bồi thường lại cho cơ quan)
– Trách nhiệm mang tính chất tài sản: cưỡng chế tài sản của bên gây ra thiệt hại để BTTH cho bên bị hại
– Không áp dụng chế độ miễn trách nhiệm bồi thường: khi đã gây ra thiệt hại thì bắt buộc phải bồi thường (việc các bên dân sự có thể thỏa thuận với nhau không cần bồi thường là việc riêng, việc thỏa thuận cá nhân, còn với cơ quan NN thì vẫn bắt bồi thường, tòa án cũng sẽ yêu cầu bồi thường)
3. Điều kiện phát sinh
Có 4 điều kiện phát sinh:
+ có thiệt hại thực tế xảy ra
+ có lỗi của người gây thiệt hại
+ có hành vi trái PL
+ có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái PL và thiệt hại xảy ra
a. Có thiệt hại thực tế xảy ra
– Thiệt hại phải xảy ra trên thực tế, có thể tính toán được thì mới có thể yêu cầu bồi thường.
– Theo tính chất, chia thành 2 loại thiệt hại:
+ thiệt hại trực tiếp: mất mát, hư hỏng tài sản, các chi phí để ngăn chặn, khắc phục các thiệt hại
+ thiệt hại gián tiếp: thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất
Chú ý: thiệt hại phải có cơ sở xác định chắc chắn, không chấp nhận suy đoán.
VD: xe ô tô đâm chết con bò, chủ con bò bảo đây là con bò cái, nó sẽ sinh ra bê con, nên phải bồi thường cả con bò và con bê ==> không có cơ sở chắc chắn
– Theo đối tượng thiệt hại, chia thành:
+ thiệt hại vật chất: tính toán cụ thể bằng tiền hoặc hiện vật
+ thiệt hại về sức khỏe: là việc bị giảm sút % sức khỏe, thiệt hại gồm chi phí chữa bệnh, thu nhập bị mất, bị giảm sút + bồi thường thiệt hại tinh thần (do thỏa thuận hoặc bằng tối đa 30 tháng lương tối thiểu)
+ thiệt hại về tính mạng: chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc trước khi chết, chi phí mai táng, chi phí cấp dưỡng cho những người phụ thuộc của người bị hại + bồi thường thiệt hại tinh thần cho những người ở hàng thừa kế thứ 1 của người chết (do thỏa thuận hoặc bằng tối đa 60 tháng lương tối thiểu)
+ thiệt hại về danh dự, uy tín: gồm chi phí để hạn chế, khắc phục + thiệt hại tinh thần (do thỏa thuận hoặc bằng tối đa 10 tháng lương tối thiểu, luật Dân sự 2015 quy định 50 tháng lương tối thiểu)
+ thiệt hại về cơ hội kinh doanh: VD mất hợp đồng (mới có trong Luật Dân sự 2015)
b. Có lỗi của người gây ra thiệt hại
– Lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện
– Tuy nhiên, trong dân sự thì dù có lỗi hay không có lỗi, nếu đã gây ra thiệt hại thì đều phải bồi thường, việc xác định mức độ lỗi chỉ nhằm mục đích xem có thể giảm nhẹ trách bồi thường hay không.
– Các loại lỗi:
+ cố ý: trực tiếp / gián tiếp
+ vô ý: vì quá tự tin / do cẩu thả
+ ngoài ra dân sự còn phân biệt:
- Lỗi vô ý nặng: biết có khả năng xảy ra hậu quả cao
- Lỗi vô ý nhẹ: khó xảy ra hậu quả hoặc cho rằng không thể xảy ra
VD: người đi xe máy vào đường ngược chiều, xe ô tô đâm phải ==> có lỗi của cả 2 ==> cần xác định lỗi nặng / nhẹ của mỗi người để bồi thường thiệt hại
Việc đánh giá nặng hay nhẹ có thể dựa vào khả năng hành vi có lỗi đó gây ra thiệt hại, VD giờ tan tầm mà đi ngược chiều thì khả năng gây thiệt hại lớn, còn nếu đi ngược chiều vào 1h chiều thì khả năng đó là nhỏ
==> tòa án có thể căn cứ vào lỗi nặng hay nhẹ để tăng / giảm mức bồi thường cho chủ thể
– Trách nhiệm BTTH không cần lỗi: trường hợp trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ, công trình xây dựng, cây xanh, …
c. Có hành vi trái PL
– Là trái quy định của ngành luật mà hành vi xâm phạm đối tượng thuộc phạm vi của ngành luật điều chỉnh sự kiện đó, hoặc trái thuần phong mỹ tục
VD: đi sai đường là vi phạm quy định của luật Giao thông; nhà bị đổ là vi phạm luật xây dựng; đánh nhau gây hậu quả là vi phạm luật hình sự; thủ quỹ thụt két cơ quan là vi phạm PL về tài chính kế toán
VD: đòi nợ bằng cách mang quan tài đặt trước cửa nhà người nợ là trái thuần phong mỹ tục
– Thông thường, hành vi trái PL là có lỗi. Tuy nhiên, trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết thì hành vi trái PL không bị coi là có lỗi
d. Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra
– Nguyên nhân: phải là hành vi trái PL. Cần xem xét đâu là nguyên nhân chính.
VD: gây tai nạn giao thông có thể do lỗi của người lái xe, của phương tiện giao thông, hoặc do đường xá, do thời tiết, …
– Hậu quả thiệt hại:
+ 1 hậu quả có thể do nhiều nguyên nhân
+ nguyên nhân chính là do hành vi trái PL
+ các nguyên nhân khác là điều kiện để xảy ra thiệt hại: điều kiện là sự tác động, ảnh hưởng đến nguyên nhân, làm cho hậu quả xảy ra trong 1 hoàn cảnh cụ thể (còn gọi là nguyên nhân khách quan khác)
4. Nguyên tắc bồi thường (Điều 605)
– Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:
+ Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
+ Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
+ Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
– Các trường hợp bồi thường:
+ bồi thường toàn bộ thiệt hại: khi người gây ra thiệt hại phải bồi thường tất cả thiệt hại do hành vi trái PL của mình gây ra, áp dụng khi:
- Người gây thiệt hại có lỗi cố ý: khi đó dù thiệt hại có lớn hơn khả năng kinh tế của họ thì vẫn phải bồi thường
- Người gây thiệt hại có lỗi vô ý và họ có khả năng (về tài sản) để bồi thường toàn bộ
- Người gây thiệt hại có lỗi vô ý, thiệt hại xảy ra lớn hơn khả năng kinh tế của họ, nhưng về lâu dài họ có khả năng kinh tế để thực hiện việc bồi thường
+ bồi thường 1 phần thiệt hại: mức bồi thường nhỏ hơn thiệt hại đã gây ra, được áp dụng khi đủ 2 yếu tố:
- Về mặt chủ quan: do lỗi vô ý
- Về mặt khách quan: xét về hoàn cảnh hiện tại cũng như lâu dài, người gây thiệt hại không có khả năng kinh tế để bồi thường toàn bộ thiệt hại
+ thay đổi mức bồi thường thiệt hại: căn cứ vào điều kiện thực tế của các bên, thời giá thị trường. VD khi phải bồi thường lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn (do mất mùa, thiên tai, …), hoặc người được bồi thường đã hồi phục sức khỏe, có thu nhập trở lại (với trường hợp người bị hại mất sức lao động)
5. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân (Điều 606)
– Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
– Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của cha mẹ.
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
6. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm (Điều 612)
– Thời điểm tính bắt đầu bồi thường là thời điểm gây thiệt hại
– Trường hợp thiệt hại về sức khỏe:
+ nếu người bị hại mất hoàn toàn khả năng lao động, và trước khi bị gây thiệt hại họ có khả năng lao động và có thu nhập: được bồi thường khoản tiền bằng với thu nhập thực tế của người bị hại trước khi bị gây thiệt hại phạm sức khỏe cho đến lúc chết.
+ nếu người bị hại mất khả năng lao động, nhưng trước đó họ chưa có khả năng lao động và chưa có thu nhập: được hưởng khoản tiền cấp dưỡng cho đến lúc chết
+ nếu người bị hại còn khả năng lao động nhưng bị giảm sút: được hưởng khoản tiền chênh lệch trong thu nhập cho đến lúc chết.
– Trường hợp thiệt hại về tính mạng thì sẽ bồi thường cho nhân thân người bị thiệt hại: nhân thân ở đây là những người mà người bị thiệt hại về tính mạng có trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng (con nhỏ, cha mẹ già)
+ người được cấp dưỡng là người chưa thành niên, hoặc người chưa sinh ra nhưng đã thành thai trước khi người bị thiệt hại chết (con sắp sinh của người bị thiệt hại): được hưởng khoản tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ 18 tuổi
+ người được cấp dưỡng đã thành niên nhưng không còn khả năng lao động: được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến lúc chết
7. Phương thức bồi thường thiệt hại
– Là cách thức mà người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực hiện để bù đắp các tổn thất về vật chất và tinh thần cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại.
– Phương thức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định theo 1 trong 2 cách:
+ bồi thường 1 lần: thường áp dụng với bồi thường cho thiệt hại về tài sản, hoặc thiệt hại về sức khỏe nhưng sau đó hồi phục
+ bồi thường nhiều lần theo định kỳ: thường áp dụng với trường hợp cấp dưỡng
Tuy nhiên, trong thực tế, Tòa án và các bên thường chọn phương thức bồi thường 1 lần, để giải quyết nhanh chóng và triệt để, trách được tình trạng cố ý chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm.
8. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 607)
– Thời hiệu là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
– Cần xác định thời điểm gây thiệt hại:
+ xâm phạm 1 lần: VD gây tai nạn ==> thời điểm bắt đầu thời hiệu là ngày gây ra tai nạn
+ xâm phạm liên tục trong 1 khoảng thời gian: VD nhà máy, xưởng sản xuất gây ô nhiễm trong 1 khoảng thời gian ==> thời điểm bắt đầu thời hiệu là ngày chấm dứt hành vi xâm phạm.
Chú ý:
+ Sau khi các bên thỏa thuận bồi thường, thường lập thành hợp đồng cam kết bồi thường (hay Biên bản cam kết bồi thường), khi đó trách nhiệm bồi thường chuyển thành nghĩa vụ của hợp đồng bồi thường
II. Trách nhiệm BTTH do con người gây ra
1. Trách nhiệm bồi thường vượt quá giới hạn vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 613)
– Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
– Nếu gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Chú ý: đây là trường hợp người bị hại cũng có lỗi nên phải áp dụng Điều 617: Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
2. Trách nhiệm bồi thường vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết (Điều 614)
– Tình thế cấp thiết: thiệt hại xảy ra phải nhỏ hơn thiệt hại có thể xảy ra. Nếu lớn hơn thì bị coi là vượt quá giới hạn tình thế cấp thiết
– Điều kiện: ngăn chặn khả năng gây thiệt hại cho mình và cho người khác
– Đối tượng: người thứ 3 bị thiệt hại
– Thiệt hại: tài sản, tính mạng, sức khỏe
– Mức bồi thường: phần vượt quá thiệt hại sẽ xảy ra (lớn hơn)
– Người gây ra tình thế cấp thiết phải bồi thường theo mức phần thiệt hại xảy ra
3. Trách nhiệm liên đới (Điều 616)
– Là trách nhiệm của nhiều người cùng gây ra thiệt hại: cùng thống nhất về mặt ý chí, thống nhất về hành vi và thống nhất về hậu quả
+ thống nhất về ý chí: có sự bàn bạc với nhau
VD: A, B, C bàn nhau đánh D (để trả thù), khi đó A, B, C phải chịu trách nhiệm liên đới cùng nhau
+ thống nhất về hành vi: cùng nhau thực hiện hành vi
- Có thể cùng nhau thực hiện hành vi bất hợp pháp. VD 2 người cùng nhau đi trộm tài sản
- Có thể cùng nhau thực hiện hành vi hợp pháp, nhưng quá trình thực hiện gây ra hậu quả. VD 2 công nhân công ty cây xanh cùng nhau cưa cây, 1 người cầm dây, 1 người cưa cây, do không cảnh báo người đi đường nên để cành cây rơi vào người đi đường gây hậu quả
+ thống nhất về hậu quả: cùng gây ra 1 hậu quả, nếu thiếu hành vi của 1 người thì sẽ không gây ra hậu quả
Chú ý: phân biệt với trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại nhưng không có sự bàn bạc thống nhất với nhau. VD A bị tai nạn ngã ra đường, B đi qua liền lấy trộm chiếc xe máy của A, C đi qua liền lấy trộm điện thoại của A, khi đó B và C không phải chịu trách nhiệm liên đới với nhau (mà chỉ phải chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra), vì B và C không có sự bàn bạc với nhau
– Xác định trách nhiệm BTTH:
+ chia theo phần của mỗi người: căn cứ vào lỗi, tài sản chiếm đoạt, hành vi gây thiệt hại của từng người
+ nếu không xác định được thì lỗi chia đều
– Trách nhiệm liên đới do PL quy định: 1 người chịu cho nhiều người, hoặc nhiều người chịu cho 1 người (áp dụng với hộ gia đình, tổ hợp tác, nguồn nguy hiểm cao độ)
VD: A, B, C cùng gây ra thiệt hại, A có điều kiện kinh tế tốt nhất, bên bị thiệt hại sẽ đòi A phải bồi thường toàn bộ ngay, sau đó A sẽ đòi B và C phải hoàn trả lại mình phần tài sản đã bỏ ra để bồi thường hộ cho B và C
VD ngược lại: A, B, C cùng gây ra thiệt hại, A có hoàn cảnh khó khăn, khi đó B và C ngoài việc bồi thường theo trách nhiệm của mình, cùng hỗ trợ A để bồi thường luôn cho người bị hại, sau đó A có nghĩa vụ phải hoàn trả lại cho B và C.
==> ý nghĩa: nhằm khắc phục nhanh, hiệu quả thiệt hại xảy ra (đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại)
– Căn cứ làm phát sinh trách nhiệm liên đới:
+ cùng thực hiện, hoặc
+ do PL quy định, gồm:
- Hộ gia đình: có trách nhiệm liên đới khi 1 thành viên của hộ gia đình gây thiệt hại. VD con lái xe gây tan nạn, thì trách nhiệm sẽ liên đới cả bố mẹ, anh chị em
- Tổ hợp tác: VD tổ hợp tác cùng kinh doanh vận tải, 1 người gây tai nạn, thì các thành viên trong tổ hợp tác cùng chịu trách nhiệm liên đới
- Trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: trong trường hợp người chủ của nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đó và gây thiệt hại thì cả người chủ và người gây thiệt hại cùng chịu trách nhiệm liên đới. VD chủ xe do lỗi của mình để làm mất xe, người trộm xe gây tai nạn, khi đó chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, khi đó PL quy định chủ xe sẽ phải bồi thường thiệt hại, sau đó chủ xe có quyền đòi người ăn trộm để bồi thường lại cho mình ==> PL quy định như vậy để nhằm buộc chủ của nguồn nguy hiểm cao độ phải quản lý tốt tài sản của mình
4. Trách nhiệm hỗn hợp (Điều 617)
– Là trách nhiệm của người gây thiệt hại và người bị hại đều có lỗi trực tiếp, khi đó căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi người để xác định mức bồi thường, nếu không xác định được thì chia đôi; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
VD: đi ngược chiều lấn đường, bị gây tai nạn ==> cả 2 đều có lỗi
– Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng: nếu
+ người gây thiệt hại có lỗi vô ý nhẹ và người bị hại vô ý nặng thì là trách nhiệm hỗn hợp. VD người đi bộ chạy qua đường, bị xe do phanh không kịp đâm phải ==> trường hợp này thường thiệt hại được chia đôi
+ người gây thiệt hại vô ý nặng và người bị hại vô ý nhẹ thì người gây thiệt hại phải bồi thường chính (không còn là trách nhiệm hỗn hợp). VD người đi bộ qua đường, bị xe phóng nhanh vượt ẩu đâm vào
– Thiệt hại về tài sản: luôn là trách nhiệm hỗn hợp, dù cho bên nào gây ra lỗi nặng hay nhẹ
5. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân (Điều 618)
– Pháp nhân: là các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan NN, doanh nghiệp
– Người là thanh viên của pháp nhân phải là người được ký Hợp đồng lao động đang có hiệu lực với pháp nhân
– Căn cứ vào nhiệm vụ giao, thời gian, địa điểm gây thiệt hại để xác định trách nhiệm:
+ nếu người gây thiệt hại khi thực hiện nhiệm vụ pháp nhân giao ==> pháp nhân chịu trách nhiệm. VD lái xe đi công tác, gây tai nạn, thì pháp nhân sẽ chịu trách nhiệm
+ nếu người gây thiệt hại không phải đang thực hiện nhiệm vụ pháp nhân giao ==> người đó tự chịu trách nhiệm. VD lái xe công tác, tranh thủ rẽ vào thăm người thân, gây tai nạn, thì pháp nhân sẽ không phải chịu trách nhiệm
– Khi pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của PL
6. Trách nhiệm dân sự của cơ quan NN (Điều 619)
– Tương tự như Trách nhiệm dân sự của pháp nhân
– Thành viên của cơ quan NN:
+ cán bộ, công chức
+ người ký hợp đồng lao động có thời hạn với cơ quan NN
– Chú ý: cán bộ công chức không cần phải được giao nhiệm vụ như với thành viên của pháp nhân (trong Điều 619) mà có thể chủ động thi hành công vụ của mình, khi đó nếu gây thiệt hại thì cơ quan NN sẽ bồi thường. Nếu xác định có lỗi của cán bộ công chức thì cơ quan NN có trách nhiệm yêu cầu cán bộ công chức bồi thường lại.
7. Trách nhiệm dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 620)
– Các chủ thể:
+ thẩm phán, hội thẩm nhân dân: thuộc tòa án
+ kiểm soát viên: thuộc viện kiểm soát
+ điều tra viên: thuộc cơ quan điều tra
chịu trách nhiệm không phụ thuộc vào lỗi (vô ý hay cố ý), mục đích gây thiệt hại
– Trách nhiệm bồi thường : thuộc cơ quan tiến hành tố tụng
– Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của PL, nếu người có thẩm quyền có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ.
Chú ý: Luật Dân sự 2015 bỏ cả 2 điều 619, 620, mà chỉ quy định trách nhiệm dân sự của pháp nhân, vì coi cơ quan NN, cơ quan tiến hành tố tụng cũng đều là pháp nhân.
Chú ý: ý nghĩa của việc phân biệt chủ thể chịu trách nhiệm: là để xác định sẽ kiện ai, sẽ đòi ai bồi thường
Câu hỏi: Thủ trưởng cơ quan thi hành án gây thiệt hại, ai sẽ bồi thường. VD Cục trưởng cục thi hành án ra Quyết định cưỡng chế sai, gây thiệt hại
==> cục thi hành án là cơ quan NN, do đó sẽ áp dụng Điều 619
Chú ý: trách nhiệm dân sự của NN trong các trường hợp cụ thể:
+ người đứng đầu cơ quan quản lý NN gây thiệt hại, VD chủ tịch UBND ra quyết định sai (như thu hồi đất, tịch thu tài sản, cấp văn bằng về sở hữu trí tuệ) ==> trách nhiệm bồi thường thuộc về NN
+ các cơ quan tiến hành tố tụng như công an, viện kiểm sát, tòa án gây oan sai:
- Nếu cơ quan công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam, nhưng viện kiểm sát không phê chuẩn ==> công an chịu trách nhiệm bồi thường
- Nếu cơ quan công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam, viện kiểm sát phê chuẩn, sau đó truy tố, nhưng tòa án tuyên vô tội ==> viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm, công an không phải chịu trách nhiệm bồi thường
- Nếu tòa sơ thẩm xử, tòa phúc thẩm y án sơ thẩm, sau tòa giám đốc thẩm phát hiện sai ==> tòa phúc thẩm chịu trách nhiệm bồi thường. VD vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, TAND tối cao phải bồi thường 7.2 tỷ, tòa án Bắc Giang không phải bồi thường, công an Bắc Giang, viện kiểm sát Bắc Giang chỉ bị phạt vi phạm hành chính
8. Trách nhiệm dân sự do người làm công, người học nghề (Điều 622)
– Người làm công: có hợp đồng công việc do bên thuê quản lý điều hành (chú ý: không phải hợp đồng lao động, không phải hợp đồng dịch vụ)
VD: chủ nhà thuê 1 nhóm người thợ sửa nhà, 1 trong nhóm thợ gây thiệt hại (cho hàng xóm) ==> chủ nhà phải bồi thường (vì chủ nhà là người quản lý, nhóm thợ không có tư cách pháp nhân)
Chủ nhà làm thuê 1 công ty đến sửa nhà, 1 người thợ gây thiệt hại (cho hàng xóm) ==> công ty phải bồi thường (do đã đủ tư cách pháp nhân)
– Người học nghề: học tại cơ sở đào tạo
==> người bồi thường : là người quản lý người làm công, người học nghề
9. Trách nhiệm của nhà trường, bệnh viện (Điều 621)
– Học sinh (dưới 15 tuổi) trong thời gian học của nhà trường, gây thiệt hại ==> nhà trường bồi thường
– Bệnh nhân trong thời gian ở bệnh viện, gây thiệt hại ==> bệnh viện bồi thường
– Nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hình vi dân sự phải bồi thường
————————————————————————————————-
Ngày 27/03/2016
Giảng viên: cô Hoàng Thị Loan
(tiếp bài trước)
III. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
Lý do phân biệt trách nhiệm bồi thường do hành vi con người gây ra và do tài sản gây ra (mặc dù cùng gây ra thiệt hại hoặc về nhân thân, hoặc về tài sản cho chủ thể bị thiệt hại). VD: trường hợp lái xe gây tai nạn, với trường hợp lái xe thì xe trục trặc kỹ thuật (đứt phanh, nổ lốp, …) gây tai nạn
==> vì thiệt hại do tài sản gây ra thì người chủ tài sản đó không có lỗi ==> không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (vẫn phải bồi thường dân sự)
1. Khái quát chung về trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra
a. Khái niệm và đặc điểm
– Khái niệm: là 1 loại trách nhiệm dân sự mà theo đó khi có 1 sự kiện gây thiệt hại của tài sản đối với 1 chủ thể nào đó thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, hoặc người quản lý tài sản sẽ phải chịu trách nhiệm BTTH
– Đặc điểm:
+ thiệt hại là do nội tại của tài sản gây ra, không có tác động của hành vi con người. VD xe đang lưu thông thì bị lỗi kỹ thuật (mất phanh, nổ lốp, …) gây tai nạn; cây cối đổ, gãy ; nhà đổ ; gia súc húc người
+ loại bỏ yếu tố lỗi của chủ thể sở hữu hoặc chiếm hữu hợp pháp tài sản
b. Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm BTTH do tài sản gây ra
– Ba điều kiện:
+ phải có thiệt hại thực tế xảy ra
+ phải có sự kiện gây thiệt hại của tài sản
+ phải có quan hệ nhân quả giữa sự kiện gây thiệt hại của tài sản với thiệt hại thực tế xảy ra
c. Xác định vấn đề BTTH khi tài sản gây ra
– Nếu chủ sở hữu tài sản đang sử dụng, quản lý tài sản: chủ sở hữu sẽ BTTH
– Người được chủ sở hữu chuyển giao:
+ nếu thông qua 1 giao dịch như thuê, mượn ==> người được chuyển giao BTTH
+ nếu thông qua 1 quan hệ lao động như người làm công ==> chủ sở hữu bồi thường
+ nếu thông qua quan hệ mệnh lệnh hành chính:
- Nếu trong thời gian thi hành nhiệm vụ ==> chủ sở hữu bồi thường
- Nếu ngoài thời gian thi hành nhiệm vụ (ví dụ sử dụng vào việc riêng) ==> người được giao tài sản bồi thường
Ghi nhớ: cách xác định chủ sở hữu hay người được chuyển giao phải chịu trách nhiệm bồi thường: xác định người được hưởng lợi ích từ việc khai thác, sử dụng tài sản thì sẽ là người phải BTTH
– Trường hợp chiếm hữu trái phép:
+ nếu chủ sở hữu hoặc người đang quản lý tài sản không có lỗi trong việc để người khác chiếm hữu trái phép (ví dụ tài sản bị ăn trộm, cướp) ==> người chiếm hữu trái phép phải chịu trách nhiệm bồi thường
+ nếu có lỗi: thì chủ sở hữu hoặc người đang quản lý tài sản sẽ chịu trách nhiệm BTTH liên đới với người chiếm hữu trái phép. VD lái xe tải đi giao hàng, do cẩu thả nên khi bốc hàng vẫn để xe nổ máy và cửa xe mở, người khác do tinh nghịch lên xe và lái, xe gây tai nạn ==> người lái xe phải chịu trách nhiệm BTTH liên đới
– Trường hợp tài sản của vợ chồng:
+ nếu là tài sản chung: thông thường vợ chồng cùng chịu, tuy nhiên còn tùy vào từng trường hợp cụ thể (ví dụ: bạn mượn ô tô, chồng đòng ý cho mượn, nhưng vợ không đồng ý, người bạn vẫn mượn được và ô tô bị mất phanh gây tai nạn, khi đó chỉ người chồng phải chịu BTTH)
+ nếu là tài sản riêng: tài sản của ai thì người đó chịu BTTH
– Trường hợp tài sản của người nước ngoài gây thiệt hại: phải xem xét VN và nước đó có cùng tham gia điều ước quốc tế nào không thì sẽ áp dụng quy định trong điều ước đó, nếu không thì áp dụng luật nơi có hậu quả xảy ra.
Chú ý: trường hợp người nước ngoài tự gây thiệt hại cho nhau, thì sẽ áp dụng luật của nước mà người gây ra thiệt hại có quốc tịch
2. Quy định của PL hiện hành về BTTH do tài sản gây ra
a. Nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại (Điều 623)
– Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ: gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ, vũ khí, thú dữ
– Dấu hiệu của nguồn nguy hiểm cao độ:
+ luôn tiền ẩn nguy cơ có khả năng gây thiệt hại (tiềm ẩn tức là không biết khi nào sẽ gây ra thiệt hại)
+ khi tài sản đó đã gây ra thiệt hại thì bằng khả năng của con người khó có thể khắc phục
– Trách nhiệm BTTH:
+ chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải có trách nhiệm quản lý tài sản ==> trách nhiệm thuộc về chủ sở hữu
+ khi chủ sở hữu đã chuyển giao tài sản cho người khác ==> người được chuyển giao tài sản có trách nhiệm BTTH, trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận khác
+ chủ sở hữu, hoặc người được chủ sở hữu giao luôn phải có trách nhiệm BTTH ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại (VD do muốn tự tử nên cố tình đâm vào xe ô tô) hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết
– Chiếm hữu trái phép: người chiếm hữu trái phép phải chịu trách nhiệm BTTH nếu việc chiếm hữu trái phép không phải do lỗi của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Nếu có lỗi thì chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản phải chịu trách nhiệm liên đới.
b. BTTH do súc vật gây ra (Điều 625)
– Khái niệm súc vật: chó, mèo, …
– Chủ sở hữu súc vật có trách nhiệm bồi thường
– Người được chủ sở hữu giao có trách nhiệm bồi thường
– Người thứ 3 chịu trách nhiệm bồi thường khi là nguyên nhân gây ra thiệt hại. VD A trêu chọc con chó của B, dẫn đến con chó của B cắn C
– Người bị thiệt hại: khi lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại
Bài tập tình huống: nhà bà A nuôi 1 con chó, bà B sang chơi, chó nhà bà A cắn bà B, bà A thỏa thuận sẽ đưa bà B đi tiêm phòng và mọi chi phí sẽ do bà A chịu. Cơ sở y tế nói bà B sẽ phải tiêm 3 mũi trong 3 tuần, mỗi mũi 2 triệu đồng. Sau khi tiêm được 1 mũi, bà B thỏa thuận với bà A rằng bà B sẽ tự đi tiêm, bà A chỉ việc đưa tiền cho bà B. Bà A đưa bà B 10 triệu đồng. Nhưng sau đó bà B không đi tiêm nữa. Một thời gian sau bà B bị chết, kết quả giám định là do bà B bị nhiễm vi-rus dại. Hỏi bà A có phải chịu trách nhiệm BTTH do bà B bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng không ?
c. BTTH do cây cối đổ gây ra (Điều 626)
– Chủ sở hữu của cây cối, hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý cây cối phải có trách nhiệm cắt cành, tỉa cành, chặt bỏ khi có nguy cơ gãy, đổ
– Nếu để cây cối đổ , gãy gây thiệt hại thì chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý phải chịu trách nhiệm BTTH, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng
Tình huống thực tế: Cây trên đường do mưa bão đổ gãy, gây thiệt hại chết người, hỏi ai phải chịu trách nhiệm BTTH ?
Cây trên đường thuộc sở hữu NN, công ty dịch vụ cây xanh đô thị chỉ chịu trách nhiệm chăm sóc, cắt tỉa cây theo quy định, hơn nữa việc mưa bão gây ra đổ cây là trường hợp bất khả kháng ==> không áp dụng Điều 626.
Luật dân sự 2015 quy định chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm, bỏ trường hợp bất khả kháng
Tinh huống thực tế: Quả dừa, quả mít, sầu riêng rơi xuống, gây thiệt hại, hỏi có áp dụng Điều 626 được không, vì Điều 626 chỉ quy định cây cối đổ, gãy gây ra ?
Tình huống này áp dụng PL tương tự, quả cũng là 1 bộ phận của cây
d. BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại (Điều 627)
– Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.
VD: nhà đang xây dựng, thanh sắt bị rơi ra gây thiệt hại ==> đơn vị thi công sẽ chịu trách nhiệm
Câu hỏi: tài sản vô chủ gây thiệt hại, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường ? Không ai phải chịu.
Những tài sản ngoài các tài sản quy định tại điều 623, 625, 626, 627 gây ra, ai phải chịu trách nhiệm ? ==> áp dụng tương tự (tùy vào ý chí của thẩm phán, có nguy cơ phát sinh tiêu cực)
==> sắp tới sẽ áp dụng án lệ
==> ngoài ra áp dụng quy định chung của luật dân sự: người sở hữu hay chiếm hữu hợp pháp tài sản, khi sử dụng tài sản đó thì không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường
Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » Slide Luật Dân Sự
-
Luật Dân Sự - SlideShare
-
Chương 6 Luật Dân Sự - SlideShare
-
Bài Thuyết Trình Pháp Luật Đại CươngChủ đề: Luật Dân Sự - Prezi
-
BÀI THUYẾT TRÌNH LUẬT DÂN SỰ - Tài Liệu Text - 123doc
-
[PDF] LUẬT DÂN SỰ 1
-
[PPT] PowerPoint Presentation - Khoa Luật
-
[PDF] LUẬT DÂN SỰ I - Topica
-
Slide Bài Giảng Pháp Luật Về TÀI SẢN, QUYỀN SỞ HỮU VÀ THỪA KẾ
-
[Tổng Hợp] Bài Giảng Môn Học Luật Dân Sự - HILAW.VN
-
Slide Bài Giảng Luật Dân Sự Việt Nam - Tài Liệu đại Học
-
Slide: Một Số điểm Mới Của Bộ Luật Dân Sự 2015 - VNLawFind
-
Khóa: Luật Dân Sự 1 Hè 2021 - Elearning UDCK
-
Bài Giảng Khái Niệm Luật Dân Sự Việt Nam - YouTube
-
Đề Cương Pháp Luật - Sở Tư Pháp