Bài Thơ: "Thu Vịnh" (Nguyễn Khuyến) Tập Thơ Chữ Nôm - Chiều Tà

Thu Vịnh (Nguyễn Khuyến)

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu. Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào. Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào? Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Rút từ Quốc văn tùng ký (AB.383), Nam âm thảo (VHv.2381), Quế Sơn thi tập (A.469). Tiêu đề trong Nam âm thảo chép là Mùa thu ngồi mát ngâm thơ.

Nguồn:

1. Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 1971 (tái bản 1979)

2. Nguyễn Khuyến – Tác phẩm, Nguyễn Văn Huyền chủ biên, NXB Khoa học xã hội, 1984

3. Thi hào Nguyễn Khuyến: đời và thơ, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB Giáo dục, 1994

Phân tích bài “Thu vịnh” của Nguyễn Khuyến

Qua việc vịnh mùa thu với những nét đẹp tiêu biểu, Nguyễn Khuyến cho thấy một tâm sự u hoài, một tấm lòng xót xa trước cảnh, kín đáo, bày tỏ một tình cảm yêu nước chân thành.

1. Tổng

Qua việc vịnh mùa thu với những nét đẹp tiêu biểu, Nguyễn Khuyến cho thấy một tâm sự u hoài, một tấm lòng xót xa trước cảnh, kín đáo, bày tỏ một tình cảm yêu nước chân thành.

2. Phân tích

a. Đề: Giới thiệu tổng quát cảnh mùa thu

Hình ảnh “Trời thu xanh ngắt…”: màu xanh quen thuộc của Nguyễn Khuyến khi tả mùa thu, “mấy tầng cao”: vẽ được cái cao vút, thăm thẳm của khung trời mùa thu. Hình ảnh “cần trúc lơ phơ” tạo nét động cho bức tranh thu. “Hắt hiu”: diễn tả được cái se lạnh của gió mùa thu.

Cách giới thiệu rất khéo và rất đạt.

b. Thực: Cảnh trăng nước của mùa thu

Màu sắc (nước biếc) hoà hợp trong tranh của Nguyễn Khuyến. Cách so sánh “trông như tầng khói phủ” làm cho cảnh dịu nhẹ, mờ nhạt. Ta hình dung được mùa thu trong màu biếc lẫn với màu khói. Hình ảnh “Song thưa để mặc ánh trăng vào” quen thuộc mà vẫn nên thơ. Cách nói của Nguyễn Khuyến “để mặc” cho thấy cảnh của ông phóng khoáng, tâm hồn ông rộng mở.

Cảnh đẹp, màu sắc dịu nhẹ. Cảnh cho thấy sự hoà nhập của con người với ihiên nhiên. Ta có cảm tưởng Nguyễn Khuyển đang thả mình trong thiên nhiên với làn nước, với ánh trăng.

c. Luận: Cảnh hoa và tiếng chim (ngỗng) của mùa thu

Nghệ thuật đảo ngữ làm nổi bật hình ảnh “mấy chùm” hoa và “một tiếng” ngỗng. Hình ảnh “hoa năm ngoái” có sức gợi tả mạnh; “hoa năm ngoái” có nghĩa là hoa vẫn là hoa y như năm ngoái (gợi lên cho ta hiểu) mà nước hôm nay thì đã trở thành “nước nào”. Hình ảnh “hoa năm ngoái” làm ta nhớ cách dùng chữ của Nguyễn Du: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Tiếng ngỗng ở đây, về nghệ thuật, là lấy cái động để diễn tả cái tĩnh.

Nói tóm lại, hai câu luận cũng là tả về mùa thu, nhưng qua cảnh, ta thấy được tâm trạng của nhà thơ, thấy được sự thầm kín của một con người không thể dửng dưng trước cảnh mất nước.

d. Kết: Cảm hứng và nỗi thẹn của nhà thơ

“Nhân hứng” tức là cái hứng thú trước cảnh đẹp của mùa thu. “Toan cất bút” nghĩa là định làm thơ, cảnh thu đẹp và gợi hứng cho nhà thơ.

“Nghĩ ra” tức là ý thức, là lý trí, là tỉnh. Nguyễn Khuyến rất say mà rất tỉnh. Ông say trước cảnh đẹp của mùa thu, nhưng ông vẫn tỉnh trước lương tâm của mình. Cho nên, ông nói được là thẹn. Nhưng thẹn với ai?

Ông Đào tức là Đào Tiềm, một danh sĩ đồng thời là một nhà thơ nổi từ đời Tấn, đã “dũng thoái” treo ấn từ quan, về sống với ruộng vườn, với hoa cũ được giữu cho được cái khí tiết của mình. Bằng điển tích này, Nguyễn Khuyến đã bộc lộ “cái tôi” của mình trong cảnh sắc mùa thu một cách khá đậm nét. “Thẹn với “ông Đào” là một cách nói bộc lộ đưực tấm lòng thanh cao của nhà thơ, thể hiện được cái tự hào khiêm tốn của ông trước lương tâm của mình “Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.

3. Hợp

Bài Thu vịnh tả tổng quát về mùa thu, chứ không nói một đặc cảnh “uống rượu” hay “câu cá”, nhưng ta vẫn thấy nét thu đặc biệt của Nguyễn Khuyến. Hơn nữa, trong cảnh sắc mùa thu này, ta thấy khá rõ được tâm hồn thanh cao và khí tiết của một người: “Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết”. Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ (trích bài Mẹ Mốc của Nguyễn Khuyến).

Trần Phò (Giáo viên chuyên Văn – Trường THPT Lê Hồng Phong – Thành phố Hồ Chí Minh)

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Thu Vịnh” của tác giả Nguyễn Khuyến. Bài thơ thuộc Tập Thơ Chữ Nôm – Nguyễn Khuyến, danh mục thơ Nguyễn Khuyến (Nguyễn Thắng) một trong những Nhà Thơ Việt Nam Vĩ Đại Và Tiêu Biểu. Hãy cùng đọc và thưởng thức nhiều tác phẩm thơ ca khác, có rất nhiều bài thơ hay đang chờ các bạn!

Các Bạn Đang Xem Bài Viết Bài Thơ: “Thu Vịnh” (Nguyễn Khuyến) Tập Thơ Chữ Nôm Của Tác Giả Nguyễn Khuyến Trong Tập Thơ Chữ Nôm Tại Blog ChieuTa.Com. Truy Cập Blog Thường Xuyên Để Xem Nhiều Bài Viết Mới Hàng Ngày Nhé!

4/5 (5 bình chọn)

Bài Viết Liên Quan:

  • Khuyên Người Làm Lẽ
  • Bạn Đến Chơi Nhà
  • Anh Giả Điếc
  • Ăn Mày
  • Bài Hát Ru Em
  • Bóng Đè Cô Đầu
  • Bồ Tiên Thi
  • Bỡn Cô Tiểu Ngủ Ngày

Chia Sẻ Bạn Bè Cùng Đọc:

  • Click to share on Facebook (Opens in new window)
  • Click to share on Twitter (Opens in new window)
  • Click to share on Tumblr (Opens in new window)
  • Click to share on LinkedIn (Opens in new window)
  • Click to share on Pinterest (Opens in new window)

Từ khóa » Thu Vịnh