home | thơ | danh sách tác giả | nhạc | truyện ngắn | biên khảo,phê bình | điểm sách | phỏng vấn | quan điểm | sinh hoạt văn học | ban biên tập | tìm kiếm | thư tín | giới thiệu sách báo | | Biên khảo, Phê bình | Cái Thú Đọc Thơ và Dịch Thơ - Bài thơ “Vịnh Cái Quạt” của Hồ Xuân Hương | Hình ảnh | | #1 |
| Bấm vào hìnhđể phóng to | KIM VŨ - đăng lúc 09:23:14 PM, Sep 11, 2009 Thế giới ngày nay ngày càng thu nhỏ nhờ phương tiện truyền thông qua internet. Sự giao lưu văn hóa sẽ ngày càng được mở rộng, và những nền văn học của nhiều nước sẽ có dịp được nhân loại biết đến rộng rãi hơn bao giờ hết. Việc phiên dịch do đó sẽ ngày càng trở nên quan trọng, vì chỉ qua phiên dịch mà các nền văn học và thi ca Đông phương mới có cơ hội đến với bạn đọc trên toàn thế giới. Nước Việt Nam có một nền thi ca rất đáng tự hào. Tôi vốn rất thích thơ, và cũng đã có bỏ nhiều công sức để tìm hiểu về nhiều nền thi ca lớn của nhân loại. Và phải thú thực cho đến nay, tôi vẫn chưa tìm được một ai khác có thể sánh kịp Hồ Xuân Hương với thi tài xuất chúng của bà. Tôi vẫn có ý định từ lâu dịch những bài thơ nổi tiếng của Hồ Xuân Hương ra Anh ngữ. Bài viết này liên quan đến nỗ lực của tôi dịch bài “Vịnh Cái Quạt” ra Anh văn. Bài thơ “Vịnh Cái Quạt” của Hồ Xuân Hương là một bài thơ gợi cảm cao độ, tạo nên một thách thức lớn đối với bất cứ ai muốn dịch nó ra Anh ngữ. Tôi đã bắt đầu thực hiện việc dịch bài thơ này cách đây khoảng mười năm, và đến nay, với sự góp ý của nhiều bạn yêu thơ, tôi nghĩ đã đạt được một phiên bản mà tôi thấy khá ưng ý. Xin chia sẻ với bạn đọc kinh nghiệm dịch của tôi. Trước hết, hãy thử tìm hiểu bài thơ này trong nguyên tác tiếng Việt đã. Bài thơ thuộc thể thất ngôn bát cú như sau: Một lỗ sâu, sâu mấy cũng vừa Duyên em dính dáng tự nghìn xưa Chành ra ba góc da còn thiếu Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa Mát mặt anh hùng khi tắt gió Che đầu quân tử lúc sa mưa Nâng niu ướm hỏi người trong trướng: “Phì phạch trong lòng đã chán chưa?” Để hiểu cái hay của từng câu từng chữ, trước hết ta cần phải có một ý niệm về cái quạt sản xuất và sử dụng ở Việt Nam. Quạt là một loại đồ dùng phổ biến khắp nơi trên thế giới, nhưng hình dạng cũng như cách cấu tạo không phải đều giống nhau. Đặc biệt quạt Việt Nam cho đến gần đây cũng vẫn được sản xuất rất thô sơ, làm bằng giấy màu tím,dán trên các nan tre bằng một thứ mủ cây cậy. Các nan tre xâu vào nhau ở một đầu qua một lỗ đục ở mỗi nan, và cái suốt ngang nơi con mắt quạt là một cái đinh kim loại cũng rất thô sơ, dễ bị bung ra. Khi mở quạt, thì chỉ có phần có giấy dán là liền lạc, còn phần gần lỗ suốt thì các nan tre tách xa nhau. Có thể dùng nhiều hoặc ít nan khi làm quạt, nên câu đầu, “một lỗ xâu, xâu mấy cũng vừa”, có nghĩa xâu vào bao nhiêu nan tre cũng được. Nhưng nghĩa bóng thì lại gợi hình ảnh khác. Câu thứ hai “Duyên em dính dáng tự nghìn xưa”, nói lên ý là mủ cây cậy nhiều khi lâu ngày vẫn còn chất dính. Nghĩa bóng thì cũng lại gợi cảm cách khác. Câu thứ ba, “Chành ra ba góc da còn thiếu” là nói về việc khi mở quạt thì vẫn còn những chỗ trống giữa các nan quạt. Nghĩa bóng tưởng khỏi cần bàn thêm. Câu thứ tư, “Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” nghĩa đen có ý nói những phần giấy phòi ra khi xếp quạt lại. Nghĩa bóng cũng quá rõ. Câu thứ năm, “Mát mặt anh hùng khi tắt gió”, nghĩa đen chỉ có ý nói quạt đem gió cho người sử dụng. Nghĩa bóng lại phong phú hơn, có ý nêu lên sự gần gũi giữa cái mặt của người “anh hung” với “cái quạt”. Cũng tương tự, câu thứ sáu, “Che đầu quân tử lúc sa mưa” nêu lên tầm quan trọng của “cái quạt”, che được cả đầu người “quân tử” nữa kia. Cũng cần để ý tính cách biền ngẫu của nhiều cặp từ trong bốn câu giữa, từ thứ ba đến hết thứ sáu, “chành ra-khép lại”, “ba góc-đôi bên”, “da còn thiếu-thịt vẫn thừa”, “mát mặt-che đầu”, “anh hùng-quân tử”, “khi tắt gió-lúc sa mưa”. Câu thứ bảy, “Nâng niu ướm hỏi người trong trướng” nghe thật âu yếm, dịu dàng. Nhưng đến câu thứ tám thì phang xuống thật tàn khốc: “Phì phạch trong lòng đã chán chưa?”, làm cho người đọc phải bật cười.Thì ra tất cả cuộc đời cũng chỉ gói gọn trong “cái quạt” mà thôi. Xin đừng nói chuyện “anh hùng”, “quân tử” ở đây làm chi cho mệt! Quý vị thảy đều dưới quyền chỉ huy sai phái của tôi hết! Phải nêu lên một ý cuối cùng nữa: Chữ “chán chưa” đảo ngược lại là “ chứa chan”, gợi lên một ý rất là thâm thúy nữa của bà chúa thơ Nôm. Ta thấy nhà thơ đặc biệt có tài dùng những chữ nói lái như vậy ở nhiều bài thơ khác của bà. Tỷ như “đốt đèn”, “lộn lèo”, “trái gió”, “nắng cực”, “mấy bồ”, vv… Nay xin nói về những lý do tại sao tôi đã chọn những chữ như trong bài dịch, chứ không phải những chữ khác. Chắc chắn quý bạn đọc sẽ thấy bản dịch của mỗi dịch giả đều rất khác nhau, và ngay cả ở một người cũng có thể có sự thay đổi trong cách dùng từ tùy theo thời điểm dịch. Rõ ràng là những bản dịch trước của tôi khác xa bản dịch mới nhất này. Về đầu đề, “Vịnh Cái Quạt”, có nhiều cách dịch. Đầu tiên, có thể dịch là “Song to a Fan”, tựa như hai bài thơ “Ode to a Skylark” của Shelley hay “Ode to a Nightingale” của Keats vậy. Tôi đã không dùng chữ “Ode” vì đó là một thể loại thơ đặc biệt của Anh, không có tương đương trong văn học cổ điển Việt Nam. Hoặc nếu gắng gượng tìm tương đương, thì có lẽ “Tụng tây Hồ Phú” của Nguyễn Huy Lượng có thể là một trường hợp thích đáng hơn. Cũng có thể dịch là “Song about a Fan” hay “Song for a Fan”. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ cách dịch thích hợp nhất lại là “Fan Song”, sát nghĩa hơn cả với đầu đề “Vịnh Cái Quạt” của nguyên tác. Câu thứ nhất, “Một lỗ xâu, xâu mấy cũng vừa”. (tôi thêm dấu phẩy ở giữa hai từ “xâu” để cho phân biệt rõ nghĩa, vì lối viết chữ Nôm thời xưa không có dung dấu phẩy, là cách viết sau này theo chữ Pháp). Chữ “lỗ xâu”, có thể dịch đơn giản là “a hole”, nhưng tôi nghĩ dùng chữ “a hollow hole” hay hơn, vì phản ánh được phần nào cái duyên dáng của việc dùng hai chữ cùng âm “x” là “xâu xâu” trong nguyên tác. Chữ “xâu” có nghĩa là xỏ, như đưa chỉ qua lỗ kim để khâu chẳng hạn. Có thể dùng chữ “insert” hoặc “thread”, nhưng tôi thấy chữ “thrust through” hay hơn, vì cách phát âm cũng tựa như chữ “thread”, nhưng có tính cách gợi cảm và mạnh mẽ hơn. Đồng thời, tôi cũng muốn lập lại cái trùng vần như “hollow hole” để tăng thêm phần dí dỏm. “Mấy” có thể dùng chữ “any” nhưng tôi thấy không hay bằng chữ “whatever”. Do đó “xâu mấy cũng vừa” sẽ là “for whatever thrusting through”. Câu thứ hai, “Duyên em dính dáng tự nghìn xưa”. “Tự nghìn xưa” có thể dịch là “Since antiquity”, “Since time immemorial”, nhưng đều có vẻ học giả khô cứng quá. Tôi chọn cách dịch cụm từ này theo sát tính chất đơn giản gần lời nói của nguyên tác, là “For a thousand years”. “Duyên” có thể là “charm” hay “appeal”. “Dính dáng” theo động từ sẽ là “stick”. Tôi chọn chữ “appeal” thay vì “charm”, vì chữ sau này cũng lại có một nghĩa khác là một thứ bùa ngải để dụ dỗ người ta. Chữ “em” không rõ là thuộc ngôi thứ ba, thứ hai hay thứ nhất. Tôi nghĩ dùng ngôi thứ nhất thì hay hơn cả, nên toàn câu dịch là “For a thousand years, I’ve had an appeal that sticks”. Điều này cũng nói lên tính tự tín của cái quạt, hay ở nghĩa bóng là người đàn bà. Câu thứ ba, “Chành ra ba góc da còn thiếu” thật là một cách tả hình dạng thật khéo, tôi dịch là “Spread into a triangle, my skin appears amiss”. Câu thứ tư, “Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” đối với câu trên.Tôi dịch là “Closed in on two sides, my flesh is somewhat redundant”. Câu thứ năm, “Mát mặt anh hùng khi tắt gió”. Chữ “anh hùng” nếu bình thường có người sẽ nghĩ phải dịch là “hero”. Theo tôi, chữ này chỉ có ý nghĩa đơn giản là một người đàn ông, nhưng vì tính chất đối nghịch với “quân tử”, nên phải hiểu là một người thiên về võ, ngược với ý nghĩa “văn” của người quân tử. Nếu như vậy, có thể dịch là “a warrior”, “a soldier”, nhưng từ chung nhất tôi nghĩ lại là “fighter”. Do đó, toàn câu được dịch là “I cool a fighter’s face when there’s no wind”. Câu thứ sáu, “Che đầu quân tử lúc sa mưa”, tôi dịch là “And cover a gentleman’s head when it’s raining hard”. Câu thứ bảy, “”Nâng niu ướm hỏi người trong trướng”. Chữ quan trọng là “nâng niu”, nói lên cái âu yếm của người đàn ông đối với “cái quạt”, có thể dịch là “fondling”, nhưng lại không sát lắm, vì chữ này mang ý nghĩa “sờ mó” không có trong nguyên bản. Tôi cho chữ “tenderly handling” đạt hơn, hơi mơ hồ nhưng lại mang tình hàm súc cao. Do đó toàn câu được dịch là “Ask the one gently handling me behind the curtains” Câu cuối, “Phì phạch trong lòng đã chán chưa”. Chữ “phì phạch” dịch là “fluttering”, gợi hình ảnh chim vỗ cánh, cũng như tiếng kêu của cái quạt tay khi quạt gió, mà vừa tượng thanh, vừa tượng hình, lại còn mang ý nghĩa “bồn chồn, rộn ràng, mong ước”, tỷ như trong câu “Her heart gave a flutter when the phone rang”. Do đó dùng chữ này theo tôi là đạt nhất. “Đã chán chưa”, đầu tiên tôi dịch là “Having your time’s worth”, thấy cũng hay. Nhưng ngẫm lại, khi khám phá ra cái chữ “chán chưa” lại có ý nói lái nữa, nên nếu tôi đổi là “had your fill” mới chuyển được trọn vẹn ý này. “Phì phạch trong lòng”, chữ “trong lòng” thật hay, đa nghĩa. Tôi dịch là “fluttering yourself inside” để tương ứng với sự hàm súc của nguyên bản. Toàn bài do đó được dịch như sau: FAN SONG A hollow hole for whatever thrusting through For a thousand years I’ve had an appeal that sticks Spread into a triangle, my skin appears amiss Closed in on two sides, my flesh is somewhat redundant I cool a fighter’s face when there’s no wind And cover a gentleman’s head when it’s raining hard Ask the one tenderly handling me behind the curtains “Had your fill, fluttering yourself inside?” Cũng xin để ý là trong khi dịch bài thơ ra Anh ngữ, tôi đã cố gắng vận dụng quy luật bằng trắc của thơ bảy chữ Việt Nam, dùng “cước vận” khi có thể, và giữ cho tính biền ngẫu của những câu thơ không bị phá hỏng. Trong tiếng Anh, ta cũng có thể thấy rất rõ hai vần bằng trắc ở một số trường hợp tương phản, tỷ như chữ “hot” thuộc vần trắc, đối với “cold” thụộc vần bằng, vv… Vấn đề dịch thơ Việt Nam ra Anh ngữ là một vấn đề tương đối mới mẻ và chưa được chú ý thực hiện nhiều. Nhất là đưa vấn đề ra thảo luận công khai thì lại gần như chưa bao giờ có. Công việc này dù bắt đầu bằng một người dịch, nhưng cần có sự đóng góp ý kiến của nhiều người cho bản dịch ngày càng hoàn chỉnh hơn để khi phổ biến rộng rãi ra thế giới, người dịch sẽ tránh được những lỗi lầm đáng tiếc và sẽ không bị chỉ trích quá đáng là đã “phản” thay vì “dịch”. Đã từng có vài người dịch thơ Việt ra Anh ngữ, tuy cho đến nay vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn xét xem bản dịch phản ánh được đến chừng nào nguyên tác, thì tôi chỉ nhớ một trường hợp độc nhất, khi nhà báo Bùi Bảo Trúc phê bình tài dịch của nhà thơ Hoa Kỳ John Balaban với bài “Chùa Xưa” của Hồ Xuân Hương, trong đó ông Trúc đã có những nhận xét khá tinh tế và cay độc chỉ ra rõ ràng những cái sai quá sơ đẳng không thể chấp nhận được của dịch giả. Tôi nghĩ nếu người Việt Nam có sự tự hào về truyền thống văn hóa của mình, thì nên đóng góp cho nhau và nêu lên những nhận xét cho những người dịch có cơ hội thấy ra nhữngsai sót của mình hầu cho bản dịch có thể phản ánh một cách chính xác và đầy đủ nhất cái hay của nguyên tác. Xin quý vị cao minh chỉ giáo cho. Và cũng xin các bạn trẻ lớn lên và đang sinh sống cũng như học tập ở nước ngoài còn thiết tha đến nền thơ văn Việt Nam và có óc tìm hiểu, nhiệt tình góp ý về những thắc mắc cũng như những sai sót của chúng tôi để sửa chữa làm sao cho bản dịch được ngày thêm hoàn mỹ. Chúng tôi xin đa tạ trước. KimVũ, tháng 8/2009 | Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |