Bài Toán Có Năm Tỷ đồng Nhờ Gửi Tiết Kiệm Cả đời - VnExpress

Tôi năm nay 30 tuổi, đã có vợ và hai con nhỏ, cả nhà đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chúng tôi hiện đã có nhà riêng nhờ vào sự hỗ trợ của hai bên gia đình, nên vấn đề chỗ ở không còn là gánh nặng. Mối quan tâm nhất của chúng tôi lúc này là hướng đầu tư, tích lũy thế nào cho tương lai? Bản thân tôi cũng từng tham khảo ý kiến của nhiều anh chị đi trước cũng như bạn bè xung quanh. Nhiều người khuyên tôi nên sớm đầu tư vào chứng khoán, bất động sản để đạt hiệu suất sinh lời tốt nhất.

Tuy nhiên, có lẽ do không phải dân đầu tư chuyên nghiệp, kiến thức lại hạn chế, nên tôi không chọn cách này. Tôi và vợ bàn tính với nhau rất nhiều, và đi đến kết luận thay vì đem tiền đi đầu tư chỗ nọ, chỗ kia như xu hướng bây giờ, chúng tôi sẽ tập trung vào gửi tiết kiệm tích lũy. Nghe vậy, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là một quyết định dại dột. Nhiều người bạn của tôi cũng phản đối với lý do "tiền ném vào ngân hàng cũng chỉ để mất giá thôi chứ lợi lộc gì?".

Nhưng theo quan điểm của mình, tôi làm một bài toán thế này. Hiện tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi là 30 triệu đồng. Trừ hết các khoản chi tiêu sinh hoạt, học hành của con cái, chi tiêu cá nhân, và các khoản phát sinh khác, mỗi tháng chúng tôi có thể để dư được ít nhất năm triệu đồng. Và chúng tôi sẽ dồn toàn bộ số tiền cố định này vào tài khoản tiết kiệm của ngân hàng.

Với thời gian còn lại là 35 năm đi làm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, tổng số tiền vốn gửi ngân hàng của tôi sẽ vào khoảng hơn hai tỷ đồng. Nếu tính lãi suất gửi tiết kiệm với số tiền đó trong ngần ấy năm, tôi cũng có thể tích lũy được đâu đó năm tỷ đồng. Vậy là sau khi kết thúc sự nghiệp, vợ chồng tôi có thể yên tâm về hưu với số tiền năm tỷ đồng trong tay (chúng vẫn sẽ tiếp tục sinh lời). Chưa kể chúng tôi còn có lương hưu. Hai vợ chồng già, ăn uống chẳng bao nhiêu, tiêu pha chẳng mấy, tôi nghĩ mình dư sức sống an nhàn, vô lo vô nghĩ đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

>> Bạn bè nói tôi dại khi để 1,5 tỷ đồng trong ngân hàng

Có người nói với chúng tôi rằng, vậy chẳng lẽ suốt cả cuộc đời đi làm không sắm sửa gì lớn? Tiền gửi ngân hàng rồi thì còn đâu mà mua? Tuy nhiên, tôi không lo lắm về vấn đề này, vợ chồng tôi vẫn còn tiền thưởng trong năm, tiền thưởng Tết, những khoản phụ bên ngoài từ các công việc làm thêm. Số tiền đó sẽ là một khoản dư ra để chúng tôi chi tiêu mua ôtô, đi du lịch, hay sắm sửa các vật dụng cho gia đình, đầu tư cho con cái.

Trong suy nghĩ của tôi, gửi tiết kiệm là phương án an toàn nhất trong các hình thức đầu tư. Tất nhiên, điểm yếu của nó là lãi suất thấp, thời gian đầu tư dài, tiền dễ mất giá. Có thể số tiền hơn năm tỷ đồng của tôi khi về già chỉ bằng một nửa giá trị so với bây giờ. Có thể điều đó đúng, nhưng xét về độ an toàn đầu tư, cũng như tâm lý thoải mái suốt hơn ba chục năm trời, tôi nghĩ nó vẫn đáng giá.

Tôi từng đem quan điểm tích lũy cho tương lai này chia sẻ với nhiều người. Phần lớn họ gạt phăng, nói rằng giờ chẳng ai làm vậy, biết đến bao giờ mới giàu? Đúng là có thể tôi sẽ chẳng bao giờ giàu được với tư duy tích lũy của mình, nhưng đổi lại tôi sẽ chẳng lo sợ rủi ro đến mức trắng tay, hay ngày nào cũng đau đầu tìm cách đầu tư vào đâu để sinh lời. Cuộc sống nhẹ nhàng, chậm rãi, không phải lo toan, với tôi là đủ.

Nếu phải đưa ra một lời khuyên cho các bạn trẻ, tôi sẽ nói "hãy tập trung tích lũy ngay từ khi còn trẻ, nếu bạn không thực sự giỏi đầu tư". Mỗi tháng chỉ cần bỏ ra một, hai triệu đồng, tích lũy đến khi về hưu, bạn cũng sẽ có một khoản tiền đủ để sống tốt suốt tuổi già. Nếu lo lắng về sức khỏe, bạn có thể đầu tư thêm vào Bảo hiểm nhân thọ. Lỡ có bất trắc, ít nhất bạn vẫn có thể để lại một số tiền cho con cháu, còn nếu may mắn sống thọ thì bạn cũng có thể yên tâm vì được tự lập, không phải làm phiền tới con cháu. Bạn có nghĩ tôi sai lầm không?

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

  • Tự do tài chính tuổi 38 vì không chọn tiết kiệm
  • 30 năm trước họ giàu, nay nghèo
  • Tiền tiết kiệm thời trẻ là sức mạnh của tuổi già
  • 'Sống hưởng thụ vì tiết kiệm chẳng được bao'
  • Lương 20 triệu không tiết kiệm được đồng nào
  • 23 năm tiết kiệm để có tài sản 12 tỷ đồng

Từ khóa » Giàu Nhờ Tiết Kiệm