Bản án Về Tội Sản Xuất, Buôn Bán Hàng Giả Là Phụ Gia Thực Phẩm Số ...
Có thể bạn quan tâm
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ NHA TRANG, TỈNH KHÁNH HÒA
BẢN ÁN 70/2022/HS-ST NGÀY 04/03/2022 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ PHỤ GIA THỰC PHẨM
Ngày 04 tháng 3 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự thụ lý số: 442/2021/HSST ngày 25 tháng 11 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2022/QĐXXST - HS ngày 05 tháng 01 năm 2021, Quyết định hoãn phiên tòa ngày 21/01/2022 và ngày 11/02/2022 đối với bị cáo:
Lâm Phát T, sinh năm 1974 tại Khánh Hòa; nơi đăng ký hộ khẩu: Số 04 đường H, phường V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Hoa; tôn giáo: không; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 10/12; con ông Lâm Long H (chết) và bà Lê Ngọc H1 (chết); có vợ Nguyễn Lương Kim K (sinh năm: 1978) và 03 con, con lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2015; tiền án; tiền sự: không; tạm giam: Bị cáo chấp hành bản án hình sự số 312/2019/HSST ngày 27/11/2019 của Tòa án nhâ dân thành phố N từ ngày 11/5/2020 đến ngày 20/11/2020 (bản án này bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm); bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên tòa.
- Bị hại: Công ty A Trụ sở: Khu Công nghiệp B, phường A, thành phố B, tỉnh Đồng Nai. Người đại diện theo pháp luật: Ông K – Tổng Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền:
Ông Vũ Quốc H. Địa chỉ: Ấp T, xã Phước T, huyện X, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Phan Thanh S. Địa chỉ: Tổ 12 xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; vắng mặt
2. Ông Đặng Minh P. Nơi ĐKNNTT: đường T, phường V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; vắng mặt
3. Công ty TNHH XNK và Dịch vụ Thương mại K. Địa chỉ: Lô số 3, khu đô thị mới T, phường K, thành phố M, tỉnh Quảng Ninh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Xuân T - Giám đốc; vắng mặt
4. Công ty TNHH Sản xuất thương mại T Trí. Địa chỉ: đường B, phường H, huyện T, Tp. Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Bà Phạm Thị C - Giám đốc; vắng mặt
- Người làm chứng:
1. Bà Nguyễn Lương Kim K. Địa chỉ: Tổ 8, thôn P, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa; vắng mặt.
2. Bà Nguyễn Thị Thu H. Địa chỉ: đường K, TDP Phú Lộc Đ, thị trấn D, huyện D, tỉnh Khánh Hòa; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Lâm Phát T là nhân viên bán hàng tự do các mặt hàng thực phẩm và phụ gia thực phẩm trong đó có bột ngọt hay còn gọi là bột mì chính. Vào các ngày 28 tháng 9 năm 2017, ngày 23 tháng 10 năm 2017 và ngày 04 tháng 01 năm 2018, T vào thành phố Hồ Chí Minh mua 4.250 (Bốn nghìn hai trăm năm mươi) kilogam phụ gia thực phẩm Monosodium Glutamate, xuất xứ từ Trung Quốc của Công ty trách nhiệm hữu hạn T để về phân từng gói theo khối lượng kilogam để cung cấp cho các tiểu thương tại chợ Thành, huyện Diên Khánh, khu vực thành phố Cam Ranh và các dịch vụ nấu ăn, tiệc cưới tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Khoảng đầu tháng 01 năm 2018, để có tiền chi tiêu trong cuộc sống, T mua thêm bao bì nhựa nhãn hiệu Ajinomoto các loại 100 gam, 454 gam, 01 kg tại Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh mang về tổ 04, thôn 8 thôn P, xã V, thành phố N tự đóng gói giả bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto. Để giới thiệu sản phẩm do mình làm ra, T đã đóng gói 06 thùng tương đương với khoảng 84 kilogam để làm hàng mẫu, cụ thể như sau:
- Loại 01 kilogam: 02 thùng x 12 gói/thùng = 24 kilogam;
- Loại 454 gam: 02 thùng x 40 gói/thùng = 36,320 kilogam;
- Loại 100 gam: 02 thùng x 120 gói/thùng = 24 kilogam.
Sau khi đóng gói xong, T thuê xe của Phan Thanh S chở 03 thùng (mỗi chủng loại 01 thùng) kèm với 107 thùng bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto (hàng thật) giao cho Đặng Minh P và 03 thùng (mỗi chủng loại 01 thùng) kèm với 37 thùng bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto (hàng thật) cho một người phụ nữ tên H để tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn huyện Diên Khánh và thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ 06 thùng bột ngọt làm giả, Ti làm hàng mẫu nên không lấy tiền và số hàng giả trên đã tiêu thụ hết.
Để có nguồn hàng cung ứng ra thị trường, ngày 09/01/2018, T tiếp tục đóng gói để sản xuất giả bột ngọt (bột mì chính) nhãn hiệu Ajinomoto, khi chuẩn bị chuyển hàng đi giao thì Lâm Phát T bị Đoàn kiểm tra phát hiện, bắt quả tang với tổng khối lượng tương ứng so với hàng nhãn hiệu Ajinomoto thật là 1.059 kg (Một nghìn không trăm năm mươi chín kí lô gam).
Ngày 14 tháng 4 năm 2018, Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 - Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành Thông báo kết quả giám định số 0045/N3.18/TĐ kết luận:
- 9.1) Mẫu giám định Bột ngọt Ajinomoto loại 1kg có kết quả các chỉ tiêu thử nghiệm nêu tại mục 8.3 phù hợp với mức quy định nêu tại mục 7.1.
- 9.2) Hai mẫu giám định Bột ngọt Ajinomoto loại 454g và loại 100g có kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu nêu tại mục 8.3 (stt 5, stt 8 - phần in đậm) không phù hợp với mức quy định nêu tại mục 7.1, các chỉ tiêu còn lại phù hợp.
- 9.3) Cả 3 mẫu giám định có kết quả kiểm tra về ngoại quan, bao bì, ghi nhãn nêu tại mục 8.2 (phần in đậm) khác với kết quả kiểm tra tương ứng của các mẫu so sánh nêu tại mục 7.2.
- 9.4) Hiện tại, chúng tôi chưa có cơ sở để xác định các mẫu giám định này có phải do công ty Ajinomoto Việt Nam sản xuất hay không.
Ngày 03 tháng 5 năm 2018, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Khánh Hòa có Kết luận giám định số 199/SĐTP/2018 kết luận:
1. Các mẫu cần giám định có ký hiệu từ A1 đến A18 và A22 đến A24 so với các mẫu so sánh cùng loại tương ứng có ký hiệu từ M1 đến M30 và từ M34 đến M36 không phải do cùng bản in in ra.
2. Các mẫu cần giám định có ký hiệu từ A19 đến A21 và A25 đến A27 so với các mẫu so sánh cùng loại tương ứng có ký hiệu từ M31 đến M33 và từ M37 đến M39 là do cùng bản in in ra.
Ngày 31 tháng 5 năm 2018, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự - Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có Kết luận về việc định giá tài sản số 2124/KL-HĐĐGTS xác định:
- 360 gói Bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto loại 01kg/gói (hàng thật) là:
21.600.000 đồng;
- 1.280 gói Bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto loại 454g/gói (hàng thật) là:
36.480.000 đồng;
- 1.128 gói Bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto loại 100g/gói (hàng thật) là:
7.896.000 đồng;
Tổng khối lượng bị cáo đã sản xuất bột ngọt giã nhãn hiệu Ajinomoto là 1.143 kilogam tương ứng với số tiền của hàng thật là: 71.376.000 đồng.
Tại bản Cáo trạng số 370/CT-VKS-NT ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã truy tố bị cáo Lâm Phát T về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật hình sự 2015.
Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang thực hành quyền công tố đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản 1 Điều 193, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015, xử phạt bị cáo Lâm Phát T từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Về trách nhiệm dân sự: Bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, đề nghị tách ra nếu sau này có yêu cầu. Về xử lý vật chứng: Vật chứng đã được xử lý theo bản án số 312/2019/HSST ngày 27 tháng 11 năm 2019, nên không xét; tuyên án phí và quyền kháng cáo theo quy định.
Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội như Cáo trạng truy tố, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, trở về với gia đình và xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa, bị hại, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. Xét thấy, việc vắng mặt của họ không gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, nên Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt người họ theo quy định tại Điều 292 và Điều 293 của Bộ luật tố tụng hình sự.
[2] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Nha Trang, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
[3] Về hành vi phạm tội của bị cáo:
[3.1] Tại phiên tòa bị cáo Lâm Phát T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, vật chứng đã thu giữ được và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, do đó có đủ cơ sở kết luận: Sau khi bị cáo mua được mua 4.250 kilogam phụ gia thực phẩm Monosodium Glutamate (xuất xứ từ Trung Quốc) và bao bì nhựa nhãn hiệu Ajinomoto các loại 100 gam, 454 gam, 01 kg tại Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh mang về tổ 04, thôn 8 thôn P, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Với mục đích thu lợi bất chính nên vào đầu tháng 01/2018 bị cáo đã tiến hành lấy 84 kilogam phụ gia thực phẩm Monosodium Glutamate để làm giả 06 thùng bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto với các chủng loại 1 kilogam, 450 gam, và loại 100 gam và giao cho ông Đặng Minh P và bà H (mỗi người 03 thùng) để bán, kèm với số lượng hàng thật mà bị cáo từng giao cho họ, để xem mức độ tiêu thụ loại bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto như thế nào. Sau khi biết ông P và bà H bán được hàng số hàng giả nói trên, nên vào ngày 09/01/2018 bị cáo tiếp tục dùng 1059 kilogam phụ gia thực phẩm Monosodium Glutamate để làm giả bột ngọt nhãn hiệu của Ajinomoto, cũng với các chủng loại nói trên để tiếp tục bán ra thi trường, thì bị Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật Đội quản lý thị trường phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh Khánh Hòa (PC49) bắt quả tang, thu giữ toàn bộ số tang vật nói trên.
[3.2] Như vậy, bị cáo đã có hành vi đóng gói, làm giả và đem đi tiêu thụ số lượng 1.143 kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, trên tổng số 4.250 kg phụ gia Monosodium Glutamate. Số lượng hàng giả tương ứng với số tiền của hàng thật là 71.376.000 đồng. Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự 2015.
[3.3] Do đó, Cáo trạng số 370/CT-VKSNT ngày 24/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nha Trang truy tố bị cáo phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự 2015, là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
[4] Đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy:
Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự của nền sản xuất hàng hóa, làm mất sự ổn định của thị trường, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty Ajinomoto, cũng như quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Bị cáo nhận thức rõ việc sản xuất, mua bán hàng giả là phụ gia thực phẩm bị pháp luật cấm nhưng vẫn thực hiện. Bị cáo đã có 02 lần thực hiện hành vi làm giả và các lần làm giả này đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nên bị cáo bị áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 2 Điều 52 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử nhận thấy cần xử phạt các bị cáo mức án đủ nghiêm, tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội. Tuy nhiên, xét thấy quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bản thân bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, gia đình có công với cách mạng nên Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015 để bị cáo thấy được sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật mà an tâm cải tạo, sớm trở về với gia đình và xã hội.
[5] Về một số nội dung khác:
[5.1] Số lượng phụ gia thực phẩm Monosodium Glutamate 3107 kg (4250 kg -1143kg (khối lượng bị cáo làm giả). Đối với khối lượng này, bị cáo không làm giả mà đóng gói trong bao lynon và bán trực tiếp người cho người dân. Monosodium Glutamate là phụ gia thực phẩm được quyền mua bán trên thị trường, nên việc bị cáo bán 3107 kg phụ gia này trên thị trường không cấu thành tội phạm.
[5.2] Về số tiền thu lợi bất chính:
Sau khi có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã tiến hành điều tra lại. Kết quả điều tra lại cho thấy lần thứ nhất bị cáo làm giả 84kg, giả nhãn hiệu Ajinomoto. Số lượng này bị cáo đã giao cho ông Đặng Minh P và bà H. Tại phiên tòa, bị cáo khai rằng, số lượng 6 thùng hàng giả cung cấp cho bà H và ông P là hàng mẫu giao cho họ bán thử, bị cáo không lấy tiền. Sau khi trả hồ sơ, cơ quan điều tra không tiến hành đối chất được ông Đặng Minh P do ông P đã thay đổi nơi cư trú, cũng như bà H. Do đó, không có đủ căn cứ để xác định bị cáo có thu lời bất chính đối với số hàng giả 84kg này.
Đối với khối lượng 1143kg làm giả nhãn hiệu Ajinomoto, bị cáo chưa tiêu thụ được thì bị phát hiện và thu giữ, nên bị cáo chưa thu được khoản lợi do làm giả nhãn hàng Ajinomoto.
Do đó, không có đủ căn cứ để buộc bị cáo phải nộp tiền thu lợi bất chính do hành vi phạm tội của mình.
[5.3] Đối với Phan Thanh S đã giúp Lâm Phát T chở, giao hàng cho Đặng Minh P và người phụ nữ tên H nhưng không biết bị cáo sản xuất, buôn bán hàng giả nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự.
[5.4] Đối với Đặng Minh P đã mua bột ngọt để bán lại cho các tiệm tạp hóa nhưng không biết là có một số lượng bột ngọt Ajinomoto giả, nên không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
[6] Về trách nhiệm dân sự: Bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, nên tách ra để giải quyết bằng một vụ án khác, nếu sau này họ có yêu cầu.
[7] Về vật chứng vụ án: Các vật chứng đã được xử lý theo Bản án số 312/2019/HSST ngày 27 tháng 11 năm 2019, nên Hội đồng xét xử không xét.
[8] Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 21, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ khoản 1 Điều 193, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự 2015. Xử phạt bị cáo Lâm Phát T 02 (hai) năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án. Bị cáo được trừ thời gian đã chấp hành án từ ngày 11/5/2020 đến ngày 20/11/2020.
2. Về trách nhiệm dân sự: Bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, nên tách ra để giải quyết bằng một vụ án khác, nếu sau này họ có yêu cầu.
3. Về án phí: Áp dụng Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
4. Quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản ánNguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn
Từ khóa » Xét Xử Buôn Bán Hàng Giả
-
Bản án 45/2021/HS-ST Ngày 12/07/2021 Về Tội Sản Xuất, Buôn Bán ...
-
Sản Xuất, Buôn Bán Hàng Giả Bị Phạt Tới 15 Năm Tù
-
Hủy án Vụ Sản Xuất, Buôn Bán Hàng Giả - Báo Hậu Giang
-
Lĩnh án 30 Tháng Tù Treo Về Hành Vi Buôn Bán Hàng Giả
-
Kinh Môn: Xét Xử Vụ án Sản Xuất, Buôn Bán Hàng Giả
-
21 Năm Tù Cho Các đối Tượng “Sản Xuất, Buôn Bán Hàng Giả”
-
Một Số Vấn đề Về Tội Sản Xuất, Buôn Bán Hàng Giả Và Tội Xâm Phạm ...
-
Tội Sản Xuất, Buôn Bán Hàng Giả Và Những Vấn đề Pháp Lý
-
Khởi Tố Vụ án Sản Xuất Buôn Bán Hàng Giả Quy Mô Lớn
-
Buôn Bán Hàng Giả Là Thuốc Chữa Bệnh - Báo Tuổi Trẻ
-
Xét Xử Vụ Buôn Bán Thuốc Giả: Triệu Tập đại Diện Bộ Y Tế Với Tư Cách ...
-
3 Bị Cáo Lĩnh 17 Năm Tù Vì Sản Xuất, Buôn Bán Hàng Giả Là Thuốc Chữa ...
-
Xét Xử Vụ Buôn Bán Hàng Giả ống Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong
-
Vận Chuyển Hàng Giả Thì Phạm Tội Gì? - LuatVietnam