Bàn Chân Bẹt: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị• Hello Bacsi

Bàn chân bẹt ở trẻ là một dị tật khá phổ biến. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, hội chứng bàn chân bẹt có thể gây đau và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, vận động của trẻ em.

Trong dân gian có quan niệm cho rằng người sở hữu bàn chân bẹt (lòng bàn chân đầy, to) sẽ có cuộc sống sung túc, làm việc gì cũng gặt hái thành công, luôn được giúp đỡ khi càn, cuộc sống gia đình bình an hạnh phúc. Tuy nhiên theo góc nhìn của khoa học hiện đại, bàn chân bẹt là một dị tật bẩm sinh có thể gây ra một số vấn đề cho sức khỏe và sinh hoạt. Vậy, làm thế nào để nhận biết trẻ có những dấu hiệu của bàn chân bẹt để can thiệp kịp thời? Nguyên nhân và cách điều trị dị tật này là gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ thông qua bài viết dưới đây!

Hội chứng bàn chân bẹt là gì?

Bàn chân bẹt là tình trạng lòng bàn chân bằng phẳng, không có vòm, không có hõm cong tự nhiên khi đứng trên mặt đất.

Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều có bàn chân bẹt. Nguyên nhân là vì lúc này, cấu trúc bàn chân của bé chủ yếu là các mô mềm, và ở viền trong của bàn chân bé có một lớp mỡ che đi vòm bàn chân.

Bàn chân bẹt ở trẻ có thể kéo dài suốt thời thơ ấu do xương và khớp của trẻ nhỏ rất linh hoạt, khiến bàn chân của bé bị bẹt khi đứng.​ Cho đến khi trẻ được từ 2 đến 3 tuổi, vòm bàn chân sẽ bắt đầu phát triển hoàn thiện. Chỉ khoảng 10-20% trẻ không phát triển vòm bàn chân và tiếp tục có bàn chân bẹt sau độ tuổi này.

Bàn chân bẹt thường không gây đau cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị đúng đắn để hạn chế những biến chứng do bàn chân bẹt gây ra cho trẻ.

Nhận biết dấu hiệu bàn chân bẹt ở trẻ

bàn chân bẹt ở trẻ em

Để nhận biết xem trẻ có bị dị tật bàn chân bẹt hay không, cha mẹ có thể quan sát bàn chân của bé khi bé đứng. 

Nếu quan sát thấy lòng bàn chân của trẻ phẳng lì, cạnh trong của bàn chân (phần vòm) có khuynh hướng áp xuống chạm với sàn khi đi đứng, thì đó chính là dấu hiệu bàn chân bẹt ở trẻ em. Mặc dù cha mẹ đôi khi vẫn có thể nhìn thấy vòm bàn chân khi nhấc bàn chân của bé lên, nhưng hõm cong sẽ biến mất khi bé đứng.

Bên cạnh đó, trẻ có bàn chân bẹt nhìn từ đằng sau, có thể thấy cong ra phía ngoài ở vị trí mắt cá chân, khớp gối có khuynh hướng chụm vào nhau. 

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể nhận biết trẻ có bàn chân bẹt hay không khi áp dụng một trong hai phương pháp sau:

  • Cách 1: Làm ướt bàn chân của bé với nước hoặc màu nước, sau đó đặt chân bé lên giấy trắng sao cho in rõ hình bàn chân. Nếu nhìn thấy cả bàn chân của bé, không có hõm cong, thì đấy là tình trạng bàn chân bẹt ở trẻ.
  • Cách 2: Làm ướt bàn chân bé với nước rồi in chân bé lên cát. Nếu cát lún và in hình bàn chân có đường cong thì chân trẻ bình thường. Nếu quan sát thấy được cả bàn chân của bé thì có thể trẻ đã mắc hội chứng bàn chân bẹt.
Một số trẻ có bàn chân bẹt dạng linh hoạt, khiến phần vòm có thể được nhìn thấy khi trẻ ngồi hoặc đứng nhón chân, nhưng sẽ biến mất khi trẻ đứng thẳng. 

Hầu hết trẻ mắc dị tật bàn chân bẹt không cảm thấy đau đớn gì. Tuy nhiên, một số trẻ cũng có thể gặp phải những triệu chứng sau liên quan đến bàn chân bẹt:

  • Đau chân, đặc biệt là ở vùng cổ chân hoặc vòm bàn chân
  • Cơn đau có thể tồi tệ hơn trong khi đi bộ, thay đổi dáng đi, hoạt động
  • Đau lan lên mắt cá chân, cẳng chân, đầu gối…
  • Sưng dọc theo mắt cá trong của chân
  • Dễ bị chuột rút ở chân
  • Gặp khó khăn hoặc vụng về khi chơi thể thao, dễ té ngã.

Nguyên nhân gây bàn chân bẹt ở trẻ

Nguyên nhân gây bệnh bàn chân bẹt ở trẻ em

Dị tật bàn chân bẹt ở trẻ có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Di truyền: Hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ em có thể do di truyền nếu ba mẹ có tiền sử bị bàn chân bẹt.
  • Dị tật bẩm sinh: Nếu trẻ bị dị tật xương sên đứng dọc, vòm bàn chân không thể hình thành. Nếu xương bàn chân không phát triển bình thường trong bụng mẹ, trẻ cũng có thể mắc phải hội chứng bàn chân bẹt bẩm sinh.
  • Chấn thương: Vòm chân của trẻ có thể bị sụp đột ngột sau một chấn thương. Chấn thương có thể khiến gân chạy dọc bên trong mắt cá chân bị suy yếu hoặc rách, hoặc khiến gân gót chân Achilles bị chấn thương, hoặc gây gãy xương…
  • Các mô ở bàn chân bị kéo căng: Tình trạng này có thể do bé hoạt động quá sức, mang giày không phù hợp, cũng có thể do chấn thương.
  • Dây chằng lỏng lẻo: Nếu dây chằng bị lỏng lẻo, xương bàn chân sẽ không được cố định tốt, dẫn đến mất vòm bàn chân và gây ra tình trạng bàn chân bẹt ở trẻ.
  • Mắc các bệnh ảnh hưởng đến cơ, dây thần kinh hoặc khớp trong toàn bộ cơ thể: Việc trẻ mắc một trong các bệnh như bại não, nứt đốt sống… có thể ảnh hưởng đến cơ, khớp và dây thần kinh trong toàn bộ cơ thể, gây ra dị tật bàn chân bẹt.
  • Mắc phải các rối loạn di truyền: Trẻ mắc một số loại rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down hoặc bệnh tạo xương không hoàn hảo, có thể có bàn chân bẹt.

Ngoài ra, một số yếu tố cũng có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh bàn chân bẹt ở trẻ em, bao gồm:

  • Béo phì
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Bệnh tiểu đường
  • Có vấn đề cơ bắp… 

Đọc thêm

Mẹ biết gì về chứng đau bàn chân ở trẻ?

Hội chứng bàn chân bẹt có nguy hiểm không?

bàn chân bẹt

Vòm bàn chân đóng vai trò rất quan trọng trong việc chịu lực, giữ thăng bằng, giúp bé đi đứng nhẹ nhàng hơn, giảm bớt phản lực từ mặt đất dội lên bàn chân. Nếu trẻ mắc hội chứng bàn chân bẹt, bé có thể bị mất thăng bằng cơ thể, hạn chế khả năng vận động, dễ bị ngã khi chạy nhảy do bàn chân không đủ linh động.

Tác hại của dị tật bàn chân bẹt ở trẻ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bệnh lý này không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách kịp thời. Trẻ có bàn chân bẹt có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến dạng bàn chân: Khi đi lại, cạnh trong của bàn chân có khuynh hướng áp sát xuống đất, khiến bàn chân bị biến dạng về lâu dài.
  • Tác động xấu đến khớp cổ chân: Khi di chuyển, gót chân của trẻ bị bàn chân bẹt sẽ bị vẹo hếch ra ngoài, mặt trong của chân đổ vào trong, khiến khớp cổ chân bị ảnh hưởng.
  • Viêm hoặc thoái hóa khớp gối: Dị tật bàn chân bẹt ở trẻ em khiến các xương ở cẳng chân và các khớp gối bị xoay lệch nhiều khi trẻ chảy nhảy, gây đau, sưng, viêm hay thậm chí là thoái hóa khớp gối sớm. 
  • Ảnh hưởng lưng và cổ: Sự lệch trục cơ thể gây mất thăng bằng cũng có thể ảnh hưởng đến lưng và cổ, gây đau tại những vị trí này.
  • Các bệnh lý khác: Cong vẹo cột sống, cấu trúc ngón chân cái bất thường, gai gót chân, viêm cân gan chân…

Đọc thêm

Tác hại của bàn chân bẹt đối với trẻ em

Trẻ bị bệnh bàn chân bẹt: Khi nào nên đi khám?

bác sĩ khám bàn chân bẹt ở trẻ

Nếu nhận thấy con có dấu hiệu bàn chân bẹt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Mặt khác, nếu dị tật bàn chân bẹt ở trẻ gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng vận động bé, cha mẹ không nên chần chừ mà hãy đưa trẻ đi khám để tìm được hướng điều trị phù hợp nhất. 

Phương pháp chẩn đoán bàn và điều trị bàn chân bẹt ở trẻ 

1. Chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng bàn chân bẹt ở trẻ bằng cách đánh giá các triệu chứng và đánh giá xem vòm bàn chân của bé trông như thế nào khi bé đứng, ngồi và đi lại.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định chụp X-quang bàn chân để quan sát cấu trúc xương bàn chân của bé.

2. Cách điều trị bàn chân bẹt ở trẻ

điều trị bàn chân bẹt ở trẻ

Phẫu thuật bàn chân bẹt ở trẻ: Khi nào cần thực hiện?

Phương pháp phẫu thuật hiếm khi cần thiết để điều trị bàn chân bẹt ở trẻ. Phương pháp này chỉ được lựa chọn khi bệnh nhi đã thử áp dụng các phương pháp điều trị khác mà không hiệu quả. 

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo trẻ bị bàn chân bẹt chỉ nên phẫu thuật khi dị tật này gây đau dữ dội, hạn chế các hoạt động hằng ngày của bé. Phẫu thuật trong trường hợp này có thể giúp khắc phục các vấn đề về xương, mô hoặc cơ ở bàn chân và các tác nhân gây ra cơn đau nghiêm trọng.

Sử dụng đế chỉnh hình bàn chân

Các dụng cụ hỗ trợ như nẹp chỉnh hình bàn chân, đế lót giày chỉnh hình bàn chân bẹt… có thể giúp giảm các triệu chứng đau và ngăn ngừa các biến chứng do hội chứng bàn chân bẹt gây ra. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ không chữa khỏi dị tật bàn chân bẹt ở trẻ.

Vật lý trị liệu và bài tập rèn luyện thể chất

Trẻ có thể cần phải đến gặp chuyên viên về vật lý trị liệu để được hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Các bài tập giúp kéo dài, tăng cường cơ bắp và gân ở bàn chân, tập luyện với bóng tennis… có thể giúp cải thiện tình trạng bàn chân bẹt ở trẻ.

Chuyên viên vật lý trị liệu cũng có thể hướng dẫn bé những bài tập để cải thiện dáng đi, cải thiện tính linh hoạt của bàn chân và khả năng vận động.

Tuy nhiên, những bài tập này thường không phát huy hiệu quả tốt nhất nếu chỉ tiến hành đơn lẻ. Cần kết hợp vật lý trị liệu với các dụng cụ chỉnh hình bàn chân theo hướng dẫn của bác sĩ để có hiệu quả điều trị tốt nhất.

Đọc thêm

Hướng dẫn cách trị bàn chân bẹt tại nhà cho trẻ em

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về dị tật bàn chân bẹt ở trẻ, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời và đúng cách.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin và đặt khám ngay tại: Phòng khám Đa khoa Thành Công – Đặt lịch hẹn khám với BS. Nguyễn Thị Trúc Mai

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » đế Chỉnh Hình Bàn Chân Bẹt