Bạn Có Biết: Ninh Bình Có Mấy Thành Phố Và Có Bao Nhiêu Huyện???

I. Lịch sử hình thành tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình vào đời Tần (năm 255 - 207 trước công nguyên) thuộc Tượng quận. Trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ hai (năm 207 - 542 sau công nguyên), dưới đời nhà Hán thuộc quận Giao Chỉ, dưới đời nhà Ngô (năm 266 – 280) và đời nhà Tấn (năm 280 – 420) thuộc Giao Châu, đến cuối đời nhà Lương (năm 502 – 542) là châu Trường Yên.

Khi Lý Nam Đế đánh đuổi quân Lương, lập nên nhà Tiền Lý (năm 542 - 602) thì vẫn là châu Trường Yên nhưng là của nước Vạn Xuân. Trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 3 (năm 603 - 905) dưới đời nhà Tùy và nhà Đường đất này vẫn được gọi là châu Trường Yên.

Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước lập nên triều Đinh (năm 968 - 980) đóng đô ở Hoa Lư thì đất này gọi là châu Đại Hoàng của nước Đại Cồ Việt.

Ninh BìnhNinh Bình - vùng đất gắn liền với mốc lịch sử Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân

Đến đời Tiền Lê (năm 981 - 1009) gọi là châu Trường Yên. Đời nhà Lý (năm 1010 - 1225) gọi là phủ Trường Yên. Đến đầu đời Trần gọi là lộ, sau đổi là trấn Trường Yên. Đến năm 1398, đời Trần Thuận Tông đổi thành trấn Thiên Quan. Thời kỳ thuộc Minh (năm 1407 - 1428) lại gọi là châu Trường Yên. Đến đầu triều Lê vẫn theo như đời Trần trước là trấn Trường Yên.

Dưới triều Lê Thái Tông (năm 1433 - 1442) chia làm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan thuộc về trấn Thanh Hoa (Thanh Hoá ngày nay) gồm 6 huyện. Phủ Trường Yên có 3 huyện Gia Viễn, Yên Khang và Yên Mô; phủ Thiên Quan gồm 3 huyện Phụng Hoá, Ninh Hoá và Lạc Thổ. Đến năm 1469 đời vua Lê Thánh Tông định bản đồ toàn quốc, cho nhập 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan vào trấn Sơn Nam.

Đến đời nhà Mạc (năm 1527 - 1592) gọi hai phủ này là Thanh Hoa ngoại trấn, ngăn cách với Thanh Hoa nội trấn bởi dãy núi Tam Điệp. Nhà Lê Trung Hưng đóng đô ở Thanh Hoa. Từ phủ Trường Yên trở ra ngoài bắc do nhà Mạc cai quản; còn từ Trường Yên trở vào, bắt đầu từ năm 1533 do nhà Lê Trung Hưng quản. Hai địa danh Thanh Hoa nội trấn và Thanh Hoa ngoại trấn bắt đầu có từ đấy.

Sau khi nhà Mạc bị diệt năm 1592, nhà Lê lại đem 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan nhập vào Thanh Hoa vẫn gọi là Thanh Hoa ngoại trấn. Thời Tây Sơn cũng gọi là Thanh Hoa ngoại trấn thuộc Bắc Thành.

Dưới triều Nguyễn vẫn theo như cũ: Thanh Hoa ngoại trấn gồm 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan với 6 huyện là Yên Mô, Yên Khang, Gia Viễn, Yên Hoá, Phụng Hoá và Lạc Thổ.

Năm 1806, đổi Thanh Hoa ngoại trấn gọi là đạo Thanh Bình vẫn thuộc trấn Thanh Hoa. Năm 1821, đổi tên phủ Trường Yên làm phủ Yên Khánh. Năm 1822 đổi tên đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình. Địa danh Ninh Bình có từ đó, nhưng vẫn là một đạo thuộc trấn Thanh Hoa.

Đến năm 1829, mới chính thứ đổi làm trấn Ninh Bình, đặt các quan cai trị là Trấn thủ, Hiệp trấn và Tham hiệp như các trấn khác nằm trong Bắc Thành. Cũng trong năm 1829, huyện Kim Sơn được thành lập, do Dinh diền sứ Nguyễn Công Trứ khai khẩn đất hoang, đất bồi ven biển lập nên.

Năm 1831, đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình và bỏ Tổng trấn Bắc Thành. Tỉnh Ninh Bình dưới triều Nguyễn có 2 phủ là Yên Khánh và Thiên Quan. Phủ Yên Khánh gồm 4 huyện Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn và Gia Viễn (khi ấy gồm cả 2 huyện Gia Viễn và Hoa Lư ngày ngay). Phủ Thiên Quan (đến năm 1862 đổi là phủ Nho Quan) gồm 3 huyện: Yên Hoá, Phụng Hoá, Yên Lạc (sau đổi là Lạc Yên).

Đến thời thuộc Pháp có một số thay đổi, như cắt huyện Yên Lạc nhập vào tỉnh Hoà Bình, đổi tên huyện Phụng Hoá thành huyện Nho Quan và thành lập huyện Gia Khánh gồm một phần huyện Gia Viễn và một phần huyện Yên Khánh.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ninh Bình là một trong những tỉnh sớm có cơ sở Đảng và phong trào cách mạng. Trước năm 1945, Ninh Bình có 6 phủ huyện độc lập với nhau (phủ không quản huyện) gồm hai phủ Nho Quan, Yên Khánh, các huyện Gia Viễn, Gia Khánh, Kim Sơn và Yên Mô cùng với thị xã Ninh Bình. Sau năm 1945, Ninh Bình mang tên là tỉnh Hoa Lư trong một thời gian ngắn. Các phủ huyện đều được gọi chung là huyện, gồm 6 huyện và một thị xã. Nhưng sau đó, Hội đồng Chính phủ quyết định các tỉnh lấy lại tên cũ thì tỉnh Hoa Lư lại được gọi là tỉnh Ninh Bình thuộc Bắc Kỳ, sau gọi là Bắc Bộ.

Năm 1976, Ninh Bình hợp với tỉnh Hà Nam (gồm Nam Định và Hà Nam) thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1977, hợp nhất 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn thành huyện Hoàng Long, hợp nhất huyện Yên Mô và 10 xã huyện Yên Khánh thành huyện Tam Điệp, hợp nhất huyện Kim Sơn và 9 xã huyện Yên Khánh thành huyện Kiem Sơn, hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình thành huyện Hoa Lư. Thời gian này đất Ninh Bình cũ chỉ còn 4 huyện năm trong tỉnh Hà Nam Ninh, thị xã Ninh Bình hạ xuống thành thị trấn thuộc huyện Hoa Lư.

Năm 1981 lại tách huyện Hoàng Long thành 2 huyện Hoàng Long và Gia Viễn. Năm 1991, quyết định tách tỉnh Ninh Bình ra khỏi tỉnh Hà Nam Ninh. Ninh Bình trở lại tỉnh cũ khi này gồm 7 đơn vị hành chính là thị xã Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và 5 huyện là Hoàng Long, Hoa Lư, Gia Viễn, Tam Điệp, Kim Sơn.

Năm 1993 đổi tên huyện Hoàng Long thành huyện Nho Quan. Năm 1994, đổi tên huyện Tam Điệp trở về tên cũ Yên Mô và thành lập lại huyện Yên Khánh từ 10 xã của huyện Tam Điệp cũ và 9 xã của huyện Kim Sơn. Năm 2007, chuyển thị xã Ninh Bình thành thành phố Ninh Bình. Năm 2015, chuyển thị xã Tam Điệp thành thành phố Tam Điệp.

Ninh Bình hiện nay là một tỉnh ven biển ở cực Nam của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, miền Bắc, Việt Nam.

II. Ninh Bình có mấy thành phố và có bao nhiêu huyện?

Theo như phần I, thì hiện nay tỉnh Ninh Bình bao gồm 8 đơn vị hành chính (2 thành phố và 6 huyện): thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư, huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn.

Ninh Bình có bao nhiêu huyện, thành phốTỉnh Ninh Bình có tám huyện và hai thành phố

1. Ninh Bình có mấy thành phố?

Tỉnh Ninh Bình hiện có hai thành phố là thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp.

2. Ninh Bình có bao nhiêu huyện?

Tỉnh Ninh Bình hiện có 6 huyện, bao gồm: huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư, huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn.

III. Giới thiệu về các thành phố và các huyện ở Ninh Bình

1. Thành phố Ninh Bình

Thành phố Ninh Bình được coi như là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Ninh Bình. Thành phố này cách thủ đô Hà Nội khoảng 93 km về phía Nam. Thánh phố Ninh Bình có phía Bắc và phía Tây giáp huyện Hoa Lư, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Yên Khánh, phía Đông Bắc giáp huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định).

Thành phố Ninh BìnhThành phố Ninh Bình

Thành phố Ninh Bình có vị trí giao thông vô cùng thuận lợi cho phát triển thương mại và du lịch. Với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, thành phố Ninh Bình nằm ở giữa 7 thắng cảnh quốc gia với bán kính trong vòng 30 km (7 thắng cảnh quốc gia gồm: khu du lịch Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, khu Bảo tồn thiên nhiên Vân Long, khu du lịch hồ Đồng Thái, vườn Quốc gia Cúc Phương, khu du lịch Nhà thờ Phát Diệm và khu dự trữ sinh quyển vùng biển Kim Sơn).

Từ thành phố Ninh Bình đến 2 điểm du lịch Tam Cốc - Bích Động và cố đô Hoa Lư chỉ chưa đầy 10 km trên những con đường trải rộng, bằng phẳng, tiện lợi. Vì thế, thành phố Ninh Bình được coi là có tiềm năng để phát triển du lịch.

2. Thành phố Tam Điệp

Tam Điệp là thành phố nằm ở phía Nam của tỉnh Ninh Bình. Đây là thành phố nằm ở vị trí cửa ngõ miền Bắc Việt Nam. Thành phố Tam Điệp nằm ở phía tây nam tỉnh Ninh Bình, có phía đông bắc giáp huyện Hoa Lư, phía đông nam giáp huyện Yên Mô, phía tây nam giáp thị xã Bỉm Sơn và các huyện Hà Trung, Thạch Thành (tỉnh Thanh Hoá), phía tây bắc giáp huyện Nho Quan.

Thành phố Tam ĐiệpThành phố Tam Điệp

Tam Điệp là địa danh lịch sử gắn liền với chiến thắng lịch sử của nghĩa quân nhà Tây Sơn trong sự nghiệp giải phóng Thăng Long. Nơi đây còn lưu giữ nhiều chứng tích lịch sử văn hóa như quần thể di tích Phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, các di chỉ khảo cổ và các khu du lịch như sân golf Yên Thắng...

3. Huyện Gia Viễn

Gia Viễn là huyện đồng chiêm trũng của tỉnh Ninh Bình. Phía bắc của Gia Viễn giáp huyện Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình và huyện Thanh Liêm của tỉnh Hà Nam, phía nam giáp huyện Hoa Lư, phía tây giáp huyện Nho Quan, phía đông giáp huyện Ý Yên của tỉnh Nam Định.

Huyện Gia ViễnHuyện Gia Viễn

Huyện cũng có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa được quan tâm và yêu thích như Động Hoa Lư - căn cứ ban đầu của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh; động Địch Lộng – hang động đẹp được mệnh danh là "Nam thiên đệ tam động", Kẽm Trống - thắng cảnh đẹp, nổi tiếng từ xa xưa nằm giữa Hà Nam và Ninh Bình được tạo ra bởi sông Đáy và các dãy núi hai bên bờ, chùa Bái Đính – ngôi chùa cổ được xây dựng lại rất đẹp và khang trang, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long - khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất Bắc Bộ cùng với các đền chùa cổ như đền vua Đinh, đền Thánh Nguyễn...

Chùa Bái ĐínhChùa Bái Đính

4. Huyện Nho Quan

Nho Quan là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Ninh Bình. Phía Bắc huyện này giáp các huyện Yên Thủy và Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình, phía Nam giáp thành phố Tam Điệp, phía Đông giáp các huyện Gia Viễn, Hoa Lư và phía Tây giáp huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hoá.

Huyện Nho QuanHuyện Nho Quan

Nho Quan có khá nhiều danh lam thắng đẹp để phát triển và khai thác du lịch như: động Vân Trình, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương và đặc biệt hơn hết là rừng quốc gia Cúc Phương.

Rừng Cúc PhươngRừng Cúc Phương

5. Huyện Hoa Lư

Hoa Lư là một huyện nằm ở trung tâm tỉnh Ninh Bình, phía bắc giáp huyện Gia Viễn, phía nam giáp huyện Yên Mô, phía tây giáp thành phố Tam Điệp, phía đông giáp huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) và thành phố Ninh Bình.

Huyện Hoa LưHuyện Hoa Lư

Hoa Lư được thiên nhiên vô cùng ưu ái khi có địa hình thuộc vùng bán sơn địa - nơi chuyển tiếp giữa miền rừng núi và đồng bằng nên có rất nhiều các hang động, thắng cảnh đẹp. Nơi đây cũng là vùng đất địa linh nhận kiệt, là cố đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt nên có rất nhiều di tích lịch sử và văn hóa lâu đời. Các khu du lịch nổi tiếng ở Hoa Lư phải kể đến như: khu du lịch Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư...

Tràng AnTràng An

6. Huyện Yên Mô

Yên Mô là một huyện vùng trũng phía nam của tỉnh Ninh Bình. Phía tây giáp thành phố Tam Điệp, phía nam giáp hai huyện Nga Sơn và Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa, phía bắc giáp huyện Hoa Lư, phía đông giáp huyện Kim Sơn, phía đông bắc giáp huyện Yên Khánh.

Huyện Yên MôHuyện Yên Mô

Yên Mô có hồ Đồng Thái, động Mã Tiên, hang Trời, cửa biển Thần Phù và Sân golf Yên Thắng là những điểm đến du lịch rất hấp dẫn.

7. Huyện Yên Khánh

Yên Khánh là một huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Huyện Yên Khánh có phía tây bắc giáp với thành phố Ninh Bình, phía tây giáp 2 huyện Hoa Lư và Yên Mô, phía nam giáp huyện Kim Sơn, các phần từ phía bắc đến phía đông giáp với tỉnh Nam Định qua sông Đáy.

Huyện Yên KhánhHuyện Yên Khánh

Yên Khánh là vùng đất thuộc cửa biển xưa nay đã lùi xa vào đất liền, tại đây có rất nhiều di tích đình, đèn, chùa, nhà thờ như: đình Thần Hoàng Lưu Mỹ Thôn, nhà thờ và mộ Vũ Duy Thanh, đền Văn Giáp, đền Thượng và chùa Phúc Long, đình thôn Đỗ, đền chùa thôn Năm, chùa Dầu, đền Kiến Ốc, đền Tiên Viên, chùa Kim Rong...

8. Huyện Kim Sơn

Huyện Kim Sơn nằm phía đông nam tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 27 km. Phía đông giáp sông Đáy, huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định); phía tây nam giáp sông Càn, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hoá), phía bắc và tây bắc giáp huyện Yên Khánh, huyện Yên Mô và phía nam giáp biển với chiều dài bờ biển khoảng 16 km.

Huyện Kim SơnHuyện Kim Sơn

Nhà thờ đá Phát Diệm và khu dự trữ sinh quyển vùng biển Kim Sơn (bao gồm bãi biển, rừng phòng hộ, các cù lao, cồn nổi, cửa biển, cửa sông...) được coi là những điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng ở huyện này.

Trên đây là một số thông tin về các huyện và thành phố của tỉnh Ninh Bình. Qua bài viết này Cattour đã giúp bạn trả lời hai vấn đề là “Ninh Bình có mấy thành phố” và “Ninh Bình có bao nhiêu huyện” rồi. Rất mong bài viết này đã mang đến những thông tin hữu ích cho các bạn.

Tham khảo ngay các tour du lịch Ninh Bình trọn gói từ A đến Z của Cattour.

Đoàn Thư / Cattour.vn - Ảnh: Internet

Từ khóa » Các Quận Huyện Của Ninh Bình