Bạn đã Phân Biệt được Buồn Nôn Với Chứng Nghén Nặng Khi Mang ...

Bạn có biết 85% phụ nữ gặp phải chứng buồn nôn khi mang thai. Vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn với cả mẹ lẫn con khi bạn gặp phải chứng nghén nặng mà không phải là ốm nghén bình thường.

Trong một số trường hợp, chứng nghén nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai phụ và kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, đa số mẹ bầu đều chỉ buồn nôn bình thường và vấn đề sẽ kết thúc sau những tháng đầu. Những thông tin sau sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về hai vấn đề này và những mẹo hay để đối phó với ốm nghén hiệu quả giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

Buồn nôn khi mang thai có phải là một tín hiệu tốt?

Theo một nghiên cứu gần đây, buồn nôn khi mang thai giúp giảm 50 – 70% nguy cơ sẩy thai. Vấn đề này được lý giải rằng buồn nôn và nôn trong thời kỳ đầu mang thai có thể cho thấy bạn đang trải qua sự gia tăng các hormone cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh. Một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng phụ nữ bị ốm nghén sẽ có khả năng sinh ra một đứa trẻ thông minh.

Sau khi đọc những thông tin trên, bạn có thể nghĩ rằng ốm nghén là một điều tốt. Thế nhưng, nếu không có các triệu chứng của việc ốm nghén thì cũng không sao nhé! Thực tế vẫn có rất nhiều phụ nữ không ốm nghén nhưng vẫn sinh con khỏe mạnh.

Khi nào bạn bắt đầu cảm thấy buồn nôn?

Bạn sẽ gặp phải các triệu chứng ốm nghén từ tuần thứ 4 –6 của thai kỳ, thời điểm phôi thai đã bám chặt vào thành tử cung của người mẹ. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn ở tháng thứ 2 – 3 và tháng thứ 4 dần biến mất. Triệu chứng này có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc kéo dài cho lúc sinh. Ốm nghén không phải lúc nào cũng tốt. Nếu bị nặng, nó có thể dẫn đến chứng nghén nặng.

Chứng nghén nặng là gì?

bà bầu buồn nôn ốm nghén nặng khi mang thai

Chứng nghén nặng là một biến chứng của thai nghén đặc trưng bởi buồn nôn và nôn ói quá nhiều (hơn 3 lần một ngày) đến nỗi sụt cân và mất nước. Có khoảng 1% bà bầu mắc phải tình trạng này. Vấn đề thường bắt đầu sau 5 – 10 tuần mang thai và thường biến mất vào giai đoạn thai nhi 20 tuần. Một số triệu chứng khác của tình trạng này:

  • Khô miệng
  • Tim đập nhanh
  • Ít đi tiểu
  • Thường xuyên khát nước
  • Huyết áp thấp.

Nguyên nhân gây buồn nôn khi mang thai

Nguyên nhân chính xác của tình trạng này vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự gia tăng của hormone hCG (hormone thai kỳ) là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này. Bên cạnh đó, hormone tăng lên trong thời gian mang thai còn làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến chứng ợ nóng, khó tiêu và trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh nguyên nhân này còn có một số nguyên nhân khác như:

♦ Nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể tăng cao khiến khứu giác của bạn trở nên nhạy bén. Vì vậy, nếu món ăn có mùi quá nặng sẽ khiến bạn cảm thấy buồn nôn

♦ Căng thẳng, mệt mỏi trong thời gian mang thai cũng khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn

♦ Hệ tiêu hóa gặp khó khăn trong việc xử lý các món ăn giàu chất béo, do đó bạn sẽ thấy buồn nôn

♦ Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori

♦ U nang hoàng thể cũng là một nguyên nhân khiến cho các triệu chứng ốm nghén trở nên trầm trọng

♦ Nếu mẹ và người thân khác trong gia đình bị ốm nghén thì nhiều khả năng bạn sẽ mắc phải tình trạng này

♦ Mang bầu sau 30 tuổi

♦ Thai kỳ bất thường, chẳng hạn như mang thai giả

♦ Mang đa thai khiến nhau thai phát triển to hơn. Nồng độ hormone estrogen, progesterone và hCG cũng cao hơn, dẫn đến tình trạng nôn mửa trầm trọng

♦ Cường giáp hoặc suy giáp

♦ Cao huyết áp, đau nửa đầu và đái tháo đường thai kỳ

♦ Thừa cân

♦ Bị chứng say sóng

♦ Bạn đang mang thai một bé gái

Các triệu chứng của buồn nôn khi mang thai

bà bầu bị chóng mặt

  • Ăn không ngon
  • Phiền muộn
  • Ghét thức ăn
  • Mất nước, suy nhược và chóng mặt
  • Giảm cân (nếu bị nghén nặng)
  • Ketosis, tình trạng nghiêm trọng khi nồng độ xeton (một hóa chất độc hại) trong máu tăng cao do nôn quá nhiều
  • Không phải phụ nữ nào cũng trải những triệu chứng này. Nếu bị nặng, bạn cần phải nhập viện để theo dõi.

Khi nào nên đến bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:

  • Tình trạng ói mửa kéo dài suốt cả ngày và bạn không thể ăn uống gì được
  • Nôn ra dịch có màu nâu hoặc nôn ra máu
  • Đau đầu, sút cân, chóng mặt và ít đi tiểu
  • Không thể chịu được những thứ có mùi
  • Tim đập nhanh, mệt mỏi và nhầm lẫn
  • Tiếp tục nôn trầm trọng ở tháng thứ 4
  • Sụt cân từ 2kg trở lên
  • Đau bụng, sốt, đau đầu hoặc sưng ở phía trước cổ.

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ đề nghị một số phương pháp điều trị dựa trên tình trạng của bạn.

Điều trị chứng buồn nôn trong thai kỳ

Các biện pháp điều trị buồn nôn khi mang thai bao gồm:

♥ Nôn mửa thường dẫn đến mất nước. Vì vậy, bạn sẽ được truyền các chất lỏng bằng cách tiêm tĩnh mạch để duy trì sự cân bằng trong cơ thể.

♥ Ngoài ra, bạn cần được cung cấp chất dinh dưỡng bằng cách đặt ống thông dạ dày qua mũi. Với phương pháp này, một cái ống sẽ được luồn vào lỗ mũi xuống dạ dày để truyền chất dinh dưỡng.

♥ Phương pháp nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn được dùng để điều trị cho những người bị ốm nghén nặng.

♥ Châm cứu có thể giúp giảm bớt chứng ốm nghén.

♥ Thuật thôi miên giúp trị bệnh cũng có thể hữu ích trong trường hợp này.

♥ Trước khi tiêm tĩnh mạch và chất dinh dưỡng, bác sĩ sẽ cho bạn uống các loại thuốc để điều trị.

Có thể bạn quan tâm: Nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy? Ốm nghén bao lâu thì hết?

Bí quyết giảm buồn nôn khi mang thai

uống nhiều nước để giảm buồn nôn khi mang thai

Buồn nôn và nôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Nó có thể được kích hoạt bởi một mùi đặc biệt nào đó hoặc do thức ăn, mệt mỏi, lượng đường trong máu thấp và chất kích thích như rượu bia. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn giảm bớt tình trạng này:

Chia nhỏ các bữa ăn mỗi 2 giờ/lần để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn vì không phải xử lý quá nhiều thức ăn cùng một lúc.

Ăn nhiều các thực phẩm giàu carbohydrate như bánh mì, ngũ cốc và gạo. Các thực phẩm giàu protein như đậu Hà Lan, đậu lăng và thịt nạc cũng giúp giảm chứng buồn nôn.

Nhai bánh quy vì bánh quy rất giàu carbohydrate. Khi thức dậy mỗi buổi sáng, hãy nhai một ít bánh quy và nghỉ ngơi khoảng nửa giờ.

√ Ăn những món ít có mùi và không quá nóng để giảm cảm giác buồn nôn. Tránh ăn những món chiên, cay, chua và béo.

√ Ăn các loại trái cây như chuối, kiwi, dưa hấu, táo… để bổ sung chất xơ. Ngoài ra, ăn nhiều các loại rau củ như cà rốt, cần tây, dưa, chanh và súp lơ cũng giúp bổ sung nước và giảm táo bón.

√ Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày. Không uống trong hoặc ngay sau bữa ăn. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày và đầy hơi.

√ Đồ uống lạnh cũng giúp giảm cảm giác nôn. Bạn cũng có thể uống trà thảo dược, trà gừng, soda, nước chanh và nước khoáng. Trong trường hợp nôn quá nhiều, bạn có thể dùng các loại nước có chứa natri và kali để bổ sung các khoáng bị mất.

√ Tránh những điều khiến bạn cảm thấy buồn nôn khi mang thai như đi xe hơi, mùi nước hoa quá nồng hoặc kích thích thị giác.

√ Mở cửa sổ để không khí thông thoáng.

√ Nghỉ ngơi nhiều.

Buổi sáng, đừng rời giường ngay mà hãy ngồi vài phút rồi mới rời giường.

Có thể bạn quan tâm: Các loại thức uống giúp trị ốm nghén hiệu quả mà bà bầu nên thử

Những loại thuốc điều trị chứng nôn nghén nặng

Những loại thuốc này phải được dùng theo đúng toa của bác sĩ:

  1. Vitamin B6 và doxylamine là những loại thuốc được bán tự do. Bạn có thể uống chung hoặc uống riêng từng loại tùy thuộc vào tình trạng cơ thể bạn. Dùng 10 – 25mg vitamin B6 giúp giảm nôn. Doxylamine giúp bạn ngủ ngon hơn, nên giảm cảm giác khó chịu. Sự kết hợp giữa vitamin B6 và doxylamine giúp giảm các triệu chứng buồn nôn đến 70% và hoàn toàn an toàn khi sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  2. Thuốc chống nôn sẽ được sử dụng nếu vitamin B6 và doxylamine không hiệu quả. Thông thường, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc chống nôn chlorpromazine và prochlorperazine. Ngoài ra, còn có một số loại thuốc chống nôn khác như promethazine, metoclopramide (Maxolon), cyclizine (valoid), ondansetron (Zofran), domperidone (Motilium) và prednisolone (một steroid).
  3. Thuốc kháng histamine cũng được sử dụng để điều trị tình trạng này. Một số loại thuốc thường được kê toa: meclizine (Antivert), diphenhydramine (Benadryl) và dimenhydrinat.
  4. Thuốc hỗ trợ nhu động như metoclopramide (Reglan) thường được sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với vitamin B6. Thuốc này làm tăng quá trình tiêu hóa, ngăn không cho axít ở lại trong dạ dày quá lâu và làm mạnh thêm cơ thắt thực quản dưới, do đó kiểm soát nôn.
  5. Các loại thuốc giảm axít cũng sẽ được kê toa nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản. Bác sĩ kê toa cho bạn thuốc chống histamine H2 và thuốc ức chế bơm proton.

Những loại thực phẩm cần tránh nếu buồn nôn khi mang thai

thực phẩm cần tránh nếu buồn nôn khi mang thai

  • Tránh các món ăn có mùi
  • Tránh các món chiên, nhiều chất béo vì những món này khó tiêu hóa
  • Tránh thức ăn có tính axít
  • Tránh các loại thức uống có carbonate, caffeine và đồ uống có cồn.

Làm thế nào để ngăn cảm giác buồn nôn sau khi ăn?

  • Tránh ngủ ngay sau khi ăn
  • Nuốt nhiều nước bọt có thể khiến bạn buồn nôn. Do đó, bạn có thể nhổ bớt nước bọt dư ra khăn giấy hoặc bồn rửa mặt
  • Đánh răng để giảm mùi hôi trong miệng: mùi hôi có thể khiến bạn buồn nôn một lần nữa.

Một số câu hỏi thường gặp

1. Có phải cảm giác buồn nôn chỉ xuất hiện vào buổi sáng không?

Câu trả lời là không. Bạn có thể cảm thấy buồn nôn ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, có thể là buổi sáng hoặc những buổi khác. Mặt khác, bà bầu bị nôn sau khi ăn hoặc nôn ra nước chua khi mang thai cũng là tình trạng phổ biến.

2. Nôn có ảnh hưởng đến bé không?

Buồn nôn và nôn không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến trọng lượng của bé. Nôn quá nhiều sẽ khiến bé không đủ dinh dưỡng, dẫn đến việc trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Ngoài ra, bạn cũng sẽ gặp phải các vấn đề về tuyến giáp, gan và sự mất nước.

3. Buồn nôn khi mang thai có thể do những bệnh khác gây ra không?

Các bệnh về tuyến giáp, viêm loét, bệnh túi mật cũng có thể dẫn đến buồn nôn và nôn trong thai kỳ.

4. Nếu bị ốm nghén trong lần mang thai đầu tiên thì những lần mang thai sau có bị lại không?

Khoảng 75 – 85% phụ nữ ốm nghén khi mang thai lần đầu sẽ bị lại trong những lần mang thai sau.

Buồn nôn là một giai đoạn thường gặp trong thai kỳ. Điều này có thể khiến những tháng đầu mang thai trở nên khó khăn nhưng đến những tháng sau thì tình trạng này sẽ giảm. Nếu bạn có bất cứ lo lắng nào, hãy đến gặp và nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn thêm nhé.

[embed-health-tool-due-date]

Từ khóa » Nôn Ra Dịch Chua Khi Mang Thai