Bản đồ Quy Hoạch Giao Thông Tỉnh Nam Định định Hướng 2030

Phê duyệt điều chỉnh Bản đồ Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với các nội dung sau :

Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định định hướng đến 2030

Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định định hướng đến 2030

NỘI DUNG BÀI VIẾT

  • Quan điểm quy hoạch giao thông Nam Định
  • Mục tiêu quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định
    • Về vận tải
    • Về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải
  • Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Nam Định
  • Quy hoạch đường vành đai tỉnh Nam Định
    • Đường vành đai I (tuyến dài 25 Km)
    • Đường vành đai II (đường tỉnh 485B theo quy hoạch)
    • Đường vành đai III
  • Quy hoạch các tuyến đường quốc lộ tỉnh Nam Định
    • Quốc lộ 10
    • Quốc lộ 21
    • Quốc lộ 21B
    • Quốc lộ 37B
    • Quốc lộ 38B
    • Quốc lộ 37C
    • Quốc lộ 39B
  • Quy hoạch hệ thống đường cao tốc qua tỉnh Nam Định
    • Đường cao tốc Bắc – Nam
    • Đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định
    • Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh
  • Quy hoạch các tuyến tỉnh lộ của Nam Định
    • Đường tỉnh 485
    • Đường tỉnh 485B (Đường vành đai II)
    • Đường tỉnh 486B
    • Đường tỉnh 487
    • Đường tỉnh 487B
    • Đường tỉnh 488
    • Đường tỉnh 488B
    • Đường tỉnh 488C
    • Đường tỉnh 489
    • Đường tỉnh 489B
    • Đường tỉnh 489C
    • Đường tỉnh 490C
    • Đường tỉnh 490B (Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình)
  • Quy hoạch các cầu qua sông lớn tại Nam Định
    • Cầu qua Sông Đào
    • Cầu qua sông Ninh Cơ
    • Cầu qua sông Hồng
    • Cầu qua sông Đáy
    • Cầu trên sông địa phương
  • Quy hoạch các bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ tại Nam Định
    • Bến xe, bãi đỗ xe
    • Quy hoạch trạm dừng nghỉ đường bộ
  • Quy hoạch các tuyến đường sắt tỉnh Nam Định
    • Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu
    • Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam
    • Tuyến đường sắt khác
  • Quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Nam Định
    • Quy hoạch luồng tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý
    • Quy hoạch luồng tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý
    • Quy hoạch cảng, bến thủy nội địa
  • Quy hoạch phát triển cảng biển tỉnh Nam Định
    • Quy hoạch cảng nội địa (ICD)

Quan điểm quy hoạch giao thông Nam Định

  • Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định và quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia; hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, liên thông, đủ khả năng kết nối phát triển vận tải đa phương thức. Đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững kinh tế của tỉnh và của khu vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
  • Quy hoạch bao gồm các lĩnh vực giao thông và vận tải, đầy đủ các loại hình đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không trên toàn bộ địa bàn tỉnh Nam Định không bao gồm cấp quản lý.
  • Quy hoạch phát triển phải đảm bảo tính kế thừa và ổn định, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng tại các khu dân cư đã ổn định. Đưa hệ thống giao thông vào cấp kỹ thuật, những nơi qua đô thị, khu dân cư phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
  • Xây dựng các tuyến tránh đô thị, hình thành đường vành đai thành phố Nam Định và các đường xuyên tâm; xây dựng các bến xe khách phục vụ đi lại, du lịch; nâng cấp hệ thống giao thông thành phố Nam Định có dự phòng quỹ đất để đầu tư hạ tầng phát triển các phương thức vận tải khác như: Tàu điện, Mêtrô; các công trình giao thông ngầm, các nút giao,…
  • Từng bước cải tạo các nút giao khác mức giữa giao thông địa phương với các tuyến Cao tốc, Quốc lộ và với các tuyến đường có mật độ giao thông cao.
  • Về giao thông nông thôn: Đưa vào cấp kỹ thuật từ đường xã đến đường huyện, kiên cố hóa hệ thống cầu, cống đạt cấp kỹ thuật.
  • Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cho Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Khu du lịch Thịnh Long, Quất Lâm; Vườn quốc gia Xuân Thủy và các trục giao thông phục vụ phát triển kinh tế vùng.
  • Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, tranh thủ tối đa nguồn đầu tư của nước ngoài dưới các hình thức ODA, FDI, BOT đồng thời huy động mọi nguồn lực từ dân và các thành phần kinh tế để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.
  • Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông.

Mục tiêu quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định

  • Làm cơ sở để xây dựng và từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đảm bảo phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách khoa học, ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và kết nối vùng.
  • Xây dựng danh mục các công trình đầu tư tới năm 2020 (ưu tiên).
  • Kết nối đô thị vùng với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững.

Về vận tải

Thỏa mãn nhu cầu vận tải đa dạng của xã hội đảm bảo chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm sự gia tăng tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường. Đến năm 2030, vận chuyển được 140 triệu tấn hàng và 68 triệu hành khách trên năm đối với vận tải đường bộ và 22 triệu tấn.km hàng hóa đối với vận tải đường thủy.

Về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải

  • Đường bộ : Toàn bộ hệ thống quốc lộ và đường tỉnh phải được đưa vào đúng cấp kỹ thuật; mở rộng và xây dựng mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn; xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải quan trọng. Các tuyến đường bộ đối ngoại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của đường bộ khu vực. Mạng đường bộ tỉnh đến năm 2030 bao gồm 03 đường vành đai thành phố, 07 tuyến quốc lộ và 03 tuyến đường cao tốc và 01 tuyến đường bộ ven biển, 13 tuyến đường tỉnh và các đường giao thông nông thôn.
  • Đường sắt : Hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt cấp tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt quốc gia và khu vực; dành quỹ đất phát triển xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh và tuyến Nam Định – Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ. Làm đường gom dọc theo đường sắt, xóa bỏ đường dân sinh.
  • Đường biển: Đầu tư phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng; tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới; xây dựng các cảng chuyên dùng, các cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng, phục vụ khu kinh tế Ninh Cơ và Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông.
  • Đường thủy nội địa : Hoàn thành nâng cấp hệ thống đường sông chính đạt cấp kỹ thuật quy định; tập trung cải tạo, chính trị một số đoạn tuyến quan trọng; tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác. Đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách. Xây dựng cảng Nam Định mới trên sông Hồng.
  • Giao thông đô thị : Tăng quỹ đất để xây dựng hạ tầng giao thông tại các đô thị, bao gồm giao thông động và giao thông tĩnh; đến năm 2020 đất dành cho giao thông thành phố Nam Định – Đô thị loại I đạt 23-25%, các đô thị còn lại đạt 16-20%, trong đó giao thông tĩnh đạt 5-7%. Mật độ bình quân đường giao thông tại các khu vực trung tâm đạt từ 6 đến 8 Km/Km2, các khu vực khác đạt từ 3 đến 5 Km/Km2.

  • Giao thông nông thôn : Phát triển đường giao thông nông thôn theo Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 8/7/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đảm bảo hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng Giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kỹ thuật; được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và được bảo trì theo kế hoạch; 100% đường thôn xóm được cứng hóa, đạt tối thiểu loại A.

Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Nam Định

Với quan điểm xây dựng tỉnh Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng cần hình thành mạng lưới đường bộ tỉnh Nam Định theo dạng đường xuyên tâm có đường vành đai để kết nối với các tỉnh lân cận.

Việc quy hoạch đường bộ sẽ nghiên cứu phát triển hoàn thiện các đường vành bao quanh thành phố Nam Định và các trục quốc lộ, đường tỉnh,… hướng vào trung tâm thành phố tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn và giảm thời gian vận tải giữa các huyện trong tỉnh, các tỉnh trong vùng.

Quy hoạch đường vành đai tỉnh Nam Định

Đến năm 2030, xây dựng 03 đường vành đai bao quanh thành phố Nam Định để liên kết các trục hướng tâm và trung tâm huyện:

Đường vành đai I (tuyến dài 25 Km)

Bao gồm đoạn tuyến Quốc lộ 10 (từ cầu Tân Đệ đến cầu Lộc An), đoạn tuyến Quốc lộ 21 tránh qua thành phố Nam Định (đường Lê Đức Thọ), đoạn tuyến QL.21B (đường Đông Nam và cầu Tân Phong vượt sông Đào nối vào đường Đông Bắc thành phố Nam Định tới Quốc lộ 10), tạo thành một vành đai khép kín. Quy hoạch giai đoạn 2020-2030 đạt tiêu chuẩn đường phố chính đô thị chủ yếu, mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cơ giới (6×3,75m). Tổng bề rộng nền đường Bn=67m.

Đường vành đai II (đường tỉnh 485B theo quy hoạch)

Điểm đầu tuyến tại ngã ba giao với đê Quy Phú (Quốc lộ 21 cũ) thuộc xã Nam Hồng huyện Nam Trực, tuyến đường Vàng vượt qua sông Đào tại khu vực bến phà Kinh Lũng (Nam Trực – Vụ Bản), tiếp đó tuyến đi theo tuyến mới trên cơ sở đường giao thông nông thôn tới Quốc lộ 21B, tuyến dài khoảng 21Km. Quy hoạch đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng. Giai đoạn 2020-2030 nâng cấp tối thiểu đạt quy mô cấp III đồng bằng.

Đường vành đai III

Tuyến hình thành trên cơ sở Quốc lộ 37B đoạn từ phà Cồn Nhất, huyện Giao Thủy đến ngã tư Đồng Đội và đường tỉnh 486B. Quy hoạch toàn tuyến đến năm 2030 tối thiểu đạt quy mô cấp III đồng bằng.

Quy hoạch các tuyến đường quốc lộ tỉnh Nam Định

Quốc lộ 10

Từ cầu Tân Đệ (Km99+780) đến cầu Non nước (Km 135+727) dài 35,84 Km. Quy hoạch toàn tuyến đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng Bnền = 12m, Bmặt = 11m, riêng đoạn qua thành phố Nam Định và thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản theo quy hoạch đô thị được duyệt.

Quốc lộ 21

Từ Cầu Họ đến Thịnh Long dài 76,45 Km, quy hoạch toàn tuyến tối thiểu đạt cấp III đồng bằng, riêng các đoạn qua đô thị tuân theo quy hoạch đô thị được duyệt:

  • Đoạn qua thị trấn Mỹ Lộc, Bmặt = 14m.
  • Đoạn tuyến tránh thành phố Nam Định (đường Lê Đức Thọ) theo quy hoạch thành phố có xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường gom hai bên.

Quốc lộ 21B

Từ ranh giới tỉnh Hà Nam đến bến phà Quang Thiện qua thành phố Nam Định và 6 huyện (Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Nghĩa Hưng) dài 61,21 Km. Quy hoạch toàn tuyến tối thiểu đạt cấp III đồng bằng, riêng các đoạn qua đô thị tuân theo quy hoạch đô thị.

Nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường gom hai bên đường Võ Nguyên Giáp và đường Đông Nam thành phố Nam Định.

Quốc lộ 37B

Từ phà Cồn Nhất (Km41+818) đến cầu Vĩnh Tứ qua 6 huyện (Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên) dài 64,69 Km. Quy hoạch toàn tuyến đến năm 2030 tối thiểu đạt cấp III đồng bằng, đoạn qua đô thị theo quy mô mặt cắt được quy hoạch đô thị.

Nghiên cứu nắn chỉnh hướng tuyến đoạn tránh Phủ Dầy và đoạn đi trùng đê tả Đáy (đê Tam Tòa), thị trấn Liễu Đề huyện Nghĩa Hưng. Khi hoàn thiện tuyến tránh Phủ Dầy thì chuyển đoạn tuyến Quốc lộ 37B cũ về đường tỉnh 486B.

Quốc lộ 38B

Từ Trạm bơm Hữu Bị đến cầu Bến Mới (vượt sông Đáy) dài 25,2 Km. Quy hoạch toàn tuyến đến năm 2030 tối thiểu đạt quy mô cấp III đồng bằng.

  • Điều chỉnh hướng tuyến: Nắn chỉnh tuyến tránh đền Trần đoạn theo hướng từ xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam đến Quốc lộ 21B, thành phố Nam Định (cách nút giao BigC khoảng 0,5 Km).
  • Khi hoàn thành cầu Bến Mới sẽ chuyển đoạn đường tỉnh 485 mượn từ ngã tư Phố Cháy đến ngã ba Cát Đằng (Quốc lộ 10) dài 4,3 Km về Quốc lộ 37C (theo văn bản số 4376/BGTVT-KCHT ngày 24/4/2017 của Bộ Giao thông vận tải).

Sau khi thi công hoàn chỉnh các đoạn nắn tuyến, các đoạn tuyến cũ sẽ bàn giao về địa phương quản lý.

Quốc lộ 37C

Tuyến đường có chiều dài khoảng 78,26 Km, đi qua ba tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình kết nối Quốc lộ 10, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 1, đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình với đường Hồ Chí Minh.

Đoạn đi qua địa phận tỉnh Nam Định có điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 37B (Km90+350/QL37B), xã Yên Cường, huyện Ý Yên, đi theo đường huyện 57B; Quốc lộ 10, Quốc lộ 38B (Cát Đằng – Phố Cháy) sau đó theo đường tỉnh 485 đến ngã tư Phủ Cầu tuyến đi thẳng đến Âu Cổ Đam và vượt sông Đáy sang Ninh Bình.

Chiều dài đoạn thuộc tỉnh Nam Định dài khoảng 21,07 Km, quy hoạch đường cấp III đồng bằng (Bn=12m; Bm=11m), đoạn qua trung tâm thị trấn theo mặt cắt đường đô thị.

Quốc lộ 39B

Tuyến đường có chiều dài khoảng 89,2 Km, đi qua ba tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, bắt đầu tại nút giao Quốc lộ 38 (Km47+500) thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, kết thúc tại Quốc lộ 21 (Km174+100 cầu Lạc Quần).

Đoạn đi qua địa phận tỉnh Nam Định có điểm đầu tại cầu Sa Cao – Thái Hạc (cách bến phà Sa Cao – Thái Hạc cũ khoảng 1,5 Km về phía hạ lưu) tuyến theo đường tỉnh 489C (đang triển khai thi công) đến nút giao Quốc lộ 21 (Km174+100 cầu Lạc Quần), chiều dài 13,2km. Quy hoạch tối thiểu đạt cấp III đồng bằng (Bn=12m; Bm=11m).

Quy hoạch hệ thống đường cao tốc qua tỉnh Nam Định

Quy hoạch hệ thống Đường cao tốc: Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Đường cao tốc Bắc – Nam

Đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định có chiều dài 20,4 Km, mặt cắt ngang 6 làn xe (ngoài mặt đường rộng 22m, đường có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn và lề đường trồng cỏ).

Đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định

Chiều dài 25 Km, điểm đầu từ thành phố Nam Định (giao Quốc lộ 10), điểm cuối nối vào đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình tại trạm thu phí Liêm Tuyền. Quy mô đầu tư 4 làn xe.

Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh

Toàn tuyến được quy hoạch đạt quy mô 6 làn xe (giai đoạn I: 4 làn xe), chiều dài 160 Km, điểm đầu tại thành phố Ninh Bình, điểm cuối giao Quốc lộ 18, tỉnh Quảng Ninh.

Quy hoạch các tuyến tỉnh lộ của Nam Định

Quy hoạch các tuyến đường tỉnh đến năm 2030, gồm 13 tuyến (bao gồm cả tuyến trùng đường vành đai)

Đường tỉnh 485

Từ Phố Cháy đến Yên Thọ huyện Ý Yên và đoạn từ Phố Cháy đến Bến Mới chiều dài 16,5 Km. Quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng. Khi hoàn thành xây dựng cầu Bến Mới và đoạn Phố Cháy – Phủ Cầu được cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển thành Quốc lộ 37C thì chuyển đoạn Phố Cháy – Bến Mới về Quốc lộ 38B và đoạn còn lại Phủ Cầu – Yên Thọ bàn giao về địa phương quản lý.

Đường tỉnh 485B (Đường vành đai II)

Quy hoạch đến năm 2020 đạt cấp IV đồng bằng, đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng.

Đường tỉnh 486B

Từ Quốc lộ 37B đến Quốc lộ 21B, chiều dài khoảng 19,2 Km. Quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng.

Đường tỉnh 487

Điểm đầu tại để hữu sông Ninh Cơ, thuộc địa phận xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, điểm cuối giao Quốc lộ 37B (Km85+582,5 – Quốc lộ 37B), chiều dài 22,3 Km. Quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng.

Đường tỉnh 487B

Điểm đầu tại cầu Khâm Quốc lộ 21, theo đê Quy Phú, đường Trắng huyện Nam Trực, cắt qua đường tỉnh 490C và kết thúc tại đê tả Đào, xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng.

Chiều dài tuyến khoảng 14,5 Km. Quy hoạch đến năm 2020 đạt cấp IV đồng bằng, đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng.

Đường tỉnh 488

Điểm đầu tại cầu Tiền Lang, đê biển xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, theo đường huyện Tiến Hải cắt đường tỉnh 489 tại dốc Hoành Nha, sau đó đi trùng đường tỉnh 489 đến dốc Ngô Đồng, tiếp tục đi theo đường huyện 50 và kết thúc tại đường tỉnh 489, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường.

Chiều dài tuyến khoảng 24,1 Km. Quy hoạch đến năm 2020 đạt cấp IV đồng bằng, đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng.

Đường tỉnh 488B

Từ ngã ba Ngặt Kéo (Quốc lộ 21) đến giao với đường tỉnh 490C. Chiều dài tuyến khoảng 13,5 Km, trong đó nghiên cứu cải tuyến tránh thị trấn Cát Thành theo hướng tuyến mới từ khu vực cống Chéo xã Trực Thanh đến giao Quốc lộ 21 phía trước Cụm công nghiệp Thị trấn Cổ Lễ. Quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng.

Đường tỉnh 488C

Từ cầu Chợ Quán (Quốc lộ 37B) qua phà Ninh Mỹ giao cắt với đường tỉnh 490C, sau đó đi chung với đường tỉnh 490C khoảng 1,1 Km, tuyến tiếp tục đi theo đường huyện Giây Nhất, đường huyện Hồng Hải Đông và kết thúc tại đường tỉnh 490C, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tổng chiều dài tuyến khoảng 40,4 Km.

Quy hoạch đến năm 2020 hoàn chỉnh toàn tuyến đạt cấp IV đồng bằng, đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng.

Đường tỉnh 489

Từ Bến Phà Sa Cao đi ngã ba Xuân Bảng thị trấn Xuân Trường đến Vườn Quốc Gia Xuân Thủy, chiều dài 42,02 Km. Quy hoạch đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng, đoạn qua thị trấn Xuân Trường và thị trấn Ngô Đông theo quy hoạch của thị trấn.

Đường tỉnh 489B

Từ Ngã tư Hải Vân (Quốc lộ 21) đi thị trấn Quất Lâm dài 10 Km. Quy hoạch đến năm 2020 hoàn chỉnh toàn tuyến đạt cấp IV đồng bằng, đến năm 2030 đạt cấp III đồng bằng.

Đường tỉnh 489C

Từ nút giao đầu cầu Lạc Quần đi hướng tuyến mới đến giao đường tỉnh 489 tại vị trí cống Đầm Sen, sau đó đi thẳng vượt qua sông Hồng sang tỉnh Thái Bình bằng cầu Sa Cao. Quy hoạch đường cấp III đồng bằng. Khi hoàn thành xây dựng cầu Sa Cao và tuyến chính dự án xây dựng Tỉnh lộ 489C được cấp có thẩm quyền chấp thuận đưa lên thành Quốc lộ 39B thì bàn giao tuyến nhánh dài 3,47 Km thuộc dự án trên về địa phương quản lý.

Đường tỉnh 490C

Từ cầu Đò Quan thành phố Nam Định đến xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, chiều dài 55,2 Km. Quy hoạch đến năm 2030 toàn tuyến đạt cấp III đồng bằng, riêng đoạn đi trùng với đường tỉnh 490B thì quy hoạch theo đường tỉnh 490B.

Đường tỉnh 490B (Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình)

ừ nút giao Cao Bồ thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, điểm cuối trạm đèn biển Lạch Giang, địa phận xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng. Chiều dài tuyến là 46 Km. Tuyến đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 335/QĐ-TTg ngày 17/3/2017.

Quy hoạch các cầu qua sông lớn tại Nam Định

Đến năm 2030, quy hoạch 30 cầu (trong đó có 04 cầu đường sắt)

Cầu qua Sông Đào

Quy hoạch 08 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu (kể cả cầu đường sắt)

  • Đã có 03 cầu: Cầu Đò Quan, cầu Nam Định (đường Lê Đức Thọ) và cầu Tân Phong (cầu mới đầu tư xây dựng được 1 đơn nguyên rộng B=12m).

  • Xây dựng mới 04 cầu đường bộ và 01 cầu đường sắt; mở rộng 1 cầu đủ bề rộng quy hoạch:

  • Xây dựng mới 01 đơn nguyên cầu Tân Phong trên Quốc lộ 21B.

  • Cầu Đồng Tháp Mười, từ cuối đường Trần Nhật Duật vượt sông Đào sang xã Nam Phong, thành phố Nam Định.

  • Cầu trên tuyến đường Giải phóng kéo dài sang Nam Vân.

  • Cầu Kinh Lũng trên đường vành đai II.

  • Cầu Đống Cao.

  • Cầu đường sắt trên tuyến Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Cầu qua sông Ninh Cơ

Quy hoạch 06 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu

  • Đã có 01 cầu: Cầu Lạc Quần trên Quốc lộ 21.

  • Xây dựng mới 05 cầu:

  • Cầu Đại Nội trên Quốc lộ 21B (đường tỉnh 488 cũ, thay thế phà Thanh Đại).

  • Cầu Ninh Cường (thay thế cầu phao Ninh Cường – Quốc lộ 37B).

  • Cầu Ninh Mỹ (thay thế đò Ninh Mỹ trên đường tỉnh 488C).

  • Cầu Thịnh Long trên tuyến đường bộ ven biển.

  • Cầu trên tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Cầu qua sông Hồng

Quy hoạch 06 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu (kể cả cầu đường sắt)

  • Đã có 01 cầu: Cầu Tân Đệ trên tuyến Quốc lộ 10.

  • Xây dựng mới 04 cầu đường bộ và 01 cầu đường sắt:

  • Cầu trên tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.

  • Cầu Sa Cao trên tuyến đường tỉnh 489C sang Thái Bình.

  • Cầu Cồn Nhất trên tuyến Quốc lộ 37B sang Thái Bình.

  • Cầu Giao Thiện trên tuyến đường bộ ven biển sang Thái Bình.

  • Cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Nam Định – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Cầu qua sông Đáy

Quy hoạch 10 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu (kể cả cầu đường sắt)

  • Đã có 03 cầu: 02 cầu (cầu Non Nước trên tuyến Quốc lộ 10; cầu Nam Bình trên đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình) và 01 cầu đường sắt Bắc – Nam.

  • Xây dựng mới 06 cầu đường bộ và 01 cầu trên tuyến đường sắt cao tốc:

  • Cầu trên Quốc lộ 37C.

  • Cầu Bến Mới nối Quốc lộ 38B với Quốc lộ 1A.

  • Cầu trên tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.

  • Cầu nối đường tỉnh 490C với đường tỉnh 481D Ninh Bình tại Đò Mười.

  • Cầu trên Quốc lộ 21B kéo dài (thay thế phà Quang Thiện).

  • Cầu trên tuyến đường bộ ven biển.

  • Cầu đường sắt trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Cầu trên sông địa phương

Xây dựng các cầu qua sông địa phương theo cấp tải trọng HL93 trên các tuyến đường tỉnh, đường vành đai và các tuyến đường trục quan trọng có quy mô từ cấp IV trở lên và phù hợp với quy hoạch của tuyến đường; cầu trên các tuyến đường giao thông nông thôn xây dựng theo quy mô tải trọng thiết kế 0,5 – 0,65 HL93.

Quy hoạch các bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ tại Nam Định

Bến xe, bãi đỗ xe

  • Xây dựng bến xe khách phía Bắc thành phố tại huyện Mỹ Lộc tiếp giáp Quốc lộ 21B, đạt tiêu chuẩn bến xe loại I (với diện tích >30.000 m2); Bến xe khách Nam Định chuyển thành điểm trung chuyển xe buýt, bãi đỗ xe và bến xe hàng.
  • Xây dựng mới Bến xe trung tâm huyện Vụ Bản, bến xe khách Đông Bình gần Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông đạt tiêu chuẩn bến xe theo quy hoạch.
  • Xây dựng các điểm dừng đón trả khách taxi, xe buýt trong thành phố: Hệ thống các điểm đỗ xe công cộng được bố trí phù hợp tại các khu vực trung tâm đô thị.
  • Mở rộng các bến xe hiện có tại trung tâm các huyện thị trấn, thị xã đạt bến xe loại 4 trở lên (≥ 2500m2/bến), bổ sung và quy hoạch các bến xe, bãi đỗ xe tại các khu vực đông dân cư, nơi lễ hội, khu công nghiệp với tiêu chuẩn bến từ loại 5 (≥1500m2) trở lên.
  • Quy hoạch các bến xe hàng và bãi đỗ xe khu vực thành phố Nam Định đạt từ 5-7% diện tích đất quy hoạch thành phố phân bố đều ở các trung tâm, các cửa ngõ ra vào Thành phố quy hoạch 1-2 bãi đỗ xe và 1 phường tối thiểu 1 bãi đỗ xe; Đối với khu vực thị trấn các huyện quy hoạch 1 bãi đỗ xe (>2.000m2) phù hợp với đấu nối các tuyến giao thông quan trọng và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Quy hoạch trạm dừng nghỉ đường bộ

  • Duy trì trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 10 đã có quy hoạch (Trạm dừng nghỉ đường bộ Nam Sơn Km111+250 Quốc lộ 10, diện tích 5.000m2 đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố năm 2012)
  • Quy hoạch bổ sung 01 trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Quy hoạch các tuyến đường sắt tỉnh Nam Định

Quy hoạch các đoạn đường sắt trên địa bàn tỉnh Nam Định theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu

Nâng cấp, từng bước hiện đại hóa đạt tốc độ chạy tàu bình quân từ 80km/h đến 90km/h đối với tàu khách và 50km/h đến 60km/h đối với tàu hàng.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 kilômét/giờ trong tương lai, trong đó đoạn tuyến đi qua tỉnh Nam Định dài khoảng 36 Km.

Tuyến đường sắt khác

  • Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh với tổng chiều dài tuyến 120 Km. Quy mô đường đơn, khổ 1435mm
  • Tuyến đường sắt thành phố Nam Định – Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp. Chiều dài tuyến 50 Km, quy mô đường đơn, khổ 1000mm.

Quy hoạch phát triển đường thủy nội địa tỉnh Nam Định

Tuân thủ Quy hoạch tổng thể phát triển Giao thông Vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/04/2013; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung chi tiết tại Quyết định số 4360/QĐ-BGTVT ngày 10/12/2015; Quyết định số 2989/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung sau:

Quy hoạch luồng tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý

Chuyển tuyến sông Vọp từ sông Hồng (Km6+500) đến cảng cá Giao Hải (tiếp giáp biển Đông), chiều dài 15 Km về Trung ương quản lý. Đề xuất đưa vào tuyến đường thủy nội địa quốc gia và xây dựng cảng hành khách phục vụ du lịch sinh thái khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Quy hoạch luồng tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý

Chuyển kênh Quần Liêu chiều dài 3,5 Km từ sông Trung ương quản lý về địa phương quản lý, duy trì cấp II sau khi công trình kênh nối sông Đáy – sông Ninh Cơ (kênh đào Nghĩa Sơn) thuộc dự án WB6 hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

Quy hoạch cảng, bến thủy nội địa

  • Bổ sung 02 bến khách ngang sông: Bến Nam Điền tại xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng và bến Cồn Nhì xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy.
  • Bến, cụm bến thủy nội địa:
  • Bỏ tên các chủ bến trong Quyết định số 2989/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

  • Bổ sung 05 bến thủy nội địa:

  • Xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng (khoảng Km7+800 bờ phải sông Ninh Cơ) phục vụ xây dựng và bốc xếp hàng hóa cho nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu. Khi đủ điều kiện nghiên cứu nâng cấp lên thành cảng bốc xếp hàng hóa.

  • Xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy (Km20+789 – Km21+100 bờ hữu sông Hồng).

  • Xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng ( Km15-Km16 bờ hữu sông Ninh Cơ).

  • Xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng (khoảng Km16-Km17 bờ hữu sông Ninh Cơ).

  • Xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng (khoảng Km46 bờ tả sông Đáy).

  • Điều chỉnh bỏ ra ngoài quy hoạch 02 vị trí bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng thuộc xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng: Bến Trịnh Duy Lùng (Km15+500-Km15+600) và bến Nguyễn Đình Hạnh (Km15+200-Km15+130) bờ hữu sông Ninh Cơ.

Quy hoạch phát triển cảng biển tỉnh Nam Định

Tuân thủ Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2367/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó cảng biển Hải Thịnh (Nam Định) được xác định là cảng tổng hợp địa phương (Loại II) gồm khu bến Hải Thịnh và bến cảng chuyên dụng cho Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1. Năng lực hàng hóa thông qua dự kiến vào năm 2020 đạt khoảng 0,5 triệu tấn/năm; năm 2030 đạt khoảng 6,25 triệu tấn/năm.

Quy hoạch chi tiết cho các khu bến chức năng chính như sau

  • Khu bến Hải Thịnh: Bao gồm các bến cảng trên sông Ninh Cơ (Hải Thịnh, Thịnh Long) khai thác với cỡ tàu từ 1.000 đến 3.000 tấn; nghiên cứu xây dựng bến cảng chuyên dùng phục vụ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ. Năng lực thông qua năm 2020 dự kiến đạt khoảng 0,5 triệu tấn/năm; năm 2030 dự kiến đạt khoảng 1,25 triệu tấn/năm.
  • Bến cảng chuyên dụng cho Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1: Là cảng chuyên dụng của nhà máy cho tàu từ 1.000 đến 2.000 tấn. Năng lực thông qua (chủ yếu là hàng than) đến 2030 đạt 5,0 triệu tấn/năm.

Quy hoạch cảng nội địa (ICD)

Theo Quyết định số 2223/QĐ-TTg ngày 13/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó Nam Định là một trong các tỉnh có quy hoạch cảng Cạn tại Khu vực kinh tế ven biển gồm các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, phía Tây Hà Nội và Hòa Bình.

Vị trí quy hoạch: Khu vực bãi Thanh Hương, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1922/QĐ-UBND ngày 29/9/2015 cho Công ty TNHH cảng LS – Nhà đầu tư xây dựng với tổng diện tích 12,8 ha.

Những từ khóa tìm kiếm liên quan tới bài viết “bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định

  • quy hoạch giao thông nam định

  • bản đồ giao thông nam định

  • bản đồ quy hoạch giao thông nam định

  • bản đồ giao thông thành phố nam định

  • các loại đường giao thông ở nam định

  • quy hoạch giao thông thành phố nam định

Từ khóa » Bản đồ Quy Hoạch đường Bộ Ven Biển Nam định