Ban Hành “Bảng Phân Loại Quốc Tế Mã Hoá Bệnh Tật, Nguyên Nhân Tử ...

BAN HÀNH “BẢNG PHÂN LOẠI QUỐC TẾ MÃ HOÁ BỆNH TẬT,

NGUYÊN NHÂN TỬ VONG ICD-10 VÀ HƯỚNG DẪN MÃ HOÁ BỆNH TẬT THEO ICD-10”

Nguyễn Phước Lộc – P.KHTH

     Ngày 28/10/2020, Bảng phân loại quốc tế mã hoá bệnh tật, nguyên nhân tử vong ICD-10 và hướng dẫn mã hóa bệnh tật theo ICD-10 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 4469/2020/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

     Theo đó, nội dung Bảng phân loại được cập nhật và tra cứu trực tiếp từ website icd.kcb.vn. Quyết định số 7603/2018/QĐ-BYT ngày 25/12/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành “Bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT, phiên bản số 6” sẽ chính thức hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/10/2020.

     ICD-10 là Bảng phân loại quốc tế về bệnh tật và nguyên nhân tử vong do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì sửa đổi, bổ sung phiên bản sửa đổi lần thứ 10 ban hành năm 1990 và cập nhật lần cuối vào 2019. Trang web tra cứu chính thức ICD-10:

  • Bộ Y tế: http://icd.kcb.vn
  • Tổ chức Y tế Thế giới: https://icd.who.int/browse10/2019/cn

Bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10 bao gồm 22 chương, trong đó 21 chương bệnh chính. Các chương được quy định bởi 1 hoặc nhiều chữ cái, sắp xếp từ A-Z, được phân loại theo tác nhân gây bệnh, nguyên nhân ngoại sinh, bệnh theo hệ cơ quan, ung bướu, triệu chứng hay rối loạn bất thường…

Các nguyên tắc lựa chọn lại bệnh chính

Nguyên tắc 1: Bệnh nặng hơn, quan trọng hơn là bệnh chính

     Trong trường hợp có nhiều bệnh có thể lựa chọn là bệnh chính, chọn bệnh quan trọng hơn, phù hợp với các biện pháp điều trị, hoặc phù hợp với chuyên khoa điều trị và chăm sóc bệnh nhân là bệnh chính hoặc bệnh sử dụng nhiều nguồn lực nhất là bệnh chính

Nguyên tắc 2: Bệnh là nguyên nhân phải điều trị, chăm sóc là bệnh chính

     Trường hợp có nhiều bệnh được chẩn đoán như là bệnh chính nhưng không thể mã hoá kết hợp với nhau được, thì dựa vào hồ sơ bệnh án để tìm xem bệnh nào là nguyên nhân khiến bệnh nhân cần phải điều trị và chăm sóc y tế nhất. Nếu không xác định được thì chọn bệnh ghi đầu tiên là bệnh chính.

Nguyên tắc 3: Bệnh chính là bệnh có triệu chứng được điều trị và chăm sóc.

     Nếu triệu chứng cơ năng, thực thể (Chương 18) hoặc một vấn đề sức khỏe (Chương 21) thuộc bệnh đã được chẩn đoán mà phải điều trị và chăm sóc thì chọn bệnh đã được chẩn đoán này là bệnh chính. Ví dụ: Đau bụng, Viêm ruột thừa cấp, phẫu thuật cắt ruột thừa viêm, chọn “Viêm ruột thừa cấp” là bệnh chính.

Nguyên tắc 4: Bệnh đặc hiệu hơn là bệnh chính

     Trong trường hợp nhiều chẩn đoán đưa ra cho cùng một tình trạng bệnh, chọn bệnh được chẩn đoán đặc hiệu hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn, gần với bản chất của bệnh hơn là bệnh chính. Ví dụ: Bệnh Tim bẩm sinh và Thông liên thất, chọn “Thông liên thất” là bệnh chính.

Nguyên tắc 5: Bệnh được ghi nhận trước là bệnh chính

     Khi một triệu chứng hoặc một dấu hiệu được ghi nhận như một bệnh chính và cho biết rằng triệu chứng hoặc dấu hiệu đó có thể do một bệnh hoặc nhiều bệnh khác nhau gây nên, chọn triệu chứng như là bệnh chính. Ví dụ: Buồn nôn và nôn do ngộ độc thực phẩm hoặc viêm ruột thừa, “chọn buồn nôn và nôn” là bệnh chính.

     Khi có hai bệnh trở lên được ghi nhận như là chẩn đoán của bệnh chính, chọn bệnh đầu tiên được ghi nhận. Ví dụ: Viêm ruột thừa do Salmonella hoặc viêm ruột do Yersinia, chọn “Viêm ruột thừa do Salmonella” là bệnh chính.

Trên đây là một số nội dung quan trọng mà nhân viên y tế cần biết để áp dụng vào thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế./.

Related

Từ khóa » Chẩn đoán Icd Là Gì