Ban Hành Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật Theo Trình Tự, Thủ Tục Rút Gọn

Một trong những hoạt động cơ bản của cơ quan Nhà nước là xây dựng pháp luật, tức là hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), hoạt động này có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng cũng như hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước. Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 “Văn bản QPPL luật là văn bản có chứa QPPL, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này”. Qua đó cho thấy, việc ban hành văn bản QPPL bắt buộc phải tuân theo quy định về trình tự, thủ tục chặt chẽ theo Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài trình tự, thủ tục thông thường, trong một số trường hợp đặc biệt, văn bản QPPL có thể được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong phạm vi bài viết, xin được đề cập đến một số quy định của pháp luật về ban hành văn bản QPPL hiện hành về các trường hợp ban hành, thẩm quyền và trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn chính thức được quy định lần đầu tại Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 (trước đó, tại Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND năm 2004 cũng quy định trình tự thủ tục riêng trong ban hành quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp nhưng chưa sử dụng khái niệm “trình tự, thủ tục rút gọn”). Qua từng thời kỳ, các lần sửa đổi, bổ sung cho chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn thì đến nay Luật Ban hành văn bản QPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2020 (Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã quy định cụ thể các trường hợp, thẩm quyền ban hành và trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thứ nhất, về các trường hợp ban hành

Khoản 44 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định 05 nhóm trường hợp ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, bao gồm:

1. Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn

Theo Từ điển Tiếng Việt, “khẩn cấp” nghĩa là “cần được tiến hành, được giải quyết ngay, không chậm trễ”. Pháp luật về ban hành văn bản không giải thích rõ các trường hợp khẩn cấp là gì. Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật chuyên ngành có quy định về các trường hợp khẩn cấp như: Khoản 10 Điều 2 Luật Quốc phòng quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh”; theo Điều 42 Luật Phòng, chống bênh truyền nhiễm quy định việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc “Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp”... Ngoài trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; trình tự này còn được áp dụng đối với trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Việc quy định ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn trong các trường hợp trên là hết sức cần thiết, nhằm có những quy định kịp thời, đáp ứng việc giải quyết các vấn đề phát sinh, có áp lực về mặt thời gian nếu như không được điều chỉnh, giải quyết kịp thời.

2. Trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản QPPL để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Pháp luật là công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi ích Nhà nước, của tổ chức cá nhân. Do đó, trường hợp các văn bản QPPL nếu không được ngưng hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích trên thì việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn là một yêu cầu cấp thiết. Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì văn bản QPPL ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thời điểm ngưng hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực của văn bản hoặc hết hiệu lực của văn bản phải được quy định rõ tại văn bản QPPL của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản QPPL mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản QPPL để thực hiện Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Theo quy định, văn bản QPPL được ban hành phải đáp ứng được một trong các điều kiện là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Do đó, trường hợp văn bản không còn phù hợp với văn bản QPPL mới ban hành, cần ban hành ngay thì được ban hành theo trình tự, thủ tục này. Một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản QPPL được quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL là “Không làm cản trở việc thực hiện các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”, trong một số trường hợp văn bản được ban hành theo thủ tục thông thường có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Điều ước Quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã bổ sung trường hợp này được ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đảm bảo được tính kịp thời trong việc thực hiện các Điều ước mà nước ta là thành viên .

4. Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản QPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì “Văn bản QPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản QPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó” Việc xây dựng các văn bản bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản QPPL phải tiến hành như quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPPL thông thường sẽ mất thời gian cũng như không đảm bảo được tính kịp thời. Quy định mới đáp ứng được tình hình thực tế, giải quyết được tình trạng có những văn bản quy định đã không còn phù hợp với thực tế cần bãi bỏ mà không cần ban hành một văn bản QPPL mới.

5. Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản QPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn

Đây cũng là trường hợp được bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020. Hiện nay pháp luật về ban hành văn bản cũng chưa có quy định hay hướng dẫn về “vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn” là như thế nào. Thực tiễn ở Hà Tĩnh trong thời gian qua cũng có một số trường hợp chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành văn bản QPPL để kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản QPPL do chính quyền địa phương ban hành, phần lớn các văn bản kéo dài thời hạn áp dụng của địa phương là do chưa có cơ sở pháp lý để ban hành văn bản QPPL mới áp dụng cho giai đoạn sau hoặc việc ban hành văn bản QPPL mới áp dụng cho giai đoạn sau còn có những hạn chế, bất cập.

Thứ hai, về thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành văn bản

Luật Ban hành văn bản QPPL quy định cụ thể thẩm quyền quyết định việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với từng loại văn bản QPPL ở Trung ương và địa phương. Đối với địa phương, Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh.

Thứ ba, về trình tự, thủ tục

Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện như sau:

- Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức việc soạn thảo;

- Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản. Trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì thời hạn lấy ý kiến không quá 20 ngày;

- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án, dự thảo, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định, cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra dự thảo văn bản.

- Xem xét, thông qua: Luật quy định HĐND cấp tỉnh xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết tại kỳ họp gần nhất theo trình tự quy định tại Điều 126 của Luật Ban hành văn bản QPPL; UBND cấp tỉnh xem xét, thông qua dự thảo quyết định tại phiên họp gần nhất theo trình tự quy định tại Điều 132 của Luật Ban hành văn bản QPPL. Đồng thời, văn bản QPPL sau khi ký ban hành phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo trong thời hạn theo quy định.

Như vậy, việc ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn không bắt buộc phải tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản; thời gian thẩm định, thẩm tra được rút ngắn hơn. Điểm đáng lưu ý đối với văn bản ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn đó là hiệu lực thi hành có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc kể từ ngày ký ban hành, đáp ứng được những yêu cầu khẩn cấp, cần thiết của công tác ban hành văn bản QPPL phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước./.

Thanh Hoa

Từ khóa » Trình Tự Bãi Bỏ Văn Bản Qppl