BẢN THỂ, 2.- CẬN TỬ NGHIỆP, 3.- ÁO LỤC THÙ, ÁO HẢI HỘI, 4.

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP, tập 4, TG.2011, tr.65-68; tr.78-80; tr.114-117; tr.161-165)link sách: ĐVXP, tập 4

1.- BẢN THỂ TUYỆT ĐỐI

Hỏi: Kính thưa Thầy! Bản thể tuyệt đối là gì? Người xả tâm sạch, có phải đạt được bản thể tuyệt đối hay không? Thỉnh Thầy chỉ dạy cho con được rõ.

Ðáp: Với trí hữu hạn của con người, mà đòi hiểu bản thể tuyệt đối của vạn hữu, cũng như dùng mắt thường mà muốn tìm thấy vi trùng trong ly nước. Do đó, cả thế gian hiện giờ, người ta xây dựng bản thể tuyệt đối bằng “tưởng tri”.

Bởi vậy, con người với trí hữu hạn không hiểu, lại không chịu không hiểu, rồi dùng tưởng tri để hiểu, nên hiểu sai tất cả, mà cứ ngỡ rằng mình là hiểu đúng, rồi đem truyền dạy cho người khác cũng hiểu như vậy. Từ đó thế giới tưởng thành hình, mọi người ai cũng tôn thờ và cung kính, xem như một thế giới vĩnh hằng bất biến của loài người.

Người xả tâm sạch, không phải đạt được bản thể tuyệt đối, mà chỉ mới làm chủ tâm mình (ly dục ly ác pháp). Ðối với đời sống hằng ngày, không còn phiền não đau khổ, thương, ghét, giận hờn, hận thù, v.v…

Trong bốn cái khổ của kiếp người, họ mới làm chủ được một cái, trên đường đi đến cứu cánh giải thoát, họ còn phải tu tập nhiều nữa.

Bản thể tuyệt đối, do các tôn giáo khác tưởng ra như: Ðại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Bà La Môn, v.v... Riêng đạo Phật biết đó là tưởng tri của loài người và của các tôn giáo khác, nên Ngài nhắm vào mục đích khác, để giải quyết bốn nỗi khổ của kiếp người “sanh, già, bệnh, chết”.

Sau khi giải quyết bốn cái khổ của kiếp người xong thì đức Phật xác định: “sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Ðến đây nếu ai có hỏi: Còn có cái gì không? Nếu nói còn, tức là chấp thường, chấp ngã, nếu nói không thì chấp đoạn. Bởi vì, trí hữu hạn của con người, đừng nên hiểu xa hơn, mà chỉ biết tu tập như thế nào để thoát khổ của đời người là hạnh phúc lắm rồi. Theo mục đích của đạo Phật là như vậy, còn tìm hiểu thêm thì hiểu sai và hiểu sai thì lại sanh ra chấp đắm, tạo nhiều điều đau khổ và còn đau khổ nhiều hơn. Vì chính hiểu sai (vô minh) sự vật, nên đã lầm chấp thế giới hữu hình và thế giới vô hình là thật có, vì thế mới tạo ra muôn vàn đau khổ cho nhau.

Bây giờ đã thoát khổ mà lại hỏi, còn có khổ hay không thì thật là điên đảo. Không còn chỗ nói được, đã giải thoát hết kiếp khổ của đời người mà hỏi có còn gì không. Chỗ này trí phàm phu, ai hiểu sao cứ hiểu, còn người tu đến đó, có trí vô hạn thì hiểu rõ ràng, kẻ không tu mà muốn biết, cố tìm hiểu cũng chỉ tưởng hiểu mà thôi (hiểu sai bét), và sự hiểu sai đó tạo ra sự mê tín, lạc hậu của những con người cổ xưa, mà bây giờ chúng ta còn giữ mãi, không dám bỏ những cái sai đó, thật là ngu si điên đảo.

Trong thời đại văn minh khoa học như thế này, mà con người còn tin bản thể tuyệt đối. Cách đây 2548 năm (1997) Ðức Phật đã xác định, qua bài kinh “Pháp Môn Căn Bản”. Lúc bây giờ con người còn lạc hậu, dân trí còn thấp kém, sự hiểu biết chưa có khoa học chứng minh cụ thể, nên dùng tưởng tri quá nhiều, biến thành một thế giới siêu hình vĩ đại, điều khiển thế giới hữu hình, từ đó con người đã lạc vào thế giới mê tín, trừu tượng. Còn bây giờ chúng ta như thế nào? Cũng sống trong tưởng tri nữa sao? Cũng lạc hậu như những người xưa nữa sao? Trong khi khoa học tiến triển hiện đại hóa đời sống con người mà còn dại khờ, ngu ngốc để kẻ khác lừa đảo, lường gạt lặp lại những bài vở lỗi thời.

Ðời sống con người đầy đủ vật chất tiện nghi, bệnh đau có bệnh viện, có bác sĩ chăm sóc, có thuốc thang đầy đủ, cớ sao lại còn lạc hậu mê tín, tin vào cái thế giới siêu hình ấy, để tự làm khổ mình và người khác, phỏng có ích lợi gì. Thật là ngu si vô minh không chỗ nói.

Chân lí của đạo Phật là gì? Là tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham, sân, si là tâm không còn dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, tức là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Ðó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, là chân lí thứ ba của Phật giáo. Cho nên, Phật và A La Hán đều chứng đạt chân lí này, chứ không phải bản thể tuyệt đối mơ hồ của ngoại đạo.

2.- CẬN TỬ NGHIỆP

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong lúc nhà có người chết, tại sao lại phải phủ mặt, theo con nghĩ, khi người chết, có người mặt trắng, có người mặt xám, có người mặt vàng khè. Như thế tướng trạng của gương mặt thay đổi theo nhân quả của từng người. Cho nên phải đậy mặt lại, để cho người sống đỡ sợ hãi, phải không thưa Thầy?

Ðáp: Theo phong tục của mỗi dân tộc trên thế gian này có khác nhau. Riêng dân tộc Việt Nam khi có người chết, có tục lệ đậy mặt. Theo sách phong tục tập quán dân tộc Việt Nam, do Toan Ánh biên soạn, nhưng cũng không nói đến phong tục người chết đậy mặt. Trong kinh sách Phật giáo cũng không có dạy điều này, nhưng có dạy về cận tử nghiệp (nghiệp lực trước khi chết). Khi một người vừa tắt thở, các duyên trong thân ngũ uẩn chưa phân tán, tức là chưa hoại diệt. Nên lúc bấy giờ họ đang thị hiện một giấc mộng, giấc mộng đó báo cho biết, đây là nghiệp cuối cùng của họ trong kiếp này chuyển sang kiếp mới; giấc mộng đó cũng thể hiện một nghiệp lực, do huân tập nhân quả trải dài thời gian của một kiếp con người; giấc mộng đó cũng đang thực hiện một sức lực (nghiệp lực) tiếp tục tái sanh kiếp mới của con người, khi giấc mộng này vừa tan biến. Giấc mộng này vừa tan thì thân tứ đại cũng vừa dừng hẳn, nghĩa là thân tứ đại này không còn phục hồi lại được nữa.

Trong thời gian nằm mộng, thì gương mặt người chết biểu lộ qua màu sắc, hoặc những nếp nhăn, cau có, hung dữ hoặc hân hoan, vui mừng, hiền lành, v.v…

Như con đã nghĩ, người chết có khi mặt trắng bạch, có khi vàng khè hoặc có khi xám xịt, v.v... rồi trở lại bình thường giống như người đang ngủ. Không phải chỉ có sự thay đổi màu sắc và nếp nhăn mà còn nhiều tướng trạng hiện trên gương mặt ghê sợ như: trợn trừng mắt, há hốc miệng, mím chặt môi, cắn răng, như giận dữ, hoặc le lưỡi, hoặc nói lập bập trong miệng, có khi cười, có khi khóc, có khi gương mặt biểu lộ ra sự sợ hãi, cũng có khi gương mặt biểu lộ ra sự hân hoan, vui mừng và cuối cùng giấc mộng cận tử nghiệp tan biến, thì gương mặt kia trở lại bình thường như người đang ngủ. Nên tục lệ đậy mặt người chết có lẽ để cho người sống đỡ sợ.

Vậy, xin những bậc trí giả, các bậc Trưởng lão cao niên hiểu và biết rõ phong tục tập quán này xin mách dùm, chứ trong giáo lý của đạo Phật không có dạy điều này, chúng tôi xin cảm ơn trước.

3.- ÁO LỤC THÙ, ÁO HẢI HỘI

Hỏi: Kính thưa Thầy! Chúng con tâm còn hoảng loạn, trong lúc có người thân quyến ra đi, thật là lưu luyến kẻ ở người đi, lòng sầu bi, ũ dột. Lúc còn sống phải chuẩn bị mua sắm áo chết để mặc, “áo lục thù, áo hải hội” để khi chết mặc đi xuống địa ngục, quỷ sứ nhìn thấy, biết đó là đệ tử của nhà Phật, mà không hành án nặng, giảm khinh tội. Thưa Thầy, con chưa hiểu, xin Thầy chỉ dạy.

Ðáp: Ðạo Phật quả quyết và xác định không có thế giới siêu hình, thì làm sao có linh hồn mặc áo hải hội, áo lục thù đi xuống địa ngục.

Ðạo Phật chỉ có một thế giới con người đang sống, là thế giới tưởng tri, con người đang lầm chấp cho đó là thế giới có thật sự, nên tạo biết bao nhiêu nhân quả bất thiện, để rồi cũng phải chịu sống với bao nhiêu quả khổ đau, vui ít, khổ nhiều, còn kẻ nào tạo những điều cực ác, thì phải thọ lấy cảnh sống toàn khổ, đó là địa ngục trần gian, chứ không có địa ngục nào khác nữa; còn kẻ nào làm toàn thiện, không làm khổ mình, khổ người thì kẻ ấy có một cuộc sống an vui, hạnh phúc, đó là cảnh giới của chư Thiên; còn kẻ nào cũng sống toàn thiện như trên, mà biết xa lìa tâm ham muốn (dục), không làm khổ mình, khổ người thì tâm hồn thường thanh thản, yên vui, an lạc và vô sự, đó là Niết Bàn tại thế gian.

Ðối với đạo Phật, cảnh Thiên Ðàng, Ðịa Ngục và Niết Bàn đều ở tại thế gian không phải đi tìm nơi đâu xa cả.

1- Làm ác chịu quả khổ, đó là địa ngục tại thế gian.

2- Làm thiện hưởng phước báo an vui, hạnh phúc, tai qua nạn khỏi, sống cuộc đời đầy đủ, không thiếu hụt, muốn chi có nấy, đó là cảnh Thiên Ðàng tại thế gian.

3- Sống ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm, tâm hồn vô sự, thanh thản, trầm lặng, an lạc, đó là cảnh giới Niết Bàn tại thế gian.

Áo lục thù và áo hải hội là của các thầy cúng và các thầy phù thủy, bày đặt chuyện ra để lừa đảo, lường gạt những người không hiểu giáo lý đạo Phật chơn chánh, họ dựa theo một số kinh sách mê tín của Ðại Thừa, mà bảo với tín đồ, đó là lời Phật dạy: làm như vậy, cúng bái như vậy, sẽ có lợi ích và phước báo lớn.

Làm gì có quỷ sứ, ngưu đầu mã diện; làm gì có mười vua Diêm Vương ở cõi địa ngục hành hạ linh hồn tội nhân. Ðó là sự giàu tưởng tượng của những nhà văn viết tiểu thuyết thuộc loại hoang đường hư ảo như những tác giả kinh Ðịa Tạng, kinh Thập Vương, Tây Du Ký, Phong Thần, Hồi Dương Nhân Quả, Liêu Trai Chí Dị, v.v…

Trong kinh sách Nguyên Thủy của đạo Phật, có nói đến quỷ vô thường, quỷ la sát, là nói đến sự vô thường của thân tứ đại và các pháp ác, chứ không phải có con quỷ vô thường và con quỷ la sát thật sự, người đời không hiểu cho đó là có quỷ thật sự, ở cõi địa ngục Diêm La.

Trong kinh Thập Vương diễn tả mười cảnh địa ngục, có mười vị vua Diêm La Vương, có quỉ sứ, có ngưu đầu, mã diện, có phán quan, v.v... Ðó là một thế giới tưởng được vẽ ra, để lừa đảo tín đồ, khiến cho tín đồ quá sợ hãi. Do sự sợ hãi đó mà quý thầy Ðại Thừa bảo tín đồ làm sao thì làm vậy, không dám suy nghĩ đúng, sai những điều đã được dạy bảo, nên phải chịu hao tài tốn của rất nhiều về vấn đề cầu siêu, cúng vong, tiễn linh, trừ linh, trừ thần, v.v...

4.- CẦN XẢ BỎ MÊ TÍN

Hỏi: Kính thưa Thầy! Ðời thường của cư sĩ tại gia, chúng con thường xuyên phải va chạm nhiều vấn đề, nếu không cẩn thận thì phạm giới.

Hiện giờ, chúng con cứ lo tu tập sống đúng đạo đức nhân quả, những việc ma chay và cưới xin, nói chung là tất cả phong tục, tập quán đều có thể ảnh hưởng đến việc tu tập của chúng con không ít, mà trong giáo án của Thầy không có dạy. Vậy cúi xin Thầy từ bi lân mẫn chỉ dạy cho chúng con.

Ðáp: Là đệ tử của Phật, dù cư sĩ hay tu sĩ đều phải theo lời dạy của đức Phật, lần lượt xả bỏ không những thế giới siêu hình mà còn xả luôn cả thế giới hữu hình.

Bởi vậy, nếu đúng theo tinh thần của Phật giáo, thì trong gia đình người cư sĩ đệ tử của đức Phật, việc ma chay và cưới xin phải giản đơn và không sát sanh, không nên tổ chức linh đình, vì chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu người bất hạnh thiếu cơm ăn, áo mặc. Tổ chức đám tiệc thực phẩm trai tịnh, thanh khiết, trang nghiêm, thanh tịnh, không được làm ồn náo, ầm ĩ, ca nhạc phải khéo chọn những bài hát có ý nghĩa sâu kín của người Á Ðông, nói lên được sự hạnh phúc của đôi tân hôn với truyền thống Việt Nam, phải trang hoàng, thanh nhã, lịch sự, không quá cầu kỳ.

Tiệc ma chay không được trống kèn, ầm ĩ, ca, xướng, hát, táng tụng, hò hét, đàn địch, phải giữ gìn im lặng, trang nghiêm, cúng bái, tế lễ phải có ngăn nắp hết sức, phải có tôn ti trật tự hẳn hòi, cấm rượu chè bê bối say sưa trong đám tang cũng như trong đám cưới.

Tổ chức đám cưới, tuy có ca hát như trên đã nói, nhưng không được ca hát quá trớn, biết rằng đám cưới là đám vui, vui trong đạo đức lành mạnh của người dân Á Châu, cho nên phải chọn những bài ca chúc tụng, những bài ca có tình, có nghĩa, ca ngợi những lòng chung thủy, không được dùng những bài ca nhảm nhí, thương vay, khóc mướn, tình tứ bi thảm. Ðiều cấm kỵ nhất trong đám cưới cũng như đám tang, không được chè chén, say sưa, tiếng qua, tiếng lại, tranh luận hơn thua, hoặc la hét chửi mắng hoặc đấm đá nhau, v.v... Phải giữ gìn im lặng, trang nghiêm để bầu không khí thiêng liêng trong những giờ phút chia vui đám cưới, chia buồn đám tang.

Nếu tất cả mọi việc đều giữ được sự trang nghiêm, thanh tịnh và không làm theo sự mê tín, dị đoan của kinh sách phát triển dạy và phong tục tập quán dân gian, thì sự tu tập theo đạo Phật rất dễ dàng.

Nếu việc ma chay và cưới xin, đừng giết hại chúng sanh làm cỗ bàn, thì sự tu tập rất là an tịnh, tinh thần thoái mái, thanh thản và an lạc.

Do sự tổ chức ma chay và cưới xin đúng cách theo đạo Phật, thì mọi người trong gia đình đều được an vui, hạnh phúc. Vì tạo nhân làm điều thiện và đơn giản nên sau khi đám tiệc xong rồi, người trong nhà không có ai nợ nần và không có thấy máu chúng sanh đổ, nên tâm hồn thảnh thơi. Vì tổ chức làm đám giản đơn nên mọi người không mệt nhọc, không bề bộn cả nhà đều được khỏe khoắn, an vui.

Ở đời, người ta chạy theo những lời khen, chê ngoài miệng “Nhà đó tổ chức đám tiệc linh đình ầm ĩ, không có gia đình nào hơn được”, chỉ những lời khen rỗng tuếch đó, mà cả mọi người trong gia đình đều mệt nhọc và khổ sở, lại còn mang nợ nần khác nữa. Ðám tiệc xong có khi mọi người trong gia đình phải đau bệnh. Thật là vô minh, u tối chỉ có một lời khen hão mà con người từ xưa cho đến nay đều ngu si chạy theo danh hão đó, nên bảo sao đời người khổ là vậy.

Theo đạo Phật chỉ cầu sự giải thoát, còn tất cả phong tục tập quán, dù có truyền thống lâu đời thì cũng vẫn tổ chức rất đơn giản, không chạy theo xu hướng của người khác, cứ làm y theo sự đơn giản mà đức Phật đã chỉ dạy, còn tất cả những phong tục nào mê tín, lạc hậu thì mạnh mẽ, cương quyết không chấp nhận, đình chỉ, phá bỏ, nhất định không tổ chức những điều mê tín đó. Mục đích đập, phá như vậy là để giúp cho con cháu đời sau đỡ hao tài, tốn của một cách vô ích và phi lý.

Người cư sĩ, đệ tử của Phật, phải sáng suốt nhận định cái nào đúng có lợi ích cho mình, cho người và những việc làm nào không làm khổ mình, khổ người thì hãy duy trì và giữ gìn bảo vệ những phong tục đó để mang lại cho cá nhân, gia đình, xã hội và đất nước một sự an vui, thanh bình, trật tự, hạnh phúc và phồn vinh. Ngược lại, những phong tục mê tín, lạc hậu nào làm hao tiền, tốn của, chẳng ích lợi gì mà còn gây tai hại tạo nhân ác làm đau khổ mọi người và chúng sanh thì ta phải phá bỏ và dẹp sạch để làm lợi ích cho con cháu về sau, không bị ảnh hưởng cha truyền, con nối hoặc theo kiểu “Tổ tổ truyền nhau”.

5.- CÁCH TU TẬP

Hỏi: Kính thưa Thầy! Theo trong thời khoá con đã ghi sự tu tập của con, như vậy có đúng chưa, xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ?

Ðáp: Về phần tu tập con nên đọc kỹ lại những bài vấn đạo, thì sẽ biết rõ cách thức tu hành, Thầy xin tóm lược lại:

1- Ngồi nhiếp tâm trong hơi thở, phải ngồi kiết già, lưng thẳng, mắt nhìn xuống chóp mũi, mở một phần ba mắt.

2- Khi sức gom tâm, tập trung chưa cao, con nên kèm theo pháp hướng tâm, để nhắc nhở và dắt tâm: “Tôi thở, tôi biết tôi đang thở”, lượng với sức của mình tu tập từ 1 phút đến 5 phút, rồi xả nghỉ đi kinh hành; khi đi kinh hành cũng tu từ 1 phút đến 5 phút tỉnh thức trong bước đi, con nên kèm theo pháp hướng tâm, để nhắc nhở và dắt tâm: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đang đi kinh hành”.

3- Ðợt thứ hai, con cũng tiếp tục tu tập như trên. Nên nhớ kỹ, Ðịnh niệm hơi thở mới đầu chỉ tu từ 10 hơi thở, rồi tăng dần lên 1 phút, từ một phút tăng lên 5 phút, từ 5 phút tăng lên 15 phút, tăng dần lên đến 30 phút rồi 1 giờ. Khi đến 1 giờ không nên tăng lên nữa, chỉ ở trạng thái trong 1 giờ đó, tập luyện pháp hướng tâm điều khiển sự sống, chết.

Ði kinh hành cũng vậy, khi đi 50 bước tỉnh thức, trong đó 10 bước có hướng tâm một lần: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đang đi kinh hành”, khi mới tu tập đi kinh hành, cũng nên đi với sức tu tập của mình, đừng đi quá sức, đi khoảng độ 1 phút, rồi dần quen mới tăng lên đến 30 phút, đến 1 giờ. Xả nghỉ 2 phút hoặc 5 phút rồi ngồi thiền trở lại, nương hơi thở tu tập, khi tu tập hơi thở xong, rồi lại tiếp tục đi kinh hành 50 bước nữa, cứ như vậy tu tập cho đến đúng 30 phút mới xả nghỉ luôn.

Từ khóa » Hình ảnh áo Lục Thù