Bản Thuyết Minh đồ Dùng Dạy Học - Trường TH TRUNG CHÂU B

BẢN THUYẾT MINH THIẾT BỊ DẠY HỌC TỰ LÀM

Tên thiết bị dạy học tự làm: Đôi Ngựa đua

Tên tác giả: Nguyễn Ngọc Long

Đơn vị: Trường Tiểu học Trung Châu B

I. Thông tin chung

          Ngày nay, với sự phát triển về công nghệ thông tin, nhiều thiết bị thông minh ra đời như điện thoại thông minh, máy tính, trò chơi điện tử cuốn hút mọi người tham gia, đặc biệt là học sinh trong độ tuổi tiểu học. Nhiều em vì quá say mê đã bỏ bê việc học hành, bỏ bê việc rèn luyện phát triển thể chất dẫn tới phát triển lệch lạc về trí tuệ và thể chất khiến thầy cô và phụ huynh lo lắng. Để hạn chế bớt việc học sinh bị cuốn hút vào các trò chơi điện tử có nhiều tác hại đó, cộng đồng xã hội, nhà trường cần có các sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút được các em. Một trong các trò chơi các em yêu thích là trò chơi  “Đua ngựa” các em có thể chơi ở mọi lúc, mọi nơi có thể như sân trường, sân nhà… “Đua ngựa” là một trò chơi dân gian đã có từ rất lâu, người ta lấy các cành cây, đoạn gậy mô phỏng con ngựa, cưỡi lên và đua; trò chơi này đặc biệt được các trẻ nhỏ yêu thích. Trò chơi “Đua ngựa” nhằm rèn luyện sức nhanh, sức mạnh và sự khéo léo được đưa vào chương trình giảng dạy trong các nhà trường tiểu học ở cả sách giáo viên cũ và sách giáo viên mới. Mặc dù vậy, nhiều năm dạy học giáo viên vẫn chỉ sử dụng cái thước hoặc đoạn gậy để tổ chức trò chơi cho các em. Việc sử dụng các dụng cụ chơi tạm bợ như vậy thiếu an toàn và không gây được hứng thú cho học sinh. Vì lí do đó tôi chọn làm một đôi ngựa để khi tổ chức trò chơi đua ngựa các em có hứng thú học tập.

II. Công dụng(chức năng) của thiết bị dạy học tự làm.

Với mô hình đôi ngựa đua này: là đồ dùng trực quan cho giáo viên thể dục dạy trò chơi “Đua ngựa” ở khối lớp 3, khối lớp 4 và khối lớp 5;

 Là dụng cụ để tổ chức trò chơi “Đua ngựa”cho học sinh ở nhiều tiết học khác nhau của  môn Thể dục  ở khối lớp 3, khối lớp 4 và khối lớp 5, cụ thể:

Khối lớp 3: Bài 26, bài 37;

Khối lớp 4: Bài 28, bài 28;

Khối lớp 5: Bài 6.

Khi học sinh tham gia chơi “Đua ngựa” với đôi ngựa này sẽ vô cùng hứng thú và có độ an toàn cao.

III. Quy trình thiết kế thiết bị dạy học tự làm

1. Nguyên tắc cấu tạo

          Đồ dùng khi đưa vào hoạt động đảm bảo tính an toàn, đảm bảo tính khoa học, tính chắc chắn, độ bền và tính thẩm mĩ.

          Đồ dùng gồm một đôi ngựa hai màu khác nhau;

          Mỗi chú ngựa gồm 2 phần chính: đầu ngựa và thân ngựa;

          Đầu ngựa: Mô phỏng hình đầu ngựa thật, kích thước 30cm x 35cm, yêu cầu hình thức giống thật, màu sắc bắt mắt, chất liệu có độ dẻo, độ dai, kết nối chắc chắn với thân ngựa;

          Thân ngựa: là một ống tròn phi 27 dài 80cm, yêu cầu cầm vừa tay học sinh, nhẹ, chắc chắn, không trơn trượt, có độ êm;

          Một giá để đôi ngựa.

2. Nguyên vật liệu (Liệt kê các nguyên vật liệu, số lượng các chi tiết)

- Miếng ép cao su tổng hợp 42dm2;

- 2m Ống inoc phi 27;

- 2m ống đệm mút phi 27;

- 4m hộp sắt làm giá để;

- Một số loại giấy màu khác nhau, keo dán, kéo, cưa sắt, dao cắt...

3. Cách làm

- Tạo đầu ngựa: Cắt miếng ép cao su tổng hợp 42dm2 thành 4 miếng nhỏ bằng nhau, dán hình đầu ngựa trên một miếng, cắt theo nét vẽ để thành hình đầu ngựa, cắt 3 miếng còn lại theo hình đã cắt để được 4 hình đầu ngựa rồi vẽ, tô màu cho các bộ phận của đầu ngựa sao cho cứ 2 hình mặt ngựa tạo thành 1 đầu ngựa. Dùng keo dán ghép 2 mảnh cắt hình đầu ngựa thành đầu ngựa hoàn chỉnh.

- Tạo thân ngựa: Cắt đoạn ống inoc tròn phi 27 có độ dài 80cm, mài nhẵn hai đầu, cắm vào hình đầu ngựa, dán chặt bằng keo, lồng ống đệm mút vào ống inoc tạo độ êm, chống trơn.

4. Hướng dẫn khai thác và sử dụng.

   - Chuẩn bị : Giáo viên chuẩn bị  "đôi ngựa". Kẻ một vạch xuất phát, cách vạch xuất phát 6 - 7m cắm 2  lá cờ nhỏ hoặc làm dấu bằng một vật nào đó, để học sinh biết phải chạy đến đó rồi mới chạy vòng về. Số mốc đó tương đương với số "ngựa" đã chuẩn bị. Tập hợp lớp thành 2  hàng dọc sau vạch xuất phát, mỗi hàng thẳng hướng với một lá cờ. Em đứng trên cùng của mỗi hàng cầm một "ngựa" . Cách cầm "ngựa" như sau : hai tay nắm lấy gậy, gần sát bờm ngựa (phần dưới của miếng bìa giả làm đầu ngựa) cho đầu "ngựa" chếch lên cao hướng về trước, đầu gậy kia chếch xuống đất hướng ra sau. Học sinh dùng 2 đùi kẹp lấy "ngựa" giả làm người cưỡi ngựa. Không để đầu gậy chạm đất.

   - Cách chơi : Khi có lệnh chơi, từng em một "Cưỡi ngựa" phi nhanh về trước theo cách giậm nhảy bằng hai chân để bật người lên cao - về trước, rồi rơi xuống ở tư thế chân trước chân sau, hai đùi vẫn kẹp lấy "ngựa". Động tác cứ tiếp tục như vậy cho đến cờ (mốc) thì phi vòng quay trở lại vạch xuất phát, rồi trao "ngựa" cho bạn số 2 và đi về đứng ở cuối hàng. Người số 2 tiếp tục phi ngựa như người số 1 và cứ lần lượt như vậy cho đến hết.

5. Những điểm cần lưu ý khi sử dụng, bảo quản

  • Kê đặt trên giá tại những vị trí hợp lý trong phòng đồ dùng tránh ẩm, mốc;
  • Sử dụng xong cất đúng nơi quy định;
  • Lưu ý bảo đảm an toàn khi chơi.

                                                  Người viết thuyết minh

 

 

                                                    Nguyễn Ngọc Long

 

 

 

 

 

 

Từ khóa » Thuyết Minh đồ Dùng Dạy Học Tự Làm Lớp 4