Bản Tin Kinh Tế Số Tháng 12-2021 – Lào
Có thể bạn quan tâm
TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO
Khai mạc Kỳ họp Chính phủ mở rộng lần thứ 2 năm 2021
Ngày 23/12/2021, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Viêng Chăn, Chính phủ đã tổ chức Kỳ họp mở rộng lần thứ 2 trong năm 2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phankham Viphavanh, với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng, Đô trưởng Viêng Chăn, Tỉnh trưởng, Đại diện Mặt trận Lào yêu nước, Tổ chức Đảng, Thanh tra Nhà nước và Tổ chức xã hội.
Kỳ họp diễn ra trong 02 ngày 23-24/12/2021, tập trung thảo luận, trao đổi thống nhất và đóng góp ý kiến cho việc tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch của Chính phủ Khóa IX năm 2021, thông qua dự thảo tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022; báo cáo kết quả công tác thi đua quốc gia và công tác thực hiện chương trình "3 xây" trên tinh thần tạo sự đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra, cụ thể:
1. Thông qua dự thảo tổng kết báo cáo việc tổ chức thực hiện công tác của Chính phủ năm 2021 và phương hướng năm 2022; việc tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về giải quyết khó khăn kinh tế-tài chính và ma túy; thực hiện công tác phòng chống, ngăn chặn và giải quyết dịch Covid-19 trong giai đoạn qua và phương hướng giai đoạn tiếp theo; việc thoát khỏi danh sách quốc gia kém phát triển và chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện kế hoạch đón khách du lịch.
2. Dự thảo Nghị định của Thủ tướng về việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022 nhằm triển khai Nghị quyết kỳ họp lần thứ 2, Quốc hội Khóa IX.
3. Tổng kết phòng trào thi đua quốc gia, xây dựng bản phát triển và thực hiện công tác "3 xây" và phương hướng kế hoạch tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Thủ tướng Phankham thông báo, Chính phủ khóa IX sau khi nhận nhiệm vụ từ tháng 4/2021 đã triển khai các hoạt động trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch ngân sách quốc gia năm 2021 được Quốc hội Khóa IX thông qua; Chương trình quốc gia về giải quyết khó khăn về kinh tế-tài chính và vấn nạn ma túy. Đối mặt với các thách thức năm 2021, Chính phủ đã cố gắng tìm các giải pháp khắc phục các khó khăn về kinh tế-tài chính, xử lý các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn nạn ma túy đang diễn ra tại Lào để đất nước tránh rơi vào tình trạng suy thoái, lạm phát. Trong năm 2022, tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung đưa vào khai thác sử dụng cùng với hệ thống dịch vụ khác sẽ là cơ hội thúc đẩy nền kinh tế quốc gia trong thời gian tới; đặc biệt là lĩnh vực thương mại và đầu tư. Đối với dịch Covid-19, mặc dù vẫn diễn biến phức tạp nhưng cần phải tuyên truyền, phổ biến tới từng người dân hiểu rõ về dịch bệnh, chung sống với Covid-19, chuẩn bị cuộc sống bình thường mới.
Thủ tướng yêu cầu, kêu gọi các thành viên Chính phủ cũng như các đại biểu tham dự cuộc họp nghiên cứu và đóng góp ý kiến theo lĩnh vực mình đảm nhiệm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, ngắn gọn, rõ ràng, tập trung, để cuộc họp đạt kết quả. (Báo KT-XH, 24/12/2021)
Lào thu ngân sách 11 tháng đầu năm 2021 đạt 24.099 tỷ Kíp
Ngày 13/12/2021, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Bounchom Ubonpaseuth chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm Tổng kết công tác tài chính toàn quốc năm 2021 và phương hướng năm 2022. Tham dự cuộc họp có các Bộ trưởng, Đô trưởng Viêng Chăn, Tỉnh trưởng, Thứ trưởng, Lãnh đạo Cục, Vụ của Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính thủ đô, các địa phương và đại biểu kiên quan khác.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bounchom Ubonpaseuth đánh giá tình hình tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, những kết quả đã đạt được, các thách thức và nâng tầm nhiệm vụ giải quyết vấn đề khó khăn kinh tế - tài chính thành Chương trình quốc gia; tập trung quản lý, giám sát và biện pháp hạn chế các tác động của dịch Covid-19 nhằm phục hồi kinh tế - xã hội, đảm bảo tăng trưởng GDP đạt 2,8%, giữ ổn định chính trị, bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân; nêu một số tồn tại cần tập trung xử lý và giải quyết một cách đồng bộ đối với các vấn vấn về nợ công, thu ngân sách, tỷ giá hối đoái, kiềm chế lạm phát, quản lý giá cả và tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sản xuất hàng hóa nội địa; đồng thời, Bộ trưởng Bounchom dự kiến kế hoạch ngân sách nhà nước 2022; tập trung khai thác các nguồn lực để tăng thu ngân sách nhà nước đảm bảo tính khách quan, minh bạch; tập trung giải quyết các tồn tại, triển khai thực hiện 14 giải pháp đã được đề ra cuối năm 2021 và 8 biện pháp cần phải thực hiện năm 2022 đối với công tác quản lý, chống thất thoát ngân sách, khai thác các lĩnh vực tiềm năng để tăng thu ngân sách; tăng cường công tác pháp chế, ban hành luật trong năm 2022.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phuthanuphet Xaysombath cho biết, thực hiện Nghị quyết số 13/QH ngày 04/11/2020 của Quốc hội về việc bảo đảm thu ngân sách nhà nước năm 2021, tính từ ngày 01/01 đến ngày 10/12/2021, ngân sách đã thu được 24.099 tỷ Kíp, đạt 87% kế hoạch năm; trong đó, thu trong nước đạt 21.491 tỷ Kíp, tương đương 85% kế hoạch và thu từ nguồn viện trợ không hoàn lại đạt 2.607 tỷ Kíp, tương đương 108% kế hoạch; dự kiến cả năm sẽ thu được khoảng 26.957 tỷ Kíp, đạt 98% kế hoạch; chi ngân sách không vượt quá định mức Quốc hội phê duyệt; thâm hụt dự kiến không vượt quá 2% tức khoảng 670 tỷ Kíp; trong thời gian còn lại của năm 2021, triển khai các biện pháp đã ban hành, phấn đấu thu đạt thêm 2.542 tỷ Kíp, tương đương 11%, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu ngân sách đã đề ra.
Về kế hoạch ngân sách năm 2022, phấn đấu thu đạt 31.423 tỷ Kíp, chiếm 16% GDP; thu nội địa phải đạt 28.963 tỷ Kíp, tương đương 15% GDP, tăng 20% so với năm 2021; nguồn tài trợ là 2.460 tỷ Kíp, chiếm 1% GDP. Năm 2022 sẽ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình nghị sự quốc gia, Chính phủ phấn đấu để tạo bước đột phá trong ngân sách tài khóa, thu ngân sách dự kiến tăng hơn 3.754 tỷ Kíp so với con số năm 2021, khai thác mỏ và kinh doanh tiền kỹ thuật số sẽ đóng góp khoảng 2.000 tỷ Kíp; chi ngân sách dự kiến đạt 27.845 tỷ Kíp, trong đó chi hành chính là 23.895 tỷ Kíp, chi đầu tư dự kiến khoảng 10.700 tỷ Kíp. (Vientiane Times, KT-XH 14/12/2021)
Lào thâm hụt thương mại 131 triệu USD tháng 11/2021 và 336 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2021
Theo Cổng thông tin Thương mại Bộ Công Thương Lào tháng 11/2021, Lào ghi nhận thâm hụt thương mại cao nhất kể từ đầu năm đến nay với giá trị 131 triệu USD. Kim ngạch hai chiều tháng 11 là 912 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 390 triệu USD và nhập khẩu 521 triệu USD. Trong khi tháng 10, thâm hụt thương mại chỉ 45 triệu USD. Tổng giá trị thâm hụt thương mại 11 tháng là 336 triệu USD.
Theo Bộ Công Thương, 11 tháng 2021, giá trị xuất khẩu đạt được 4,9 tỷ USD (chưa bao gồm kim ngạch xuất khẩu điện) và giá trị nhập khẩu là 5,24 tỷ USD.
Hàng xuất khẩu chính là đồng và sản phẩm từ đồng, chuối, vàng hỗn hợp (vàng thỏi), sắn, quần áo, cà phê hạt, đường, gạo, cao su và trái cây (dưa hấu, chanh dây và me), gia súc và gỗ chế biến.
Hàng nhập khẩu chính là phương tiện (không gồm xe máy và xe đầu kéo), dụng cụ và thiết bị điện tử, thiết bị cơ khí (không bao gồm phương tiện xe máy), xăng dầu, sản phẩm thép, sản phẩm nhựa, thiết bị hóa học và chất thải công nghiệp thực phẩm.
Thị trường chính tiếp tục là Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu. 11 tháng đầu năm 2021, Lào xuất khẩu sang Thái Lan 2 tỷ USD (gồm cả kim ngạch điện) và nhập khẩu 2,54 tỷ USD. Với Trung Quốc, xuất khẩu 2 tỷ USD và nhập khẩu 1,17 tỷ USD. Với Việt Nam, xuất khẩu 1 tỷ USD và nhập khẩu 463 triệu USD.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19, nhưng chính phủ vẫn nỗ lực thúc đẩy thương mại, đặc biệt kết nối vận tải tốt hơn. Mặc dù ghi nhận thâm hụt thương mại 336 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2021, Chính phủ hy vọng mục tiêu thương mại theo kế hoạch đặt ra sẽ đạt được vào cuối năm nay vì đã đưa ra nhiều chính sách và biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy thương mại với Trung Quốc sẽ tăng vì đường sắt Lào-Trung đã đi vào hoạt động, sẽ đưa nhiều khách du lịch và nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Năm ngoái, tổng kim ngạch của Lào đạt 11,2 tỷ USD, với thâm hụt thương mại 1 tỷ USD nhưng năm nay tổng kim ngạch ước đạt 12,967 tỷ USD (bao gồm cả kim ngạch xuất khẩu điện).
Chính phủ đang làm việc với khu vực tư nhân, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút thêm các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc dỡ bỏ những rào cản không cần thiết, cung cấp các ưu đãi, chính sách và quy định. (Vientiane Times, 16 và 29/12/2021)
IMF dự báo kinh tế Lào sẽ đạt tăng trưởng 3% vào năm 2022
Từ ngày 21-22/12/2021, Thống đốc Ngân hàng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (BOL) Sonexay Sithphaxay chủ trì tham dự Cuộc họp trực tuyến thường kỳ Quý IV/2021 do Quỹ tiền tệ quốc tế tổ chức (IMF) cập nhật báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô Lào từ ngày 06-21/12/2021.
Trưởng nhóm kinh tế vĩ mô, IMF tại Lào Alasdair Scott đã gặp, trao đổi và làm việc với nhóm kinh tế vĩ mô của Lào thuộc BOL, các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Năng lượng và Mỏ và một số ngân hàng thương mại để giám sát tiến độ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị đóng góp cho việc phát triển kinh tế Lào. Qua kết quả thực tế nhận được, IMF đã tổng kết, đánh giá chung về tình hình phát triển kinh tế của Lào và của các nước trên thế giới trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi nước và toàn cầu. Trong năm 2021, dự kiến tăng trưởng kinh tế Lào đạt khoảng 2,1% và sẽ đạt mức 3% vào năm 2022 dựa trên nền tảng phát triển lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Tuy nhiên, IMF nhận định việc tăng trưởng kinh tế của Lào vẫn gặp một số rủi ro, xuất phát từ nguyên nhân bên trong và bên ngoài; chỉ số lạm phát tăng, tốc độ lưu thông tiền tệ chậm và một số vấn đề liên quan khác.
Phát biểu tại cuộc họp, Thống đốc BOL Sonexay cho biết sự quyết tâm của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành Lào sẵn sàng đối mặt với các rủi ro bằng việc triển khai Chương trình quốc gia về giải quyết các khó khăn kinh tế-tài chính và ma túy để bảo đảm tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững nhằm xây dựng lòng tin cho quốc tế và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. (Báo KT-XH, 24/12/2021)
Kinh tế Lào dự kiến tăng trưởng 4,2% trong năm tới
Ngày 16/12/2021, Vientiane Times dẫn nguồn từ báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Lào, năm 2022 dự kiến kinh tế Lào tăng trưởng đạt khoảng 4,2% chủ yếu dựa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và lợi ích từ việc khai thác vận hành tuyến đường sắt cao tốc Lào-Trung giúp Lào trở thành trung tâm kết nối của khu vực.
Năm 2021, kinh tế Lào dự kiến tăng trưởng 3%, thấp hơn con số 4% Quốc hội phê duyệt. Tăng trưởng thấp do phong tỏa kéo dài để ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, các công ty và các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, các nhà máy phải đóng cửa, tác động đến việc làm.
Theo báo cáo, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), một Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực ngày 01/01/2022, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư nước ngoài và du lịch ở Lào. Việc tăng tỷ lệ tiêm vắc xin và sự thích nghi của người dân với “trạng thái bình thường mới” cho phép Lào mở cửa lại biên giới, hồi sinh ngành dịch vụ và thúc đẩy tăng trưởng sản xuất hàng xuất khẩu. Chính phủ Lào đang thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đảm bảo các doanh nghiệp này tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn, tạo việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Kinh tế Lào sẽ hồi phục nhẹ trong trung hạn nhưng tăng trưởng sẽ thấp hơn thời kỳ trước dịch bệnh. Như nhiều nước đang chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện, Lào có tiềm năng lớn thu hút thêm đầu tư do số lượng dự án thủy điện ngày càng tăng.
Một trong những thách thức chính của Lào là dịch bệnh Covid-19 vì đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc hồi sinh ngành dịch vụ. Lạm phát tăng, đồng Kip Lào suy yếu và nợ công là những thách thức lớn để phục hồi kinh tế và cuộc sống của người dân Lào. Một trong những mục tiêu quan trọng của chính phủ hiện nay là đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin lên 80-90% và mở cửa lại đất nước.
Lào cũng cần nỗ lực thu hút đầu tư sản xuất nhiều hơn để xuất khẩu qua Đường sắt Lào-Trung. Du lịch được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều người dân trong khu vực muốn đi du lịch ASEAN và Trung Quốc bằng Đường sắt Lào-Trung. (Vientiane Times, 16/12/2021).
Kết quả thống kê, điều tra nông nghiệp lần thứ III tại Lào
Ngày 21/12/2021, ngành thống kê nông nghiệp, Bộ Nông Lâm Lào đã tổ chức cuộc họp lần thứ III năm 2020-2021 thông báo kết quả điều tra, khảo sát phong trào trồng rau xanh tại Lào trong giai đoạn qua ngày một tăng.
Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục thống kê nông nghiệp cho biết, qua đợt khảo sát, điều tra, toàn Lào có khoảng trên 644.000 hộ gia đình thuộc trên 8.416 bản triển khai trồng rau xanh theo phương thức an toàn, sạch với quy mô nhỏ để phục vụ kinh doanh, tạo nguồn thu cho gia đình. Theo con số thống kê, các hộ nông dân Lào đang quản lý và sử dụng diện tích đất khác nhau, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tùy theo vùng miền để phát triển các loại rau quả phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của xã hội; có khoảng trên 22% số hộ nông dân có diện tích dưới 01 ha, 31% có từ 1-2 ha, còn lại có từ 03 ha trở lên; trong đó, diện tích đất đai được hộ nông dân quản lý tăng dần từ phía Bắc xuống phía Nam Lào; tỉnh Savanakhet là tỉnh có diện tích đất đai rộng, hộ nông dân có từ 03 ha trở lên.
Phần lớn các loại rau củ được trồng trong giai đoạn qua chủ yếu là nấm, rau muống và một số chủng loại thông thường như ngô, đậu đũa, đậu cô ve, dưa hấu... và một số loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng khác. Về nguồn vốn, trong tổng số 168.484 hộ dân qua điều tra, có 26% phải vay vốn ngân hàng chính sách để sản xuất; trong đó, riêng tỉnh Oudomxay có đến 66% hộ nông dân cần vốn từ ngân hàng, tỉnh có hộ dân vay vốn thấp nhất (dưới 9%) là Savanakhet.
Giai đoạn 2019-2020, theo kết quả điều tra số lượng khoảng 515.554 hộ dân cho thấy, trên 80% số hộ dân phát triển lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc trồng rau củ quả thành hàng hóa chưa được quan tâm, chú trọng. Có khoảng 52.611 hộ nông dân trồng cây cao su với tổng diện tích đạt 91.852 ha và có 18.845 hộ trồng cây gỗ Pơ-mu với diện tích đạt 11.611 ha. Tuy nhiên, thị trường tiêu dùng gỗ rừng trồng hiện vẫn chưa phát triển tại Lào nên sản phẩm gỗ có sức tiêu thụ thấp. (Báo KT-XH, 22/12/2021)
Hơn 5 năm có 743 công ty đầu tư vào các đặc khu kinh tế (SEZ) của Lào
Theo Vientiane Times, đã có tổng số 743 công ty thiết lập hoạt động tại các Đặc khu kinh tế (SEZ) của Lào với tổng số vốn đăng ký trên 12 tỷ USD. Trong đó đáng lưu ý là trên 3 tỷ USD là của số lượng lớn các doanh nghiệp có tiếng và chất lượng trên thế giới đầu tư. Đây là số liệu nằm trong báo cáo tổng kết bài học kinh nghiệm xây dựng và quản lý các đặc khu kinh tế giai đoạn 2016-2020, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 vừa được công bố tại một cuộc họp được tổ chức vào ngày 8/12 vừa qua.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Sonexay Siphandone cho biết trong hơn 5 năm qua, các đặc khu kinh tế trên địa bàn 7 tỉnh với diện tích 15.000ha với 19 thỏa thuận đầu tư, đã đạt được những thành tựu phát triển đáng kể, trong số đó phải kể tới Vùng Savan-Xeno (Khu vực C), Khu phát triển Saysetha, Khu Công nghiệp và Thương mại Vientiane, Đặc khu kinh tế Boten Dankham, Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, Đặc khu kinh tế Hồ That Luang và Khu Pakse-Japan. Các đặc khu kinh tế đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài uy tín như Công ty Nikon Camera, Công ty SCLO Glasses, Công ty Phụ tùng máy bay Boeing, Công ty linh kiện điện tử Hoya và nhiều công ty khác; và đã góp phần phát triển cơ sở hạ tầng trong đặc khu và các khu kết nối, xây dựng đô thị mới tại vùng nông thôn, xây dựng khu công nghiệp, áp dụng công nghệ, nâng cao tay nghề lao động, tạo công ăn việc làm và hệ thống dịch vụ logistic một cách đồng bộ tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hoá, tạo nguồn thu mới, người dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) xung quanh dự án cũng đã tham gia và thu được lợi ích từ việc phát triển trực tiếp và gián tiếp đặc biệt và kinh doanh dịch vụ. Ngoài ra có tổng cộng 03 cảng cạn (khu Savan-Seno, khu Vientiane logistic, khu Vangtao-Phonthong) và 02 trung tâm dịch vụ ICD (khu Boten và khu Thakhec).
Trong năm qua, 45 công ty nằm trong các đặc khu kinh tế trên đã cam kết nộp 47 tỷ Kíp cho ngân sách nhà nước, nhập khẩu hàng hóa (chủ yếu là máy móc và vật tư xây dựng) với giá trị 349 triệu USD và xuất khẩu hàng hóa trị giá trên 376 triệu USD. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lao động nước ngoài và lao động Lào làm việc tại các khu thương mại và dịch vụ như đặc khu Tam giác vàng và đặc khu Boten đã trở về nước; lao động Lào tại các khu công nghiệp như khu Savan-Seno, khu tổng hợp Xaysettha và khu Pakse-Nhật Bản tiếp tục làm việc bình thường. Tuy nhiên, theo TS. Sonexay công tác quản lý các đặc khu vẫn đang gặp nhiều thách thức cần giải quyết; trong đó có các vấn đề như tiến độ thực hiện hợp đồng và kế hoạch tổng thể chưa đáp ứng đúng tiến độ, do ngân sách và khả năng tiếp cận nguồn lực của các nhà phát triển còn hạn chế.
Một số đặc khu vẫn chưa có tiến triển trong việc triển khai Thoả thuận và Kế hoạch tổng thể đã đề ra do ngân sách và việc tiếp cận vốn của nhà đầu tư còn nhiều hạn chế, dịch vụ một cửa chưa đáp ứng chất lượng như dự kiến, để thúc đẩy đầu tư; các vấn đề liên quan đến đất đai còn giải quyết chậm, vấn đề trả thuế cho nhà nước chưa cao so với dự định, việc thuê nhân công lao động người Lào còn ít, chưa tạo ra các dự án để thu hút sự tham gia của các cộng đồng địa phương, lợi ích từ việc phát triển chưa đáp ứng sự mong đợi. Ngoài ra sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của các đặc khu kinh tế nói riêng, cộng với chiến tranh thương mại giữa các nước lớn khiến cho nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp dịch chuyển.
Tất cả những khó khăn thách thức nói trên cần được giải quyết và có bước đi quyết liệt để tiếp tục hoàn thành tốt việc xây dựng và phát triển các đặc khu kinh tế, theo TS. Sonexay Siphandone. (Vientiane Times, 7/12/2021; Báo KT-XH, 09/12/2021)
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Thủ Tướng Lào: hai khu vực công - tư cần phải phối hợp cùng nhau để vượt qua khó khăn, thách thứ
Ngày 17/12/2021, Thủ tướng Phankham Viphavanh chủ trì cuộc họp giữa các thành viên của Chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu tại Viêng Chăn, với sự tham dự của các Phó thủ tướng, Bộ trưởng các bộ ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp và đại diện một số cơ quan của Đảng và Nhà nước Lào.
Tại cuộc họp, Thủ tướng kêu gọi hai khu vực công - tư đẩy mạnh hợp tác, tích cực cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Thủ tướng Phankham cho rằng cần tận dụng tiềm năng và cơ hội tuyến đường sắt Lào-Trung mang lại để từ đó phát triển các dịch vụ hàng vận và du lịch gắn kết với các nền kinh tế khác trong khu vực. Thủ tướng nhấn mạnh, các khu vực nhà nước và tư nhân không thể hoạt động tách rời, mà cần phải trở thành các đối tác, các bên tham gia cùng nhau chung tay xây dựng đất nước Lào, chung tay xóa bỏ đói nghèo cho người dân.
Theo Thủ tướng Phankham, các chủ thể của khu vực nhà nước sẽ là người định ra các chính sách và cơ chế giúp cho việc phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường các dịch vụ xuất, nhập khẩu. Sự phát triển của khối doanh nghiệp Lào có thể biến Lào từ một nước chỉ chuyên nhập khẩu trở thành một nước sản xuất hàng hóa để vừa tiêu thụ nội địa vừa xuất khẩu.
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi tăng cường các đóng góp tài chính và công nghệ để giúp Chính phủ tái phục hồi nền kinh tế. Các doanh nghiệp cũng cần tự đánh giá lại các hoạt động của mình để rút ra bài học kinh nghiệm thích ứng tốt trước những thay đổi và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là cần phải nâng cao mức độ chuyên nghiệp, sử dụng nhiều hơn công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và liên kết nhiều hơn với các đối tác, bạn hàng.
Cuộc họp giữa các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp được xem như một sự kiện quan trọng và là cơ hội để các doanh nghiệp thông tin cho Chính phủ về những khó khăn, thách thức doanh nghiệp hiện phải đối mặt, đồng thời qua đó để các cơ quan nhà nước có góc nhìn rõ hơn đối với các vấn đề liên quan tới quan liêu, hành chính, làm chậm sự phát triển của doanh nghiệp, trên cơ sở đó bàn bạc, tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Cuộc họp đã thảo luận sáu vấn đề lớn, trong đó gồm: cải thiện dịch vụ một cửa cho nhà đầu tư; sản xuất nông nghiệp thương mại; đẩy mạnh công nghiệp chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xúc tiến các dự án gắn với dịch vụ và tạo thu nhập; giao đất dọc hành lang tuyến đường sắt Lào-Trung cho phát triển công, nông nghiệp và dịch vụ; và phát triển kỹ năng lao động và tạo công ăn, việc làm. (Vientiane Times, 20/12/2021)
Thủ tướng Lào chỉ đạo công tác kế hoạch - đầu tư và tài chính
Ngày 14/12/2021, hội nghị tổng kết công tác kế hoạch - đầu tư và tài chính năm 2021 và phương hướng năm 2022 đã được tổ chức theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phankham Viphavanh cùng các thành viên Chính phủ và lãnh đạo chủ chốt các Bộ, ngành và địa phương.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Sonxay Siphandone đã báo cáo tóm tắt kết quả tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng trọng tâm năm 2022, thảo luận nội dung kế hoạch phát triển - xã hội quốc gia và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và kế hoạch đầu tư công năm 2022, thúc đẩy Chương trình quốc gia giải quyết khó khăn về kinh tế - tài chính giai đoạn 2021 - 2023, và đi sâu thảo luận về một số vấn đề như: việc sửa đổi quy định về hoạt động quản lý kinh doanh, đấu thầu; việc nghiên cứu phân chia trách nhiệm cho địa phương trong quản lý và khuyến khích đầu tư tư nhân, công tác quản lý các dự án khoáng sản bộ đã giao cho các địa phương phụ trách, tiến độ triển khai thúc đẩy kinh tế ra khỏi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tình hình quản lý vốn hỗ trợ phát triển chính thức, việc đề ra các cơ chế tự theo dõi, đánh giá thường niên kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022, về quy trình thông qua và quyết toán đối với các hợp đồng dự án, nâng cao cơ chế quản lý, đánh giá kết quả dự án đầu tư công, công tác giám sát - hậu kiểm các dự án đầu tư công, tái cơ cấu bộ máy và cán bộ.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phankham Viphavanh biểu dương hai ngành kế hoạch - đầu tư và tài chính đã tập trung, nỗ lực khắc phục khó khăn và quyết tâm tổ chức thực hiện các công tác, phần việc được giao. Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan cần chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ - công chức phải có lòng trung thành, đạo đức nghề nghiệp, yêu nghề, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật kế hoạch - tài chính, tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia giải quyết khó khăn kinh tế - tài chính phải đi vào cụ thể, tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý và nghiên cứu xây dựng các biện pháp, chính sách khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho việc thận trọng mở cửa đất nước.
Thủ tướng cũng nêu rõ, việc xây dựng các kế hoạch trong tình hình mới cần mang tính khoa học và bám sát thực tiễn hơn, nỗ lực sớm để vực dậy nền kinh tế, tài chính - tiền tệ; cải tổ hệ thống đầu tư công theo hướng thực sự đổi mới, thúc đẩy quản lý và khuyến khích đầu tư công cả trong và ngoài nước ngày càng phát triển và là động lực quan trọng thông qua việc thiết lập cơ chế một cửa liên thông nhanh chóng; tăng cường quản lý và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế đặc biệt thành lực lượng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế; tập trung thúc đẩy hợp tác quốc tế, hợp tác Lào - Việt Nam và Lào - Trung Quốc nhằm tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Lào; khẩn trương cải tổ công tác tài chính ngày một hiện đại, đồng bộ, toàn diện, vững mạnh trên cơ sở khoa học và quản lý của Nhà nước; bảo đảm công tác thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch; cải tổ cơ chế quản lý thu ngân sách theo hướng vững mạnh, quản lý chi ngân sách một cách hợp lý, chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, nhất là thông qua việc mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại; áp dụng các biện pháp đồng bộ và linh hoạt theo từng giai đoạn trong giải quyết, giảm dần nợ công; dứt khoát xử lý hiện tượng tiêu cực, nhất là trong việc gây thất thoát ngân sách nhà nước và quản lý chi ngân sách; đẩy nhanh tốc độ cải tổ doanh nghiệp nhà nước; khẩn trương cải tổ bộ máy ngành tài chính cả ở trung ương và địa phương; xây dựng các quy định về phân chia nhiệm vụ và trách nhiệm giữa trung ương và địa phương cho phù hợp với thực tiễn và Nghị quyết “3 xây”; tập trung cải tiến công tác thống kê, nghiên cứu và đào tạo theo tiêu chuẩn và có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn đặt ra. (Báo KT-XH, ngày 15/12/2021)
Lào lập kế hoạch chuẩn bị mở cửa đất nước, đón khách du lịch
Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã tổ chức hội nghị trực tuyến ngày 10/12/2021 với sự tham gia của các cơ quan nhà nước, kinh tế trung ương và các địa phương liên quan nhằm thảo luận kế hoạch mở cửa đất nước và đón khách du lịch. Chủ trì hội nghị là bà Phengchan Phengmoung, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch, với sự tham dự của bà Phonmaly Inthapom, Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch, ông Inthy Duonsavanh, Phó Chủ tịch Ủy ban du lịch, Hội đồng thương mại và công nghiệp quốc gia Lào cùng nhiều đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương và công ty lữ hành.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phengchan Phengmoung cho biết, hiện nay tình hình dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới khiến nhiều người thiệt mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là đối với ngành công nghiệp du lịch và đội ngũ nhân lực liên quan, do phải chịu tác động từ các biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa nhằm phòng ngừa dịch lây lan.
Thực hiện mục tiêu giảm nhẹ các tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như ngành du lịch, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đa dạng nhằm giải quyết nguy cơ khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 kéo dài, cũng như đề ra kế hoạch nghiên cứu chuẩn bị mở cửa, đón khách du lịch theo Thông báo số 1445/VP ngày 05/11/2021 của Văn phòng Thủ tướng trong đó giao Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch chuẩn bị mở cửa đất nước, đón khách du lịch.
Ngày 15/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Kikeo Khaykhamvithoune chủ trì cuộc họp với Ủy ban Quốc gia chuyên trách về phòng chống, ngăn chặn dịch Covid-19, chuẩn bị kế hoạch mở cửa quốc gia, đón khách du du lịch vào Lào. Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Seuonsavanh Viyaketh và các Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, ngành, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cùng tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Kikeo cho biết, việc mở cửa cho khách du lịch vào Lào là chủ trương chính sách của Chính phủ, Chủ trương này được xã hội quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau; tuy vậy, với nhiệm vụ mà Chính phủ giao, cần thống nhất giải thích cho người dân rõ về việc mở cửa quốc gia tiếp nhận khách vào du lịch với sự cẩn trọng nhất, không thể đồng thời mở cửa một lúc tất cả các lĩnh vực. Căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 mà mở cửa phù hợp, có kế hoạch chi tiết, chặt chẽ; thông báo tới từng cá nhân có liên quan trong xã hội hiểu rõ, khách du lịch biết khi có nhu cầu du lịch tại Lào.
Các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan cần xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp nhận theo lộ trình du lịch xanh, có kiểm soát và tổ chức triển khai các dịch vụ đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; đặc biệt quan trọng là các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh; các doanh nghiệp dịch vụ tại các khu du lịch xanh đã được quy định cần đề ra các nguyên tắc, quy chế thực hiện và phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan trong tỉnh, thành phố trong việc tiếp nhận và dịch vụ đón khách.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai kế hoạch phục hồi du lịch sau dịch Covid-19; giao Hội đồng Thương mại và Công nghiệp chủ trì và phối hợp với đơn vị liên quan đièu chỉnh và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện đối với các khu du lịch xanh nhằm đảm bảo việc đón khách vào du lịch được an toàn với bệnh Covid-19, xây dựng lòng tin cho khách du lịch.
Do đó, ngày 16/11/2021, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch tổ chức hội nghị giữa các cơ quan nhà nước và kinh tế liên quan dưới sự chủ trì của bà Sounsavanh Vinhaket, Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch. Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề, nhất là việc đề ra các quy định, điều kiện của Chính phủ và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp hướng đến thống nhất mở cửa đất nước, sẵn sàng tiếp đón khách du lịch đã tiêm đủ 02 liều vaccine, đồng thời rà soát việc thực hiện các nội dung, phần việc khác.
Đảng và Chính phủ Lào luôn quan tâm và tập trung thúc đẩy phát triển du lịch trở thành lĩnh vực ưu tiên của đất nước trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực nhiều mặt đối với Lào. Việc Chính phủ khuyến khích mở cửa đất nước, đón khách du lịch nhằm khắc phục tình trạng suy giảm kinh tế một cách thận trọng và bảo đảm nguyên tắc, đồng thời kêu gọi các ban ngành liên quan đóng góp, tham gia ý kiến một cách thẳng thắn, phù hợp, thiện chí và có trách nhiệm vào kế hoạch này, giúp du khách đến Lào được an toàn, tin cậy thông qua các quy trình đầy đủ, gọn nhẹ, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao. (Báo KT-XH, ngày 13, 16/12/2021)
Chính phủ Lào tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp chung tay
cùng Chính phủ giải quyết các khó khăn hiện nay của đất nước
Từ ngày 16-17/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phankham Viphavanh chủ trì hội nghị gặp mặt doanh nghiệp nhằm tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan Chính phủ, Ủy ban quốc hội, Mặt trận Lào yêu nước, Hội đồng Thương mại và Công nghiệp, cùng các đại biểu khách mời liên quan.
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phankham cho biết, hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận nội dung 06 kế hoạch tổ chức thực hiện quan trọng gồm: (i) Kế hoạch thực hiện cải cách công tác dịch vụ đầu tư một cửa gắn với phân cấp quản lý; (ii) Chương trình thực hiện thúc đẩy sản xuất và khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa; (iii) Kế hoạch thực hiện việc khuyến khích và thúc đẩy công nghiệp chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; (iv) Kế hoạch thực hiện thúc đẩy, khuyến khích các dự án trong lĩnh vực dịch vụ và tạo thu nhập; (v) Thực hiện chương trình kiểm tra đất đai và quy hoạch các khu dọc theo tuyến hành lang đường sắt cao tốc Lào-Trung tại các tỉnh để phân vùng khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch nhằm thu hút đầu tư; (vi) Kế hoạch thực hiện việc phát triển, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động trong nước và nước ngoài.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phankham nhấn mạnh, các vấn đề được nghe báo cáo và thảo luận tại hội nghị lần này rất quan trọng, yêu cầu các đại biểu, thành viên tham gia hội nghị đóng góp ý kiến vào nội dung dự thảo, đặc biệt đối với các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp nhằm tăng cường khuyến khích và thúc đẩy đầu tư trong nước, thu hút nguồn lực nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. Chính phủ và doanh nghiệp cần thẳng thắn trao đổi, thống nhất nội dung các chương trình hành động đã được thảo luận tại hội nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các doanh nghiệp, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế quốc gia, kêu gọi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp về tài chính và các điều kiện khác để Chính phủ đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay. (Báo KT-XH, 17/12/2021).
Quy định chiến lược phát triển kinh tế đặc biệt
Trong thời gian qua, chiến lược giai đoạn 2010-2020 đã xác định phương hướng, kế hoạch xây dựng và quản lý đặc khu kinh tế trên cả nước phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
Giai đoạn 2011-2020, 06 kế hoạch và 11 dự án nằm trong chiến lược phát triển giai đoạn này đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực: về pháp lý, mặc dù không hình thành luật mới song đã điều chỉnh sửa đổi Nghị định 443/CP thành Nghị định 188/CP; cơ chế quản lý cũng được điều chỉnh thêm vững chắc và phù hợp với điều kiện từng giai đoạn; từ 5 khu trong giai đoạn đầu đã phát triển thành 19 khu tại 7 tỉnh, một số khu được xây mới, một số khu được nâng cấp lên thành đặc khu kinh tế; theo Thoả thuận, diện tích đất đặc khu là hơn 33.000 ha, trong đó diện tích đất đã bồi thường và được đưa vào sử dụng thực tế mới chỉ hơn 14.000 ha song đã mang lại hiệu quả cao; cơ sở vật chất tại nhiều đặc khu đã được nâng cấp, hình thành nên những khu đô thị mới tại vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại dịch vụ. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động khác đi kèm như cảng cạn, điểm thông quan nội địa (ICD), sân bay, nhà máy, khu chung cư, đường nội khu và đường liên khu. Có tổng cộng 1.074 công ty đầu tư vào các đặc khu kinh tế trong đó có nhiều công ty có tiếng và chất lượng của nước ngoài; số lao động làm việc trong các khu kinh tế đạt hơn 52.000 người trong đó số lượng lao động Lào có xu hướng tăng, xuất khẩu hàng hoá đạt 2,3 tỷ USD và có xu hướng tăng lên theo từng năm.
Quyền Chánh Văn phòng Khuyến khích và Quản lý Đặc khu kinh tế Sonpaseuth Daravong cho biết: kế hoạch chiến lược năm 2021-2030 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều biến động khó lường, đặc biệt là chiến tranh thương mại đã tạo cản trở về thuế khiến nhiều công ty phải dời cơ sở sản xuất sang khu vực khác có thế mạnh và chính sách khuyến khích tốt hơn, đặt ra thách thức trong phương hướng phát triển đặc khu kinh tế và kêu gọi đầu tư vào dự án. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 chưa biết khi nào sẽ kết thúc.
Hiện đường sắt Lào - Trung, cao tốc Viêng Chăn - Vang Viêng đã được đưa vào sử dụng, hệ thống giao thông đường bộ Bắc-Nam, Đông-Tây đang hình thành. Căn cứ điều kiện thực tế hiện có, các dự án thuộc chiến lược phát triển đặc khu kinh tế giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh cho cụ thể rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế phát triển hiện nay và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xác định kế hoạch, dự án mới khả thi. (Báo KT-XH, ngày 15/12/2021)
HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 11 và 11 tháng năm 2021
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2021 như sau:
1. Tháng 11/2021 đạt 145.933.757 USD, so với cùng kỳ tăng 65,4%, so với tháng 10 tăng 26,5%, trong đó,
- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 47.982.309 USD, so với cùng kỳ giảm nhẹ - 2,3%.
Đa số mặt hàng đều giảm, chỉ có một số mặt hàng tăng. Xăng dầu tiếp tục tăng và tăng mạnh 423,6% đạt gần 3,85 triệu USD (tháng trước tăng 184,5% và đây là tháng thứ tám tăng liên tiếp sau 27 tháng liên tục giảm kể từ đầu năm 2019); Phân bón tiếp tục tăng mạnh 2.537,3% đạt gần 2,1 triệu USD (tháng trước tăng 130,9% đạt gần 1,56 triệu USD); Sản phẩm từ chất dẻo tăng 134,1% đạt hơn 2,56 triệu USD; sản phẩm gốm sứ tăng 58,5% đạt hơn 1,1 triệu USD.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng quay đầu giảm nhẹ - 1,8% đạt gần 4,5 triệu USD sau khi tăng mạnh 106,1% đạt gần 10,4 triệu USD tháng trước. Mặt hàng tiếp tục giảm (mức giảm trên 50%): Gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục giảm - 68,1% chỉ đạt hơn 520 nghìn USD; Kim loại thường khác và sản phẩm giảm - 66,5% đạt hơn 310 nghìn USD; Sản phẩm từ hóa chất giảm - 63,3% đạt hơn 220 nghìn USD; Rau quả giảm - 61,7% đạt hơn 745 nghìn USD.
- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 97.951.448 USD, tiếp tục tăng mạnh 150,4% so với cùng kỳ.
Tất cả các mặt hàng đều tăng. Mặt hàng tăng mạnh: Hàng rau quả tăng 1.807,9% đạt hơn 4,66 triệu USD; Phân bón các loại tăng 224% đạt hơn 11,27 triệu USD; Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 207,4% đạt hơn 16,3 triệu USD; Quặng và khoáng sản tăng 194,6% đạt hơn 8,86 triệu USD; cao su tăng 177,5% đạt hơn 26,6 triệu USD.
Mặt hàng ngô tiếp tục ghi nhận nhập khẩu 2.000 tấn trị giá 200 nghìn USD sau 9 tháng không có kim ngạch nhập khẩu, là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận có kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy, kim ngạch tháng 10 tăng 65,4% và mức tăng là do tăng rất mạnh ở chiều nhập khẩu 150,4%, chiều xuất khẩu giảm nhẹ - 2,3% do dịch bệnh tại Lào tiếp tục diễn biến phức tạp, các ca bệnh tăng mạnh, lực cầu yếu.
2. Tổng kết 11 tháng năm 2021, kim ngạch đạt 1.208.283.929 USD, so với cùng kỳ tăng 33,8%, trong đó xuất khẩu đạt 541.736.051 USD tăng 5,4%, nhập khẩu đạt 666.547.878 USD tăng 71,3%. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch, kim ngạch hai chiều tăng 13,7% và mức tăng này là do tăng ở chiều nhập khẩu 64,8%, chiều xuất khẩu giảm - 14,3%.
- Về các mặt hàng xuất khẩu:
+ Mặt hàng tăng: Sản phẩm từ sắt thép đạt gần 69,2 triệu USD tăng 53,8%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt hơn 54,4 triệu USD tăng 35%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt hơn 42,65 triệu USD tăng 5,3%; Xăng dầu các loại đạt hơn 20,5 triệu USD tăng 11,2%; Phân bón các loại đạt gần 20,8 triệu USD tăng 51,3%; Sản phẩm từ chất dẻo đạt hơn 17,9 triệu USD tăng 66,4%; Giấy và sản phẩm từ giấy đạt gần 15,6 triệu USD tăng 7,2%; Sản phẩm gốm sứ đạt hơn 10,2 triệu USDtăng 12,7%; Hàng dệt may đạt hơn 9,77 triệu USD tăng 41,9%; Kim loại thường và sản phẩm đạt hơn 7,6 triệu USD tăng 14,9%; Hàng hóa khác đạt hơn 158,2 triệu USD tăng 9,1%.
+ Mặt hàng giảm: Sắt thép các loại đạt gần 63,8 triệu USD giảm - 1,9%; Hàng rau quả đạt hơn 15 triệu USD giảm - 60,7%; Bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc đạt gần 12,2 triệu USD giảm - 10,2%;Gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 8,16 triệu USD giảm - 64,8%; Dây điện và cáp điện đạt gần 7,47 triệu USD giảm - 19,5%; Sản phẩm từ hóa chất đạt hơn 4,6 triệu USD giảm -23,5%; Clanke và xi măng đạt gần 2,35 triệu USDgiảm - 54%; Cà phê đạt hơn 1,3 triệu USD giảm - 43,8%.
- Về các mặt hàng nhập khẩu:
+ Mặt hàng tăng: Cao su đạt gần 156,68 triệu USD tăng 73,9%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 95,3 triệu USD tăng 96,2%; Quặng và khoáng sản đạt hơn 77,8 triệu USD tăng 202,9%. Phân bón đạt gần 48,7 triệu USD tăng 16,7%; Hàng rau quả đạt hơn 14,2 triệu USD tăng 120,6%; Hàng hóa khác đạt hơn 273 triệu USD tăng 55,4%.
+ Mặt hàng giảm: Kim loại thường khác hơn 564 nghìn USD, giảm - 43,9% (tháng 11 không có kim ngạch nhập khẩu).
+ Mặt hàng ngô ghi nhận nhập khẩu 300 nghìn USD sau 9 tháng đầu năm không có kim ngạch nhập khẩu.
Tháng 11/2021, Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhập siêu với mức nhập siêu 49,96 triệu USD (chỉ xuất siêu 10,826 triệu USD hồi tháng 5/2021). Tổng kết 11 tháng, Việt Nam nhập siêu từ Lào hơn 124,8 triệu USD. Tình trạng nhập siêu không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với thị trường Trung Quốc với mức nhập siêu hơn 800 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2021.
Như vậy theo đúng dự kiến tháng 11/2021, kim ngạch đã tăng mạnh và tăng mạnh ở chiều nhập khẩu do dịch bệnh ở Lào vẫn diễn biến phức tạp, các ca bệnh ở thủ đô Viêng Chăn tăng mạnh, lực cầu yếu.
Dự kiến kim ngạch cả năm 2021 sẽ đạt khoảng 1,3 tỷ USD, đạt được mục tiêu tăng từ 10-15% do Ủy ban Liên chính phủ đề ra cho ngành Công Thương (Thương vụ Việt Nam tại Lào)
HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC
Lào - Trung Quốc
06 lợi ích mà Lào sẽ nhận được từ tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc
Ngày 03/12/2021, tuyến đường sắt Lào-Trung được bàn giao và vận hành chính thức. Đây là công trình dự án hợp tác giữa hai nước Lào-Trung Quốc được triển khai thực hiện trong 05 năm qua, là dự án nằm trong chiến lược “Vành đai-Con đường” mà hai bên đã thỏa thuận cùng nhau thực hiện trên đất nước Lào nhằm kết nối giao thông giữa Lào với khu vực ASEAN, Trung Quốc, biến Lào từ một nước không có biển thành quốc gia kết nối của khu vực.
Tuyến đường sắt hoạt động sẽ đem lại 06 lợi ích quan trọng cho nhân dân Lào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tới và lâu dài, sẽ giúp Lào sớm thoát khỏi danh sách các nước chậm phát triển. Trước tiên, Lào sẽ có hệ thống hạ tầng cơ sở kinh tế bền vững, thực hiện chiến lược biến một nước không có biển thành quốc gia kết nối với khu vực và quốc tế; thứ hai, Lào đạt được mục tiêu kế hoạch hợp tác và kết nối giữa Lào với khu vực ASEAN, Trung Quốc mà Lào đã cam kết thực hiện trong chiến lược kết nối giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chiến lược thương mại giữa khu vực ASEAN với Trung Quốc; thứ ba, tuyến đường sắt là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Lào, đưa nguồn lực về tài chính, kỹ thuật hiện đại, nhân lực có trình độ cao vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Lào; thứ tư, Lào sẽ có thế mạnh trong việc thúc đẩy, khuyến khích quan hệ hợp tác thương mại, giao thương qua lại, du lịch, đầu tư khu vực ASEAN với Trung Quốc, là một trong các thị trường lớn trên thế giới tiêu thụ các sản phẩm từ Lào và khu vực; thứ năm, với chi phí vận chuyển thấp, đường sắt Lào Trung sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sản xuất, là thế mạnh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm chi phí sản xuất, tạo bước đột phá mới, tạo công ăn việc làm cho xã hội, tăng thêm thu nhập cho người dân; thứ sáu, tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc là tài sản, di sản lớn, quý giá để lại cho các thế hệ mai sau của nhân dân Lào sử dựng lâu dài, bền vững.
Công trình tuyến đường sắt Lào-Trung là dự án hợp tác giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Lào-Trung Quốc, cố tổng mức đầu tư 5.950 triệu USD, với chiều dài 426,5 km, 170 cầu, 75 hầm chui, tốc độ tàu chạy cao nhất đạt 200 km/h, có 33 nhà ga được xây dựng với biểu tượng nổi bật và hiện đại. (Báo KT-XH, 26/11/2021).
Dự án ngân hàng thông minh cung cấp các giao dịch tài chính nhanh chóng
Tuần trước, Ngân hàng công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ICBC) tổ chức buổi lễ khởi động dự án ngân hàng thông minh ICBC tại Thủ đô Viêng Chăn, với mục đích cung cấp tới khách hàng các dịch vụ nhanh chóng hơn thông qua việc sử dụng hệ thống kỹ thuật hiện đại, chất lượng cao. Tham gia buổi lễ có Thống đốc Ngân hàng Lào, ông Sonexay Sitphaxay; Đại sứ Trung Quốc tại Lào, ông Jian Zaidong và các cơ quan khác liên quan đến dự án.
Theo thông cáo báo chí từ ngân hàng, dự án sử dụng công nghệ tài chính mới và sáng tạo sẽ đến với công chúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập chi nhánh ICBC Viêng Chăn. Trong những năm qua, ngân hàng đã cung cấp nhiều dịch vụ tài chính cho các lĩnh vực khác nhau cho xã hội Lào. Với kết quả kinh doanh của mình, ngân hàng đảm bảo đóng thuế đầy đủ hàng năm. Chi nhánh ICBC tại Viêng Chăn thực hiện theo chiến lược của ICBC Trung Quốc, sử dụng công nghệ để phát triển vào tạo ra giá trị tăng thêm, đặt khách hàng và dịch vụ lên hàng đầu, phát triển công nghệ mới để nâng cao tính hiệu quả cho khách hàng và xử lý các khó khăn trong giao dịch.
Mục đích của dự án là tuân theo các định hướng tương lai, sử dụng các công nghệ thông minh như quét khuôn mặt, đồng bộ giao dịch giữa con người và máy móc bằng việc sử dụng màn hình kép, phê duyệt thông minh, và nền tảng API.
Các dịch vụ ngân hàng thông minh ICBC có 8 tính năng trong đó có tính năng thanh toán hóa đơn thông minh, thương mại điện tử, ki-ốt và máy rút tiền gửi. Máy (sử dụng trong ngân hàng thông minh) này thu thập thông tin của khách hàng trước khi kiểm tra và xác minh họ. Thông tin sau khi thu thập sẽ được chuyển đến cán bộ ngân hàng, đồng thời hệ thống sẽ thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của khách hàng.
Các giao dịch được cung cấp bởi dịch vụ bao gồm mở tài khoản, gửi tiền hoặc rút tiền mặt, chuyển tiền và thực hiện các thay đổi trong tài khoản. (Vientiane Times, 21/12/2021)
Lào - Hàn Quốc
Các công ty Hàn Quốc quan tâm cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Lào
Ngày 8/12/2021, Diễn đàn Năng lượng Lào-Hàn Quốc năm 2021 đã diễn ra tại Viêng Chăn theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Sự kiện hướng đến việc tạo thuận lợi đối tác và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Lào.
Hội thảo được đồng tổ chức bởi Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Văn phòng Xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Viêng Chăn và Diễn đàn Tương lai Năng lượng ở Hàn Quốc.
Diễn đàn có sự tham dự của ông Wonsam Seo, Cố vấn Bộ trưởng Đại sứ quán Hàn Quốc; Tiến sỹ Akhomdeth Vongxay, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Hợp tác, Bộ Năng lượng và Mỏ và lãnh đạo các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng như các công ty năng lượng từ Hàn Quốc như Năng lượng SK, Nhà máy sinh thái SK, Năng lượng Posco, SG E&C, GS Caltex và Kyungdong tham gia trực tuyến.
Sự kiện cũng thu hút các công ty Lào như EDL, Tập đoàn Xây dựng phát triển Douangchalern, Tập đoàn Phonesack, Xây dựng phát triển Khounxay, KLIC, P&P Power, SNK Lào và Tập đoàn Empire Lào cùng với các giám đốc điều hành hàng đầu từ các nhà đầu tư Hàn Quốc như Điện lực Xe-Pian Xe-Namnoy, Quốc tế Kowepo-Lao và Saman.
Theo ông Jung-Gwan Kim, Chủ tịch Diễn đàn Tương lai Năng lượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, do sự bão hòa thị trường nội địa, các công ty năng lượng Hàn Quốc đang tìm kiếm các cơ hội phát triển dự án toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như phân khúc năng lượng mặt trời và gió và thông qua sự kiện này, hy vọng công nghệ Hàn Quốc có thể được sử dụng trong các lĩnh vực năng lượng đa dạng, nâng cao sự bền vững năng lượng của Lào và khiến Lào là một đất nước xanh hơn.
Theo Tiến sỹ Akhomdeth, Lào đang có kế hoạch tăng cường sản xuất điện với hy vọng hợp tác với các công ty công nghệ cao. Mặc dù hầu hết các nhà hoạt động dự án đã ký MOU và PDA, nhưng vẫn có những khoảng trống để làm việc và đầu tư với các công ty năng lượng Hàn Quốc khác.
Các thành viên tham dự Diễn đàn đã thảo luận tình hình phát triển năng lượng hiện tại, chính sách của chính phủ, kế hoạch tương lai, các cơ hội lập liên doanh và đối tác công-tư để phát triển các dự án năng lượng ở Lào.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ, khoảng 1.500 MW phát điện tiềm năng bị lãng phí do dòng chảy mạnh vào mùa mưa; nhưng mùa khô, đất nước vẫn thiếu hụt năng lượng và phải mua điện từ các nước láng giềng.
Theo ông Pilseong Kim, Tổng giám đốc KOTRA Viêng-chăn, năm ngoái Diễn đàn tổ chức tại Việt Nam và Myanmar, đã giúp các công ty năng lượng Hàn Quốc khai thác dự án ở cả hai nước, vì thế rất ý nghĩa khi tổ chức Diễn đàn tại Lào năm nay. KOTRA Viêng-Chăn làm việc như một sàn kết nối các nhà phát triển năng lượng Lào với các nhà đầu tư và cung cấp công nghệ Hàn Quốc. (Vientiane Times, 10/12/2021)
Lào - Mỹ
Lào xuất gần 30 triệu USD hàng hóa sang Hoa Kỳ
Theo số liệu do Bộ Công Thương Lào công bố, trong 06 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Lào và Hoa Kỳ ước đạt 157,4 triệu USD. Trong đó, Lào xuất sang Hoa Kỳ 29,9 triệu USD và nhập khẩu từ Hoa Kỳ 127,5 triệu USD.
Ngày 8/12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Khampheng Saysompheng đã gặp và tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Lào Peter Haymond nhân dịp ông Haymond đến thăm và làm việc với Bộ Công Thương. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thảo luận về kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế giữa Lào và Hoa Kỳ thông qua Bộ Công Thương.
Hợp tác thương mại giữa Lào và Hoa Kỳ thời gian qua được triển khai theo khung thỏa thuận thương mại và đầu tư TIFA và đặc quyền thương mại dành cho các nước kém phát triển với số liệu kim ngạch thương mại song phương 06 tháng đầu năm 2021 nêu trên. Các mặt hàng chính Lào xuất sang Hoa Kỳ gồm: giường, đệm, đèn điện (không dùng làm đồ nội thất), giày dép, hàng may mặc, mũ, vải chụp đầu, ngọc trai, đá quý, dụng cụ thể thao, thuốc lá, thiết bị điện, cà phê thô và các loại máy móc, linh kiện. Trong khi đó, các mặt hàng chính Lào nhập khẩu từ Hoa Kỳ gồm: giấy các loại, thiết bị điện, phế liệu công nghiệp chế biến thực phẩm, phụ tùng ô tô, phương tiện giao thông đường bộ (ngoại trừ xe máy, máy kéo), thiết bị cơ khí (ngoại trừ cơ khí phương tiện), sắt thép, thiết bị quang học, đồ uống và đồ nhựa gia dụng.
Từ năm 2008 đến nay, đầu tư của Hoa Kỳ vào Lào (nhất là đầu tư kinh doanh) đạt tổng giá trị 280,04 triệu USD, trong đó các lĩnh vực trọng tâm gồm: xây dựng, công nghiệp khai khoáng, tài chính, bảo hiểm và hoạt động lưu trú, dịch vụ.
Về viện trợ, các dự án của Hoa Kỳ tại Lào bao gồm: dự án kết nối quốc tế và ASEAN (USAID LUNA LAO) và giai đoạn 2 (USAID LUNA II), dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và thương mại của Lào (LCT), dự án tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế Lào (USAID LBE). Trong đó, Lào đề xuất Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ triển khai các dự án thông qua việc thành lập quỹ đa bên, ủng hộ sau khi dự án LCT kết thúc, hỗ trợ cơ chế quản lý và điều hành việc triển khai dự án theo kênh Chính phủ đang được Bộ Công Thương áp dụng nhằm giúp Lào có thể làm chủ và sử dụng vốn viện trợ nước ngoài một cách có hiệu quả theo như các Tuyên bố chung Paris và Viêng-chăn về hiệu quả viện trợ, tiếp tục ủng hộ Lộ trình phát triển thương mại và khu vực tư nhân trong Dự thảo sửa đổi nghiên cứu về hội nhập thương mại quốc tế của Lào (bản cập nhật)...
Cùng ngày, Bộ trưởng Khampheng Saysompheng cũng đã tiếp bà Kheovaly Vongsuthy, Chủ tịch Hiệp hội kinh tế và Văn hóa Lào - Trung Quốc cùng đoàn đại biểu tới thăm nhân dịp năm mới 2022 và xin ý kiến về định hướng hợp tác phát triển các dự án và xuất khẩu hàng hóa Lào sang tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Báo KT-XH, ngày 10/12/2021)
HỢP TÁC LÀO - KHU VỰC
Lào - EU
Nhóm Châu Âu công bố quan hệ đối tác 550 triệu EUR với Lào
Ngày 17/12/2021, Chính phủ Lào đã cùng tám thành viên nhóm Châu Âu ra mắt Chiến lược nhóm Châu Âu đối với Lào giai đoạn 2021-2025 nhằm theo đuổi mục tiêu Phát triển bền vững (nội dung quan trọng trong Chương trình Nghị sự 2030) và Chiến lược Phát triển xanh của Lào. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GS Sthabandith Insissienmay, Đại sứ EU, các đại sứ khối Châu Âu và người đứng đầu các cơ quan đại diện Pháp, Đức, Hungary, Ai-Len, Lúc-xăm-bua, Thụy sỹ và đại diện các Bộ, đối tác phát triển và các bên liên quan.
Theo tổng kết của nhóm về việc thực hiện giai đoạn 2016-2020: Tổng ngân sách dự kiến cho giai đoạn 2016-2020 của Chương trình hợp tác chung giữa EU và CHDCND Lào theo Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội Quốc gia lần thứ 8 giai đoạn 2026-2020 là 524 triệu Euro. Số giải ngân trên thực tế của EU cho Lào giai đoạn này là 575 triệu Euro, bình quân 115 triệu/năm.
Số dự án do EU tài trợ tại Lào hiện đang hoạt động là 133 dự án với tổng số tiền viện trợ không hoàn lại là 570 triệu Euro và viện trợ cho vay là 140 triệu Euro. Các lĩnh vực mà dự án EU hoạt động bao gồm: Phát triển nông nghiệp và nông thôn, Giáo dục phổ thông/đào tạo nghề (TVET), Quản trị nhà nước, Y tế, Tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Phát triển khu vực tư nhân, thương mại và du lịch.
Chiến lược 2021-2025: Dựa trên Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội Quốc gia lần thứ 9 (NSEDP) 2021-2025 của Lào với 6 kết quả mục tiêu bao gồm i) chất lượng và tăng trưởng kinh tế bền vững; ii) nguồn lực con người; iii) sinh kế; iv) bảo vệ môi trương; v) hội nhập khu vực; và vi) quản trị; nhóm các nước Châu Âu đã đề ra một chiến lược hợp tác phát triển của Châu Âu tại CHDCND Lào trong đó tập trung vào 3 khu vực ưu tiên: i) phát triển kinh tế xanh và bao gộp tất cả các thành phần ii) nguồn vốn con người và iii) quản trị nhà nước. Trên cơ sở chiến lược chung của cả Châu Âu, các nước thành viên sẽ tiếp tục xác định ưu tiên cho các chương trình hợp tác song phương và đồng tài trợ của mình.
Một số nội dung lớn mà Nhóm Châu Âu xác định sẽ tập trung ưu tiên trong chiến lược của mình gồm: (i) Khu vực ưu tiên 1. Phát triển kinh tế xanh và bao gộp tất cả các thành phần: phát triển nông nghiệp và nông thôn, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển khu vực tư nhân, thương mại và du lịch, (ii) Khu vực ưu tiên 2. Nguồn vốn con người: giáo dục phổ thông/đào tạo nghề (TVET), y tế và (iii) Khu vực ưu tiên 3. Quản trị nhà nước: những lĩnh vực đa giao diện (cross-cutting) như bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, thanh thiếu niên, dinh dưỡng, môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, khả năng chống chọi phục hồi, cách tiếp cận ‘một sức khỏe’, cách tiếp cận dựa trên các quyền, nâng cao năng lực, đẩy mạnh tổ chức thể chế ở các cấp; và giám sát, đánh giá.
Dự kiến các cam kết tài chính cho những lĩnh vực ưu tiên hợp tác nói trên trong giai đoạn tới là 550 triệu Euro, cụ thể: Khu vực ưu tiên 1. Phát triển kinh tế xanh và bao gộp tất cả các thành phần: i) Phát triển nông nghiệp và nông thôn, 63 triệu Euro; ii) Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, 127 triệu Euro; iii) Phát triển khu vực tư nhân, thương mại và du lịch, 63 triệu Euro. Khu vực ưu tiên 2. Nguồn vốn con người: i) giáo dục, 95 triệu Euro; ii) y tế, 44 triệu Euro. Khu vực ưu tiên 3. Quản trị nhà nước: 64 triệu Euro. Các vấn đề khác: 64 triệu Euro. (Vientiane Times, 20/12/2021 và Tổng hợp báo cáo nhóm Châu Âu).
Thủ tướng Lào tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu
Từ ngày 25-26/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh dẫn đầu đoàn đại biểu Lào tham dự hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 13 (ASEM-13) theo hình thức trực tuyến, với chủ đề “Củng cố hợp tác đa phương vì tăng trưởng chung”. Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen chủ trì Hội nghị, với sự có mặt của lãnh đạo 51 quốc gia và 02 tổ chức quốc tế từ khu vực Á - Âu tham dự.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều chủ đề cùng trao đổi; đánh giá kết quả hợp tác Á - Âu trong thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành công thông qua các dự án và chương trình khác nhau mà các nước đối tác cùng phối hợp tổ chức thực hiện. Đồng thời, các đại biểu thảo luận, trao đổi để xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác Á - Âu trong thời gian tới; đặc biệt là sự hợp tác trong việc khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện sau đại dịch Covid-19 vừa qua trên toàn cầu; nhằm cải thiện, nâng cao đời sống người dân trong khu vực và bước vào cuộc sống bình thường mới một cách có hiệu quả.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phankham Viphavanh phát biểu ý kiến với nội dung liên quan đến việc phát triển và khôi phục kinh tế-xã hội sau dịch bệnh Covid-19 vừa qua; chỉ rõ tầm quan trọng của sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai khu vực Á - Âu nhằm giải quyết các tác động của dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng thông qua việc trợ giúp kỹ thuật, công nghệ, trao đổi thông tin về y tế và xây dựng nền y tế vững mạnh nhằm bảo đảm cho người dân có thể tiếp cận đến hệ thống y tế hiện đại, bao gồm cả việc phủ rộng tiêm vắc xin và cung cấp thuốc điều trị bệnh. Thủ tướng Phankham còn chỉ rõ tầm quan trọng trong việc hợp tác về hệ thống vận tải hiện đại nhằm phục hồi việc giao lưu nhân dân, khôi phục chuỗi kinh tế toàn cầu, thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch, hỗ trợ khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo khả năng tiếp cận thị trường, nguồn vốn và việc hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số qua việc chuyển đổi công nghệ và đổi mới kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, đầu tư và giao lưu người dân giữa hai khu vực Á-Âu.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEM-13 thông qua 03 văn kiện quan trọng gồm: (i) Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh ASEM-13; (ii) Tuyên bố Phnompenh về việc khôi phục kinh tế-xã hội sau dịch bệnh Covid-19; (iii) Văn kiện về kết nối ASEM nhằm tạo cơ sở tổ chức triển khai các cam kết hợp Á - Âu cho đạt kết quả và có lợi cao thiết thực với người dân hai khu vực trong thời gian tới. (Báo KT-XH, 29/11/2021)
HỢP TÁC LÀO - CÁC TỔ CHỨC
Lào - UNDP
Quỹ Phát triển cấp Huyện giải ngân 8,5 triệu USD
Từ 2005 đến 2021, Quỹ Phát triển cấp Huyện đã giải ngân được 8,5 triệu USD thông qua thực hiện 1.049 dự án phục vụ cho các cộng đồng nông thôn. Theo báo cáo tổng kết Quỹ tại cuộc hội thảo diễn ra ngày 10/12/2021 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nisith Keopanya chủ trì, trong tổng số các dự án đã được thực hiện có 550 dự án xã hội, 256 dự án đầu tư cho giáo dục và 294 dự án đầu tư cho các công trình công cộng. Trong tổng số 499 dự án kinh tế có 248 dự án đầu tư cho các công trình công cộng, 231 dự án đầu tư cho nông nghiệp, 17 dự án đầu tư cho thương mại và 3 dự án đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực hỗ trợ Nâng cao cải thiện Dịch vụ công, Saravan là tỉnh nhận hỗ trợ tài chính cho 93 dự án từ 2005-2011. Từ năm 2008-2012, có 249 dự án địa phương thuộc 27 huyện của 4 tỉnh được nhận hỗ trợ từ hợp phần này của Quỹ. Đối với hợp phần Nâng cao Năng lực và Cung cấp dịch vụ của Chương trình Hành chính Địa phương, có 662 dự án địa phương thuộc 53 huyện của 7 tỉnh đã được giải ngân từ năm 2012-2016. Hợp phần Quản trị nhà nước trong Chương trình Phát triển cho mọi người từ 2017-2021 hỗ trợ cho 35 dự án địa phương thuộc 33 huyện của 14 tỉnh.
Theo ông Nisith, Quỹ Phát triển Huyện là một phần trong chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc nâng cao năng lực và trách nhiệm làm chủ của các chính quyền địa phương trong xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển của địa phương mình. Đây cũng là một phần trong chính sách phân cấp của Chính phủ theo Nghị quyết Sam Sang.
Với sự hỗ trợ chính từ Quỹ Đầu tư phát triển Liên Hợp Quốc (UNDCF) và sự hợp tác của nhiều đối tác phát triển, Quỹ Phát triển Huyện 2005-2021 đã giữ một vai trò trung tâm trong chính sách phân cấp cũng như việc thực hiện chính sách phân cấp trên phạm vi toàn quốc của Lào. Quỹ là công cụ thử nghiệm các mô hình nâng cao năng lực của chính quyền cấp địa phương thông qua cơ chế phân bổ tài chính công và quản lý ngân sách địa phương. Hoạt động của Quỹ phát triển Huyện, thông qua các dự án, đã vươn tới nhiều cộng đồng và người dân Lào, nâng cao dịch vụ công trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ. Quỹ cũng hỗ trợ nâng cao năng lực của chính quyền địa phương, lôi kéo được sự tham gia của người dân trong làm chủ, đưa ra quyết định và quản lý các dịch vụ công của địa phương mình - một nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững.
Bên cạnh sự hỗ trợ tài chính của các đối tác phát triển của Lào, Quỹ cũng nhận được sự đầu tư đóng góp và đồng tài trợ của chính quyền và người dân các huyện nhất là trong các hoạt động về giảm nghèo. Tính từ thời gian đầu, tỷ lệ đồng tài trợ của địa phương hầu như chưa có gì đã tăng lên so với con số 26% - một con số ấn tượng ở thời điểm hiện tại. (Vientiane Times 14/12/2021)
BẠN CẦN BIẾT
Lào mở cửa tiếp nhận khách du lịch từ 17 nước
Ngày 17/12/2021, Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Seuonsavanh Viyaketh đã tiến hành buổi họp báo dể thông tin về việc Lào đang chuẩn bị các điều kiện để mở cửa đón khách du lịch, dự kiến sẽ tiếp nhận khách từ các quốc gia; quy định khu vực, điểm du lịch xanh, các biện pháp dịch vụ và biện pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Seuonsavanh Viyaketh cho biết, Lào bắt đầu mở cửa tiếp nhận khách du lịch từ 17 nước trong khu vực du lịch xanh theo từng giai đoạn gồm: Giai đoạn 1, bắt đầu từ 01/01/2022- 30/3/2022; giai đoạn 2 từ 01/4/2022-30/6/2022 và giai đoạn 3 từ 01/7/2022 trở đi.
Đối với khu vực du lịch xanh được chia thành 02 loại: khu vực du lịch xanh và luồng xanh tại thủ đô Viêng Chăn và các thành phố Luang Prabang, huyện Văng Viêng thuộc tỉnh Viêng Chăn. Đối với tuyến du lịch xanh được quy định tại 05 tỉnh: Oudomxay, Xayabuly, Xiengkhuang, Khammuon và Champasak. Đối với khu vực du lịch xanh giai đoạn 2 có 09 tỉnh: Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Viêng Chăn, Luang Prabang, Oudomxay, Xayabuly, Xiengkhuang, Khammuon, Savanakhet và Champasak. Về luồng xanh giai đoạn 2 gồm 04 huyện Huoisay tỉnh Bokeo, Luangnamtha, Sekong và Salavanh.
Giai đoạn 1 quy định tiếp nhận các tour du lịch đến từ 17 quốc gia gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Ý, Mỹ, Canada, Úc...Khách du lịch khi vào Lào phải đi theo tour, cần có đầy đủ các điều kiện về việc tiêm vắc-xin đủ liều ít nhất 14 ngày trước khi đến Lào, có bảo hiểm nhân thọ, cần xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi vào và tiếp tục xét nghiệm lần nữa sau khi nhập cảnh; tải ứng dụng Laostay Safe và mua gói bảo hiểm y tế không dưới 50.000 USD.
Bộ trưởng Seuonsavanh Viyaketh cho biết thêm, việc mở cửa tiếp nhận khách du lịch vào Lào theo phương thức du lịch xanh không thể đồng thời tiến hành trên toàn quốc do khả năng kiểm soát về dịch bệnh mà cần mở cửa thận trọng, theo lộ trình có kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tin cậy, an toàn cho khách du lịch và có các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với các cơ sở dịch vụ du lịch tại các khu vực được quy định. (Báo KT-XH, 20/12/2021)
Khai trương cảng cạn Thanaleng Viêng Chăn
Theo tờ Vientiane Times đưa tin, ngày 4 tháng 12, 2021 diễn ra lễ cắt băng khánh thành Cảng cạn Thanaleng (TDP) và Công viên Logistics Viêng Chăn (VLP) tại Bản Dongphosy, quận Hadxaiphong, khởi đầu việc ra mắt các dịch vụ vận tải hàng hóa tinh gọn thúc đẩy việc cắt giảm chi phí cho ngành vận tải và các ngành liên quan tới vận tải hàng hóa.
Tham dự buổi lễ có các quan chức cấp cao của Chính phủ Lào, các vị quan khách và tập thể lãnh đạo, nhân viên Công ty TNHH Công viên hàng vận đường bộ Viêng Chăn. Sau lễ mở thư và đánh Cồng khai mạc, Thủ tướng Phankham Viphavanh đã cắt băng mở đường cho các xe tải chở hàng xuất phát tới các điểm đến tại Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Chủ tịch Công ty TNHH Công viên hàng vận đường bộ Viêng Chăn, ông Chanthone Sitthixay cho biết Cảng cạn Thanaleng và Công viên Logistics Vientiane là một đại dự án hoàn toàn do nhà đầu tư Lào - Công ty Công viên hàng vận đường bộ Viêng Chăn - thực hiện với thời hạn tô nhượng là 50 năm. Dự án là một phần trong các nỗ lực của Đảng và Chính phủ Lào trong việc biến Lào từ một đất nước có địa thế đất liền phong tỏa thành một quốc gia cung cấp các “dịch vụ hàng vận đường bộ trung chuyển liên kết” cho khu vực và quốc tế. Ông cũng cho biết “khi Cảng cạn TDP và Công viên hàng vận VLP đi vào vận hành với công suất tối đa, nó sẽ là một thành tựu quan trọng của nền kinh tế đất nước, của cả bộ máy nhà nước và của nhân dân Lào”.
Phát biểu tham dự buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Viengsavanh Siphandone cho rằng “Cảng cạn TDP và Công viên hàng vận VLP cùng với các hệ thống dịch vụ hiện đại của mình sẽ cắt giảm chi phí đáng kể cho ngành vận tải hàng hóa. Việc giảm chi phí sẽ làm tăng sức cạnh tranh thương mại và thúc đẩy đầu tư của Lào. Đây sẽ là những đóng góp to lớn cho sự phát triển nền kinh tế đất nước”.
Dự án Cảng cạn Thanaleng (TDP) và Công viên Logistics Viêng Chăn (VLP) bắt đầu xây dựng từ năm 2020 có tổng kinh phí 727 triệu USD với tổng diện tích 328 ha bao gồm 5 khu vực:
1) Cảng cạn Thanaleng (TDP) - trung tâm thương mại xuất nhập khẩu quốc tế với tất cả các hạng mục hoạt động hải quan với nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại, sử dụng Hệ thống vận hành đầu cuối
2) Trang trại xe bồn (Tank Farm) - là điểm trung chuyển và phân phối nhiên liệu lớn nhất cả nước
3) Công viên hàng vận đường bộ (VLP) - trung tâm cung cấp dịch vụ lưu kho, tập kết, hân phối, quản lý hàng tồn kho và quản lý kho hàng
4) Khu vực tự do mậu dịch (FTZ)
5) Khu thương mại và chế xuất (EPZ)
Nằm tại địa điểm gần ga xe lửa và Cầu hữu nghị số 1 Lào-Thái, Cảng cạn TDP là địa điểm trung chuyển kết nối với tuyến đường sắt Lào-Trung, và theo kế hoạch sẽ kết nối với tuyến đường xe lửa đi cảng Vũng Áng của Việt Nam, từ đây hàng hóa sẽ đi tới khu vực Nam Trung Quốc và các nước Hàn Quốc, Nga, Philipinnes và Indonesia.
Dự kiến với năng lực hạ tầng cơ sở tiêu chuẩn của một dự án đại quy mô, các ‘dịch vụ hàng vận đường bộ trung chuyển liên kết’ cho khu vực và quốc tế của Lào sẽ tao ra nguồn thu nhập mới và bền vững, đảm bảo thu ngân sách minh bạch và cắt giảm ít nhất 50% chi phí vận chuyển. (Vientiane Times, 7/12/2021)
Các nhà đầu tư quan tâm đến lợi ích logistic, thương mại và đầu tư ở cảng cạn
Ngày 9/12/2021, tại Viêng Chăn, Phòng Thương mại Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) đã tổ chức buổi hội thảo giải thích cho các hội viên cơ hội về logistics, thương mại và đầu tư tại Cảng cạn Thanaleng ở Viêng-Chăn và các cảng cạn khác để các doanh nghiệp nhận thức được và hưởng lợi từ các dịch vụ do cảng cạn cung cấp.
Buổi hội thảo được đồng tổ chức bởi LNCCI và Công ty TNHH Công viên Logistics Viêng-Chăn với chủ đề “Logistics và vận chuyển hàng hóa ở cảng cạn trong nước và xuất khẩu”. Ông Oudent Souvannavong, Chủ tịch LNCCI và ông Chanthone Sitthixay, Chủ tịch Công ty TNHH Công viên Logistics Viêng-Chăn đồng tham dự sự kiện.
Hơn 100 thành viên đã tham gia hội thảo, gồm 67 thành viên tham dự trực tuyến, đã thảo luận về các dịch vụ sẵn có, việc chuyển công-ten-nơ và hệ thống logistics tổng thể. Qua thảo luận, các thành viên được biết thêm về cơ hội kinh doanh và chuẩn bị cho việc hợp tác về thương mại, đầu tư và logistics.
Cảng cạn Thanaleng và Công viên Logistics Viêng-Chăn đã khai trương đầu tháng 12, đánh dấu việc bắt đầu khơi thông dịch vụ, tạo điều kiện, cắt giảm chi phí vận chuyển và các chi phí liên quan.
Cảng cạn và trung tâm logistics 727 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 382 ha, đem đến cơ sở vật chất toàn diện liên quan đến vận tải và logistics xuyên biên giới. Dự án có thời gian nhượng quyền 50 năm, do Công ty TNHH Công viên Logistics Viêng-chăn làm chủ.
Dự án được xây dựng bắt đầu năm 2020 và hy vọng sẽ hoàn thành hoàn toàn trong vòng 2 năm tới. (Vientiane Times, 13/12/2021)
Lào hoàn thành việc hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực may mặc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Ngày 24/11/2021, tại thủ đô Viêng Chăn, Cơ quan bảo hiểm xã hội Lào tiến hành hội nghị trực tuyến và tổ chức lễ tổng kết chương trình hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực may mặc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thời gian vừa qua, dưới sự tài trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Lào Keo Chanthavixay cho biết, nhân lực trong lĩnh vực may mặc có khoảng 20.698 người từ 47 nhà máy, xí nghiệp may mặc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được nhận tài trợ một lần trong năm 2021 từ chương trình của ILO trong thời gian qua với mức 900.000 LAK/người (tương đương khoảng 85 USD).
Chương trình trên là sáng kiến của Chính phủ trong việc hỗ trợ người lao động bằng tiền mặt, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực may mặc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 vừa qua tại các nhà máy, xí nghiệp may mặc; bao gồm cả những người chưa có bảo hiểm xã hội, không được hưởng trợ cấp trong thời gian qua, từ các tổ chức bảo hiểm hoặc từ nguồn hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ của Bộ Phát triển kinh tế Đức (BMZ) và sự hỗ trợ chuyên gia của ILO.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Padeumphone Sonthany cảm ơn sự hỗ trợ của BMZ, ILO và các đơn vị đã hỗ trợ cho người lao động trong lĩnh vực may mặc tại Lào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã giúp Chính phủ và người lao động Lào trong giai đoạn khó khăn vừa qua và đã chuyển số tiền hỗ trợ tới tay người lao động thông qua hệ thống ngân hàng.
Chương trình trên được thực hiện theo chuẩn mực quốc tế về bảo vệ xã hội, tính tự chủ quốc gia, sự phối hợp giám sát của Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động bằng sự quản lý minh bạch, có trách nhiệm. Hiệp hội công nghiệp may mặc Lào và Trung ương Hội liên hiệp Lào đã phối hợp xây dựng chương trình và hỗ trợ thực hiện dự án trên. (Báo KT-XH, 26/11/2021)
Khai mạc lễ hội Startup Lao 2021
Từ ngày 17-19/2021, Cục khuyến khích Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), Bộ Công Thương Lào phối hợp với Bộ Công nghệ và Truyền thông và Hội đồng Thương mại (ICT) tiến hành tổ chức lễ hội Startup năm 2021 dưới sự hỗ trợ của Chương trình tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh (MSME A2F-ESR) của WB, Chương trình xây dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Lào (USAID Laos Business Environment) và một số đơn vị, doanh nghiệp khác. Thứ trưởng Bộ Công Thương Bountheuang Duangsavanh, Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Bounsaleumsay Kennavong, Alex Klemner Trưởng Đại diện WB tại Lào và Quyền Cục trưởng Cục Khuyến khích Doanh nghiệp nhỏ và vừa Sa Silipong đồng chủ trì lễ hội.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bountheuang Duangsavanh cho biết, việc tổ chức “Lễ hội Startup Lao 2021” nhằm triển khai và tổ chức thực hiện Diễn đàn Quốc gia nhằm giải quyết vấn đề khó khăn về kinh tế và tài chính mà Chính phủ tuyên bố, đặc biệt là việc thúc đẩy, khuyến khích Startup SME là một trong nhiệm vụ đang triển khai của Bộ Công Thương trong chương trình khích lệ sáng tạo và khuyến khích doanh nghiệp Startup trong giai đoạn tiếp cận với nền kinh tế số đã được Chính phủ chính thức thông qua tại phiên họp thường kỳ vào tháng 8/2021 vừa qua để triển khai công tác quản lý và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Startup có thể tham gia vào thị trường nội địa và quốc tế; thông tin các vấn các liên quan đến luật và quy định về các doanh nghiệp Startup gắn liền với việc thành lập và phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực mới cũng như chính sách ưu tiên cho các Startup trong chương trình mục tiêu phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thương mại Souphaphone Seuannavong cho biết, qua một năm triển khai, thúc đẩy cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, sự đột phá, bước nhảy vọt và tầm quan trọng của Startup Lao, hãy cùng nhau tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho Startup có thể đóng góp vào sự phát triển đất nước một cách thiết thực. Lễ hội lần này là lần thứ 2 được tiến hành tổ chức theo phương thức trực tuyến để nhóm họp các doanh nghiệp khởi nghiệp nổi bật, điển hình của Lào để biểu dương, khích lệ thành quả đã đạt được.
Chương trình buổi lễ được tiến hành với ba phần chính gồm: (i) Quảng bá, giới thiệu các dịch vụ của các Startup Lào; (ii) Hội thảo về sáng kiến kinh doanh trong các lĩnh vực; việc tìm kiếm tiếp cận nguồn vốn; các thách thức và thành tích nổi bật của các doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn quốc; (iii) Thi đua của 64 doanh nghiệp Startup trong năm 2021, phần thưởng 10.000 USD. (Báo KT-XH, 21/12/2021)
Nguồn tài trợ nhiều hơn cho bảo vệ môi trường
Quỹ bảo vệ Môi trường sẽ cung cấp 6.744 tỷ Kip cho các nỗ lực bảo vệ môi trường theo 6 mục tiêu thuộc các khu vực khác nhau. 10 tiểu dự án sẽ được đầu tư tại các tỉnh Viêng Chăn, Borikhamxay, Champasack, Oudomxay, Xayaboury, Luang Prabang và Huaphanh.
Theo tờ Vientiane Times, hiệp định tài trợ được ký vào ngày 10/12/2021 giữa Quyền Chủ tịch Quỹ Bảo vệ Môi trường, bà Phakkavanh Phitsamai, và quan chức thuộc các sở liên quan tới lĩnh vực nông, lâm nghiệp của các tỉnh sẽ thực hiện 6 mục tiêu bảo vệ môi trường đã đặt ra.
Đây là các mục tiêu thuộc một dự án kéo dài trong ba năm, tập trung cho các khu vực rừng được bảo vệ và cần tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng nhằm bảo tồn các khu vực rừng đầu nguồn tại các tỉnh nói trên. Dự án cũng sẽ tăng cường và phát triển các hệ thống dữ liệu môi trường thông qua Viện Nghiên cứu và số liệu tài nguyên thiên nhiên, môi trường thuộc Bộ Tài nguyên, Môi trường.
Hoạt động dự án bao gồm nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật trung cấp thuộc Sở TNMT cấp tỉnh và những người tham gia thu thập số liệu xây dựng niên giám môi trường, các hệ thống thông tin về môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng một mạng lưới kiểm soát ô nhiễm không khí và các điểm đo nhiệt độ tại các tỉnh phía Bắc bao gồm Oudomxay, Xayaboury, Luang Prabang và Huaphanh. Ngoài ra dự án có các hoạt động khuyến khích giảm dần việc sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên và thay thế các thuốc nhuộm hóa chất có ảnh hưởng tới môi trường, thông qua một chương trình của Phòng Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa Phụ nữ, trực thuộc Hội Phụ nữ cấp tỉnh.
Các hoạt động khác của dự án bao gồm Quản lý rừng và phát triển sinh kế từ rừng, phòng ngừa và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng không gian xanh dọc các tuyến giao thông và trung tâm đô thị.
Quỹ Bảo vệ môi trường được thành lập từ năm 2005 và là một tổ chức độc lập có mục tiêu tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng tại Lào. (Vientiane Times, 13/12/2021)
Công trình xây dựng tòa nhà cao nhất thành phố Viêng Chăn được tiếp tục trở lại
Theo tờ Vientiane Times, công trình xây dựng tòa nhà Latsavong Plaza, một cao ốc được cho là cao nhất Lào bao gồm 1 khách sạn 5 sao và 1 đại trung tâm mua sắm với tổng trị giá trên 99 triệu USD, sẽ được tiếp nối trở lại sau khi nhà thầu rơi vào cảnh khó khăn về tài chính vào năm 2016 buộc công trình phải tạm dừng.
Phát biểu tại sự kiện diễn ra hồi tuần trước nhằm ký kết văn kiện tiếp tục công trình xây dựng tòa Latsavong Plaza, Đại tá Sinphonexay Khamthongveun, Tổng cục trưởng Tổng cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết, tòa Latsavong Plaza được bắt đầu xây dựng từ năm 2013 theo một hợp đồng nằm trong quan hệ đối tác kinh doanh giữa Bộ Quốc phòng Lào và một công ty của Trung Quốc. Sau khi khởi công xây dựng, phía nhà thầu đã gặp phải khó khăn về tài chính và nhiều vấn đề khác nên công trình đã phải tạm dừng vào năm 2016.
Bộ Quốc phòng đã chỉ định thành lập một ban chuyên trách đặc biệt nhằm tìm cách bảo đảm sự liên tục trong việc thực hiện hợp đồng và hoàn thành công trình trong khoảng thời gian hai năm kể từ khi hợp đồng mới được ký kết. Việc hoàn thành sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất kéo dài trong 6 tháng với mục tiêu hoàn thành cơ bản toà Plaza để có thể mở cửa vào giữa năm 2022. Giai đoạn thứ 2 hoàn thiện tất cả các các hạng mục để toàn bộ dịch vụ của tòa nhà được đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Latsavong Plaza là tòa nhà đầu tiên tại Viêng Chăn do quân đội đứng ra cung cấp các dịch vụ khách hàng liên quan đến nghỉ dưỡng và mua sắm. Tòa nhà có diện tích 150.000 mét vuông bao gồm một khác sạn 5 sao 34 tầng và các khu nhà ở, văn phòng, bệnh viện và một khu trung tâm thương mại lớn nhất cả nước. Đây là dự án hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Lào và Công ty Bất động sản Chongqing, Trung Quốc - một dự án lớn được coi là có tầm quan trọng rất cao trong việc phát triển của các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch và bất động sản. Tòa nhà được trông đợi sau khi hoàn thành sẽ thay đổi bộ mặt của Viêng Chăn và trở thành biểu tượng của một thành phố hiện đại.
Latsavong Plaza được kỳ vọng sẽ đặt ra những chuẩn mực mới cho ngành dịch vụ khách hàng và cũng được coi là một biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Lào-Trung trên một tầm cao mới. (Vientiane Times, 28/12/2021)
Chuyến đầu tiên của tuyến đường sắt Lào-Trung được bán hết vé
Theo báo Vientiane Times, sau ngày đầu chính thức khai trương tuyến đường sắt Lào-Trung, một lượng lớn người dân đã xếp hàng trước cửa nhà ga để mua vé tàu với hi vọng có được một ghế trong chuyến khởi hành đầu tiên vào 7:40 sáng tại Viêng Chăn.
Theo nhân viên công ty đường sắt Lào-Trung cho biết, tất cả các ghế đi Văng-Viêng, Luông-Pha-Băng và Bò-tèn đều đã bán hết. Được đi trên một chuyến tàu để thử trải nghiệm cảm giác mới lạ khi di chuyển với tốc độ cao, qua những vùng nông thôn Lào, trên một đường ray trên cao thật là thú vị.
Đoàn tàu EMU CR200J có 9 toa gồm đầu máy, phục vụ ăn uống, toa hạng nhất và 6 toa hạng hai, với tổng số 720 ghế.
Đây là một món quà chính phủ Trung Quốc dành cho người dân Lào, Lễ khánh thành đúng vào ngày Quốc khánh lần thứ 46 của Lào, kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao hai nước Lào-Trung.
Ban đầu, giá vé sẽ được giảm cho những người mua trực tiếp tại nhà ga, không áp dụng cho hình thức online. Trong giai đoạn bị ảnh hưởng do Covid-19 hiện nay, đường sắt sẽ chỉ hạn chế vận chuyển trong nước Lào. Vé sẽ được bán 3 ngày trước khi tàu khởi hành và khách hành sẽ phải cung cấp CMND và bằng chứng tiêm đủ 02 liều vaccine.
Việc khai trương tuyến đường sắt dài 426km là một mốc quan trọng đối với Lào và đây sẽ là một sự “thay đổi cuộc chơi” khi nước này nỗ lực trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng khu vực và hội nhập kinh tế thế giới.
Dự án xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật Trung Quốc, đường sắt kết nối Viêng Chăn với Côn Minh, Trung Quốc với khoảng cách dài 1.035 km với tốc độ tối đa 160 km/h. (Vientiane Times, 6/12/2021)
Lịch trình vận chuyển hành khách và hàng hóa tuyến đường sắt Lào-Trung
Tuyến đường sắt nối Vientiane và biên giới Trung Quốc đi qua tỉnh Vientiane, Luan Prabang, Oudomxay và Luang Namtha; đi qua 75 hầm với chiều dài tổng cộng khoảng 197,83km, gần bằng một nửa chiều dài tuyến đường sắt. Có 10 nhà ga đón khách tại Vientiane, Phonhong, Vangvieng, Kasy, Luang Prabang, Nga, Xay, Namor, Nateuy và Boten. Có 22 ga vận chuyển hàng hóa.
Tàu EMU CR200J được sơn màu đỏ, xanh và trắng tượng trưng cho quốc kỳ của Lào. Công ty TNHH đường sắt Lào-Trung có kế hoạch chạy 02 chuyến vận chuyển hàng hóa và 02 chuyến vận chuyển hành khách mỗi ngày.
Sử dụng đường sắt kỳ vọng sẽ cắt giảm khoảng 30-40% chi phí so với đường bộ. Sẽ mất hơn 1 ngày hay thậm chí là 2 ngày di chuyển từ Vientiane đến Luang Namtha bằng đường bộ.
Khởi hành từ ngày 03/12/2021, giá vé tàu từ Vientiane đi Phonhong là 86.000 Kíp đối với toa hạng nhất, 56.000 Kíp đối với toa hạng hai, 40.000 Kíp đối với toa hạng thường. Từ Vientiane đi Vangvieng là 164.000 Kíp đối với toa hạng nhất, 103.000 Kíp đối với toa hạng hai và 74.000 Kíp đối với toa hạng thường. Từ Vientiane đến Luang Prabang giá lần lượt là 313.000 Kíp, 198.000 Kíp và 140.000 Kíp. Từ Vientiane đến huyện Xay là 443.000 Kíp, 279.000 Kíp và 198.000 Kíp. Từ Vientiane đến Boten là 529.000 Kíp, 333.000 Kíp và 238.000 Kíp. (Vientiane Times, 1/12/2021).
BẢN TIN KINH TẾ - ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO
Chủ biên: Trịnh Thị Tâm
Ban biên tập: Trần Thanh Hải, Vương T.Xuân Thủy, Lê T.Phương Hoa, Hà Bảo Trâm
Tháng-12.2021.docTừ khóa » Các đặc Khu Kinh Tế Của Trung Quốc Tại Lào
-
11 Khu Kinh Tế đặc Biệt Tại Lào
-
Trung Quốc ở Lào: Chiếm Lĩnh Không Gian Và Chuyển đổi Biên Giới ...
-
Lào Muốn Phát Triển Một Đặc Khu Kinh Tế Tam Giác Mới
-
Lào Muốn Mở đặc Khu Kinh Tế Giáp Việt Nam Và Trung Quốc
-
Góc Khuất Của đế Chế Sòng Bạc Khét Tiếng Tại Tam Giác Vàng
-
Lào Nếm Trái đắng - 13 đặc Khu Kinh Tế Trung Quốc - YouTube
-
Lào Muốn Mở đặc Khu Kinh Tế Giáp Việt Nam Và ... - Báo Biên Phòng
-
Đặc Khu Kinh Tế Boten Denngam: Hướng Tới Mục Tiêu Thành Phố ...
-
Lào Muốn Mở Đặc Khu Kinh Tế Giáp Trung Quốc Và Việt Nam
-
Bất Chấp Bẫy Nợ, Lào 'dùng đất đổi Tiền' Từ Trung Quốc Với Những ...
-
Lào Phong Tỏa đặc Khu Kinh Tế Tại Luang Namtha
-
Lào Muốn Mở đặc Khu Kinh Tế Giáp Việt Nam Và Trung Quốc - ITPC
-
Các đặc Khu Kinh Tế Đông Nam Á Oằn Mình Dưới ảnh Hưởng Của TQ
-
Bản Tin Kinh Tế Số Tháng 3-2022 – Lào