Bản Tin Kinh Tế Số Tháng 3-2022 – Lào

TÌNH HÌNH KINH TẾ LÀO

Chính phủ Lào hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm ít nhất 4%

Ngày 09/03/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm ít nhất là 4% từ nay tới năm 2025, mặc dù chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về việc đại dịch Covid-19 sẽ được kiềm chế trong thời gian tới.

Thủ tướng Phankham Viphavanh vừa ban hành Sắc lệnh trong đó dự kiến ngành nông nghiệp sẽ tăng trưởng bình quân hàng năm là 2,5% và đến năm 2025 sẽ chiếm tỷ trọng 15,3% GDP cả nước; công nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 4,1% hàng năm và tới năm 2025 sẽ chiếm tỷ trọng 32,3% GDP. Khu vực dịch vụ được đặt mục tiêu tăng trưởng là 6% và dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng 40,7% tổng GDP trong vòng 3-4 năm tới. Ngành thuế và thuế quan được dự báo là sẽ tăng trưởng 5,8%, chiếm tỷ trọng 11,7% GDP vào năm 2025. Chính phủ cũng dự báo, GDP bình quân đầu người của Lào năm 2025 sẽ đạt 2.880 USD.

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) Daovon Phachanthavong cho biết Lào sẽ có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế của mình nếu các đại dự án được thực hiện đúng theo tiến độ như kế hoạch đặt ra, bao gồm các dự án xây dựng thành phố thông minh, các tuyến đường cao tốc, đặc khu kinh tế, nhà máy thủy điện, mỏ khai thác khoáng sản và một số loại hình hạ tầng cơ sở khác.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với Chính phủ là phải nhanh chóng kiềm chế sự bùng phát của dịch Covid-19 và đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế. Nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế như đã nêu vào năm 2025, Chính phủ Lào sẽ ưu tiên thực hiện một loạt các chương trình, trong đó bao gồm: i) chương trình nghị sự quốc gia hướng tới hai mục tiêu giải quyết các khó khăn về kinh tế, tài chính và giải quyết vấn đề ma túy; ii) hiện đại hóa hệ thống thu thuế và xử lý các lỗ hổng thất thoát tài chính, tăng nguồn thu cho nhà nước; iii) giảm và cơ cấu lại nợ công của Chính phủ, hạn chế số lượng các khoản vay nước ngoài.

Chính phủ cũng chú trọng công tác quản lý tỷ giá hối đoái và lạm phát, giảm bớt khó khăn cho đời sống nhân dân; đồng thời, chỉ đạo việc “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư nước ngoài và đưa ra một số biện pháp như nâng cao năng suất và phát triển công nghiệp chế biến, nhất là dọc hai bên hành lang đường sắt Lào-Trung để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh du lịch nội địa với khẩu hiệu “người Lào du lịch Lào” và tiếp tục tăng cường hợp tác đối tác công-tư cũng như phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Chính phủ Lào đặt mục tiêu thặng dư thương mại 1,55 tỷ USD năm 2022

Ngày 10/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đặt mục tiêu thặng dư thương mại năm 2022 tối thiểu đạt 1,55 tỷ USD dù tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Giá trị hàng xuất khẩu được kì vọng đạt 7,6 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 6,05 tỷ USD. Năm 2021, Lào ghi nhận mức thặng dư thương mại 01 tỷ USD, với tổng kim ngạch xuất khẩu là 07 tỷ USD và nhập khẩu là 06 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cam kết sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và quy trình chế biến sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt cho thị trường Trung Quốc, sau khi tuyến đường sắt Lào Trung đi vào hoạt động từ cuối năm 2021. Các tỉnh miền núi phía Bắc, dọc theo tuyến đường sắt và đường cao tốc sẽ tập trung phát triển nông nghiệp và chăn nuôi gia súc để xuất sang Trung Quốc. Các Bộ ngành liên quan được yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và tìm thị trường.

Những năm gần đây, Chính phủ đã nỗ lực tăng lượng hàng xuất khẩu và giảm dần hàng nhập khẩu như một cách để tăng thu ngoại tệ, đặc biệt là đồng Baht Thái và USD, ổn định giá trị đồng Kíp. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm quặng vàng, quặng sắt và vàng thỏi, các sản phẩm từ giấy, bột gỗ, may mặc, cao su, khoai mì, chuối và các loại nông sản khác. Hàng nhập khẩu của Lào bao gồm: xăng dầu, xe cộ, thiết bị cơ khí, phụ tùng, sản phẩm từ thép, sản phẩm từ nhựa, thiết bị điện, dược phẩm, thực phẩm, thiết bị camera và sản phẩm từ gỗ.

Giá hàng nhập khẩu tăng góp phần đẩy cao tỷ lệ lạm phát

Ngày 02/3/2022, Vientiane Times đưa tin, giá các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là xăng dầu, tăng mạnh trong tháng Một đã khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao nhất trong 2 năm qua, chạm mức 6,25% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá hàng nhập khẩu đã tăng lên 10,49% vào tháng 1 do tác động của giá nhiên liệu, gia vị, đường, các sản phẩm từ sữa, hàng gia dụng, xe cộ và phụ tùng, trong đó, riêng giá nhiên liệu đã tăng đến 29,53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối tuần trước, Bộ Công Thương đã thông báo về đợt tăng giá xăng dầu lần thứ năm chỉ trong năm 2022 do bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu toàn cầu tăng phi mã, gây sức ép lớn lên những người có thu nhập thấp tại Lào. Nhiên liệu chiếm một phần lớn trong giá trị hàng nhập khẩu của Lào, với dầu diesel chiếm 52 triệu USD, trong khi xăng tiêu chuẩn chiếm 15 triệu USD.

Việc giá cả leo thang đã khiến cho Chính phủ đặt mục tiêu giảm nhập khẩu xăng dầu, cũng như giảm số ngoại tệ để mua xăng dầu nhập khẩu bằng cách thúc đẩy sử dụng xe điện tại Lào từ tỷ lệ 1% năm 2025 lên 30% năm 2030.

Cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế đối với thủ đô Vientiane

Ngày 03/3/2022, tại Trụ sở Chính quyền thủ đô Vientiane, Chính phủ và Chính quyền thủ đô đã tiến hành Hội nghị với chủ đề “Nghiên cứu cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế của thủ đô Vientiane thông qua kết nối đường sắt cao tốc” dưới sự đồng chủ trì của Trợ lý Thủ tướng Chanthaboun Lattanavong, Phó Đô trưởng Vientiane Phukhong Banthavong và lãnh đạo các cơ quan chức năng khác của thủ đô.

Hội nghị đã đánh giá tiến độ và kết quả triển khai 02 Chương trình Quốc gia tại thủ đô sau khi tuyến đường cao tốc và đường sắt Lào - Trung đưa vào vận hành; mở thử nghiệm Du lịch vùng Xanh; đánh giá công tác hiện đại hoá đô thị thành cơ sở kinh tế vững mạnh - bền vững; đánh giá quá trình hiện đại hoá trong lĩnh vực thu ngân sách và nghiên cứu phân cấp quản lý giữa Trung ương với thủ đô Vientiane.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thủ đô Vientiane Buavone Suklaseng cho biết, liên quan đến vấn đề thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu để bù nhập khẩu, tăng thu ngân sách một cách bền vững (xã hội sản xuất), cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết những khó khăn trong tiến hành kinh doanh tại thủ đô Vientiane, Sở đã điều chỉnh công tác của bộ phận Văn phòng Dịch vụ Một cửa; tổng kết quy trình quy định thời hạn nộp giấy tờ xin cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép doanh nghiệp, giấy phép hoạt động khác; kêu gọi được tổng cộng 38 dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 trong 04 lĩnh vực: nông lâm nghiệp, công nghiệp và thương mại, thông tin văn hoá và du lịch, giao thông công chính; tổ chức Hội nghị trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước và khối tư nhân trong các lĩnh vực đầu tư; lên kế hoạch kiểm tra các dự án được thủ đô Vientiane cấp phép trong thời gian qua; kiểm tra công tác triển khai hợp đồng tô nhượng dự án phát triển khu du lịch Angnamxuong, bản Sivilay và bản Tha, quận Naxaithong của công ty TNHH Xây dựng Cầu đường Asia; chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: ngân sách không đáp ứng được nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng; nợ dự án đầu tư của Chính phủ còn nhiều, cho đến nay còn nợ 156 dự án với số tiền 2.497 tỷ Kíp; nhiều dự án chưa hoàn thành đúng tiến độ do phía công ty nhận thầu gặp khó khăn về tài chính hoặc do dự án thiếu ngân sách. (Báo KT-XH, ngày 07/3/2022)

Lạm phát Lào tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua

Ngày 18/03/2022, Vientiane Times đưa tin, tỷ lệ lạm phát theo năm của Lào đã tăng vọt lên mức 7,3% trong tháng 2, là mức lạm phát cao nhất được ghi nhận trong 6 năm qua.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Lào, giá các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt do chi phí tăng đột biến đối với xăng dầu và các mặt hàng nhập khẩu khác và đồng Kíp bị mất giá. Nhu cầu ngoại tệ, nhất là đồng USD và Baht luôn ở mức cao. Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tại Ucraina là nguyên nhân dẫn đến giá dầu trên thế giới tăng vọt.

Năm 2021, giá xăng dầu đã tăng 6 lần gây tác động rất lớn tới tỷ lệ lạm phát trong nước. Trong tháng 2/2022, giá nhiên liệu và khí đốt tăng 38,33%, giá vàng tăng 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí giao thông vận tải cũng tăng 2%, hàng hóa và dịch vụ tăng 0,9% mỗi tháng. Theo Cục Thống kê, cũng trong tháng 02/2022 giá các mặt hàng thịt, cá đã tăng 5,4%; rau, hoa quả tăng 6,8%; thuốc và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng 9,39%; dịch vụ nhà hàng, khách sạn tăng 8,65%; thực phẩm và đồ uống không chứa cồn tăng 5,47% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Chính phủ Lào hiện đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tăng cường sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu và kiểm soát sự gia tăng của giá xăng dầu, ảnh hưởng tới nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Mức thuế VAT đã được giảm từ 10% xuống còn 7% và Chính phủ cũng quyết định cắt giảm tất cả các nguồn dự trữ xăng dầu trong năm nay.

Lào đối mặt với thâm hụt ngoại tệ

Ngày 21/3/2022, Vientiane Times đưa tin, tại cuộc họp lần 1 của Ủy ban Chính sách Tiền tệ, Cục trưởng Cục Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Lào Khankeo Lamaningao đã chỉ ra rằng cán cân thanh toán của Lào hiện đang ở mức âm, cho dù thặng dư thương mại năm 2021 đạt 1,32 tỷ USD, do dòng tiền ngoại tệ đi vào chỉ đạt 26,45% trên tổng giá trị xuất khẩu.

Một trong những nguyên nhân chính của sự mất cân bằng cung cầu ngoại tệ, tạo áp lực thanh toán ngoại hối như hiện nay tại Lào, đặc biệt là đối với đồng USD và Baht Thái, là do nhu cầu trả nợ nước ngoài cũng như nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu bằng ngoại tệ ngày càng tăng. Sự mất giá của đồng Kíp gây ra lạm phát, doanh nghiệp phải mất nhiều tiền mua ngoại tệ hơn để thanh toán hàng hóa nhập khẩu.

Để đạt mục tiêu quản lý chính sách tiền tệ đã được Quốc hội thông qua, Ủy ban Chính sách Tiền tệ đang tập trung vào việc thực thi các công cụ nhằm hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ; thực hiện chính sách trao đổi ngoại hối một cách linh hoạt dựa trên hệ thống trao đổi ngoại hối theo thị trường và theo cách thức phù hợp với nền tảng kinh tế thực tế của đất nước hơn.

Ủy ban cũng thông qua phương thức quản lý trao đổi ngoại hối nhằm lành mạnh hóa dự trữ ngoại tệ của đất nước. Một trong những kết quả tích cực nhất của việc quản lý ngoại hối là điều chỉnh biên độ trao đổi giữa tỷ giá trên thực tế sát với tỷ giá chính thức của nhà nước. Điều này đã giúp các ngân hàng thương mại có thể mua thêm ngoại tệ từ thị trường và bán thêm ngoại tệ để nhập hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là nhiên liệu.

Chính phủ Lào họp phiên thường kỳ tháng 3

Từ ngày 21-22/3/2022, Kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone cùng các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, dịch Covid-19 ở Lào lây lan mạnh, lạm phát, giá xăng dầu thường xuyên biến động và có xu hướng tiếp tục tăng do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài đã tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân Lào, Chính phủ đề ra mục tiêu trọng tâm, hàng đầu trong gia đoạn này là tiếp tục huy động sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm sớm đưa kinh tế phục hồi trong trạng thái bình thường mới, cải thiện đời sống của người dân đi đôi với việc triển khai 02 chương trình quốc gia về giải quyết khó khăn kinh tế - xã hội và vấn đề ma túy một cách thiết thực và hiệu quả.

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận 09 nội dung quan trọng gồm: (i) Tổng kết công tác tháng 3, đề ra phương hướng công tác trọng tâm tháng 4 của Chính phủ. (ii) Dự thảo Luật Quản lý vũ khí và chất nổ. (iii) Dự thảo Luật Nước và tài nguyên nước (sửa đổi). (iv) Dự thảo Sắc luật về danh mục hàng hóa và thuế xuất khẩu (sửa đổi). (v) Dự thảo Nghị định về thu ngân sách (sửa đổi). (vi) Dự thảo Nghị định về công dân danh dự. (vii) Dự thảo Nghị định về Văn phòng hòa giải tranh chấp kinh tế khu vực tư nhân. (vii) Dự thảo Nghị định về thù lao cho hòa giải viên tranh chấp kinh tế. (ix) Dự thảo Chiến lược quốc gia về việc giải quyết vật liệu chưa nổ tại Lào.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone đã đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến một cách xác đáng, hiệu quả vào các nội dung nêu trên nhằm triển khai các mục tiêu, kế hoạch công tác của Chính phủ đạt hiệu quả cao nhất. (Báo KT-XH, ngày 23/03/2022)

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện hệ thống giao thông đường bộ

Ngày 01/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông đường bộ nhằm cải thiện việc đi lại và hoàn thành kế hoạch biến Lào trở thành điểm kết nối giao thông trên đất liền.

Tại buổi tổng kết công tác 3 năm 2019 - 2021, Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào Lan Seng-Aphone cho biết, Bộ đã triển khai xây dựng các tuyến đường mới và nâng cấp các tuyến hiện có để nâng cao khả năng kết nối trong nước và quốc tế. Các công trình đã và đang thực hiện bao gồm: (i) Công trình nâng cấp tuyến quốc lộ 13 Bắc đoạn nối giữa quận Naxaithong, thủ đô Vientiane và huyện Phonhong, tỉnh Vientiane đã hoàn thành 54,64% khối lượng công việc; (ii) Đoạn nối trên quốc lộ 13 Nam giữa km 71 và km 364 đã hoàn thành 3,8%; (iii) Nâng cấp tuyến đường số 6 đoạn nối giữa huyện Viengxay và Namsoy, và giữa huyện Hanglong và Sobbao tỉnh Huaphan từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); (iv) Nâng cấp tuyến đường số 4B đoạn nối giữa huyện Hongsa tỉnh Xayaboury và khu vực Xiengman tỉnh Luang Prabang với nguồn tài trợ từ NEDA (Cơ quan Kinh tế và Phát triển Philippine); (v) Nâng cấp tuyến đường 2.6313 từ huyện Thapangthong tỉnh Savanakhet tới huyện Toumlan tỉnh Salavan từ nguồn tài trợ của tập đoàn NORINCO, Trung Quốc.

Bộ cũng đã hoàn thành nghiên cứu khả thi nâng cấp tuyến quốc lộ 8 sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và tuyến quốc lộ 12 sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế các nước láng giềng của Thái Lan; xây mới bốn chiếc cầu trên tuyến quốc lộ 9, trong đó 2 tại Savanakhet và 2 tại Xayaboury. Hai chiếc cầu hữu nghị Lào-Thái hiện đang được xây dựng trên sông Mekong gồm Cầu hữu nghị số 5 từ huyện Pakxan tỉnh Borikhamxay sang tỉnh Buengkhan của Thái Lan và cầu Korn Tuen-Huay Keo tại tỉnh Bokeo.

Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lào cũng cho biết, sẽ tiếp tục nâng cấp mạng lưới đường bộ để kết nối với khu vực trong đó có tuyến quốc lộ số 9 đoạn giữa thành phố Kaysone Phomvihane và huyện Seno nằm trên trục đường đến biên giới Lào - Việt Nam.

Việc nâng cấp hạ tầng giao thông là một phần trong chiến lược đã được đề xuất lần đầu tại Đại hội Đảng NDCM Lào lần thứ 6 năm 1996 nhằm đưa Lào thoát khỏi danh sách các nước chậm phát triển (LDC) và trở thành điểm kết nối với các nước láng giềng phát triển hơn như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Chính phủ yêu cầu tìm giải pháp cho ngành đường sắt tại các tỉnh Oudomxay, Luang Namtha và Vientiane

Ngày 04/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Phó Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone gần đây có chuyến thăm và làm việc với 2 tỉnh Oudomxay và Luang Namtha nhằm tìm ra giải pháp cho những tồn tại hiện nay đối với tuyến đường sắt Lào – Trung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Sonexay đã đánh giá và đưa ra nhận định về những tồn tại cần phải được giải quyết, đặc biệt khi có tác động ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Ông đã thăm các cụm phát triển dọc theo tuyến đường sắt tại tỉnh Oudomxay, bao gồm sữa chữa các hạng mục cầu, đường phục vụ vận tải hàng hóa và chuẩn bị nâng cấp nhà ga phục vụ cho khách du lịch. Ông yêu cầu ngành vận tải đường sắt phải triển khai nhanh chóng, hiệu quả và thuận lợi, giúp giảm tải giao thông đường bộ.

Tại tỉnh Luang Namtha, Phó Thủ tướng Sonexay đã thăm trạm kiểm soát vận tải tại làng Nateuy và Khu tái định cư Nateuy dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng tuyến đường sắt. Ông đã gặp và trao đổi với người dân địa phương về những khó khăn gặp phải và các kiến nghị Chính phủ có thể giải quyết để giúp người dân địa phương cũng như đơn vị điều hành tuyến đường sắt; yêu cầu chính quyền địa phương đảm bảo công bằng trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, cung cấp đầy đủ điều kiện về vệ sinh, cơ sở hạ tầng cho khu vực tái định cư.

Ngày 08/3/2022, khi thăm và làm việc tại nhà ga đường sắt Vangvieng, sau khi chứng kiến nhiều khoang hàng trống trong các đoàn tàu từ ga Boten ở phía Bắc về các tỉnh và thủ đô Vientiane, Phó thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandone đã yêu cầu tỉnh Vientiane phải tích cực hơn nữa để ngày càng có nhiều hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt. Phó Thủ tướng đề nghị cần điều chỉnh chi phí vận tải hợp lý hơn, hệ thống hóa việc lưu kho, quản lý để đảm bảo không bị hư hại hoặc thất lạc các container hàng hóa.

Bộ Tài chính chuyển đổi số để quản lý tài chính công

Ngày 09/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Lào sẽ hợp tác với công ty Huawei Technology (Laos) Limited để thực hiện chuyển đổi số trong việc giải quyết các thâm hụt tài chính như một phần nỗ lực sử dụng các công nghệ hiện đại để quản lý công tác thu thuế.

Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Bounchom Ubonpaseuth và Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Boviengkham Vongdara đã đồng chủ trì tổ chức cuộc họp thảo luận về nghiên cứu khả thi công tác số hóa ngành thu thuế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Bounleua Sinxayvoravong, nhiều lãnh đạo cấp cao của các cơ quan liên quan và đại diện của công ty Huawei, tập đoàn AIF và Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) đã cùng tham dự.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bounleua tổng kết lại quá trình phát triển hệ thống số hóa hiện đại để quản lý tài chính công, Hệ thống được tổng hợp từ 5 nguồn: cơ sở dữ liệu hiện có của ngành thuế, chương trình ASYCUDA (Hệ thống tự động về Dữ liệu Hải quan), chương trình Một cửa Lào, Hệ thống Thông tin thu thuế (TaxRIS) và FinLink. Ông cũng đưa ra chương trình hành động trên phạm vi cả nước nhằm xác định các khó khăn về tài chính và kinh tế của đất nước, ngăn chặn việc thất thu thuế và các vấn đề chưa được giải quyết.

Kế hoạch ưu tiên năm 2022 do công ty Huawei đưa ra, gồm hệ thống Hải quan Thông minh, nâng cấp hệ thống ASYCUDA hiện có và hệ thống một cửa để khai thuế và quản trị rủi ro, tập trung hóa việc nộp thuế xuất – nhập khẩu qua hệ thống ngân hàng và liên kết với các nội dung khác. Hệ thống theo dõi hàng hóa điện tử, xây dựng hệ thống đám mây cho Bộ Tài chính và xây dựng nhà điều hành hiện đại là một phần của kế hoạch này.

Sau khi nghe kế hoạch và các báo cáo, Bộ trưởng Bounchom cho rằng việc triển khai hệ thống thu thuế hiện đại là vô cùng cần thiết để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết các khó khăn về kinh tế - tài chính. Lộ trình thực hiện sẽ được trình cho Chính phủ trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Boviengkham cũng cho biết, Bộ Công nghệ đang trong quá trình thực hiện quy chuẩn hóa kỹ thuật, để đảm bảo hệ thống được liên kết chính xác với các cơ quan, đáp ứng yêu cầu của Bộ Tài chính về quản lý tài chính công.

Chính phủ xem xét điều chỉnh cơ cấu giá nhiên liệu nhằm giảm bớt tác động đến nền kinh tế

Ngày 16/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành xem xét lại cơ cấu giá xăng dầu để giảm thiểu tác động lên nền kinh tế cũng như giảm bớt những khó khăn tài chính đang đè nặng lên vai người dân hiện nay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Alounsay Sounnalath trên cơ sở tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ do Thủ tướng Phankham Viphavanh chủ trì tuần trước cho biết, Chính phủ nhận định giá xăng dầu hiện nay là quá cao, mặc dù điều đó giúp Chính phủ thu được thêm ngân sách từ nhập khẩu và phân phối xăng dầu nhưng đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế Lào.

Bộ trưởng Alounsay cho biết, hiện tại thuế và phí chiếm tới 31-46% giá xăng dầu tại Lào. Đây là thời điểm cần thiết để xem xét lại cơ cấu giá nhiên liệu và khuyến khích việc sử dụng phương tiện chạy điện theo nghị quyết của Chính phủ đã được thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng trước.

Kiểm soát giá nhiên liệu là một phần trong chương trình nghị sự quốc gia của Chính phủ nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế và tài chính. Hiện Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy, tăng cường sản xuất nội địa và giảm thiểu nhập khẩu, tăng thu ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân, bên cạnh việc giảm các khoản nợ công.

HỢP TÁC LÀO - VIỆT NAM

Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2022

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022 như sau:

1. Tháng 2/2022 đạt 106.871.811 USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ, trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 33.163.120USD, giảm 11% so với cùng kỳ.

Tiếp theo đà tháng trước, một số mặt hàng tiếp tục tăng, có mặt hàng tăng mạnh: Dây điện và cáp điện tăng 1.613,4% đạt gần 500 nghìn USD (tháng trước tăng 71,9%); Phân bón tăng 271,8% đạt hơn 2,37 triệu USD (tháng trước tăng 41,4%); Xăng dầu tăng 249,9% đạt hơn 3,27 triệu USD (tháng trước tăng 78,2%, đây là tháng thứ 11 tăng liên tiếp sau 27 tháng liên tục giảm kể từ đầu năm 2019); Sắt thép các loại tăng 87,3% đạt hơn 4,95 triệu USD (tháng trước tăng 8,7%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 28,1% đạt hơn 220 nghìn USD; Sắt thép các loại tăng nhẹ 1,8% đạt hơn 4,1 triệu USD (tháng trước tăng 8,7%). Sản phẩm gốm sứ tăng 20,7%, đạt hơn 850 nghìn USD (tháng trước giảm nhẹ 9,8%).

Các mặt hàng còn lại đều giảm, mức giảm trên 50% gồm: Cà phê giảm -93,8% chỉ đạt hơn 20 ngàn USD; Rau quả giảm -64,4% đạt hơn 400 nghìn USD; Clinke và xi măng giảm -60,7% đạt hơn 480 nghìn USD; Sản phẩm từ chất dẻo giảm -64,7% đạt gần 670 nghìn USD;

- Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 73.708.691 USD, tăng 60,3% so với cùng kỳ.

Tất cả các mặt hàng đều tăng. Mặt hàng tăng mạnh: Quặng và khoáng sản tăng 849,4% đạt hơn 7,4 triệu USD (tháng trước tăng 338,1%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 106,8% đạt gần 6 triệu USD (tháng trước tăng 38,3%); Hàng rau quả tăng 93,9% đạt hơn 1,66 triệu USD (tháng trước tăng 82,9%); Cao su tăng 76,2% đạt gần 13,4 triệu USD (tháng trước tăng 50,8%); Phân bón các loại tăng 63,4% đạt gần 4,2 triệu USD (tháng trước tăng 42,4%); Hàng hóa khác tăng 31,2% đạt hơn 41,1 triệu USD (tháng trước tăng 16,7%).  

Mặt hàng ngô không ghi nhận kim ngạch sau 4 tháng liên tiếp có kim ngạch nhập khẩu (từ tháng 10/2021).

Như vậy, theo đúng dự đoán, kim ngạch tháng 2 tăng và do chiều nhập khẩu tăng, chiều xuất khẩu tiếp tục giảm.

2. Tổng kết 2 tháng năm 2022, kim ngạch đạt 210.762.583 USD tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 75.740.872 USD giảm 21,9% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 167.464.782 USD tăng 47,2% so với cùng kỳ.

Như vậy, hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đều giảm. Khác với các năm trước, kim ngạch chỉ giảm ở tháng Tết cổ truyền Việt Nam thì nay kể cả tháng sau Tết, kim ngạch vẫn tiếp tục giảm. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Lào tăng mạnh. Lý do là các mặt hàng nhập khẩu từ Lào chủ yếu là quặng, khoáng sản, phân bón, cao su, gỗ..., là những mặt hàng có nhu cầu ngày càng tăng, khiến giá tăng cao trên thế giới.

Dự kiến tháng 03/2022, kim ngạch tiếp tục tăng ở chiều nhập khẩu do nhu cầu về các mặt hàng nhập khẩu từ Lào nêu trên vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt sau cuộc chiến Nga-Ukraina. (Thương vụ Việt Nam tại Lào)

Liên kết Logistics Laos giúp Lào thay đổi cuộc chơi

Ngày 07/3/2022, Vientiane Times đưa tin, trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane, ông Chanthone Sitthixay, Chủ tịch Công viên Logistics Vientiane (VLP), đại diện Liên kết Logistics Laos (LLL), một đơn vị cấu thành của Cảng cạn Thanaleng (TDP), VLP và các dự án thành phần khác cho biết, LLL sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Lào thêm 20% so với giá trị hiện nay là 180.243 tỷ Kíp.

LLL khởi nguồn từ năm 2016 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (nay là Tổng Bí thư – Chủ tịch nước) Thongloun Sisoulith nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, góp phần giúp Lào giảm phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Từ ý tưởng này, LLL đã được thành lập nhằm góp phần biến Lào từ một đất nước nội-lục trở thành một điểm kết nối khu vực thông qua các tuyến đường sắt, đường bộ, hàng không và cả đường biển.

Được sự cho phép của Chính phủ, Công ty TNHH Cổ phần PetroTrade Laos (PTLH), công ty mẹ của VLP, đã phối hợp với các cơ quan hai nước Lào – Việt Nam để cùng phát triển dự án LLL. PTLH chỉ mất 11 tháng để hoàn thành Cảng cạn và Công viên Logistics, đi vào hoạt động từ ngày 04/12/2021, một ngày sau khi tuyến đường sắt Lào – Trung đi vào hoạt động. Với tổng mức đầu tư khoảng 727 triệu USD, trong đó nhà đầu tư chiếm 70% cổ phần, Chính phủ Lào chiếm 30% còn lại, VLP và TDP dự kiến sẽ đi vào hoạt động toàn diện trong một vài năm tới.

Cùng trong khuôn khổ dự án, LLL đang chuẩn bị tiếp quản Cảng biển Vũng Áng, tại tỉnh Hà Tĩnh, miền Trung Việt Nam thời gian tới với phía Lào chiếm 60% cổ phần. Ông Chanthone kỳ vọng có thể bắt đầu hoạt động tại Cảng Vũng Áng từ tháng 7/2022. Để tận dụng tối đa ưu thế của Cảng biển này, một tuyến đường sắt giữa thủ đô Vientiane với Cảng cũng đang được lên kế hoạch triển khai, trong đó phần dự án phía Lào nối giữa huyện Mahaxay, tỉnh Khammuan đến biên giới với Việt Nam dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm nay.

Ông Chanthone cho biết, các dự án của LLL đang hỗ trợ lẫn nhau, và cùng giữ vai trò thay đổi cuộc chơi khi giúp Lào trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ lộ trình vận tải ngắn hơn và chi phí thấp hơn. Hàng hóa đi từ Lào qua cảng cạn, tuyến đường sắt Lào – Trung và hệ thống đường sắt liên vận có thể đến châu Âu trong vòng 2 tuần, so với 45 ngày đi đường biển; cảng cạn được kỳ vọng sẽ giảm chi phí vận tải qua biên giới đến 40% vào năm 2025; ngoài ra tuyến vận tải qua Lào, đến Cảng Vũng Áng giúp việc đưa hàng hóa đến khu vực Thái Bình Dương một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Một nghiên cứu quốc tế do công ty tư vấn Royal HaskoningDHV và các đơn vị khác thực hiện chỉ ra rằng, trong vòng 5 năm tới, hệ thống LLL có thể trung chuyển 5 triệu container, đóng góp 1,5 tỷ USD vào ngân sách của Lào, so với 2,3 tỷ USD số thu ngân sách Lào năm 2021. Nghiên cứu này cũng cho thấy, khối lượng hàng xuất từ cảng Vũng Áng từ mức 2,9 triệu tấn năm 2014, dự kiến sẽ tăng lên 20,2 triệu tấn vào năm 2030. Để nắm bắt tiềm năng tăng trưởng, các nhà đầu tư Lào hợp tác với Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào có kế hoạch đầu tư tới 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị tại các bến số 1, số 2 và xây dựng bến số 3 tại Cảng Vũng Áng.

Nằm cách 145 km từ biên giới Napao (tỉnh Khammuan, Lào) – Cha Lo (tỉnh Quảng Bình, Việt Nam), cảng Vũng Áng có vị trí thuận lợi như một cửa ngõ nối miền Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan với khu vực Đông Bắc Á và Thái Bình Dương; nhất là khi tuyến đường sắt nối giữa thủ đô Vientiane đi qua tỉnh Khammuan đến cảng Vũng Áng với tổng chi phí dự kiến khoảng 5 tỷ USD có thể sẽ được bắt đầu vào tháng 11 năm nay.

Ông Chanthone cho biết, nghiên cứu khả thi về tuyến đường sắt dài 554km đã hoàn tất phần phía bên Lào và đã được chuyển cho Bộ Công chính và Vận tải Lào phê duyệt. Phía Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành nghiên cứu khả thi vào tháng 6/2022, sau đó trình Quốc hội Việt Nam thảo luận và phê duyệt. Giai đoạn 1 của tuyến đường sắt bắt đầu từ huyện Mahaxay, tỉnh Khammuan tới cảng Vũng Áng, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11/2022 và kéo dài khoảng 2,5 năm. (Vientiane Times, 10/3 và 17/3/2022)

Bộ Nông Lâm và Unitel tăng cường hợp tác nghiên cứu số hóa ngành thủy lợi

Ngày 07/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ Nông Lâm và Công ty TNHH Truyền thông Ngôi sao (Unitel) vừa mở rộng nội dung hợp tác trong nghiên cứu khả thi chuyển đổi số trong quản lý ngành thủy lợi, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 sau khi hai bên ký Bản ghi nhớ hợp tác lần đầu ngày 20/10/2020.

Được ký ngày 04/3/2022 tại thủ đô Vientiane giữa Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông Lâm Khamphachanh Vongsana và Phó Tổng Giám đốc Unitel Bounmy Malavong với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Phet Phomphiphak, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Vongkham Phommakon và Tổng Giám đốc Công ty Unitel Lưu Mạnh Hà cùng các lãnh đạo hai bên, Bản ghi nhớ này là cơ sở cho sự hợp tác của hai bên về việc nghiên cứu phát triển ứng dụng hệ thống số hóa trong công tác cung cấp nước tưới và các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến thủy lợi, nông nghiệp và nghề cá.

Các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên bao gồm phát triển các giải pháp và công nghệ cho hệ thống nền tảng về thủy lợi, nông nghiệp, chăn nuôi, nghề cá và phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng năng suất và giảm các rủi ro khô hạn – lũ lụt. Nghiên cứu cũng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước trong canh tác lúa, trồng trọt theo tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả; giảm số lượng lao động và chi phí sản xuất trong các ngành chăn nuôi, nghề cá.

Ba đơn vị được triển khai đầu tiên dự án là dự án thủy lợi Xanghuabo, huyện Pakngum, làng Oudomphon huyện Xaythani và Trung tâm Phát triển Kỹ thuật Nông nghiệp Houayxon-Houayxua huyện Naxaithong, thủ đô Vientiane.

HỢP TÁC LÀO - CÁC NƯỚC

Lào – Trung Quốc

Laopec - Nhà máy lọc dầu hiện đại đầu tiên tại Lào

Ngày 11/03/2022, Vientiane Times đưa tin, công ty TNHH Xăng dầu và Hóa chất Lào (Laopec) có trụ sở tại Đặc khu Phát triển Saysettha đã đầu tư 200 triệu USD xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Vientiane. Phó Tổng giám đốc Laopec Wang Deng Tao cho biết, giai đoạn sản xuất đầu tiên của nhà máy lọc dầu có công suất 3 triệu tấn/năm khai trương từ tháng 12/2020, tạo việc làm cho người dân địa phương và đóng góp nguồn thu cho Chính phủ. Hiện tại đội ngũ công nhân lao động được tuyển dụng cho nhà máy gần 300 người, trong đó có 160 lao động Lào. Ông Wang cũng cho biết, công ty đã đóng 60 tỷ Kíp tiền thuế cho Chính phủ. Do tình hình dịch bệnh, mặc dù đã đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, song năm 2021 nhà máy chỉ mới có thể vận hành 10% tổng công suất lọc dầu. Trong năm nay khi tình hình dịch Covid-19 giảm bớt, dự kiến nhà máy sẽ tăng công suất lọc dầu để cung cấp các sản phẩm dầu khí chất lượng cao cho thị trường trong nước.

Công ty dự định sẽ đầu tư tổng cộng 2 tỷ USD theo ba giai đoạn để xây dựng một nhà máy lọc dầu hiện đại, gồm các mảng tinh lọc dầu mỏ, tinh chế hóa chất, năng lượng sạch và sản xuất, lưu trữ, mua bán, vận chuyển một số sản phẩm hóa chất khác, đồng thời tham gia vào một số hoạt động kinh doanh liên quan. Mỗi giai đoạn khi hoàn thành sẽ tăng thêm công suất 1 triệu tấn dầu trong một năm cho nhà máy.

Nhà máy lọc dầu này sẽ giúp cho Lào có nguồn cung cấp xăng dầu ổn định với chất lượng tốt, giảm lượng nhập khẩu và giá xăng dầu cho tiêu thụ nội địa, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế.

Công ty TNHH Xăng dầu và Hóa chất Lào (Laopec) là liên doanh giữa Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam và Công ty Xăng dầu Quốc gia Lào, được thành lập theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, với mục tiêu tăng cường hợp tác năng lượng trong nước và thúc đẩy trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai quốc gia.

Trung Quốc – Lào ký thỏa thuận hợp tác năng lượng và xây dựng lại Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Lào

Ngày 11/3/2022, tại Vientiane, Bộ Công nghệ - Truyền thông Lào ký thỏa thuận thầu với Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc về việc xây dựng Trụ sở Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Lào với tổng giá trị khoảng 85,72 triệu Nhân dân tệ, tương đương 156,3 tỷ Kíp do Chính phủ Trung Quốc tài trợ.

Theo thỏa thuận đã được ký giữa Chính phủ hai nước vào ngày 22/4/2020, dự án đã được Viện Nghiên cứu và Kỹ thuật Điện tử Trung Quốc thực hiện nghiên cứu khả thi. Chính phủ Lào đã tổ chức đấu thầu công khai về việc thiết kế và xây dựng tòa nhà; Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc đã trúng thầu ngày 23/12/2021. Dự kiến tòa nhà sẽ được xây dựng trong 20 tháng, kết thúc vào tháng 3/2023 và bàn giao vào tháng 11/2023.

Trung Quốc cũng đang xúc tiến, đẩy mạnh hợp tác với các bộ ngành Lào về năng lượng điện để đánh giá các cơ sở điện, nước đã dừng hoạt động và hợp tác phát triển nguồn năng lượng xanh giữa hai quốcgia.

Ngày 9/3/2022, dưới sự chứng kiến của Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Công ty Mạng lưới điện Nam Trung Hoa (CSG) đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Điện lực Lào (EDL) về việc kết nối mạng lưới điện liên vùng Mekong – Lancang, trong nỗ lực xây dựng một hệ thống chia sẻ điện năng cho khu vực.

Đại sứ Trung Quốc tại Lào Jiang Zaidong cho biết, cả CSG và EDL đều đóng vai trò chính trong việc cung cấp điện tại hai quốc gia, hợp tác này sẽ đảm bảo về an ninh năng lượng và thúc đẩy thêm hợp tác song phương giữa hai nước.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng tại Đại học Tây An Lin Boqiang cho biết, mặc dù Lào có nguồn tài nguyên điện rất phong phú nhưng mạng lưới điện còn rất lạc hậu. Sự hợp tác này sẽ giúp Lào phát triển nguồn cung điện, nâng cao đời sống của nhân dân và tăng cường xuất khẩu điện. Tổng công suất thủy điện của Lào hiện nay đạt gần 10.000 MW và lượng điện cung cấp hàng năm trung bình đạt hơn 50 tỷ KWH, tuy nhiên năng lực truyền tải điện lại rất yếu kém, nhiều cơ sở điện và nước bị đóng cửa.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonekeo cho biết, Lào rất chú trọng phát triển năng lượng điện, Chính  phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác năng lượng với Trung Quốc để mang lại lợi ích cho hai bên và phát triển nguồn năng lượng xanh trong thời gian tới. (Vientiane Times, 14/3/2022).

Chính phủ Lào tìm thêm đầu tư từ Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Ngày 22/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Lào Phet Phomphiphak cho biết, Chính phủ Lào cam kết sẽ tìm thêm nguồn đầu tư về nông – lâm nghiệp từ Trung Quốc để tận dụng năng lực vận tải tuyến đường sắt Lào – Trung.

Năm 2021, hơn 300 doanh nghiệp Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm đối với 2 lĩnh vực nông – lâm nghiệp của Lào, với tổng giá trị đầu tư dự kiến đạt hơn 01 tỷ USD dựa trên năng lực vận tải hàng hóa qua tuyến đường sắt Lào – Trung.

Bộ trưởng Phet cho biết, Lào sẽ tiếp tục thương lượng với Trung Quốc để đảm bảo ngày càng nhiều nông sản của Lào như gạo, các loại rau quả và thịt gia súc có thể thâm nhập thị trường Trung Quốc, kỳ vọng có thể tăng 20% tổng giá trị xuất khẩu trong năm nay. Năm 2021, giá trị xuất khẩu nông sản của Lào đạt hơn 900 triệu USD với các sản phẩm chính như chuối, cao su, khoai mì, mía, dưa hấu, gia súc…, với Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất.

Mặc dù xuất khẩu hàng hóa bằng đường sắt được đánh giá là thuận lợi và nhanh chóng, tuy nhiên hiện nay rất ít nông sản được xuất theo đường này. Mỗi ngày, có đến 400-600 xe tải chở hàng đi Trung Quốc, và đa số bị mắc kẹt tại cửa khẩu. Theo ông Somxai Duangchaleun, Chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu Thương mại LS, chỉ có quặng sắt, sắn khô và bột sắn được chuyên chở bằng tàu hỏa. Mỗi chuyến tàu sẽ rời Vientiane vào buổi chiều đến Thành phố Côn Minh, Trung Quốc vào sáng hôm sau. Ông đề nghị, các loại nông sản khác như ngô ngọt, dưa hấu cũng nên được vận chuyển bằng tàu hỏa để không bị hư hại do mắc kẹt tại biên giới.

Các cơ quan liên quan cũng được yêu cầu phải tích cực tăng cường hợp tác để đảm bảo có thêm nhiều nông sản được vận chuyển bằng đường sắt nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại song phương giữa Lào và Trung Quốc.

Lào – Nhật Bản

Tổ chức JICA hỗ trợ Lào nâng cấp hệ thống cung cấp nước

Ngày 07/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang đẩy mạnh hệ thống cung cấp nước tại Lào thông qua dự án MaWaSU2, kéo dài 5 năm từ tháng 5/2018 đến tháng 12/2023. Đây là sáng kiến Dự án Hợp tác Kỹ thuật của JICA nhằm nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch trong khuôn khổ quản lý của Chính phủ và năng lực vận hành của các Doanh nghiệp cung cấp nước (WSSEs).

Dự án gồm 04 mục tiêu: (i) Bảo đảm tính minh mạch, nâng cao trách nhiệm và năng lực quản trị của các cơ quan cung cấp nước bằng việc nâng cao công tác quản trị dịch vụ cung cấp nước; (ii) Nâng cao năng lực trong việc lập kế hoạch, triển khai, quản lý và đánh giá việc cung cấp nước của các Doanh nghiệp cung cấp nước; (iii) Nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết cho việc cung cấp đủ nước và (iv) Nâng cao năng lực vận hành của các Doanh nghiệp cung cấp nước.

Thiết bị bơm hoá chất tự động do Tổ chức Hợp tác Tohkemy của Nhật sản xuất nhằm quản lý độ trong và độ pH của nước chưa xử lý cũng như làm sạch nước tự động, thêm chất chlorine để diệt khuẩn, được lắp đặt tại các trạm xử lý nước ở tỉnh Xiengkhuang, Savannakhet và tỉnh Saravan. Ngoài ra, JICA tài trợ 432.500 USD như một phần trong chiến dịch phòng chống Covid-19 cho dự án MaWaSU2 tại 03 tỉnh này tại giai đoạn 2 “Phát triển năng lực cho các WSSEs”.

Việc tiếp cận nước sạch là một nhu cầu cơ bản đảm bảo vệ sinh, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Doanh nghiệp cung cấp nước tại tỉnh Xiengkhuang, Savannakhet và Saravan dự kiến sẽ củng cố công tác quản lý chất lượng nguồn nước tại cuối đường ống nhằm bảo đảm nước sạch được cung cấp cho tất cả hộ gia đình trong khu vực.

Tổng Giám đốc Doanh nghiệp cung cấp nước tỉnh Xiengkhuang Phoukham Duoangchan cho biết “Nhận thức của chúng ta về quản lý chất lượng nước được nâng cao hơn qua việc sử dụng thiết bị bơm hoá chất tự động. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp nước sạch đến các khu vực công cộng bằng cách quản lý hiệu quả, hợp lý hoạt động của doanh nghiệp”.

Lào – Thái Lan

Lào và Thái Lan thống nhất sớm mở cửa lại biên giới

Ngày 24/2/2022, Laotian Times đưa tin, Lào và Thái Lan đã đồng ý mở lại các cửa khẩu và trạm kiểm soát biên giới càng sớm càng tốt. Quyết định được đưa ra sau khi Đại sứ Lào tại Thái Lan Seng Soukhathivong chào xã giao Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tướng Prayut Chan-o-cha nhân dịp Đại sứ Lào mới nhận nhiệm vụ. Thủ tướng Thái Lan hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh dự kiến diễn ra vào giữa năm nay và cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt để nâng tầm quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác chiến lược vì tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đại sứ Seng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thái Lan đã hỗ trợ Lào trong đợt lũ lụt năm 2019, cũng như cung cấp kịp thời vật tư y tế trong giai đoạn vừa qua để đối phó với đại dịch Covid-19. Hai bên thống nhất phải mở lại các trạm kiểm soát tại biên giới hai nước càng sớm càng tốt để nâng cao giá trị thương mại qua biên giới, thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Thủ tướng Thái Lan Prayut đề nghị phía Lào xem xét việc hợp lý hóa các thủ tục hải quan và điều chỉnh các khoản phí tại Cảng cạn Thanaleng và Công viên Logistics Vientiane, gần biên giới tỉnh Nong Khai, nhằm thu hút hơn nữa đầu tư của Thái Lan. Ông Prayut cũng đề nghị Chính phủ Lào xem xét phát triển tuyến đường R12 nối Lào, Thái Lan và Việt Nam, nhằm hỗ trợ các cộng đồng địa phương ở cả ba quốc gia.

Thái Lan sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào

Ngày 04/3/2022,  Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonekeo và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Lan Supattanapong Pummeechaow đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác năng lượng giữa hai nước. Theo đó, Thái Lan cam kết sẽ tăng mức mua điện từ 9.000MW lên 10.500MW để bảo đảm nguồn cung đầy đủ trong thời điểm nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng.

Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonekeo cho biết Biên bản ghi nhớ này là văn kiện mua bán năng lượng thứ 6 được ký kết trong năm nay và là cơ sở để Lào xuất khẩu điện sang Thái Lan trong những năm tới. Hiện tại, Thái Lan đang mua 9.000MW điện từ Lào hàng năm, trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ được Chính phủ hai nước ký kết vào năm 2016, đã hết hạn vào cuối năm ngoái. Thoả thuận mới nhất kéo dài sự hợp tác giữa Lào và Thái Lan, tập trung vào trao đổi năng lượng sạch, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường cũng như mở rộng cơ hội đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Trong tổng số 10.500MW năng lượng cung cấp cho Thái Lan năm nay, phần lớn được sản xuất từ thuỷ điện, số còn lại do nhà máy nhiệt điện than sản xuất.

Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Supattanapong Pummeechaow cho biết Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục khuyến khích các ngành chức năng Thái Lan thúc đẩy thương mại và đầu tư vào Lào, cả về chất lượng và số lượng, sao cho phù hợp với năng lực và tiềm năng của mỗi quốc gia. Hiện nay, Lào đã xuất khẩu điện tổng cộng 5.415,8MW sang Thái Lan theo 08 Dự án mua bán điện đã ký trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ trước đó và kỳ vọng xuất khẩu thêm 514MW vào giữa năm nay. Theo Biên bản ghi nhớ đã ký, Thái Lan nhất trí mua 5.421MW điện, 3.578MW trong số đó đến từ 05 thuỷ điện và 01 nhà máy nhiệt điện than; 1.843MW còn lại dự kiến sẽ được sản xuất từ đập Xe Pien Xe Namnoy (công suất 354MW), đập Xayaboury (1220MW) và đập Nam Ngiep (269MW)

Chính phủ Lào đã thiết lập lộ trình phát triển và hiện đại hóa công nghiệp, trong đó sản xuất điện là nền tảng cho phát triển kinh tế Lào bằng việc sử dụng tối đa nguồn tài nguyên của đất nước theo hướng thân thiện với môi trường. (Vientiane Times, ngày 07/3/2022)

Lào - Singapore

Chính phủ phê duyệt thỏa thuận tô nhượng khai thác khoáng sản

Ngày 09/3/2022, tại thủ đô Vientiane, được sự ủy quyền của Chính phủ Lào, Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Phát triển khai thác khoáng sản Lào (LMD) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Annamite Resources tại Lào (ARL) để đầu tư theo hình thức tô nhượng trong việc phát triển và khai thác khoáng sản. Thỏa thuận được ký kết giữa Giám đốc Điều hành công ty LMD, ông Bounyong Sidavong, và Giám đốc điều hành công ty ARL, ông Didier Fohlen trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Davong Phonekeo, cùng nhiều quan chức và đại diện của hai bên.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Bounyong Sidavong cho biết, việc hợp tác đã được hai bên cân nhắc kỹ và quyết định đầu tư vào lĩnh vực địa chất khoáng sản. Công ty LMD đang tìm kiếm các cơ hội nâng cao năng lực của mình nhằm hỗ trợ Bộ Năng lượng và Mỏ trong việc bảo tồn và phát triển tài nguyên của Lào. Sau khi được Chính phủ phê chuẩn, thỏa thuận sẽ được triển khai thực hiện trong việc thăm dò và khai thác quặng sắt.

Ông Fohlen cho biết, vào đầu tháng 3/2022 ARL đã được phê duyệt cho phép tiến hành nghiên cứu khả thi và khảo sát thực địa trên khu vực 50km2 tại khu Sokdee thuộc huyện Hinheup và Meuangfeuang tỉnh Vientiane. Hiện nay, nhóm khảo sát địa chất của ARL đã bắt đầu thực hiện một chương trình làm việc trong 3 tháng bao gồm lấy mẫu địa chất, lập bản đồ và khoan lõi sâu 100m. Đây là công việc nằm trong liên doanh với Công ty Lao Huyndae Black Stone. Việc khảo sát nằm trong thỏa thuận với công ty LMD sẽ sớm được tiến hành trong năm nay ngay khi có thể. Nếu việc khảo sát khu vực của LMD có kết quả tích cực, công ty Annamites sẽ đầu tư ít nhất 10 triệu USD trong vòng ba năm tới cho thỏa thuận này.

ARL là công ty của Singapore đã đặt trụ sở tại Vientiane từ năm 2019. Ngoài thỏa thuận với công ty LMD, ARL còn có hai liên doanh khai thác mỏ khác với công ty Lao Huyndae Black Stone tại huyện Sangthong và khu Sokdee thuộc huyện Hinheup và Meuangfeuang của tỉnh Vientiane. ARL hiện đang nắm giữ 70% cổ phần của công ty Lao Huyndae Black Stone. (Vientiane Times, 11/3/2022)

Lào – Úc

Úc hỗ trợ phát triển kết nối giao thông tại tiểu vùng sông Mekong

Ngày 01/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ Úc cam kết sẽ hỗ trợ kết nối giao thông tại khu vực tiểu vùng sông Mekong, đồng bộ với chính sách của Chính phủ Lào trong việc đưa Lào từ quốc gia lục địa trở thành trung tâm kết nối khu vực.

Trong cuộc gặp với các lãnh đạo Chính phủ Lào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm nhiệm Bộ Phụ nữ Úc Marise Payne cho biết, Úc sẽ tài trợ ít nhất 10 triệu đô la Úc thông qua chương trình Đối tác về sáng kiến cơ sở hạ tầng, để phát triển hệ thống kết nối giao thông giữa Lào – Thái Lan và Việt Nam. Nguồn tài chính này là một phần trong Sáng kiến tài trợ nhằm lồng ghép khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chất lượng nhằm giúp Lào tìm được những tiềm năng kinh tế của mình. Úc cũng sẽ hỗ trợ nâng cấp tuyến đường kết nối Đông Tây và dự án ưu tiên của khu vực Đông Nam Á – tuyến Quốc lộ số 2 tại Bắc Lào.

Giai đoạn gần đây, Lào tập trung nguồn lực để phát triển các dự án kết nối giao thông trong nước với các nước trong khu vực. Cầu Hữu nghị Lào Thái số 1 do Úc tài trợ xây dựng và hoàn thành năm 1994 đã trở thành một tuyến đường quốc tế quan trọng của Lào. Chính phủ dự định sẽ xây dựng thêm nhiều tuyến đường bộ, đường sắt và cao tốc dọc theo các hành lang kinh tế khu vực như Hành lang kinh tế Bắc – Nam và Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Theo Bộ trưởng Marisa Payne, Úc cam kết sẽ hợp tác với các nước Đông Nam Á để hỗ trợ khu vực này đối với các lĩnh vực cấp thiết nhất và hiện thực hóa cam kết bằng các khoản đầu tư đáng kể. Có thể kể đến như khoản viện trợ 623,3 triệu đô la Úc giúp khu vực Đông Nam Á tiếp cận nguồn vắc-xin; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và có chất lượng cao; các học bổng và khóa đào tạo cho người dân khu vực; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về thương mại và đầu tư; củng cố môi trường bền vững, chống biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nước sinh hoạt và giảm ô nhiễm các vùng biển. Ngoài ra, Úc cũng đầu tư 1 tỷ đô la Úc để hợp tác, hỗ trợ các nền kinh tế khu vực này phục hồi sau đại dịch, đảm bảo an ninh y tế và ổn định xã hội.

Hợp tác Lào – Hàn Quốc

Động thổ giai đoạn 2 Dự án quản lý tích hợp sông Mekong

Ngày 04/3/2022 tại thủ đô Vientiane, Liên doanh Dongbu-Kumho (Hàn Quốc) đã tổ chức lễ Khởi công Giai đoạn 2 Dự án quản lý tích hợp sông Mekong với sự tham dự của Đô trưởng Vientiane, tiến sĩ Atsaphangthong Siphandone; Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Vilaykham Phosalath; Đại sứ Hàn Quốc tại Lào Im Moo Hong; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tại Lào (EXIM Laos) Lee Dong Geon; đại diện tập đoàn Dongbu và các cơ quan liên quan.

Phát biểu tại buổi lễ, Đô trưởng Vientiane cho biết, giai đoạn 2 dự án này không chỉ giúp ngăn chặn tình trạng ngập lụt, bảo vệ con người, tài sản và đất đai khỏi tình trạng sụt lở mà còn giúp cho biên giới của đất nước không bị xói mòn.

Dự án giai đoạn 2 (được ký trong Bản ghi nhớ tháng 9/2021) được tiếp tục từ Km số 3, quận Sisattanak đến làng Haddokkeo, quận Hadxaifong nhằm bảo vệ thủ đô khỏi tình trạng ngập nước và lở đất, bao gồm các hạng mục xây dựng kè dọc sông Mekong dài 9,34km, gia cố phần đường bộ hiện tại, xây dựng một công viên bờ sông rộng 5,9 ha và xây mới một tuyến đường giao thông. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2025 và có tổng kinh phí khoảng 67,56 triệu USD, gồm một khoản vay ưu đãi trị giá 57,6 triệu USD từ Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc (EDCF) do Ngân hàng XNK Hàn Quốc quản lý và vốn đối ứng của Chính phủ Lào là 9,96 triệu USD. (Vientiane Times, 09/3/2022)

HỢP TÁC LÀO – CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ

Lào – UNDP

Chính phủ Lào và UNDP trên 03 lĩnh vực cốt lõi

Ngày 02/03/2022, Chính phủ Lào và Văn phòng UNDP tại Lào đã tổ chức Hội nghị phổ biến Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2022-2026, theo đó tập trung vào 03 lĩnh vực chính là: xây dựng xã hội văn minh, văn hóa, bao trùm; công tác quản lý quy định pháp luật và biến đổi khí hậu. Kế hoạch hợp tác giai đoạn mới này được xây dựng trong khuôn khổ kế hoạch hỗ trợ phát triển bền vững của Tổ chức UNSDCF sau đó triển khai thành Kế hoạch hợp tác của Chính phủ Lào với Tổ chức UNDP giai đoạn 2022-2026. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào Sathabandith Insixiengmaiy, Đại diện Tổ chức UNDP tại Lào cùng nhiều cơ quan chức năng khác.

Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2022-2026 đòi hỏi khả năng ứng phó với một loạt thách thức đối với sự phát triển khi công cuộc giảm nghèo vẫn chưa mang lại lợi ích rộng khắp; biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và tài sản của người dân; đối với vấn đề liên quan đến chính quyền, quy định và pháp luật cũng như các ưu tiên khác, Chính phủ sẽ tiếp tục trao đổi và triển khai để đạt được mục tiêu đề ra.

Giai đoạn 2017-2021, các mục tiêu trên vẫn chưa đạt 100% chỉ tiêu đề ra do những khó khăn của kinh tế thế giới, thiên tai và dịch bệnh. Song với sự quan tâm của các Bộ, ngành và sự đóng góp thúc đẩy tích cực của UNDP và các đối tác phát triển khác, một số mục tiêu đã đạt được kết quả đáng khích lệ. (Báo KT-XH, ngày 03/3/2022)

BẠN CẦN BIẾT

Các quy định mới  bảo vệ người lao động tại Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng

Ngày 25/2/2022, Laotian Times đưa tin, chính quyền tỉnh Bokeo đã ban hành các quy định mới để bảo vệ người lao động tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng.

Quy định do Trưởng Ban Quản lý Đặc khu kinh tế tỉnh Bokeo Thongkhoun Phonthongsy ngày 21/2/2022 sẽ bảo vệ quyền lợi người lao động địa phương và lao động nhập cư trong Đặc khu kinh tế (ĐKKT). Quy định nêu rõ rằng tất cả nhân viên trong ĐKKT Tam giác vàng, bao gồm cả lao động trong nước và nước ngoài, phải ký hợp đồng lao động trước khi bắt đầu làm việc bằng ngôn ngữ địa phương của họ, và hợp đồng này sẽ được sử dụng khi giải quyết các tranh chấp lao động trong ĐKKT. Tất cả các hợp đồng lao động đều phải có xác nhận của Ban Quản lý ĐKKT tỉnh Bokeo.

Người sử dụng lao động hoặc đơn vị lao động tìm cách trốn tránh việc sử dụng hợp đồng lao động, người ký hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc làm việc không có hợp đồng lao động sẽ bị trừng phạt theo quy định pháp luật hiện hành. Trong trường hợp có tranh chấp, người sử dụng lao động sẽ phải chịu mọi sự chế tài nếu người đó sử dụng lao động không có hợp đồng lao động chính thức.

Quy định mới cũng nêu rõ rằng người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng những lao động đã đăng ký chính thức và phải nộp tất cả các giấy tờ liên quan cho cơ quan chức năng để xác minh.

Ngành dệt may cần hơn 5.000 lao động

Ngày 01/3/2022, Vientiane Times đưa tin, đại diện Hiệp hội may mặc Lào cho biết ngành dệt may Lào cần hơn 5.000 lao động trong năm nay, bao gồm cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề.

Chủ tịch Hiệp hội may mặc Lào (ALGI) Xaybandith Rasphone cho biết, nhu cầu cao nhất là tại các Đặc khu kinh tế, trong khi các nhà máy ở Vientiane cũng bị thiếu hụt lao động. Công nhân cần việc làm có thể liên hệ với các phòng lao động – phúc lợi xã hội địa phương hoặc văn phòng ALGI tại Vientiane. Các đơn vị sử dụng lao động sẽ cung cấp chỗ ăn ở cho người lao động ngoại tỉnh và đảm bảo các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Hiện nay, theo thống kê có khoảng 63.000 người thất nghiệp tại Lào, trong đó có hàng nghìn lao động Lào trở về nước sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tất cả các doanh nghiệp may mặc của Lào đều bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu hàng hóa và số lượng đơn hàng bị cắt giảm mạnh từ các khách hàng lớn ở châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Canada. Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết, một chương trình tài trợ đã được thiết kế để hỗ trợ cả người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực kinh tế tư nhân để phục hồi hoạt động kinh doanh, giảm nhẹ sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và cung cấp những giúp đỡ trực tiếp cho công nhân ngành may mặc, đặc biệt là phụ nữ.

Đơn vị quản lý tuyến đường sắt Lào – Trung điều chỉnh quy trình mua vé tàu.

Ngày 01/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Công ty Đường sắt Lào–Trung chỉ cho phép mỗi hành khách đi tàu được mua 2 vé một lần, và phải trình Chứng minh Nhân dân và giấy chứng nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi mua vé tại quầy vé ở Trung tâm thương mại Vientiane Center. Biện pháp này nhằm ngăn chặn việc mua vé với số lượng lớn rồi bán lại với giá cao hơn, lợi dụng nhu cầu đi tàu đang ngày càng cao của người dân.

Công ty cho biết, việc mở điểm bán vé tại Trung tâm thương mại Vientiane Center sẽ tạo thuận lợi cho hành khách có thể mua vé 3 ngày trước khi khởi hành. Vé sẽ được bán từ 10g00-12g00 và 12g30-15g30 mỗi ngày cho đến khi hết vé. Hành khách chỉ thanh toán trực tuyến qua UnionPay, mã QR code của OnePay, UnionPay, Alipay và Wechat, chưa được thanh toán bằng tiền mặt. Giá vé tàu do nhà nước quy định, tuy nhiên công ty thu thêm mỗi vé 20.000 Kíp phí dịch vụ.

Đường mới mở tạo kết nối nhanh chóng với sân bay quốc tế Bokeo

Ngày 01/3/2022, Vientiane Times đưa tin, một tuyến đường rộng 8 làn xe nối giữa Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng và Sân bay Quốc tế Bokeo đang trong giai đoạn hoàn thành tại tỉnh Bokeo. Ban Quản lý Đặc khu Kinh tế Tam Giác vàng cho biết, tuyến đường được đặt tên là Tien Long, là trục kết nối chính giữa sân bay và trung tâm tỉnh và đang trong quá trình trải thảm nhựa.

Mỗi chiều đường gồm 4 làn, tổng chiều rộng là 18m, tâm đường rộng 2m và 2 làn nhỏ mỗi bên rộng 7,6m (tính cả lề đường). Khi hoàn thành và đi vào sử dụng, tuyến đường sẽ giúp việc đi tới Sân bay Quốc tế Bokeo dễ dàng hơn, đồng thời thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh sự phát triển của Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng.

Cùng với việc xây dựng đường giao thông, việc chuyển đổi sân bay Bokeo từ một sân bay nội địa nhỏ thành một sân bay quốc tế cũng đang trong quá trình hoàn tất. Nằm cách Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng khoảng 5km, tại đây các chuyến bay thử nghiệm đã được Lao Airlines và Lao Skyway tiến hành vào tháng 12/2021. Dự kiến sân bay sẽ chính thức được mở cửa và khai thác trong năm nay, đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng gia tăng trong khu vực.

Công ty TNHH Khoáng sản Lane Xang Mỏ Sepon hỗ trợ doanh nghiệp Lào

Ngày 01/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Khoáng sản Lane Xang Mỏ Sepon (LXML) Saman Aneka đã trao 80 triệu Kíp cho ông Daovone Phachanthavong, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào (LNCCI) vào tuần trước nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực và khuyến khích các doanh nghiệp Lào trong giai đoạn phục hồi từ tác động của đại dịch Covid-19. Đây là năm thứ 9 Công ty LXML đóng góp cho LNCCI để hỗ trợ cho các thành viên nâng cao năng lực kinh doanh tại Lào.

LXML Sepon là một doanh nghiệp lớn của Lào, đã và đang tiến hành khai thác mỏ vàng và đồng tại Savanakhet từ năm 2003. Trong hơn một thập niên vừa qua, Công ty đã đóng góp 1,6 tỷ USD từ doanh thu trực tiếp thông qua thuế và phí tài nguyên cho Chính phủ Lào. Ngoài ra, công ty cũng đóng góp hàng trăm triệu USD thông qua chi trả cho các nhà thầu địa phương và các chương trình phát triển cộng đồng, đào tạo và cung cấp việc làm cho người dân.

Cụ thể, hơn 40.000 người tại huyện Vilaboudy, tỉnh Savanakhet đã được hưởng lợi từ chương trình phát triển cộng đồng của LXML với tổng trị giá 13 triệu USD đầu tư, nâng cao thu nhập cho các nhóm cộng đồng thông qua các doanh nghiệp địa phương. Tổng thu nhập tạo ra theo ước tính đạt tới 36 triệu USD.

Vào đầu tháng 2, Công ty LXML đã tiến hành làm lễ động thổ để thực hiện thăm dò giai đoạn tiếp khu vực khai thác mỏ Sepon. Đây là dự án áp dụng các kỹ thuật khai thác mỏ tiên tiến, hiện đại và sẽ kéo dài thời gian khai thác của khu mỏ Sepon.

Trong vòng 10 năm qua, LXML luôn được Chính phủ Lào công nhận đạt mức điểm A+ và đã giành được nhiều giải thưởng cho những đóng góp của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Lào, trong đó có Giải thưởng Doanh nghiệp Hàng đầu của Lào năm 2021 và Doanh nghiệp ASEAN năm 2020 trong đối phó và phòng ngừa đại dịch Covid-19.

Phòng Thương mại – Công nghiệp Quốc gia Lào chú trọng phát triển thương hiệu sản phẩm quốc nội

tại các thị trường nước ngoài

Ngày 02/3/2022, Vientiane Times đưa tin, trong chiến lược 5 năm (2021-2025) của mình, Phòng Thương mại – Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) hi vọng sẽ tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm trong nước để thu hút khách hàng quốc tế tạo thêm ngân sách và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. LNCCI có kế hoạch cung cấp các tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm cho khách hàng trong nước và quốc tế.

Lào hiện có một số sản phẩm phổ biến trên thị trường quốc tế như cà phê, trà và nước giải khát, tuy nhiên doanh số các sản phẩm này còn thấp, chưa thể so sánh với sản phẩm tương tự của các nước láng giềng.

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội chợ “Made in Laos” gần đây, Chủ tịch LNCCI Oudet Souvannavong cho biết, xuất khẩu của Lào đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho đất nước những năm gần đây. Tuy nhiên, sản phẩm của Lào cũng gặp rất nhiều khó khăn khi ra thị trường nước ngoài do chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng như giá bán còn khá cao.

Một trong những kế hoạch chính của LNCCI để hỗ trợ sản phẩm trong nước là ưu tiên phát triển cả về số lượng, chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu người mua, đồng thời góp phần giảm dần nhập khẩu các chủng loại hàng hóa nước ngoài.

Nữ doanh nhân Vientiane góp phần phục hồi kinh tế thông qua tổ chức lễ hội Các-na-van

Ngày 03/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Hội Phụ nữ thủ đô Vientiane có kế hoạch tổ chức lễ hội Các-na-van đầu tiên của mình nhằm đóng góp cho việc phục hồi kinh tế và tháo gỡ các khó khăn tài chính do đại dịch Covid-19 gây ra.

Phát biểu tại buổi họp báo về sự kiện này, Phó chủ tịch Hội phụ nữ Vientiane Lienkham Vilaphanh cho biết Hội sẽ hợp tác cùng các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo ở Vientiane tổ chức một Lễ hội nhằm ủng hộ và khuyến khích các nữ doanh nhân giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa về dệt và ẩm thực. Sự kiện này sẽ giúp cho các doanh nghiệp nói chung và các nữ doanh nhân nói riêng trưng bày và bán các sản phẩm của mình. Bà cho biết hội chợ nhằm khuyến khích và tôn vinh các kỹ năng  của phụ nữ và và chào đón, thu hút khách nước ngoài đến thăm Lào theo chương trình dự án Du lịch vùng Xanh.

Lễ hội dự kiến diễn ra trong 5 ngày, được tổ chức dọc theo bờ sông Mekong, thu hút khoảng 30.000 du khách tham quan và có thể tạo doanh số từ 2 đến 3 tỷ Kíp với tổng số 172 gian hàng (bao gồm 25 gian hàng đồ dệt thủ công mỹ nghệ, 10 gian hàng hoa quả tươi, 105 gian hàng ẩm thực và các gian hàng khác). Bà Lienkham cho biết đây là Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức và dự kiến sẽ tiếp tục vào các năm tiếp theo; hi vọng ngày càng  có thêm nhiều nữ doanh nhân/phụ nữ muốn trưng bày, giới thiệu sản phẩm của mình và số lượng khách tham gia sẽ nhiều hơn.

Giám đốc Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch Vilayvone Chanthalay cũng cho rằng lễ hội sẽ góp phần tích cực trong việc thực thi chương trình nghị sự của cả nước nhằm giải quyết những khó khăn hiện nay về kinh tế và tài chính. Đây sẽ là sự kiện song hành cùng các chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp đã và đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong vòng 2 năm vừa qua có thể phục hồi và vượt qua những thách thức về kinh tế.

Lễ hội được tổ chức nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ lần thứ 112 và là dịp để truyền bá những thông tin, thông điệp về quyền bảo vệ phụ nữ và trẻ em, cũng như tổ chức các hoạt động thể thao tuyên truyền nâng cao sức khỏe và vệ sinh.

Việc nâng cấp Quốc lộ 13 đoạn phía Bắc đã hoàn thành 50%

Ngày 03/3/2022, Vientiane Times đưa tin, việc nâng cấp phía Bắc Quốc lộ 13 đoạn từ bản Kikeuth, quận Naxaithong, thủ đô Vientiane và huyện Phonhong, tỉnh Vientiane hiện đã hoàn thành hơn 50%.

Thứ trưởng Bộ Công chính và Vận tải Lan Seng-Aphone đã cập nhật tiến độ dự án trong phiên họp tổng kết công tác phát triển đường giao thông trong 3 năm qua. Ông cho biết hiện việc nâng cấp tuyến Quốc lộ 13 đoạn phía Bắc đã hoàn thành 54,64%, gồm các hạng mục nâng cấp mặt đường và lắp đặt hệ thống thoát nước dọc theo hai bên. Tuyến đường hiện đang được sửa chữa có chiều dài 58km và mặt đường sẽ sử dụng vật liệu bê tông cốt thép. Đoạn thứ nhất có chiều rộng mặt đường là 23m với lề đường rộng 1,5m và đoạn thứ hai chiều rộng mặt đường sẽ từ 13-16m.

Dự án nâng cấp này được triển khai từ năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023 với nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Nordic, Quỹ Hạ tầng ASEAN và Quỹ giao thông của Chính phủ Lào. Sau khi hoàn thành nâng cấp, công tác duy tu bảo dưỡng sẽ tiếp tục thực hiện trong vòng 7 năm tiếp theo.

Quốc lộ 13 là tuyến đường giao thông huyết mạch của Lào kết nối với các quốc gia láng giềng. Nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ hiện đang được tiến hành sửa chữa do mặt đường đi lại đã trở nên khó khăn sau khi phải hứng chịu những thiệt hại từ nước lũ trong các mùa mưa liên tiếp và sự gia tăng số lượng các xe tải hạng nặng lưu thông hàng ngày. Đây là tuyến quốc lộ quan trọng hàng đầu của Lào kết nối với Trung Quốc ở phía Bắc và Campuchia ở phía Nam, có tổng chiều dài lên tới 1.500 km. Đây cũng là tuyến đường quan trọng kết nối với Thái Lan và Việt Nam trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa.

Chính phủ Lào giao Bộ Nông Lâm phụ trách công nghiệp chế biến gỗ

và một số ngành công nghiệp phụ trợ khác

Ngày 04/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Chính phủ giao Bộ Nông Lâm phụ trách ngành công nghiệp chế biến gỗ như một ngành tổng hợp của ngành nông và lâm nghiệp thay vì Bộ Công Thương như hiện nay. Bộ Nông Lâm sẽ chịu trách nhiệm điều tiết, thúc đẩy và phát triển các nhà máy chế biến nông sản, gỗ và các sản phẩm gỗ rừng trồng. Cụ thể gồm: xay xát gạo, giết mổ gia súc, chế biến bột sắn, mía đường, thức ăn gia súc, vắc-xin, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc và trang thiết bị thú y trong lĩnh vực nông nghiệp; nhà máy chế biến gỗ, nhà máy cưa, bào, các xưởng nội thất, các nhà máy chế biến sản phẩm không phải gỗ từ rừng, sản xuất cao su, nhà máy phân bón hữu cơ, nhà máy phân loại và đóng gói hạt giống nông nghiệp, nhà máy sản xuất máy móc, trang thiết bị nông nghiệp. Các Cục chuyên môn được giao phụ trách các lĩnh vực trên bao gồm: Cục Nông nghiệp, Cục Chăn nuôi và nghề cá, Cục Lâm nghiệp, Cục Quản lý và Phát triển Nông nghiệp, Cục Xúc tiến hợp tác Nông nghiệp.

Số lượng công nhân tại Đặc khu Phát triển Kinh tế Saysetha sẽ tăng vọt trong năm tới

Ngày 08/3/2022, Vientiane Times đưa tin, Công ty Liên doanh Đầu tư Lào-Trung, đơn vị phát triển, đầu tư và điều hành Đặc khu Phát triển Kinh tế Saysetha, đang có kế hoạch tiếp tục xây dựng, mở rộng các công trình hạ tầng trong khu vực và cho biết dự kiến số lượng công nhân làm việc trong các nhà máy và doanh nghiệp trong Đặc khu sẽ tăng lên tới 12.000 người trong năm tới.

Phó Tổng giám đốc Công ty Lào Trung Khiengkham Phoutchanthavongsa cho biết hiện đang có khoảng 5.000 người làm việc cho các công ty và nhà máy tại Đặc khu. Trong số 107 doanh nghiệp của Trung Quốc, Lào, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia đăng ký, đã có 51 doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động. Một nhà máy thuộc Tập đoàn Best Garment của Trung Quốc đặt tại Đặc khu đang tuyển dụng khoảng 2.000 công nhân.

Ông Khiengkham cũng cho biết, tuy năm 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát song Đặc khu vẫn thu hút thêm được 20 doanh nghiệp đầu tư mới. Dự kiến trong năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động và sẽ tạo thêm nhiều việc làm. Để chuẩn bị cho sự gia tăng số lượng các nhà đầu tư và nhân công lao động, gia tăng về nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp trong khu vực, Công ty Liên doanh Lào-Trung sẽ cho xây thêm nhiều nhà xưởng đạt tiêu chuẩn. Dự án xây dựng các khu nhà ở cho công nhân cũng đang chuẩn bị được đưa vào thực hiện, là nơi các doanh nghiệp có thể tổ chức đời sống một cách an toàn cho công nhân của mình, chủ động giám sát, đảm bảo sản xuất, kinh doanh an toàn, không bị gián đoạn trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Đặc khu Phát triển Kinh tế Saysettha là dự án hợp tác cấp nhà nước do chính quyền thủ đô Vientiane và Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc) ký kết thỏa thuận thành lập vào năm 2010. Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ chủ yếu tập trung xây dựng các khu vực hạ tầng sử dụng làm nhà máy, công xưởng trên diện tích 4km2. Giai đoạn 2 sẽ tập trung phát triển các doanh nghiệp logistics, thương mại, buôn bán, du lịch và doanh nghiệp bất động sản. Giai đoạn 3 hướng tới việc xây dựng Thành phố mới Vientiane. Cho tới thời điểm hiện tại, tổng đầu tư cho xây dựng hạ tầng và các công trình phụ trợ của dự án đã đạt trên 600 triệu USD.

Nằm cách 14 km về phía đông bắc của thủ đô Vientiane, Đặc khu Phát triển Kinh tế Saysetha có vị trí rất thuận lợi, là trung tâm của Thành phố mới Vientiane, phía Bắc tiếp giáp Quốc lộ 13, phía Nam tiếp giáp Đại lộ 450 và cách cầu Hữu nghị Lào-Thái 14km và sân bay Quốc tế Wattay 19 km.

Liên ngành 3 bên chuẩn bị đệ trình Chính phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu

Ngày 04/3/2022 tại thủ đô Vientiane, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Lào và Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào ( LNCCI) tổ chức Hội nghị liên ngành 3 bên nhằm thảo luận về việc nâng lương tối thiểu. Đây là hội nghị tiếp sau Hội nghị 3 bên về việc làm - lao động lần thứ 19, được tổ chức dưới sự chủ trì của bà Baykham Khatthiya, Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội, bà Aly Vongnobountham, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Lào và bà Vanthong Sitthikoun, Phó Chủ tịch LNCCI.

Bộ trưởng Baykham nhận định, trong 3 năm qua dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các đơn vị sản xuất, kinh tế, dịch vụ, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động vô thời hạn hoặc đóng cửa, khiến số lượng lớn người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp ở Lào tăng từ 9,7% lên tới 21,8% trong năm 2021. Đảng và Chính phủ Lào luôn quan tâm, coi trọng vấn đề lao động - việc làm, trong đó giao cho 3 cơ quan nêu trên căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình đề xuất các biện pháp đổi mới toàn diện, tập trung vào xây dựng và phát triển tay nghề lao động phù hợp với nhu cầu của thị trường, thúc đẩy lao động chất lượng cao, quản lý bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động lẫn người sử dụng lao động theo luật định… hướng đến mục tiêu phát triển bền vững theo 8 công ước quốc tế về lao động.

Bộ trưởng Baykham cũng cho biết, Hội nghị lần này đã thảo luận và thống nhất 12 nội dung chính, trong đó nổi bật là tiếp tục ưu tiên điều chỉnh nâng lương tối thiểu cho người lao động tại các doanh nghiệp. Thời gian dự kiến điều chỉnh ban đầu là ngày 01/5/2022, song căn cứ theo điều kiện và khả năng thực tế, LNCCI đề xuất thời gian điều chỉnh là ngày 01/5/2023. Chính phủ Lào sẽ tiếp tục cân nhắc, xem xét trước khi có thông báo chính thức. (Báo KT-XH, ngày 09/03/2022)

 

Chính phủ giao cho Công ty Bualapha 60.000 ha đất

     Ngày 09/3/2022, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra lễ ký hợp đồng giao đất với diện tích 60.000 ha giữa Chính phủ Lào và Công ty trách nhiệm hữu hạn nông - lâm Bualapha, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Khamchen Vongphosy và Tỉnh trưởng tỉnh Vientiane Khamphan Sitthidapha.

Bà Suphayvan Thiengchanxay, Phó Giám đốc công ty Bualapha cho biết, công ty đã được Chính phủ Lào giao 60.000 ha đất để sử dụng trồng cây công nghiệp phục vụ sản xuất của công ty, qua đó tiếp tục thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ đối với hoạt động của công ty trong suốt hơn 30 năm qua, đồng thời mong muốn lãnh đạo các cấp sẽ quan tâm, ủng hộ hơn nữa cho quá trình phát triển của công ty.

Trong 02 giai đoạn đầu, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gỗ khô và tập trung phát triển diện tích trồng cây với số vốn khoảng 26 triệu USD nhằm bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu đầy đủ. Về phía nhà máy gỗ dán đã được đầu tư 20 triệu USD và hoàn thành xây dựng vào giữa năm 2021, bước vào thử nghiệm sản xuất khoảng 60% công suất vào tháng 6/2021; hiện đã xuất khẩu sang các nước Australia, Ấn Độ, Thái Lan và kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới. Ngoài ra, mỗi năm công ty dự kiến cần khoảng 1.500 - 2.5000 công nhân mỗi năm, khai thác 130.000 - 185.000 m3 gỗ nguyên liệu, mục tiêu sản lượng 55.000 m3 gỗ thành phẩm và doanh thu 24 - 30 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước từ 04 - 06 triệu USD. Trong giai đoạn 03, mục tiêu của công ty là xây dựng nhà máy gỗ công nghiệp phủ màng hiện đại, phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp và hóa học khác nhau, kết hợp mở rộng diện tích trồng cây lên 60.000 ha và số vốn khoảng 01 tỷ Kíp; theo đó công ty sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường đầu ra nhằm bảo đảm thực hiện được các mục tiêu, kế hoạch đã nêu. (Báo KT-XH, ngày 02/03/2022)

Hàng hóa Lào xuất khẩu sang Cô-oét phải được Đại sứ quán Cô-oét tại Lào chứng nhận

Ngày 10/3/2022, Đại sứ quán Cô-oét tại Lào thông báo tất cả hàng hóa xuất khẩu sang Cô-oét phải được chứng nhận bởi Đại sứ quán Cô-oét tại Lào, bất kể vận chuyển theo phương thức nào: hàng không, đường sắt qua Trung Quốc hoặc đường bộ qua cửa khẩu, bao gồm cảng hàng không quốc tế Lào, các cửa khẩu Lào-Trung, Lào-Việt, Lào-Campuchia, Lào-Thái và Lào-Myanmar. Thông báo được đưa lên trang web của Bộ Công Thương Lào và đã thông tin đến các nhà xuất khẩu.

Theo Cơ sở dữ liệu thống kê hàng hóa của Liên hiệp quốc (UN Comtrade), thương mại giữa Lào và Cô-oét còn hạn chế với giá trị kim ngạch năm 2020 chỉ 3,52 triệu USD. Hầu hết các hàng hóa Lào xuất sang Cô-oét là gỗ, sản phẩm từ gỗ và than củi.

Thị trường xuất khẩu chính của Lào là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Úc và Nhật Bản. Thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, Việt Nam, Thụy Sỹ và Mỹ. Lào đã ký nhiều Hiệp định song phương với Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Bắc Triều Tiên, Mông Cổ, Malaysia, Nga, Ấn Độ, Belarus, Ác-hen-ti-na, Cô-oét và Thổ Nhĩ Kỳ. (Vientiane Times, 09/3/2022)

Dự án phát triển quy mô lớn đang được triển khai tại Siphandone

Ngày 11/03/2022, Vientiane Times đưa tin, từ giữa năm 2018, tại huyện Khong, một huyện đảo nằm trên sông Mekong thuộc tỉnh Champassak, phía nam của Lào, bắt đầu triển khai một đại dự án phát triển do Công ty TNHH Phát triển chung Sithandone (STD) thực hiện. Đây là dự án Đặc khu kinh tế phát triển Siphandone, “Siphandone mới” hay còn được biết đến với tên Đặc khu kinh tế Khone Phapheng - theo tên dòng thác lớn nhất Đông Nam Á - một khu vực phát triển phức hợp dưới dạng một tổ hợp các khu kinh tế du lịch.

Huyện Khong là một huyện đảo thuộc khu vực Siphandone, theo tiếng Lào là “Bốn nghìn đảo”, một quần đảo du lịch nổi tiếng nằm trên dòng sông Mekong gần biên giới giữa Lào và Campuchia, cách thành phố Pakse, thủ phủ của tỉnh Champassak khoảng 140km.

Dự án phát triển Siphandone là liên doanh đầu tư lớn nhất trên toàn tỉnh Champassak, thậm chí là lớn nhất trên toàn Lào. Toàn bộ đặc khu nằm trên diện tích 9.846 ha và sẽ có sân bay riêng. Giai đoạn 1 của dự án bắt đầu từ 2018 đến 2025 trên diện tích 521,8 ha bao gồm sáu khu vực: khu A gồm các khách sạn hạng sang với nhà hàng, trung tâm hội nghị, trung tâm thể hình, spa và bể bơi; khu B là khu nhà ở với hồ nước lớn và các tiện ích cao cấp; khu C sẽ bao gồm một sân golf và khu biệt thự; khu D là khu thương mại với các cửa hiệu và nhà văn phòng nằm hai bên trục đường chạy dọc theo khu khách sạn và sòng bạc, đây sẽ khu vực có thiết kế xen lẫn giữa kiến trúc truyền thống của Lào và kiến trúc kiểu Pháp; khu E sẽ là Tổ hợp giải trí 520 Entertainment World bao gồm các khách sạn 5 sao, các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng, các khu giải trí, khu trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ; khu F sẽ là một trường đua ngựa quốc tế.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong giai đoạn 1 nhưng đã không làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Năm 2019, Công ty STD đã khởi công xây dựng tuyến đường bê tông dài 43,5km vòng quanh hòn đảo và hoàn thành, bàn giao cho Chính phủ đưa vào sử dụng vào tháng 3 năm 2021. Tháng 2 năm 2021, công trình kè chống xói lở bờ sông và con đường phụ cận đã được bắt đầu và cho tới nay, 1,2km kè và 200m đã được hoàn tất. Một nhà máy cấp nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện tại một khách sạn lớn đã được xây dựng gần thác Phone Phapheng, thác nước lớn nhất tại Đông Nam Á, trên khu vực biên giới giữa tỉnh Champassak của Lào và tỉnh Stung Treng của Campuchia và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2022.

Nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra và thích ứng với tình hình mới, công ty STD đã đưa ra kế hoạch xây dựng một khu kinh tế số tại khu vực Nongnokkhien, phía nam của Đặc khu với trọng tâm tập trung cho công nghệ IT, blockchain, thương mại điện tử, một trung tâm dữ liệu số và đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và Trung Quốc. Hiện kế hoạch của dự án này đã được trình lên Chính phủ để phê duyệt. Công ty STD cho biết, mục tiêu chính của Công ty là sẽ biến khu vực Siphandone và thác nước Khone Phapheng thành một điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà máy lọc hóa dầu Yod Ngeum Power sắp đi vào hoạt động

Ngày 12/3/2022, tại buổi làm việc với ông Khampheng Xaysompheng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào, ông Ouphan Taiylitthi, Phó Giám đốc Nhà máy TNHH lọc hóa dầu Yod Ngeum Power cho biết, đây là nhà máy sản xuất - lọc dầu diesel và nhập khẩu xăng dầu để phân phối trong tỉnh, các tỉnh lân cận và xuất khẩu thông qua Doanh nghiệp xăng dầu quốc doanh Lào, được thành lập vào tháng 9/2021 tại Phakkad, huyện Paek, tỉnh Xiengkhuang, với số vốn hơn 9 tỷ Kíp, đến nay đã hoàn thành xây dựng và sắp đi vào hoạt động. Trữ lượng của nhà máy hiện đạt mức 2,4 triệu lít và công suất chế biến có thể lên đến 100 triệu lít/năm, trong đó sản phẩm dầu có thành phần là Diesel thành phẩm 60%, dầu Dei light bán thành phẩm 39% và 1% hoá chất có nguồn gốc từ Việt Nam và Thái Lan.

Bộ trưởng Khampheng Xaysompheng đã chúc mừng và biểu dương việc Nhà máy hoàn thành xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động, tin rằng hoạt động của nhà máy sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Lào, giúp tăng thu ngân sách trong nước, hạn chế thất thoát ngoại tệ ra bên ngoài; đồng thời đề nghị nhà máy tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kỹ thuật, bảo đảm an toàn trong vận hành, thường xuyên kiểm tra và khẩn trương hoàn tất các hồ sơ, thủ tục còn tồn đọng thông qua liên hệ, làm việc với các chính quyền địa phương để sớm triển khai dự án đạt hiệu quả cao. (Báo KT-XH, ngày 15/3/2022)

LNCCI ký bản ghi nhớ hợp tác với các công ty chứng khoán

Ngày 19/3/2022, tại thủ đô Vientiane, Phòng Thương mại – Công nghiệp Quốc gia Lào (LNCCI) đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với bốn công ty chứng khoán Lào (công ty Chứng khoán Lanexang, công ty TNHH Chứng khoán BCEL-KT, công ty TNHH Chứng khoán Lào Trung và công ty TNHH Chứng khoán APM (Lao)) nhằm thúc đẩy ngày càng nhiều công ty thành viên tham gia thị trường chứng khoán Lào (LSX).

Ông Daovone Phachanthavong, Phó Chủ tịch LNCCI cho biết, Bản ghi nhớ hợp tác là một bước quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa LNCCI và các doanh nghiệp chứng khoán nhằm phổ biến thông tin và kiến thức về thị trường vốn cũng như các hoạt động quan trọng liên quan đến việc trao đổi chứng khoán. Đại diện công ty Chứng khoán Lanexang cũng hi vọng ngày càng nhiều công ty thuộc LNCCI, nhất là các công ty vừa và nhỏ tham gia vào LSX. Hiện nay, mới chỉ có 11 doanh nghiệp Lào niêm yết trên LSX. (Vientiane Times, 22/3/2022)

 

BẢN TIN KINH TẾ-ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI LÀO

Chủ biên: Trần Thanh Hải

Ban biên tập: Vương T.Xuân Thủy, Lê T.Phương Hoa, Đàm Đức Cường, Hà Bảo Trâm

BTKT-Tháng-3.2022.-Final.docx

Từ khóa » Các đặc Khu Kinh Tế Của Trung Quốc Tại Lào