Bánh Chưng - Biểu Tượng Truyền Thống ẩm Thực Ngày Tết Việt Nam

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Đó là đôi câu đối thân quen khi nói về những nét đặc trưng nhất trong ngày Tết nguyên đán của người Việt từ bao đời nay. Trong đó, chiếc bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống mỗi dịp Tết của cả dân tộc và được bạn bè khắp năm châu biết đến.

  1. Ý nghĩa bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền của người Việt
  2. Nguồn gốc ra đời của bánh chưng
  3. Nguyên liệu làm bánh chưng ngon ngày Tết
  4. Cách làm bánh chưng đơn giản nhất
    1. Chuẩn bị và sơ chế
    2. Gói bánh
    3. Luộc bánh
    4. Thành Phẩm
Với người dân Việt Nam, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong nhà mà không có bánh chưng hẳn như sẽ thiếu đi cả cái không khí Tết. Cứ vào những ngày giáp Tết, các gia đình Việt lại có phong tục gói bánh chưng như duy trì một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời. Ngoài ra, người Việt cũng gói bánh chưng trong ngày giỗ tổ Hùng Vương hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch.

bánh chưng

Bánh chưng – biểu tượng của ẩm thực truyền thống dịp Tết của người Việt

Ý nghĩa bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền của người Việt

Theo quan niệm từ thời xa xưa, chiếc bánh chưng của người Việt có hình vuông, tượng trưng cho đất. Bánh chưng được làm từ gạo nếp trắng ngần với phần nhân có đậu xanh, thịt mỡ, hành, tiêu…  Tất cả được bọc trong lớp lá dong xanh mướt và được buộc chặt bằng những sợi lạt mềm dẻo với tạo hình vuông vức, đẹp mắt.

Người Việt Nam từ xa xưa đã sống trong nền văn hóa lúa nước, phải phụ thuộc thiên nhiên rất nhiều. Vì thế, chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Không chỉ thế, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên bàn thờ cúng để thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên cùng những người đã khuất. Bánh chưng cũng là món quà biếu Tết ý nghĩa mà người Việt thường dùng để đi biếu người quen, họ hàng hoặc được bày cùng các vật dụng khác trên mâm ngũ quả ngày Tết để thể hiện cho sự tương sinh tương khắc trong ngũ hành.

Thấy bánh chưng là thấy Tết! Vậy nên người Việt dù ở đâu, làm gì, vẫn luôn mong ngóng được trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau học cách làm bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sục, nóng hổi trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang ùa về. Cùng kể nhau nghe những câu chuyện xưa cũ rồi hít hà mùi hương thơm lừng hòa quyện từ lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng – hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.

ý nghĩa bánh chưng trong ngày tết

Thấy bánh chưng là thấy Tết! Ảnh: Internet

Quản trị NHKS Tìm hiểu ngay Kỹ thuật chế biến món ăn Tìm hiểu ngay Kỹ thuật pha chế đồ uống Tìm hiểu ngay Kỹ thuật làm bánh Tìm hiểu ngay Hướng dẫn du lịch Tìm hiểu ngay Marketing Tìm hiểu ngay Tạo Mẫu Và Chăm Sóc Sắc Đẹp Tìm hiểu ngay

Nguồn gốc ra đời của bánh chưng

Trong tâm thức của người Việt và được sử sách truyền lại cho con cháu đời sau, bánh chưng ra đời bắt nguồn từ truyền thuyết Lang Liêu và gắn với sự tích “Bánh chưng bánh dày”.

Tương truyền vào đời vua Hùng thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân, đất nước thái bình nên vua muốn truyền ngôi cho con bèn bảo rằng: “Ai đem lễ vật hợp với ý của ta đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.

Trong khi các hoàng tử khác đua nhau đi tìm của ngon, vật lạ thì chỉ có Lang Liêu vì mẹ mất sớm, gia cảnh khó khăn nên lo lắng không biết chuẩn bị gì. Sau một đêm nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi sống con người và có thể ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời và lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý”.

Lang Liêu tỉnh dậy và thực hiện đúng như những lời được chỉ bảo trong giấc mơ. Chàng lựa những hạt nếp trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem luộc chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày. Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại để mang lễ vật đến cúng Tổ tiên. Giữa rất nhiều sơn hào hải vị, Vua Hùng chỉ hài lòng duy nhất với món bánh chưng và bánh dày của Lang Liêu và truyền ngôi cho chàng. Từ đó về sau, hàng năm cứ mỗi dịp giỗ Tổ Vua Hùng và vài dịp Tết, người dân lại làm bánh chưng bánh dày để tưởng nhớ công ơn vua Hùng và bày tỏ lòng thành với Tổ tiên.

hình ảnh nguồn gốc của bánh chưng

Bánh chưng có nguồn gốc từ sự tích Lang Liêu. Ảnh: Internet

Nguyên liệu làm bánh chưng ngon ngày Tết

  • 1kg Gạo nếp cái hoa vàng
  • 400g Đậu xanh
  • 400g Thịt ba chỉ
  • Muối, hạt nêm, tiêu
  • Lá dong, lá chuối
  • 1 bó lạt tre hoặc lạt giang

Cách làm bánh chưng đơn giản nhất

Để làm bánh chưng ngon đòi hỏi bạn cần phải kiên nhẫn và một chút khéo tay. Ngay từ bây giờ, mời bạn cùng với học làm bánh CET thực hiện cách làm bánh chưng này để có nấu một nồi bánh chưng thơm ngon cho cả nhà nhân ngày Lễ lớn sắp tới nha!

Chuẩn bị và sơ chế

  • Đầu tiên, đem gạo nếp cái hoa vàng vo, đãi sạch rồi cho vào nồi nước, pha thêm khoảng 4g muối rồi đảo đều và để ngâm trong khoảng 8 tiếng, ngâm xong thì vớt ra để ráo.

ngâm gạo nếp cái hoa vàng

Ngâm gạo nếp cái hoa vàng trong khoảng 8 tiếng

  • Đậu xanh giã nhuyễn, đem ngâm nước khoảng 4 tiếng cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Thêm vào 4g muối và trộn đều.
  • Rửa từng lá dong cho thật sạch hai mặt và lau thật khô, dùng dao lóc bỏ bớt cuống dọc sống lưng lá để lá bớt cứng.
  • Lạt tre (lạt giang) đem ngâm nước khoảng 8 giờ, sau đó xé sợi mỏng khoảng 0,5 cm.
  • Thịt ba chỉ đem rửa sạch, để ráo. Sau đó cắt thịt thành từng miếng khoảng 4cm, sau đó ướp với 4g hạt nêm, 1g tiêu để trong khoảng 30 phút cho ngấm đều.

ướp thịt ba chỉ

Ướp thịt ba chỉ cho thấm đều gia vị

Gói bánh

  • Xếp lạt thành hình chữ nhật rồi đặt khuôn lên trên. Xếp lá dong đã gấp vuông vức thành các cạnh hình chữ nhật trong khuôn. Khi xếp lá dong nên để các mặt xanh đậm của lá vào bên trong và mặt xanh nhạt hơn ra bên ngoài để mặt đậm của lá tiếp xúc với gạo sẽ làm cho bánh có màu xanh đẹp mắt hơn.
  • Lấy chén múc khoảng 200g gạo nếp cho vào khuôn, ấn và dàn đều để gạo điền đầy khắp đáy khuôn.
  • Tiếp tục rải đều 100g đậu xanh lên trên gạo, đặt 1 miếng thịt lên trên rồi lại rải thêm 100g đậu xanh lên cho phủ kín thịt (không nên rải đậu xanh hết đến cạnh khuôn mà nên chừa lại khoảng 1,5 cm).

gói bánh chưng

Cho lần lượt các lớp gạo, đậu xanh, nhân thịt vào khuôn để gói bánh

  • Sau đó lấy tiếp 200g gạo nếp rải đều xung quanh và phủ kín mặt đậu xanh. Dùng tay ấn nhẹ gạo ở các góc và mặt bánh cho gạo nén xuống.
  • Tiếp đến, gập các cạnh lá lại, những chỗ lá thừa không cần thiết thì ta dùng kéo cắt đi cho gọn. Sau đó tay trái giữ cho lá khỏi bung ra, tay phải từ từ lấy khuôn ra đeo vào cổ tay trái. Đổi tay phải giữ lá rồi bỏ khuôn ra khỏi tay. Kéo hai đầu của mỗi sợi lạt cột bánh lại. Dùng lạt cột thêm cho đều và chắc bánh, cắt bỏ phần lạt còn dư cho bánh đẹp và gọn.
  • Cuối cùng, bạn gập các cạnh lá lại rồi dùng kéo cắt bỏ những chỗ lá thừa cho gọn, từ từ lấy không ra và giữ lại lạt, sau đó lần lượt cột lạt lại cho thật chắc.

dùng lạt cột bánh chưng

Dùng lạt cột bánh cho chắc, đẹp. Ảnh: Internet

Luộc bánh

Xếp bánh chưng vào nồi cho đều rồi đổ nước ngập mặt bánh. Bắc lên bếp than để luộc liên tục trong khoảng 8 giờ. Trong quá trình luộc, bạn để ý nước cạn thì thêm nước vào kịp thời cho bánh chín đều và không bị cháy.

luộc bánh chưng

Luộc bánh chưng. Ảnh: Internet

Thành Phẩm

Thành phẩm bánh chưng sau khi luộc

Luộc tới khi bánh chín thì vớt ra rửa, sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa rồi để ráo. Sau đó xếp bánh thành nhiều lớp và dùng vật nặng đè lên, ép cho bánh chắc mịn, đẹp hơn rồi đem bảo quản trong tủ lạnh hoặc nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là bài viết chia sẻ nguồn gốc và cách làm bánh chưng ngon hấp dẫn cho ngày tết, mời cả nhà mình cùng làm và thưởng thức thành quả của mình để cho một mùa tết thêm thịnh vượng an khang, bình an và hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm:

  • Ý nghĩa và nguồn gốc mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên Đán
  • Khám phá mâm cỗ ngày giỗ miền Tây có gì?
  • Nét độc đáo trong ẩm thực ngày tết của người Việt

Từ khóa » Hình ảnh Gói Bánh Chưng Ngày Tết