Bảo Bối ở đền Trấn Vũ - (QĐND) Cuối Tuần
Có thể bạn quan tâm
Pho tượng quý của quốc gia
Vãn cảnh đền vào một ngày hè, cái nắng chói chang dường như cũng trở nên dịu bớt trong rợp mát bóng cổ thụ trước sân đền. Hội đền đã qua từ lâu, cũng không phải ngày rằm, mồng một nên không gian yên ắng, tĩnh mịch. Không có cơ hội thưởng thức không khí náo nhiệt của hội đền nhưng tôi lại có cái thư thái, thong dong ngắm ngôi đền hơn 550 năm tuổi và nghe kể chuyện ngày xưa...
Đền Trấn Vũ thờ Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ-vị thần linh thiêng trong tâm thức văn hóa người Việt. Đền được xây dựng trên thế đất quy xà hội tụ (rùa-rắn, mang yếu tố sông nước), quay về hướng Bắc. Đặt trong tương quan với nguồn gốc tượng trưng cho sao Bắc Cực và là một vị thần lớn của Đạo giáo thống trị phương Bắc mới thấy ý nghĩa tâm linh sâu xa.
Tượng Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. |
Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ vừa giới thiệu cho chúng tôi pho tượng quý đang được đặt ở trung tâm đền, vừa nói: “Điều thú vị là hai pho tượng thần Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (phường Cửa Bắc, quận Ba Đình, TP Hà Nội) và đền Trấn Vũ ở phường Thạch Bàn này có nhiều nét tương đồng, như cùng được đúc bằng đồng hun, tạc thần mang phong thái một vị đạo sĩ đang ngồi, tay trái kết ấn, tay phải chống kiếm, thân kiếm có con rắn quấn quanh, hướng mũi kiếm cắm xuống lưng rùa. Tượng thần đầu trần, tóc chải ngược phía sau, mắt mở to, nhìn thẳng, mày rậm, mũi to, môi dày, có ria mép, tai to, mặc y phục của võ tướng, tỏa ra dáng dấp uy nghiêm lạ lùng dù hai pho tượng được đúc vào hai thời điểm khác nhau. Điểm khác biệt là tượng Trấn Vũ ở Ngọc Trì trên áo giáp của thần điểm xuyết một số dạng hoa văn như hổ phù, được cách điệu dưới dạng hoa lá ở đầu gối, hoa văn tổ ong nổi ở cánh bắp tay, hoa lá thiêng ở diềm áo, long mã ở trước ngực... Tượng cao gần 4m, nặng khoảng 4 tấn, đường kính bụng 1,55m được đúc liền khối. Tượng được đúc vào thời kỳ kỹ thuật đúc đồng của cha ông ta được nâng lên đỉnh cao về giá trị nghệ thuật nên những hoa văn, đường nét thể hiện trên bức tượng được Việt hóa, giữ nguyên bản đến tận bây giờ. Trải qua mưa nắng, chiến tranh, ngay khi cả cánh đồng Ngọc Trì rộng lớn chi chít hố bom địch rải thảm, tượng và đền Trấn Vũ vẫn nguyên vẹn. Với những nét đặc sắc đó, ngày 22-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận pho tượng ở đền Trấn Vũ nằm trong danh mục là Bảo vật quốc gia đợt 4 (tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 5, tháng 12-2016)”.
Mắc màn bảo quản sắc phong
Bản gốc của một trong 23 đạo sắc phong-tài liệu lưu trữ quý hiếm. |
Không chỉ có Bảo vật quốc gia tượng Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, đền Trấn Vũ còn có 23 sắc phong được UBND TP Hà Nội công nhận là tài liệu lưu trữ quý hiếm vào năm 2018. Chỉ lên khoảng tường cao treo trang trọng 3 bản sắc phong lồng trong khung kính, ông Nguyễn Văn Phúc, Thủ đền Trấn Vũ giới thiệu: “Vì diện tích đền có hạn nên chúng tôi chỉ treo đại diện 3/23 sắc phong để mọi người chiêm ngưỡng”. 23 sắc phong này đều là bản gốc, được làm bằng giấy dó, trang trí hình rồng. Trên mỗi bản được ghi rõ bằng văn tự Hán-Nôm, có con dấu, ấn triện của nhà vua, được lưu truyền qua nhiều đời. Lâu đời nhất là đạo sắc phong ngày 24-7, năm Cảnh Hưng nguyên niên (năm 1740-đời vua Lê Hiển Tông), mới nhất là sắc phong ngày 15-3, năm Bảo Đại thứ 15 (năm 1940). Đến nay, trải qua gần 300 năm, các đạo sắc phong này vẫn được lưu giữ nguyên vẹn bản gốc.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, PGS Trần Lâm Biền, thần Trấn Vũ ở Quán Thánh được thờ với tư cách là một trong tứ trấn Thăng Long, dẹp giặc, trừ tà, còn ở Ngọc Trì, thần là hiện thân của thần chống lụt, trị thủy. Ngoài ra, trong các đạo sắc phong, nhà vua cũng ban chỉ dụ yêu cầu nhân dân phải hương khói phụng thờ đối với Đức thánh Trấn Vũ. Những công nhận này có giá trị về văn hóa, tâm linh, nhắc nhở các thế hệ có trách nhiệm bảo quản, tôn tạo, giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Để gìn giữ và bảo quản các đạo sắc phong, ông Phúc cho hay: “Trước đây, năm nào chúng tôi cũng chọn khoảng thời gian thời tiết thuận lợi nhất trong năm, thường là giữa thu, mắc màn giữa sân đền để hong khô, chống ẩm, sau đó lại cất vào rương. Hiện giờ, được sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, Sở Nội vụ TP Hà Nội nhờ công nghệ hiện đại của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I nên việc bảo quản đã dễ dàng hơn nhiều. Bên cạnh đó, các thông tin về 23 đạo sắc phong cũng được số hóa để người dân dễ cập nhật, tìm hiểu. Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc công nhận 23 đạo sắc phong là cơ sở pháp lý để các sắc phong không bị xâm hại và được gìn giữ tốt hơn”.
Bảo tồn, phát huy giá trị trò chơi kéo co
Tháng 4-2019 vừa qua, UBND phường Thạch Bàn, quận Long Biên long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh trò chơi kéo co ngồi và hội đền Trấn Vũ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc ghi danh góp phần tăng thêm sự “giàu có” về vốn di sản văn hóa của địa phương nên người dân ở đây rất tự hào, trân trọng và rất có ý thức trong việc gìn giữ, phát huy.
Trò chuyện với chúng tôi, TS Bùi Thế Quân, Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Long Biên cho biết: “Sau khi được công nhận và vinh danh, đền Trấn Vũ với hệ thống di sản đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền và nhân dân. Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tổ chức nhiều buổi tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng, cá nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá dưới nhiều hình thức: Giới thiệu trên các kênh truyền hình Trung ương, địa phương, lưu diễn, xuất bản tài liệu”.
Theo ý kiến của người dân thì giá trị phi vật thể của trò diễn kéo co ngồi không chỉ được thể hiện qua những chuẩn mực xã hội: Những quy ước, điều kiện tham gia (nam thanh niên sinh sống tại địa phương, tuổi 18-35, khỏe mạnh, bản thân và gia đình được đánh giá tốt...) được cộng đồng quy định và duy trì từ đời này sang đời khác mà còn là sự sáng tạo văn hóa khi biến niềm tin, mong ước thành biểu đạt văn hóa như lễ vật, trình diễn, ứng xử giữa các đội; thể hiện sự thích ứng của con người dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng duy trì thực hành.
Năm 2016, UBND quận Long Biên đã cấp 4.000m2 đất trước khuôn viên đền Trấn Vũ làm sân kéo co mới rộng rãi, khang trang nhằm tạo điều kiện để di sản được bảo tồn bền vững. UBND quận cũng chỉ đạo Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ phối hợp với 61 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu về di tích, đồng thời đưa vào giảng dạy lịch sử địa phương.
Hy vọng, với những điều kiện thuận lợi đã và đang có, ngôi đền có nhiều di sản có thêm thế và lực để phát huy hết tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh vốn có của mình.
HOÀI ANH
Từ khóa » Hình ảnh đền Trấn Vũ Thạch Bàn
-
Đền Trấn Vũ, Phường Thạch Bàn - Di Tích Lịch Sử - Quận Long Biên
-
ĐỀN TRẤN VŨ - Di Tích Lịch Sử – Văn Hoá Hà Nội
-
Đền Trấn Vũ Nơi Lưu Giữ Nhiều Di Sản Quý | VOV2.VN
-
Giới Thiệu Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa: ĐỀN TRẤN VŨ | THCS Ngọc Thụy
-
Tu Bổ, Tôn Tạo Di Tích Quốc Gia đền Trấn Vũ - Thể Thao & Văn Hóa
-
Đền Trấn Vũ - Nơi Lưu Truyền Di Sản Văn Hóa Quốc Gia
-
Đền Trấn Vũ (Ngọc Trì) - Ha Noi 360°
-
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đền Cự Linh, Hà Nội - Thế Giới Di Sản
-
đền Trấn Vũ - Cồ Việt Mobile - Tri Thức Việt
-
Bảo Vật Quốc Gia Tượng Trấn Vũ: Chuyện ít Biết Về Pho Tượng Có Tuổi ...
-
Đền Quán Thánh – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đền Cự Linh, Hà Nội – Nơi Thờ Phụng Huyền Thiên Trấn Vũ Với Bức ...
-
Kiến Nghị Tu Bổ, Tôn Tạo Cụm Di Tích Quốc Gia đền Trấn Vũ