Đền Trấn Vũ (Ngọc Trì) - Ha Noi 360°

Sommaire

  • Lược sử
  • Kiến trúc
  • Di sản
  • Di tích lân cận

Đền Trấn Vũ (Ngọc Trì) có từ thế kỷ XV. Tên chữ: Trấn Vũ Quán 鎮 武 觀. Thờ: thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Lễ hội: 3/3 âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 2WF4+C9, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 7km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: Đd chùa Cự Linh (xe 47A, 47B), Đd Aeon Mall Long Biên (40, 47B, 52B, 98, 100, 106).

Lược sử

Xưa kia, làng Ngọc Trì gồm 3 ấp: Ấp Đông Thượng thờ Quang Hiển Đào đại vương, Ấp Đằng Đông thờ Linh Huệ đại vương, Ấp Đằng Đường thờ Minh Thông Tả đại vương. Ba vị đại vương được thờ tại các nghè (miếu). Qua thời gian, đều đã bị phá hủy, hiện chỉ còn dấu tích nghè Đằng Đông.

Theo nội dung khắc trên tấm bia đá “Trấn Vũ Điện bi ký” dựng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) tại đền, xưa kia vua Lê Thánh Tông (1460-1496) khi đi đánh Chiêm Thành đã nghỉ chân tại Cự Linh và được thần Huyền Thiên Trấn Vũ [1] ứng mộng. Thắng trận trở về, nhà vua đã ra lệnh lập đền thờ vị thần này, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi “Hiển linh Trấn Vũ quán”.

Năm 1747, tượng gỗ bị hư hại nên quan viên và dân chúng trong vùng góp công sức, tiền của để đúc tượng bằng đồng.

Năm 1788 (thời Tây Sơn) dân địa phương muốn đúc một pho tượng to đẹp hơn nhưng mãi đến 14 năm sau (tức 1802, đời vua Gia Long) thì mới hoàn thành, muộn hơn một thế kỷ so với pho tượng ở đền Quán Thánh. Năm Khải Định nguyên niên (tức 1916) một vị Tiên chỉ của làng là Nguyễn Trinh Cán đã thương thảo với các vị chức sắc khác để thuê thợ dùng sơn ta pha thành mầu đen sậm rồi bả lại nhằm bảo vệ tượng.

Tượng Trấn Vũ, đền Ngọc Trì. Photo NCCong ©2019

Theo quyết định số 1539/QĐ ngày 27/12/1990 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin, đền Trấn Vũ (Ngọc Trì) được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đền Trấn Vũ (Ngọc Trì) đã trải qua nhiều đợt tu sửa. Đến thời Nguyễn thì được xây dựng lại hoàn toàn, lưng đền giáp với lưng đền Mẫu của chùa Cự Linh phía đê sông Hồng. Đền hiện nay toạ lạc trên thế đất quy xà hội tụ, mặt quay về hướng bắc nhìn qua nghi môn và bình phong ra cây cầu đá dẫn đến một phương đình 2 tầng 8 mái ở trên hồ bán nguyệt mới được xây trong đợt trùng tu gần đây.

Đền có đại bái và trung cung song song ở phía trước, trung cung nối với hậu cung thành hình chữ "Đinh". Đại bái rộng 3 gian 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc. Trong trung cung bày đôi tượng vệ sĩ bằng đá đứng trước hương án lớn. Hậu cung xây 2 tầng 8 mái có cổ diềm lấy ánh sáng. Bên trong hậu cung, tượng thần Trấn Vũ được đặt ở giữa. Bên ngoài hậu cung có tấm bia đá cổ dựng cạnh lối cửa hậu thông sang chùa Cự Linh.

Sân đền Ngọc Trì. Photo NCCong ©2019

Di sản

Tháng 12-2015 tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở Ngọc Trì được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tượng cao 396cm, nặng khoảng 4 tấn, là một trong hai pho tượng lớn nhất Việt Nam cho đến giữa thế kỷ XX và một trong những đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng nước ta thời xưa. Tượng đúc liền khối, mặt ngoài có sơn thếp, được tạc với dáng vẻ của một đạo sĩ, đầu trần, tay trái bắt quyết, tay phải tỳ đốc kiếm chống lên lưng một con rùa, thân kiếm có hình một con rắn quấn quanh, chân để trần.

  • Đền Trấn Vũ. Panorama ©NCCông 2018

Tại hậu cung còn có tượng 12 nguyên soái tức các thiên tướng đi theo thần để trừ yêu quái. Hiện nay chỉ giữ lại được 10 pho (trong đó 2 pho tạc nữ thần) xếp thành 2 dây sát tường chầu vào giữa. Các pho tượng được tạo bằng đất, mỗi pho có vẻ mặt khác nhau như mặt ngựa, mặt chim, lạ nhất là 2 pho tượng 3 đầu. Ngoài cùng là 2 pho tượng đá có cùng phong cách như 2 pho tượng vệ sĩ ở trung cung.

Tượng đá, đền Ngọc Trì. Photo NCCong ©2019

Hiện nay, đền Trấn Vũ có phối thờ Linh Lang đại vương sau khi đình làng bị đổ. Trong đền còn lưu giữ được 4 bia đá cổ ghi sự tích và việc trùng tu, 1 bộ ván in sách Đạo giáo, các hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị và kiếm lệnh có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII cùng 23 đạo sắc phong từ niên đại Cảnh Hưng thứ 44 cho đến đời Nguyễn (tức từ năm 1740 đến 1940). Bia "Huyền Thiên thượng đế bi ký" khắc năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1927) ghi: “Trong quán Trấn Vũ trước đây thờ bài vị, đặt trên long ngai. Bài vị khắc 5 chữ “Hiển Linh Trấn Vũ quán”, bên cạnh bài vị này khắc 5 chữ “Phú Vương phủ tín cúng” (Phủ Phú Vương cung tiến)".

Hàng năm vào mùng 3 tháng 3 âm lịch dân làng Ngọc Trì tổ chức lễ hội nhân ngày sinh của thần Trấn Vũ. Trong phần hội làng có trò chơi dân gian độc đáo là kéo co luồn dây qua lỗ cột (kéo co ngồi) [2], đã được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 19/12/2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL công nhận đó là loại hình "Tập quán xã hội và tín ngưỡng" được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thuỷ đình, đền Ngọc Trì. Photo NCCong ©2017

Di tích lân cận

  • Chùa Cự Linh: 2WC2+HF, số 467 đường Bát Khối, phường Thạch Bàn.
  • Chùa Nghiêm Quang: 2VFQ+CQ, số 205 đường Bát Khối, phường Long Biên.
  • Chùa Thổ Khối: 2W54+58, đường ĐT378, phường Cự Khối.
  • Đình làng Nha: 2VCX+H4, đường ĐT378, phường Long Biên.
  • Đình làng Trạm: 2VFQ+8W, số 205 đường Bát Khối, phường Long Biên.
  • Đình Thổ Khối: 2W54+87, đường ĐT378, phường Cự Khối.

©NCCông 2018-2019, Tran Vu (Ngoc Tri) temple

Từ khóa » Hình ảnh đền Trấn Vũ Thạch Bàn