Báo Cáo Kết Quả Rà Soát Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật đảm Bảo đáp ...

Báo cáo Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

03/08/2020 16:49 CH

Email Print

Thực hiện Quyết định số 822/QĐ-TCT ngày 10/4/2020 của Tổ công tác ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định số 823/QĐ-TCT ngày 10/4/2020 cuả Tổ trưởng Tổ công tác về việc phân công thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc và Bộ phận thường trực tham gia các Nhóm rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Nhóm rà soát quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hoàn thiện Báo cáo "Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Trên cơ sở rà soát 11 Luật, 11 Nghị đinh, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 17 Thông tư, Thông tư liên tịch, 01 văn bản quy phạm pháp luật khác, 02 điều ước quốc tế, 08 thỏa thuận quốc tế, 04 văn kiện hợp tác khác, 198 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến công nghiệp 4.0 (Phụ lục 1), Nhóm đã phát hiện ra một số văn bản quy phạm pháp luật có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp với thực tiễn.[1] Sau đây là kết quả rà soát cụ thể được chia theo một số lĩnh vực chủ yếu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: 1. Pháp luật về tài sản và sở hữu đối với một số loại sản phẩm ứng dụng công nghệ chuỗi khối Việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) (một trong những công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) đã đưa tới sự hình thành một số loại hình sản phẩm ứng dụng mới dựa trên công nghệ mã hóa (cryptography) (hoặc công nghệ chuỗi khối - blockchain) được gọi là “tài sản mã hóa” (“crypto asset”) (hoặc đôi khi còn gọi là “tài sản số” - digital asset hoặc token) trong đó có “tiền mã hóa” (“cryptocurrency”) (đôi khi còn bị gọi là “tiền ảo”). Một số loại “tiền mã hóa” được biết đến rộng rãi bao gồm “Bitcoin” (BTC) và “euthereum” (ETH). Hiện tại, các loại “tiền mã hóa” này đang được giao dịch mua bán thông qua một số loại sàn giao dịch trực tuyến (đăng ký hoạt động ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hong Kong, Hoa Kỳ v.v.). Ở Việt Nam, trong thực tế, việc nắm giữ và tham gia giao dịch chuyển nhượng các loại sản phẩm ứng dụng công nghệ này vẫn đang diễn ra. Nhóm 9 đã rà soát các quy định pháp luật có liên quan bao gồm các quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005[2], Luật Chứng khoán năm 2019[3], Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2016), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014)[4], Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014, 2016)[5], Luật Phá sản năm 2014. Kết quả rà soát cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật này chưa có quy định phân loại và định danh một cách dứt khoát, rõ ràng các loại “tài sản mã hóa” thuộc loại hình nào trong các khái niệm pháp lý như: “chứng khoán” (Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019), “hàng hóa” (Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005), “tài sản” (Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015). Điểm mấu chốt mà thực tiễn đang đặt ra là các loại “tài sản mã hóa” đang tồn tại và lưu hành như Bitcoin và ETH cùng một số loại “tài sản mã hóa” khác có đích thực được xem là tài sản theo nghĩa pháp lý được quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 hay không.[6] Điều này sẽ làm cho việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành để điều chỉnh việc bảo hộ các quyền hoặc lợi ích của cá nhân trong việc nắm giữ, chuyển nhượng[7], để thừa kế[8], bị đánh cắp hoặc bị tước đoạt[9] đối với các loại “tài sản mã hóa” - sản phẩm ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở nên không chắc chắn. Đi kèm với đó là việc thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh từ các giao dịch liên quan tới chuyển nhượng “tài sản mã hóa” cũng chưa được Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014)[10], Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014, 2016)[11] đặt ra. Theo Ngân hàng nhà nước,[12] tại Việt Nam, vẫn còn sự nhầm lẫn giữa khái niệm tiền điện tử và khái niệm tiền ảo, gây nên nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền. Dưới góc độ pháp lý, tiền ảo không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, cần có những quy định pháp luật để phân định rõ tiền điện tử với các hình thức khác vốn không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp (ví dụ: tiền ảo bitcoin… đã xuất hiện thời gian gần đây). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chính sách của các quốc gia trên thế giới đối với việc lưu hành các loại “tài sản mã hóa” hoặc “tiền mã hóa” này rất khác nhau. Một số quốc gia (chẳng hạn Trung Quốc), không cấm việc nắm giữ, sở hữu “tiền mã hóa”[13] nhưng cấm tổ chức, cá nhân phát hành mới “tiền mã hóa”[14], cấm các tổ chức tín dụng có hoạt động liên quan tới việc mua bán “tiền mã hóa”. Trong thực tế, đã có các vụ việc liên quan tới Bitcoin được đưa ra trước tòa án tại Trung Quốc và đã có tòa án xác định Bitcoin là một loại tài sản (dựa trên thuộc tính “có giá trị, khan hiếm và có thể định đoạt được” của sản phẩm ứng dụng công nghệ này).[15] Hoa Kỳ cho phép việc phát hành các loại “tài sản mã hóa” và việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng “tài sản mã hóa” được xem là hợp pháp nhưng việc phát hành “tài sản mã hóa” có thể bị buộc phải tuân thủ các quy định về phát hành chứng khoán khi việc phát hành “tài sản mã hóa” là để huy động vốn theo tính chất của một hợp đồng đầu tư.[16] Có quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản đã sửa đổi một số đạo luật hiện hành (như Luật về dịch vụ thanh toán hiện hành cũng như sửa đổi Luật về giao sở giao dịch và các công cụ tài chính), cho phép việc phát hành, sở hữu, nắm giữ, lưu hành, mua bán, giao dịch các loại “tài sản mã hóa” (bao gồm cả các loại “tiền mã hóa”), thậm chí coi Bitcoin như một phương tiện thanh toán hợp pháp dù đó không phải là tiền pháp định. Việc chuyển nhượng và thừa kế đối với “tiền mã hóa” (chẳng hạn bitcoin) có thể chịu thuế thu nhập và thuế thừa kế như việc chuyển nhượng và thừa kế các loại tài sản khác.[17] Có quốc gia thậm chí ban hành Luật về việc ứng dụng công nghệ Blockchain và cho phép sự lưu hành các loại tài sản mã hóa (trong đó có các loại “tiền mã hóa”). Chẳng hạn, ngày 3/10/2019, Quốc hội Liechtenstein đã thông qua “Luật về Tài sản số (Token) và Nhà cung cấp dịch vụ công nghệ xác tín” (mà thường được báo chí gọi là Luật đầu tiên trên thế giới về Blockchain). Luật này có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2020. Luật này có 51 điều được chia thành 4 Chương cụ thể như sau: Chương 1 “Những quy định chung” có 2 điều (Điều 1 và Điều 2); Chương 2 “Cơ sở dân sự” có 8 điều (từ Điều 3 đến Điều 10); Chương 3 “Giám sát nhà cung cấp dịch vụ xác tín” gồm 39 điều (từ Điều 11 đến Điều 49)[18]; Chương 4 “Quy định chuyển tiếp và quy định cuối” gồm 2 điều (Điều 50 và 51). Theo quy định của đạo luật này, các loại tiền mã hóa được xem là tài sản như trong quan niệm về tài sản của pháp luật dân sự. Các chủ thể ứng dụng công nghệ blockchain để tạo lập các loại tài sản mã hóa để gọi vốn cộng đồng đều phải đáp ứng các điều kiện nhất định về nhân thân cũng như vốn pháp định và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Chủ thể có hành vi vi phạm có thể bị phạt tù và phạt tiền.[19] 2. Pháp luật về sở hữu trí tuệ Nền kinh tế dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, điều đó cần một hệ thống pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thực sự hiệu lực, hiệu quả. Qua rà soát, Nhóm 9 thấy rằng, pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ trong thời gian qua ở Việt Nam đã được quan tâm hoàn thiện, thể hiện rõ trong các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Luật này đã bảo hộ quyền tác giả[20] đối với các đối tượng là “tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá” (Khoản 1 Điều 3). Luật này đã bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp[21] đối với các đối tượng là “sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý” (Khoản 2 Điều 3). Theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 22), các chương trình máy tính (còn gọi là “phần mềm máy tính”) được bảo hộ như tác phẩm văn học (tức là được bảo hộ theo chế định về quyền tác giả).[22] Các sáng chế liên quan tới việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được bảo hộ theo chế định về sáng chế quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) khi thỏa mãn các điều kiện nhất định trong Điều 58. Các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành nhìn chung được xây dựng phù hợp với các công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ (như Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, và Hiệp định TRIPS). Nhóm 9 chưa phát hiện ra các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Sở hữu trí tuệ với các đạo luật hoặc các văn bản khác có liên quan.[23] 3. Pháp luật về thương mại điện tử Khoảng hơn 1 thập niên trở lại đây, Việt Nam đã quan tâm hoàn thiện các quy định về thương mại điện tử. Nhóm 9 đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành và thấy các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử chủ yếu là các văn bản sau: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử, Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 21/2018/TT-BCT ngày 20/8/2018), Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 21/2018/TT-BCT ngày 20/8/2018), Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015). Qua rà soát, Nhóm 9 phát hiện một số bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành về thương mại điện tử như sau: - Bất cập liên quan tới Luật Giao dịch điện tử năm 2005: +Quy định về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử: Khoản 1 Điều 24 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng 2 điều kiện: (i) phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu; (ii) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi. Tuy nhiên, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử được quy định tại Khoản 1, Điều 24 hiện nay đang chỉ phù hợp với chữ ký số: “Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu”. Mặt khác, pháp luật không quy định thế nào là “phương pháp đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi”. Do vậy, đề xuất chỉnh sửa khoản 1 Điều 24 thành “Phương pháp ký chữ ký điện tử cho phép định danh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu”. Đồng thời, bổ sung quy định hướng dẫn phương pháp tạo lập đủ tin cậy đối với chữ ký điện tử theo hướng quy định cụ thể các điều kiện chứng thực chữ ký điện tử. + Luật Giao dịch điện tử 2005 liệt kê các hình thức thể hiện thông điệp dữ liệu như sau: Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác (Điều 10). Tuy nhiên, hiện nay theo sự phát triển của khoa học công nghệ, ngoài chứng từ điện tử, thư điện tử, điện báo, fax thì các tin nhắn, notification, pop-up trên các thiết bị di động, ứng dụng di động… có được coi là thông điệp dữ liệu không cũng cần được làm rõ. + Khoản 2 Điều 17 quy định về địa điểm gửi thông điệp dữ liệu và Khoản 2 Điều 19 quy định về địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo/người nhận nếu người khởi tạo/người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú thường xuyên của người khởi tạo/người nhận nếu người khởi tạo/người nhận là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo/người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch. Tuy vậy, hiện chưa có quy định hướng dẫn để xác định trụ sở có mối quan hệ mật thiết nhất với giao dịch. + Theo Khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử 2005: Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Như vậy, biện pháp xác thực giao dịch là để xác định sự chấp thuận đối với nội dung thông điệp dữ liệu, trong đó có xác thực bằng chữ ký số, chứng thực chữ ký số. Tuy nhiên, Luật Giao dịch điện tử chưa quy định các công nghệ xác thực điện tử khác như mã OTP, mật khẩu/PIN hoặc dấu hiệu sinh trắc học (như vân tay, giọng nói, khuôn mặt) nếu gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử đã thực hiện và xác nhận sự chấp thuận của khách hàng thì có được coi là chữ ký điện tử không? + Luật Giao dịch điện tử 2005 có đề cập đến “người trung gian” trong giao dịch điện tử nhưng không có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của “người trung gian” đối với giao dịch điện tử và đối với các bên trực tiếp tham gia giao dịch điện tử, đặc biệt là các nghĩa vụ liên quan đến bảo mật thông tin. + Điều 52 Luật Giao dịch điện tử 2005 chỉ quy định chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử, theo đó, nếu tranh chấp không thể giải quyết thông qua hòa giải, thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, trong các quy định có liên quan (Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự,...), các quy định về giải quyết tranh chấp ứng dụng với giao dịch điện tử cũng chưa rõ ràng, ví dụ như việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử. Theo các Điều 87, 88, 99, 107 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, dữ liệu điện tử cũng được coi là nguồn chứng cứ, được kiểm tra, đánh giá, bảo quản, niêm phong,... như các chứng cứ truyền thống khác. Khoản 3 Điều 223 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 còn quy định "thu thập bí mật dữ liệu điện tử" là một biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này. +Quy định về hợp đồng điện tử:Một giao dịch điện tử (hợp đồng điện tử) là sự kết hợp của 3 thành tố: thông điệp dữ liệu cấu thành nên nội dung hợp đồng; định danh các bên tham gia hợp đồng và xác thực điện tử. Các quy định hiện tại của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa phản ánh đầy đủ 3 thành tố trên (chưa có định danh điện tử). Luật Giao dịch điện tử năm 2005 không quy định cụ thể các vấn đề pháp lý liên quan đến các bước giao kết và ký kết hợp đồng mà chỉ quy định những vấn đề liên quan đến kỹ thuật của việc trao đổi trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công chứng và các văn bản hiện hành mới chỉ quy định về chứng thực chữ ký điện tử mà chưa có các quy định về việc công chứng hợp đồng điện tử. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ ràng về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nên các tổ chức tín dụng vẫn gặp khó khăn và phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau trong việc triển khai các dịch vụ yêu cầu ký kết hợp đồng điện tử với khách hàng.Do đó, đề nghị bổ sung các quy định pháp lý để giải quyết các vướng mắc trên. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung các quy định về xác thực định danh điện tử theo hướng: áp dụng 03 mức độ đảm bảo đối với định danh điện tử gồm: cơ bản, tiên tiến, cao. Ba mức độ đảm bảo này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn ISO/IEC 2915 và mức độ tin cậy (confidence level) được dựa trên hai yếu tố là: (i) đảm bảo danh tính (Identity assurance) tại thời điểm đăng ký và (ii) đảm bảo phê duyệt (Authentication assurance) - độ mạnh của các phương thức sử dụng trong thời điểm phê duyệt để đảm bảo sự an toàn, quyền lợi của các bên tham gia giao dịch. + Luật Giao dịch điện tử thừa nhận giá trị pháp lý của cả chữ ký số và chữ ký điện tử tuy nhiên, theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (nhất là thuế và kế toán), các cơ quan nhà nước chỉ thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký số (các văn bản được sử dụng làm chứng từ kế toán nếu sử dụng phương thức điện tử thì phải được ký bằng chữ ký số). Thêm vào đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số[24] trong khi không có văn bản quy định chi tiết về chữ ký điện tử mà không phải là chữ ký số. Điều này, tạo ra sự e ngại nhất định khi doanh nghiệp chuyển từ giao dịch hợp đồng truyền thống sang giao dịch hợp đồng điện tử (nếu không dùng chữ ký số).[25] - Bất cập liên quan tới Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử: + Mô hình TMĐT mới, chưa nằm trong sự điều chỉnh của pháp luật: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã có quy định phân loại về mô hình hoạt động TMĐT, theo bản chất giao dịch: Một là mô hình website TMĐT do người bán lập ra và bán trực tiếp hàng hóa/dịch vụ (website TMĐT bán hàng); hai là mô hình website TMĐT do một bên lập ra, tạo môi trường để người bán cung cấp hàng hóa/ dịch vụ trên đó (website cung cấp dịch vụ TMĐT). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có mô hình hoạt động TMĐT không thuộc cả hai mô hình trên. Một số mô hình chỉ là nơi trung gian dẫn người mua tìm kiếm hàng hóa/dịch vụ sau khi truy cập từ một website khác và nhận hoa hồng với mỗi giao dịch thành công. Một số khác hoạt động theo hình thức mua hộ (thực hiện mua hộ các sản phẩm trên các website khác, chủ yếu là các website nước ngoài ví dụ: amazon, taobao...) và tính phí cho mỗi giao dịch mua hộ. Các mô hình trên cần phải có các quy định pháp lý điều chỉnh để đảm bảo môi trường TMĐT lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tránh thất thu thuế với khoản lợi nhuận phát sinh. + Quản lý TMĐT xuyên biên giới: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đang thực hiện việc quảng bá, bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT mà đơn vị quản lý sàn không có sự hiện diện tại Việt Nam theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (hiện diện thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam). Khi phát sinh vấn đề trong quá trình giao dịch, việc liên hệ với chủ thể cung cấp dịch vụ để giải quyết sẽ gặp nhiều khó khăn, việc yêu cầu các chủ sàn TMĐT phối hợp xử lý những hành vi vi phạm pháp luật cũng gặp bất cập do khoảng cách địa lý và độ trễ thời gian. Trong bối cảnh hoạt động TMĐT ngày càng phát triển trên quy mô toàn cầu, đây là một thách thức lớn với cơ quan quản lý không chỉ riêng tại Việt Nam. + Kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giao dịch TMĐT: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã giúp cho các phương thức kinh doanh dựa trên môi trường mạng được thúc đẩy nhanh chóng và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, Internet và TMĐT cũng có những mặt trái và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website/ứng dụng TMĐT. Với đặc thù của hoạt động TMĐT là người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, một số hành vi vi phạm pháp luật có thể được thực hiện dễ dàng hơn, làm ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng. Cụ thể: lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, sản phẩm cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh, giả mạo doanh nghiệp khác, không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website TMĐT, hoặc giả mạo logo đã đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương, v.v. Do đó, cần bổ sung các quy định tăng cường trách nhiệm của chủ sàn trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giao dịch TMĐT. + Quy định về ứng dụng TMĐT: Tại Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có quy định về các hình thức tổ chức hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, tại quy định này, các hình thức được nhắc đến chỉ là các hoạt động TMĐT diễn ra trên website TMĐT. Năm 2015, để kịp thời điều chỉnh các hoạt động TMĐT trên các thiết bị di động, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 quy định về quản lý hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động. Theo đó, đối tượng là chủ sở hữu các ứng dụng TMĐT này cũng phải tuân thủ mọi quy định pháp luật như các đối tượng là chủ sở hữu của những website TMĐT tương ứng. Để thống nhất quy định về quản lý hoạt động TMĐT, cần có phương án bổ sung hình thức tổ chức hoạt động TMĐT nêu trên tại văn bản cấp Nghị định. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quy định pháp luật thúc đẩy thương mại điện tử đã được các quốc gia quan tâm xây dựng từ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, trong đó phải kể tới các đạo luật về giao dịch điện tử và các đạo luật về chữ ký điện tử. Trong những năm gần đây, một trong những quốc gia quan tâm hoàn thiện khung khổ pháp luật về thương mại điện tử để đáp ứng yêu cầu của sự phổ biến của thương mại điện tử trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư rất đáng chú ý là Trung Quốc. Tính đến ngày 30/6/2019, Trung Quốc có 854 triệu người sử dụng Internet và 847 triệu người sử dụng điện thoại di động.[26] Đây là tiền đề để thương mại điện tử bùng nổ tại Trung Quốc trong suốt thập niên vừa qua. Phúc đáp yêu cầu phát triển của thương mại điện tử tại Trung Quốc, ngày 31/8/2018, Luật Thương mại điện tử đầu tiên của Trung Quốc được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019[27]. Luật Thương mại điện tử của Trung Quốc có 89 điều được chia thành 7 chương cụ thể như sau: Chương 1 “Những quy định chung” (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương 2 “Chủ thể kinh doanh thương mại điện tử” (từ Điều 9 đến Điều 46)[28]; Chương 3 “Xác lập và thực thi hợp đồng thương mại điện tử” (từ Điều 47 đến Điều 57); Chương 4 “Giải quyết tranh chấp thương mại điện tử” (từ Điều 58 đến Điều 63); Chương 5 “Thúc đẩy thương mại điện tử” (từ Điều 64 đến Điều 73); Chương 6 “Trách nhiệm pháp lý” (từ Điều 74 đến Điều 88); Chương 7 “Quy định bổ sung” (Điều 89).[29] Luật Thương mại điện tử của Trung Quốc là đạo luật đặt ra được các quy định có tính chất đặc thù của hoạt động thương mại điện tử mà các đạo luật trước đây điều chỉnh hoạt động thương mại truyền thống (như Luật hợp đồng hoặc các đạo luật điều chỉnh một số hành vi thương mại cụ thể) chưa có điều kiện xử lý. Những đặc thù đó thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của chủ thể kinh doanh nền tảng và chủ thể kinh doanh trên nền tảng. Đạo luật rất nhấn mạnh tới vai trò, trách nhiệm của chủ thể kinh doanh nền tảng trong việc bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể có liên quan, nhất là sự tuân thủ pháp luật từ phía chủ thể kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Luật Thương mại điện tử năm 2018 của Trung Quốc đã tập trung xử lý những khía cạnh đặc thù về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thông tin cá nhân và vấn đề thanh toán điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử. Luật Thương mại điện tử năm 2018 của Trung Quốc cũng tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập và vận hành các cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến (online dispute resolution - ODR), vốn vẫn là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Luật Thương mại điện tử năm 2018 của Trung Quốc cũng chủ trương thúc đẩy hợp tác quốc tế về việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Điều này cho thấy một cách tiếp cận mới, phù hợp với vị thế của Trung Quốc là một trong những cường quốc xuất khẩu trên thế giới và đang có nhu cầu mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực và trên thế giới. Thêm vào đó, từ năm 2017, Trung Quốc đã chính thức thiết lập một số tòa án giải quyết tranh chấp trực tuyến qua mạng Internet (còn gọi là Tòa án Internet). Cụ thể, Trung Quốc đã thành lập 3 tòa án Internet là Tòa án Internet Hàng Châu (thành lập vào tháng 8/2017)[30], Tòa án Internet Bắc Kinh và Tòa án Internet Quảng Châu (được thành lập vào tháng 9/2018).[31] Tòa án Internet tiến hành các thủ tục tố tụng chủ yếu bằng phương thức trực tuyến, từ việc nộp đơn khởi kiện, thụ lý đơn khởi kiện, tống đạt tài liệu, hòa giải, trao đổi chứng cứ, chuẩn bị phiên xét xử đến việc xét xử và tuyên án. 4. Pháp luật về kinh tế chia sẻ và công nghệ tài chính (fintech) Việc xuất hiện các nền tảng kỹ thuật số (platform) tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế chia sẻ trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội khác nhau, trong đó có lĩnh vực vận tải (chẳng hạn, các nền tảng kết nối giữa lái xe và người có nhu cầu đi xe mà Uber, Grab, Bee... đang sử dụng), lưu trú du lịch (chẳng hạn, nền tảng kết nối giữa người có phòng cho thuê ngắn hạn với khách có nhu cầu lưu trú ngắn hạn kiểu Airbnb...), tài chính (chẳng hạn, các nền tảng về gọi vốn cộng đồng - crowfunding, cho vay ngang hàng - peer to peer lending...). Tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế này và kinh tế truyền thống. Qua rà soát, có thể thấy pháp luật hiện hành hầu như chưa có quy định cụ thể về mô hình kinh doanh này[32] (nhất là các quy định liên quan tới việc ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng như việc triển khai mô hình gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng, việc ứng dụng nền tảng kết nối để cho thuê phòng lưu trú ngắn hạn đối với khách du lịch v.v.) (mặc dù việc gọi vốn cộng đồng dưới hình thức phát hành chứng khoán ra công chúng đã được quy định trong Luật Chứng khoán năm 2019[33] nhưng quy định này rất khó áp dụng cho việc gọi vốn cộng đồng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; việc cho vay ngang hàng cũng có thể áp dụng một số quy định về hợp đồng vay tài sản trong Bộ luật dân sự năm 2015[34] để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên, về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017)[35]. Nhóm 9 cho rằng, pháp luật hiện hành đang có khoảng trống pháp lý trong việc điều chỉnh một số mô hình kinh tế chia sẻ cần nghiên cứu để có giải pháp xử lý trong thời gian tới. Về ngân hàng số, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã đưa ra một trong những chủ trương chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 là hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam là tất yếu. Số hóa mọi giao dịch trong hoạt động ngân hàng đã tạo ra bước đột phá của ngành dịch vụ tài chính ngân hàng. Sản phẩm dịch vụ tài chính cũng được thiết kế trên nền tảng công nghệ giúp cho việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân được thực hiện một cách đơn giản, nhanh chóng hơn nhiều so với mô hình tài chính truyền thống. Về mặt pháp lý, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng số như: thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, cấp phép và giám sát các tổ chức phi ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hành lang pháp lý cho những vấn đề mới như chuẩn kết nối mở, chia sẻ dữ liệu (qua open API), nhận biết khách hàng điện tử eKYC… Do vậy, Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với hoạt động kinh tế số (trong đó có ngân hàng số) và các nội dung cần thiết khác cho việc chuyển đổi số. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đã rất quan tâm tới việc xây dựng khung pháp lý điều chỉnh các mô hình kinh tế chia sẻ, các loại hình dịch vụ công nghệ tài chính (fintech). Tại Hoa Kỳ, Luật về thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp (Jumpstart Our Business Startups Act, gọi tắt là JOBS Act) trong đó quy định khung pháp lý cho hoạt động gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) bằng việc miễn trừ áp dụng nhiều quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng theo các đạo luật về chứng khoán đối với việc gọi vốn cộng đồng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups) có mức gọi vốn dưới 1 triệu USD, đặt ra yêu cầu minh bạch thông tin của người gọi vốn cộng đồng, đặt ra giới hạn (không quá 2.000USD hoặc 5% của thu nhập đối với những người có thu nhập dưới 100.000USD/năm; 10.000USD hoặc 10% của thu nhập đối với những người có thu nhập từ 100.000USD/năm trở lên) mà mỗi cá nhân có thể được tham gia đầu tư vào hoạt động gọi vốn cộng đồng từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) để giảm bớt rủi ro cho các cá nhân tham gia đầu tư v.v. Đối với hoạt động của công ty Airbnb, dịch vụ này có mặt lợi là giúp cho việc kết nối giữa người còn dư phòng không sử dụng với các du khách có nhu cầu thuê phòng ngắn hạn khi đi du lịch với mức giá phải chăng. Tuy nhiên, việc đưa phòng dư thừa của các hộ dân và các căn hộ tham gia dịch vụ Airbnb lại làm giảm lượng cung căn hộ và phòng cho thuê dành cho những người có nhu cầu thuê dài hạn (để làm chỗ ở cho việc sinh hoạt, học tập và làm việc tại các thành phố lớn). Điều đó làm cho giá sinh hoạt của các thành phố lớn tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực tới tầng lớp trẻ đang theo học hoặc mới ra trường, đang có nhu cầu thuê phòng trọ để sinh sống, học tập và làm việc. Do vậy, chính quyền một số bang và thành phố ở Hoa Kỳ (chẳng hạn tại Bang Massachusetts) đã ban hành đạo luật về cho thuê phòng ngắn hạn[36] (An Act regulating and insuring short-term rentals)[37], đặt ra điều kiện, người đi thuê căn hộ thì không được sử dụng căn hộ để cho thuê lại thông qua dịch vụ Airbnb hoặc người sở hữu căn hộ thì chỉ được đưa căn hộ của mình cho thuê theo dịch vụ Airbnb không quá 3 tháng/năm. Ở châu Âu, Liên minh châu Âu đã xây dựng và thực thi Kế hoạch hành động về công nghệ tài chính (FinTech Action Plan) lần đầu vào năm 2018 đồng thời xúc tiến việc xây dựng thể chế về gọi vốn cộng đồng[38]. Liên minh châu Âu cũng đang xem xét ban hành Kế hoạch hành động lần thứ hai đối với lĩnh vực công nghệ tài chính vào quý III/2020 tới đây trong đó đặt ra các yêu cầu hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện phát triển các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính đồng thời kiểm soát các loại rủi ro có thể phát sinh.[39] Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành một đạo luật riêng điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng (peer to peer lending) (được Quốc hội Hàn Quốc thông qua ngày 31/10/2019 với tên gọi là “Luật về các hoạt động tài chính mang tính đầu tư trực tuyến - Online Investment-Linked Finance Act). Dự kiến, đạo luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/8/2020 tới.[40] 5. Pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân Bảo vệ thông tin cá nhân ở Việt Nam đã được pháp luật quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật sau đây: (1) Luật Công nghệ thông tin năm 2006 (Điều 21 và 22); (2) Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 38, Điều 387, 517 và 565); (3) Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 (Khoản 15, 16 và 17 Điều 3; Khoản 5 Điều 7; Điều 16, 17, 18, 19 và 20); (4) Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; (5) Thông tư số 25/2010/TT-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông “quy định việc thu thập, sử dụng, chia sẻ, đảm bảo và bảo vệ thông tin cá nhân trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước”; (6) Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (7) Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử; (8) Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015); (9) Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Qua rà soát các văn bản kể trên và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, có thể thấy, pháp luật hiện hành về bảo vệ thông tin cá nhân có một số bất cập như sau: - Phạm vi điều chỉnh của pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân chưa đủ toàn diện. Pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân mới tập trung điều chỉnh việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng.[41] - Có sự chồng chéo giữa nội dung các quy định tại Điều 21 và 22 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và các quy định tại Điều 17, 18 và 19 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, đồng thời có nội dung mâu thuẫn giữa các quy định này (chẳng hạn, thuật ngữ “xử lý thông tin cá nhân” trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 đã bao hàm cả nghĩa “thu thập…lưu trữ… chia sẻ… phát tán thông tin cá nhân”, tức là có nghĩa rộng hơn so với thuật ngữ “xử lý thông tin cá nhân” trong Luật Công nghệ thông tin năm 2006 không bao hàm nghĩa “thu thập… sử dụng thông tin cá nhân”; tổ chức, cá nhân thu thập, sử dụng thông tin cá nhân theo Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 chỉ phải thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân “phạm vi, mục đích” của việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân trước khi tiến hành thu thập, trong khi đó Luật Công nghệ thông tin năm 2006 đòi hỏi tổ chức, cá nhân này phải thông báo không chỉ “phạm vi, mục đích” mà cả “hình thức” và “địa điểm” của việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân). - Có sự không thống nhất trong quy định về định nghĩa “thông tin cá nhân” trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (Khoản 15 Điều 3)[42] và một số văn bản dưới Luật (chẳng hạn, Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước[43], Thông tư số 25/2010/TT-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc thu thập, sử dụng, chia sẻ, đảm bảo an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử)[44]. - Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa dự liệu tới những tình huống thực tế trong thu thập, xử lý thông tin cá nhân như: việc thu thập và xử lý thông tin cá nhân là trẻ em cần lấy ý kiến đồng ý của những ai, việc chuyển thông tin cá nhân xuyên biên giới cần được kiểm soát như thế nào, việc vô danh hóa thông tin cá nhân để sử dụng phải chịu những ràng buộc pháp lý nào v.v. - Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa có quy định về quyền được quên (right to be forgotten) trong những trường hợp cần thiết (một loại quyền năng có giá trị nhân bản mà pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân của nhiều quốc gia đã có quy định). - Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân hiện nay chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chủ thể có hành vi sai trái trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân. Đây cũng là khoảng trống pháp lý cần được xử lý. - Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay đã có các quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng các quy định trên chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện để làm cơ sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo báo cáo của Bộ Công an, qua rà soát sơ bộ, Bộ Công an đã phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, bao gồm: các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, nhân viên môi giới bất động sản, nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước, người có khả năng truy cập vào hệ thống chính quyền điện tử về giáo dục, y tế, chứng khoán, bệnh viện... Việc xử lý hành vi mua bán thông tin cá nhân gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, ví dụ như: khó truy ra đầu mối ai là người tiết lộ, đánh cắp, sử dụng thông tin cá nhân. Nhiều hành vi vi phạm chưa được thể chế phù hợp với tình hình thực tế. - Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới chỉ có một số quy định bước đầu tại Điều 159 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác và Điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.[45] Tuy nhiên, 02 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới thông tin cá nhân đang diễn ra hiện nay. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong nền kinh tế số, dữ liệu cá nhân hoặc thông tin cá nhân trở thành một trong những loại thông tin quan trọng, có giá trị, thường được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thu thập để phục vụ các mục đích kinh tế-xã hội, quản trị của mình. Tuy nhiên, việc thu thập, xử lý, khai thác dữ liệu/thông tin cá nhân có thể đưa tới việc người có thông tin cá nhân cảm thấy quyền về đời sống riêng tư (còn gọi tắt là “quyền riêng tư”) của mình không được tôn trọng, bảo vệ. Điều đó làm ảnh hưởng niềm tin của người dân vào môi trường không gian mạng, trong đó có niềm tin vào các hoạt động thương mại điện tử, thanh toán điện tử v.v. Chính vì thế, để tìm ra điểm cân bằng giữa việc tôn trọng quyền về đời sống riêng tư của mỗi cá nhân trong xã hội, đồng thời tạo điều kiện để các chủ thể có liên quan thu thập, xử lý, khai thác các ích lợi kinh tế mà việc thủ đắc thông tin cá nhân có thể mang lại, qua đó, giúp cho nền kinh tế vận hành bình thường, các quốc gia rất quan tâm tới việc xây dựng và ban hành đạo luật về bảo vệ thông tin cá nhân dưới nhiều hình thức khác nhau. Tiêu biểu trong xu hướng này phải kể tới các quốc gia châu Âu khi Liên minh Châu Âu năm 2016 đã ban hành Quy chế chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân (General Data Protection Regulation - GDPR) (có hiệu lực từ ngày 25/5/2018). GDPR đã quy định chi tiết trách nhiệm của chủ thể thu thập, xử lý thông tin cá nhân trong đó có trách nhiệm của người trực tiếp tiến hành công việc thu thập, xử lý thông tin cá nhân trong doanh nghiệp. Mức phạt cho hành vi vi phạm có thể lên tới mức 4% doanh thu của năm tài chính trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm.Nhiều quốc gia châu Âu đã ban hành Luật về bảo vệ thông tin cá nhân trên cơ sở nội luật hóa các quy định của GDPR. Chẳng hạn, năm 2018, Anh Quốc đã ban hành Luật về bảo vệ thông tin cá nhân. Trong ASEAN, Malaysia ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2010,[46] Singapore đã ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2012 (Personal Data Protection Act of 2012) cùng Quy chế bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2014 (Personal Data Protection Regulations 2014).[47] Thailand ban hành đạo luật đầu tiên về bảo vệ dữ liệu cá nhân (“Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân” - Personal Data Protection Act, năm 2019, có hiệu lực chính thức từ ngày 27/5/2020).[48] Ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản ban hành Luật Bảo vệ thông tin cá nhân lần đầu tiên vào năm 2003 nhưng đã tiến hành sửa đổi, bổ sung cơ bản vào năm 2016 với sự mô phỏng nhiều quy định của GDPR năm 2016 của Châu Âu.[49] Hàn Quốc lần đầu tiên ban hành Luật bảo vệ thông tin cá nhân vào năm 2011 và từ đó tới nay, đạo luật này liên tục được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2014, 2015, 2017 và lần gần đây nhất vào tháng 2/2020 để phục vụ việc phát triển nền kinh tế số của Hàn Quốc.[50] Tại Trung Quốc, ngày 28/5/2020, Quốc hội Trung Quốc đã ban hành Bộ luật dân sự đầu tiên trong lịch sử chế độ mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) với 1260 điều được chia thành 84 chương, trong đó có 1 chương riêng quy định về “quyền về đời sống riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân” (từ Điều 1032 đến Điều 1039 của Bộ luật dân sự)[51] cùng nhiều quy định có liên quan[52]. Hiện tại dự thảo Luật Bảo vệ thông tin cá nhân của Trung Quốc cũng đang được gấp rút soạn thảo để dự kiến trình cơ quan lập pháp của nước này xem xét thông qua vào cuối năm 2020. 6. Pháp luật về thuế và quản lý thuế Pháp luật về thuế và quản lý thuế ở Việt Nam trong thời gian qua đã có những điều chỉnh nhất định để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển thương mại điện tử và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam. Nhóm 9 đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật sau trong lĩnh vực thuế và quản lý thuế: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013 và 2014), Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2014, 2016), Luật Quản lý thuế năm 2019[53], Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 66/2019/TT-BTC ngày 20/9/2019 của Bộ Tài chính) … Qua rà soát, Nhóm 9 thấy Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trong đó các quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đã được bổ sung trong Luật Quản lý thuế năm 2019.[54] Để thực hiện được các quy định mới này, nhiều quy định tại Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, Thông tư số 110/2015/TT-BTC sẽ không còn phù hợp. Do đó, các văn bản trên cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật quản lý thuế năm 2019. Cụ thể: - Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế năm 2019 sẽ thay thế Nghị định số 83/2013/NĐ-CP và thay thế một số quy định trong các Nghị định khác có liên quan[55]. Đi kèm với đó là việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ. Các văn bản mới này dự kiến bổ sung một số quy định về cung cấp thông tin, công khai thông tin của người nộp thuế và nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại: Cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng của người nộp thuế cho Tổng cục Thuế bằng phương thức điện tử (gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản, mã số thuế, ngân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản, loại tài khoản (tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi), ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản), cung cấp lần đầu vào ngày 01/01/2021 đối với các tài khoản ngân hàng của người nộp thuế đang còn hiệu lực tính đến thời điểm 31/12/2020, cung cấp hàng tháng (chậm nhất ngày 10 hàng tháng) tài khoản đăng ký mới, thay đổi thông tin, đóng tài khoản; khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế cho nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua ở Việt Nam phải trả cho nhà cung cấp ở nước ngoài tính trên từng giao dịch mà người mua ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế; trách nhiệm trong việc thực hiện bảo lãnh về tiền thuế cho người nộp thuế; nộp thuế thay cho người nộp thuế đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế được sử dụng làm tài sản bảo đảm để vay tiền ngân hàng khi ngân hàng thương mại bán đấu giá tài sản này và áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện tại thời điểm ngân hàng thương mại kê khai, nộp thuế cho cơ quan hải quan. - Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ mở rộng đối tượng quy định hơn, cụ thể: Bổ sung thêm hóa đơn bán tài sản nhà nước và hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia; Bổ sung thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp đặc thù; Sửa đổi quy định về việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử không thu tiền của Tổng cục Thuế, theo đó bỏ quy định về các trường hợp được sử dụng hóa đơn điện tử không thu tiền trong toàn thời gian hoạt động và sửa đổi thành được sử dụng hóa đơn điện tử không thu tiền của Tổng cục Thuế trong thời gian 12 tháng kể từ khi bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử; Sửa đổi quy định về xử lý đối với hóa đơn điện tử có sai sót, theo đó bổ sung hình thức lập hóa đơn điện tử điều chỉnh khi có sai sót.[56] - Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 66/2019/TT-BTC ngày 20/9/2019 của Bộ Tài chính). Thông tư số 110/2015/TT-BTC cần được thay thế bởi Thông tư mới để phù hợp với các quy định mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2019.[57] Luật Quản lý thuế đã bổ sung thêm đối tượng người nộp thuế phải đăng ký thuế, khai thuế nộp thuế tại Việt Nam là các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thưởng trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác. Đồng thời, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, Bộ, ngành có liên quan phải thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử. Hiện nay, việc thực hiện các thủ tục hành chính dịch vụ công cấp 3, 4 không chỉ thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế mà còn triển khai thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo Nghị định số 61/2008/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011. - Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo:Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Khoản 3 Điều 18) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:Khoản 3 Điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định Nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp) được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp chưa quy định ưu đãi thuế cho đối tượng này; do đó, hình thức ưu đãi này vẫn chưa được thực hiện trên thực tế. Điều này chưa khuyến khích thành lập quỹ do các nhà đầu tư không thấy mô hình quỹ có lợi hơn so với hình thức công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. 7. Pháp luật về giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm - Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự năm 1999:Chưa có quy định xử lý một cách rõ ràng về tội phạm đánh bạc qua mạng, các trò chơi trực tuyến có tính chất cờ bạc, chơi đánh bạc qua các máy chơi game. Quá trình điều tra xử lý liên quan đến tội phạm đánh bạc và tội phạm tổ chức đánh bạc vẫn chủ yếu áp dụng theo văn bản hướng dẫn quy định tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự năm 1999, điều này đã gây ra nhiều khó khăn, bất cập vì Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay như: khó khăn trong xác định số lần đánh bạc của con bạc khi chơi trò chơi trực tuyến đổi thưởng; đối với các trò chơi đổi thưởng thì không quy định thành các đợt hay trận cụ thể như lô đề, cá độ bóng đá. Ở đây, các con bạc có thể chơi bất kỳ khi nào muốn, chơi bất cứ trò nào của hệ thống game (24/24). Ngoài ra, việc áp dụng Điều 321 (tội đánh bạc) và Điều 322 (tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) cũng gặp những vướng mắc nhất định. Cụ thể: + Điều 321 (Tội đánh bạc): Khó khăn khi xác định tiền và số tiền thực hiện đánh bạc đối với con bạc tham gia trò chơi trực tuyến là game bài, game quay thưởng… ; người chơi tham gia chơi sẽ phải dùng tiền thật để mua tiền game và chơi bằng tiền game. + Điều 322 (Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc): Về tính chiếu bạc khi bắt quả tang: Đối với các trò chơi trực tuyến khi bắt quả tang một nhóm hay nhiều nhóm đang sử dụng điện thoại, máy tính để tham gia đánh bạc thì khó xác định theo Mục 1 khoản a điều này. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định của Điều 288 (Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng mạng tính, mạng viễn thông) cũng có vướng mắc. Trong thực tế, phần lớn việc xử lý các vi phạm trên lĩnh vực này đang dừng ở mức độ xử lý vi phạm hành chính, chưa đủ sức răn đe các đối tượng lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để tuyên truyền, phát tán thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc nhằm chống Đảng, Nhà nước và các thông tin vi phạm pháp luật khác. - Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: Bộ luật này chưa quy định về quy trình, thủ tục, cách thức thu thập chứng cứ từ dữ liệu điện tử. Chính vì vậy, cần xây dựng các quy định về quy trình, thủ tục, cách thức… thu thập chứng cứ từ dữ liệu điện tử cũng như quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong việc sử dụng chứng cứ thu thập từ dữ liệu điện tử để phát huy hết hiệu quả phục vụ công tác đấu tranh với các đối tượng phạm tội trên mạng viễn thông, internet, cũng như trong việc giải quyết các tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự. 8. Nội dung khác - Tư cách pháp nhân của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn): Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư được thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tuy nhiên, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân. Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc ủy quyền quản lý tài chính cho một vài cá nhân và trong hoạt động quản lý tài khoản với ngân hàng. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư cho rằng quy định số lượng các nhà đầu tư tại mọi thời điểm không vượt quá 30 nhà đầu tư có thể gây cản trở cho việc huy động vốn cho quỹ vì tùy theo nhu cầu, thời hạn đầu tư thì số lượng nhà đầu tư có thể sẽ lớn hơn rất nhiều. - Đối tượng thụ hưởng của Quỹ đầu tư phát triển địa phương: Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương (được sửa đổi, bổ sung năm 2013 bởi Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013) chưa quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng đầu tư của quỹ đầu tư phát triển. Do đó, nhiều địa phương dù có Đề án khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có nội dung sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư cùng các quỹ tư nhân theo quy định tại Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nhưng chưa đủ căn cứ để các quỹ đầu tư phát triển địa phương triển khai nhiệm vụ này. - Phương tiện giao thông không người lái: Pháp luật Việt Nam hiện hành (Luật Giao thông đường bộ v.v.) chưa có quy định về tiêu chuẩn an toàn, điều kiện cấp phép, thử nghiệm các phương tiện giao thông không người lái.Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tại Hoa Kỳ, năm 2013, chính quyền liên bang đã ra hướng dẫn đầu tiên về việc bảo đảm an toàn và cấp phép thử nghiệm xe ô tô không người lái [United States National Highway Traffic Safety Administration, “Preliminary Statement of Policy Concerning Automated Vehicles” (30 May 2013)]. Ở cấp bang, tính đến tháng 3/2019, đã có 43 tiểu bang ở Hoa Kỳ ban hành hoặc dự tính ban hành đạo luật quy định về phương tiện giao thông không người lái (trong đó có các quy định về tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ dữ liệu người dùng và lộ trình, việc cấp phép thử nghiệm, việc bảo hiểm, việc tiếp cận phương tiện bởi người khuyết tật, v.v).[58] California đã ban hành Luật năm 2016 về nội dung này.[59] Tại Anh Quốc, năm 2018, quốc gia này đã ban hành đạo luật đầu tiên về phương tiện giao thông tự động có tên là “Luật về phương tiện giao thông điện và tự động” (Automated and Electric Vehicles Act).[60] - Hoạt động kế toán: Theo quy định tại Luật Kế toán năm 2015, đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng và tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2018 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng quy định doanh nghiệp phải đăng ký kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán với ngân hàng; chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền duyệt chi và kế toán trưởng (hoặc người được ủy quyền) ký duyệt và chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Tuy nhiên, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ và thanh toán trực tuyến ngày càng phát triển, yêu cầu có đầy đủ 02 chữ ký (người duyệt chi và kế toán trưởng) ảnh hưởng đến việc lựa chọn, sử dụng phương thức thanh toán, giao dịch trực tuyến, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thường đi thuê kế toán. Do đó, Luật Kế toán năm 2015 và các văn bản hướng dẫn cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế nêu trên. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Tài chính có nhiệm vụ hướng dẫn hạch toán kế toán cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, đến tháng 12/2019, Bộ Tài chính vẫn chưa hướng dẫn nội dung này khiến một số quỹ tuy đã thành lập, công ty thực hiện đầu tư quỹ đã thông báo bổ sung mã ngành nhưng vẫn chưa hoạt động được vì chưa có hướng dẫn hạch toán cụ thể. - Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Hiện nay, Việt Nam đã bước đầu có khung pháp lý cho sự vận hành của chính phủ điện tử, hướng tới việc xây dựng chính phủ số, thể hiện trong các quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Căn cước công dân năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành[61] hoặc có liên quan (như Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước…) cùng các Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử.[62]Tuy nhiên, để hình thành khung pháp lý cho Chính phủ điện tử, Chính phủ số cần sớm nghiên cứu, xây dựng Luật về Chính phủ điện tử, Chính phủ số trên cơ sở tổng kết một số luật và các VBQPPL có liên quan và kinh nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, để tận dụng được hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng lần thứ tư đem lại thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ chuyển đổi nền kinh tế số, phát triển nhanh bền vững dựa trên khoa học công nghệ, Việt Nam cần xây dựng và phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin, nền công nghiệp số và chúng ta cần có hành lang pháp lý cho tiến trình này; việc nghiên cứu xây dựng Luật về công nghiệp công nghệ số là tất yếu cho hành lang pháp lý thức đẩy và phát triển bèn vững trên nền tảng số. Kinh nghiệm quốc tế, cho thấy hướng tới việc xây dựng nền quản trị công “không giấy tờ”, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định pháp luật để xây dựng chính phủ điện tử và chính phủ số. Chẳng hạn, Hàn Quốc đã ban hành Luật Chính phủ điện tử đầu tiên trên thế giới vào năm 2001 (sau đó đạo luật này được sửa đổi toàn diện vào năm 2010, đồng thời được tiếp tục sửa đổi, bổ sung các năm sau đó với tần suất khoảng 1 năm/1 lần để kịp thời cập nhật xu thế xây dựng chính phủ số).[63] Hoa Kỳ xây dựng và ban hành Luật Chính phủ điện tử vào năm 2002 (có sửa đổi, bổ sung những năm sau đó) và hiện vẫn đang có giá trị thi hành.[64] [1] Xem Phụ lục 2 (chia theo từng ngành, lĩnh vực thuộc Nhóm 9) gồm văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có quy định mẫu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. [2] Khoản 2 Điều 3 Luật này quy định “hàng hóa bao gồm: a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đất đai”. [3] Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định “Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; c) Chứng khoán phái sinh; d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định”. [4] Điều 3 Luật này quy định thu nhập chịu thuế bao gồm “thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá”. [5] Điều 3 Luật này có quy định loại thu nhập phải chịu thuế. [6] Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. [7] Các quy định về mua bán tài sản được quy định bởi Bộ luật dân sự năm 2015 từ Điều 430 đến Điều 454, các quy định về trao đổi tài sản được quy định bởi Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 455 và 456). Tuy nhiên, các quy định này có thể sẽ không được áp dụng để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên nếu “tài sản mã hóa” không thực sự được coi là tài sản theo nghĩa của Bộ luật dân sự năm 2015. [8] Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Do vậy, nếu “tài sản mã hóa” không được coi là tài sản theo nghĩa mà Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thì cũng không thể được coi thuộc phần di sản của người chết trong quan hệ thừa kế, từ đó sẽ không đặt ra vấn đề phân chia di sản. [9] Nếu “tài sản mã hóa” không được coi là tài sản thì quy định về tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) sẽ không được áp dụng đối với các trường hợp xảy ra hành vi chiếm đoạt “tài sản mã hóa” ngoài ý muốn của người đang nắm giữ “tài sản mã hóa” mà như kinh nghiệm quốc tế cho thấy hoàn toàn có thể xảy ra <https://www.crowdfundinsider.com/2020/05/161147-chinese-authorities-continue-to-recognize-bitcoin-btc-as-a-digital-asset-entitled-to-protection-under-the-law-in-latest-court-case/>. [10] Điều 3 Luật này quy định thu nhập chịu thuế bao gồm “thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá”. [11] Điều 3 Luật này có quy định loại thu nhập phải chịu thuế. [12] Báo cáo rà soát của Ngân hàng nhà nước gửi cho Nhóm 9. [13] <http://www.globaltimes.cn/content/1158377.shtml>. [14] Còn gọi là cấm hoạt động phát hành “tiền mã hóa” (ICO). [15] <https://www.globallegalinsights.com/practice-areas/blockchain-laws-and-regulations/china> [16] <https://www.globallegalinsights.com/practice-areas/blockchain-laws-and-regulations/usa> [17] <https://www.globallegalinsights.com/practice-areas/blockchain-laws-and-regulations/japan#chaptercontent2> [18] Chương này gồm 5 phần: Phần A “Quy tắc chung” gồm 1 Điều (Điều 11); Phần B “Đăng ký nhà cung cấp dịch vụ công nghệ xác tín” gồm 27 điều [từ Điều 12 đến Điều 38: được chia thành 5 mục, Mục 1 “Nghĩa vụ đăng ký và các yêu cầu để được đăng ký” (từ Điều 12 đến Điều 17), Mục 2 “Thủ tục đăng ký” (Điều 18 và Điều 19), Mục 3 “Hết hạn đăng ký và xóa đăng ký” (từ Điều 20 đến Điều 22), Mục 4 “Sổ đăng ký nhà cung cấp dịch vụ xác tín” (Điều 23), Mục 5 “Triển khai các hoạt động kinh doanh” (từ Điều 24 đến Điều 29), Mục 6 “Thông tin cơ bản để phát hành Token” (từ Điều 30 đến Điều 38)]; Phần C “Giám sát” gồm 6 điều (từ Điều 39 đến Điều 44); Phần D “Kiện tụng và các chế tài pháp lý” (Điều 45 và Điều 46); Phần E “Quy định hình sự” gồm 3 điều (từ Điều 47 đến Điều 49). [19] Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã tiến hành dịch đạo luật này ra tiếng Việt. [20] Quyền tác giả là “quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu” (Khoản 2 Điều 4). [21] Quyền sở hữu công nghiệp là “quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh” (Khoản 4 Điều 4). [22] Quy định này được hướng dẫn chi tiết bởi Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. [23] Mặc dù vậy, cũng có một số vấn đề mới liên quan đến sở hữu trí tuệ chưa có giải pháp giải quyết thống nhất như: Các quy định hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính được quy định tại khoản 1 Điều 22, Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, chương trình máy tính thông thường không đương nhiên được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế, mà chỉ được bảo hộ quyền tác giả, chỉ những chương trình máy tính là một giải pháp kỹ thuật chạy trên một thiết bị cụ thể mới được xem xét, bảo hộ sáng chế. [24] Thay thế cho Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 và Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013). [25] Ý kiến của Công ty FPT. [26] Chinese People’s Supreme Court (2019), Chinese Courts and Internet Judiciary <https://drive.google.com/file/d/1T8i303Czq1GV3RAbJc7tHXpSPxT2nv-5/view>. [27] Bản dịch tiếng Anh của Luật này có thể tiếp cận tại: <https://www.izvoznookno.si/Dokumenti/E-commerce%20Law%20of%20the%20People%E2%80%99s%20Republic%20of%20China.pdf>. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã dịch sang tiếng Việt đạo luật này. [28] Được chia thành 2 mục: Mục 1 “Những quy tắc chung” (từ Điều 9 tới Điều 26) (quy định nghĩa vụ chung của chủ thể kinh doanh thương mại điện tử) và Mục 2 “Chủ thể kinh doanh nền tảng thương mại điện tử” (từ Điều 27 tới Điều 46) (quy định nghĩa vụ riêng có của chủ thể kinh doanh nền tảng thương mại điện tử). [29] Điều 89 quy định Luật Thương mại điện tử có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. [30] Có địa chỉ website là <https://www.netcourt.gov.cn/portal/main/en/index.htm> [31] “How to litigate before the internet courts in China” <https://www.chinajusticeobserver.com/insights/how-to-litigate-before-the-internet-courts-in-china.html> [32] Ngoại trừ việc ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đã được quy định trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. [33] Điều 15. Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng 1. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần bao gồm: a) Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; b) Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; c) Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua; d) Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành; đ) Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán; e) Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích; g) Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán; h) Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán; i) Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán. 3. Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng bao gồm: a) Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm; c) Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; d) Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác; đ) Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán; e) Đáp ứng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này; g) Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng; h) Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán; i) Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán. [34] Từ Điều 463 đến Điều 470. [35] Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự 1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên155, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. [36] Với một số quy định đáng chú ý như: Đạo luật này chỉ điều chỉnh việc cho thuê phòng hoặc căn hộ với thời hạn ngắn (từ 31 ngày trở xuống), vì vậy, đạo luật không tác động tới việc thuê phòng hoặc căn hộ với thời hạn dài hơn (do đó không ảnh hưởng tới hoạt động thuê phòng, thuê căn hộ của sinh viên, người mới ra trường v.v.) và có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2019 (nhưng chỉ áp dụng cho các hoạt động cho thuê từ ngày 1/7/2019). Đạo luật này yêu cầu chủ sở hữu hoặc người vận hành phòng, căn hộ cho thuê phải tiến hành đăng ký với chính quyền bang/chính quyền thành phố, phải nộp thuế ở mức 2,75% tiền cho thuê ở một số địa bàn, và phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với mức bảo hiểm là 1 triệu USD cho một lần cho thuê ngắn hạn. Đạo luật này cũng quy định chỉ những căn hộ hoặc phòng ở dư thừa đáp ứng những yêu cầu nhất định (chẳng hạn, không vi phạm quy định về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh, an toàn, quy hoạch v.v.) mới được đưa vào thị trường cho thuê ngắn hạn. Các công ty kiểu Airbnb nếu chấp nhận các phòng không đạt chuẩn đưa vào cho thuê sẽ bị phạt mỗi trường hợp vi phạm là 300 USD/1 ngày (Xem: <https://cciaor.com/shorttermrentals#major-provisions-of-the-law và https://trentdailytimes.com/2019/08/31/airbnb-reaches-deal-with-boston.html). [37] <https://malegislature.gov/Laws/SessionLaws/Acts/2018/chapter337>. [38] Dự thảo Bản đề xuất Quy định của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu về chủ thể cung ứng dịch vụ gọi vốn cộng đồng cho doanh nghiệp (gồm 8 chương, 39 điều) đã được công bố để tham vấn ý kiến từ năm 2018 và đang được các cơ quan hữu quan của Liên minh Châu Âu hoàn thiện để ban hành trong thời gian tới <https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A52018PC0113>. [39] <https://ec.europa.eu/info/consultations/finance-2020-digital-finance-strategy_en> [40] <http://www.leeko.com/newsl/fintech/1912/fin1912_e.html> [41] Điều 21 và 22 Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Điều 16, 17, 18, 19 và 20 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. [42] “Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể”. [43] “Thông tin cá nhân là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu”. [44] “Thông tin cá nhân là các thông tin góp phần định danh một cá nhân cụ thể, bao gồm tên, tuổi, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, thông tin y tế, số tài khoản, thông tin về các giao dịch thanh toán cá nhân và những thông tin khác mà cá nhân mong muốn giữ bí mật. Thông tin cá nhân trong Nghị định này không bao gồm thông tin liên hệ công việc và những thông tin mà cá nhân đã tự công bố trên các phương tiện truyền thông.” [45] Điều 159 Bộ luật hình sự quy định, việc “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác” có thể bị phạt tới 03 năm. Điều 288 quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù giam. [46] Robert Walters, et. al (eds.), Data Protection Law: A Comparative Analysis of Asia-Pacific and European Approaches (Singapore: Springer, 2019) at 197. [47] Robert Walters, et. al (eds.), Data Protection Law: A Comparative Analysis of Asia-Pacific and European Approaches (Singapore: Springer, 2019) at 83. [48] <https://www.dataprotectionreport.com/2020/02/thailand-personal-data-protection-law/> [49] <https://www.dataguidance.com/notes/japan-data-protection-overview> [50] <http://koreanlii.or.kr/w/index.php/Recent_amendments_to_PIPA> [51] Bao gồm các nội dung như: Định nghĩa về đời sống riêng tư (Điều 1032) và các hành vi được coi là xâm phạm quyền về đời sống riêng tư (Điều 1033); định nghĩa thông tin cá nhân và nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân (Điều 1034), điều kiện để việc thu thập và xử lý thông tin cá nhân được coi là hợp pháp (Điều 1035), miễn trừ trách nhiệm đối với chủ thể thu thập và xử lý thông tin cá nhân (Điều 1036), quyền của chủ thể thông tin cá nhân và nghĩa vụ của chủ thể thu thập và xử lý thông tin cá nhân (Điều 1037, 1038 và 1039). [52] Quy định tại Điều 110 (công nhận cá nhân có quyền về đời sống riêng tư), Điều 111 (công nhận cá nhân có quyền đối với thông tin cá nhân), các quy định từ Điều 994 tới Điều 1000 về việc kiện đòi bồi thường thiệt hại khi có hành vi xâm phạm quyền riêng tư và thông tin cá nhân, quy định tại Điều 1030 về trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi xử lý thông tin (trong đó có việc xử lý thông tin cá nhân), quy định tại Điều 1226 về trách nhiệm của cơ sở y tế và nhân viên y tế đối với việc tôn trọng đời sống riêng tư và thông tin cá nhân của bệnh nhân < https://www.dlapiper.com/en/uk/insights/publications/2020/06/new-chinese-civil-code-introduces-greater-protection-of-privacy-rights-and-personal-information/>. [53] Có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, riêng các quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. [54] Khoản 3 Điều 15 quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm “Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc kết nối, cung cấp thông tin liên quan để phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử”. Khoản 5 Điều 15 quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm “a) Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật này; b) Xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; c) Thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.” Khoản 3 Điều 27 quy định ngân hàng thương mại có nhiệm vụ, quyền hạn “khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam”. Khoản 4 Điều 42 quy định: “Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”... [55] Như Điều 4 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế; Điều 5 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; Điều 3 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 5 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 04/10/2016 quy định về lệ phí môn bài; Khoản 3 Điều 13a Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014; Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 và khoản 3 Điều 21 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP; khoản 7 Điều 3 Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017; Chương II Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Chương 2 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; khoản 20 và 21 Điều 1 Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ. [56] Dự thảo Nghị định cũng quy định về hóa đơn do Cơ quan thuế đặt in (đối tượng được mua hóa đơn do Cơ quan thuế đặt in là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp được sử dụng hóa đơn điện tử có mã không thu tiền trong 12 tháng của Tổng cục Thuế nhưng chưa thể thực hiện được hóa đơn điện tử thì được mua hóa đơn do Cơ quan thuế đặt in trong thời gian tối đa 12 tháng; Hàng quý, tổ chức, hộ, cá nhân mua hóa đơn của cơ quan thuế có trách nhiệm nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và bảng kê hóa đơn sử dụng trong kỳ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp). Dự thảo Nghị định quy định áp dụng đối với chứng từ theo các hình thức đặt in, tự in và điện tử gồm các nội dung quy định về các loại chứng từ, thời điểm lập chứng từ, nội dung chứng từ, định dạng chứng từ điện tử, đăng ký sử dụng chứng từ, thông báo phát hành chứng từ (biên lai) đặt in, tự in, lập và ủy nhiệm lập chứng từ, báo cáo tình hình sử dụng, xử lý biên lai. [57] Khoản 8 Điều 8 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định: “Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hồ sơ, thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế”. Ngoài ra, tại Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định “Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính”. Khoản 3 Điều 96 quy định: “Cơ quan quản lý thuế phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để trao đổi thông tin, kết nối mạng trực tuyến”. Khoản 3 và Khoản 4 Điều 98 quy định: “Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế thông qua kết nối mạng trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử hằng ngày qua hệ thống thông tin người nộp thuế hoặc thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia... Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế”. [58] Catherine Easton, “Autonomous Vehicles: An Analysis of the Regulatory and Legal Landscape” in Lilian Edwards, et. al (eds.), Future Law: Emerging Technology, Regulation and Ethics (Edinburgh: Edinburgh University Press, 2020) at 317-318. [59] An Act to Add and Repeal Section 38755 of the Vehicle Code < https://leginfo.legislature.ca.gov/faces/billTextClient.xhtml?bill_id=201520160AB1592>. [60] Automated and Electric Vehicles Act < http://www.legislation.gov.uk/ukpga/2018/18/section/3/enacted>. [61] Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 3/5/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin; Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách; Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân (thay thế cho Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư)… [62] Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. [63] <https://elaw.klri.re.kr/eng_mobile/viewer.do?hseq=45844&type=part&key=4> [64] <https://www.govinfo.gov/content/pkg/PLAW-107publ347/pdf/PLAW-107publ347.pdf> Tệp đính kèm: 02072020---BC-4.0.pdf

Từ khóa » Tiền điện Tử Có Bị Cấm Không